Người đất Quảng tài hoa với nghệ thuật ca Huế – Tác giả: Trang Thùy

Tin Xuân - Câu lạc bộ Văn học nghệ thuật Liên Chiểu thành phố Đà Nẵng

anh 1 min - Người đất Quảng tài hoa với nghệ thuật ca Huế - Tác giả: Trang ThùySinh ra trong gia đình có truyền thống âm nhạc nghệ thuật, ba anh em trai Văn Công Lê, Văn Công Hoàng và Văn Công Vỹ quê gốc Quảng Nam được thừa hưởng niềm đam mê nghệ thuật cũng như trí tuệ  thông  minh  từ cha mình là Văn Công Cương (thầy Nha), vốn là thầy dạy chữ Nho và thầy thuốc Đông y.

Tên nhóm Tam Văn của các anh được nhiều người biết đến xuất phát từ sự tài hoa và đam mê trong bộ môn nghệ thuật Ca Huế – một môn nghệ thuật truyền thống của người dân xứ Thần Kinh.

Trong một chương trình của Đài Phát thanh Truyền hình Thừa Thiên Huế khi làm phóng sự về nhóm Tam Văn, các anh đã tâm sự về cơ duyên khi đến với bộ môn Ca Huế rằng: bà cô của các anh trước đây là một ca nương chuyên biểu diễn Ca Huế trong Hoàng cung. Sau này lớn tuổi bà về quê và gánh bánh bèo đi bán. Bà vừa bán bánh bèo vừa đàn ca, ông cụ thân sinh của các anh đã được bà chỉ dạy qua những tháng ngày như thế và niềm đam mê bộ môn nghệ thuật dân tộc này của các anh là sự tiếp truyền từ người cha sang những người con.

Và không chỉ những người Huế mới yêu nghệ thuật Ca Huế, ở Quảng Nam Ca Huế cũng được rất nhiều người yêu thích và biết đến loại hình nghệ thuật mang tính bác học này. Từ tiền và hậu bán thế   kỉ 19, Quảng Nam đã thịnh hành bộ môn này trong quá trình mở mang đàng trong của các quan triều đình, từ sự tha hương  của các ca nương, nhạc công, những người trí thức đương thời đã đem theo và nuôi dưỡng loại hình âm nhạc truyền thống. Họ lập thành nhiều nhóm tri âm tri kỉ để cùng đàn ca cho nhau nghe mỗi lúc thanh nhàn rảnh rỗi. Cũng có một quãng thời gian do những biến thiên của thời cuộc mà loại hình Ca Huế tạm thời bị gián đoạn nhưng thẳm sâu trong tâm hồn những ai đã từng biết đến và yêu thích bộ môn Ca Huế vẫn âm thầm nuôi dưỡng niềm đam mê môn nghệ thuật mang tính bác học sang trọng này. Riêng gia đình Tam Văn từ thập niên 60 đã có duyên gặp gỡ và giao lưu với những danh ca, danh cầm của xứ Huế như các thầy Tôn Thất Thể, Nguyễn Kế, bác Liệu, thầy Bửu Lộc…, Quảng Nam Đà Nẵng có Ba Dé, thầy Ba Đợi, ca nương có cô Thu Tâm, Diệu Liên, Thanh Tâm, Kim Cúc… là những người đã đến và sinh hoạt ở Quảng Nam. Đó là những dịp để ba anh em Tam Văn được giao lưu và chủ yếu là học hỏi, tiếng đàn lời ca, phong thái khoan thai của những danh ca, danh cầm xứ Huế đã thấm dần vào tâm hồn, nuôi dưỡng niềm đam mê Ca Huế trong các anh.

Từ lâu tôi vẫn mong ước một lần được diện kiến cùng Tam Văn và rồi lần đầu tiên tôi gặp các anh trong một dịp sinh nhật của Câu lạc bộ Ca Huế Thính Phòng tại 25 Lê Lợi, Huế.

Ấn tượng của tôi trong ngày đầu gặp các anh là sự hoà nhã và khiêm tốn của ba anh em xứ Quảng, tôi đã đi từ ngạc nhiên này đến bất ngờ khác, không nghĩ rằng những người con xứ Quảng lại dành tình yêu cho ca Huế sâu nặng đến như vậy.

Phải nói rằng, ắt hẳn bên cạnh niềm đam mê và tài hoa, phải yêu Huế, thấu hiểu về Huế cũng như am tường về bộ môn nghệ thuật Ca Huế nhiều lắm các anh mới có thể đàn được tất cả những làn điệu Ca Huế một cách nhuần nhuyễn như thế. Nhìn những ngón tay điêu luyện rung lên những giọt đàn thanh thoát, nỉ non, những âm điệu lúc trầm lúc bổng tôi mới giật mình nhận ra rằng lâu nay mình tuy là người Huế chính gốc nhưng những kiến thức và cảm nhận về môn nghệ thuật của xứ mình tôi vẫn còn mơ hồ so với các anh. Nói đúng hơn là bấy lâu nay tôi đã hờ hững, vô tình với những giai điệu quê hương nơi mình đang sống, và hôm nay hình ảnh của ba anh em xứ Quảng say sưa trong tiếng đàn của mình đã khơi dậy niềm đam mê trong tôi, từ đó tự hào hơn về môn nghệ thuật phi vật thể của Huế được thế giới vinh danh và công nhận.

Người anh cả Văn Công Lê tiếp nối sự nghiệp đông y của cha với tiệm thuốc Đông y cổ truyền tại Đà Nẵng. Bên cạnh sự thành công trên lãnh vực bốc thuốc chữa bệnh cứu người anh vẫn luôn giữ gìn niềm đam mê nghệ thuật, thỉnh thoảng ngoài đàn ca anh còn soạn lời Ca Huế và người em út Văn Công Vỹ cũng vậy. Riêng anh Văn Công Hoàng ngoài tài năng ca và sử dụng nhiều loại nhạc cụ anh còn soạn rất nhiều bài Ca Huế với những làn điệu và bài bản lớn như Phẩm tiết, Nam ai, nam bình, Phú lục, Tương tư khúc, Hành vân. Những ca từ của anh sâu sắc, giàu chất thơ, và âm bằng trắc của anh rất sát nên có nhiều nghệ sĩ thích ca bài của anh bên cạnh những tên tuổi thuộc hàng «cây đa cây đề» xưa nay như Ưng Bình, Á Nam Trần Tuấn Khải, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, Bửu Lộc và sau này là Kiều Khê, Vu Hương, Thanh Tùng… Những sáng tác của anh phong phú, có thể trình bày trong nhiều dịp khác nhau như trong những dịp hội ngộ, trong những ngày lễ tôn giáo như Phật giáo, Giáng sinh… Gần đây nhất anh đã vinh dự được trao tặng giải Ba trong cuộc thi Sáng tác lời Ca Huế. Không chỉ nổi trội trong lãnh vực đàn ca, soạn lời Ca Huế, anh còn sáng tác tân nhạc và viết thư pháp. Những tác phẩm thư pháp của anh được nhiều người đánh giá cao khi thưởng lãm.

Tuy ba anh em đều thành danh trên những sự nghiệp riêng và mỗi anh ở mỗi nơi (Hai anh Văn Công Lê và Văn Công Vỹ ở Đà Nẵng còn anh Văn Công Hoàng ở Duy Xuyên, Quảng Nam) nhưng niềm đam mê nghệ thuật bên những cây đàn cổ luôn được các anh nuôi dưỡng trong tâm hồn. Bởi vậy, nên thỉnh thoảng ba anh em vẫn tạo cơ hội  để ngồi cùng nhau, có khi thêm một vài người bạn cùng sở thích, ba anh em lại cùng say sưa cất lên tiếng đàn lời ca, không còn biết đến thời gian là gì.

Điều đáng nói ở đây chính là từ niềm say mê nghệ thuật, từ sự đồng cảm đồng điệu mà giữa Tam Văn xứ Quảng và những người bạn Huế mà điển hình là những thành viên của Câu lạc bộ Ca Huế thính phòng ở số 25 Lê Lợi Huế đã xích lại gần nhau hơn, thắt chặt hơn mối tình thâm giao, tri âm tri kỉ giữa hai vùng miền. Được biết nhà thơ Võ Quê với tư cách là Chủ nhiệm CLB Ca Huế thính phòng có lần tình cờ thấy các anh qua kênh Youtube với hình ảnh ba anh em xứ Quảng ngồi đàn và Ca Huế một cách thuần thục, nhuần nhuyễn. Cảm mến và đồng cảm cùng mạch nguồn yêu ca Huế của mình, muốn kết nối và lan toả những giá trị nghệ thuật truyền thống, nhà thơ Võ Quê đã viết bài Cơ Chi Gặp Được Tam Văn và chữ Tam Văn nhà thơ yêu mến dùng để gọi tên của ba anh em tài hoa xứ Quảng bằng họ của ba anh được bắt đầu như thế, với mong ước gặp được ba anh để kết giao mối thâm tình trong tình yêu nghệ thuật. Và ông trời không phụ tấm lòng, với những cơ duyên thuận lợi để một ngày vào năm 1994 nhà thơ Võ Quê đã lặn lội từ Huế vào tận Duy Xuyên, Quảng Nam để tìm gặp ba anh. Vậy là mong nguyện được gieo duyên lành ấy, từ mối sơ giao ngày đầu tương ngộ, những tâm hồn đồng điệu đã bắt gặp được tiếng lòng chung, từ đây nhanh chóng dần hình thành nên mối tơ duyên trong âm nhạc. Từ đây hai xứ Quảng Nam – Huế tuy xa mà gần, từ hai miền văn hoá khác nhau, nhờ tiếng đàn giọng ca mà ngày càng thắt chặt tình tri ngộ, tri âm, tri kỉ.

Đã có những lúc người xứ Quảng ra thăm Huế và người Huế cũng mặn nồng đem tình cảm xứ Thần Kinh vào hoà âm với người xứ Quảng thiệt thà chơn chất. Bao giờ cũng vậy, hành trang của người nghệ sĩ ngoài tấm chân tình với nhau thứ họ luôn mang theo bên mình là những cây đàn bầu, tranh, nhị… và giọng ca, câu hò ấm áp. Họ ngồi bên nhau, đôi khi chỉ là tách trà ấm cúng, cùng cất lên những thanh âm trầm bổng, đem những tấc lòng của mình tâm sự cho nhau nghe qua những làn điệu ca Huế.

Chỉ thanh giản vậy thôi, ấy vậy mà nghĩa tình người xứ Quảng với người Huế ngày càng bền chặt qua thú chơi tao nhã này như lúc trên vuông chiếu họ đàn ca cho nhau nghe: «Ra với đời nửa thực nửa chơi, đời nghệ sĩ thế thôi. Cũng vậy thôi, mà nhân nghĩa, hoà hai, kém chi sắc tài, sắc với tài, danh với lợi tàn phai, tình văn nghệ không phai…” (Đời nghệ sĩ – Bửu Lộc).

T.T

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây