Giới thiệu khái quát huyện Vĩnh Lợi

Giới thiệu khái quát huyện Vĩnh Lợi

Giới thiệu khái quát huyện Vĩnh Lợi

Huyện Vĩnh Lợi được chia tách theo Nghị định số 96/2005/NĐ-CP ngày 26/7/2005 của Chính phủ và chính thức đi vào hoạt động kể từ ngày 01/10/2005. Vĩnh Lợi là huyện cửa ngõ của tỉnh Bạc Liêu, phía Đông giáp huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng; phía Tây giáp huyện Hòa Bình, huyện Phước Long; phía Nam giáp thành phố Bạc Liêu, huyện Hòa Bình; phía Bắc giáp huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng diện tích là 25.104 ha. Tính đến ngày 31/12/2015, toàn huyện có 21.956 hộ, dân số 101.531 người (trong đó nữ 50.670 người). Là huyện thuần nông, nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp trong khi lĩnh vực này còn nhiều rủi ro; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển chậm, quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu; các hoạt động xúc tiến đầu tư – thương mại còn ít, hiệu quả chưa cao; dịch vụ, du lịch tuy có bước phát triển nhưng nhìn chung vẫn còn hạn chế. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật còn nhiều khó khăn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, nhất là các xã ở vùng sâu đã làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế – xã hội và đời sống của nhân dân.

Mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức, song tình hình kinh tế của huyện vẫn phát triển, tốc độ tăng trưởng đạt khá so với mức bình quân trong tỉnh. Tổng sản phẩm trong huyện (GRDP) theo giá so sánh 1994 tăng từ 814 tỷ đồng năm 2010 lên 906 tỷ đồng năm 2015; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2015 là 11,4%/năm (chỉ tiêu Kế hoạch tăng 11%/năm). GRDP bình quân đầu người ước đạt 33 triệu đồng/người/năm (chỉ tiêu đến năm 2015 là 25 triệu đồng/người/năm). Các ngành kinh tế đều có bước phát triển: Dịch vụ, du lịch, thương mại, công nghiệp có sự phát triển, quy mô được mở rộng, hiệu quả được nâng lên. Tốc độ tăng trưởng bình quân khu vực nông, thủy sản giai đoạn 2011 – 2015 là 10,65%/năm; công nghiệp xây dựng 12,89%/năm; khu vực dịch vụ 22,23%/năm. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, từng bước tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ. Tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản từ 71% năm 2010, giảm xuống còn 60,82% năm 2015 (chỉ tiêu đến năm 2015 là 65%); tỷ trọng khu vực công nghiệp – xây dựng tăng từ 12% năm 2010, lên 15,12% năm 2015 (chỉ tiêu đến năm 2015 là 15%); tỷ trọng khu vực dịch vụ tăng từ 17% năm 2010, lên 24,06% năm 2015 (chỉ tiêu đến năm 2015 là 20%). Lao động tăng từ 32,10% năm 2010, lên .41,45% năm 2015.

Công tác xúc tiến đầu tư được đẩy mạnh, môi trường đầu tư không ngừng được cải thiện thông qua đánh giá chỉ số năng lực thực hiện công tác cải cách hành chính: Năm 2014, huyện Vĩnh Lợi đứng thứ 02/7 huyện, thành phố; đồng thời, đã thu hút được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đến tìm cơ hội đầu tư vào các lĩnh vực mà huyện có nhu cầu.

Lĩnh vực giáo dục – đào tạo có những chuyển biến tích cực, cơ sở vật chất, trang thiết bị được quan tâm đầu tư, mua sắm mới, đã có 11 trường học đạt chuẩn quốc gia (đạt 110% kế hoạch); kết quả phổ cập giáo dục Tiểu học – chống mù chữ, phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập Tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập Trung học cơ sở tiếp tục được duy trì; chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh từng bước được nâng lên. Chủ trương sắp xếp lại mạng lưới trường lớp, đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên (theo Đề án 826) bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực; trong giai đoạn 2012 – 2015 đã triển khai bố trí, sắp xếp lại 60 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; khắc phục tình trạng giáo viên, cán bộ quản lý vừa thừa, vừa thiếu.

Đời sống văn hoá, tinh thần của Nhân dân được nâng lên; cán bộ, đảng viên và Nhân dân ngày càng nhận thức rõ ý nghĩa và tầm quan trọng về vai trò của văn hoá trong cuộc sống và văn hoá với phát triển. Những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc như “Uống nước nhớ nguồn”, “Tương thân, tương ái”, tinh thần yêu quê hương, đất nước, nâng cao đạo đức cách mạng, đạo đức làm người, tính cách phóng khoáng, hào hiệp, trọng nghĩa, trọng tình, khoan dung… được phát huy mạnh mẽ. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”tiếp tục phát triển theo hướng coi trọng chất lượng, gắn với xây dựng “Môi trường văn hoá lành mạnh” trong từng ấp, khu dân cư.

Các hoạt động văn hóa – thông tin, văn nghệ – thể dục – thể thao được tăng cường hơn, bám sát các nhiệm vụ chính trị của huyện và tuyên truyền kịp thời các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần định hướng dư luận xã hội, tạo được sự đồng tình cao trong nhân dân. Tỷ lệ người dân có phương tiện nghe, nhìn đạt 100%. Phong trào thể dục – thể thao phát triển mạnh, tỷ lệ người dân tham gia luyện tập thể dục – thể thao thường xuyên đạt 18,5%.

Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm chỉ đạo thường xuyên; cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế không ngừng được đầu tư; Bệnh viện Đa khoa huyện được xây dựng mới với quy mô 100 giường bệnh; mạng lưới y tế cơ sở không ngừng được củng cố, với 08/08 Trạm Y tế đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em giảm từ 15,08% đầu năm 2011 xuống còn 10,1% (chỉ tiêu Kế hoạch đề ra là dưới 12%); tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm từ 12,2‰ (đầu năm 2011) xuống còn 11,5‰ (năm 2015). Số người tham gia bảo hiểm xã hội chiếm 2,18% dân số; tỷ lệ trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế đầy đủ theo quy định.

Về lao động, việc làm và đào tạo nghề được quan tâm triển khai tích cực. Các hoạt động hỗ trợ, tạo việc làm và tự tạo việc làm của người lao động được tăng cường; trong đó, chú trọng việc đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn… Số lao động được giải quyết việc làm từ năm 2011 đến nay là 25.035 người (trong đó có 121 người đi lao động ở nước ngoài), tăng 15% so với giai đoạn trước. Đào tạo nghề cho 7.607 lao động ở nông thôn, tăng 47% so với giai đoạn 2004-2011.

Trong điều kiện kinh tế – xã hội còn nhiều khó khăn, huyện đã có nhiều chủ trương, chính sách và các giải pháp cụ thể chỉ đạo thực hiện công tác an sinh xã hội và chính sách giảm nghèo trên địa bàn huyện. Thường xuyên quan tâm làm tốt công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động; kịp thời hỗ trợ chuyển đổi việc làm cho lao động nông thôn; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 41,45%; tạo điều kiện cho người nghèo vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, góp phần giảm nghèo, từng bước cải thiện, nâng cao mức sống.

Các loại hình bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế được triển khai thực hiện khá tốt, nhất là chính sách bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi, các đối tượng chính sách, người có công, người cao tuổi; đặc biệt, huyện đã vận dụng hỗ trợ cấp phát thẻ BHYT cho 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Công tác giảm nghèo được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện bằng nhiều hình thức phù hợp, thiết thực, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 19,67% đầu năm 2011 xuống còn 2,29% năm 2015. Vận động Quỹ an sinh xã hội được hơn 57 tỷ đồng; xây dựng mới được hơn 330 căn và sửa chữa hơn 80 căn nhà tình nghĩa; bàn giao hơn 770 căn nhà theo Quyết định 167 và 64 căn nhà theo Quyết định 67 của Thủ tướng Chính phủ, góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu xóa nhà tạm bợ trong nhân dân, đồng thời cơ bản hoàn thành việc xây dựng nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách.

Một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách trong giai đoạn 2016-2021 và những năm tiếp theo

Khẩn trương triển khai thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp” của huyện. Quy hoạch vùng sản xuất lúa chất lượng cao, lúa Tài Nguyên gắn với xây dựng cánh đồng lớn ở các xã Long Thạnh, Vĩnh Hưng, Vĩnh Hưng A, Châu Thới với quy mô 7.500 ha; vùng sản xuất hai vụ lúa, một vụ màu ở các xã Châu Hưng A, Hưng Hội, Hưng Thành, thị trấn Châu Hưng và một phần xã Châu Thới.

Đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể; tạo điều kiện thuận lợi để thành lập các tổ hợp tác – hợp tác xã, phấn đấu đến năm 2020, mỗi xã, thị trấn có từ 01 hợp tác xã hoạt động hiệu quả trở lên và thành lập tổ hợp tác ở các ấp làm vệ tinh để cung ứng giống, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật.

Tăng cường phối hợp với các viện, trường, trung tâm nghiên cứu để ứng dụng khoa học – công nghệ vào sản xuất và đời sống, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản; nhân rộng một số mô hình, đề tài đã được thử nghiệm có hiệu quả; kiến nghị tỉnh thành lập Trung tâm thực nghiệm và ứng dụng khoa học công nghệ huyện để nghiên cứu, chuyển giao kỹ thuật.

 Kịp thời khắc phục những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; tranh thủ nguồn vốn đầu tư của Trung ương, của tỉnh, cùng với nguồn lực của huyện để xây dựng xã Châu Thới (điểm chỉ đạo của tỉnh) đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2016, xã Châu Hưng A (điểm chỉ đạo của huyện) đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2017; xã Hưng Hội, Hưng Thành, Vĩnh Hưng A và Long Thạnh đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2020.

Ưu tiên xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông; tập trung đầu tư các công trình quan trọng, thiết yếu để tạo động lực phát triển, nhất là hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ. Huy động các nguồn lực để đầu tư hoàn thiện hệ thống giao thông, thủy lợi phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.

Thực hiện tốt chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết trung ương 8 (khóa XI); nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Tiếp tục xây dựng đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, chuẩn hóa về chất lượng; đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học. Duy trì kết quả và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Phấn đấu có thêm từ 08 trường trở lên đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số trường đạt chuẩn quốc gia lên 19/27 trường. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 9 về “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; tăng cường giáo dục đạo đức, nhân cách, ý thức pháp luật và đạo đức công dân.

Quan tâm đầu tư trang thiết bị y tế, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân của Bệnh viên Đa khoa huyện và Trạm y tế các xã, thị trấn. Đẩy mạnh việc kết hợp đông – tây y trong khám và điều trị bệnh cho nhân dân. Chủ động phòng chống dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Phấn đấu có 08/08 xã, thị trấn đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã.

Tiếp tục chỉ đạo xây dựng các xã đạt chuẩn “xã văn hóa nông thôn mới” và đầu tư xây dựng khu thiết chế văn hóa xã Châu Hưng A, xã Hưng Hội. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội của huyện. Đầu tư, nâng cấp hệ thống trạm truyền thanh các xã, thị trấn và loa truyền thanh ở các ấp. Nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nếp sống văn minh; nâng cao ý thức giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường. Phấn đấu đến năm 2020, có 100% xã đạt chuẩn “Xã văn hóa nông thôn mới”. Đẩy mạnh hoạt động thể dục, thể thao cả về quy mô và chất lượng; khuyến khích nhân dân tích cực tham gia tập luyện thể dục – thể thao.

Tăng cường công tác đầu tư, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa gắn với bảo tồn giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc; khuyến khích phát triển các câu lạc bộ đờn ca tài tử để phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân. Đẩy mạnh hoạt động giới thiệu, quảng bá về tiềm năng du lịch.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác giảm nghèo và thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; nêu cao tinh thần trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác nhận đỡ đầu hộ nghèo, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh 1/4, 2/4. Tích cực thực hiện phong trào đền ơn đáp nghĩa; chăm lo gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo. Tiếp tục vận động “Quỹ an sinh xã hội”“Quỹ vì người nghèo” và sử dụng đúng mục đích, hỗ trợ đúng đối tượng.

Đổi mới công tác dạy nghề theo nhu cầu thị trường lao động, phát triển đa dạng các hình thức học nghề và dạy nghề có địa chỉ, nhất là tăng cường đào tạo nghề cho lao động nông thôn.Tăng cường hoạt động giới thiệu việc làm trong và ngoài nước.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây