Nhà văn Hữu Mai – người đồng hành lịch sử chiến tranh

Nhà văn Hữu Mai không chỉ được biết đến là người thể hiện hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cuộc đời và sự nghiệp của ông cùng nhiều nhà văn thế hệ ông đã để lại cho những người cầm bút hôm nay tấm gương về sự lao động nghiêm túc, hết mình phụng sự Tổ quốc qua các tác phẩm văn học. Phóng viên có cuộc trò chuyện với nhà báo, nhà thơ Hữu Việt-con trai cố nhà văn Hữu Mai để giúp bạn đọc hiểu thêm về ông.  

Nha van Huu Mai – nguoi dong hanh lich su chien tranh min - Nhà văn Hữu Mai – người đồng hành lịch sử chiến tranhNhà văn Hữu Mai (1926-2007)

* Phóng viên: Thưa nhà thơ Hữu Việt, cha anh-cố nhà văn Hữu Mai là người thể hiện phần lớn hồi ký Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông có từng chia sẻ với anh cơ duyên nào đã đưa tới mối duyên văn chương giữa ông và Đại tướng?

– Nhà báo, nhà thơ Hữu Việt: Cha tôi từng nói việc thể hiện các cuốn hồi ký của Đại tướng chiếm một nửa sự nghiệp văn học của ông, bao gồm cả tâm huyết, thời gian và tập trung trí tuệ.

Có thể nói, mối duyên đó bắt đầu từ đầu thập niên 1960, khi chuẩn bị kỷ niệm 10 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Tổng cục Chính trị chủ trương cho xuất bản một tập hồi ký của các sĩ quan cao cấp trực tiếp tham gia chiến dịch. Cách làm là mỗi nhà văn gặp một cán bộ, nghe kể và ghi lại. Và cha tôi được chọn để giúp Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm việc này. Với ông, đây là một dịp may mắn bởi ông luôn coi Chủ tịch Hồ Chí MinhĐại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ là những nhân vật trung tâm không thể thiếu trong bộ sử thi tương lai của mình. Thật ra, dù trước đó chưa có dịp làm việc trực tiếp với Đại tướng nhưng ông đã tìm hiểu về Đại tướng và bước đầu dựng chân dung Đại tướng trong cuốn “Cao điểm cuối cùng”.

Khi gặp, Đại tướng đưa cho cha tôi đề cương gồm 15 điểm, mỗi điểm ghi vắn tắt ý tưởng và nói cha tôi viết độ 15 chương. Buổi làm việc thứ hai, Đại tướng nói đêm qua bị mất ngủ, có rất nhiều chuyện về Điện Biên Phủ nhưng hôm nay không biết nói gì và bắt đầu từ đâu. Cha tôi đã đề nghị, vì thời gian gấp và ông cũng có một số tài liệu về những điều trong đề cương nên sẽ tranh thủ viết ra trước để gợi ý Đại tướng nhớ lại các sự việc rồi chỉnh sửa lại theo ý Đại tướng. Đại tướng vui vẻ đồng ý.

Cha tôi nói, về sau ông biết cách làm việc của Đại tướng là khai thác tối đa những khả năng của cán bộ. Và đến ngày cuối của cuộc hẹn một tháng, tập bản thảo khoảng 100 trang “Một vài hồi ức về Điện Biên Phủ” của Đại tướng được gửi tới nhà xuất bản. Dịp ấy, Đại tướng đã tặng cha tôi cuốn sách với dòng chữ: “Chúc Hữu Mai viết văn hay, tiến mãi về phía trước trên con đường văn nghệ của nhân dân, của dân tộc, và để ghi nhớ những ngày đầu của mối “duyên nợ văn chương” đầy hứa hẹn”.

Sau đó, từ năm 1964, cha tôi bắt đầu giúp Đại tướng thể hiện các cuốn hồi ký “Từ nhân dân mà ra”, “Những năm tháng không thể nào quên”, “Chiến đấu trong vòng vây”, “Đường tới Điện Biên Phủ”, cho đến cuốn “Điện Biên Phủ, điểm hẹn lịch sử” là năm 2000.

* Cuộc đời, sự nghiệp cũng như các mối quan hệ văn chương của cha đã ảnh hưởng đến anh như thế nào?

– Nó ảnh hưởng mạnh mẽ đến mức chính tôi cũng không nhận ra. Chỉ duy 5 năm tôi học ở nước ngoài là sống xa gia đình, còn lại tôi luôn được sống cạnh cha. Khi còn nhỏ, dường như các con của ông không ai nghĩ sau này sẽ theo nghề của cha và bản thân cha tôi cũng không có ý định đào tạo, định hướng các con theo nghề của mình mà để các con phát triển tự nhiên.

Trong gia đình một nhà văn như cha tôi luôn có rất nhiều sách và chúng tôi có nhiều thời gian dành cho đọc sách. Sách đã cho chúng tôi cơ hội, cách tiếp cận kiến thức văn học tương đối có hệ thống.

Rồi khi tôi sang học đại học ở Liên Xô, thập niên 1980 là thời điểm quan hệ hợp tác mọi mặt giữa Việt Nam-Liên Xô rất chặt chẽ, có nhiều nhà văn sang đó công tác, học tập. Tôi được tiếp xúc nhiều hơn với các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng như: Nguyễn Đình Thi, Xuân Diệu, Khương Hữu Dụng, Nguyễn Thị Ngọc Tú, Phan Hồng Giang… với những câu chuyện rất thú vị. Và từ lúc nào đó trong tôi bắt đầu xuất hiện mong muốn ghi lại, viết lại những cảm xúc của mình. Một lần tôi viết thư, chia sẻ với cha về ý định muốn bắt đầu công việc viết lách. Sau thời gian khá lâu tôi mới nhận được thư trả lời của ông, ông nói: Nếu con định chọn con đường viết văn thì phải nỗ lực trở thành nhà văn cho ra nhà văn, chứ nếu chỉ trở thành người viết trung bình thì chán lắm!

Có thể nói, sự ảnh hưởng từ cha với tôi rất tự nhiên, diễn ra từng ngày, từng giờ, trong mọi sinh hoạt gia đình, trong sự chia sẻ cảm xúc của hai cha con, qua tấm gương làm việc miệt mài, nghiêm túc của ông. Sau này tôi mới nhận ra rằng, điều cha dạy tôi chính là không dạy gì, bởi trong văn chương đôi khi không dạy gì thực chất lại là dạy rất nhiều. Đó là cách dạy để mình có khát vọng, muốn làm điều gì phải làm cho tử tế, cho xứng đáng với gia đình, cha mẹ, với thế hệ trước.

* “Thực lòng mà nói, tôi không dành nhiều thời gian cho việc tìm tòi những cái mới trong nghệ thuật, tôi không có nhiều tham vọng văn chương, vì tôi biết rất rõ thế hệ chúng tôi không có thời giờ để làm công việc này. Tôi chỉ mong ghi lại được thật nhiều về một giai đoạn lịch sử, tôi cho là đẹp nhất trong lịch sử của dân tộc, mà tôi đã có may mắn được chứng kiến”. Anh hiểu câu nói này của cha mình-nhà văn Hữu Mai như thế nào?

– Theo tôi, câu nói của ông không nên hiểu nghĩa bề nổi. Ông bảo mình không có nhiều tham vọng văn chương vì thế hệ của ông-những người cầm bút và cũng là những người cầm súng không có nhiều thời gian dành cho việc này. Điều đó không có nghĩa ông coi nhẹ những giá trị văn chương bởi nếu không có những thủ pháp văn chương, không có tư duy và những chuẩn mực về nghệ thuật thì khó mà thành tác phẩm được. Hãy hiểu đó là phong cách sáng tạo của ông mà theo quan sát và đánh giá của tôi, cha tôi là một nhà tiểu thuyết theo phong cách phi hư cấu. Các tác phẩm của ông luôn đề cao sự thật, tính trung thực, bám sát tư liệu. Ở đó nhân vật được dựng lên không phải để phục vụ mục đích làm văn chương. Viết văn, với ông là cố gắng ghi lại thật nhiều những điều diễn ra trong thời đại ông sống mà ông cho là đẹp nhất trong lịch sử dân tộc.

* Anh nghĩ thế nào về tinh thần cống hiến, phục vụ đất nước của thế hệ nhà văn như cha anh?

– Cha tôi thuộc thế hệ những nhà văn ra đời cùng đất nước và tham gia cuộc chiến tranh 30 năm bảo vệ độc lập, thống nhất nước nhà. Họ trở thành những hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam. Với họ, công việc, nghề nghiệp và cống hiến, phụng sự Tổ quốc là một. Tất cả những điều họ làm, không phải vì bản thân, không vì sự nổi tiếng hay giàu sang mà đó là việc họ phải làm, tất cả cho đất nước, cho ngày chiến thắng cuối cùng. Để hoàn thành mục tiêu đó, người ta sẽ phải làm bằng tất cả sức lực, quên mình chứ không thể nửa vời, thích thì làm, không thì thôi.

Những đóng góp về văn chương, những tác phẩm của họ theo thời gian có chỗ đứng nhất định trong lòng độc giả. Mỗi nhà văn thế hệ ấy mang sứ mệnh lịch sử của thời đại họ và họ đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh đó bằng những tác phẩm, bằng cuộc đời, tư cách công dân, tư cách của người cầm bút. Tấm gương của họ để lại cho thế hệ sau nhiều bài học về nhân cách, về lao động nghề nghiệp nghiêm túc, hết mình, sự tích lũy kiến thức bền bỉ, sự học hỏi không ngừng… Viết với họ giống như hoạt động sống chứ không phải để nổi tiếng, để thỏa mãn thú vui văn chương như cách của một số nhà văn trẻ hiện nay. Hay nói một cách ngắn gọn họ là những nhà văn chuyên nghiệp.

* Vậy theo anh, thế hệ nhà văn hôm nay cần tiếp nối tinh thần phụng sự Tổ quốc của thế hệ trước, hoàn thành sứ mệnh của mình như thế nào?

– Công việc của những người làm văn chương nói cho cùng không thể xa rời được đời sống của đất nước và văn hóa dân tộc mình. Phải làm sao để nó trở nên đẹp đẽ, rạng rỡ, cao thượng bằng vẻ đẹp của ngôn ngữ dân tộc. Theo tôi đó là sứ mệnh của người cầm bút nói chung.

Cuộc sống bộn bề lo toan, nhiều chuẩn mực văn hóa đang dần mất đi, chúng ta ngày càng chịu nhiều tác động bởi sự giao thoa, xâm thực của các nền văn hóa khác. Vì thế, làm sao để giữ được bản lĩnh văn hóa, sự tỉnh táo, không vọng ngoại nhưng cũng không cố thủ với thứ mình vốn có thì người cầm bút mới thực hiện được sứ mệnh của mình trong thời đại ngày nay.

Theo tôi, một trong những nhiệm vụ và cũng là những đề tài hấp dẫn của văn học hiện nay là giải mã những vấn đề trong lịch sử dân tộc. Hiện tại hôm nay thì ngày mai đã là quá khứ. Sự soi chiếu, giải mã từ những bài học trong quá khứ giúp ích cho hiện tại thông qua tác phẩm văn chương sẽ có sức lan tỏa mạnh mẽ tới cộng đồng hơn những kiến thức lịch sử khô khan, đôi khi nhàm chán mà con cháu chúng ta hiện nay đang không thích học. Nếu các nhà văn làm được điều đó thì tác phẩm của họ không chỉ có giá trị văn chương mà còn có giá trị thực tiễn. Văn chương không chỉ đáp ứng, thỏa mãn nhu cầu thưởng thức cái đẹp, mang đến rung động mỹ cảm mà hơn thế, còn đóng góp vào tinh thần phụng sự Tổ quốc, dân tộc.

* Trân trọng cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

DƯƠNG THU (thực hiện)

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây