Giá trị của tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông – Bảo vật quốc gia ở Yên Tử

Lễ hội xuân Yên Tử (TP.Uông Bí, Quảng Ninh) 2023 đã khai mạc từ mùng 10 tháng Giêng và sẽ kéo dài đến hết tháng 3 Âm lịch. Những du khách đến đây dành nhiều sự chú ý đến Bảo vật quốc gia là tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Tuong Phat hoang Tran Nhan Tong min - Giá trị của tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông - Bảo vật quốc gia ở Yên TửTượng Phật hoàng Trần Nhân Tông, bảo vật quốc gia. Ảnh: Bảo tàng Quảng Ninh.

Yên Tử, đệ nhất non thiêng của đất Việt, khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh nổi tiếng, gắn liền với sự tích Phật hoàng Trần Nhân Tông, vị minh quân giúp quân dân Đại Việt hai lần đánh thắng quân Mông Nguyên (năm 1285, 1288). Ngài đã ung dung rời bỏ ngôi vua, xuất gia tu đạo, lập nên Thiền phái Trúc Lâm. Ngày nay, chúng ta vẫn có thể ngắm nhìn thần tướng của vị Phật hoàng này qua pho tượng thờ mà năm 2020 đã được Thủ tướng chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia.

Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông hiện đang được lưu giữ bảo quản và bài trí trong tháp Huệ Quang (thường gọi là tháp Tổ), chùa Hoa Yên thuộc di tích cấp quốc gia đặc biệt – khu di tích, danh thắng Yên Tử, TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Pho tượng Phật Hoàng được an trí trong tầng khám của tòa tháp Huệ Quang. 

Tháp Huệ Quang được vua Trần Anh Tông cho xây dựng nhằm tôn trí xá lị của Phật hoàng Trần Nhân Tông năm 1326. Ngôi tháp này bị sụp đổ trước đây, đến thời Lê trung hưng được trùng tu xây dựng lại ngôi tháp. Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông cũng được tạo tác và an trí tại tháp từ đó cho đến nay. Mặc dù trải qua hơn 300 năm tồn tại, với nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, nhưng đến nay tượng vẫn được bảo quản tốt, hàng năm có hàng triệu tín đồ Phật tử và du khách hành hương đến Yên Tử chiêm bái.

Tượng gồm hai phần: Bệ và thân tượng, cao tổng thể 83.8cm. Tượng được tạc ở tư thế thiền buông thư, kiểu ngồi bán kiết, bàn chân trái đặt lên đùi phải, lòng bàn chân ngửa lên. Tượng được thể hiện với gương mặt thanh tú, tai to, trán rộng, cổ cao nhiều ngấn thân hình thanh thoát. Các nếp áo, quần chồng xếp mềm mại, uyển chuyển; họa tiết hoa văn trên vạt áo, gấu quần chi tiết và sắc nét. Trên tượng, ngoài các đường nét thể hiện đường nét uốn lượn của trang phục thể hiện sự tinh tế của nghệ nhân tạc tượng thì các họa tiết trang trí trên vạt y trung và gấu y hạ và y thượng cho thấy tính thẩm mỹ, ý nghĩa tư tưởng và tôn lên giá trị của tượng.

Tượng đặt trên một bệ hình chữ nhật kiểu “sập chân quỳ dạ cá”. Sập gồm hai phần, phần mặt vuông phía trên nổi cao giống như “Bồ đoàn”. Mặt trước của phần mặt bệ chia làm 5 ô hộc, 2 ô hộc ngoài cùng có cấu trúc hình vuông, lòng trang trí một bông sen trên nền dây lá, ô chính giữa là ô hình vuông trong lòng trang trí hoa sen và 2 hộc ở hai bên, nằm xen cài giữa ô giữa và ô ngoài cùng trang trí hình rồng chầu vào hoa sen ở giữa. Hai mặt bên tạo ô hộc hình chữ nhật, giữa trang trí hoa sen, mặt sau để trơn.

Các nhà khoa học thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đã kiểm tra 11 điểm và phát hiện bức tượng có thể đã được phủ sơn và có thếp vàng. 

Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông là ví dụ điển hình về mẫu mực trong nghệ thuật điêu khắc tượng Phật Đại Việt thế kỷ XVII. Họa tiết văn mây điểm xuyết cho đồ án hình rồng, phía sau đầu rồng là các dải mây kéo dài thành đao mác. Các họa tiết và đồ án sen dây trên y trung, y hạ và hoa sen trên bệ là đồng nhất về phong cách, cấu trúc và hình thức thể hiện. Đồ án hoa sen dây trên pháp phục gặp nhiều trên văn bia và tượng thờ thời Lê Trung hưng.

Tượng Trần Nhân Tông hàm chứa giá trị lịch sử văn hóa tiêu biểu đặc sắc, là pho tượng cổ nhất hiện còn thể hiện hình tướng của vị vua xuất gia tu hành thành Phật – Điều ngự Giác hoàng, tức vị vua Giác Ngộ. Pháp phục và tư thế tọa thiền của tượng thể hiện tư thế tự tại, vô ngã, vô chấp và tùy duyên nhưng không kém phần chuẩn mực trong tư tưởng, hành trì của đấng Giác Ngộ. Với tư cách là một vị vua từ bỏ ngôi vị, đi tu và đắc đạo sáng lập dòng Thiền Trúc Lâm, do vậy Phật hoàng được thờ phụng ở nhiều nơi. Hầu khắp chùa lớn của Phật giáo Trúc Lâm đều thờ phụng Phật hoàng Trần Nhân Tông bằng hai hình thức chính là long ngai bài vị và tượng thờ. 

Nhưng so sánh với các tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông khác hiện biết, có thể khẳng định, tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông tại tháp Huệ Quang, chùa Hoa Yên không giống với bất kỳ pho tượng nào khác về cả tư thế, pháp phục, họa tiết trang trí và thậm chí là cả hình tướng. Do vậy, có thể khẳng định tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông tại tháp Huệ Quang, chùa Hoa Yên là hiện vật độc bản.

 Đến nay, bức tượng được nhiều nơi lấy làm hình mẫu nhân bản như tượng Phật hoàng ở An Kỳ Sinh (Yên Tử) khánh thành năm 2013, tượng Phật hoàng ở đảo Trường Sa khánh thành năm 2015.

TS. NGUYỄN HỮU MẠNH

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây