Giỗ Tổ Hùng Vương – Di sản văn hóa độc đáo của người Việt – Tác giả: Nhà báo Phan Thanh Đà Hải

Lễ hội Đền Hùng còn gọi là Giỗ Tổ Hùng Vương, là một lễ hội lớn nhằm tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn công lao lập nước của các vua Hùng, những vị vua đầu tiên của dân tộc:

“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba
Khắp miền truyền mãi câu ca
Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”

Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương diễn ra vào ngày mồng 10-3 âm lịch hàng năm tại Đền Hùng, Việt Trì, Phú Thọ. Trước đó hàng tuần, lễ hội đã diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa dân gian và kết thúc vào ngày 10-3 âm lịch với Lễ rước kiệu và dâng hương tại Đền Thượng.

H1. Le hoi den Hung min - Giỗ Tổ Hùng Vương - Di sản văn hóa độc đáo của người Việt  - Tác giả: Nhà báo Phan Thanh Đà HảiLễ hội Đền Hùng còn gọi là Giỗ Tổ Hùng Vương, diễn ra vào ngày mồng 10-3 âm lịch hàng năm tại Đền Hùng, Việt Trì, Phú Thọ (ảnh Internet).

Lịch sử, ý nghĩa ngày Giỗ Tổ Hùng Vương

Từ xa xưa, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã có vị thế đặc biệt trong tâm thức của người Việt. Bản ngọc phả viết thời Trần, năm 1470 đời vua Lê Thánh Tông và đời vua Lê Kính Tông năm 1601 sao chép đóng dấu kiềm để tại Đền Hùng, nói rằng: “…Từ nhà Triệu, nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần đến triều đại ta bây giờ là Hồng Đức Hậu Lê vẫn cùng hương khói trong ngôi đền ở làng Trung Nghĩa. Những ruộng đất sưu thuế từ xưa để lại dùng vào việc cúng tế vẫn không thay đổi”.

Như vậy, có thể hiểu từ thời Hậu Lê trở về trước các triều đại đều quản lý Đền Hùng theo cách giao thẳng cho dân sở tại trông nom, sửa chữa, cúng bái, làm Giỗ Tổ. Bù lại họ được miễn nộp thuế 500 mẫu ruộng, miễn đóng sưu, miễn đi phu đi lính.

Tấm “Hùng miếu điển lệ bi” do Hội đồng Kỷ niệm tỉnh Phú Thọ lập năm Khải Định thứ 8 (1923) có hai phần: Phần thứ nhất, chép lại công văn của Bộ Lễ triều Nguyễn, ngày 25-7 năm Khải Định thứ nhất (1917) gửi các vị ở phủ viện đường đại nhân tỉnh Phú Thọ cùng nhau tuân thủ điều sau đây: “Xã Hy Cương, phủ Lâm Thao có miếu lăng phụng thờ Hùng Vương ở núi Hùng, trải các năm, cả nước đến tế, thường lấy kì mùa thu, chọn vào ngày tốt làm lễ, chưa có việc định rõ ngày, mà tục lệ của dân xã đó lấy ngày 11-3, kết hợp với thờ thổ kỳ, làm lễ riêng… (Sự thể này dẫn tới chỗ) thường hứng bất kì, hội họp cũng lãng phí theo sở thích, còn lòng thành thì bị kém đi… (Vì thế) cẩn thận định lại rằng, từ nay về sau, lấy ngày 11-3, lĩnh tiền chi vào việc công, phụng mệnh kính tế trước một ngày so với ngày hội tế của bản hạt, khiến nhân sĩ mọi miền đến đây có nơi chiêm bái…”

Phần thứ hai của văn bia “Hùng miếu điển lệ bi” dành cho việc quy định “Đệ niên kỉ niệm hội nhật lễ nghi” (Nghi lễ ngày hội kỷ niệm hằng năm) với những câu như sau: “Nay phụng mệnh theo Bộ Lễ, chuẩn định ngày quốc tế tại miếu Tổ Hùng Vương là ngày 10-3. Chiều ngày mồng 9-3 hằng năm, các quan liệt hiến trong tỉnh, cùng các quan viên trong cả phủ huyện của tỉnh, đều phải mặc phẩm phục, tề tựu túc trực tại nhà công quán. Sáng hôm sau, tới miếu kính tế…”

Như vậy, trước đây, Lễ hội giỗ Tổ Hùng Vương chọn nhật kỳ tiến hành vào mùa thu, cụ thể tháng Tám Âm lịch, là mùa tổ chức các lễ hội có lịch sử cổ xưa hơn các lễ hội mùa xuân. Đến năm 1917 mới có quy định chính thức của triều Nguyễn (năm Khải Định thứ 2) lấy ngày mồng 10-3 âm lịch hàng năm làm ngày “quốc tế” (Quốc lễ, quốc giỗ). Điều này được tấm bia Hùng Vương từ khảo do tham tri Bùi Ngọc Hoàn, Tuần phủ tỉnh Phú Thọ, lập năm Bảo Đại thứ 15 (1940) cũng đang đặt ở Đền Thượng trên núi Hùng, xác nhận: “Trước đây, ngày Quốc tế lấy vào mùa thu làm định kỳ. Đến năm Khải Định thứ hai (dương lịch là năm 1917), Tuần phủ Phú Thọ là Lê Trung Ngọc có công văn xin bộ Lễ ấn định ngày mồng 10-3 hằng năm làm ngày Quốc tế, tức trước ngày giỗ tổ Hùng Vương đời thứ 18 một ngày. Còn ngày giỗ (11-3) do dân sở tại làm lễ”.

Đến đời nhà Nguyễn vào năm Khải Định thứ 2 (1917), Tuần phủ Phú Thọ Lê Trung Ngọc đã trình bộ Lễ định ngày 10-3 âm lịch hàng năm làm ngày Quốc tế (Quốc lễ, Quốc giỗ). Điều này được tấm bia Hùng Vương từ khảo do Tham tri Bùi Ngọc Hoàn, Tuần phủ tỉnh Phú Thọ, lập năm Bảo Đại thứ 15 (1940) cũng đang đặt ở Đền Thượng trên núi Hùng, xác nhận: “Trước đây, ngày Quốc tế lấy vào mùa thu làm định kỳ. Đến năm Khải Định thứ hai (dương lịch là năm 1917), Tuần phủ Phú Thọ là Lê Trung Ngọc có công văn xin bộ Lễ ấn định ngày mồng 10-3 hằng năm làm ngày Quốc lễ, tức trước ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đời thứ 18 một ngày. Còn ngày giỗ (11-3) do dân sở tại làm lễ”.

Kể từ đây, Giỗ Tổ Hùng Vương ngày 10-3 âm lịch hàng năm được chính thức hóa bằng luật pháp.

H2. Le ruoc kieu trong Gio To Hung Vuong min - Giỗ Tổ Hùng Vương - Di sản văn hóa độc đáo của người Việt  - Tác giả: Nhà báo Phan Thanh Đà HảiLễ rước kiệu Vua (ảnh Internet).

Sau Cách mạng tháng Tám (1945) Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm tới Đền Hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đã về thăm viếng tại đây. Kế tục truyền thống cao đẹp của cha ông, nhất là đạo đức “uống nước nhớ nguồn”, ngay sau cách mạng thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh của Chủ tịch nước số 22/SL-CTN ngày 18-2-1946 cho công chức nghỉ ngày 10-3 âm lịch hàng năm để tham gia tổ chức các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương – hướng về cội nguồn dân tộc.

Trong ngày Giỗ Tổ năm Bính Tuất (1946) – năm đầu tiên của Chính phủ mới được thành lập, cụ Huỳnh Thúc Kháng – Quyền Chủ tịch nước đã dâng một tấm bản đồ Tổ quốc Việt Nam và một thanh gươm quý nhằm cáo với tổ tiên về đất nước bị xâm lăng và cầu mong tổ tiên phù hộ cho quốc thái dân an, thiên hạ thái bình cùng nhau đoàn kết, đánh tan giặc xâm lược, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã có hai lần về thăm Đền Hùng (19-9-1954 và 19-8-1962). Tại đây Người đã có câu nói bất hủ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước – Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Người còn nhắc: “Phải chú ý bảo vệ, trồng thêm hoa, thêm cây cối để Đền Hùng ngày càng trang nghiêm và đẹp đẽ, thành công viên lịch sử cho con cháu sau này đến tham quan”.

Năm 1995, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã được Ban Bí thư ghi trong thông báo là ngày lễ lớn trong năm. Ngành văn hóa thông tin – thể thao phối hợp với các ngành chức năng đã tổ chức lễ hội trong thời gian 10 ngày (từ ngày 1-3 đến ngày 10-3 âm lịch).

Tại Nghị định số 82/2001/NĐ-CP ngày 6-11-2001 về Nghi lễ Nhà nước, trong đó có nội dung quy định cụ thể về quy mô tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương, cụ thể như sau:

– “Năm chẵn” là số năm kỷ niệm có chữ số cuối cùng là “0”; Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức lễ hội; mời đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các đoàn thể dự lễ dâng hương.

– “Năm tròn” là số năm kỷ niệm có chữ số cuối cùng là “5”; UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức lễ hội; mời đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các đoàn thể dự lễ dâng hương.

– “Năm lẻ” là số năm kỷ niệm có các chữ số cuối cùng còn lại. UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức lễ hội; mời lãnh đạo Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) dự lễ dâng hương và tổ chức các hoạt động trong lễ hội.

Ngày 2-4-2007, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phê chuẩn sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Bộ luật Lao động cho người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (ngày 10-3 âm lịch). Kể từ đây, ngày 10-3 âm lịch hàng năm đã trở thành ngày lễ lớn – Quốc lễ mang ý nghĩa bản sắc văn hóa dân tộc.

Ngày 6-12-2012, UNESCO đã chính thức công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng là dịp để giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, lòng biết ơn sâu sắc các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân kiên cường chống giặc ngoại xâm giữ nước, đồng thời còn là dịp quan trọng để chúng ta quảng bá ra thế giới về một Di sản vô cùng giá trị, độc đáo, đã tồn tại hàng ngàn năm, ăn sâu vào tâm hồn, tình cảm, trở thành đạo lý truyền thống của đồng bào cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài.

H3. Te le trong Le hoi den Hung min - Giỗ Tổ Hùng Vương - Di sản văn hóa độc đáo của người Việt  - Tác giả: Nhà báo Phan Thanh Đà HảiTế lễ trong Giỗ Tổ Hùng Vương (ảnh Internet).

Nghi thức Tế lễ Giỗ Tổ Hùng Vương

Tế lễ là hoạt động tín ngưỡng có tính cách tập thể cùng thể hiện một sự tôn thờ và sự kính trọng, biết ơn đến 18 chi đời các Vua Hùng đã có công dựng nước Văn Lang- Nhà nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam và các đấng Thần linh, Thành hoàng, Thổ địa. Tập thể ở đây có thể là quốc gia ( quốc lễ), làng xã; có thể là một cộng đồng dân cư cùng chung một nơi thờ tự các Vua Hùng, hay một hội gồm nhiều hội viên cùng có chung tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng và cùng tổ chức tế lễ Vua Hùng tại lễ hội có di tích tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.  Như vậy, Tế lễ cũng là cúng lễ nhưng với hình thức và nghi thức có quy mô to lớn hơn đáp ứng nhu cầu thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương cho một cộng đồng của một hay nhiều địa phương. Tế thường có âm nhạc, lễ vật, trang phục và có một ban Tế gồm nhiều người, nhiều chức sắc, có chúc văn Giỗ Tổ Hùng Vương được chủ tế đọc và hóa…

Tế lễ có 2 điểm khác với khấn và cúng :

– Tế lễ là cuộc dâng lễ vật một cách long trọng lên những các vị Vua Hùng và các vị Thần lớn như: Trời, Đất, Mùa Màng, Đức Khổng Phu Tử, Hai Bà Trưng, Đức Thánh Trần, các bật tiên liệt có công với quê hương đất nước, các vị Thần linh, Thành Hoàng, Thổ địa của làng xã…

– Tế lễ còn được tổ chức một cách trọng thể với cờ xí, nhạc lễ và phẩm phục, phẩm vật tế lễ là vật tam sinh: bò, dê, heo (lễ mặn); hoa quả, bánh chưng, bánh giầy, xôi, chè, kẹo…( lễ chay).

Theo phong tục truyền thống, lễ Giỗ Tổ thường gồm 2 phần là phần lễ và phần hội. Phần lễ bao gồm:

Lễ rước kiệu Vua: Đám rước kiệu với màu sắc sặc sỡ của bạt ngàn cờ, hoa, lọng, kiệu, trang phục truyền thống xuất phát từ dưới chân núi rồi lần lượt qua các đền để tới đền Thượng, nơi làm lễ dâng hương. Đám rước như một con rồng uốn lượn trên những bậc đá dưới những tán lá cây để tới đỉnh núi Thiêng.

Lễ tế và dâng hương: Thực hiện lễ cúng tế sau đó, mỗi người đều thắp lên đền vài nén hương. Người hành hương tới đền Hùng chủ yếu vì nhu cầu của đời sống tâm linh. Mỗi người đều thắp lên vài nén hương khi tới đất Tổ để nhờ làn khói thơm nói hộ những điều tâm niệm của mình với tổ tiên. Trong tâm hồn người Việt thì mỗi nắm đất, gốc cây nơi đây đều linh thiêng và chẳng có gì khó hiểu khi nhìn thấy những gốc cây, hốc đá cắm đỏ những chân hương.

Phần hội có nhiều trò chơi dân gian đặc sắc. Đó là những cuộc thi hát xoan (tức hát ghẹo), một hình thức dân ca đặc biệt của Phú Thọ, những cuộc thi vật, thi kéo co, hay thi bơi trải ở ngã ba sông Bạch Hạc, nơi các vua Hùng luyện tập các đoàn thủy binh luyện chiến.

Tương truyền vào thời nhà Nguyễn, lễ vật trong nghi thức tế lễ Hùng Vương gồm có heo, bò và dê. Trên tấm bia đá tại đền Thượng (Khu di tích lịch sử đền Hùng) cũng đề cập đến những lễ vật tương tự. Về sau, việc dâng lễ được cải biên một phần nhưng cơ bản vẫn giữ được ý nghĩa chung của lễ vật dâng cúng trong mùng 10/3 Âm lịch.

H4. Bo tem Tin nguong tho cung Hung Vuong Di san phi vat the dai dien cua nhan loai Anh VietnamPost min - Giỗ Tổ Hùng Vương - Di sản văn hóa độc đáo của người Việt  - Tác giả: Nhà báo Phan Thanh Đà HảiBộ tem “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương – Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”, được phát hành ngày 23/4/2015.

Theo hướng dẫn nghi thức tưởng niệm các Vua Hùng trong Công văn số 796/HD-BVHTTDL ngày 18/3/2009 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lễ vật dâng cúng trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương cần phải có:

– 18 cái bánh dày

– 18 cái bánh chưng

– Hương, hoa, nước, trầu, cau, rượu và ngũ quả

Trong đó, con số 18 đại diện cho 18 đời Vua Hùng đã có công xây dựng và giữ gìn đất nước. Theo quan niệm dân gian, hai loại bánh trên tuy đơn giản nhưng ẩn chứa ý nghĩa vô cùng đặc biệt. Cụ thể, bánh dày có hình tròn, thuộc hệ dương, không có góc cạnh, hình khối cụ thể, có thể giãn nở mọi phía, tượng trưng cho trời nên có màu trắng và không nhân. Trong khi đó, bánh chưng có hình vuông, thuộc hệ âm, có góc cạnh, hình khối cụ thể, tượng trưng cho đất đai, hoa cỏ, cây cối nên có màu xanh, bên trong có nhân thịt và đậu xanh đãi vỏ. Sự đối lập giữa âm và dương, trời và đất, vuông và tròn nói lên biết bao điều tốt đẹp của dân tộc, đó là đạo lý uống nước nhớ nguồn, tình nghĩa vợ chồng son sắc, đó là công ơn sinh thành, dưỡng dục lớn lao của cha mẹ.

Bên cạnh đó, theo tín ngưỡng phồn thực và triết lý “Nõ – Nường – Chày – Cối -Chưng – Dày”, hai hình ảnh trên còn biểu tượng cho sự sinh sôi, nảy nở. Theo đó, bánh Chưng biểu tượng cho cha Rồng, bánh Dày biểu tượng cho mẹ Tiên. Cha Rồng, mẹ Tiên chính là khởi thủy cho cộng đồng dân tộc Lạc Việt sau này.

Ngoài những lễ vật nêu trên, mâm cúng trong ngày Giỗ tổ Hùng Vương ở các địa phương còn có xôi, oản, hoa quả, rượu, hương, gạo muối, bánh chưng bánh dày, gà trống thiến luộc, thịt bò, thịt dê và thịt heo đen.

H5 min 800x466 - Giỗ Tổ Hùng Vương - Di sản văn hóa độc đáo của người Việt  - Tác giả: Nhà báo Phan Thanh Đà HảiTác giả trước tấm bia ghi lời căn dặn của Bác Hồ: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” tại Đền Giếng trong khu di tích Đền Hùng (thuộc núi Nghĩa Lĩnh, xã Hy Cương, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ).

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa- Du lịch Đất Tổ năm 2023

Lễ giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa – Du lịch Đất Tổ năm 2023 sẽ được tổ chức từ ngày 20/4 đến 29/4 (tức ngày 01/3 đến hết ngày 10/3 năm Quý Mão) tại tỉnh Phú Thọ với đầy đủ phần lễ và phần hội.

Phần lễ gồm: Giỗ Quốc tổ Lạc Long Quân và Dâng hương tưởng niệm Tổ mẫu Âu Cơ; lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và Dâng hoa tại bức phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với Đại đoàn quân tiên phong”; lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng của các huyện, thành, thị và cộng đồng.

Phần hội (Tuần văn hóa – Du lịch Đất Tổ) gồm các hoạt động: Khai mạc “Lễ hội Đền Hùng và Tuần lễ di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh”; Hội thảo quốc tế “Diễn đàn du lịch, văn hóa, di sản và sự phát triển bền vững Việt Nam”; tổ chức Giải bơi chải và trình diễn ván chèo đứng trên hồ Công viên Văn Lang; Giải bóng đá Cúp Hùng Vương; Giải bóng chuyền các đội mạnh toàn quốc tranh Cúp Hùng Vương; Liên hoan văn hóa ẩm thực Đất Tổ và một số hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch khác.

Các hoạt động phần hội gắn kết chặt chẽ với du lịch, tạo thành chuỗi các hoạt động Tuần văn hóa – Du lịch Đất Tổ, thể hiện bản sắc văn hóa độc đáo vùng Đất tổ, tạo sức hấp dẫn, thu hút khách du lịch, quảng bá rộng rãi tiềm năng, thế mạnh tài nguyên du lịch văn hóa Phú Thọ.

H6 min - Giỗ Tổ Hùng Vương - Di sản văn hóa độc đáo của người Việt  - Tác giả: Nhà báo Phan Thanh Đà HảiTác giả trước nơi thờ Vua Hùng và Bác Hồ tại Đền tưởng niệm các Vua Hùng và Bác Hồ (xã Điện Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) .

Bên cạnh đó còn có các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch khác như: Triển lãm “Di sản văn hóa, du lịch các vùng kinh đô Việt Nam”; trưng bày tư liệu, hiện vật về lễ hội và Tín ngưỡng thời đại Hùng Vương; triển lãm ảnh nghệ thuật với chủ đề “Quê hương, con người Phú Thọ”; Chương trình “Hát Xoan làng cổ” phục vụ khách du lịch; biểu diễn múa rối nước; trình diễn đâm đuống, đánh trống đồng; hội thi gói nấu bánh chưng, giã bánh giầy; Lễ hội áo dài trẻ em Việt Nam “Hướng về nguồn cội”; trình diễn trang phục áo dài dân tộc Việt Nam; thi đấu các môn thể thao truyền thống; giải đua xe đạp phong trào các câu lạc bộ Việt Trì mở rộng; tổ chức đoàn famtrip “Hành trình du lịch sắc màu Trung du”.

Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng là dịp để giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, lòng biết ơn sâu sắc các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân kiên cường chống giặc ngoại xâm giữ nước, cùng nhau hướng về nguồn cội, tri ân công đức Tổ tiên; đồng thời còn là dịp quan trọng để chúng ta quảng bá ra thế giới về một Di sản giá trị, độc đáo, đã tồn tại hàng ngàn năm, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên quê hương Đất Tổ.

 

 

.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây