Giới thiệu khái quát huyện Cam Lâm

huyện Cam Lâm - Tỉnh Khánh Hòa

Giới thiệu khái quát huyện Cam Lâm

Diện tích: 550,26km2. Dân số: 105.759 người. Hành chính: Cam Tân, Cam Hòa, Cam Hải Đông, Cam Hải Tây, Cam Hiệp Bắc, Cam Hiệp Nam, Sơn Tân, Cam Thành Bắc, Cam Phước Tây, Cam An Bắc, Cam An Nam, Suối Tân, Suối Cát và thị trấn Cam Đức.

1. Vị trí địa lý 
Huyện Cam Lâm là một trong 9 đơn vị hành chính của tỉnh Khánh Hòa được thành lập theo Nghị định số 65/2007/NĐ-CP ngày 11/4/2007 của Chính phủ. Huyện gồm 14 đơn vị hành chính cấp xã (thị trấn Cam Đức và 13 xã) với diện tích tự nhiên 550,26km2, dân số 105.759 người (năm 2014) bằng 10,5% diện tích và 8,7% dân số toàn tỉnh Khánh Hòa. Về quy mô, huyện xếp thứ 4 về diện tích và thứ 5 về dân số trong 9 huyện, thị xã và thành phố. 
Huyện Cam Lâm nằm phía Nam tỉnh Khánh Hòa, phía Đông của huyện giáp biển Đông và huyện đảo Trường Sa với bờ biển dài 13 km, phía Bắc giáp Thành phố Nha Trang và huyện Diên Khánh, phía Nam giáp Thành phố Cam Ranh, phía Tây giáp các huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh. 
2. Điều kiện tự nhiên
a) Địa hình 

Huyện Cam Lâm có địa hình phong phú và đa dạng, có cả núi, đồi, đồng bằng, đầm thủy triều, bãi cát ven biển và biển khơi. Địa hình thấp dần từ Tây sang Đông và từ Bắc vào Nam, gồm 3 dạng địa hình chính là núi cao (chiếm 33,3% diện tích), núi thấp (28% diện tích), đồng bằng và đồi thoải (khoảng 38,7% diện tích). 
Khu vực phía Tây và Tây Bắc của huyện chủ yếu là núi cao, núi thấp và đồi, độ dốc (15 – 25 độ) và chia cắt mạnh, cao trung bình 500 – 700m, có ngọn núi Hòn Bà cao 1.554m với khí hậu mát mẻ. 
Khu vực phía Bắc và Đông Bắc chủ yếu là đồi thoải có sự đan xen – giao thoa giữa núi và đồng bằng bồi tụ ven biển, độ dốc 3 – 8 độ, với đất đai phì nhiêu phù hợp với việc trồng lúa và hoa màu. 
Khu vực phía Đông và Đông Nam là địa hình núi thấp, đồi thấp xen kẽ bình nguyên và thung lũng, về phía Đông có Đầm Thủy triều thông với Bãi Dài và biển gồm đồi cát ven biển và biển khơi.

b) Khí hậu
Huyện Cam Lâm có khí hậu nhiệt đới gió mùa, đặc trưng cơ bản là nền nhiệt độ cao và lượng mưa trung bình thấp nhất tỉnh, gió Tây khô nóng nhưng không kéo dài (dưới 15 ngày/năm). Biên độ nhiệt hàng tháng dao động từ 6 – 8oC. Nhiệt độ trung bình năm là 26 – 27oC (thấp nhất là 14,4oC vào tháng 01 và cao nhất là 39oC vào tháng 8). Tổng tích ôn khoảng 9.600 – 9.700oC. Số giờ nắng trung bình năm khoảng 2.500 – 2.600 giờ/năm. Lượng mưa trung bình năm từ 1.400 – 2.200mm và có sự phân hóa, đồng bằng ven biển từ 1.000- 1.300mm, khu vực vùng núi 2.400-2.500mm. Mùa mưa từ tháng 9 đến tháng 12, tập trung đến 70 – 80% lượng mưa cả năm, các tháng còn lại nắng ấm.
c) Thủy văn
Hệ thống sông, suối huyện Cam Lâm khá nhiều, tuy nhiên đều là các sông suối nhỏ, ngắn và dốc. Sông suối phân bố khá đều về không gian và có lưu vực lớn, vị trí thuận lợi để đắp đập xây hồ chứa, treo nước đầu nguồn để cung cấp cho sản xuất và đời sống người dân. Các sông, suối chính gồm: Suối Dầu, là nhánh phải của sông Cái Nha Trang, diện tích lưu vực 272km2; Suối Thượng dài 22km, diện tích lưu vực 142km2; Suối Tà Rục, chiều dài 23km, diện tích lưu vực 173km2 và các suối nhỏ khác.
3. Tài nguyên thiên nhiên
a) Tài nguyên đất
Huyện Cam Lâm có nhiều loại đất khác nhau, gồm đất đỏ vàng, đất xám, đất phù sa, đất mùn, đất cát, đất sỏi đá, đất mặn… thích hợp cho phát triển nông nghiệp, tập trung chủ yếu ở các xã trung du và đồng bằng như Cam An Nam, Cam Thành Bắc, Cam Hải Tây, Cam Hòa, Cam Tân, Suối Tân, Suối Cát… Nhóm đất mặn có diện tích tương đối lớn phân bố ở nhiều nơi thuộc các xã Cam Hòa, Cam Hải Tây, Cam Thành Bắc… thích hợp cho nuôi trồng thủy sản. Đất phù sa phân bố ở các xã đồng bằng của huyện, thích hợp với việc trồng lúa, màu và cây công nghiệp ngắn ngày. Nhóm đất cát chủ yếu ở các xã Cam Hải Đông, Cam Hải Tây và Cam Đức, cát trắng xuất khẩu có trữ lượng lớn và chất lượng cao.
b) Tài nguyên nước
Nước mặt: Do các sông, suối, hồ chứa và kênh tưới thuộc hệ thống các hồ, đập dâng cung cấp cho sản xuất và sinh hoạt. Mặc dù mạng lưới sông, suối khá nhiều nhưng mùa khô thường thiếu nước, mùa mưa lượng nước chảy ra biển đến hàng triệu m3. Vì vậy trên địa bàn huyện có một số khu vực sông, suối đã và đang được xây dựng các công trình thủy lợi, hồ chứa nước và hồ thủy lợi để điều tiết nước phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân, nhất là mùa khô.
Nước ngầm: Trữ lượng ít, phân bố không đều, chất lượng nước cũng biến đổi tùy theo mức độ nông hay sâu, gần hay xa biển. Ven biển nguồn nước ngầm ít và bị nhiễm mặn dễ gây thiếu nước cho sản xuất và sinh hoạt.
c) Tài nguyên rừng
Diện tích đất có rừng hiện chiếm 41% diện tích tự nhiên toàn huyện, chủ yếu là rừng đặc dụng và rừng phòng hộ. Rừng tự nhiên chủ yếu là rừng nghèo, rừng non và rừng trung bình. Điều đó ảnh hưởng đến điều hòa khí hậu của huyện và giảm khả năng điều tiết nước cho các công trình thủy lợi.
Sơ bộ trữ lượng gỗ khoảng 2,0 – 2,5 triệu m3, trong đó rừng tự nhiên có trữ lượng 1,8 triệu m3, và rừng trồng có trữ lượng 70 nghìn m3, trữ lượng tre, nứa, lồ ô là 1,6 triệu cây.
d) Tài nguyên khoáng sản
Huyện Cam Lâm có khoáng sản nguyên liệu công nghiệp và phục vụ nhu cầu xây dựng như cát, đá xây dựng, đất sét…; đáng chú ý là cát trắng Thủy Triều và đá xây dựng. Cát trắng Thủy triều với trữ lượng 30 triệu m3, tập trung ở các xã Cam Hải Đông, Cam Đức, Cam Hải Tây, Cam Thành Bắc và Cam Hiệp Nam. Cát trắng có hàm lượng silicat cao, đáp ứng yêu cầu sản xuất thủy tinh quang học, pha lê và lộ thiên nên thuận lợi phục vụ xuất khẩu với sản lượng 10 – 15 vạn tấn/năm.
Đá sản xuất ốp lát, trang trí tập trung ở xã Suối Cát với trữ lượng khoảng 244 triệu m3; đá Granit xây dựng tập trung ở Suối Tân và Cam Hải Tây với trữ lượng 90 triệu m3; đá Ryolit và Andezit xây dựng tập trung ở Cam Hòa, Cam Tân, Suối Tân với trữ lượng 1.131,2 triệu m3.
Cát xây dựng tập trung ở Suối Cát, Suối Tân và Cam Đức với trữ lượng 1,5 triệu m3. Ngoài ra tại các xã Cam Hòa phát hiện còn có mỏ quặng thiết; Cam Phước Tây có mỏ đất sét là nguyên liệu sản xuất gạch, ngói.
e) Tài nguyên biển và du lịch
Với thềm lục địa rộng lớn, có bãi cát dài và mịn ven biển, quan cảnh thiên nhiên huyện Cam Lâm đẹp như bức tranh sơn thủy thuận lợi cho việc phát triển du lịch biển đảo, ngoài ra còn có nuôi trồng, chế biến thủy hải sản và các ngành kinh tế biển.
Cam Lâm có 13km bờ biển, trong đó khu vực Bãi Dài (Cam Hải Đông) thuộc khu vực bán đảo Cam Ranh nằm dọc bờ biển 10km. Nơi đây được thiên nhiên ưu đãi với các bãi biển đẹp, thoải, nước trong, cát trắng và mịn, rất thuận lợi hình thành bãi tắm để thu hút khách du lịch, nghỉ dưỡng.
Cam Lâm còn có lợi thế để phát triển các loại hình du lịch như du lịch tìm hiểu văn hóa xã hội về với cộng đồng, du lịch sinh thái, khám phá rừng tự nhiên, thể thao leo núi, …Trên địa bàn huyện Cam Lâm còn bảo tồn và lưu giữ nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật và di tích lịch sử với khoảng 28 di tích, trong đó có 02 di tích cấp quốc gia (Chùa Linh Sơn và Mộ Yersin tại xã Suối Cát), 04 di tích cấp tỉnh (Đình Cam Tân, Đình Thủy Triều, Đình Cửu Lợi và Đồn Cửu Lợi). Nhiều di tích lịch sử đang trong giai đoạn khảo sát thống kê sắp xếp và đề nghị công nhận. 
Đặc biệt địa bàn xã Suối Cát có núi Hòn Bà với khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà trên độ cao 1.500m, có khí hậu mát mẻ, với nhiều loại cây quý hiếm, nơi lưu giữ các di tích về cuộc đời và hoạt động của nhà bác học Yersin thuận lợi cho việc phát triển du lịch sinh thái, văn hóa lịch sử, thể thao leo núi.
4. Dân cư và nguồn lao động
Năm 2007, dân số huyện Cam Lâm là 100,4 nghìn người, đến năm 2014 là 105,7 nghìn người, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên dưới 1%/năm. Mật độ dân số trung bình của huyện đã tăng từ 182 người/km2 năm 2007 lên 191 người/km2 năm 2014 và bằng 83,2% mật độ dân số trung bình của tỉnh Khánh Hòa. Dân cư huyện Cam Lâm phân phố không đều, tập trung đông đúc ở thị trấn Cam Đức và thưa dần ở những xã miền núi, đồi phía Tây của huyện. 
Nguồn lao động của huyện Cam Lâm khá dồi dào và bằng 63-64% so với tổng số dân, đa số người trong độ tuổi lao động làm việc trong các ngành kinh tế quốc dân.
Cơ cấu lao động thời gian qua chuyển dịch theo hướng tiến bộ, tăng tỷ trọng lao động phi nông nghiệp và giảm tỷ trọng lao động nông nghiệp. Tuy nhiên, tỷ lệ lao động có trình độ kỹ thuật, từ công nhân kỹ thuật trở lên so với lao động đang làm trong các ngành kinh tế quốc dân của huyện còn thấp, đặc biệt thiếu cán bộ khoa học kỹ thuật có trình độ cao trong các ngành có khả năng tạo chuyển biến lớn cho nền kinh tế.
5. Hành chính
Huyện Cam Lâm có 13 xã và 01 thị trấn gồm xã Cam Tân, Cam Hòa, Cam Hải Đông, Cam Hải Tây, Cam Hiệp Bắc, Cam Hiệp Nam, Sơn Tân, Cam Thành Bắc, Cam Phước Tây, Cam An Bắc, Cam An Nam, Suối Tân, Suối Cát và thị trấn Cam Đức. Thị trấn Cam Đức là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của huyện Cam Lâm.
Huyện Cam Lâm – Tiềm năng và cơ hội đầu tư
Huyện Cam Lâm được thành lập theo Nghị định 65/2007/NĐ-CP ngày 11/4/2007 của Chính phủ, trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính của huyện Diên Khánh và thị xã Cam Ranh, với tổng diện tích tự nhiên 55.026 ha, dân số hiện nay 105.759 người, gồm 13 xã và 01 thị trấn trực thuộc. Cam Lâm có vị trí địa lý thuận lợi, nằm giữa hai trung tâm đô thị lớn của tỉnh là thành phố Nha Trang và thành phố Cam Ranh, gần đường hàng hải quốc tế, hệ thống cảng biển gắn với đầu nút giao thông quan trọng cả về đường bộ, thủy và hàng không, lại là một trong những cửa ngõ ra biển của khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Bên cạnh đó, với vùng biển rộng, bờ biển dài – đẹp và đầm Thủy Triều…, với nhiều tiềm năng cho phát triển kinh tế như: nuôi trồng thủy sản, công nghiệp sửa chữa tàu thuyền, ngư cụ, cảng cá, xuất nhập khẩu, du lịch sinh thái biển…Sự đa dạng của địa hình, tài nguyên và đất đai tạo điều kiện cho huyện có thể phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp đa dạng, mang lại giá trị kinh tế cao, rất thuận lợi để hình thành các khu công nghiệp tập trung, phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ. 
Qua 7 năm xây dựng và phát triển, mặc dù còn những hạn chế nhất định, nhưng tình hình Kinh tế – Xã hội Cam Lâm phát triển khá và đạt được những thành tựu nổi bật, mở ra khả năng phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đó là kết quả của quá trình phấn đấu không ngừng của cán bộ và nhân dân huyện Cam Lâm trong nhiều năm qua. Cụ thể: 
– Kinh tế tiếp tục tăng trưởng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ – du lịch – công nghiệp và nông nghiệp, đến năm 2014, tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng: 74,84%; dịch vụ du lịch: 15,17%; nông lâm thủy sản: 10,35%. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tăng 3,36 lần so với năm 2008. 
        – Kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn có bước phát triển rõ rệt, nhất là hệ thống giao thông, thủy lợi, điện thắp sáng, trường học, trạm y tế. Kinh tế nông thôn có bước chuyển biến tích cực, các dịch vụ và ngành nghề nông thôn tiếp tục phát triển, đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân. Mô hình kinh tế hợp tác, kinh tế trang trại được quan tâm chỉ đạo; đã hình thành được 15 tổ hợp tác, tổ liên kết và quỹ tín dụng nhân dân hoạt động có hiệu quả. Huyện đã hoàn thành việc lập Đề án và kế hoạch triển khai thực hiện xây dựng đề án nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2015, trong đó 01 xã đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2014 và chọn đăng ký 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015. 
Trên địa bàn huyện có KCN Suối Dầu hoạt động với quy mô lớn (41 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có 18 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký trên 47,37 triệu USD và tổng vốn đầu tư thực hiện đến cuối năm 2014 là 29 triệu USD, thu hút trên 9.000 lao động). Riêng các thành phần kinh tế của huyện có bước phát triển khá ổn định và vững chắc; so với những ngày mới thành lập, các thành phần kinh tế đều phát triển về số lượng lẫn quy mô, tính theo giá trị sản xuất, giai đoạn 2007 – 2011 (giá cố định 1994): kinh tế nhà nước tăng 1,41 lần; kinh tế ngoài nhà nước tăng 1,34 lần; kinh tế cá thể tăng 0,65 lần; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng 1,03 lần. Giai đoạn 2012 – 2014 (giá cố định 2010); kinh tế nhà nước tăng 102,96%; kinh tế ngoài nhà nước tăng 127,86%; kinh tế cá thể tăng 110,55%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng 141,9%; các thành phần kinh tế đã góp phần tăng thu cho ngân sách huyện và thu nhập của người lao động. 
– Giá trị sản xuất các ngành dịch vụ, thương mại tăng 41,9% và doanh thu dịch vụ tăng trên 20%; giá trị kim ngạch xuất khẩu bình quân tăng 10,4%. Nông nghiệp có sự tăng trưởng ổn định, việc ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ mới vào sản xuất, đẩy mạnh các hoạt động khuyến nông, bảo vệ thự vật, thuốc thú ý, đầu tư kiên cố hóa kênh mương thủy lợi đã góp phần đưa năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi tăng cao so với trước đây. Sản lượng lương thực có hạt tăng 30,6%; năng suất mía giống mới tăng 16 tấn/ha; các giống xoài mới như xoài Úc, xoài cát Hòa Lộc cho giá trị gấp 3,5 lần so với giống xoài cũ. 
        – Giá trị sản xuất nông lâm thủy sản tăng 6,26%. Ngành chăn nuôi phát triển ổn định. Diện tích nuôi trồng thủy sản phát triển ổn định, sản lượng thủy sản hàng năm trung bình đạt 3.700 tấn. Doanh thu bình quân 1ha đất canh tác nông nghiệp trên 50 triệu đồng. Cùng với sự tăng trưởng về kinh tế, đời sống tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể được giữ gìn, phát huy phù hợp với yêu cầu văn hóa của nhân dân. Các lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc được duy trì và phát triển theo hướng tích cực. 
– Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao mừng Đảng – mừng Xuân và những ngày lễ lớn trong năm, ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam tỉnh Khánh Hòa… được duy trì hàng năm; duy trì thời lượng tiếp phát sóng phát thanh – truyền hình các đài Trung ương và Tỉnh, duy trì trang tin địa phương, đã xây dựng chương trình thời sự, ca nhạc, phát tin và bài viết phục vụ nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng của địa phương. 
        – Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được triển khai đến cơ sở và đạt được kết quả tích cực, 100% xã, thị trấn được phủ sóng thông tin di động, truyền thanh, truyền hình, hệ thống bưu điện văn hóa xã phát triển ngày càng đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Phong trào thể dục thể thao quần chúng ngày càng có nhiều tiến bộ. 
– Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo. Chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục hướng nghiệp, tập trung phát triển đào tạo nghề, gắn đào tạo với sử dụng. Quy mô giáo dục được mở rộng và phát triển hợp lý: số trường THCS đạt chuẩn quốc gia của toàn huyện là 11/12 trường, số trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 là 12/19 trường, số trường mầm non đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 là 06/15 trường. 
        – Công tác chống mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ: tổng số người trong độ tuổi từ 15 tuổi đến 35 tuổi biết chữ chiếm 99,8%; tổng số người trong độ tuổi theo quy định từ 36 tuổi đến 60 tuổi trở lên biết chữ chiếm 98,3%.
– Mạng lưới khám chữa bệnh được tiếp tục đầu tư, tập trung triển khai có hiệu quả các chương trình quốc gia về y tế, phòng chống dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm. Toàn huyện có 13/14 trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, 100% trạm y tế có bác sĩ khám, chữa bệnh.
– Chương trình phát triển nguồn nhân lực; đã triển khai thực hoạch quy hoạch về phát triển nguồn nhân lực huyện giai đoạn 2015 – 2020. Tập trung đào tạo nghề, giải quyết việc làm theo hướng tạo việc làm tại chỗ, tạo sự phối hợp tốt giữa các ngành, các cấp và các địa phương để thực hiện chương trình giải quyết việc làm và dạy nghề; hàng năm số lao động được giải quyết việc làm khoảng 2.000 người, được vào làm trong các cơ sở thuộc khu công nghiệp Suối Dầu và các cơ sở trên địa bàn huyện. 
        Đời sống của các hộ chính sách trên địa bàn huyện ngày càng được quan tâm, công tác kiểm tra, đôn đốc các xã, thị trấn thực hiện kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước về các lĩnh vực liên quan đến hộ nghèo, gia đình hộ chính sách và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Công tác kiểm tra hồ sơ, thủ tục đề nghị trợ cấp xã hội được cập nhật liên tục hàng tháng, công tác bảo trợ xã hội, các chính sách đối với người có công, công tác giảm nghèo, bình đẳng giới, dạy nghề – tạo việc làm, … đã được quan tâm thường xuyên, đúng mức.
Với những tiềm năng hiện có của địa phương, huyện Cam Lâm đang định hướng đầu tư phát triển một số công trình trọng điểm liên quan đến phát triển Kinh tế – Xã hội của huyện ở một số lĩnh vực sau:
Xây dựng huyện Cam Lâm trở thành địa bàn kinh tế năng động và đô thị du lịch phát triển hiện đại, độc đáo và đặc sắc trong hệ thống đô thị du lịch của tỉnh Khánh Hòa.
Nâng cấp mở rộng và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, nâng cấp mạng lưới giao thông, hệ thống điện, nước, bưu chính, viễn thông, hình thành khu đô thị mới… Xây thêm một số hồ chứa nước, đập dâng…
Xây dựng khu du lịch Bãi Dài thành khu du lịch trong điểm quốc gia. Xây dựng các công trình trọng điểm du lịch, thương mại như: hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, hội chợ, các khách sạn cao cấp, các khu du lịch, vui chơi giải trí lớn mang ý nghĩa toàn Tỉnh và vùng. Tập trung phát triển các Khu công nghiệp Suối Dầu, các cụm công nghiệp Trảng É.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây