Tin Xuân - Câu lạc bộ Văn học nghệ thuật Liên Chiểu thành phố Đà Nẵng

Tối ngày 6/10, Hội đồng trao giải Nobel Viện Hàn lâm Thụy Điển đã công bố nữ nhà văn Pháp Annie Ernaux (sinh ngày 1 tháng 9 năm 1940), đoạt giải Nobel Văn học 2022 “vì lòng dũng cảm và sự nhạy bén mà bàđã khám phá ra gốc rễ, sự ghẻ lạnh và những hạn chế chung của ký ức cá nhân».Bà Ernaux là người phụ nữ thứ 17 được trao giải, trong số 119 nhà văn kể từ khi Giải này được thành lập vào năm 1901.

Phần lớn các chủ đề chính xuyên suốt tác phẩm của Annie Ernaux đã thể hiện sự sáng tạo các hình thức tự sự, tạo thành những hướng đi mới trong cuộc sống: các văn bản tự truyện, khám phá cuộc sống của chính bản thân và của gia đình, nhưng cũng là môi trường xã hội mà những cuộc sống đó phát triển. Ngay khi Giải thưởng được chính thức công bố, trả lời phỏng vấn trên báo “Le Monde” ra ngày 07/ 10/ 2022, bà khẳng định, muốn được nhìn nhận bà một cách đúng đắn vừa là một nhà văn tham gia chính trị vừa là một nhà văn nữ quyền. Mối quan tâm hàng đầu của bà là tình trạng của phụ nữ trên thế giới, quyền tự do ngôn luận, tự do hành động… Chính tiếng nói hướng về nữ quyền của Annie Ernaux đã góp phần vào việc phổ biến các tác phẩm của bà trên khắp thế giới. Đối với bà, văn học có nghĩa là thay đổi mọi thứ, và vượt ra khỏi ranh giới địa lý. Ernaux đã nói: “Đối với tôi, nhận được giải Nobel là khẳng định một trách nhiệm tôi phải tiếp tục đảm nhiệm”.

Nha van Annie Ernaux chuan bi hop bao min - GIẢI NOBEL VĂN HỌC 2022: Annie Ernaux - tiếng nói không mệt mỏi vì nữ quyền - Tác giả Trần Trung SángẢnh: Nhà văn Annie Ernaux chuẩn bị họp báo sau khi được trao giải Nobel Văn học; tại Paris, ngày 6 tháng 10 năm 2022

Annie Ernaux sinh ra và lớn lên trong gia đình thuộc tầng lớp bình dân ở Yvetot, vùng Normandy, Đông Bắc nước Pháp. Vào đầu những năm 1970, bà tốt nghiệp đại học tại Rouen và trở thành giáo viên dạy văn học hiện đại. Bà bắt đầu sự nghiệp văn chương vào năm 1974 với tác phẩm tự truyện đầu tay mang tên Les Armoires vides (Những chiếc tủ rỗng). Từ đó, bà liên tục có nhiều tác phâm được công chúng yêu thích. Tuy nhiên, nổi bật nhất phải kể đến Les Années (Những năm) do NXB Gallimard phát hành năm 2008, phác họa một giai đoạn xã hội Pháp kéo dài từ thời hậu thế chiến cho đến hiện nay.Tác  phẩm  đã nhận một số giải thưởng văn học vào các năm 2008 và 2009. Cũng thời gian này, Ernaux nhận giải thưởng Prix de la langue française, vinh danh toàn bộ sự nghiệp sáng tác văn chương của bà. Năm 2011, Annie Ernaux xuất bản cuốn L’Autre Fille(Những cô gái khác). Tác phẩm như một lá thư mà Ernaux gửi đến người chị gái đã mất của mình. Cùng thời điểm này, bà viết cuốn L’Atelier noir, trong đó tập hợp tất cả ghi chép, dự định, suy tưởng của bà về sự nghiệp viết văn và sáng tác. Bên cạnh đó,bà ra mắt cuốn tự truyện Ecrire la vie (Viết về cuộc đời), là tác phẩm tổng hợp hầu hết các bài viết cá nhân, những sổ nhật ký và nhiều hình ảnh của bà chưa từng công bố trước đó.

Tác phẩm gần đây nhất của Annie Ernaux là Mémoire de fille (bản dịch tiếng Việt có tên Hồi ức thiếu nữ của Bảo Chân do Nxb HNV xuất bảnnăm 2016). Nội dung câu chuyện, tác giả kể lại những ký ức của thời thiếu nữ 60 năm về trước, khi bà còn là cô gái 18 tuổi. Vào mùa hè năm 1958, lần đầu tiên cô gái ấy được yêu và có mối quan hệ thể xác với một người đàn ông. Câu chuyện được kể lại như một ký ức về sự hổ thẹn, một vết thương day dứt, khó chữa lành hơn bất kỳ điều gì khác. Ernaux đã tiết lộ trong những cuộc phỏng vấn gần đây rằng, quyển sách này không phải là tác phẩm mấu chốt trong toàn bộ sự nghiệp sáng tác của bà, mà có lẽ là mấu chốt của những gì khiến người ta phải sợ hãi khi đặt bút viết ra, mà người ta không ngừng thấy rằng thật sự là quá khó và quá nguy hiểm khi đưa chúng lên trang giấy. Bà chủ yếu nhìn nhận những gì mình đã viết như một nỗ lực tìm kiếm và “khai quật” từ quá khứ người thiếu nữ thuở mười tám đôi mươi mà bà từng là, bằng cách tìm lại những niềm tin, việc làm và cử chỉ của cô, “hạnh kiểm” của cô, như cái cách người ta vẫn thường nói vào những năm 50 của thế kỷ 20 ấy để đánh giá và xếp loại các thiếu nữ. Điều buộc Ernaux phải cầm bút chính là sự bất lực của bà trong việc diễn giải bằng suy nghĩ cảm giác về những gì xảy đến với bản thân, hoặc với thế giới, chính vào thời điểm chúng xảy đến. Hồi ức thiếu nữ, trên tư cách ấy, là một kinh nghiệm viết được đẩy lên đến cực độ, bởi nó buộc bà phải thật sự viết ra cái hiện tại của quá khứ, thuần chất, trần trụi và không hề dễ chịu một nào. Cuốn sách mang đậm nét văn hóa, chính trị và lịch sử của Pháp. Tác giả đã khéo léo tạo ra một cuộc cách mạng trong nghệ thuật kể hồi kí khi loại bỏ hoàn toàn cảm xúc cá nhân khỏi tác phẩm.Bà gọi mình của năm 1958 là “cô”, như một người xa lạ thuộc về một cuộc đời khác. Không phải một kiểu làm ra vẻ mà nó đúng là như vậy, tất nhiên không chỉ vì thổ âm vùng Normandie hay lối suy nghĩ dùng ngôn từ của Camus mà hẳn đã thay đổi theo thời gian. Khi hồi tưởng về một thời đã xa (mà cụ thể ở đây, 50 năm trước), ta của hiện tại sẽ thấy ta của quá khứ cũng chỉ giống như một cái tên quen liếc thấy trong niên giám trang vàng, một người bạn thân cũ đã lâu không liên hệ. Cô nàng năm 58 có mặt tại một mùa hè khi bài Histoire d’un amour của Dalida đương thịnh hành. Trong bài hát này có câu: “Chuyện của tôi là một chuyện tình yêu”. Nhưng mặc dù có vẻ rất giống với một hồi ức tình yêu, cuốn sách của Ernaux không phải một chuyện tình yêu. Bà thường băn khoăn về sự vô hình của ta trong cuộc đời người khác, sợ “họ đã quên cô và quên nhau”, nhưng ngay cả sự hữu hình của bà trong cuộc đời của cô (hay ngược lại) cũng có thực sự giải thích được gì đâu.

Những trang sách của Ernaux mang đậm nét văn hóa, chính trị và lịch sử của Pháp, hiển nhiên không phải là một thứ dễ đọc, không có cốt truyện, không có cao trào, hay một bài học đạo đức nào hết. Đây cũng không phải là cuốn sách để đọc một cách gấp gáp, độc giả có thể đóng lại sau khi đọc một vài trang, rồi triền miên trong hương vị buồn vui lẫn lộn mà nó để lại trong tâm trí. Đọc văn chương của Annie Ernaux khiến người ta tin rằng bản thân hiện thực cũng đã có một quầng kỳ ảo. Sự hư huyễn không cần ai đó phải bịa ra, chỉ cần cạo lớp ngoài cùng của hiện tại, thì hư huyễn sẽ xuất hiện, có thể là nằm ngay trong một lớp kem đánh răng được viết trên gương.Thông qua cuốn tiểu thuyết này, người đọc thay vì trở thành nhân chứng cho cuộc sống của một người xa lạ, họ từ từ trở thành một phần của cuốn sách và dấy lên lòng thương cảm với số phận người thiếu nữ trong truyện.

Một độc giả Việt trong blog có tên Hải ngọc đã bày tỏ: “Phải thú nhận tôi đọc Annie Ernaux theo trào lưu. Chỉ khi bà được đồn đoán như một ứng cử viên tiềm năng nhất của giải Nobel văn chương năm nay, tôi mới chạm vào hai cuốn sách mỏng của bà đã được dịch sang tiếng Việt – “Một chỗ trong đời” (La Place) và “Hồi ức thiếu  nữ” (Mémoire  de Fille). Trong đó, cuốn đầu tiên – tác phẩm được giải Renaudot năm 1984 – đã nằm im trên kệ sách của tôi 5 năm rồi. Annie Ernaux có phải là nhà văn làm tôi kinh ngạc, sững sờ về tầm vóc tư tưởng hay sự khai phá một thẩm mỹ mới, một lối viết tiểu thuyết như một lễ hội ngôn từ? Không. Nếu chiều mai, bà không phải là nhân vật thu hút sự chú ý của toàn bộ những người quan tâm đến văn chương trên thế giới, tôi không lấy làm thất vọng. Và nếu bà có được trao giải thưởng danh giá này, đối với tôi, đó trước hết là sự tôn vinh một giá trị mà tưởng như nếu nhắc đến thì dễ bị xem là sến súa: sự thành thực”. Trong khi đó, sau sự kiện Annie Ernauxđoạt giải Nobel Văn học 2022, trả lời phỏng vấn báo chí, nữ dịch giả Bảo Chân nói: “Không thể tranh cãi, vị trí của Annie Ernaux là chính yếu trong dòng chảy văn học đương đại Pháp và phương Tây. Tôi hy vọng với giải Nobel, văn chương của bà sẽ vươn đến những khu vực rộng lớn hơn trên thế giới. Annie là một nữ văn sĩ quan trọng của văn học Pháp và các nền văn học châu Âu như Đức, Bỉ, Tây Ban Nha… trong bối cảnh  xã hội phương Tây hiện nay. Tôi thấy không ngoa khi đánh giá bà  là một trong những tác giả chính yếu trong dòng chảy văn học vì   sự sáng tạo trong lối viết và sự dấn thân trong các phong trào tư tưởng đấu tranh cho quyền bình đẳng và tự do của nữ giới. Ở Pháp, tác phẩm của Annie Ernaux được xem là đại diện cho tiếng nói của những người phụ nữ mưu cầu tự do và bình đẳng nhưng bị xã hội lãng quên”. Cũng theo Bảo Chân: “Tất nhiên, tôi rất mong muốn và sẵn lòng dịch bất cứ tác phẩm nào của Annie Ernaux sang tiếng Việt. Tôi không có sự chọn lựa ưu tiên của cá nhân. Tôi nghĩ rằng tất cả tác phẩm của bà xứng đáng được độc giả Việt Nam đón nhận, bởi vì mỗi cuốn sách của bà đều mang theo sự độc đáo và sáng tạo riêng. Theo tôi, độc giả Việt Nam sẽ dễ cảm nhận và đồng cảm với lối viết chân thật; cách kể chuyện không cầu kỳ nhưng gợi cảm xúc trực tiếp cho người đọc. Những câu chuyện bà kể là những câu chuyện cuộc sống thường nhật và chuyện thân phận người phụ nữ. Đó là những câu chuyện mang nhiều giá trị nhân văn nên độc giả Việt hoàn toàn  có thể thấu hiểu. Bằng chứng là các bản dịch của hai tác phẩm của bà đã được dịch và xuất bản ở Việt Nam đều được công chúng đón nhận và dành nhiều lời khen”.

T.T.S

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây