Gạc Ma – biểu tượng sáng ngời lòng yêu nước, ý chí quyết tâm bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc

Gạc Ma - biểu tượng sáng ngời lòng yêu nước, ý chí quyết tâm bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc
Khu tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma (xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa). Ảnh: T.T

Gạc Ma – biểu tượng sáng ngời lòng yêu nước, ý chí quyết tâm bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc

Thắp hương tưởng niệm liệt sĩ đã hy sinh trong trận chiến bảo vệ Gạc Ma 14.3.1988.

Cách đây 34 năm về trước (14.3.1988-14.3.2022), Trung Quốc đã bất ngờ dùng lực lượng hải quân với nhiều tàu chiến và vũ khí trang bị hiện đại tấn công cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân (HQND) Việt Nam đang làm nhiệm vụ trên đảo Gạc Ma nằm trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Bằng tinh thần yêu nước, ý chí quyết tâm cao, các cán bộ, chiến sĩ HQND Việt Nam chiến đấu bất khuất, kiên cường và 64 đồng chí đã anh dũng hy sinh. 

Phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” tỏa sáng

Sự hy sinh của các anh mãi mãi là tấm gương sáng cho thế hệ hôm nay và mai sau học tập, noi theo, quyết tâm bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Mặc dù đối phương rất hung hãn, nhưng các cán bộ, chiến sĩ HQND trên đảo Gạc Ma vẫn nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh của cấp trên, kiên trì, kiềm chế giữ vững nguyên tắc không dùng vũ lực để giải quyết các tranh chấp; tuân thủ nghiêm túc Công ước về Luật biển 1982 và tập quán quốc tế, vì lợi ích hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực. Thế nhưng đối phương vẫn ngang nhiên dùng vũ khí tấn công quân sự, bắn chìm, bắn cháy 3 tàu vận tải của ta.

Một cuộc chiến đấu không cân sức giữa lực lượng xây dựng, bảo vệ đảo và tàu vận tải HQND Việt Nam với nhiều tàu chiến được trang bị vũ khí hiện đại của hải quân nước ngoài đã xảy ra. Để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển, đảo thân yêu của Tổ quốc, các cán bộ, chiến sĩ trên đảo Gạc Ma đã chiến đấu kiên cường, bất khuất và 64 đồng chí đã anh dũng hy sinh, 11 đồng chí bị thương. 

Nhắc lại sự kiện này, lòng chúng ta không khỏi xúc động bồi hồi tưởng nhớ tới anh linh của các anh – những người đã dũng cảm hy sinh xương máu để bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng các công trình nhằm phục vụ đời sống của quân, dân trên vùng biển, đảo, trong điều kiện xa đất liền gặp muôn vàn khó khăn, thiếu thốn, nhưng bằng tinh thần đoàn kết, ý chí kiên trung các cán bộ, chiến sĩ đảo Gạc Ma đã gắn bó, đùm bọc, che chở và giúp đỡ lẫn nhau vượt lên để hoàn thành nhiệm vụ. Hành động của các cán bộ, chiến sĩ HQND Việt Nam trên đảo Gạc Ma thể hiện rõ tinh thần “khó khăn nào cũng vượt qua” – một trong những nét đẹp truyền thống của Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam.

Mặc dù phải đương đầu với đối phương mạnh hơn nhiều lần, nhưng các cán bộ, chiến sĩ trên đảo không hề nao núng tinh thần. Các anh đã kề vai, sát cánh nối tay nhau chiến đấu với kẻ thù đến hơi thở cuối cùng.

Hình ảnh các cán bộ, chiến sĩ HQND Việt Nam không dùng vũ khí mà đứng thành vòng tròn lấy thân mình chống chọi lại đối phương với nhiều vũ khí hiện đại, quyết tâm giữ lá cờ Tổ quốc, khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại đảo Gạc Ma đã gây xúc động mạnh và trở thành biểu tượng “Vòng tròn bất tử” – hình ảnh in sâu trong lòng những người ở lại.

Càng trong gian khó, hiểm nguy thì bản lĩnh, ý chí quyết tâm và phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” của QĐND Việt Nam nói chung và người chiến sĩ HQND Việt Nam nói riêng càng được khẳng định và tỏa sáng. Hành động của các anh cũng thể hiện rõ truyền thống của QĐND Việt Nam với bất cứ nhiệm vụ nào, trước bất kỳ kẻ thù nào cũng quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, sẵn sàng chiến đấu hy sinh. 

Cho dù phải đổ máu, hy sinh nhưng các anh không bao giờ đầu hàng, không bao giờ lùi bước, không chịu khuất phục trước bất cứ kẻ thù nào. Hành động của các anh đã thể hiện sinh động tinh thần, truyền thống yêu nước nồng nàn của dân tộc Việt Nam. Đúng như Bác Hồ đã nói: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Chính tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc đã gắn kết các cán bộ, chiến sĩ với nhau tạo thành sức mạnh to lớn, vượt qua mọi gian khó, hiểm nguy. Các anh đã ngã xuống. Máu xương các anh mãi hòa vào biển trời quê hương, đất nước.

Biểu tượng giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ

Trận chiến Gạc Ma đã đi vào lịch sử dân tộc và trở thành một dấu mốc không bao giờ phai mờ. Trong trái tim, khối óc mỗi người dân Việt Nam sự hy sinh cao cả của các cán bộ, chiến sĩ Gạc Ma mãi mãi là biểu tượng sáng ngời về lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, tình đoàn kết vượt qua gian khó, ý chí chiến đấu kiên cường, bất khuất, dâng hiến trọn đời vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. 

Nhằm lan tỏa, thẩm thấu lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, ý chí quyết tâm của các cán bộ, chiến sĩ đảo Gạc Ma cho thế hệ hôm nay, các cấp, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị đã tổ chức nhiều hoạt động mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc.

Sự kiện Gạc Ma từng bước được biên soạn đưa vào chương trình môn lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới ở các bậc học và cả đại học. Mô hình đảo đá Gạc Ma và “64 ngôi sao bất tử” được xây dựng ở nhiều trường học trong cả nước góp phần thiết thực giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc và ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng trong học sinh, sinh viên. 

Đã thành thông lệ cứ mỗi chuyến công tác, mỗi đợt làm nhiệm vụ qua khu vực đảo Gạc Ma các cơ quan, đơn vị của Quân đội nói chung và Bộ đội HQND Việt Nam nói riêng đều tổ chức Lễ tưởng niệm kính cẩn nghiêng mình thắp nén tâm hương, thả vòng hoa đăng tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã dũng cảm hy sinh vì nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Sự kiện Gạc Ma đã đi vào văn chương, thơ ca, nghệ thuật như một lẽ tự nhiên, sống động âm hưởng hào hùng.

Nhiều chương trình giao lưu nghệ thuật nhân kỷ niệm ngày diễn ra trận chiến đảo Gạc Ma đã được tổ chức không chỉ thể hiện sự tri ân đối với sự hy sinh cao cả của cán bộ, chiến sĩ HQND Việt Nam mà còn là bài học giáo dục truyền thống sâu sắc, tiếp lửa lòng yêu nước, khơi dậy ý thức trách nhiệm công dân, tinh thần sẵn sàng cống hiến trí tuệ, sức lực, nhiệt huyết cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. 

Tại huyện Cam Lâm (Khánh Hòa), Khu Tưởng niệm các cán bộ, chiến sĩ Gạc Ma đã được xây dựng bằng nguồn đóng góp của đoàn viên công đoàn và người lao động trong cả nước. Khu Tưởng niệm đã trở thành công trình lịch sử mang tầm vóc quốc gia, điểm đến đầy xúc động và khó quên trong lòng du khách. Không chỉ là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống mà Khu Tưởng niệm còn là nơi có ý nghĩa tâm linh, nhắc nhở các thế hệ chúng ta không quên sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ đảo Gạc Ma…

Tri ân các chiến sĩ Gạc Ma, thế hệ trẻ hôm nay còn có nhiều việc làm thiết thực nhằm góp phần với Đảng, Nhà nước và nhân dân quan tâm chăm lo ngày càng tốt hơn thân nhân của các cán bộ, chiến sĩ Gạc Ma đã hiến dâng tuổi thanh xuân cho sự nghiệp bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Noi theo gương sáng chiến sĩ Gạc Ma

Sự hy sinh của các anh mãi mãi là tấm gương sáng cho thế hệ hôm nay và mai sau học tập, noi theo.

Bằng tinh thần yêu nước, ý chí quyết tâm và lòng dũng cảm, quân và dân trên quần đảo Trường Sa luôn đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn, xây dựng huyện đảo ngày càng vững mạnh. 

Nhiều hoạt động, phong trào thiết thực, hiệu quả hướng về biển, đảo quê hương của các đơn vị, địa phương với lực lượng nòng cốt là đoàn viên thanh niên trong cả nước được tổ chức như: “Vì Trường Sa thân yêu – Vì tuyến đầu Tổ quốc”; “Hành trình tuổi trẻ với Trường Sa”; “Nghĩa tình Hoàng Sa – Trường Sa”; “Trường Sa xanh”; “Xuân Trường Sa”; “Xanh hóa Trường Sa”;… Thông qua “Quỹ vì biển, đảo Việt Nam” nhiều công trình văn hóa, dân sinh, tâm linh… được xây dựng; nhiều xuồng máy được đóng mới, nhiều trang thiết bị, phương tiện phục vụ đời sống vật chất, tinh thần của quân và dân Trường Sa được mua sắm mới.

Với sự quan tâm cả về vật chất, tinh thần của Đảng, Chính phủ và nhân dân cả nước, quân và dân trên quần đảo Trường Sa thường xuyên được tiếp thêm sức mạnh bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo – một phần máu thịt của Tổ quốc.

Thực hiện chủ trương đẩy mạnh phát triển kinh tế biển của Đảng, Nhà nước, Khu Kinh tế – Quốc phòng Trường Sa được tập trung xây dựng. Cùng với sự phát triển của đất nước, Trường Sa hôm nay đã vững vàng, lớn mạnh hơn về nhiều mặt; thực sự là điểm tựa để ngư dân vươn khơi, bám biển góp phần bảo vệ vững chắc vùng biển, đảo của Tổ quốc. 

Có thể khẳng định những người ở lại đã và đang làm hết sức mình để các chiến sĩ Gạc Ma được an yên nơi biển khơi nằm lại. Để thân nhân của các anh – 64 liệt sĩ đảo Gạc Ma phần nào vơi bớt đau thương và cảm thấy ấm lòng. Các anh ngã xuống nhưng lòng yêu nước, tinh thần chiến đấu kiên trung, bất khuất của các anh còn sống mãi, trở thành nguồn động lực để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục vượt qua khó khăn xây dựng Trường Sa ngày càng đổi mới, xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

ĐẠI TÁ, NHÀ BÁO PHÙNG KIM LÂN (TỔNG CỤC CHÍNH TRỊ QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM)

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây