Tàn Tuyết và “Phố Ngũ Hương”: Ta vẫn luôn sống trong những tin đồn

Bằng cách kể một chuyện buôn dưa lê bán dưa chuột, Tàn Tuyết đã kể một lịch sử bị lãng quên, một lịch sử tin đồn ẩn náu chỉ hiện ra qua ảnh ảo trong gương, lịch sử của một chuyện tào lao nhưng có lẽ những thứ tào lao mới là cấu trúc cột trụ của cuộc đời bá tánh.

Nha van Tan Tuyet min - Tàn Tuyết và “Phố Ngũ Hương”: Ta vẫn luôn sống trong những tin đồnNhà văn Tàn Tuyết.

Họ gọi bà là “người đàn bà hoang tưởng”. Họ bảo bất kể tác phẩm nào của bà, ở bên dưới cũng là “nỗi sợ bị người khác làm thương tổn”. Họ đóng vai thầy lang chẩn bệnh cho các nhân vật của bà, cho rằng họ mắc chứng “thị dâm”, là những kẻ “rối loạn phô trương” với “xu hướng ái kỷ”. Từ khi xuất hiện, Tàn Tuyết – bút danh của Đặng Tiểu Hoa, nghĩa là lớp tuyết đọng còn lại vào tiết cuối đông – đã không ít lần khiến những nhà phê bình bảo thủ ở Trung Quốc xốn mắt.

Tàn Tuyết sinh năm 1953, nghĩa là chỉ hơn Vương An Ức một tuổi. Cả hai nữ nhà văn vĩ đại của văn học hiện đại Trung Quốc chia sẻ những điểm chung trong tuổi thơ của mình, khi mà cha mẹ họ đều từng đi cải tạo. Nhưng niềm đam mê văn chương của họ rất khác nhau. Vương An Ức yêu thích Tolstoy, Pushkin, Turgenev. Tàn Tuyết lại say mê Borges và Kafka. Ta tiếp nhận dinh dưỡng văn chương của ai thì ta sản sinh ra thứ văn chương tương ứng. Mặc dù là bạn bè, nhưng Tàn Tuyết nói thẳng, Vương An Ức phổ cập với độc giả hơn là do Vương An Ức an toàn hơn. Đây không phải chuyện văn mình chồng người, mà quả đúng, so với Vương An Ức thì văn của Tàn Tuyết là thứ văn người ta chỉ nên đọc khi đã sẵn sàng bước vào một mê cung không lối thoát, chấp nhận ta không thể đoán biết luật chơi, chịu cho tác giả thao túng toàn tập.

Phố Ngũ Hương (theo bản dịch của dịch giả Tố Hinh) được Tàn Tuyết viết năm 1988. Kể cả vào năm 2024 thì cuốn tiểu thuyết này vẫn đủ sức công phá những thành quách văn chương và xã hội, chứ đừng nói vào năm 1988 ở Trung Quốc Đại Lục. Truyện bắt đầu bằng những lời đồn đoán về cô X của dân phố Ngũ Hương, với hai mươi tám luồng ý kiến của già trẻ gái trai mỗi người một phách. Cô có thể đã ngoài năm xịch, cũng có thể chỉ ở tuổi đôi mươi. Cô, mặc dù đã có chồng, lại dan díu cùng một anh viên chức tên Q. Tóm lại là một chuyện anh này lăng nhăng với chị kia, nhưng chuyện tình lăng nhăng ở đây không chỉ còn là chuyện trà dư tửu hậu bàn tán trong khi rảnh rỗi, mà trong thế giới như được phóng đại qua một tấm gương cầu lồi của Tàn Tuyết, nó trở thành hiện thực đời sống của người dân phố Ngũ Hương. Người ta tồn tại vì cần hóng hớt và truyền tai những tin đồn mập mập mờ mờ hư hư thực thực như thế.

X và Q quen nhau thế nào?; Họ thay đổi ra sao sau khi cặp bồ?; Vì sao ông chồng của X lại mặc kệ cho chuyện trên bộc trong dâu?; Làm sao X lại phải đi tằng tịu với người khác trong khi có ông chồng như thế; Sao anh Q lại phản bội vợ mình dù đang có đời sống ân ái mặn nồng?; Cô X hay anh Q theo đuổi người kia trước… Có ti tỉ những câu hỏi phát sinh từ chuyện tình lén lút này, và câu hỏi nào cũng được đối xử như thể đây là những câu hỏi mang tính triết học. Mà cũng có thể lắm chứ! Tàn Tuyết đã biến một chuyện vớ vẩn mà ngày nay, có lẽ người ta sẽ đơn giản hóa gọi là “drama”, thành một trò chơi ngôn ngữ, một mê đạo của những hiện thực huyền ảo, và đôi khi, một luận đề về thực hành sáng tác văn chương.

Nhân vật trung tâm X không nói gì (cùng lắm là cô nói qua lời kể người khác). Nhưng có cả một dàn đồng ca nói thay cô. Những tiếng xì xào cùng thói ngồi lê đôi mách, thì thụt những bí mật và lời đồn trong các ngõ phố lao động Á Đông, được Tàn Tuyết nâng tầm thành một ma trận nhân sinh. Đi tận cùng đời sống thì không còn gì mang dáng vẻ bình dân nữa, mà tất cả đều trở nên phi lý, quái gở. Đọc Phố Ngũ Hương rất dễ khiến người ta nghĩ đến truyện cực ngắn Prometheus của Franz Kafka, ở khía cạnh quanh Prometheus cũng có đầy những tin đồn – mà trong trường hợp này được gọi là những dị bản truyền thuyết. Mỗi dị bản nói về sự trừng phạt mà thần linh dành cho Prometheus theo một cách khác nhau. Đâu là sự thật? Nhưng đó là câu hỏi sai, vì ai cần sự thật. Cũng như vậy, không phải sự thật là thứ được truy cầu trong câu chuyện cô X và anh Q. Mà bản thân sự nghe ngóng và bàn tán về những khả năng của họ mới là mục tiêu của đời sống.

Văn của Tàn Tuyết là thứ văn người ta chỉ nên đọc khi đã sẵn sàng bước vào một mê cung không lối thoát, chấp nhận ta không thể đoán biết luật chơi, chịu cho tác giả thao túng toàn tập.

Nhân đây, cũng xin giải thích lý do tôi phóng tác tựa đề cuốn tiểu thuyết We Have Always Lived in the Castle (Ta vẫn luôn sống trong lâu đài) của nữ văn sĩ Shirley Jackson để làm tựa đề bài viết này. Cuốn tiểu thuyết của nhà văn người Mỹ là về một gia đình, sau bi kịch kinh hoàng, chọn sống tách mình khỏi người đời để tránh lời đàm tiếu, nhưng ngay cả thế cũng không đủ để những bi kịch nguội lạnh. Thì ở đây, cô X dù có vẻ không quá mặn mà với những đàm tiếu về mình (một dạo, cô “mù” luôn), nhưng cô vẫn sống trong những tin đồn. 

Những tin đồn không chỉ là sợi dệt nên sự tồn tại của những người đồn đại, mà còn là sợi dệt nên sự tồn tại của người bị đồn đại. Khi tin đồn không còn được đồn tiếp thì chủ thể của tin đồn cũng tan biến. Vào mùa đông, khi người ta có những mối lo thiết thực hơn về thời tiết, chẳng ai buồn quan tâm đến chuyện ì xèo của cô X nữa, thì cô cũng “trở nên trừu tượng mơ hồ tới mức chỉ còn là một ký hiệu như có như không”. Đặc điểm của những tin đồn là sự mơ hồ, bảo nó hiện diện cũng được, bảo nó không hiện diện cũng được – và có khi nào đó cũng là bản chất của con người trong mắt người khác. Sự hiện tồn của ta có thể cũng không gì hơn là một tin đồn. Vậy là bằng cách kể một chuyện buôn dưa lê bán dưa chuột, Tàn Tuyết đã kể một lịch sử bị lãng quên, một lịch sử tin đồn ẩn náu chỉ hiện ra qua ảnh ảo trong gương, lịch sử của một chuyện tào lao nhưng có lẽ những thứ tào lao mới là cấu trúc cột trụ của cuộc đời bá tánh. 

Pho Ngu Huong dich gia To Hinh min - Tàn Tuyết và “Phố Ngũ Hương”: Ta vẫn luôn sống trong những tin đồnPhố Ngũ Hương (dịch giả Tố Hinh) do Công ty Nhã Nam và NXB Phụ Nữ hợp tác ấn hành. Nguồn: adcbook.net.vn.

Trong Phố Ngũ Hương, nhà cô X bày gương lớn gương nhỏ và trong một thời gian, cô chẳng làm gì ngoài nghiên cứu những tấm gương. Gương xuất hiện liên tục trong nhiều tác phẩm của Tàn Tuyết. Truyện ngắn Cây táo ở hành lang của bà cũng có những nhân vật thích nhìn một tấm gương. Mặc dù có những vết lấm không thể tẩy sạch khiến cho đời sống trong gương không thể là một sự giải phóng toàn triệt, nhưng người ta vẫn nhìn vào gương để tìm một lối thoát. Tấm gương đã luôn ở đó trong văn chương Trung Hoa: “Hiểu kính đản sầu vân tấn cải” (Sáng ngắm gương buồn thay mái tuyết), như Lý Thương Ẩn viết về tâm tình của một nữ nhân; hay quen thuộc hơn nữa, truyền thuyết Lý Bạch vì muốn chạm tới ánh trăng mà nhảy xuống bóng trăng trên nước. Tàn Tuyết ẩy tấm gương ấy đi xa hơn nữa, dường như là công cụ để kiến tạo ra một thế giới mới. Xét cho cùng thì toàn bộ tiểu thuyết này là một ảnh ảo chập vào của hàng trăm tấm gương. Cô X trong câu chuyện không phải bản thân cô X, mà chỉ là một hiệu ứng quang học phản chiếu qua vô vàn những đôi mắt/những tấm gương. 

Bản thân quá trình viết cũng là một quá trình soi gương. Khoảng giữa cuốn tiểu thuyết, một nhân vật đột ngột xuất hiện – đó là người viết ra cuốn sách – biến Phố Ngũ Hương thành một metafiction (siêu hư cấu). Nhân vật đó không đứng ngoài cuộc, anh ta cũng đi vào câu chuyện với tất cả những khiếm khuyết hiểu biết của mình, tương tác với cô X và những nhân vật liên quan đến cô. Anh ta cũng không tránh khỏi những bẽ bàng, những hiểu nhầm, những… tin đồn mà mọi nhân vật từ lớn đến bé trong cuốn tiểu thuyết đều không tránh khỏi. Phải chăng tư cách của bậc nhà văn cũng không hơn tư cách của những người anh ta viết về? Họ bị đánh giá và anh ta cũng vậy, mà xét cho cùng, có thể những nỗ lực của một người viết cũng không vượt ra khỏi hành vi thêu dệt những tin đồn. Người viết bối rối trước quá nhiều ảnh tượng về cô X trong Phố Ngũ Hương khi không thể tìm ra phương cách hoàn hảo để kể câu chuyện của cô từ đầu chí cuối một cách toàn vẹn, kín kẽ. Anh càng cố gắng giải thích thì câu chuyện càng rối loạn và không thể hiểu.

Trong Prometheus, Kafka đi đến kết luận về sự bất nhất trong những dị bản về truyền thuyết Prometheus: “Truyền thuyết đã cố giải thích cái không thể giải thích. Bởi truyền thuyết bắt nguồn từ cơ sở của sự thật thế nên đến lượt mình, nó cũng phải kết thúc trong tình trạng không thể giải thích nổi vậy thôi.” Có thể, chấp nhận cái không thể hiểu là cách duy nhất để kể chuyện chăng?

Hiền Trang

 

 

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây