Chế Lan Viên – Nhà thơ lớn của văn học Việt Nam

Ngày 27/10, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Chế Lan Viên (1920 – 2020) với sự tham dự của đông đảo các thế hệ nhà văn, nhà nghiên cứu, độc giả và đại diện gia đình nhà thơ.

Nhà thơ Chế Lan Viên tên thật là Phan Ngọc Hoan, sinh năm 1920, tại Cam Lộ, Quảng Trị. Ông lớn lên và đi học ở Quy Nhơn, Bình Định. Ông bắt đầu làm thơ từ năm 12, 13 tuổi. Năm 17 tuổi, với bút danh Chế Lan Viên, ông xuất bản tập thơ đầu tay “Điêu tàn”. Từ đây, tên tuổi của ông vụt sáng trên thi đàn Việt Nam.

Năm 1939, Chế Lan Viên ra học tại Hà Nội, sau vào Sài Gòn làm báo rồi ra Thanh Hóa dạy học. Cách mạng Tháng Tám nổ ra, Chế Lan Viên tham gia phong trào cách mạng tại Bình Định, Thừa Thiên – Huế, viết bài và làm biên tập cho các báo “Quyết thắng”, “Cứu quốc”, “Kháng chiến”. Năm 1949, Chế Lan Viên gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1954, Chế Lan Viên tập kết ra Bắc làm biên tập viên báo “Văn học”. Ông từng là Ủy viên Thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam, là đại biểu Quốc hội các khóa IV, V, VI, VII; Ủy viên Ban Văn hóa – Giáo dục của Quốc hội.

Nha tho Che Lan Vien min - Chế Lan Viên - Nhà thơ lớn của văn học Việt NamNhà thơ Chế Lan Viên. (Ảnh tư liệu) 

Sau năm 1975, Chế Lan Viên vào sống tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ông mất ngày 19/6/1989 tại Thành phố Hồ Chí Minh, thọ 69 tuổi. Năm 1996, ông được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật.

Trong cuộc đời sáng tác, nhà thơ Chế Lan Viên để lại nhiều tác phẩm giá trị ở cả thể loại thơ, văn, tiểu luận phê bình. Đáng chú ý là các tập thơ: “Điêu tàn”, “Ánh sáng và phù sa”, “Hoa ngày thường – Chim báo bão”, “Những bài thơ đánh giặc”, “Đối thoại mới”, “Hoa trên đá”, các tập văn “Vàng sao”, “Những ngày nổi giận”, “Bác về quê ta”, “Giờ của đô thành”… Trong đó, có nhiều bài thơ được các thế hệ độc giả yêu mến như “Người đi tìm hình của nước”, “Tiếng hát con tàu”, “Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?”…

Tại lễ kỷ niệm, các nhà nghiên cứu, nhà văn một lần nữa khẳng định, Chế Lan Viên là một nhà thơ xuất sắc của phong trào Thơ mới, góp phần đưa nền thơ dân tộc lên đỉnh cao. Ông đã đem đến sự hài hòa cho Thơ mới và cho tiến trình thơ Việt từ 1945 đến nay.

Nhân dịp này, Hội Nhà văn Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học phối hợp với Nhà Xuất bản Văn học cho ra mắt cuốn “Chế Lan Viên tuyển tập” (Văn xuôi nghệ thuật), do nhà văn Vũ Thị Thường tuyển chọn./.

H.N
     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây