Giới thiệu khái quát huyện Ba Bể

Giới thiệu khái quát huyện Ba Bể

Giới thiệu khái quát huyện Ba Bể

Ba Bể là huyện niền núi của tỉnh Bắc Kạn, cách tỉnh lỵ 60 km về phía Bắc, có diện tích tự nhiên là 67.412ha. Phía Đông giáp huyện Ngân Sơn Phía Tây giáp tỉnh Tuyên Quang Phía Nam giáp huyện Chợ Đồn và huyện Bạch Thông Phía Bắc Giáp huyện Pác Nặm và tỉnh Cao Bằng

Huyện có 16 đơn vị hành chính, gồm 15 xã và 01 thị trấn với 200 thôn bản. Dân số toàn huyện có gần 47 nghìn người, trong đó có khoảng 95% là người dân tộc thiểu số. Thành phần dân tộc chính là: Tày, Kinh, Dao, Mông, Nùng, Hoa và một số dân tộc khác.

Địa hình

Ba Bể chủ yếu là đất lâm nghiệp chiếm trên 80%, đất nông nghiệp chiếm 10%. Huyện có địa hình phức tạp, bị chia cắt bởi sông, suối, núi nên giao thông đi lại còn gặp nhiều khó khăn, nhất là ở các thôn bản vùng cao. Ở đây chủ yếu là núi cao xen lẫn những khối núi đá vôi hiểm trở, phân lớp dầy, trong quá trình cacxtơ tạo thành những hình dạng kỳ thú, đặc trưng là dãy núi Phja Bjooc có độ cao 1.578m, là mái nhà của 03 huyện: Ba Bể, Chợ Đồn, Bạch Thông.

Cùng với đó, trên địa bàn huyện có 2 con sông Năng và Chợ Lùng chảy qua. Sông Năng bắt nguồn từ dãy núi cao Phja Giạ (thuộc huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng) chảy vào địa phận huyện Ba Bể từ xã Bành Trạch theo hướng Đông – Tây; sông Chợ Lùng bắt nguồn từ phía Nam huyện Ba Bể theo hường Đông Nam – Tây Bắc sau đó đổ vào hồ Ba Bể rồi thông ra sông Năng; cách cung sông Gâm chạy dài theo hướng Đông Bắc – Tây Nam, xuyên suốt địa giới của huyện với nhiều ngọn núi cao trùng điệp đã tạo nên địa hình hiểm trở rất đặc trưng của huyện Ba Bể.

Ngoài ra, trên địa bàn Ba Bể có nhiều tuyến giao thông chạy qua như: Quốc lộ 279, tỉnh lộ 201, 254… Hiện nay, 15/16 xã ở Ba Bể có đường ô tô về đến trung tâm xã.

Khí hậu

Nhiệt độ trung bình năm từ 21oC – 23oC, vào mùa đông thường xuất hiện sương muối, ở khu vực khe núi đôi khi có băng giá. Là vùng khuất gió mùa đông bắc, nh­ưng lại đón gió mùa Tây Nam nên mưa nhiều, lư­ợng m­ưa trung bình hơn 1.600 mm và có thảm thực vật phong phú. 

Nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa, ở độ cao từ 500 – 1000m so với mặt biển, Ba Bể có đủ nhiệt độ, nắng, mưa… thích hợp cho sự phát triển của động vật, thực vật. Vùng hồ Ba Bể và sườn núi Phja Bjoóc gần như mát mẻ quanh năm. Tuy nhiên đôi khi thời tiết cũng rất khắc nghiệt. Mùa đông ở Ba Bể thường có sương muối, băng giá hoặc có những đợt mưa phùn, gió bấc kéo dài không có lợi cho sự sinh trưởng của động, thực vật, ảnh hưởng tới hoạt động, sức khoẻ con người. Mùa mưa nhiều xã ven sông Năng thường bị ngập lụt

Sông ngòi

Ba Bể có nhiều sông, suối, lòng sông suối thường sâu, để có nước tưới cho đồng ruồng, nhất là các chân ruộng bậc thang, đồng bào các dân tộc có nhiều kinh nghiệm làm mương, phai, bắc máng, làm guồng nước. Đồng bào còn lợi dụng sức nước để phục vụ sản xuất, đời sống như cối giã gạo, máy bật bông, làm thuỷ điện mi ni, xuôi mảng… Đường thuỷ sông Năng phối hợp với các đường bộ tạo nên hệ thống giao thông tương đối thuận lợi thông thương giữa các huyện Ba Bể, huyện Chợ Đồn, Na Hang (Tuyên Quang).

Tài nguyên thiên nhiên

Ở Ba Bể tập trung nhiều loại khoáng sản như: Vàng gốc (nguyên sinh) và vàng sa khoáng, khoáng sắt và sắt – mangan, đá vôi biến chất thành đá hoa nh­ư xung quanh hồ Ba Bể, sắt, mangan ở Bản Nùng. Ngoài ra còn có đá quý ở Bản Đuống, Bản Vàng…

Đất Ba bể có thể trồng nhiều loại cây thương phẩm có giá trị kinh tế cao như: hồng không hạt, hoa lily, ngô, đậu tương, trúc. Hiện tại, Ba Bể đã phát triển được hơn 1.000 ha mơ, mận, dứa. Đất đai ở Ba Bể cũng thích hợp cho việc chăn nuôi đại gia súc như: trâu, bò, dê.

Núi đá xen lẫn núi đất chiếm phần lớn diện tích đất đai tự nhiên. Rừng có nhiều gỗ quý (đinh, lim, nghiến, táu…) cùng nhiều cây dược liệu và nhiều loại chim muông, thú rừng như phượng hoàng, công, trĩ, hươu, nai, sơn dương, khỉ, lợn rừng, kỳ đà…

Do kiến tạo địa chất, sự bồi đắp của các con sông, suối đã tạo cho Ba Bể những bồn địa, những thung lũng lòng máng, lòng chảo, đất đai khá màu mỡ thích hợp với việc trồng lúa, ngô, các loại rau, đậu, cây công nghiệp (mía, bông và cây ăn quả (cam, quýt, chuối, hồng).

Đặc biệt, Vườn Quốc gia Ba Bể là một di sản thiên nhiên quý giá với hệ thống rừng nguyên sinh trên núi đá vôi có tới 417 loài thực vật và 299 loài động vật có xương sống. Nhiều loài động vật quý vẫn còn lưu giữ được như phượng hoàng đất, gà lôi, vọc mũi hếch… Trong hồ vẫn còn 49 loài cá nước ngọt, trong đó có một số loài cá quý hiếm như cá chép kính, cá rầm xanh, cá chiên…

Cùng với đó, hồ Ba Bể rộng gần 500ha gắn liền với dòng sông Năng và hệ thống hang động, thác nước thiên nhiên kỹ vĩ trở thành khu danh lam thắng cảnh nổi tiếng ở khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, Ba Bể đang quy hoạch xây dựng vùng Ba Bể – Chợ Đồn – Na Hang (tỉnh Tuyên Quang), vùng lòng hồ Ba Bể và phụ cận theo mô hình phát triển kinh tế đô thị kết hợp với bảo vệ cảnh quan môi trường sinh thái.

Tiềm năng, thế mạnh huyện Ba Bể

ắc Kạn có suối đãi vàng Có hồ Ba Bể, có nàng áo xanh

Nhắc đến Ba Bể có lẽ không ít người  biết đến, bởi nơi đây sở hữu một di sản thiên nhiên vào bậc nhất nhì trên cả nước – khu du lịch Vườn quốc gia Ba Bể. Cùng với đó là nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng và những nét văn hóa đặc trưng mang đậm bản sắc dân tộc. Vì vậy, tuy là một huyện miền núi nghèo nhưng Ba Bể đã được đông đảo du khách trong và ngoài nước quan tâm và biết đến.

Du lịch

Vườn quốc gia Ba Bể với tổng diện tích 44.750ha là một di sản thiên nhiên quý giá với hệ thống rừng nguyên sinh trên núi đá vôi và hồ tự nhiên trên núi duy nhất có ý nghĩa đặc biệt quan trọng ở Việt Nam. Nơi đây bảo tồn một hệ thống sinh cảnh rừng phong phú với 660 loài thực vật và 527 loài động vật với nhiều loài quý hiếm.

Đến du lich hồ Ba Bể, du khách sẽ được hòa mình vào một thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ và đầy hấp dẫn; được đắm mình trong ao Tiên trong lành, mát mẻ mang câu chuyện cổ tích huyền bí; được thưởng ngoạn suối thác, ăn rau rừng, cá suối, gà đồi…; khám phá hang động (động Puông, động Hua Mạ) với nhiều hình thù, cột đá độc đáo, trong động còn có đàn dơi hàng chục vạn con sinh sống và trú ngụ; được chiêm ngưỡng một thác Đầu Đẳng ngoạn mục của những tảng đá lớn nhỏ xếp chồng lên nhau và đảo bà Góa độc đáo nằm giữa lòng hồ… Nước hồ Ba Bể bốn mùa một màu xanh ngắt đầy quyến rũ, được bao bọc bởi rừng nhiệt đới tạo nên khí hậu nơi đây rất mát mẻ và trong lành.

Với những nét đặc trưng đó, du lịch hồ Ba Bể không những được xem là một trong những thế mạnh đặc trưng trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của huyện, mà còn được xác định rõ trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam thời kỳ 2011 – 2020 và tầm nhìn đến 2030, trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam thời kỳ đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030./.

Tài nguyên – khoáng sản

Ba Bể chủ yếu là đất lâm nghiệp chiếm trên 80%, đất nông nghiệp chiếm 10%, nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa. Nhiệt độ trung bình năm từ 21oC – 23oC thích hợp cho sự phát triển của động vật, thực vật. Cùng với đó, do kiến tạo địa chất, sự bồi đắp của các con sông, suối đã tạo cho Ba Bể những bồn địa, những thung lũng lòng máng, lòng chảo, đất đai khá màu mỡ thích hợp với việc trồng lúa, ngô, các loại rau, đậu, cây công nghiệp (mía, bông và cây ăn quả (cam, quýt, chuối, hồng). Người dân nơi đây đã trồng nhiều loại cây thương phẩm và cho giá trị kinh tế cao như: Hồng không hạt, hoa lily, ngô, đậu tương, trúc…; chăn nuôi đại gia súc như: Trâu, bò, dê.

Ở Ba Bể còn tập trung nhiều loại khoáng sản như: Vàng gốc (nguyên sinh) và vàng sa khoáng, khoáng sắt và sắt – mangan, đá vôi biến chất thành đá hoa (ở xung quanh hồ Ba Bể)…. Ngoài ra còn có đá quý ở Bản Đuống, Bản Vàng…

Đặc biệt, Vườn Quốc gia Ba Bể là nơi lưu giữ được một hệ thống động vật phong phú với rừng nguyên sinh trên núi đá vôi có tới 417 loài thực vật và 299 loài động vật có xương sống. Nhiều loài động vật quý vẫn còn lưu giữ được như phượng hoàng đất, gà lôi, vọc mũi hếch… Trong hồ vẫn còn 49 loài cá nước ngọt, trong đó có một số loài cá quý hiếm như cá chép kính, cá rầm xanh, cá chiên…

Rừng có nhiều gỗ quý (đinh, lim, nghiến, táu…) cùng nhiều cây dược liệu và nhiều loại chim muông, thú rừng như phượng hoàng, công, trĩ, hươu, nai, sơn dương, khỉ, lợn rừng, kỳ đà…

Với những tiềm năng và lợi thế đó, người dân Ba Bể đã tận dụng và khai thác đưa nền kinh – xã hội của huyện có nhiều khởi sắc và có bước phát triển mạnh mẽ qua từng năm.

Văn hoá – xã hội

Ba Bể là nơi tụ hội, sinh sống của 7 dân tộc anh em. Trong đó, đồng bào Tày đông hơn cả, sống tập trung thành các làng bản trong các thung lũng lòng chảo, lòng máng hoặc dọc theo hai bờ sông, suối và ở nhà sàn là một trong những truyền thống của đồng bào dân tộc nơi đây.

Dân tộc Dao có số dân đứng thứ hai sau người Tày, chiếm tỷ lệ 18%. Người H’Mông chiếm tỷ lệ khoảng hơn nửa số dân người Dao. Người Dao và H’Mông sinh sống chủ yếu ở vùng núi cao, làng bản thưa thớt, nhà cửa đơn sơ. Địa bàn sinh sống tập trung của đồng bào chủ yếu quanh chân núi Phja Bjooc với phương thức du canh du cư, phát nương làm rẫy, kỹ thuật canh tác còn lạc hậu.

Đồng bào Nùng chiếm khoảng 8% dân số, sống rải rác ở các thung lũng, soi bãi hoặc xen kẽ trong các làng bản người Tày, làm nghề nông như người Tày.

Ít nhất là dân tộc Sán Chỉ. Họ sống trong các thung lũng, sườn đồi làm nghề nông như đồng bào các dân tộc Tày, Nùng. Còn đồng bào Kinh sống tập trung chủ yếu ở thị trấn, số đông làm nghề buôn bán.

Tại Ba Bể vẫn còn nền kinh tế tự cung, tự cấp. Chăn nuôi gia súc, gia cầm chỉ phát triển trong đồng bào Tày, Nùng như trâu, bò, ngựa, gà, vịt, ngan, ngỗng… Trong gia đình, các nghề thủ công như dệt vải khổ hẹp, dệt thổ cẩm phát triển. Phụ nữ các dân tộc Ba Bể có kinh nghiệm và kiên nhẫn trong việc trồng bong, kéo sợi, dệt vải, nhuộm chàm, pha màu sợi thổ cẩm. Nam giới giỏi các nghề mộc (đục đẽo cột nhà, làm cung nỏ, thuyền độc mộc, khung dệt vải, cày bữa) và cả đan lát, nghề rèn phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất.

Ngoài ra, Ba Bể là địa phương sớm xuất hiện các nghề làm gạch, ngói, đá mộc, nung vôi. Ngày nay, nghề gạch, ngói, trồng bông dệt vải vẫn là những nghề truyền thống phát triển, sản phẩm làm ra được nhiều người ưa chuộng.

Trong lĩnh vực văn hoá tinh thần, cho tới nay, các dân tộc Ba Bể vẫn bảo tồn được nhiều yếu tố văn hoá đặc sắc của dân tộc mình được thể hiện trong bộ trang phục và các hình thức sinh hoạt văn hoá, văn nghệ của cộng đồng.

Lễ hội lồng tồng (xuống đồng) của các dân tộc Tày, Nùng vào dịp đầu xuân là để tiến hành các nghi lễ cầu mùa màng, cầu thần nông và các vị thần linh phù hộ cho mưa thuận gió hoà, vạn vật sinh sôi nảy nở, mùa màng tốt tươi, muôn dân hạn phúc. Hội “xuống đồng” còn là một hình thức sinh hoạt văn hoá của cộng đồng với nhiều trò chơi sôi động mang tinh thần thượng võ (tung còn, kéo co, đấu vật…).

Đồng bào Dao hay hát màng. Trai gái H’Mông không thể thiếu được thổi khèn, múa khèn trong các ngày hội, xuống núi họp chợ. Nam, nữ thanh niên Tày, Nùng hay hát Sli, hát lượn, đối đáp, tỏ tình… và còn có cả kho tàng thơ, ca hết sức phong phú, giàu chất dân gian. Đặc biệt, Ba Bể có làn điệu Lượn cọi với sức truyền cảm mạnh mẽ và đã trở thành nét văn hóa nổi tiếng ở phía Bắc tỉnh Bắc Kạn.

Mỗi dân tộc đều có một hình thức sinh hoạt văn hoá tinh thần riêng biệt, hòa quyện với nhau tạo thành bản sắc văn hóa đa dạng, phong phú mang đậm hương vị dân gian đặc trưng của huyện Ba Bể./.

Lịch sử hình thành và phát triển

Huyện Ba Bể nằm ở phía Tây Nam tỉnh Bắc Kạn, cách thủ đô Hà Nội hơn 200km về phía Bắc, nơi sinh sống của nhiều dân tộc anh em (Tày, Nùng, Dao, H’Mông, Kinh, Sán Chỉ), có truyền thống chống ngoại xâm oanh liệt. Lịch sử còn ghi lại đảo An Mã có mộ 7 tướng quân nhà Mạc chống quân thù.

Thời Lý, huyện Ba Bể ngày nay thuộc đất huyện Vĩnh Thông; thời Lê, nằm ở châu Bạch Thông thuộc phủ Thông Hoá. Thị trấn Chợ Rã là huyện lỵ Ba Bể, đồng bào địa phương gọi là Chợ Slo. Tên gọi Chợ Rã xuất hiện sớm trong lịch sử, được nêu trong Dư địa chí của Nguyễn Trãi và sau đó nêu ở Đại Nam nhất thống chí, trong mục Thái Nguyên thổ sản.

Năm Minh Mạng thứ 12 (1831), tỉnh Thái Nguyên được thành lập, địa bàn Chợ Rã thuộc đất Thái Nguyên. Trong những năm từ 1884 đến 1888, thực dân Pháp lần lượt đem quân đánh chiếm các tỉnh Việt Bắc. Sau khi hoàn thành công cuộc chinh phục và bình định căn bản khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc, để thống trị và bóc lột nhân dân các dân tộc miền núi đạt ý đồ của Pháp, ngày 11/4/1900, toàn quyền Đông Dương ra nghị định tách một phần đất thuộc tỉnh Thái Nguyên thành lập tỉnh Bắc Kạn gồm 4 châu: Bạch Thông, Chợ Rã, Thông Hoá (sau đổi thành Na Rì) và Cảm Hoá (sau đổi thành Ngân Sơn).

Ngày 25/6/1901, thực dân Pháp sáp nhập địa giới tổng Yên Đĩnh, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) vào châu Bạch Thông (Bắc Kạn). Đến ngày 08/6/1916, thực dân Pháp lại tách một số tổng thuộc châu Bạch Thông và châu Chợ Rã để thành lập châu Chợ Đồn. Do vậy, trước năm 1901, trong sự phân chia địa giới, địa phận Ba Bể có cả một số địa phương châu Chợ Đồn. Trong thời thuộc Pháp, châu Chợ Rã chiếm khoảng 115km2.

Năm 1942, phong trào Việt Minh được củng cố và mở rộng căn cứ ở Cao – Bắc – Lạng, đồng thời mở con đường Nam tiến, các xã phía Đông Chợ Rã (Hà Hiệu, Bành Trạch, Phúc Lộc…) phát triển mạnh mẽ phong trào Việt Minh. Năm 1943, các đoàn Nam tiến và Tây tiến đều xuất phát từ Nguyên Bình tiến qua Chợ Rã xây dựng cơ sở Việt Minh trong đồng bào các dân tộc. Điều đó cho thấy, Châu Chợ Rã là một địa phương của tỉnh Bắc Kạn sớm có phong trào Việt Minh rộng lớn trong đồng bào các dân tộc.

Ngày 30/03/1945, UBND lâm thời châu Chợ Rã được thành lập, đây là chính quyền cách mạng cấp huyện đầu tiên trong cao trào khởi nghĩa kháng Nhật cứu nước 1945.

Từ tháng 4/1945 đến 20/8/1945, lực lượng vũ trang nhân dân các dân tộc châu Chợ Rã đã 3 lần đánh bại quân đội phát xít Nhật tấn công muốn chiếm lại Chợ Rã để chốt giữ sâu trong vùng giải phóng của ta.

Trong thời kỳ vận động cách mạng Tháng Tám, Ba Bể cũng là một trong những huyện có cơ sở và phong trào cách mạng sớm, là huyện thành lập được chính quyền cách mạng cấp huyện đầu tiên của tỉnh Bắc Kạn. Ba Bể đã đập tan các cuộc tiến công của phát xít Nhật vào vùng giải phóng, giữ vững chính quyền cách mạng, bảo vệ an toàn cuộc hành trình của lãnh tụ Hồ Chí Minh từ Cao Bằng qua Ba Bể về Tân Trào để chỉ đạo cuộc chuẩn bị tổng khởi nghĩa kịp thời cơ.

Trong suốt cuộc kháng chiến bùng nổ, Đảng bộ Ba Bể ra đời đã lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi công cuộc kháng chiến kiến quốc của Đảng, bảo vệ và giải phóng quê hương, đập tan các cuộc hành quân xâm lược của thực dân Pháp, góp phần vào giải phóng Bắc Kạn. Ba Bể đã thể hiện được vai trò là hậu phương kháng chiến vững chắc. Đảng bộ Ba Bể đã cùng nhân dân các dân tộc tiến hành cuộc vận động tiễu phỉ, củng cố chính quyền, đẩy mạnh sản xuất, phát triển văn hoá giáo dục, ra sức đóng góp sức người, sức của cho cuộc kháng chiến của dân tộc đi đến thắng lợi.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, lực lượng võ trang và nhân dân các dân tộc châu Chợ Rã đã góp phần đánh bại quân Pháp tiến công căn cứ địa Việt Bắc, bảo vệ các cơ quan Trung ương và tỉnh, góp phần xứng đáng vào chiến thắng Việt Bắc mùa đông năm 1947.

Một thành tích nổi bật nữa của Chợ Rã là đã đấu tranh chống phỉ suốt 6 năm, làm tan rã hoàn toàn nạn thổ phỉ vào tháng 11/1953.

Đến năm 1965, do yêu cầu của sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, hai tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên được hợp nhất. Ngày 21/4/1965, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà (nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam) ra Nghị định số 103/NĐ-TVQH thành lập tỉnh Bắc Thái trên cơ sở hợp nhất hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn. Ba Bể trở thành huyện của tỉnh Bắc Thái.

Trong kháng chiến chống Mỹ, Chợ Rã đã tích cực chống chiến tranh phá hoại của đến quốc Mỹ, làm tốt nhiệm vụ hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn.

Năm 1978, xuất phát từ yêu cầu bảo vệ Tổ quốc, để có hậu phương cho tỉnh Cao Bằng, ngày 29/12, theo đề nghị của Hội đồng nhân dân hai tỉnh Cao Lạng và Bắc Thái, kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khoá VI nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam quyết nghị sáp nhập hai huyện Ngân Sơn và Chợ Rã của Bắc Thái vào tỉnh Cao Bằng. Ba Bể thuộc tỉnh Cao Bằng.

Năm 1997, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân các dân tộc trong công cuộc xây dựng, đổi mới đất nước, thực hiện công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, ngày 01/01, Quốc hội quyết định tái thành lập tỉnh Bắc Kạn, huyện Ba Bể và Ngân Sơn trở lại thuộc tỉnh Bắc Kạn.

Ngày 28/5/2003, Chính phủ ban hành Nghị định 56/NĐ-CP về việc thành lập huyện Pác Nặm trên cơ sở tách huyện Ba Bể. Ba Bể được chia thành huyện Ba Bể và huyện Pác Nặm.

Ngày nay, sau những thắng lợi lịch sử ,Tổ quốc hoàn toàn độc lập thống nhất, cả nước bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và đang nỗ lực vượt bậc để thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, tự hào về truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng của quê hương, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Ba Bể đã và đang cố gắng hoàn thành những mục tiêu kinh tế xã hội, không ngừng cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc, nỗ lực phấn đấu vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh./.

     


     

Mã QR Code ủng hộ vansudia.net


BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây