Giang Nam và Quách Tấn – Tác giả: Quách Giao

Năm 1992 (26/11/92), khi nhà Văn Hóa tỉnh Khánh Hòa tổ chức đêm mừng thọ nhà thơ Quách Tấn tròn 85 tuổi (tính theo tuối ta), Giang Nam đến tham dự không với tư cách là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa mà là một nhà thơ ái mộ Quách Tấn.

Mấy tuần sau, Quách Tấn cỡi hạc vàng về miền thơ mộng. Và cũng từ đó hằng năm trong các buổi lể tưởng niệm ngày mất của nhà thơ Quách Tấn, Giang Nam đều có đến tham dự.

Năm 2007, Tạp chí Xưa và Nay có tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh buổi tưởng niệm 15 năm ngày mất của nhà thơ Quách Tấn. Từ nơi thành phố biển Nha Trang, Giang Nam đã vào tham dự và đã đọc một bài tưởng niệm vô cùng thân thiết đối với Quách Tấn.

Bài văn có những đoạn :

Nếu tính về tuổi đời, nhà thơ Quách Tấn là bậc đàn anh của tôi gần đúng một thế hệ: Mười chín năm. Vậy mà sau năm 1975, khi lần đầu tiên tôi được gặp ông, ông vẫn coi tôi như một người bạn quen thân tự thuở nào. Không phải vì lịch sự xã giao hay khách sáo mà có một điều gì đó như sự quý trọng nhau giữa những nghệ sĩ có chung suy nghĩ, chung sự rung động tâm hồn. Riêng tôi, tôi biết mình còn xa mới có được tài năng và một sự nghiệp sáng tác, nghiên cứu như ông….

Giang Nam va Quach Tan min - Giang Nam và Quách Tấn - Tác giả: Quách Giao

…. Như trên tôi đã viết, tôi vào trường Quốc học Qui Nhơn năm1941, hồi đó ở đây đã nổi tiếng “nhóm thơ Bình Định”  còn gọi là “Bàn Thành Tứ Hữu” gồm Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Quách Tấn, Yến Lan. Năm trước đó Hàn Mặc Tử vừa qua đời. Tôi khâm phục và yêu mến “trường thơ Bình Định”, như người đọc thường gọi, dù đã khuyết mất một ngôi sao. Tôi biết Quách Tấn quê vùng đất Tây Sơn (Bình Khê, Bình Định) nhưng chưa một lần được đến thăm ông tại nhà riêng. Tôi đâu biết rằng lúc ấy nhà thơ đang là một công chức của Pháp, tòng sự tại Nha Trang, quê hương của tôi. Rồi Cách mạng tháng Tám và kháng chiến chống Pháp bùng nổ Tôi rời Qui Nhơn về quê nhà hoạt động trong nghành tuyên truyền thông tin, văn hóa văn nghệ của một tỉnh vùng địch hậu mà kẻ thù có lực lượng rất mạnh tập trung ở Nha Trang. Trong lúc ấy nhà thơ Đường luật nổi tiếng lại đi ngược chiều về vùng tự do Liên khu 5 và tham gia công tác Cách mạng tại Bình Định bên cạnh nhiều bạn bè là những nhà văn nhà thơ tên tuổi như Nguyễn Văn Bổng, Khương Hữu Dụng,Yến Lan, Tế Hanh, Phạm Hổ… Kháng chiến chống Pháp thắng lợi nhưng miền Nam từ vĩ tuyến 17 trở vào còn nằm trong vòng kiểm soát, thống trị của địch. Theo chủ trương của ta lúc ấy, một số trí thức, nhà giáo, văn nghệ sĩ được bố trí ở lại miền Nam sống hợp pháp và dùng báo chí, văn học nghệ thuật đấu tranh cho hòa bình và thống nhất nước nhà. Quách Tấn lại trở về Nha Trang, tiếp tục làm công chức cho đến năm 1965 thì nghỉ hưu. Trong hoàn cảnh đất nước có nhiều biến động như thế, ông vẫn kiên định con đường đi của mình: một nhà thơ yêu nước, đau đáu nổi lòng với quê hương, với tiền nhân, với bạn bè….

… Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ năm 1975, lần đầu tiên tôi được gặp Quách Tấn tại Nha Trang. Cái phong thái ung dung, đỉnh đạt của một cụ già 65 tuổi, thái độ chân tình, cở mở đã gây cho tôi một ấn tượng thật tốt đẹp. Ông hỏi thăm tôi về các bạn bè đã tập kết ra Bắc: Chế Lan Viên, Yến Lan, Xuân Diệu, Tế Hanh; ông nói về những ngày mong ngóng kháng chiến thắng lợi, bạn bè trở về; ông nói về những xót xa của người dân mất nước. Tôi kể cho ông về vùng ven Sài Gòn, khu tam giác sắt trong chiến tranh, ở đó trong hầm, dưới bom pháo tôi đã đọc say mê Xứ Trầm Hương và Nước Non Bình Định của ông.Tôi khâm phục sự thông tuệ từng trải của ông về nhiều lĩnh vực: Hán văn, Lịch sử, Địa lý,Văn hóa cả phương Đông lẫn phương Tây.

Tuy nhiên vì hồi đó tôi công tác ở Sài Gòn rồi Hà Nội nên có ít dịp về thăm ông. Mãi đến năm 1985, khi Trung ương điều tôi về công tác ở Khánh Hòa, tôi đã có gần 8 năm sống cùng thành phố và không biết bao nhiêu lần “làm  khách”  ở nhà 12 Bến Chợ, nơi ông sống với gia đình. Tôi được nghe một phần tâm sự của ông – vui có buồn có – và chia sẻ với ông bao nỗi niềm ở buổi xế chiều của đời mình.

Tôi nhớ lần ấy mừng thọ 85 tuối của ông, tôi được lảnh đạo của tỉnh giao cho chủ trì buổi lễ, với tư cách là đồng nghiệp, là người hiểu ông nhiều so với các nhà văn, nhà thơ khác. Buối lễ diễn ra ở Nhà Văn Hóa tỉnh thật long trọng và đầm ấm. Sức khỏe của ông đã yếu nhiều. Tuy nhiên ông vẫn cố gắng lắng nghe một cách chăm chú. Một đại diện của ban tổ chức (cũng là một nhà thơ) đọc bài diễn văn đánh giá sự nghiệp văn học của ông và tình cảm của người đọc trong cả nước dành cho ông. Ôm bó hoa mừng thọ trong lòng, ông tỏ ra rất xúc động…Kết thúc buổi lễ mừng thọ, tôi xin được phát biểu với tư cách một người em, một đồng nghiệp trẻ của ông :”Thưa nhà thơ Quách Tấn, Chung quanh anh hôm nay đông đảo anh chị em nhà văn, nhà thơ và nghệ sĩ của Khánh Hòa, thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh bạn. Anh chị em mừmg anh, một trong những tên tuổi lớn của thơ Việt Nam thế kỷ 20..Anh có bao giờ nghỉ rằng một số bài thơ hay của anh luôn ở bên cạnh tôi trong những ngày chiến đấu ác liệt suốt 30 năm. Xin cảm ơn anh”

Nhà thơ Quách Tấn trong lời đáp từ đã nói: “Tôi sẽ không bao giờ quên buổi hôm nay và sẽ mang theo kỷ niệm tốt đẹp này cho đến cuối đời mình. Tôi biết quỹ thời gian của tôi không còn nhiều cho nên tôi càng quý những ngày còn lại”.

Trong tất cả các chương trình truyền hình trên VTV1, VTV2, VTV3, HTV9, HTV7 và KTV khi nói về Quách Tấn đều có sự góp mặt của nhà thơ Giang Nam. Cũng có những bài viết về Quách Tấn của Giang Nam trên các báo chí tại địa phương và thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.

Tháng 6 năm 2008, tập thơ Lắng Nghe Thời Gian của nhà thơ Giang Nam được nhà xuất bản Hội Nhà Văn ấn hành.

Trong tác phẩm này nhà thơ Giang Nam đã viết về Quách Tấn: bài thơ “Tưởng nhớ tác giả Mùa Cổ Điển” là  Bến Chợ Chiều Mưa.

Đọc bài thơ, chúng ta thấy Giang Nam đã đi sâu vào cuộc đời của nhà thơ cổ điển này bằng tấm lòng tri kỷ.

Trong  khổ thơ đầu:

Anh sống trọn tình với thế kỷ hai mươi
Mỗi ngọn núi, dòng sông với anh là lịch sử
Mãi không phai niềm say câu thơ cũ
Chùa Hàn San chuông vọng, con thuyền…

Câu thơ cuối của khổ đầu bài thơ hàm chứa không biết bao nhiêu là gợi nhớ, khiến lòng ta nghĩ đến các câu thơ trong Mùa Cổ Điển của Quách Tấn:

Chuông gióng Hàn San bẵng tiếng ngân
Ngàn xa tiếng địch cũng xa dần
(Trời Đông)
Trời bến Phong Kiều sương thấp thoáng
Thu sông Xích Bích nguyệt mơ màng.
(Đêm thu nghe quạ kêu)

Thế kỷ hai mươi là thế kỷ xôn xao giữa thơ cũ và thơ mới, Quách Tấn là người đã “khép lại một thời đại trong thơ ca Việt Nam”(Lời của Hoài Thanh trong Thi Nhân Việt Nam).

Đến khổ thơ thứ hai:

Ngọn lửa nào đốt sáng đêm đen
Vây quanh anh, anh viết bằng khối óc
Những dòng thơ cuối cùng trong như ngọc
Anh gởi lại đời những khao khát buồn vui

Ngọn lửa niềm tin vào sự trường tồn của văn hóa dân tộc đã đốt sáng đêm đen để Quách Tấn viết văn và làm thơ trong hơn nửa thế kỷ với mấy chục ngàn trang bản thảo.

Đến khổ thơ thứ ba:

Buổi mừng thọ anh mới đó đã xa xôi
Nhẹ nhàng anh đi như một nhà hiền triết
Chồng bản thảo mấy ngàn trang xếp chật
Ấm lòng ai qua Bến Chợ chiều mưa
.

Tấm lòng của nhà thơ Giang Nam rất chân thật trong 12 câu thơ tám chữ để tưởng nhớ Quách Tấn thật vô cùng cảm xúc, nồng thắm.

Hôm nay là những ngày đầu năm năm Quý Mão nhà thơ Giang Nam đã đi gặp nhà thơ Quách Tấn. Cuộc hội ngộ vĩnh viễn sẽ vô cùng thân mến.

Q.G

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây