Độc giả Việt tò mò về Annie Ernaux

Độc giả Việt tò mò về Annie Ernaux

Sách Một người phụ nữ của Annie Ernaux. Ảnh: NN.

Trong buổi giao lưu ra mắt 3 cuốn sách của Annie Ernaux, nhiều độc giả đã đặt câu hỏi về tư tưởng trong sách Ernaux, về cách định nghĩa các cuốn sách của bà.

Ngày 6/10/2022, nhà văn người Pháp Annie Ernaux đoạt Nobel Văn chương vì “lòng dũng cảm và sự nhạy bén sắc lạnh bà sử dụng để khám phá ra gốc rễ, sự bất hòa và những hạn chế của ký ức cá nhân”. Ngay lập tức, giới yêu văn chương tò mò và tìm đọc các tác phẩm của nhà văn này.

Sách Annie Ernaux đã được xuất bản tại Việt Nam trước đó nhưng chưa gây được tiếng vang thực sự. Sau giải Nobel, các tác phẩm của bà mới được độc giả Việt săn đón, được đơn vị xuất bản tái bản và mua thêm bản quyền.

Nhân dịp Những ngày văn học châu Âu, ba tác phẩm của Annie Ernaux được giới thiệu đến độc giả. Trong buổi giao lưu ra mắt sách vào tối 11/5 tại Hà Nội, nhiều người cũng thú nhận họ đọc Annie Ernaux khá “muộn”, hầu hết là sau khi giải Nobel xướng tên bà.

Hiệu ứng Nobel kích thích trí tò mò của độc giả, người ta đặt ra câu hỏi: Điều gì khiến nhà văn này, với văn chương không hoa mỹ, sách viết thường mỏng dính, lại đặc biệt đến thế?

Nha van Hien Trang ong Herve Malagola TS Nguyen Quyen min - Độc giả Việt tò mò về Annie ErnauxTừ trái qua phải: Nhà văn Hiền Trang, ông Hervé Malagola, TS Nguyễn Quyên. Ảnh: MH.

Những câu chuyện riêng nhưng của chung

Xuất hiện tại buổi giao lưu ra mắt sách, TS Văn học Nguyễn Quyên chia sẻ: “Đọc Ernaux luôn gắn với 3 chủ đề: giai cấp, tính dục và giới tính. Đọc tác phẩm nào của bà cũng có thể nhận ra những tư tưởng xoay quanh 3 chủ đề này”.

Trong văn chương của mình, Annie Ernaux bóc tách những sự kiện, những lát cắt trong cuộc đời cá nhân nhưng lại có độ vang rộng. Đó là những câu chuyện riêng nhưng lại mang cảm giác như câu chuyện chung.

Nhà văn Hiền Trang nhận xét: “Đó là văn phong của một người phụ nữ cả nghĩ, luôn bị hành hạ bởi những suy nghĩ về bản thân, những mặc cảm, tự ti, ngượng ngùng”.

Câu chuyện của Ernaux không đơn thuần là câu chuyện của một nhân vật “tôi”, mà là câu chuyện đồng vọng của rất nhiều phụ nữ khác.

Mỗi cuốn sách của Annie Ernaux đều phản ánh một độ tuổi, một sự kiện trong đời bà, nhưng thường là những sự kiện mà hầu như ai cũng đã/đang trải qua, do vậy, dễ có kết nối cảm xúc.

TS Nguyễn Quyên nói: “Các tác phẩm của bà đều có thể khớp được với chúng ta ở một giai đoạn nào đấy”.

Nếu còn trẻ và muốn đọc một câu chuyện tình yêu say đắm, độc giả có thể tìm đọc Cơn cuồng si. Nếu muốn đọc về nỗi băn khoăn nguồn gốc của bản thân, có thể tìm đến Nỗi nhục. Muốn đọc để hiểu thêm về mối quan hệ với cha, với mẹ, có thể tìm đến Một chỗ trong đời và Một người phụ nữ.

Hơn thế, Annie Ernaux tiếp cận một lối viết không quá hoa mĩ, nhưng rất sắc lạnh, chính xác, khơi gợi cảm xúc một cách tự nhiên.

Bà Nguyễn Quyên cho rằng các nhà văn Việt Nam có thể học tập lối viết này, dùng một lăng kính không ngại ngần, dùng một con dao phân tách từng cảm xúc cá nhân và phơi bày mọi thứ lên trang giấy bằng một lối văn chỉn chu, tiết chế.

Thể loại văn mà Ernaux viết cũng đã được nhiều nhà văn đương đại châu Âu học tập, TS Quyên bày tỏ mong muốn được thấy các tác giả Việt Nam cũng thử nghiệm với lối văn này.

Sach Con cuong si cua Annie Ernaux min - Độc giả Việt tò mò về Annie ErnauxSách Cơn cuồng si của Annie Ernaux. Ảnh: NN.

Những cuốn sách đặc biệt của Annie Ernaux

Ông Hervé Malagola, giáo viên văn học Pháp và La tinh, Trường Pháp Quốc tế Alexandre Yersin, cho rằng sách của Annie Ernaux có nhiều điểm cách mạng về mặt tư tưởng.

Ông thừa nhận lần đầu đọc Annie Ernaux cách đây 20 năm, ông cảm thấy khó chịu. Giờ nhìn lại, ông cho rằng khi ấy, ông vẫn đắm chìm trong những quỹ đạo xã hội quen thuộc của chính mình.

Nhưng sau khi đọc và yêu thích các tác phẩm khác của Ernaux, ông quay lại với tác phẩm đầu tay của bà và nhận ra sự cách mạng trong cái nhìn về xã hội, trong đó, Annie Ernaux phê phán những sự thống trị trong thế giới, mà trên hết là sự thống trị của tính nam.

Đó là một trong những góc nhìn mới về mặt tư tưởng mà độc giả có thể tìm thấy trong các cuốn sách của Ernaux.

Trong buổi giao lưu tối 11/5, nhiều độc giả bày tỏ sự tò mò về thủ pháp mà Annie Ernaux đã sử dụng, về cách định nghĩa các tác phẩm của bà: Tiểu thuyết, tự truyện hay bình luận xã hội?

Giới phê bình phương Tây thường sử dụng thuật ngữ autofiction để gọi các tác phẩm của Annie Ernaux. Trao đổi với các độc giả, bà Nguyễn Quyên cho rằng thuật ngữ này không có một định nghĩa chính xác, mỗi nhà phê bình lại hiểu nó theo một cách khác nhau, các nghiên cứu về autofiction cũng không đồng nhất.

Vị diễn giả chia sẻ: “Bản thân Ernaux khẳng định bà không viết fiction (tiểu thuyết). Bà dùng cụm từ ‘auto social biography’ – tự truyện xã hội”.

TS Nguyễn Quyên cho rằng trong 3 tác phẩm đầu tay của Ernaux vẫn có yếu tố hư cấu, nhưng từ tác phẩm thứ tư, bà thuật lại chính xác cuộc đời mình, lần lại những giai đoạn khác nhau, phơi bày những lát cắt cuộc đời, tạo nên một thứ nằm giữa văn chương, xã hội học và lịch sử. Đó là thể loại mà Annie Ernaux đã sáng tạo ra.

Nhà văn Hiền Trang thử so sánh hai “tác phẩm” của bà là Nhật ký và Cơn cuồng si – đều kể về mối tình với người đàn ông đã có vợ. Nhà văn này cho rằng Nhật ký là một văn bản thô, có gì viết nấy, trong khi đó, Cơn cuồng si là một văn bản để xuất bản thành sách. Có nhiều điều trong Nhật ký Ernaux đã không đưa vào Cơn cuồng si.

Nhà văn Hiền Trang nói: “Bất cứ nhà văn nào khi viết sách cũng sẽ trải qua bước xử lý chất liệu trong đời thật. Và tôi nghĩ Annie Ernaux coi cuộc đời mình như một kiểu mẫu để nghiên cứu xã hội. Do vậy, sách của bà có thể đọc như một nghiên cứu về dân tộc, về giai cấp”.

Hiền Trang nhận định sách của Annie Ernaux không phải là tiểu thuyết (ít nhất là theo nghĩa truyền thống).

Minh Hùng

 

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây