Triền sông thơ ấu – Nhà văn Nguyễn Kim Huy – Kỳ 2

Triền sông thơ ấu - Nhà văn Nguyễn Kim Huy - Kỳ 2

nkh min - Triền sông thơ ấu - Nhà văn Nguyễn Kim Huy - Kỳ 2

Nhà văn Nguyễn Kim Huy

trang trên sông thơ ấu Nguyễn Kim Huy - Triền sông thơ ấu - Nhà văn Nguyễn Kim Huy - Kỳ 2

 

TRIỀN SÔNG THƠ ẤU – KỲ 2

Nhà văn Nguyễn Kim Huy

 

LÃO SẦM

Ngay lần gặp đầu tiên lão Sầm đã để lại trong tôi một ấn tượng khó quên. Trưa hôm ấy, trời nắng gắt, chúng tôi đang kéo lê những chiếc cặp la hét đuổi nhau tung bụi đất mù mịt trên con đường đi học về thì đâm sầm ngay vào lão. Lão đứng dạng chân giữa ngã tư đường, mặt đỏ gay, áo quần xộc xệch, mồ hôi nhễ nhại. Hơi rượu phả ra từ người lão nồng nặc. Lão trừng trừng nhìn chúng tôi, rồi đột ngột quát to:

– Nhà ông ấy đâu hả, chúng bay?

Chúng tôi sựng cả lại, trố mắt ngơ ngác nhìn lão. Cả bọn đứng im thin thít, không đứa nào dám lên tiếng trước câu hỏi lạ lùng trên. Nom điệu bộ và hình thù lão, đứa nào cũng sợ. Là đứa dạn dĩ nhất trong bọn, tôi tiến lên, khoanh tay lễ phép:

– Dạ thưa chú, chú hỏi nhà ai ạ?

Lão sừng sộ:

– Hả? Ông ấy mà chúng bay không biết à? Nhà ông ấy ở đâu, hả?

Mắt lão long lên sòng sọc.

Chúng tôi ù té chạy.

Về nhà, nghe tôi hớt hải kể chuyện, mẹ tôi ngậm ngùi bảo: “À, lão Sầm xóm Cát”. Một lúc, mẹ nói thêm: “Còn ông ấy là ông Nghiễm, đồn trưởng đồn 76 ở đồi Dương. Lão Sầm đáng thương lắm con ạ”.

Mãi về sau này tôi mới hiểu được những điều mẹ tôi nói.

Lão Sầm đã từng có một thời kì là anh Sầm. Anh Sầm đậm người, ít nói, hiền lành. Mồ côi cha mẹ, anh em bà con cũng chẳng có ai, hồi nhỏ anh ở đợ bồng em xay lúa rồi chăn trâu hết nhà này đến nhà khác trong làng. Lớn lên, anh đổi sang nghề chăn vịt thuê, sống trong một cái chòi rách nát anh tự dựng lên ven sông chỗ bến Dũi cuối xóm Cát cùng bầy vịt. Cưới cô Hiền về, anh bỏ ra mấy ngày quây thêm bốn bức vách bằng tre, trát phân trâu đất sét. Cái chòi trở thành căn lều hạnh phúc. Cô Hiền da đen giòn, mặt trái xoan, mũi hếch, con bà Ngoan quanh năm mò cua bắt ốc mà người cứ tươi hơn hớn, lại dịu dàng dễ thương đúng như cái tên của cô, dù có hơi gầy một chút nên trông dáng người dong dỏng, nhìn xa có vẻ cao hơn anh Sầm. Lấy chồng một thời gian, cô Hiền trở nên tròn trĩnh, mắt long lanh, má hây hây ra, phơn phớt hồng. Ky cóp tằn tiện mãi, hai vợ chồng cũng mua được chục vịt, thả lẫn vào đàn vịt có đến ngàn con anh được thuê trông coi. Những buổi chiều, khi đã lùa vịt về chuồng, anh Sầm ngồi nhắm rượu trước căn lều, chị Hiền loay hoay lo bữa cơm chiều ở phía sau. Thỉnh thoảng chị chạy ra tiếp cho chồng món nhắm, anh chị lại nhìn nhau tủm tỉm cười. Khói ngoằn ngoèo bay lên từ mái lều, lẫn vào không gian xanh vời vợi.

Một buổi chiều, anh Sầm đang ngồi nhắm rượu như vậy thì Nghiễm đến. Nghiễm là chủ bầy vịt anh Sầm đang chăn, trước làm ấp trưởng, bây giờ chuyển sang làm trung đội trưởng Nghĩa quân kiêm đồn trưởng đồn 76 đóng ở đồi Dương, cách bến Dũi ba xóm phía đầu sông. Anh vội vã đứng dậy chào Nghiễm, vào lều lấy chiếu ra trải và hối vợ bắt con vịt anh nuôi riêng sắp đẻ được làm đĩa tiết canh. Rượu được vài ly, Nghiễm bỗng hỏi:

– Chú Sầm này, lượng trứng vịt lúc này sao sút quá vậy? Số vịt đẻ giảm đi à?

Anh Sầm lúng túng, nghĩ đàn vịt vẫn đẻ bình thường, không hiểu sao tự dưng Nghiễm lại hỏi mình như vậy. Anh chưa kịp trả lời thì Nghiễm cười khà, tiếp:

– Hỏi vậy thôi, chứ tôi rõ rồi. Chắc là vì chú chăn thả chu đáo quá, vịt ăn nhiều, mập quá nên đẻ  ít đi đấy mà. Không sao, không sao. Hôm nay tôi đến anh là vì việc khác.

Sầm đặt ly xuống, tỏ ý chăm chú nghe. Nghiễm nhìn thẳng Sầm, giọng thân tình:

– Tôi đã quyết định bán bầy vịt đi, chú Sầm à.

Sầm tái mặt. Chị Hiền đang đứng chôn chân trong lều chăm chú theo dõi câu chuyện cũng tái mặt. Sầm lắp bắp:

– Thế còn… thế còn tôi thì sao, anh Nghiễm? Bán bầy vịt đi, vợ chồng tôi làm gì để sống bây giờ?

Nghiễm ngửa cổ trút một hơi cạn ly rượu, bưng đĩa tiết canh lên húp soạt, quẹt miệng rồi chậm rãi:

– Tôi bán bầy vịt đi cũng là vì thương vợ chồng chú vất vả. Tôi sẽ lo cho chú việc khác, nhàn nhã, lại oai mà có nhiều tiền, vợ chú sẽ ăn trắng mặc trơn, cô chú có nhà cửa đàng hoàng. Mai chú lên đồn gặp tôi…

Đứng dậy, Nghiễm vỗ vai Sầm lần nữa, nháy mắt:

– Lâu nay chú vẫn là người thân thiết của tôi. Yên tâm đi, tôi sẽ lo cho cô chú chu đáo. Thôi, chào cô Hiền, tôi về.

Một tháng sau, anh Sầm từ anh chăn vịt trở thành anh lính nghĩa quân quốc gia, khoác bộ áo lính  sáu túi rộng thùng thình, vai đeo chếch khẩu AR15 nòng quệt đất. Người khác hẳn sẽ  rất oai vệ, nhưng trông anh Sầm lại thấy lúng túng, khổ sở tội nghiệp thế nào. Anh đi giữa đám lính, lạc loài cứ như chú vịt lẫn giữa đám gà chọi. Chiều chiều, anh cũng không còn được cái thú ngồi nhắm rượu và ngắm vợ nữa, vì phải lo ăn vội vàng cho xong bữa rồi đóng bộ vào vác súng lên đồn gác. Anh khoác súng đi, mặt buồn thiu, lòng lo sợ cho cô vợ trẻ phải ở lại một mình trong đêm với căn lều hoang vắng cách xa chòm xóm. Chị Hiền đứng nhìn theo, mắt đỏ hoe. Anh Sầm vắng nhà, chị không ngủ được. Nằm mở mắt chong chong, nghe tiếng gió rít quanh căn lều, chị giật nẩy mình mỗi lần nghe tiếng súng cối ì ùng từ đồn 76 vọng lại. Đêm nào có thêm tiếng tiểu liên, lựu đạn hai bên chạm trán nhau nổ vang trời, chị lại lồm cồm ngồi dậy, quỳ xuống trong đêm, chắp tay khấn trời phật phù hộ độ trì cho anh Sâmn. Sáng, anh Sầm từ đồn trở về, người hốc hác bơ phờ, lặng thinh quẳng xuống chiếc chõng tre một ba lô lính đầy ắp những thịt hộp, lon trái cây, kẹo bánh, gạo sấy… lẫn trong những hộp đạn sáng lóe. Khi chị Hiền đã thu dọn những thức ấy cho vào cái thúng con mang ra chợ, anh Sầm vác chõng tre ra bờ sông, nằm dài vừa hút thuốc vừa nhìn trời nhìn đất, lâu lâu lại thở ra. Có lẽ anh nhớ đến tiếng oàm oạp của bầy vịt vẫn chen chúc quanh anh những buổi sáng như thế này. Nhưng bầy vịt, Nghiễm đã bán cả rồi còn đâu. Chục vịt của riêng anh để lại nuôi cũng đã gần hết. Cứ đôi ngày, Nghiễm lại đến anh, dắt theo đám lính lố nhố. Nghiễm cười hà hà, bảo:

– Chú Sầm mà không có anh thì giờ đã mục thây ở Quế Sơn, Thượng Đức rồi đấy nhé. Chú thấy không, trai tráng làng này thằng nào không vào được nghĩa quân đều đã bị bắt lính ráo trọi, nếu không nhảy núi theo Việt Cộng. Đố chú nằm yên được ở nhà mà chăn vịt. Hà hà, làm thằng nghĩa quân, dù sao cũng còn được gần vợ để mà hú hí… Hà hà…

Tiếng “hà hà” vừa dứt, Sầm đã ra sân đuổi vịt. Chị Hiền vội vã chạy lên đầu xóm kiếm nguyên canh năm lít rượu đế, với một lô lốc chuối chát, đậu phộng, ớt tỏi… Đám lính nói cười rôm rả, vô tư nhậu, khen thịt vịt béo mềm, tiết canh đông đúng kiểu, khen anh Sầm tốt phúc, chị Hiền khéo tay. Bầy vịt chục con giờ chỉ còn một cứ thảng thốt kêu lên “cạp, cạp” mỗi khi thấy bóng Sầm.

Anh Sầm dần dần quen với đời lính. Anh đã thành thạo dạn dĩ với súng đạn, sau vài sự cố nhớ đời. Một lần, giữa trưa vắng, anh lấy súng ra lau, rồi mân mê hí hoáy đến mấy quả lựu đạn. Một quả bỗng xịt khói trên tay. Nhanh trí, anh quăng ngay quả đạn vào bụi tre ở bờ sông. Tiếng nổ “ầm” vang dậy một vùng, nước tung trắng xóa. Chị Hiền hớt hải chạy ra, đứng chết trân nhìn một góc bờ sông sụp lở, tre cháy đen sạm. Lần khác, cũng lau súng, anh cướp cò bắn tơi tả mấy tấm rạ trên mái lều vốn đã xơ xác, loạt đạn nổ đanh giòn chát chúa. May không cháy nhà, cũng không ai việc gì. Đêm, anh vẫn vắng nhà, lên đồn trực. Đêm, chị Hiền lại nằm khóc một mình, vì bây giờ anh đã bắt đầu bén hơi, mon men vào các cuộc đỏ đen sát phạt và nhậu nhẹt vào các buổi tối trên đồn. Chị không biết rằng, trên đồn anh Sầm cũng đang gặp vài vụ rắc rối. Một lần, đám bài các tê phân công cho anh xuống xóm lo bữa nhậu khuya thường lệ. Không biết nghĩ thế nào, anh mò ngay vào nhà Nghiễm, vặn cổ ả gà mái ghẹ đang nằm ổ. Sáng hôm sau, vợ Nghiễm làm một vòng từ đầu xóm đến cuối làng chửi bay lá trốc cây. Nghiễm nạt vợ im, nhưng lúc lên đồn đã quát anh một trận, bắt anh ra đứng vọng gác một đêm trắng. Lần khác, đám lính phát hiện ra số lựu đạn giao cho anh cài quanh các con đường lên đồn đều bị tháo kíp nổ, chỉ còn trơ khấc quả lựu vô dụng. Lại hai đêm gác. Những chuyện ấy, anh không nói với chị. Nhưng chị vẫn mơ hồ cảm thấy một mối nguy hiểm đang hiển hiện, một tai họa lớn lắm đang lởn vởn vây quanh người chồng chất phác của mình. Nhất là lúc này, các trận đụng nhau giữa hai bên liên tiếp xảy ra. Lúc xóm Cát, lúc thôn Thượng, lúc cầu Đá. Đêm nào cũng có tiếng súng, tiếng lựu đạn, tiếng la hét rồi tiếng trực thăng lạch phạch quần đảo. Những tiếng súng xé trời dội thẳng vào con tim nhỏ bé run sợ của chị. Chị tưởng chừng trông thấy anh gục ngã, giãy giụa, đẫm máu sau mỗi loạt đạn, và chỉ biết thổn thức quỳ xuống cầu trời khấn phật.

Nhưng anh Sầm vẫn bình an, yên ổn.

Tai họa lại rơi đúng vào chính chị. Vào một ngày yên lành. Một cách quái ác như trò đánh tráo của số phận.

Sáng hôm ấy, sau một đêm đứng gác vô sự, Sầm khoác ba lô, ôm súng trở về. Anh vừa ra đến cổng đồn, bỗng nghe “cắc” một tiếng khô khốc. Biết là tiếng đề của cây cối 81 đặt trên đồn vẫn quen lệ nhả đạn mỗi sáng sớm, anh thản nhiên bước tiếp. Tiếng đạn xé gió. Rồi tiếng “ầm” dữ dội dội lên, rền vang. Anh Sầm khựng lại, chết điếng người: cột khói cuồn cuộn bốc lên ngay chính bến Dũi, nơi có căn lều vợ chồng anh. Từ đỉnh đồi nhìn xuống rõ mồn một. Sau cuộn khói, ngọn lửa hung hãn bùng lên. Anh Sầm vứt súng, quăng ba lô, chạy bay xuống đồi, vừa chạy vừa hét lên hoảng loạn:

– Hiền ơi! Hiền ơi!

Dân làng từ các xóm, các thôn đổ ra, chạy ào ào như rừng động về phía căn lều anh chị Sầm.

Khi anh lảo đảo chạy vượt qua ba xóm về được đến nơi thì căn lều cũ chỉ còn là một cái hố sâu hoắm, lửa rừng rực cháy, thiêu hủy nốt những gì còn lại. Người ta không thể nào tìm thấy chị Hiền. Cả chú vịt duy nhất còn lại cũng biến mất. Một người đàn bà nức nở khóc:

– Tội nghiệp quá, chị ấy vừa đậu thai…

Ngày hôm sau, một chú bé chăn trâu nhìn thấy một mảng tóc chị Hiền vướng trên bụi tre phía bờ sông. Người ta bỏ mảng tóc ấy vào chiếc quách nhỏ đã gom góp nhặt nhạnh được một phần nhỏ thi thể chị Hiền, đưa tang chị. Cả làng Đồng Cát tiễn chị về nơi yên nghỉ. Anh Sầm lầm lũi theo sau cỗ quan tài vợ, câm lặng.

Mọi người bàn tán xôn xao về quả đạn cối tàn ác nọ. Người thì bảo, căn lều vợ chồng anh Sầm là nơi tập kết, trú chân thường xuyên của du kích mỗi khi về làng lấy gạo, tập kích đồn. Chị Hiền là cơ sở mật của cách mạng từ lâu. Người thì bảo, Nghiễm giúp vợ chồng anh Sầm, ra chỗ thân tình, là vì đã có ý dòm ngó chị Hiền từ lâu. Thi ân, ve vãn, đe dọa mãi không được, hắn rắp tâm trả thù một cách man rợ. Đám lính trên đồn có người còn đoan chắc chính Nghiễm đã ra lệnh điểm hỏa quả đạn cối kinh hoàng ấy.

Mở cửa mả chị Hiền xong, anh Sầm xách súng lên đồn tìm Nghiễm. Không ai rõ sự việc xảy ra như thế nào, chỉ biết sau vài loạt súng chát chúa, sự im lặng bao trùm đồn 76. Rồi một chiếc trực thăng từ phía quận lỵ lạch phạch bay lên, đưa người đi cấp cứu. Người bị  cấp cứu không phải là Nghiễm, mà là anh Sầm. Nghiễm bị quân cảnh đưa đi, nhưng một tuần sau đã thấy trở về, lại làm đồn trưởng như không có việc gì xảy ra. Trái với lệ thường, đám lính không hề hé răng một lời về việc gì đã xảy ra trên đồn hôm ấy. Chỉ biết anh Sầm bị thương rất nặng, phải chuyển ra Đà Nẵng mổ não.

Gần nửa năm nằm viện trở về, anh Sầm đã biến thành lão Sầm tàng tàng. Suốt ngày, lão dìm mình vào rượu. Khi say, lão nghiêng ngửa đi tìm Nghiễm để đòi vợ. Lão lang thang nay đây mai đó, không còn căn lều, không còn vợ, không còn bầy vịt và cũng không còn súng, còn đạn, chỉ còn mỗi đôi mắt lạc thần và cái miệng luôn lảm nhảm trong cơn say:

– Hiền ơi! Mang con về cho anh…

Gặp ai, lão cũng dừng lại, trợn mắt quát hỏi:

– Hắn ở đâu? Nhà hắn ở đâu, hả?

Ai cũng thương xót lão, nhưng không giúp gì được lão. Phần cũng vì sợ Nghiễm và đám lính.

Sau lần ấy, tôi còn gặp lão Sầm nhiều lần. Bây giờ khi say, lão chỉ lầm lũi, lảo đảo đi, không la hét nữa. Vẫn đôi mắt lạc thần sục sạo khắp nơi tìm kiếm. Chạy theo lão luôn có một đám trẻ con vây quanh, thi nhau hò hét:

– Nhà ông ấy ở đâu? Hả? Hả?

Lão ngơ ngác nhìn lũ trẻ, không hề nạt nộ xua đuổi chúng.

Tôi không nhập theo đám trẻ. Tôi cũng không còn sợ lão Sầm nữa. Tôi đứng chôn chân nhìn theo lão.

Ba mươi năm trôi qua. Chiến tranh đã kết thúc. Tôi đã trở thành một người lớn. Lão Sầm đã bỏ làng đi biệt từ lâu. Nhưng mỗi khi nghe một tiếng nổ, dù là trên ti vi, tôi lại giật mình thảng thốt nhớ đến lão Sầm. Không biết bây giờ lão đã được tái hợp với chị Hiền và đứa con chưa một ngày chào đời hay chưa, hay vẫn còn đang trong cuộc lang thang tìm kiếm vô vọng với đôi mắt thất thần và tiếng nổ quả đạn cối ác nghiệt không bao giờ dừng lại trong tâm tưởng lão?

 

ĐÔI MẮT XANH VÀ TẬP VỞ ĐỂ QUÊN

Nhỏ bạn khều tay cô, giọng nghiêm trọng:

– Này Nguyệt, hắn xuất hiện kìa!

Cô quay lại. Quả thực, hắn đã hiện ra từ một ngã ba đường, đang lẽo đẽo bám theo cô, một cách rất kiên trì, rất bình thản, rất tự tin.

Đã năm hôm nay, lần nào tan trường về, cô cũng lại thấy hắn xuất hiện đúng nơi ấy, vào giờ này. Năm hôm, hắn cứ đi theo như vậy, chẳng nói gì, chậm rãi theo sau cô một đoạn, cho đến khi cô về đến nhà. Vào cổng, có lần cô nép sau môt vòm cây quan sát, thì thấy hắn vẫn cứ đi thẳng, vượt qua cổng nhà cô một đoạn, rồi… vòng lại.

Bữa hắn bám theo đầu tiên, cô hơi hoảng. Nhưng thấy hắn có vẻ hiền hiền, chững chạc và lặng lẽ, cô lại yên tâm ngay. Đến bữa thứ ba thì cô bạn cùng đi trên đoạn đường về nhà đã để ý thấy “hiện tượng lạ” này. Và hôm nay, cả hai có ý trông trông sự xuất hiện của hắn.

Hai cô đi chậm, hắn chậm rãi bước. Hai cô đi nhanh, hắn âm thầm tăng tốc độ. Khoảng cách đều được hắn chu đáo giữ nguyên suốt một quãng đường.

Đến một ngã ba nữa, cô bạn chia tay, sau một cái mỉm cười và cái háy mắt về phía sau rất là ý nghĩa:

– Cẩn thận nha, Nguyệt!

Nguyệt cũng mỉm cười, bước tiếp. Cô kín đáo liếc về phía sau. Khoảng cách đều vẫn được hắn chu đáo giữ gìn.

Ba trăm bước chân nữa là đến nhà.

Cô bước chậm, thật chậm. Đột ngột hắn hùng dũng bước nhanh lên, sát đến bên cô. Nhưng khi cô dừng hẳn lại, tròn xoe mắt nhìn hắn, thì giọng hắn lắp bắp đến là tội:

– Xin lỗi… bạn… có phải bạn tên là Nguyệt… lớp D2 không?

– Ơ… sao… mà biết?

Sự thông minh cho phép hắn hiểu được câu nghi vấn – khẳng định, nên hắn mừng rỡ, nói liền một hơi:

– Hôm trước tôi nhặt được… cái này của bạn. Định đến trả mà… mà chưa biết chắc… nên… nên hổng dám!

Hắn lục lọi túi bụi trong chiếc túi xách kè kè một bên vai, rồi giơ ra. Nguyệt “À” lên một tiếng: quyển tập Toán cô đánh mất tuần trước. Cô lí nhí:

– Cảm ơn… anh.

Hắn rạng rỡ cả khuôn mặt:

– Không có chi. Chẳng là tôi… học khối lớp buổi chiều, ngồi ngay đúng chiếc bàn có cuốn vở Nguyệt để quên. Sợ để đó, chiều tối bọn trẻ con vào trường lấy mất. Đành đem về… mãi tới nay mới trả lại được…

Nguyệt chưa kịp nói gì, thì hắn tự dưng nhỏ giọng:

– Thôi, tôi về nhé… Tạm biệt… đôi mắt xanh!

Câu cuối cùng hắn nói thật nhỏ. Câu nói chưa dứt, hắn đã hối hả quay lui. Nguyệt đứng chôn chân nhìn theo. “Đôi mắt xanh” – lần đầu tiên có người gọi Nguyệt như vậy.

Buổi tối, “Đôi mắt xanh” chăm chú lật từng trang vở. Nguyên như cũ, chỉ toàn những bài tập nối tiếp nhau. Những ký hiệu toán học chằng chịt, khô khốc. Không có một “dấu hiệu” nào của hắn trong đó, ngoại trừ cái bìa vở đã được hắn bọc lại cẩn thận bằng một tờ giấy trắng tinh. Tịnh không một chữ của hắn. Nguyệt ngồi ngắm quyển vở, cô hình dung lại khuôn mặt hắn, mới nhớ ra rằng lúc trưa mình không kịp hỏi cả tên hắn…

Hai hôm rồi không có bóng dáng hắn xuất hiện trên con đường đi học của Nguyệt.

Cô bạn cũng thắc mắc, hỏi:

– Cái anh chàng vẫn đi theo chúng mình biến đâu rồi ấy nhỉ?

Nguyệt lắc đầu. Cô không kể gì về cuộc “tao ngộ” giữa hắn và cô hôm trước. Nhưng đôi mắt xanh có vẻ buồn và thỉnh thoảng lại nhìn về phía sau tìm kiếm. Hắn biệt tăm.

Ngày thứ ba, cả lớp học ra về cả, Nguyệt vẫn còn chần chừ nơi bàn học. Cô loay hoay xếp sách vở, ấn khóa chiếc cặp nhưng vẫn ngồi yên. Nghĩ ngợi thế nào, Nguyệt mở cặp, lấy ra một quyển tập, khẽ đặt vào ngăn kéo bàn học.

Lần này là một cuốn vở Văn.

Thú thật, tôi không được biết câu chuyện kết thúc như thế nào. Không biết hắn có may mắn tìm thấy cuốn vở không, có lại lẽo đẽo rụt rè đi theo Nguyệt để trả lại cho Nguyệt và họ sẽ làm quen với nhau, Nguyệt sẽ hỏi tên hắn và họ sẽ trở thành đôi bạn thân thiết hay không. Hay là cuốn vở của Nguyệt đã bị bọn chăn trâu nghịch ngợm lấy đi mất, và hắn chẳng bao giờ còn có lý do để được nhìn thấy đôi mắt xanh luôn biên biếc một nỗi niềm vụng dại tuổi học trò…

Tuổi học trò đáng thương quá chừng.

 N.K.H

 


Triền sông thơ ấu – Nhà văn Nguyễn Kim Huy – Kỳ 1

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây