EU: Ngành nhiên liệu hóa thạch phải đóng góp cho quỹ tài chính khí hậu của LHQ

EU: Ngành nhiên liệu hóa thạch phải đóng góp cho quỹ tài chính khí hậu của LHQ

Công nhân làm việc gần mỏ than ở Đại Đồng, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN).

EU kêu gọi các nguồn tài chính bổ sung, mới, sáng tạo từ nhiều nguồn khác nhau cho quỹ tài chính khí hậu của Liên hợp quốc, trong đó có lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch và ngành phát thải cao khác.

Ngành nhiên liệu hóa thạch cũng phải tham gia vào việc đóng góp tài chính để hỗ trợ các quốc gia nghèo hơn triển khai các biện pháp chống biến đổi khí hậu theo mục tiêu của Liên hợp quốc.

Đây là nội dung tuyên bố chung do Ngoại trưởng các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đưa ra tại hội nghị ở Brussels (Bỉ) ngày 18/3.

Để giải quyết những khoản chi ngày càng tăng nhằm ứng phó với các đợt nắng nóng, hạn hán nghiêm trọng và mực nước biển dâng, EU đang chứng minh rằng mục tiêu tài chính khí hậu mới không thể chỉ do khu vực công thực hiện.

EU kêu gọi các nguồn tài chính bổ sung, mới và sáng tạo từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó có lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch và các ngành phát thải cao khác.

EU cũng sẽ tiếp tục yêu cầu các nền kinh tế lớn mới nổi, những nước phát thải CO2 cao và những quốc gia giàu có tính theo bình quân đầu người phải đóng góp cho mục tiêu tài chính khí hậu mới của Liên hợp quốc.

Dự kiến, Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) diễn ra tại thủ đô Baku của Azerbaijan vào tháng 11 tới là thời hạn chót để các quốc gia nhất trí về mục tiêu toàn cầu mới – số tiền mà các nước công nghiệp giàu có phải đóng góp để hỗ trợ những nước nghèo hơn ứng phó với những tác động nghiêm trọng nhất của tình trạng biến đổi khí hậu. Việc xác định những quốc gia nào phải đóng góp cũng được cho là vấn đề then chốt tại sự kiện này.

Mục tiêu tài chính khí hậu mới dự kiến sẽ lớn hơn nhiều so với cam kết hiện tại của Liên hợp quốc rằng các nước giàu sẽ cung cấp 100 tỷ USD mỗi năm kể từ năm 2020, điều mà họ chưa thực hiện đúng thời hạn.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho rằng nhu cầu đầu tư thực tế vào các hành động khí hậu ở các quốc gia nghèo có thể lên tới 1.000 tỷ USD/năm từ nay đến năm 2025.

Trước đó, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres ngày 1/3 kêu gọi cải cách hệ thống tài chính quốc tế để hỗ trợ các nước đang phát triển và đạt được “công bằng về khí hậu.”

Tổng thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh rằng hệ thống tài chính toàn cầu không thể cung cấp nguồn tài chính dài hạn hợp lý cho các quốc gia có nhu cầu.

Theo ông Guterres, các mục tiêu phát triển bền vững đang “mờ dần” khi hàng triệu người trong khu vực phải chịu cảnh nghèo đói, và các nước Mỹ Latinh cần được giảm bớt gánh nặng nợ nần để có thể hành động chống đói nghèo.

Liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu, Tổng thư ký Liên hợp quốc kêu gọi “đoàn kết để đương đầu với tình trạng khẩn cấp về khí hậu, đe dọa đến sự tồn tại của các đảo quốc nhỏ đang phát triển.”

Ông Guterres đề nghị tất cả các quốc gia cam kết thực hiện những đóng góp mới ở cấp quốc gia vào năm 2025, phù hợp với việc hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C.

Ông khẳng định Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) – chịu trách nhiệm về 80% lượng khí thải toàn cầu – “có trách nhiệm đặc biệt trong việc dẫn dắt những nỗ lực này.”

Tổng thư ký Guterres cũng kêu gọi tăng gấp đôi kinh phí thích ứng lên ít nhất 40 tỷ USD hàng năm vào năm 2025 để đảm bảo công bằng về khí hậu.

Trong khi đó, Phó Tổng giám đốc Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), Beth Bechdol đã nhấn mạnh tới nhu cầu cấp thiết phải giải quyết các thách thức đan xen của biến đổi khí hậu và xung đột để chống lại tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu.

Ngoài ra, bà cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của sinh kế bền vững, khả thi trong việc giảm thiểu rủi ro an ninh liên quan đến khí hậu và khả năng biến đổi khí hậu góp phần gây ra xung đột.

Bà Bechdol nhắc lại cam kết của FAO trong việc giải quyết những thách thức này. Bà nhấn mạnh: “Không có an ninh lương thực nếu không có hòa bình, và không có hòa bình nếu không có an ninh lương thực!”

Trích dẫn Báo cáo toàn cầu năm 2023 về khủng hoảng lương thực, trong đó xác định xung đột và biến đổi khí hậu là nguyên nhân chính gây mất an ninh lương thực, bà Bechdol cho biết thêm rằng có 258 triệu người ở 58 quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng ở mức độ cao.

Bà giải thích: “Mặc dù có thể không có mối quan hệ nhân quả trực tiếp giữa hai vấn đề, nhưng có bằng chứng rõ ràng cho thấy biến đổi khí hậu làm tăng rủi ro cũng như nguyên nhân gây ra xung đột và bất ổn”.

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) thuộc LHQ cho biết các kỷ lục về nhiệt độ cao đã được thiết lập mới theo từng tháng trong 6 tháng cuối năm 2023 và xu hướng này có thể tiếp diễn trong năm nay do hiện tượng El Nino làm khí hậu ấm lên.

Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) dự báo 67% khả năng năm 2024 sẽ ấm hơn năm 2023 và chắc chắn tới 99% rằng năm 2024 sẽ nằm trong nhóm 5 năm ấm nhất từ trước đến nay.

Nhà khí hậu học Gavin Schmidt – Giám đốc Viện nghiên cứu vũ trụ Goddard thuộc Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), cho biết hệ thống khí hậu của Trái Đất vẫn còn tiềm ẩn nhiều “bí mật,” theo đó cần có thêm dữ liệu để đánh giá tình hình.Sự gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt, hỏa hoạn hay nắng nóng cũng có nguy cơ khiến các bệnh viện phải đóng cửa.

Nghiên cứu của tổ chức phân tích rủi ro khí hậu “Sáng kiến phụ thuộc chéo” (XDI), nhiều bệnh viện trên toàn thế giới sẽ có nguy cơ đóng cửa cao do điều kiện thời tiết khắc nghiệt vào năm 2100.

XDI phân tích 200.000 bệnh viện trải rộng trên các khu vực khác nhau trên thế giới và cho thấy nếu lượng khí thải giảm nhanh chóng, thiệt hại dự kiến đối với các bệnh viện vào cuối thế kỷ này sẽ chỉ bằng một nửa so với khi lượng khí thải ở mức cao./.

Khánh Ly

 

 

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây