Đi tìm vĩnh cửu trong cái siêu thực – Tác giả: Minh Anh

Được Edna O’Brien – ứng cử viên mà Nhà cái hàng năm đặt cược sẽ là người Ireland tiếp theo có giải Nobel Văn chương, xếp vào hàng ngũ những tác giả vĩ đại đến từ đảo quốc này cùng James Joyce và Samuel Beckett, Flann O’Brien qua ‘Viên cảnh sát thứ ba’ đã tạo lập nên bầu sinh quyển rất riêng, từ đó tạo ra chủ nghĩa hậu hiện đại của bản thân mình ngay từ những năm 1940.

Cuốn sách mở đầu bằng một vụ án tương đối kỳ lạ, khi nhân vật chính cùng người trông coi quán rượu sau khi cha mẹ của y mất tích lên kế hoạch giết chết Mathers, một lão già giàu có, để cưỡng đoạt tiền. Nhân vật nói trên là người hâm mộ cuồng nhiệt triết gia hư cấu de Selby, và muốn có tiền để xuất bản tác phẩm nghiên cứu của mình. Thế nhưng khi y vào căn nhà cũ của lão Mathers để lấy rương tiền, thì chuyện kỳ lạ bắt đầu xảy ra, cuốn nhân vật này vào một mê lộ hư hư thực thực.

Thoát khỏi hư vô

Được viết ngay từ những năm 1940 của thế kỷ trước, thế nhưng Viên cảnh sát thứ ba lại có hành trình ra mắt tương đối long đong, khi bị nhiều nhà xuất bản từ chối. Nó chỉ được đưa ra ánh sáng 2 thập kỷ sau khi tác giả qua đời. Hẳn nhiên lý do không quá khó hiểu, khi nó quá mới và quá thách thức. Cuốn tiểu thuyết này không được chấp bút theo trục không – thời gian của những tác phẩm thông thường, mà là một sự tổng hợp của nhiều yếu tố, từ viễn tưởng, huyền ảo, giải cấu trúc cho đến thể nghiệm cũng như siêu thực.

Nhiều nhà phê bình đã đặt câu hỏi liệu rằng với một tác phẩm tương đối đặc biệt như cuốn sách này, thì có thể xem O’Brien là người theo đuổi chủ nghĩa hư vô hay không. Và câu trả lời rõ ràng là không. Điều này dễ thấy khi so nó với một tác phẩm khác cũng được ra mắt chung một thời kỳ (nhưng không long đong) là Bọt tháng ngày của tác giả Pháp – Boris Vian. Trong đó bằng sự hài hước và trí tưởng tượng phong phú, mà Vian vốn đồng thời là người chơi Jazz, đã tạo nên một tác phẩm viết về tình yêu tương đối khác biệt.

Trong đó có một cô nàng mắc bệnh liệt giường vì những hoa súng mọc trong buồng phổi, có loài chuột biết nói, có cây piano biết pha cocktail và nhiều thứ khác… Xu hướng gắn thêm tính chất cho các đối tượng của Vian trong Bọt tháng ngày chủ yếu mang tính ngẫu hứng của thể loại Jazz, khi thay vì kết hợp các note có âm sắc tương phản hay các câu scat ngẫu hứng… thì đó là các chủ thể cũng như tính chất không thể lý giải theo kiểu logic. Bao quát tác phẩm cũng là một sự nhắc nhớ đến tình yêu, một thứ không có định nghĩa mang tính cố định, đậm tính hư vô.

Bia sach Vien canh sat thu 3 min - Đi tìm vĩnh cửu trong cái siêu thực - Tác giả: Minh AnhBìa sách Viên cảnh sát thứ 3. Ảnh: Minh Anh.

Nhưng với Viên cảnh sát thứ ba, tất cả hình tượng được O’Brien liệt kê đều gắn liền với thời đại máy móc và thuyết nguyên tử. Trong đó ông đã quy giản tất cả vật chất trong vũ trụ này về cùng ngọn nguồn, và rồi bắt đầu kết hợp chúng lại. So với Vian, góc nhìn của O’Brien tương đối duy vật và xuất phát từ nhiều nghịch lý mang tính triết học không thể lý giải. Ông như một đứa trẻ nhỏ tìm cách lách qua khoảng hở chân lý và lấy điều đó làm trò tiêu khiển, từ đó phơi bày những sự mâu thuẫn của cuộc đời này, như cách cho thấy tác phẩm hậu hiện đại này cũng có giá trị và khả thể lý giải.

Và cũng từ sự giải phẫu một cách tiểu tiết ấy, việc một con người trở thành xe đạp, có tính cách bị hòa lẫn với tính cách của chiếc xe đạp và rồi trở thành “nửa người nửa xe đạp”… đã được lý giải một cách thuyết phục, bởi thói quen, tính nghiện và sự giải thể về mặt nguyên tố. Mang đậm tiếng cười châm biếm, O’Brien như nói về sự điên cuồng của thời đại mới, nơi con người ta không còn tản bộ, nhìn ngắm thiên nhiên như Yeats, như Joyce… nhiều thế kỷ trước, mà đó là thời kỳ của xâm chiếm của cơ học, làm cho con người ngày càng xa cách với những thiên tính mà họ vốn có.

O’Brien xây dựng những người cực đoan như là phe phái của thứ tà giáo họ đang vọng tưởng. Trong đó de Selby – triết gia hư cấu được nhân vật chính muôn đời tôn sùng, là một “vị Thánh” của những con chiên gần như cuồng tín. Những điều không tưởng y ta vẽ ra như nhà không nóc và nhà không tường thì tốt hơn cho phổi con người, hoặc những lý thuyết còn lập dị hơn, như đêm không phải hiện tượng tự nhiên, mà là trạng thái không lành mạnh trong bầu khí quyển do chủ nghĩa công nghiệp tham lam và tàn nhẫn mang lại. Mang tính huyền bí hơn cả, y còn đưa ra ý tưởng bóng tối chỉ đơn giản là sự bồi đắp của “khí đen” do những đợt phun trào núi lửa gây ra và giấc ngủ đơn giản là một sự tiếp nối của những cơn ngất gây ra bởi chứng ngạt thở…

Chính sự tôn sùng vị triết gia này dẫn đến án mạng và rồi liên tục là chuyến du hành vào một thế giới đặc biệt xuất hiện. Đó chính là sự châm biếm về cái điên cuồng của con người khi duy ý chí tin vào tà giáo. O’Brien đồng thời cũng tạo ra mạch truyện gần như song song, nhưng không được viết ở phần chính yếu, mà là những dòng chú thích dài đến nhiều trang. Cũng như nhân vật chính theo đuổi một điều gì đó về xứ-xe-đạp, thì các triết gia nghiên cứu “con người thần thánh” de Selby cũng lao vào nhau trong trận cắn xé, phản bác và hạ nhục nhau không hề nương tay. Dù văn bản chính hay văn bản phụ, hậu quả của việc quá tin vào điều gì đó cũng tạo ra kết quả xấu xa, bóc trần khía cạnh đáng quên của chính con người.

Đất nước lưỡng nan

Ẩn sâu trong cuốn sách này, dễ thấy ở nơi nào đó O’Brian cũng đang viết về Ireland với một trạng thái gần như trung lập, đang đứng ở giữa và lạc hậu so với phần còn lại của thế giới đang chìm trong khói lửa đạn lạc vào thập niên 1940. Ở một trong những chương đầu, ông đã gợi nhắc đến đất nước này bằng những câu chuyện hơi hướng cổ tích cũng như thần tiên, về vận mệnh và tuổi thọ của con người được xác định qua màu sắc con gió, cũng như độ tuổi được thể hiện qua những lớp áo ngoài…

Đó là không khí của truyện thần tiên mà Italo Calvino từng viết trong bài Địa lý học về thần tiên rằng: “Chính trên những cánh đồng xanh tươi của Ireland và đồng hoang Scotland, những vật ma quái dưới lòng đất khó nắm bắt này đã đạt đến mật độ dân số cao nhất. Walter Scott đối với Scotland (trong Những bức thư về ác quỷ học và thuật phù thủy) và W. B. Yeats đối với xứ Ireland (trong Thần tiên và truyện dân gian Ireland) đã cố gắng, nếu không nói là một cuộc điều tra dân số, ít ra là phân loại các loài và các họ yêu tinh”.

Như vậy mê lộ mà nhân vật chính trải qua vốn dĩ không quá xa lạ với đất nước này. Sự cuồng tín của người dân quê như đại diện cho đời sống truyền thống, và cái châm biếm của thời đại máy móc cho thấy viễn kiến về một đất nước theo hướng hiện đại. Ở đây O’Brien nói về nhân vật không có tên tuổi, không có danh tính, thế nhưng ở một khía cạnh nào đó, nó cũng nói về đảo quốc không có tiếng nói, vốn bị cô lập trong tình trạng khẩn cấp và cũng từ đó mà các nghịch lý, mê lộ… chỉ như là một trò đùa không hơn không kém.

Nó như người mất một chân, không thể tìm thấy được sự thăng bằng hay phương án nào khả dĩ tốt nhất. Điều này có phần tương đồng với bộ phim được đề cử Oscar vào năm 2022 – The Banshees of Inisherin của đạo diễn Martin McDonagh, khi những tranh cãi về vận mệnh đất nước đã được ẩn dụ trong mối quan hệ giằng dai giữa hai người bạn.

Rất nhiều vấn đề xuất phát từ de Selby đã được trình bày tưởng chừng nghịch lý, thế nhưng cuối cùng hóa ra nó lại hợp lý một cách không ngờ. Đó là hiệu ứng như búp bê Matryoshka ngày càng hội tụ về phía trung tâm, cũng như xét về cơ bản, tồn tại những hạt không thể chia nhỏ. Đó là con người trong những tấm gương không thể già đi, vì ánh sáng chiếu vào gương trước, vì vậy hình ảnh phản chiếu sẽ chính là ta phiên bản trẻ hơn. Và nếu đặt đến vô hạn tấm gương, ta sẽ có một con người không bao giờ chết….

Đó cũng chính là nghịch lý mà Zeno từng nói về sự chia đôi để rồi Borges áp dụng vào Truyện hư cấu, nhưng với O’Brien, đó là quy trình không có kết thúc, mà trong chiếc rương nhỏ này sẽ có thêm chiếc nhỏ hơn, hết trạm cảnh sát này sẽ đến trạm cảnh sát khác… không có điểm dừng, không có hồi kết. Nó cũng ngầm ý về một thế giới như vật chất tối không ngừng chia nhỏ và ủ sức mạnh, con người ở đó cứ mãi tàn bạo và rồi tham tàn. Đó là sự thật đời đời kiếp kiếp không thể cải thiện, mà thuyết chọn lọc tự nhiên của Darwin cũng sẽ bất lực.

*

Với Viên cảnh sát thứ ba, độc giả không chỉ cảm nhận được sự mới mẻ trong nghệ thuật viết của Flann O’Brien qua việc kết hợp giữa viễn tưởng, siêu thực… với các nghịch lý mang tính triết học; mà đó còn là hành trình tìm cái vĩnh cửu, muốn được sự thống trị toàn thế giới này. Đi hết một vòng để rồi nhận ra xét cho đến cùng, nó chỉ là những ảo ảnh, là những lát cắt mang tính chất tĩnh mà con người ta sẽ không thể nào nắm bắt được hết.

Một cuốn tiểu thuyết được viết với nghệ thuật cách tân, mời gọi những sự giải mã từ phía độc giả.

 

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây