Dấu vết Champa ở Nghệ Tĩnh – Tác giả: Võ Văn Thắng

Dấu vết Champa ở Nghệ Tĩnh - Tác giả: Võ Văn Thắng

DẤU VẾT CHAMPA Ở NGHỆ TĨNH

Võ Văn Thắng 

 

1. Đặt vấn đề

Lâu nay thường nghe nói biên giới xưa của Lâm Ấp, Chiêm Thành (hay Champa) về phía bắc chỉ tới Hoành Sơn, giữa Quảng Bình và Hà Tĩnh ngày nay. Nhưng thực tế có nhiều dấu vết văn hóa Champa ở phía bắc đèo Ngang; khảo cứu sử liệu cũ cũng thấy câu chuyện phạm vi, ranh giới của Lâm Ấp, Chiêm Thành không đơn giản là một vạch ngang ở Hoành Sơn. Ở Hà Tĩnh và Nghệ An đã có sự cộng cư của người Việt cổ và người Chăm cổ từ thế kỷ 15 trở về trước, trong đó nhóm người Chăm cổ có quá trình định cư đa dạng. Tìm hiểu về sự hiện diện của các yếu tố Champa ở Nghệ – Tĩnh sẽ giúp chúng ta có cái nhìn rõ hơn về đặc trưng văn hóa và ngôn ngữ vùng Bắc Trung bộ Việt Nam.

2. Thông tin dữ liệu

2.1. Các dấu vết vật thể

Trên Bulletin des Amis du Vieux Hué (Đô Thành Hiếu cổ tập san) năm 1936, Hippolyte Le Breton có chuyên luận Le vieux An Tĩnh viết vùng Nghệ An – Hà Tĩnh xưa; tác giả thông tin và miêu tả một số di tích liên quan đến Champa.

Chùa Nam Sơn hay chùa Ngang (trước thuộc tổng Nam Kim, nay thuộc xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn, Nghệ An) là ngôi chùa xây dựng từ thế kỷ 11. Breton ghi nhận “chùa đã bi bỏ hoang từ lâu, nhưng một số pho tượng còn ghi lại quá khứ của nó. Thú vị nhất là những tượng có phong cách thuần túy Ấn Độ, tạc vợ chồng Vischnou và Cyva. Rõ ràng đây có ảnh hưởng Champa”.[i]

Ở tả ngạn sông Lam có một địa điểm người dân gọi Lồi Vương Thành, tức là Thành của vua Champa; ngoài ra người dân còn gọi vùng này là “Xiêm Thành xứ”, tức xứ Champa.[ii]

Từ năm 2009 đến 2014, các nhà khảo đã phát hiện 20 giếng cổ mang đặc trưng văn hóa Champa ở Hà Tĩnh, nằm ở các xã Mai Phụ (huyện Lộc Hà), xã Cẩm Huy (huyện Cẩm Xuyên), xã Kỳ Trinh, Kỳ Châu, Kỳ Ninh, Kỳ Lợi (huyện Kỳ Anh). Những giếng được phát hiện hầu như còn nguyên vẹn, chỉ có một số giếng được người dân trong vùng cải tạo (Quang Sáng, 2014).

Năm 2010, một gia đình người Thái ở Qùy Hợp, Nghệ An, phát hiện các hiện vật bằng đồng có chạm nổi một số chữ dạng Ấn Độ cổ và các hình tượng thường thấy ở Champa như hình tháp, hình sư tử đầu voi (Thái Tâm 2010).

Ở phường Nghi Thu (làng Thu Lũng xưa), thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An, hiện có nhà thờ họ Chế. Mặc dù nhiều người trong tộc đã chuyển thành tộc Nguyễn, nhưng ở tấm bia chữ Hán tại nhà thờ vẫn còn dòng chữ nói rõ “Dòng họ ta trước kia là họ Chế, sau này đổi sang họ Nguyễn” (Nguyễn Hồ, 2017). Năm 2019, nhà thờ họ Chế ở thị xã Cửa Lò được xếp hạng là di tích cấp tỉnh của Nghệ An, ghi nhận họ Chế làng Thu Lũng có nguồn gốc Chiêm Thành với lịch sử hơn 600 năm (Trần Thị Thu Hằng, 2019).

2.2. Tộc người Bồ Lô

Cho đến cuối thế kỷ 20, ở vùng ven biển Nghệ An- Hà Tĩnh vẫn còn một cộng đồng dân cư khác biệt, đó là những người Bồ – Lô, chủ yếu là sống trên sông nước. Theo nghiên cứu của Nguyễn Duy Thiệu (1984), “ng­ười Bồ Lô c­ư trú dọc theo ven biển từ Thanh Hoá tới Quảng Bình, tập trung nhất là ở Hà Tĩnh, đặc biệt tại 2 cửa biển lớn của tỉnh này là cửa Nhượng (cửa Kỳ La, Cơ La, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) và cửa Sót (cửa Nam Giới, Nam Giới hải môn, Thạch Hà, Hà Tĩnh). Vào những năm 80 của thế kỷ trước, tại cửa Sót có khoảng có gần 100 hộ gia đình người Bồ Lô thủy cư. Người điạ phương gọi họ là dân nôốc câu (nôốc là thuyền, câu là chuyên nghề câu cá), hay là dân Bồ Lô hoặc là dân Bố Chính. Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, trong dân gian, Bồ Lô được dùng như một tộc danh để chỉ một nhóm người mà dân cửa Sót quan niệm là “mường nước mặn”. Ngoài cửa Sót, người Bồ Lô còn có mặt ở các cửa biển khác như cửa Nhượng (Hà Tĩnh), cửa Hội, cửa Lò (Nghệ An) và một số cửa biển khác tại Thanh Hóa, Quảng Bình… Về mặt thuần túy ngoại diện, cũng có thể phân biệt họ với dân địa phương: da sẫm, tóc xoăn, môi dày… Thoạt nhìn, họ có dáng dấp gần với người Malayo hơn”.

Về nhóm người Bồ Lô, H. L. Breton (1935) thuật lại như sau: “có một nhóm dân cư có nguồn gốc bí ẩn, ở ven biển Hà-Tĩnh, giữa Cửa-Sót và Cửa-Nhượng, và xa hơn về phía nam đến tận Hoành-Sơn, thuộc tỉnh Quảng Bình. Đây là những người mà người An Nam gọi là Ba-Lan hoặc Bô-Lô. Người Ba-Lan khác người An Nam một cách kỳ lạ ở một số đặc điểm nhân chủng học (đặc biệt là da ngăm đen và tóc xoăn), phong tục tập quán và hơn hết là ngôn ngữ của họ mà người An Nam không hiểu. Họ có thể là hậu duệ của tộc Chăm sống du cư dọc theo bờ biển mà không  định cư ở một chỗ. Họ không có ruộng. Họ sống nhờ các sản phẩm từ cá. Họ sống trong những chiếc thuyền nhẹ, cùng nhau tạo thành những vạn, có nghĩa là những ngôi làng nổi “.[iii]

2.3. Ngôn ngữ Malay-polynésien.

Theo ghi nhận của Breton (1935) người Bồ Lô nói một ngôn ngữ mà người An Nam không hiểu được, và suy đoán “họ có thể là hậu duệ của tộc Chăm”. Để tránh nhầm lẫn với tộc danh “dân tộc Chăm” trong 54 dân tộc anh em ở Việt Nam hiện nay, có thể nói rằng người Bồ Lô là hậu duệ của một tộc người “Chăm cổ”. Họ cùng thuộc hệ ngôn ngữ Nam Đảo, nhánh Mã lai-Đa đảo (Malayo-polynésien), như các tộc người Chăm cổ khác ở Champa trước thế kỷ 15.

Tên gọi “Bồ-Lô” cho thấy nguồn gốc ngôn ngữ Malay-polynesien; trong tiếng Mã lai, “pulau” có nghĩa là “đảo nhỏ”, hoặc “anak pulau” có nghĩa là “người ở đảo”. Hiện nay, ở Nghệ An và Hà Tĩnh còn bảo lưu môt số địa danh như “Cửa Lò” (còn có tên là Cô-La) và Cửa Kỳ La (tên khác là Cơ-La hoặc Cửa Nhượng). Tên gọi đặc biệt của hai cửa biển này cho thấy đây chỉ là sự ghi âm của người đến ở sau, dựa theo một cách gọi của người sinh sống tại đây từ trước. Hiện nay trong tiếng Mã lai vẫn dùng từ “kuala” có nghĩa là cửa biển hoặc ngã ba sông; tên gọi thủ đô “Kualalumpur” gồm 2 từ “kuala” và “lumpur” (đầm lầy) (Shellabear W. G.,1912, 1916). Các tên gọi cửa biển ở Hà Tĩnh, Nghệ An là chứng tích cư trú của một cộng đồng nói tiếng Malay-polynésien thời xa xưa.

Một ngôi đền ven biển ở thị xã Hoàng Mai, Nghệ An có tên là “Đền Cờn” (hoặc Đền Càn), thờ “Đại Càn quốc gia nam hải tứ vị thánh nương”. Danh xưng “Cờn” hoặc “Càn” cũng có khả năng nguồn gốc từ tiếng Mã lai-Đa đảo là “ikan”, nghĩa là cá (Shellabear W. G.,1912, 1916); và có thể ngôi đền khởi nguồn từ tục thờ thần cá, và về sau trở thành vị thần Đại Càn Nam Hải trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam.

2.4. Tục đánh đu

Ngoài tục đua thuyền và lễ cúng cá ông, ở Hà Tĩnh còn có tục “đu tiên” với một bộ xích đu đặc biệt. Breton (1936) mô tả “đó là một bánh xe lớn hình lục giác, ở sáu cạnh treo sáu cái đu có mang sáu cô thiếu nữ trang điểm rất đẹp, họ dùng lực của đôi bàn chân để làm cho bánh xe quay (…)  trò chơi đu tiên mang phong cách của một nghi lễ tôn giáo chỉ dành riêng cho thiếu nữ tìm chồng”[iv] . Breton dẫn ý kiến của E.M. Durand (1907: 320-321) cho rằng tục đu tiên ở Hà Tĩnh gợi lại một hình thức cúng tế mang tính chất tôn giáo Champa mượn của Ấn Độ.

Xét trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (ĐVSKTT) cũng thấy có chép (vào năm 1365, khi đất Ô Lý của Chiêm Thành đã thuộc về Đại Việt), “trước đây, theo tục Hóa Châu, tháng giêng hàng năm, trai gái họp nhau ở Bà Dương chơi trò đánh đu. Người Chiêm đã nấp sẵn ở đầu nguồn Hóa Châu từ tháng 12 năm trước, đến khi ấy ập tới cướp bắt đem về”.

2.5. Địa giới các thời kỳ: Nam Giới, Đèo Ngang, sông Gianh, đèo Hải Vân và sông Thu Bồn

Ở bờ nam của cửa Sót, tỉnh Hà Tĩnh, có ngọn núi tên là Nam Giới, nổi lên giữa đồng bằng ven biển. Đại Nam Nhất Thống Chí (ĐNNTC) viết ” Gọi là núi Nam Giới, là vì ngày xưa phía nam Cửa Sót, giáp với Chiêm Thành” (Tập 2, chương Đạo Hà Tĩnh, tr. 102). Đối chiếu với chính sử thì không thấy có thời kỳ nào biên giới lãnh thổ Chiêm Thành bao gồm cả vùng Hà Tĩnh cho đến Cửa Sót. Tuy nhiên, tên gọi ngọn núi này bảo lưu một cách nhìn của một thời kỳ xa xưa, khi mà quan lại và dân cư ở phía bắc khi đến sông Nghèn và cửa Sót đã nhận thấy phần đất phía nam là của một cộng đồng khác với mình về ngôn ngữ về sắc tộc.

ĐVSKTT  chép khi Đinh Bộ Lĩnh dẹp “loạn sứ quân” trước năm 968, có Ngô Nhật Khánh, một trong 12 sứ quân, đã dắt vợ (là con gái của Đinh Bộ Lĩnh) tìm đường chạy qua Chiêm Thành, “đến cửa biển Nam Giới rút đao ngắn xẻo má vợ kể tội rằng: ‘Cha mày lừa dối ức hiếp mẹ con ta, lẽ nào ta vì mày mà quên tội ác của cha mày hay sao? Cho mày trở về, ta đi đằng khác tìm kẻ có thể cứu ta’. Nói xong bèn đi”.

Như vậy, vùng Nam Giới hẳn đã là vùng giáp ranh; nếu không là lãnh thổ của nước Chiêm Thành thì cũng là lãnh địa của những thủ lĩnh địa phương gắn bó với Chiêm Thành. Cũng vì vậy mới xảy ra việc, dưới thời vua Lê Hoàn (Lê Đại Hành), một vị quản giáp là Dương Tiến Lộc, phụ trách thu thuế ở châu Hoan, châu Ái (vùng Thanh-Nghệ-Tĩnh), đã “đem người hai châu ấy xin theo về với Chiêm Thành. Chiêm Thành không nhận. Vua nghe tin, đem các quân đến đánh Châu Hoan, Châu Ái, đuổi bắt được Tiến Lộc và giết người hai châu ấy không biết bao nhiêu mà kể” (ĐVSKTT, năm 989). Những năm sau đó, Lê Hoàn đã thu phục vùng đất này và biên giới phía nam của Đại Việt chính thức đến tận vùng đèo Ngang.

ĐVSKTT chép năm 992, Lê Hoàn sai Ngô Tử An đem 3 vạn người đi mở đường bộ từ cửa biển Nam Giới đến châu Điạ Lý; nhưng châu Địa Lý lúc ấy vẫn thuộc về Chiêm Thành. Mãi cho đến năm 1069, vua của Chiêm Thành là Chế Củ, khi bị bắt, đã dâng ba châu Địa Lý, Ma Linh, Bố Chính để  được tha về nước. Địa danh Bố Chính cho đến thế kỷ 18 bao gồm cả phía nam và phía bắc sông Gianh, với hai đơn vị hành chính là Bắc Bố Chính thuộc về Nghệ An, nam Bố Chính thuộc về Quảng Bình. Sách ĐNNTC, chương Tỉnh Quảng Bình, có chép: “… lấy sông Gianh làm phân giới (phía bắc sông là châu Bố Chính Ngoại, thuộc triều Lê, phía nam sông là châu Bố Chính Nội, thuộc bản triều, cũng gọi là Bắc Bố Chính và Nam Bố Chính) …. Châu Nam Bố Chính thuộc bản triều, châu Bắc Bố Chính thuộc Nghệ An của triều Lê” (Tập 2, chương Tỉnh Quảng Bình, tr. 7,8,11).

Từ cuối thế kỷ 10, khi Giao Châu thoát khỏi đô hộ của Trung Hoa, lập nước Đại Cồ Việt (sau đổi thành Đại Việt), các vua Đại Việt đã tiến hành quản lý vùng đệm Hà Tĩnh; tiếp sau đó là những cuộc chinh phạt Chiêm Thành, đưa thêm nhiều dân cư của Chiêm Thành ở phía nam đèo Ngang ra bố trí thành các làng ở phía bắc, trong đó có những làng ở Nghệ – Tĩnh. Theo khảo cứu của Breton (1936), “sau khi Thái Tôn – người sáng lập ra triều đại nhà Trần, chiến thắng Champa (1252), các tù binh Champa đã được phân bố tại An – Tĩnh thành hai nhóm: một nhóm ở tổng Nam Kim ( 3 làng), một nhóm ở phủ Hưng Nguyên (4 làng), hai bên bờ sông Lam. Trước kia vào thế kỷ XI, Nhật Quang cũng đã đưa người Champa đến sinh cơ lập  nghiệp tại vùng Hoành Sơn”.[v]

Cho đến thế kỷ 14, sau cuộc hôn nhân của vua Chiêm Thành Chế Mân và công chúa Đại Việt Huyền Trân, thì vùng đệm giữa Đại Việt và Chiêm Thành mở rộng thêm từ đèo Ngang đến đèo Hải Vân hoặc sông Thu Bồn; đây là vùng xảy ra tranh chấp kéo dài từ sau khi vua Chế Mân qua đời cho đến cuộc chinh phạt của vua Lê Thánh Tông vào cuối thế kỷ 15.

3. Nhận xét và bình luận

3.1. Một số sách về lịch sử Champa ghi nhận Hoành Sơn như là ranh giới lâu đời giữa Giao Châu và Lâm Ấp hay giữa Đại Việt và Champa (Chiêm Thành) (Michael Vickery 2009, 45; Lafont 2014, 17 – 19; Trần Kỳ Phương 2014, 1). Nhưng thực tế có thể khác, ranh giới giữa hai thể chế này có thể là những vùng đệm rộng lớn từ Hoành Sơn ra đến đồng bằng sông Lam, hoặc lấy ngọn núi ven biển làm mốc thì có thể xem vùng đệm đó là từ đèo Ngang đến núi Nam Giới.

Đáng lưu ý là một bộ phận đáng kể dân cư ở vùng đệm này vào trước thế kỷ 10 có tính chất “đồng chủng, đồng văn” với dân cư phía nam đèo Ngang hơn là với dân cư phía bắc Nam Giới. Về chủng tộc, dân cư vùng đệm này, đặc biệt là vùng đồng bằng ven biển, có đặc điểm về nhân dạng giống với dân cư hải đảo phía nam, như da sạm đen, tóc xoăn; nói thứ tiếng thuộc ngữ hệ Nam Đảo, nhánh Malay-polynésien. Về văn hóa, họ có chung các tập tục của dân cư hải đảo và ven biển phía nam, chịu ảnh hưởng sớm của văn hóa Ấn Độ.

3.2 Sử Trung Hoa có chép việc vua Phạm Văn của Lâm Ấp, năm 347, đã phá thành Tây Quyển, giết Thái thú Nhật Nam là Hạ Hầu Lãm, chiếm cứ quận Nhật Nam và báo với Thử Sử Giao Châu là Chu Phan lấy vùng biên thùy phía bắc của Nhật Nam là Hoành Sơn làm ranh giới.[vi] Tuy nhiên điều này chỉ có ý  nghĩa về ranh giới “hành chính”; dân cư phía bắc đèo Ngang thuộc về sự quản lý của Giao Châu, nhưng có thể vẫn chưa hội nhập thành một văn hóa chung của Giao Châu cùng với với dân cư ở đồng bằng sông Hồng, sông Mã, sông Cả ở phía bắc.

Vào đầu thế kỷ 8, ở vùng Hà Tĩnh, một thủ lĩnh địa phương đã tập hợp lực lượng nổi dậy chống ách đô hộ của nhà Đường và huy động được sự ủng hộ của đông đảo người Lâm Âp, Chân Lạp.[vii]  Có thể nhận định rằng dân cư ở vùng đệm Hà Tĩnh từ trước thế kỷ 10 là một cộng đồng đa sắc tộc, trong đó một vị thủ lĩnh của họ là “Hắc Đế”, nhiều khả năng là thuộc sắc tộc da sạm đen, tóc xoăn kiểu người Nam Đảo hay người Chăm cổ.

3.3. Quá trình cộng cư của người Chăm cổ và  người Việt cổ tại vùng bắc đèo Ngang (Nghệ – Tĩnh) và nam đèo Ngang (Bình- Trị- Thiên) đã diễn ra theo hai chu kỳ thời gian trước và sau thế kỷ 10. Những đặc điểm tương đồng về quá trình hình thành dân cư ở vùng bắc và nam đèo Ngang đã tạo ra một đặc trưng văn hóa chung của vùng đất từ Nghệ Tĩnh đến Bình Trị Thiên, còn được gộp chung là “Khu Bốn” hoặc “Bắc Trung Bộ”, thể hiện ở một số tập quán xã hội và cả ngôn ngữ.

Từ thế kỷ 15 về sau lại diễn ra những đợt di dân và tiếp xúc, chủ yếu theo chiều bắc vào nam; những cư dân đồng bằng sông Hồng vào Thanh Nghệ Tĩnh, và từ Thanh Nghệ Tĩnh tiếp tục vượt qua đèo Hải Vân để đi xa hơn về phía nam, hình thành những vùng văn hóa đa dạng,

3.4. Khi tìm hiểu hoặc giải thích về nguồn gốc, sự hình thành và đặc trưng của các vùng văn hóa và phương ngữ Trung bộ, cần vận dụng phương pháp tiếp cận liên ngành hoặc ít ra không nên bỏ qua những yếu tố tác động hoặc những dấu vết bảo lưu của các cơ tầng văn hóa và ngôn ngữ của những thời kỳ lịch sử nhiều thế kỷ trước.

 ————–

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Breton H.L. (1935), “Le Vieux An – Tĩnh”, Bulletin des Amis du Vieux Hué, Số 2, Avril- Juin 1935, tr 191- 235.
  2. Breton H. L. (1936), “Le Vieux An – Tĩnh”, Bulletin des Amis du Vieux Hué, Số 2-3-4, Avril- Decembre 1936. Bản dịch tiếng Việt của Trung Tâm Văn Hóa Ngôn Ngữ Đông Tây: An Tĩnh Cổ Lục, Nxb VHTT, 2014.
  3. Durand E. M., (1907), “Notes sur les Chams”, Bulletin de l’Ecole française d’Extrême-Orient. Tome 7, tr. 313-355.
  4. Lafont, P. B., (2014), The Kingdom of Champa. Geography – Population – History. English translation by Jay Scarborough, California: International Office of Champa.
  5. Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên (1993), Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Hà Nội: Khoa học Xã hội.
  6. Michael Vickerey, (2009), “A Short History of Champa”, trong Champa and the Archaeology of Mỹ Sơn (Vietnam), edited by Andrew Hardy, Mauro Cucarzi and Patrizia Zolese, Singapore: NUS Press, tr 45 – 60.
  7. Nguyên Hồ (2017), “Nhà thờ họ Chế – một di sản Hán Nôm độc đáo”, Báo QĐND cuối tuần, ngày 10/3/2017
  8. Nguyễn Duy Thiệu (1984) “Người Bồ Lô và vạn Kỳ Xuyên”, Tạp chí Dân tộc học, số 3/1984, tr 44 – 49.
  9. Quốc sử quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam Nhất Thống Chí, Tập 2, Huế: Thuận Hóa
  10. Quang Sáng (2014), “Giếng cổ Hà Tĩnh – Dấu ấn văn hóa Chăm-pa”, Báo Hà Tĩnh, ngày 05/02/2014
  11. Shellabear W. G., (1912), Malay – English Vocabulary,Singapore: The Methodist Publishing House.
  12. Shellabear W. G., (1916), An English – Malay Dictionary, Singapore: The Methodist Publishing House.

13.Thái Tâm (2010), Phát hiện cổ vật văn hóa Chăm tại Quỳ Hợp, http://quyhop.gov.vn

  1. Trần Kỳ Phương (2014), Vestiges of Champa Civilisation, Hà Nội: Thế Giới Publishers

15. Trần Thị Thu Hằng (2019), Lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh nhà thờ họ Chế Nghi thu, Cửa Lò, http://banquanlyditichnghean.gov.vn

—————

[i] Hippolyte Le Breton, An Tĩnh Cổ Lục, Nxb VHTT, 2014, tr 157. Bản tiếng Pháp: “La pagode est abandonnée depuis longtemps. Cependant quelques statues rappellent encore son passé. Les plus curieuses sont celles de style purement hindouiste, représentant les épouses de Vischnou et de Cyva. Elles témoignent d’une influence cham certaine”.

[ii] La tradition a maintenu à l’ouvrage le nom de Lồi-Vuong Thành la « citadelle du roi cham », L ồ i 耒 « barbares, sauvages » étant le terme de mépris par lequel, dans les temps anciens, les Annamites désignaient les Cham. Il est à signaler, d’autre part, que la région de Long-Môn est encore appelée de nos jours Xiêm-Thành Xứ « le pays cham ».

[iii] Il existerait, d’après les quelques renseignements que j’ai pu recueillir, un groupement de population d’origine énigmatique, sur la côte du Hà-Tịnh, entre Cửa-Sot et Cửa-Nhuong, et plus au Sud encore jusqu’au Hoành-Sơn, et aussi dans la province de Quảng Bình. Il s’agit de gens que les Annamites appellent Ba-Lan ou Bô-Lô. Cette dernière expression rappelle les mots par lesquels ces étrangers se saluent quand ils se rencontrent.(…) Les Ba-Lan difléreraient étrangement des Annamites par certains caractères anthropologiques (peau basanée et cheveux crépus, en particulier), par leurs mœurs et coutumes, et surtout par leur langage, que les Annamites ne comprennent pas. Il s’agirait peut-être de descendants de la race cham rôdant le long de la côte sans pouvoir s’y fixer. Ils ne possèdent pas de rizières. Ils vivent des produits de la pêche. Ils habitent dans des barques légères, dont la réunion forme des van, c’est-à-dire des villages flottants. BAVH, số 2/1935 (tr 224, 225)

[iv] C’est une “grand Roue” hexagonale à laquelle, aux arêtes, son suspendues six escarpolettes, sur lesquelles prennent place six jeunes filles coquettement parées, et faisant tourner la roue sous l’action de leur pieds, (…) le jeu de la “balancoire des fees” prend l’allure d’une cérémonie religieuse exclusivement réservée aux jeunes filles qui cherchent un mari. (Breton, 1936, 289-290).

[v] Hippolyte Le Breton, An Tĩnh Cổ Lục, Nxb VHTT, 2014, tr 154. Nguyên bản tiếng Pháp: “… à la suite de
la campagne victorieuse entreprise contre le Champa (Xiêm-Thành) en 1252, par Thái- Tôn, fondateur de la dynastie annamite des Trần, que des prisonniers chams furent répartis, dans le An-Tinh, en deux groupes: l’un dans le canton de Nam-Kim (3 villages). l’autre dans le phủ de Hưng-Nguyên (4 villages) sur les deux rives du Lam-Giang.
Antérieurement, au XIe siècle, Nhật-Quang avait également installé des Chams dans la région de Hoành-Sơn” (BAVH 1936, tr 290).

[vi] Tấn Thư: 至永和三年,文率其眾攻陷日南,害太守夏侯覽,殺五六千人,餘奔九真,以覽尸祭天,鏟平西卷縣城,遂據日南。告交州刺史朱蕃,求以日南北鄙橫山為界. Âm HV: Chí Vĩnh Hòa tam niên, Văn suất kỳ chúng công hãm Nhật Nam, hại Thái Thú Hạ Hầu Lãm, sát ngũ lục thiên nhân, dư bôn Cửu Chân, dĩ Lãm thi tế thiên, sản bình Tây Quyển huyện thành, toại cứ Nhật Nam. Cáo Giao Châu Thứ Sử Chu Phan, cầu dĩ Nhật Nam bắc bỉ Hoành Sơn vi giới. Nghĩa: Đến năm thứ ba niên hiệu Vĩnh Hòa (năm 347), Văn dẫn đầu mọi người đánh hãm Nhật Nam, hại Thái Thú Hạ Hầu Lãm, giết năm, sáu ngàn người, số còn lại chạy về Cửu Chân, lấy xác Lãm tế Trời, san bằng thành huyện Tây Quyển. Báo với Thứ Sử Giao Châu là Chu Phan, xin lấy vùng biên phía bắc của Nhật Nam là Hoành Sơn làm biên giới (giữa Lâm Ấp và Giao Châu).

[vii] Tân Đường Thư, Ngoại truyện, quyền 132. 開元初,安南蠻渠梅叔鸞叛,號黑帝,舉三十二州之眾,外結林邑、真臘、金鄰等國,據海南,眾號四十萬 (Âm Hán Việt:Khai Nguyên sơ, An Nam man cự Mai Thúc Loan bạn, hiệu Hắc Đế, cử tam thập nhị châu chi chúng, ngoại kết Lâm Ấp, Chân Lạp, Kim Lân đẳng quốc, cứ hải nam, chúng hiệu tứ thập vạn. Dịch quốc ngữ: Đầu niên hiệu Khai Nguyên, thủ lĩnh người man ở An Nam là Mai Thúc Loan làm phản, xưng hiệu là Hắc Đế,  huy động dân ba  mươi hai châu, bên ngoài liên kết với các nước Lâm Ấp, Chân Lạp, Kim Lân, chiếm cứ phía nam của biển, số người kể đến bốn mươi vạn).

 

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây