Nhà văn Triệu Hồng, khơi nguồn Trầm tích sông Thao – Tác giả: Nhà văn Phùng Văn Khai

Nhà văn Triệu Hồng, khơi nguồn Trầm tích sông Thao - Tác giả: Nhà văn Phùng Văn Khai

Nhà văn Triệu Hồng.

Chỉ vài lần gặp nhà văn Triệu Hồng khi thì ở Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Thọ rượu rót bồng mắt thỏ, khi ở Hà Nội nâng chén trà sen đàm đạo văn chương đều thấy ông vô cùng say mê và thanh thản. Ông say sưa kể đang dốc sức viết tiểu thuyết lịch sử nghìn trang cứ nhẹ như không. Triệu Hồng viết đủ thể loại: truyện ngắn, tản văn, thơ, nghiên cứu – lý luận phê bình, nhưng cái ông đam mê nhất là tiểu thuyết lịch sử. Ông không viết về nghìn năm trước mà viết về lịch sử gần đây. Trầm tích sông Thao chính là tái hiện lại cuộc chiến đấu vô cùng anh dũng của nhân dân vùng sông Thao, Hưng Hóa chống lại giặc Pháp. Bắt đầu từ cuộc chiến giữ thành Hưng Hóa với năm trăm quan quân triều đình nhà Nguyễn thủ thành dưới sự lãnh đạo của Hoàng giáp – Tuần phủ Nguyễn Quang Bích với vũ khí thô sơ đã chiến đấu đến cùng với hơn bảy nghìn quân giặc có tàu chiến và pháo binh yểm trợ. Nguyễn Quang Bích không chỉ là một bậc hiền tài mà ông chính là một nhân vật lịch sử vô cùng đặc sắc. Chủ tướng Nguyễn Quang Bích lãnh đạo nghĩa quân khắp các vùng Sơn Tây, Chợ Bờ, Hưng Hóa, Tuyên Quang cũng chính là chiến khu được nhân dân đùm đậu, chở che, nuôi dưỡng. Nguyễn Quang Bích đã liên thông chỉ đạo và thổi ngọn lửa kháng Pháp tới các thành Hà Nội, Sơn Tây, Nam Định, Ninh Bình, Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh… trong phạm vi Bắc kỳ và Trung kỳ đã hướng về vùng sông Thao – Hưng Hóa. Cả một vùng tả, hữu sông Thao, sông Đà, sông Lô miền Tây Bắc, Việt Bắc rộng dài nghĩa quân đã có thời gian dài làm chủ. Đó chính là bối cảnh rộng lớn và phong phú của tiểu thuyết lịch sử Trầm tích sông Thao.

Nhà văn Triệu Hồng quê ở xã Văn Khúc, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ. Ông sinh năm 1950 (tuổi thực sinh năm 1948). Ông nhập ngũ năm 1968, tham gia chiến đấu ở các chiến trường A, B, C, K, sau đó tốt nghiệp Đại học Sư phạm năm 1980 rồi từ đó làm giảng viên, trưởng bộ môn Ngữ văn, Bí thư chi bộ khoa Xã hội và Nhân văn trường Đại học Hùng Vương đến lúc nghỉ hưu năm 2010. Trò chuyện với ông, thấy được tấm lòng yêu lịch sử đến lạ kỳ. Ông đã đọc một số tiểu thuyết lịch sử của tôi và góp ý chân thành lắm. Lịch sử quả tình đã hấp dẫn ngòi bút nhà văn các thế hệ, dẫn dụ và khơi ra những văn mạch khác nhau, song trái tim người viết tựu trung đều hướng tới nhân dân và Tổ quốc. Trong gần hai mươi năm, tôi đã viết một mạch 6 cuốn tiểu thuyết lịch sử: Ngô Vương; Phùng Vương; Nam Đế Vạn Xuân; Triệu Vương phục quốc; Lý Đào Lang Vương; Lý Phật Tử định quốc, đã nhận được vô vàn lời góp ý, động viên, chia sẻ, nhất là các nhà văn thế hệ đi trước đã cho tôi tự tin để bước tiếp chặng đường dài. Nhà văn Triệu Hồng cũng vậy. Ông đọc kỹ và tinh, chỉ ra những điều thiếu khuyết, những võ đoán xa rời lịch sử và nhất là xa rời thực tiễn đời sống nhân dân.

Bia sach Tram tich song Thao - Nhà văn Triệu Hồng, khơi nguồn Trầm tích sông Thao - Tác giả: Nhà văn Phùng Văn KhaiBìa sách tiểu thuyết lịch sử “Trầm tích sông Thao” của nhà văn Triệu Hồng.

Nhà văn Triệu Hồng rất thuộc binh pháp, nhất là nghệ thuật quân sự của tổ tiên ta mấy nghìn năm đánh giặc giữ nước, giữ làng. Ông nói vừa tâm huyết vừa rộng mở, phẩm bình và khái quát những thành tựu nghệ thuật quân sự của Tổ tiên một cách thanh thoát và sâu sắc. Dường như ông muốn trao truyền những hiểu biết của mình, nhất là trái tim nồng hậu với lịch sử cho thế hệ kế cận. Ông đang ấp ủ những trường thiên tiểu thuyết lịch sử và dường như lúc nào cũng muốn ngồi vào bàn viết khi đã ở cái tuổi ngoại thất tuần.

Sức lao động của nhà văn Triệu Hồng đã hiện hình ở hàng loạt tác phẩm và giải thưởng. Đó là bốn tập thơ: Một thời để nhớ; Dũng sĩ với bông hồng; Người trung du; Thơ Triệu Hồng. Tám tập văn xuôi các thể tài truyện ngắn, ký, tiểu thuyết: Mưa rửa đền; Đêm hy vọng; Người đàn bà họ Hoàng; Đất văn vật; Trầm tích sông Thao; Người mạnh hơn sắt thép; Tán tương quân vũ Hà Công Cấn; Lãnh binh Bùi Hữu Khanh. Năm tập lý luận phê bình: Văn chương – Hiện thực – Tài năng; Bác sống như trời đất của ta; Hồ Chí Minh – Tinh hoa – Đạo đức – Trí tuệ; Hồ Chí Minh – Tư tưởng – Tác phẩm và phong cách; Hồ Chí Minh – Tác phẩm và phong cách sáng tác. Ông đã nhận được 26 giải thưởng, phần thưởng về văn học nghệ thuật Trung ương, địa phương và các ngành. Có thể khẳng định, nhà văn Triệu Hồng chính là một tấm gương về lao động, sáng tạo văn học nghệ thuật.

Lấy đâu ra sự đam mê đến nhường ấy? Người viết văn ở các tỉnh, thực không dễ dàng gì. Nhưng rất may ở tỉnh Phú Thọ, người viết văn, các nhà văn đều rất được tôn trọng và tạo điều kiện. Ở đó có Sao Mai, văn chương rộng dài nức tiếng mà gia thất cành la cành bổng cũng lừng danh. Ở đó có Nguyễn Hữu Nhàn cày sâu cuốc bẫm văn chương cứ vật lên từng luống dàn dạt tít tắp cánh đồng. Vùng đất Phú Thọ cũng sinh ra những Hữu Thỉnh, Phạm Tiến Duật tài hoa chữ nghĩa mà ứng xử trong đời sống đều khiến thế hệ sau phải khâm phục, noi theo.

Nv Phung van Khai lam viec voi CTV tai VNQD - Nhà văn Triệu Hồng, khơi nguồn Trầm tích sông Thao - Tác giả: Nhà văn Phùng Văn Khai  Nhà văn Phùng Văn Khai làm việc với cộng tác viên tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Trong một lần trò chuyện và viết ra, tôi cho rằng những người như Nguyễn Hữu Nhàn, Sao Mai và nhà văn Triệu Hồng, họ nhất định là những trí thức theo nghĩa sâu sắc nhất. Cả một đời văn phản biện bằng tác phẩm. Cả một đời văn cần lao đồng hành với Tổ quốc và nhân dân không mệt mỏi, không chùn bước trước vô vàn tha hóa ở xung quanh phải là những trí thức lớn chứ. Đâu phải ở học hàm, học vị. Thì các danh hiệu học vị Thạc sĩ, Tiến sĩ không ít đều lấy nền tảng từ các tác phẩm văn học của chúng tôi. Điều đó có lẽ nào mọi người không hiểu.

Trong Trầm tích sông Thao, nhà văn Triệu Hồng đã có cách tạo lập một mô hình tiểu thuyết lịch sử theo một khung khổ, cấu trúc chặt chẽ. Đó là, tiểu thuyết lịch sử phải là văn bản tự sự có cốt truyện. Kết cấu tiểu thuyết phải theo thời gian, sự kiện, vụ việc, các trận chiến diễn ra theo đúng với lịch sử. Chính vì bám sát nguyên tắc trên nên trong 34 chương Trầm tích sông Thao, đã thấy được quy mô hoành tráng của tác phẩm, số lượng nhân vật đến hàng trăm mà vẫn mạch lạc. Các tuyến nhân vật vừa độc lập vừa đan cài với nhau để phục vụ cốt truyện, và cái chính yếu là, từ cốt truyện đã đưa ra những thông điệp mạnh mẽ, sâu sắc có giá trị lịch sử.

Nhân vật trung tâm của Trầm tích sông Thao là Hoàng Văn Thúy (Đề Kiều – Chánh tổng Điêu Lương, huyện Cẩm Khê sau này làm Phó soái cho lãnh tụ nghĩa quân Nguyễn Quan Bích). Nhân vật Đề Kiều đã thể hiện toàn diện nhất hình ảnh của người chí sĩ yêu nước, hết lòng lo việc nước. Đề Kiều là người tuyệt đối trung thành, cương trực và vô cùng bao dung, độ lượng. Khi lãnh tụ khởi nghĩa Nguyễn Quang Bích từ trần đã giao quyền chỉ huy cho ông và ông đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ của mình.

Nhân vật Đề Kiều cùng với nhân vật Nguyễn Quang Bích hiện lên trung thực và hấp dẫn chính là thành công của Trầm tích sông Thao.

Nha van Phung van Khai lam viec tai VNQD - Nhà văn Triệu Hồng, khơi nguồn Trầm tích sông Thao - Tác giả: Nhà văn Phùng Văn KhaiNhà văn Phùng Văn Khai làm việc tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Nhà văn Nguyễn Văn Toại khi nhận định về Trầm tích sông Thao đã viết: “Cái giỏi của tác giả là đã đưa vào tác phẩm rất nhiều nhân vật, sự kiện nhưng không hề bị rối. Mỗi chương là một sự kiện, một vụ việc minh bạch, rõ ràng như những màn cảnh trong một cuốn phim truyện. Sau này có điều kiện, những nhà làm phim có thể tạo dựng một bộ phim nhiều tập về cuộc chiến đấu này. Trong tác phẩm, tác giả đã có nhiều trang giáo huấn, luận bàn về chiến tranh mà lý thuyết đưa ra rất mô phạm, bởi tác giả là người từng trải, một giảng viên nghiên cứu nhiều về văn học và lịch sử chiến tranh, lại từng trải nghiệm thực tiễn trong chiến tranh chống Mỹ. Nhiều trang người viết luận giải về chiến tranh, vấn đề thắng thua đều có căn cứ kiến thức lịch sử quân sự của ông cha ta. Chiến tranh Cần Vương là một cuộc chiến đặc biệt nên vấn đề lịch sử cần nêu, cần bàn là vấn đề thắng thua. Tác giả đã lý giải rất rõ ràng thông qua các hoạt động của các nhân vật, với những điều kiện, thời gian, vũ khí, trang bị mà họ đã vận dụng nó vào trong cuộc chiến đấu không cân sức. Một bên là đế quốc Pháp có đội quân viễn chinh được trang bị vũ khí tối tân, quân lực mạnh; một bên là những văn thân, nghĩa sĩ, vũ khí thô sơ, lực lượng phân tán, thiếu sự chỉ huy thống nhất. Cuối cùng, cuộc chiến đấu của các văn thân, nghĩa sĩ của ta thất bại nhưng đã ghi bao chiến công anh hùng, những bài học quý giá về kinh nghiệm, về sự hy sinh anh dũng, làm gương cho hậu thế”.

Nhà văn Triệu Hồng trong công cuộc lao động sáng tạo đã rất biết lượng sức mình. Ông viết dài, viết ngắn, làm thơ, viết báo đan xen cũng chính là để luyện bút. Cái cách ông giao lưu, đồng hành cùng người viết trẻ cũng là cách để ông vừa tích lũy thêm vừa trao truyền lại nguồn kiến thức, niềm đam mê văn bút như ngọn lửa mãi cháy khôn nguôi. Nhìn vào thế hệ các ông, lứa nhà văn đi sau chúng tôi luôn cảm thấy mình còn nhiều điều phải làm trong đời sống, trong lao động sáng tạo. Mong muốn những trang viết tới của nhà văn Triệu Hồng, của thế hệ kế cận ông mãi tươi xanh và hữu ích với Tổ quốc, với nhân dân.

 

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây