Dòng Hàm Luông chảy mãi trong thơ – Tác giả: Nguyễn Võ Khang Hạ

Trong một lần về thăm Bến Tre, nhà thơ Trúc Thông có nhã ý mong muốn được xuôi theo dòng Hàm Luông trên chiếc ghe nhỏ như là một trải nghiệm trong lần đầu tiên đến với xứ Dừa, bởi danh hiệu “Cỡi sóng Hàm Luông, nhấn chìm hạm Mỹ” của đại đội đặc công thủy của tỉnh đã nổi tiếng cả nước.

Dong song Ham Luong buoi hoang hon min - Dòng Hàm Luông chảy mãi trong thơ - Tác giả: Nguyễn Võ Khang HạDòng sông Hàm Luông buổi hoàng hôn. Ảnh: N. Minh.

Với gần 400 bài thơ trong cuộc thi Thơ và Bút ký văn học tỉnh năm 2019 – 2020, hai từ “Hàm Luông” xuất hiện với tần suất khá cao hoặc ẩn hiện đâu đó trong các tứ thơ so với các địa danh khác quả là một ngạc nhiên thú vị. Mỗi người đều có dòng sông riêng mình, cùng với sự đa dạng của phong cách, thi pháp các tác giả đã hòa mạch thơ của mình vào dòng chảy của sông Hàm Luông, góp phần làm phong phú thêm chủ đề tư tưởng của tác phẩm. Qua đó, nâng cao chất lượng của các tác phẩm dự thi cũng như thành công của cuộc thi.

Những dòng sông thường làm nhân chứng cho những đêm hò hẹn của đôi lứa. Chọn bờ sông Hàm Luông với những hàng dừa bạt ngàn “thương ai mà vẫy mãi” đúng là một khung cảnh lãng mạn. Hò hẹn với Bến Tre mà thề kết nghĩa bằng cách “bẻ cong sợi dừa” thì thật ý nghĩa:

“Hò hẹn nào níu bước chúng ta
Gã trai làng ngu ngơ giữa dòng châu thổ

Miệt Cửu Long bồng bềnh con sóng vỗ
Anh bẻ cong sợi dừa kết nghĩa nhớ thương em!
Cái tím bà ba còn chung tình giữa Hàm Luông lắng đọng”.

(Hò hẹn Bến Tre – Trần Đức Tín)

Nghe vọng cổ thường buồn mà nghe trên sông càng buồn hơn. Có lẽ ca vọng cổ phù hợp với những kiếp mưu sinh của nghề hạ bạc. “Xuống xề” khi “thả trôi dòng” nghe da diết biết bao! Ai đã từng nghe các cô gái Huế “dạ thưa” bên bờ Hương Giang, cũng nên một lần đến với Hàm Luông:

“Em thả trôi dòng câu vọng cổ
Ta hớp ngụm đầu dạ tái tê
Hớp đôi ngụm nữa lưng chừng khóc
Để vỡ oà ra giữa đam mê…
Vô tình ngọn gió len đầu võng
Chở về câu vọng cổ ban trưa
Mắt ta nhắm lại, hồn ngây ngất
Nghe lời ai hát chữ: Dạ, thưa!

(Nghe câu vọng cổ bên bờ Hàm Luông – Lê Thiện)

Đi đâu rồi cũng trở về sông. “Anh qua bên Minh, em về bên Bảo”, mà Hàm Luông nằm giữa đôi bờ Minh – Bảo nên phải về sông. Có nhiều lối về sông nhưng tại sao phải qua “lối cũ”? Câu trả lời đơn giản là qua lối cũ để tìm về những kỷ niệm xưa nơi có bông lục bình trên sông Hàm Luông vừa trôi vừa… nhớ:

“Chiều vuốt Hàm Luông chạm râu đước râu gừa
Xuồng ai nhắc chiếc khăn rằn quấn khéo
Tâm tư vừa trôi vừa nhớ những mái chèo
Mỗi bông lục bình nở lại chiều Đồng Khởi tím”

(Qua lối cũ về sông –
Nguyễn Thanh Hải)

Hàm Luông là một địa danh đẹp. Tạp chí Văn nghệ của tỉnh mang tên Tạp chí Văn nghệ Hàm Luông. Trong những bài thơ gởi đến dự thi, có bài thơ đọc lên tưởng “Hàm Luông” là tên một người nên cứ đứng trên bờ mà gọi, mà thương, mà nhớ. Sông cứ chảy đi! Nghe thân thương như một lời chia tay. Khi nhìn trên bản đồ những nhánh sông hình rẽ quạt đổ ra biển nhưng mấy ai nghe được giọng đờn kìm từ dòng chảy Hàm Luông:

Đứng trên bờ
Gọi hai tiếng Hàm Luông
Sông đổ ra biển Đông nỗi niềm của mẹ
Sông cứ chảy đi
Tôi đứng trên bờ thương nhớ
Nhìn những nhánh đan hình rẻ quạt
Như trăm ngón tay vuốt hạt phù sa
So giọng đờn kìm…

(Hàm Luông –
Nguyễn Thánh Ngã)

Có một bài thơ ghi lại một mối tình đẹp trong chiến tranh của anh lính trẻ và cô quân y. Hình ảnh dòng sông trôi lững lờ dễ làm ta liên tưởng đến những “thước phim” của cuộc đời chiếu qua trước mắt. Trong bóng hoàng hôn, trên bờ Hàm Luông, người thương binh già lặng nhìn dòng sông trôi để nhớ về một chuyến qua sông. Người còn, người mất, một chuyện tình se thắt đến mai sau:

“Bên bờ người thương binh già trong bóng hoàng hôn
Nhìn dòng nước trôi vấn vương thời binh khói
Nửa thế kỷ đi qua cứ ngỡ như vừa mới
Mãi se thắt lòng từ một chuyến qua sông”

(Chiều bên sông Hàm Luông – Nguyễn Thảo Nguyên)

Qua sông là đã tới nhà. Thật ra đó là nhà của một lão nhà văn với tiếng chim chìa vôi ríu ran kể chuyện “đi chỗ khác chơi!” bên con rạch nhỏ. Đã qua sông Hàm Luông nhiều lần, nhưng lần này biết rằng không còn được nghe tiếng người “uyên thâm, nhỏ nhẹ” mà cảm thấy cuộc đời vô thường cùng sông rộng mênh mông:

“Hàm Luông gió gợn trắng bờ mải miết
Con sóng hôm nay đẹp lạ ngàn lần
Nước sông Hàm Luông da diết
Gọi người về tìm vị ngọt Bến Tre
Rửa lòng ta đắng ngắt…
Hàm Luông buộc, thả một dòng
Hồi quy mấy chuyến mà không tới bờ!”

(Sóng Hàm Luông –
Trần Thế Vinh)

“Lục bình chiều ấy toàn bông đỏ” là một câu thơ quá ám ảnh. Hàm Luông mang trong lòng mình một niềm vui thì cũng đan xen vào đó bao nỗi niềm. Có nỗi xốn xang nào hơn sự mất mát, hy sinh của người thân yêu:

“Về úp mặt vào sông hỏi vầng trăng mười sáu
Dầm mình dưới đáy bao năm
Có gặp người xưa ôm súng
Giữ quê ngã xuống đêm rằm
Đừng trách nỗi buồn sao cũ rích
Khi Hàm Luông còn lưu giữ bóng xuồng qua
Lục bình chiều ấy toàn bông đỏ
Mẹ lao xuống dòng vạch nước tìm cha”

(Đừng trách sao nỗi buồn cũ rích – Trần Ngọc Hòa)

Có nhiều lý do phải bỏ sông mà đi để thành người xa xứ. Những người con xa xứ, dù xa mấy, dù thành đạt đến đâu cũng có lúc trở về bên bờ sông quê hương nương bóng dừa xanh. Dòng Hàm Luông vẫn chảy êm đềm, mang vị ngọt lời ru của mẹ, vị mặn mồ hôi của cha:

“Sông vẫn ngọt vị phù sa mình nhỉ
Dòng Hàm Luông êm đềm chảy như là
Tình cha mẹ dành cho con bền bỉ
Thơm – ngọt – lành như ong ủ mật hoa”

(Mình về nương bóng dừa xanh – Đoàn Thị Diễm Thuyên)

Cái tứ “di chúc Hàm Luông” gửi gia tài là những hạt phù sa cho hậu thế là một tứ thơ độc đáo. Một thông điệp rất rõ ràng về tưởng nhớ công lao của tiền nhân thời mở cõi đất phương Nam, trong đó có Bến Tre. Hãy nhớ rằng người xưa khai hoang lập ấp từ những chắt chiu “gia tài phù sa” nhỏ nhoi ấy để cho Bến Tre hôm nay:

“Phù sa gia tài Hàm Luông bao đời gìn giữ
Quê hương và tôi niềm tin sông gửi trọn
Cánh buồm xưa vươn cao khát vọng
Phương Nam dừng cánh thiên di
Tôi đi dọc cù lao nhặt lên từng câu hò điệu lý
Ru hương linh cha ông giàu trượng nghĩa Vân Tiên
Trĩu nặng ân tình hạt phù sa thừa kế
Giữ bên lòng như lớp chữ gói chặt tứ thơ vàng”

(Di chúc Hàm Luông – Phạm Bội Anh Thuyên)

Sông muôn đời vẫn âm thầm chảy theo thời gian và luôn mang trong mình những hạt phù sa nặng nghĩa nặng tình, có thủy có chung. Xin được khép lại bài viết này bằng hai khổ thơ trong bài “Nghe lại tiếng xưa” với lời đề từ “Tưởng nhớ cô Ba”:

“Buông câu rặng bần hoa trắng
Ngắm dừa chảy tóc đưa duyên
Trăng lên ngân bài vọng cổ
Tạo nguồn đuốc rực đời sau
Ta nghe quê nhà đang gọi
Vươn lên thoát bỏ kiếp nghèo
Hàm Luông muôn đời sóng bạc
Làm người ơn nghĩa phân minh”

(Nghe lại tiếng xưa – Đặng Thuần Phong).

N.V.K.H
     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây