Đọc một số bài thơ Thiền từ các thế kỷ trước, của các Nhà thơ Việt, được dịch ra tiếng Anh – Nhà thơ, dịch giả Bằng Việt

Đọc một số bài thơ Thiền từ các thế kỷ trước, của các Nhà thơ Việt, được dịch ra tiếng Anh - Nhà thơ, dịch giả Bằng Việt
Nhà thơ, dịch giả Bằng Việt

Trao đổi về thơ dịch và dịch thơ.

ĐỌC MỘT SỐ BÀI THƠ THIỀN TỪ CÁC THẾ KỶ  TRƯỚC,
CỦA CÁC NHÀ THƠ VIỆT,  ĐƯỢC DỊCH RA TIẾNG ANH

BẰNG VIỆT

Dịch thơ phương Đông cổ điển sang tiếng Anh hiện đại quả là vấn đề rất khó và hẳn cũng không dễ có nhiều bản dịch thành công. Mặc dù vậy, gần đây đã có một số dịch giả yêu mến văn học phương Đông (chủ yếu là của Việt Nam và Trung Quốc) đã dám làm việc đó và theo tôi, đã đạt được kết quả rất đáng khích lệ, đồng thời cũng được các độc giả người bản ngữ (Anh, Mỹ) đánh giá cao.

Trong bài này, tôi muốn điểm qua một số nhà thơ Việt Nam cổ điển được dịch trực tiếp ra tiếng Anh và có một vài nhận xét riêng về các bản dịch đó.

Năm 2019, sau gần 7 – 8 năm trăn trở và thử nghiệm, nhóm tác giả 3 người gồm: Sam Hamill ( nhà thơ và là nhà Đông phương học nổi tiếng người Mỹ), dịch giả Nguyễn Bá Chung (dịch gỉả và cũng từng đã dạy học tại Mỹ gần 50 năm qua) và nhà thơ Nguyễn Duy của Việt Nam, đã chọn được 30 nhà thơ Thiền từ thế kỷ XIV đến hết thế kỷ XIX, với sự giúp đỡ của Viện Văn học Việt Nam , để chuyển ngữ sang tiếng Anh. Họ làm rất cẩn thận, mỗi bài thơ đều in đủ nguyên tác chữ Hán, có bản dịch nghĩa, dịch thơ ra tiếng Việt, sau đó là bản dịch nghĩa và dịch thơ ra tiếng Anh. Cuối cùng, có phần chú thích các tác giả và tác phẩm.

Cảm giác đầu tiên của người đọc khi cầm cuốn sách bìa cứng có bọc bìa ngoài lót màu, in rất đẹp, khổ sách to 25x25cm, giấy couchet có phụ bản đen trắng nhã nhặn, là đã đủ thấy yên tâm, tự hào, vì những trang thơ cổ quý giá của Việt Nam đã được giới thiệu ra nước ngoài một cách trang trọng và có trách nhiệm.

Tôi muốn trích chọn một vài bài mà mình thích, để được phân tích và có một vài nhận xét, đánh giá cụ thể những nỗ lực của các dịch giả tập sách này.

…Một trong các nhà thơ tên tuổi nhất, đứng đầu Tao đàn thơ thời Lê là vua Lê Thánh Tông (1442 – 1479). Các dịch giả đã chọn được một bài thơ rất tiêu biểu và đầy tâm sự của nhà vua để dịch, là bài  Đề Tu Mộng tự trụ khắc”:

“Kê Điền đống vũ bán tồn khuynh
Tát Đóa huề dư phỏng hóa thành
Đại giác hải trung quân dị độ
Vô cùng môn lý ngã nan hành
Ngũ viên trạm trạm nguyên phi sắc
Lục độ trừng trừng diệc hữu tình
Mảnh tỉnh thị phi đê thủ khách
Bàng nhân thận vật thuyết tam sinh” .

Nhà thơ Nguyễn Duy đã dịch bài này ra thơ lục bát cũng khá đạt:

“Thơ khắc ở cột chùa Tu Mộng” :

“ Nửa phần hoang vắng chùa lam,
Sư cầm tay dắt lên thăm cửa Thiền,
Thầy qua biển giác bình yên
Còn ta vất vả triền miên giữa đời.
Ngũ viên vằng vặc bên trời,
Ngời ngời lục độ sáng soi hữu tình.
Cúi đầu bừng tỉnh, nín thinh,
Sư yên, chẳng giảng tam sinh, luân hồi!”.

Còn đây là bản dịch tiếng Anh của nhà thơ Mỹ Sam Hamill:

“Poem carved at the pillar of Tu Mong temple”:

“Houses in Ke Dien are mostly in ruins,
When the monk takes me to visit the desolate temple.
In the “sea of great enlightenment”, you easily enter,
From the “door of hardship”, it’s hard for me to move.
Seen clearly, the Five Spheres are not a form,
Really luminous, the Six Virtues of Perfection shows affection.
The guest lowers the head, suddenly awakened by right and wrong,
Prudently, the monk does not preach samsara .”

Đây là bài thơ lúc gần cuối đời của Lê Thánh Tông. Vị minh quân đầy mẫn tiệp và khôn ngoan này đã làm được rất nhiều điều ích nước lợi dân, lúc về già, trong phút bừng tỉnh triết lý Thiền, đã bất thần bộc bạch trước nhà sư: “Thầy qua biển giác bình yên / Còn ta vất vả triền miên giữa đời!” (mà bản tiếng Anh dịch cũng rất hay: “Đứng trước biển giác ngộ lớn, thày bước vào thật dễ dàng / Còn từ cửa trần đầy gian nan này, thật vất vả cho ta hành tiến”). Ngũ viên là ngũ lực viên thông, năm địa hạt tạo nên sức mạnh của người tu hành, còn lục độ là sáu đạo hạnh để hoàn thiện đạo đức, trở thành Bồ Tát, bản tiếng Anh dịch rất rõ và đúng. Đến hai câu cuối, thì bản dịch tiếng Việt đã “nuốt” mất đi chữ “khách” để giữ được nhịp điệu câu thơ lục bát, còn bản tiếng Anh vẫn dịch đủ cả câu thơ đầy tâm tư ngộ đạo của vua Lê: “Khách cúi đầu, đột nhiên bừng tỉnh giữa mọi điều phải trái (giữa cái đúng và cái sai) / Còn nhà sư cũng dè dặt chẳng phải thuyết giáo gì về kiếp luân hồi nữa!”. Vì cả nhà sư và nhà vua, lúc đó đã rất hiểu nhau rồi.

Một bài khác thật nhân tình thế thái là bài của bậc danh nho Ngô Thì Sĩ (1726 – 1780). Chất Thiền trong bài “Ngẫu ngâm” của ông sâu sắc và buồn man mác:

Nguyên tác:

“ Phiền não ưu tư uổng tự đồ
Doanh thâu đắc táng tận du du
Xuân tàn chuyển giác hoa vô dụng
Nhân lão phương trì tuế bất lưu
Phú quý thái nùng hoàn thái đạm
Văn chương tuy hữu bất như vô
Nhân sinh mộng cảnh giai hư huyễn
Thị thị phi phi giác hậu hưu”.

Nhà thơ Nguyễn Duy cũng dịch bài thơ này ra thể lục bát, khá lưu loát:

“ Ngẫu nhiên thành thơ”:

“ Buồn lo chi để uổng công,
Hơn thua, được mất, lòng vòng thế thôi!
Tàn xuân, hoa bỏ đi rồi,
Người già mới hiểu, tuổi trôi theo dòng…
Giàu sang, khi nhạt khi nồng,
Văn chương, có cũng bằng không cuối trời!
Đời là mộng huyễn mơ dài,
Thị phi muôn vẻ, hiểu rồi lặng câm!”.

Dịch giả Sam Hamill đã dịch bài thơ này rất sát nghĩa ra tiếng Anh, thậm chí ở câu cuối của bản chữ Hán, các từ “thị thị phi phi” được lặp đi lặp lại, thì bản tiếng Anh cũng cho lặp lại luôn hai lần các từ “right right, wrong wrong”:

“Fortuitous Recital”:

“Sadness and worry are routes to uselessness,
Winning, losing, victory, loss – all unimportant.
When spring ends, its flowers become useless,
Reaching old age, we see how months and years could not grasped.
Wealth is strong, but soon becomes tasteless,
Literature is great, but soon becomes worthless.
People’s lives are a dream, all illusion, vanity,
Right right, wrong wrong,- a mess. When understood,
keep silence!”.

Một bài thứ ba nữa chúng tôi muốn lưu ý thêm, là bài thơ của cụ Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến (1835 – 1909). Đó là bài: “ Ức Long Đội sơn”.

Nguyên tác:

“ Cận lai suy bệnh bất tham thiền,
Hồi ức tiền du diệc sảng nhiên.
Cổ tự tứ lân duy mộc thạch ,
Hàn tăng nhất tháp cộng vân yên,
Kỷ tằng trúc ảnh nghi vô lộ,
Hữu khách tang gian lập đãi thuyền,
Dã lão vị tri chung hưởng ngọ,
Phóng ngưu sơn lộc ngọa tùng miên”.

Bài này, có lẽ ngay từ bé, ai cũng từng thuộc bản dịch chữ Nôm thật tài tình của chính cụ Nguyễn Khuyến. Cũng vì cảnh chùa cụ tả trong bài thơ này quá khơi gợi, quá bao la, mà tôi đã cầy cục tìm xuống tận Hà Nam, tham quan bằng được chùa Đọi và quả thực, cảnh chùa tuyệt vời này đã không hề làm tôi thất vọng. Bài thơ tài hoa của cụ Nguyễn Khuyến tự dịch, đã gắn chặt vào trí nhớ tôi từ đó.

“Nhớ cảnh chùa Đọi”:  

“Già yếu xa xôi mấy độ nay,
Làng chơi loáng thoáng lại buồn thay!
Chùa xưa ở lẫn cùng cây đá,
Sư cụ nằm chung với khói mây,
Dặm thế ngỡ đâu tầng trúc ấy,
Thuyền ai khách đợi bến dâu đây,
Chuông trưa vắng tiếng người không biết,
Trâu thả sườn non ngủ gốc cây”.

Bản dịch tiếng Anh của Sam Hamill cũng rất tỉ mỉ và chính xác, nhất là 4 câu cuối: “Bóng trúc nhiều tầng, tưởng che khuất cả lối vào chùa / Trên bãi dâu, một đám khách đang đợi đò sang sông, Lão nông phu không nghe thấy chuông báo giờ ngọ của chùa, Thả trâu ra, ngủ một giấc đằm sâu bên gốc thông”. Quả thực, bản dịch đã thấm được chất Thiền tinh tế của nguyên tác, không thua gì bản dịch chữ Nôm của tác giả, dù cách diễn tả của ngôn ngữ Anh buộc phải thật cụ thể, chi tiết, không cho phép có những nét buông bắt, thả lỏng theo vần và âm điệu thơ, mung lung như thơ Việt (Ví dụ: “Trâu thả sườn non ngủ gốc cây”, người mới đọc thoáng qua, có thể hiểu nhầm là trâu ngủ, nhưng bản tiếng Anh phải có chủ ngữ cho động từ “ngủ” là “ông ấy”- tức là ông lão nông phu ngủ, cho chuẩn xác):

“Missing the Doi Pagoda scenes”:   

“ Recently old and sick, no longer able to visit the pagoda,
I miss the old temple scenes that I used to see,
Trees and stones envelope all four corners of the ancient temple,
A monk’s bed lies amidst the cold smoke and clouds.
Many-leveled shadows of bamboo hide the path to the temple,
At the mulberry pier, a few guests wait for the ferry to cross the river.
The old farmer doesn’t hear the noon peals of the temple bell,
Letting loose the buffalo, he sleeps soundly at the root of a pine.”

…Như vậy là, chất Thiền trong thơ của các cụ nhà Nho Việt Nam, dù viết từ các thế kỷ đã xa, như ta thấy, vẫn có thể truyền đạt lại được qua các bản dịch tiếng Anh hôm nay một cách khá trung thực và chuẩn xác. Thậm chí bản dịch còn tái hiện được phần nào tâm tư, cảm xúc của các tác giả và không khí, cảnh sắc của các bài thơ trong thời đại nó được sáng tác ra, vượt qua không gian, thời gian. Được như vậy, tất nhiên do giá trị và chất lượng của nguyên tác, nhưng cũng phải kể đến cách làm việc chu đáo, tận tâm, đầy trách nhiệm của các dịch giả. Các bài thơ trong nguyên tác được đề cập trên đây hầu hết là thơ thất ngôn bát cú luật Đường. Tuy nhiên, đọc các bản dịch tiếng Anh, do người nước ngoài thể hiện, điều đáng quý là vẫn thật gần gũi và phù hợp với cách tiếp nhận của người Việt.

… Đương nhiên, để dịch ngược ra thơ Anh – Mỹ, chúng ta cũng cần tìm hiểu sâu một chút về các loại hình thơ Anh – Mỹ và hình thức thể hiện của thơ Anh ngữ. Về hình thức câu thơ (verse form), chúng ta cũng sẽ phải chịu mất nhiều công khi tìm hiểu về nhạc điệu, tiết tấu và các cách hiệp vần trong thơ, còn về cách hệ thống hóa (classification) các thể thơ và phân loại theo loại hình các bài thơ (types of poems) thì lại còn là một vấn đề phức tạp nữa.

Chẳng hạn trong các loại “thơ có vần” (rhymed poetry), chúng ta phải phân ra kỹ hơn, như trong thể thơ Sonnet 14 câu thì cách hiệp vần thế nào, trong thể thơ Ballad thường ngắt đoạn 4 câu 1 khổ thơ (quatrains), thì cách hiệp vần thế nào. Ấy là chưa kể một loại biến thể khác từ Sonnet gọi là Villanelle, có 19 câu thơ, thì cách hiệp vần ra sao. Rồi các thể thơ như Rondeau (vốn có nguồn gốc từ thơ Pháp, có 15 dòng, chia làm 3 khổ, mỗi khổ (stanza) 5 câu; hay thể thơ ngắn trào phúng Epigram có 4 câu; các thể thơ Haiku, Tanka, mượn của Nhật Bản, hoặc thể Rubayat mượn của Ba Tư cổ, thể Ghazal mượn của A Rập cổ, mỗi loại này có khoảng từ 3 đến 5-7 câu / cho 1 bài, cũng có cách hiệp vần, hoặc có tiết tấu riêng. Còn cách chọn từ ngữ khi dịch, cũng phải cân nhắc, ví dụ đối với loại thơ Epics (tráng ca) so với Elegies (bi ca) thì cách dùng từ phải khác nhau; hoặc loại thơ Pastoral (thơ thiên nhiên, đồng nội) thường dùng từ bay bổng và lãng mạn hơn loại thơ Concrete (thơ cụ thể) ưa thích dùng nhiều từ tượng hình, tượng thanh, miêu tả rõ nét cả hình khối, sắc màu trong đời thực.

Sang đến loại “thơ không vần”, chúng ta lại còn phải phân biệt ra 2 loại thơ: Blank verse Free verse. Thơ dạng Blank verse là loại thơ không vần cổ điển, có từ thế kỷ XVI, khởi thủy do Shakespeare sử dụng làm lời độc thoại của nhân vật trong một số vở kịch, có tiết tấu và tuân thủ theo niêm luật thơ cổ, tuy không cần hiệp vần. Còn loại thơ Free verse mới thực sự là thơ tự do, không vần đã đành, nhưng cũng hoàn toàn thoát ra khỏi mọi niêm luật cổ điển của thi ca. Loại thơ này mới được thành hình đầu thế kỷ XX và hiện nay được các nhà thơ trẻ ưa thích như là một cách viết thời thượng, đồng thời nó cũng đáp ứng đủ các thứ tìm tòi, cách tân, dù khác biệt và “quái dị” đến đâu của giới thơ trẻ, ví dụ: bỏ các dấu chấm câu, bỏ viết hoa đầu dòng, xuống dòng vô tội vạ mà không tôn trọng ngữ pháp thông thường (một kiểu hình thức thơ hậu hiện đại, kể cả cắt đôi một danh từ kép để xuống dòng). Tiếp nữa, là không hề hạn định câu chữ trong các bài thơ, tìm cách gây bất ngờ cao nhất trong cấu trúc câu thơ – có bài thơ chỉ có 1 câu, thậm chí cả bài thơ chỉ có 1 chữ. Ngoài ra, khi bỏ vần, có nhà thơ còn tìm cách làm cho thơ mất nốt nhạc điệu, cốt để gây ấn tượng từ sự chói tai, nghịch nhĩ (dissonance). Trong loại thơ cụ thể (concrete poems), có tác giả còn “vẽ chữ xếp hình” thành các hình cụ thể, có thể là hình một công cụ máy móc, hình một vật thể đặc trưng nào đó, hoặc hình một con thú, một quả núi, một cành cây,v,v… Nói đến “sáng kiến vẽ thơ này”, chúng ta liên tưởng đến nhà thơ Pháp bậc thày Apollinaire từ đầu thế kỷ XX, đã cho “vẽ” bằng các dòng thơ lên trang giấy hình các dòng nước xiên nghiêng từ cao xuống thấp và buộc nhà in cũng phải in ra như thế, trong bài thơ tựa đề là “ Mưa”. Hoặc cũng chính Apollinaire, khi tả về sự mệt mỏi của con người trước nền văn minh cơ khí, máy móc, đã có một bài thơ vẽ ngay lên trang giấy hình một chiếc máy thô tháp, tất nhiên là vẽ bằng thơ, do đó, các dòng thơ buộc phải cho in ra theo một hình đồ họa, còn các con chữ thì được phép bò lổn nhổn, to nhỏ, đậm nhạt khác nhau, bằng các hàng chữ có dụng công, thẳng nghiêng vô tội vạ! Tuy nhiên, tìm tòi từ thời ấy của Apollinaire là mới mẻ và còn được tiếp nhận, như là một trong các nhà thơ nổi tiếng nhất của trường phái tượng trưng Pháp đầu thế kỷ XX. Còn ngày nay, các tìm tòi đi “đoạn hậu” đã lỗi thời của một số nhà thơ trẻ muốn phá phách, nhưng chưa tới nơi, không tìm ra được lối đi nào mới mẻ hơn, nên cũng nhanh chóng chết yểu. Chúng ta cần biết điều này, để khi muốn dịch (xuôi và ngược) các hiện tượng thơ ca giữa 2 dòng thơ hiện đại Anh – Mỹ và Việt Nam, thì cũng thừa đủ tỉnh táo và khôn ngoan, để không bị ngợp vào các vết xe đổ của những tìm tòi thất bại trong thơ ca phương Tây đương đại, vốn cũng đã có khá nhiều cám dỗ với giới thơ trẻ Việt Nam!.

Còn trong phạm vi các bản dịch của chúng ta, thì tôi thiển nghĩ, các bài thơ dịch trong tập Thơ Thiền thời Lê – Nguyễn ở Việt Nam (thế kỷ XIV-XIX) vừa được trích dẫn ở phía trên, có lẽ cũng đủ là một mẫu mực để chúng ta tham khảo và học hỏi. Trước tiên, tôi rất cảm phục dịch giả người Mỹ đã có cách chuyển ngữ  chính xác mà trong sáng, chỉ dùng các từ rất giản dị mà đạt được độ sâu xa cần thiết (Đơn cử với một số khái niệm Phật pháp mà tôi tưởng phải dùng thuật ngữ phức tạp, thì đã được dịch giả Sam Hamill dịch ra thật bất ngờ, ví dụ như: khái niệm Sắc và Không, ông dùng từ: Form and Emptiness, khái niệm Vô vi ông dịch là Non-doing, còn Vô ngã thì ông dịch là No-self. Quá đơn giản và dễ hiểu! ). Cách dịch mộc, không “vẽ rắn thêm chân” ấy, có thể cũng là kiểu mẫu để dịch thơ Việt ra tiếng nước ngoài, dù là thơ cổ điển, có nhiều điển cố và từ ngữ khó. Đó cũng là vài nhận xét gợi ý để chúng ta tự tin hơn khi muốn dịch thơ Việt ra các ngôn ngữ châu Âu, khỏi mất công gò ép, chỉ cố làm sao để thơ dịch buộc phải có vần, hoặc cố “ốp” nó vào cho thật đúng khuôn mẫu một thể thơ nào đó của phương Tây, rồi còn cố sức bắt chước một cách khiên cưỡng trên hình thức bề ngoài, nhưng từ đó, cách dịch chắc chắn sẽ thiếu chủ động ./.

B.V.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây