Di tích phải được bảo tồn đúng cách

Di tích phải được bảo tồn đúng cách

Khu di sản Hoàng thành Thăng Long về đêm. Ảnh: Lao động thủ đô

Việc phục dựng bảo tồn các di tích lịch sử như thế nào cho đúng luôn là một đề tài gây tranh luận. Tuy nhiên, có một sự thật quan trọng là di tích nào cũng có rất nhiều tầng, nấc lịch sử. Và khi bảo tồn, không thể bỏ qua những tầng nấc đó để chỉ tập trung vào một thời điểm.

Gần đây, có hai cuộc thảo luận mà tôi khả quan tâm. Thứ nhất, là cuộc thảo luận về việc bảo tồn cầu Long Biên. Thứ hai, là cuộc thảo luận về bảo tồn khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Tôi có theo dõi và có một vài sự ngạc nhiên.

Cầu Long Biên, đối với tôi và rất nhiều người khác, nó không chỉ có ý nghĩa là một công trình lớn do người Pháp xây dựng tại Đông Dương, cầu Long Biên còn có một ký ức khác. Chúng ta thấy cầu Long Biên hôm nay đó là một cây cầu không hoàn hảo, vì có những nhịp còn nguyên vẹn, nhưng có nhiều nhịp cầu tạm, những trụ tạm được xây dựng.

Cầu Long Biên hiện nay là một trong vài chứng tích còn lại của những ngày không quân Mỹ ném bom phá hoại miền Bắc, hiện trạng cây cầu là một phần của lịch sử.

Tôi không hiểu, nếu như chúng ta phục hồi lại cây cầu Long Biên, mà quên đi phần quan trọng đó của lịch sử thì sẽ ra sao? Tôi nghĩ cầu Long Biên là một ký ức, ký ức đó đi suốt cả một thế kỷ, với nhiều biến động của dân tộc Việt Nam, và nó cần phải được giữ lại.

Nếu như chúng ta coi cầu Long Biên là một công trình lịch sử, thì chúng ta nên lưu giữ, không phải chỉ một phần lịch sử của người Pháp xây dựng ban đầu mà cả phần lịch sử của công cuộc kháng chiến vĩ đại, những ngày gian khó trong chống Mỹ.

Điều đó cũng tương tự như khi chúng ta bàn về điện Kính Thiên và bàn về nhà 67 trong Hoàng thành Thăng Long. Hoàng thành không chỉ là những di tích còn lại của một triều đại, mà nó còn là đầu não chỉ huy các trận đánh, các hoạt động của chúng ta trong suốt thời kỳ chống Mỹ. Tôi nghĩ nó quan trọng chứ! Và nó phải được bảo tồn chứ! Nó xứng đáng để bảo tồn không kém gì các di tích, di chỉ trước đây.

Bây giờ sẽ khó có thể hình dung, bởi vì rõ ràng là chúng ta gần như không có những hình ảnh nguyên bản của điện Kính Thiên, nhưng chúng ta có những hình ảnh rất rõ ràng, nguyên vẹn của thời kỳ chống Mỹ, của thời kỳ Bộ chỉ huy quân sự của chúng ta hoạt động ở đó. Và thế hệ sau chúng ta, họ có quyền được biết về những ngày như vậy.

Tôi nghĩ còn mảnh đất nào cũng vậy, nhất là những nơi có tính chất lịch sử, nó sẽ có nhiều thế hệ, nhiều tầng nấc lịch sử, nhiều công trình đã diễn ra đến đó. Việc bảo tồn sẽ phải được tiếp cận theo hướng là giữ, là duy trì được tất cả những chứng tích lịch sử.

Trong câu chuyện lịch sử về Hoàng thành và cầu Long Biên cũng như vậy. Tôi nghĩ, cần phải được tiếp cận theo một cách đầy đủ, một cách chính xác và theo một cách hoàn toàn khóa học, thay vì chỉ một chiều, một cách, một kiểu, chỉ với một phần nào đó của lịch sử./.

Phạm Quang Vinh

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây