Giới thiệu khái quát tỉnh Bến Tre

Bến Tre

Giới thiệu khái quát tỉnh Bến Tre

Bến Tre cách thành phố Hồ Chí Minh 86 km, cách thành phố Cần Thơ 120 km, phía Bắc giáp tỉnh Tiền Giang, phía Tây và phía Nam giáp tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Trà Vinh, phía Đông giáp biển Đông.

1. Điều kiện tự nhiên
 1.1. Vị trí địa lý
Bến Tre là tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, có diện tích tự nhiên là 2.359,8 km2  (niên giám thống kê 2014), được hợp thành bởi cù lao An Hóa, cù lao Bảo, cù lao Minh và do phù sa của 4 nhánh sông Cửu Long bồi tụ thành (sông Tiền, sông Ba Lai, sông Hàm Luông, sông Cổ Chiên).
 1.2 Khí hậu
tỉnh Bến Tre nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo, với hai mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Lượng mưa trung bình hàng năm từ 2.000 đến 2.300 mm, nhiệt độ trung bình hàng năm từ 260C – 270C. Với vị trí nằm tiếp giáp biển Đông, nhưng Bến Tre ít chịu ảnh hưởng của bão lũ, khí hậu ôn hòa, mát mẻ quanh năm… Đây là điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư, sản xuất, kinh doanh và du lịch của tỉnh.
 1.3 Tài nguyên đất
Bến Tre là tỉnh có nguồn tài nguyên đất phong phú, với nhiều loại đất như: đất cát, đất phù sa, đất phèn, đất mặn. Sản xuất nông nghiệp của tỉnh ngày càng mở rộng, nhu cầu thâm canh, tăng vụ ngày càng được chú trọng. Hơn 20 năm qua, bằng những nổ lực của mình, nhân dân Bến Tre cũng như cả vùng đồng bằng Nam Bộ đã tiến hành nhiều công trình tháu chua rửa mặn, cải tạo đất đai nhằm khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên này có hiệu quả hơn.
 1.4 Tài nguyên nước
Tỉnh Bến Tre có 4 con sông lớn chảy qua là: Mỹ Tho, Ba Lai, Hàm Luông và Cổ Chiên. Những con sông này giữ một vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế, văn hóa của nhân dân trong tỉnh như: cung cấp nước ngọt cho sinh hoạt và nông nghiệp, góp phần làm tươi đẹp cảnh quan, điều hòa khí hậu. Hệ thống sông, rạch trong tỉnh còn là điều kiện thuận lợi cho Bến Tre phát triển mạng lưới giao thông đường thủy và thủy lợi.
 1.5 Tài nguyên động vật, thực vật

Nằm ở giữa môi trường sông và biển, chịu ảnh hưởng của khí hậu gió mùa nhiệt đới nên cảnh quan tự nhiên của Bến Tre mang đặc trưng của miền địa lý động vật, thực vật miền Tây Nam Bộ. Những con sông lớn và vùng biển Đông ở Bến Tre có nhiều loại thủy sản như: cá vược, cá dứa, cá bạc má, cá thiều, cá mối, cá cơm, nghêu, cua biển và tôm,…đây là nguồn nguyên liệu vô cùng phong phú cho ngành công nghiệp chế biến thủy sản của tỉnh phát triển. Là tỉnh có 3 huyện giáp biển: Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú, rừng phòng

hộ ở các huyện đang được bảo vệ nhằm ổn định vành đai rừng phòng hộ ven biển, thông qua việc trồng mới và quản lý lâm sản xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh. Năm 2010, Bến Tre đã trồng mới 72 ha rừng, chăm sóc 336 ha và bảo vệ 3.461 ha.
 II. Điều kiện kinh tế xã hội
 2.1 Kinh tế
+ Bến Tre là tỉnh có nhiều lợi thế về nguồn lợi thủy sản, với 65 km chiều dài bờ biển nên thuận lợi cho việc đánh bắt và nuôi trồng  thủy sản, tạo ra nguồn tài nguyên biển phong phú với các loại tôm, cua, cá, mực, nhuyễn thể…Đây còn là vùng đất phù sa trù phú, sản sinh ra vựa lúa lớn của đồng bằng sông Cửu Long và nhiều loại nông sản mang lại hiệu quả kinh tế cao.
+ Về trồng trọt: Bến Tre được mệnh danh là xứ Dừa của Việt Nam, tổng diện tích dừa toàn tỉnh là 57.267 ha năm 2012, sản lượng ước đạt 468 triệu trái với hơn 36 sản phẩm từ dừa được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới, kim ngạch xuất khẩu đạt bình quân 109 triệu USD/năm. Dự án trồng mới dừa đã hỗ trợ cho 12.894 hộ nông dân tham gia trồng mới 4.593 ha dừa, trong đó có 580 ha dừa uống nước với nhiều giống dừa nổi tiếng như: dừa Dứa, dừa Dâu, dừa Siêm,… một đặc sản giải khát cho ngành du lịch miệt vườn.
Bên cạnh đó, Bến Tre còn là địa phương có diện tích trồng cây ca cao gần bằng ½ diện tích cả nước. Tỉnh có 66 xã tham gia trồng ca cao lấy hạt, với 8.199 ha ca cao trồng xen trong vườn dừa, trong đó, có 3.700 ha đang thu hoạch sản phẩm, sản lượng 27.816 tấn. Chất lượng hạt ca cao của Bến Tre đã được xuất khẩu đi Châu Âu và được đánh giá cao. Bến Tre hiện nay có 02 nhà máy chế biến cacao do doanh nghiệp trong nước và ngoài nước (Bỉ) đầu tư.
Diện tích cây ăn trái toàn tỉnh Bến Tre là 29.000 ha; sản lượng đạt 303.206 tấn. Nhiều loại cây ăn quả của tỉnh có giá trị kinh tế như nhãn 5.360 ha với sản lượng 50.523 tấn; sầu riêng 1.848 ha với sản lượng 19.223 tấn; măng cụt 2.230 ha, sản lượng 13.138 tấn; bưởi 4.144 ha, sản lượng 35.997 tấn; chôm chôm 5.010 ha, sản lượng 84.322 tấn; xoài 1.077 ha, sản lượng 8.557 tấn..
+ Toàn tỉnh tính đến năm 2010 có trên 2.886 doanh nghiệp và hơn 44.000 hộ kinh doanh cá thể đăng ký hoạt động trên các lĩnh vực. Bến Tre đã hình thành Khu công nghiệp Giao Long và Khu công nghiệp An Hiệp đưa vào hoạt động thu hút nhiều dự án đầu tư vào tỉnh. Hiện tỉnh đang tập trung phát triển các loại hình du lịch sinh thái, sông nước. Trên lĩnh vực sản xuất công nghiệp phát triển khá ổn định, thương mại- du lịch phong phú, đa dạng ngày càng sôi động, tạo tiền đề cho bước đột phá tăng trưởng kinh tế của địa phương trong thời gian tới. Đặc biệt, cống đập Ba Lai, cầu Rạch Miễu hoàn thành và đưa vào sử dụng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mở ra tương lai phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh, đưa Bến Tre thoát khỏi thế “ốc đảo”, nhanh chóng hòa nhập với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, tạo đà phát triển các mặt kinh tế- xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng cho toàn vùng.
 2.2 Xã hội
+   Dân cư và nguồn lao động:  tỉnh Bến Tre có khoảng 1.262,2 nghìn người, mật độ dân số 535 người/km2 (niên giám thống kê 2014), với 64,5% dân số trong độ tuổi lao động. Bên cạnh đó, tỉnh có hai trường Cao đẳng và trên 60 cơ sở dạy nghề. Hàng năm tỉnh đã đào tạo và giới thiệu việc làm cho khoảng 30.000 lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm 36%. Bến Tre hiện có 31 trường trung học với 40.000 học sinh, trong đó có khoảng 12.000 học sinh trung học phổ thông tốt nghiệp hàng năm và khoảng 3.000 học sinh bước vào các trường Đại học, Cao đẳng.
 2.3 Cơ sở hạ tầng
 –    Giao thông:
+   Đường bộ: hệ thống giao thông đường bộ của tỉnh có vị trí đặc biệt trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Thành phố Bến Tre nối liền thành phố Hồ Chí Minh (qua Tiền Giang, Long An) dài 86 km. Quốc lộ 60 nối liền các tỉnh miền Tây đang được đầu tư nâng cấp, cầu Rạch Miễu đã khánh thành và đưa vào sử dụng, rút ngắn đáng kể thời gian đến Bến Tre bằng đường bộ. Cầu Hàm Luông hoàn thành nối liền cù lao Bảo và cù lao Minh, cầu Cổ Chiên nối Bến Tre với Trà Vinh đang được xây dựng khi hoàn thành sẽ là động lực phát triển kinh tế của địa phương, gắn kết kinh tế của tỉnh với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, để tiềm năng kinh tế- văn hóa- xã hội của Bến Tre được khơi dậy và phát triển mạnh mẽ.
+   Đường thủy: Bến Tre là tỉnh có hệ thống sông ngòi khá phát triển, với 4 con sông lớn chảy qua. Các con sông có một vị trí quan trọng trong hệ thống giao thông đường thủy không chỉ của tỉnh mà còn của cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra, mạng lưới kênh rạch chằng chịt nối liền nhau đã tạo thành một mạng lưới giao thông và thủy lợi rất thuận tiện.
–  Bưu chính viễn thông: thời gian qua, Bưu chính viễn thông Bến Tre đã xây dựng cơ sở hạ tầng, lắp đặt thêm nhiều trạm BTS 2G và 3G; đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng nhiều dự án hiện đại về công nghệ, mở rộng về dung lượng đảm bảo phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội. Trong những năm tới, Bưu chính viễn thông Bến Tre sẽ tiếp tục có những sách lược, hướng đi phù hợp để phát triển sản xuất, kinh doanh bền vững, phát triển nguồn nhân lực, tập trung xây dựng lực lượng cán bộ khoa học có trình độ và năng lực quản lý, quyết giữ vững vai trò chủ lực trong lĩnh vực bưu chính viễn thông trên địa bàn tỉnh…
–  Cấp thoát nước: Hệ thống xử lý và cấp nước tập trung đủ cho nhu cầu sinh hoạt của người dân thành phố và trung tâm các huyện. Hiện tại, Công ty cấp thoát nước Bến Tre có hai nhà máy ở xã Sơn Đông (thành phố Bến Tre) và xã Hữu Định (huyện Châu Thành), công suất 32.000 m3/ngày đêm và nhà máy cấp nước Chợ Lách, công suất 1.000 m3/ngày đêm. Với công suất này, hàng năm Công ty cung cấp trên 7 triệu m3nước cho những  hộ dân vùng đô thị và lân cận.
–  Điện lực: những năm gần đây, ngành điện đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để xây dựng nhiều công trình trọng điểm như: trạm 220 kV Bến Tre – 2 x 125 MVA đường dây 220 kV Mỹ Tho – Bến Tre, đường dây 110 kV Mỏ Cày – Chợ Lách, đường dây 110  kV Vĩnh Long – Chợ Lách, trạm 110 kV Chợ Lách và dự kiến công trình trạm 110 kV Bình Đại, trạm 110 kV Thạnh Phú, đường dây 110 kV Giồng Trôm – Bình Đại, Mỏ Cày – Thạnh Phú đưa vào vận hành trong các năm 2012 và 2013.
 III. Các huyện miền núi tỉnh Bến Tre
Theo quyết định 964/QĐ-TTg, ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Thủ tướng Chính Phủ, tỉnh Bến Tre có 3 huyện nằm trong danh sách địa bàn ưu tiên thực hiện chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015 – 2020, bao gồm: Huyện Ba Tri, huyện Thạnh Phúhuyện Bình Đại. Trong đó, có 16 xã thuộc khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, cụ thể: xã Thạnh Trị, Thừa Đức (huyện Bình Đại); Bảo Thạnh, Bảo Thuận, An Hiệp, Tân Thủy, An Đức, An Thủy (huyện Ba Tri); An Điền, Bình Thạnh, An Thuận, An Quy, Thạnh Hải, An Nhơn, Thạnh Phong, Mỹ An (huyện Thạnh Phú).
 3.1 Huyện Ba Tri
 – Địa lý – địa hình:
Huyện Ba Tri Nằm ở phía đông cù lao Bảo, có diện tích 354,8 km², phía bắc Ba Tri giáp với huyện Bình Đại, có chung ranh giới con sông Ba Lai, phía nam giáp huyện Thạnh Phú, có chung ranh giới con sông Hàm Luông, phía đông giáp biển (với chiều dài bờ biển gần 22 km), phía tây giáp huyện Giồng Trôm. Do vị trí thuận lợi, nằm giữa hai cửa sông lớn, đất đai cao ráo, cho nên Ba Tri là một trong những điểm định cư sớm nhất của những lưu dân người Việt ở Bến Tre. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, huyện Ba Tri gồm có 22 xã và 1 thị trấn.
 – Diện tích, dân cư, giao thông
Huyện có diện tích 355 km² và dân số 206119 người (đông nhất của tỉnh). Mật độ dân số 580 người/km2. Huyện lỵ là thị trấn Ba Tri nằm cách thành phố Bến Tre khoảng 36km về hướng đông nam.
 – Kinh tế – xã hội:
Là một huyện ven biển, đất đai Ba Tri chủ yếu là ruộng và giồng, không có vườn tược trù phú như các huyện phía tây. Ngoài nghề trồng lúa và nghề làm giồng, làm muối, đánh bắt hải sản, nhân dân ở đây, trước năm 1945, còn có nghề ươm tơ, dệt lụa. Lụa Ba Tri đã từng nổi tiếng trên thị trường Nam Kỳ. Do chiến tranh, nghề này đã bị mai một dần và cho đến nay chưa đủ điều kiện để phục hồi.
Từ sau ngày giải phóng đến nay, Ba Tri đã có những đổi thay rất lớn trên lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội. Từ chỗ thiếu đói với nền kinh tế nghèo nàn, què quặt, ngày nay Ba Tri không những đã tự lực giải quyết nhu cầu lương thực, mà còn có dự trữ. Thủy sản, thế mạnh thứ hai của huyện, cũng đã có bước nhảy vọt về sản lượng đánh bắt và nuôi trồng, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế của huyện.
Thành tích lớn nhất của huyện Ba Tri sau 38 năm giải phóng (1975 – 2013) là việc xây dựng hệ thống thủy lợi. Vốn là một huyện ven biển, nước mặn, đồng chua chỉ thích hợp với cây chà là gai, thiếu nước ngọt nghiêm trọng, đến nay 100% diện tích đất nông nghiệp Ba Tri được tưới nước ngọt sản xuất được 3 vụ ăn chắc/năm. Toàn huyện có hệ thống thủy lợi dài 671 km, trong đó có nhiều tuyến kênh dài từ 10 đến 22 km như Kênh Trục Bắc Nam, kênh 9A, kênh Tự Chảy, Rạch Ba Tri, Cánh đồng Phụng… Ngoài ra Ba Tri còn có một hệ thống đê ngăn mặn và đê biển dài gần 75 km.
Nhờ hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh nên diện tích cấy lúa từ 17.000 ha ngày đầu giải phóng (1975), nay tăng lên 39.291 ha với năng suất bình quân 50 tạ/ha; có nơi năng suất đạt trên 6 tấn/ha. Nếu năm 1975 – 1976, sản lượng thóc của Ba Tri là 20.000 tấn thì nay đạt 200.500 tấn, tăng gấp 10 lần, chiếm khoảng 1/3 sản lượng thóc của tỉnh.
Các công trình thủy lợi không chỉ phục vụ cho việc tưới tiêu các cánh đồng lúa, mà còn cung cấp nước ngọt cho sinh hoạt hàng ngày của người dân, tạo điều kiện để chuyển đổi đất giồng thành vườn tược xanh tươi, làm thay đổi môi trường sống. Cây ăn trái, cây mía, hoa màu đều tăng, tạo điều kiện cho ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển đáng kể. Riêng đàn bò đã tăng lên 72.392 con.
Thế mạnh thứ hai của Ba Tri là thủy sản. Nếu năm 1976, toàn huyện chỉ có 300 tàu thuyền, phần lớn là loại nhỏ chỉ đánh bắt ven bờ, thì năm 2013, có 1.668 chiếc, trong đó có 1.202 tàu đánh bắt xa bờ, có công suất bình quân 300 CV/tàu. Nếu những năm đầu sau giải phóng đạt trên dưới 3.000 tấn/năm, thì đến năm 2013, tổng sản lượng hải sản đánh bắt lên đến 71.250 tấn.
Trước đây hầu như trong huyện không có tập quán nuôi trồng thủy, hải sản, thì nay có 5.213 ha nuôi thủy sản các loại, trong đó có 1.699 hecta nuôi tôm công nghiệp. Sản lượng thu hoạch năm 2013 là 16.810 tấn, trong đó gồm 8.480 tấn tôm, 7.030 tấn cá và 1.300 tấn nghêu sò các loại.
Sản lượng muối năm 2013 đạt 31.634 tấn. Thu nhập bình quân đầu người năm 2013 là 24,038 triệu đồng. Số hộ nghèo trong huyện là 10.030 hộ, chiếm 15,06% tổng số hộ trong huyện. (thống kê năm 2012).
Về giao thông, tổng chiều dài đường bộ là 756 km, trong đó có 378,5 km đã được trãi nhựa và bê tông hóa, 220 km đã được nâng cấp bằng đá hỗn hợp. Xe ô tô đến trung tâm 24/24 xã, thị trấn trong huyện rất thuận tiện. Điện lưới quốc gia phủ khắp các xã, thị trấn, với tổng số hộ sử dụng điện, chiếm 99,35% số hộ trong huyện.
Về y tế, huyện có một bệnh viện đa khoa với 240 giường, các tuyến xã và khu vực có 127 giường; có 1 bác sĩ chuyên khoa 2; 2 bác sĩ chuyên khoa 1; 37 bác sĩ đa khoa; 90 y sĩ, 3 dược sĩ và 246 điều dưỡng viên trung cấp. Bình quân đạt 12,29 bác sĩ trên 1 vạn dân.
Bộ mặt văn hóa của huyện cũng có những thay đổi đáng kể. Do điều kiện kinh tế phát triển tương đối nhanh, bộ mặt nông thôn đã trở nên khang trang, sạch đẹp hơn, nhà cửa được xây dựng mới, không hiếm những nhà xây hiện đại, phương tiện nghe nhìn, đi lại gần như phổ biến đều khắp. Hiện huyện đã xây dựng được 22/24 xã, thị trấn văn hóa. Trong công tác xây dựng xã Nông thôn mới, đến nay huyện có 20/20 xã hoàn thành đề án qui hoạch xây dựng nông thôn mới và đang trong giai đoạn triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, huyện đã hoàn thành công tác phổ cập giáo dục tiểu học và Trung học cơ sở và hiện đang tiếp tục phổ cập giáo dục Trung học phổ thông. Phong trào thể dục thể thao phát triển khá mạnh ở thị trấn cũng như ở nhiều xã.
Tổng kết về thành tích trong cuộc kháng chiến cứu nước, huyện Ba Tri và 19/24 xã, thị trấn được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, gồm các xã: An Bình Tây, Tân Xuân, Mỹ Chánh, Mỹ Hòa, Mỹ Thạnh, Tân Hưng, Mỹ Nhơn, Phú Lễ, Phú Ngãi, Bảo Thạnh, Bảo Thuận, Vĩnh Hòa, Vĩnh An, Tân Thủy, An Thủy, Thị Trấn, An Đức, An Hiệp và An Ngãi Tây.
 3.2 Huyện Thạnh Phú
 Điều kiện tự nhiên
– Thạnh Phú là một trong 3 huyện ven biển của tỉnh và nằm trong khu vực Cù lao Minh, giữa hai nhánh Hàm Luông và Cổ Chiên trong hệ thống sông Tiền thông ra biển Đông. Chiều dài nhất theo trục đông – tây (từ Tân Phong đến Thạnh Phong) là 38,2km, nơi hẹp nhất theo trục bắc – nam là 9,8 km (từ Mỹ Hưng đến Bình Thạnh), nơi rộng nhất 16,3 km (từ An Điền đến Thạnh Phong).
+ Phía Đông giáp biển Đông
+ Phía Tây giáp huyện Mỏ Cày Nam
+ Phía Bắc giáp huyện Ba Tri, với ranh giới là sông Hàm Luông
+ Phía Nam giáp tỉnh Trà Vinh, với ranh giới là sông Cổ Chiên.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) đạt 12,10%;
Thu nhập bình quân đầu người 20,73 triệu đồng/người/năm, tăng 2,92 triệu đồng/người/năm so với năm 2012.
Tổng diện tích tự nhiên toàn huyện là 425,7 km2, chiếm khoảng 18% diện tích tự nhiên toàn tỉnh, dân số trung bình năm 2013 là 130.820 người, mật độ dân số 307 người/km2.
– Về đường bộ, tuyến QL.57, được xem là tuyến đường xương sống chạy xuyên suốt địa bàn với điểm đầu từ ranh huyện Mỏ Cày Nam đến địa phận xã Thạnh Phong với tổng chiều dài 38,6 km; đồng thời các tuyến đường huyện kết nối với tuyến quốc lộ và hai tuyến đường huyện ven sông Cổ Chiên, Hàm Luông theo dạng xương cá tạo nên mạng lưới giao thông đều khắp trên toàn địa bàn.
– Về đường thủy, bao gồm 2 tuyến sông lớn do trung ương quản lý là sông Cổ Chiên và Hàm Luông được xem là 2 tuyến đường thủy quan trọng giữ vai trò kết nối địa bàn Huyện với khu vực lân cận; sông Băng Cung, sông Eo Lói đóng vai trò là tuyến giao thông trục nối liền với 2 tuyến sông Hàm Luông và Cổ Chiên. Ngoài ra, địa bàn huyện còn có các tuyến kênh, rạch nội vùng do địa phương trực tiếp quản lý như: rạch Khâu Băng, rạch Thông Lưu, rạch Khém Thuyền, rạch Cái Cá, rạch Giồng Luông, rạch Cái Lát, rạch Cái Ráng Sâu, rạch Bến Giông, rạch Ớt, rạch Bến Găng, rạch Cả Bảy …
– Về vị trí kinh tế, Thạnh Phú do có vị trí nằm dưới hạ lưu tam giác châu của hệ thống sông Hàm Luông – Cổ Chiên, là địa bàn nhiễm mặn và lợ từ biển Đông, thuận lợi phát triển nuôi trồng, khai thác thủy hải sản và tương đối thuận lợi trong quá trình phát triển các cây trồng ngọt hóa thông qua các công trình thủy lợi được xây dựng trên địa bàn. Ngoài ra, do vị trí cửa sông và liên tục được bồi lắng, huyện Thạnh Phú còn là địa bàn của bãi triều và Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thạnh Phú.
 Điều kiện xã hội:
– Toàn địa bàn được chia thành 18 đơn vị hành chính trực thuộc, bao gồm: Thị trấn Thạnh Phú và các xã Phú Khánh, Đại Điền, Tân Phong, Thới Thạnh, Quới Điền, Mỹ Hưng, Hòa Lợi, Mỹ An, Bình Thạnh, An Thạnh, An Thuận, An Điền, An Quy, An Nhơn, Giao Thạnh, Thạnh Phong và Thạnh Hải. Trung tâm huyện đặt tại thị trấn Thạnh Phú là nơi tập trung các cơ quan Đảng, trụ sở hành chính quản lý nhà nước, các cơ sở giáo dục, y tế, văn hóa cấp huyện và là trung tâm kinh tế đô thị hàng đầu của huyện.
– Năm 2013 trên địa bàn huyện có 01 trường mầm non, 17 trường mẫu giáo; 19 trường tiểu học; 17 trường trung học cơ sở, 03 trường trung học phổ thông và 01 Trung tâm giáo dục thường xuyên. Hằng năm, toàn huyện có trên 3.500 học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông. Về đào tạo nghề, năm 2013 đã đào tạo nghề cho khoảng gần 2.400 học viên. Số lao động trong độ tuổi là 87.850 người, chiếm 62,39%. Số lao động qua đào tạo trên địa bàn chiếm 34,7% lao động trong độ tuổi.
– Toàn huyện hiện có trên 130 doanh nghiệp, công ty đầu tư sản xuất kinh doanh chủ yếu trên các lĩnh vực như: kinh doanh xăng dầu (32 doanh nghiệp, chi nhánh), kinh doanh vật liệu xây dựng (27 doanh nghiệp), kinh doanh vàng – trang sức (27 doanh nghiệp)…
 * Cơ sở hạ tầng kỹ thuật:
– Đường thủy: Có 02 Bến phà chuồi là phà Cầu Ván và phà Mỹ An, với tổng số phương tiện là 04 chiếc. Bên cạnh đó, còn có 27 bến đò ngang, đò dọc đang hoạt động.
– Bến cảng: Huyện có 01 cảng là cảng cá Thạnh Phú (trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn). Cảng có độ sâu từ 7.5m đến 10.5m; Chiều rộng luồng vào cảng: 200m; Chiều dài cầu Cảng: 62m; Loại tàu lớn nhất có thể cập Cảng: tàu 400CV. Cảng cá chính thức đi vào hoạt động ngày 01/02/2012. Cảng được đầu tư trên diện tích khoảng 8,8ha; trong đó khu vực trong rào là khoảng 1,3ha dành để bố trí cho dịch vụ thủy sản và các hạng mục phục vụ công cộng; khu vực ngoài rào có diện tích khoảng 7,5ha dành để bố trí cho các dịch vụ: cung cấp xăng dầu, sản xuất nước đá, xưởng sửa chữa cơ khí, đóng và sửa vỏ tàu, dịch vụ lưu trú,…
– Hệ thống cung cấp nước: Hệ thống cấp nước đô thị chủ yếu tại thị trấn Thạnh Phú (Nhà máy nước Thị trấn Thạnh Phú – công suất 120m3/giờ); tại khu vực nông thôn, ngoài các trạm cấp nước phân tán, các hộ không có điều kiện cấp nước tập trung chủ yếu sử dụng nguồn nước mặt lắng lọc, nước trữ trong mùa mưa hoặc nước thấu kính trong các giồng cát. Tỷ lệ sử dụng nước hợp vệ sinh chung trên toàn địa bàn huyện năm 2013 ước tính vào khoảng 79%. Hệ thống cung cấp nước cho công nghiệp hầu như chưa phát triển.
– Điện:  Đến cuối năm 2013, toàn huyện có 285,714  km đường dây trung thế, 412,817 km đường dây hạ thế và 504 trạm/692 máy biến áp với tổng dung lượng 28.717,5 kVA. Điện thương phẩm tiêu thụ năm 2013 là 62.000.000 kWh. Tỷ lệ hộ sử dụng điện toàn huyện đạt 98,7%. Hiện nay huyện đang phối hợp với Điện lực tỉnh xây dựng Trạm 110KV Mỏ Cày – Thạnh Phú, dự kiến khi đưa vào sử dụng sẽ đáp ứng được nhu cầu điện cho phát triển công nghiệp.
 Tiềm năng kinh tế:
 *  Nông nghiệp:
– Cây lúa: Tổng diện tích gieo trồng trong năm 2013 là 13.480,7 ha, sản lượng 53.430,3 tấn, năng suất bình quân 3,96 tấn/ha. Diện tích cây lúa đang có xu hướng dịch chuyển sang cây dừa và cây màu; xuất phát từ nguyên nhân hiệu quả kinh tế cây lúa mang lại cho người nông dân không cao và trong điều kiện biến đổi khí hậu đã có những tác động mạnh mẽ tới quá trình sản xuất cây lúa. Hiện nay, trên địa bàn huyện chưa có doanh nghiệp thu mua, chế biến gạo mà chủ yếu tập trung là các thương lái và cơ sở xay xát lúa gạo qui mô nhỏ phục vụ hộ gia đình.
– Cây màu: Tổng diện tích gieo trồng khoảng 3.100 ha tập trung chủ yếu ở 02 xã ven biển Thạnh Phong, Thạnh Hải, sản lượng thu hoạch năm 2013 đạt 38.000 tấn, tăng 263,07% so với năm 2012 với các sản phẩm chủ yếu là sắn, đậu phộng, dưa hấu… Trong những năm tới, nếu được đầu tư cải tiến kỹ thuật sản xuất, đổi mới cây giống thì khả năng phát triển cây màu trên địa bàn huyện sẽ rất lớn.
– Cây dừa: Tổng diện tích dừa toàn huyện là 4.400 ha, sản lượng 41 triệu trái. Hiện diện tích dừa của huyện đã bước vào giai đoạn ổn định. Trong khoảng 2-3 năm tới, diện tích dừa mới trồng sẽ cho trái và dự báo sản lượng dừa sẽ được nâng cao khoảng 45-50 triệu trái/năm.
– Cây mía: Tổng diện tích toàn huyện năm 2013 là 1.122 ha, phân bố chủ yếu ở xã Hòa Lợi và Bình Thạnh, sản lượng thu hoạch đạt 89.760 tấn. Diện tích trồng mía trong năm tăng mạnh so với vụ mía năm 2012 xuất phát từ việc sản xuất các loại cây trồng khác không đạt hiệu quả. Hiện tại huyện đang đẩy mạnh việc bao tiêu sản phẩm giữa nông dân với Công ty mía đường Bến Tre nhằm phát triển ổn định diện tích trồng mía.
– Thủy sản: Huyện có bờ biển dài và liên tục được bồi lắng nên rất thuận lợi cho ngành thủy sản pháp triển. Khu vực bãi triều ở xã Thạnh Phong, Thạnh Hải có nguồn nghêu giống rất phong phú. Bên cạnh đó, do huyện có đầy đủ 03 vùng nước mặn – ngọt – lợ nên có khả năng nuôi trồng nhiều loại thủy sản khác nhau.Vì vậy, huyện xác định thủy sản là ngành mũi nhọn, trọng tâm ưu tiên phát triển và hiện chiếm tới 68,66 giá trị sản xuất của khu vực I, tuy nhiên hiện vẫn chưa phát triển tương xứng so với tiềm năng vốn có.
– Về nuôi trồng thủy sản: Tổng diện tích thả nuôi thủy sản toàn huyện là 16.771 ha. Trong đó, diện tích nuôi tôm sú và thẻ là 15.257 ha, sản lượng thu hoạch đạt 9.000 tấn. Một số loại thủy sản khác có sản lượng cao như: tôm càng xanh 750 tấn; cua 1.690 tấn; cá các loại 7.000 tấn; nghêu 1.000 tấn; sò 1.000 tấn. Diện tích nuôi thâm canh khoảng 1.300 ha và có nhiều khả năng phát triển mạnh trong thời gian tới.
– Về khai thác thủy sản: Toàn huyện hiện có 1.080 tàu cá đang hoạt động, trong đó có 556 chiếc được đăng ký, đa số là các tàu có công suất nhỏ khai thác gần bờ. Sản lượng khai thác đạt khoảng 12.720 tấn với các sản phẩm chính là tôm, mực, cá. So với Ba Tri và Bình Đại, sản lượng khai thác của huyện còn rất nhỏ bé trong khi tiềm năng không hề thua kém. Với việc Cảng cá Thạnh Phú đưa vào sử dụng trong năm 2012, dự báo nghề đánh bắt, chế biến thủy sản trong thời gian tới sẽ có nhiều chuyển biến rất tích cực.
 * Công nghiệp – Tiểu thủ công nghiệp
Ngành công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp của huyện Thạnh Phú phát triển chủ yếu trên lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp tại thị trấn, các trung tâm xã và ở một số tụ điểm dân cư lớn từ lâu đời.
Với đặc trưng là một huyện nông nghiệp nên các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp mới chỉ phát triển ở quy mô nhỏ. Tuy nhiên, với sự định hướng của Đảng và Nhà nước, nền công nghiệp huyện nhà đã có bước tăng khá, tuy chưa nhảy vọt. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2013 ước đạt 769 tỷ đồng, tăng 18,89% so với năm 2012. Các sản phẩm chủ yếu của huyện như: bàn ghế xi măng, lu xi măng, thủy sản sơ chế, thảm, chiếu, chổi cọng dừa… đã ít nhiều có được chỗ đứng trên thị trường.
Hiện nay, huyện đã hoàn thành công tác quy hoạch cụm công nghiệp thị trấn Thạnh Phú và cụm công nghiệp An Nhơn nhằm sắp xếp lại các đơn vị sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn và thu hút các nhà đầu tư.
 * Thương mại – Dịch vụ – Du lịch
Hệ thống thương mại của huyện Thạnh Phú bao gồm các chợ, khu thương mại, các doanh nghiệp hợp tác xã và các hộ cá thể. Hệ thống chợ của huyện Thạnh phú có thể xếp làm 2 loại:
– Chợ ở trung tâm Huyện và các cụm dân cư quan trọng: là đầu mối giao lưu hàng hóa trên địa bàn và là trung tâm tiêu thụ của huyện, thực hiện cả hai chức năng bán buôn và bán lẻ: chợ Giồng Miễu (thị trấn) và chợ Cồn Hươu (Giao Thạnh).
– Chợ dân sinh: gồm chợ các xã, chỉ phục vụ bán lẻ trên địa bàn. Trên toàn huyện có 24 chợ, trong đó có 1 chợ loại 2, 2 chợ loại III, 21 chợ nông thôn. Các xã có trên 1 chợ Phú Khánh, Quới Điền, Mỹ Hưng, thị trấn Thạnh Phú. Trong 24 chợ hiện trạng, có 4 chợ mới xây, 2 chợ chưa có nhà lồng, 7 chợ cần nâng cấp, 10 chợ cần xây mới.
 * Du lịch
Về phương diện tiềm năng du lịch, trên địa bàn huyện hiện đã quy hoạch khu du lịch là Dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển. Ngoài cảnh quan đặc trưng cho vùng bãi triều (rừng ngập mặn, bãi nghêu với hệ thống sông rạch chằng chịt), trong thập niên 50 – 60 khu Khâu Băng là khu rừng lá căn cứ cách mạng; đặc biệt, đây là nơi tiếp nhận vũ khí của miền Bắc chi viện cho miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, được xem là điểm cuối cùng của đường Hồ Chí Minh trên biển.
Ngoài ra, trên địa bàn còn có các di tích văn hóa lịch sử có giá trị du lịch và du khảo cao như: điểm xuất quân của Tiểu đoàn 307, Nhà thờ Hương Liêm (xã Đại Điền), nơi ghi dấu những cuộc thảm sát tại Thạnh Phong, Thạnh Hải…  đều là những điểm có tiềm năng thu hút du lịch theo tuyến từ thành phố Bến Tre.
 3.3 Huyện Bình Đại
 * Điều kiện tự nhiên:
Huyện Bình Đại là 1 trong 9 đơn vị hành chính của tỉnh và là một trong ba huyện ven biển (Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú) của tỉnh Bến Tre. Huyện có bờ biển dài 27km.
–         Diện tích tự nhiên: 42.118,32ha, chiếm gần 18% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh.
–         Vị trí địa lý: Phía Đông giáp biển Đông, phía Tây giáp huyện Châu Thành (tỉnh Bến Tre), phía Bắc giáp tỉnh Tiền Giang với ranh giới là sông Cửa Đại, phía Nam giáp huyện Giồng Trôm và huyện Ba Tri (tỉnh Bến Tre) với ranh giới là sông Ba Lai. Huyện Bình Đại có vai trò quan trọng trong mối quan hệ với thành phố Bến Tre, các huyện khác trong tỉnh và các huyện Tân Phú Đông, Gò Công Đông, Gò Công Tây, thị xã Gò Công (tỉnh Tiền Giang), thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long về phát triển kinh tế – xã hội.
 * Cơ sở hạ tầng kỹ thuật:
 –         Giao thông:
+       Giao thông bộ: có trục đường chính là đường tỉnh 883 nối liền huyện Bình Đại với huyện Châu Thành và thành phố Bến Tre dài 49km, các cầu trên đường tỉnh 883 đều được kiên cố hóa tạo điều kiện thuận lợi lưu thông hàng hóa. Khoảng cách từ huyện Bình Đại đến thành phố Hồ Chí Minh 120km.
+         Giao thông thủy: Hệ thống giao thông thủy được thuận tiện với sông Cửa Đại, sông Ba Lai và hệ thống kênh rạch chằng chịt. Huyện có hệ thống đê biển dài 47km.
–         Điện: công trình đường dây điện 110kv Giồng Trôm – Bình Đại và Trạm biến áp 110kv Bình Đại đã hoàn chỉnh, đảm bảo cung cấp điện cho sinh hoạt và sản xuất, số hộ dân sử dụng điện đạt 99,4%.
–         Thông tin liên lạc: thông suốt, tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại cố định đạt 23,94 máy/100 dân.
–         Cấp nước: Tổng hộ dân sử dụng nước máy 16.608 hộ/38.003 hộ, đạt tỷ lệ 43,7%. Huyện Bình Đại hiện có 7 nhà máy nước
+       Long Định: công suất 60m3/giờ, phục vụ trên 2.500 hộ (xã: Long Định, Long Hòa, Châu Hưng, Phú Thuận).
+       Thới Lai: công suất 80m3/giờ, phục vụ trên 3.000 hộ (Thới Lai, Vang Quới Tây, Vang Quới Đông, Phú Vang, Lộc Thuận).
+       Đan Mạch: công suất 150m3/giờ, phục vụ 5.000 hộ (Bình Thới, Bình Thắng, Thị Trấn, Đại Hòa Lộc, Thạnh Trị).
+       Nhà máy nước Nhà thờ Phú Long: công suất 20m3/giờ, phục vụ 2.000 hộ.
+       Nhà máy nước Ba Lai: công suất 1.530m3/giờ, cung cấp nước thô 1.258 hộ (Đại Hòa Lộc, Thạnh Phước, Thới Thuận, Thạnh Trị).
+       Nhà máy ông Chuột (Thị Trấn): công suất 60m3/giờ, phục vụ 2.000 hộ.
+       Nhà máy nước Rồng Phát (Lộc Thuận): công suất 60m3/giờ, phục vụ 850 hộ (Lộc Thuận,
Định Trung).
 * Điều kiện xã hội:
–         Đơn vị hành chính: Huyện Bình Đại có 20 đơn vị hành chính, bao gồm 19 xã và 01 thị trấn,
–       Dân số: dân số của huyện năm 2013 có 135.053 người/38.003 hộ, trong đó nữ 67.986 người, mật độ dân số trung bình 320 người/km2. Dân số trong độ tuổi lao động 92.082 người (nữ 43.443 người), chiếm 68,2% dân số chung toàn huyện.
–        Nguồn lao động: Huyện Bình Đại có 62 trường học và 01 Trung tâm giáo dục thường xuyên, trong đó giáo dục mầm non, mẫu giáo có 20 trường; giáo dục tiểu học có 23 trường, giáo dục trung học cơ sở có 16 trường, giáo dục trung học phổ thông có 03 trường. Toàn huyện có 16 trường học đạt chuẩn quốc gia, số thí sinh tốt nghiệp trung học phổ thông hàng năm bình quân khoảng 1.000 học sinh.
–         Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2013: 13,15%
–         Tỷ lệ lao động qua đào tạo là 45,08%.
–         Thu nhập bình quân đầu người năm 2013 của huyện 25,3 triệu đồng.
 * Tiềm năng kinh tế – xã hội:
 * Nông nghiệp
– Diện tích trồng lúa: 4.793 ha, sản lượng lúa hàng năm 20.000 tấn. Huyện đã phối hợp xã Châu Hưng thực hiện mô hình “cánh đồng mẫu” vụ Đông Xuân và Hè Thu với diện tích 70ha và diện tích vụ Thu Đông 81ha, mô hình này đã giúp cho người dân trồng lúa nâng cao hiệu quả sản xuất, năng suất đạt từ 50 đến 55 tạ/ha.
– Diện tích trồng dừa: 6.007,65ha, sản lượng 53 triệu trái/năm.
– Diện tích cây màu: khoảng 1.145ha
– Diện tích cacao trồng xen vườn dừa: 244,26 ha, diện tích cho trái 101,19 ha. Hiện, huyện đã thành lập hai câu lạc bộ sản xuất cacao tại xã Lộc Thuận, Thới Lai và được cấp giấy chứng nhận an toàn theo tiêu chuẩn UTZ.
– Diện tích trồng cây ăn trái: 2.128,9ha, sản lượng 23.000 tấn/năm. Trong đó, nhiều nhất là cây nhãn với diện tích 1.689,16ha. Huyện đang phát triển mô hình Tổ hợp tác sản xuất nhãn tiêu da bò ở xã Long Hòa theo tiêu chuẩn VietGAP.
– Diện tích trồng cây mía: 600ha, sản lượng 48.000 tấn/năm. Năm 2013, huyện phối hợp triển khai mô hình “ Cánh đồng mẫu sản xuất mía theo hướng liên kết 4 nhà thực hiện chuỗi giá trị” tại xã Phú Long với diện tích 133,5 ha.
– Chăn nuôi gia súc, gia cầm: toàn huyện hiện có 4.993 con bò, 16.700 con heo và về gia cầm có 450.000 con.
 * Ngư nghiệp
–  Huyện có bờ biển dài 27km, đây là thế mạnh, kinh tế biển được xem là ngành kinh tế chủ lực của huyện.
–  Diện tích nuôi thủy sản 18.000ha, trong đó, bình quân tôm sú đạt 5 tấn/ha, tôm thể chân trắng đạt 7,5 tấn/ha.
+    Diện tích nuôi thủy sản nước mặn, nước lợ là 11.513 ha. Riêng diện tích đất nuôi tôm 14.585ha (nuôi tôm sú thâm canh: 6.453 ha, tôm sú trên ruộng lúa 450 ha, tôm sú xen rừng 2.930 ha, tôm thẻ chân trắng 4.752 ha), nuôi nghêu 2.050ha, sò huyết 828ha
+    Thủy sản nước ngọt 411ha (cá 300,78 ha; tôm càng xanh: 107,6 ha; baba, ếch..)
–  Sản lượng nuôi thủy sản hàng năm đạt trên 61.000 tấn, trong đó tôm nuôi đạt gần 23.000 tấn.
–  Về đánh bắt thủy sản: toàn huyện có 1.208 tàu (đánh bắt xa bờ 548 tàu), sản lượng đánh bắt hàng năm đạt trên 54.000 tấn.
–  Huyện có 01 Cảng cá đi vào hoạt động và hiện đang tiếp tục nâng cấp, mở rộng thành cảng cá với quy mô cấp vùng.
– Diện tích rừng phòng hộ: 1.087,7ha, rừng sản xuất 257,15ha.
– Diện tích thu hoạch muối là 715ha, sản lượng 25.246 tấn. Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định công nhận Làng nghề truyền thống sản xuất muối xã Thạnh Phước.
 * Công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp
Toàn huyện có 1.329 cơ sở, vốn đầu tư 412,485 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 6.317 lao động, giá trị sản xuất tăng bình quân 23%/năm.
Các lĩnh vực cần mời gọi đầu tư: chế biến thủy sản, trái dừa, cây ăn trái, cơ khí, nước máy, thủ công mỹ nghệ từ dừa.v.v…
Hiện tại, huyện Bình Đại được Chính phủ quy hoạch 1 Khu công nghiệp Phú Thuận và  Ủy ban nhân dân tỉnh chọn thành lập 1 Cụm Công nghiệp Bình Thới. Trong đó, KCN Phú Thuận đang kêu gọi đầu tư xây dựng hạ tầng, CCN Bình Thới tại ấp 3, xã Bình Thới, huyện Bình Đại có quy mô 12 ha (mở rộng thêm 5,42 ha) đang thu hút các nhà đầu tư vào những lĩnh vực: cơ khí, chế biến thủy sản đông lạnh, làm bột cá, thức ăn gia súc, làm dây thừng, đan lưới, nước đá và các dịch vụ hậu cần phục vụ nghề cá.
 * Thương mại – dịch vụ
 Toàn huyện có 4.442 cơ sở, vốn đầu tư 80 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 12.257 lao động, giá trị sản xuất bình quân 24%/năm. Với tiềm năng lợi thế của huyện, các lĩnh vực cần mời gọi đầu tư: du lịch biển Thừa Đức, Thới Thuận, du lịch miệt vườn ở cồn Tam Hiệp, ven sông Tiền và sông Ba Lai.v.v…
     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây