Giới thiệu khái quát huyện Chợ Đồn

Giới thiệu khái quát huyện Chợ Đồn

Giới thiệu khái quát huyện Chợ Đồn

1. Vị trí địa lý

Huyện Chợ Đồn nằm ở phía Tây của tỉnh Bắc Kạn, có diện tích tự nhiên 91.115,00 ha chiếm 18,75% diện tích tự nhiên của tỉnh Bắc Kạn. Huyện Chợ Đồn có một thị trấn (Bằng Lũng) và 21 xã. Có ranh giới tiếp giáp như sau:

– Phía Bắc giáp huyện Ba Bể.

– Phía Nam giáp huyện Định Hoá tỉnh Thái Nguyên.

– Phía Đông giáp huyện Bạch Thông, huyện Chợ Mới.

– Phía Tây giáp huyện Chiêm Hoá, Yên Sơn, Na Hang tỉnh Tuyên Quang.

Với vị trí địa lý từ 105025’ đến 105043’ kinh độ Đông, từ 21057’ đến 22025’ vĩ độ Bắc. Trung tâm huyện lỵ là thị trấn Bằng Lũng cách thị xã Bắc Kạn khoảng 46km theo tỉnh lộ 257. Huyện Chợ Đồn có hệ thống giao thông khá đầy đủ với đường tỉnh lộ 254, 254B, 255, 257… các tuyến liên xã tương đối hoàn thiện tạo thuận lợi cho huyện trong giao lưu thương mại, phát triển kinh tế xã hội, du lịch…

Như vậy, Chợ Đồn hội tụ khá đầy đủ các điều kiện, yếu tố cần và đủ về vị trí địa lý, đặc biệt là đường bộ để phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững, từng bước phát triển trở thành đô thị trung tâm của tỉnh.

2. Địa hình, địa mạo

Huyện Chợ Đồn là huyện miền núi vùng cao của tỉnh Bắc Kạn, có độ cao giảm dần từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây với các dạng địa hình phổ biến:

Địa hình núi đá vôi: Các xã phía Bắc thuộc cao nguyên đá vôi LangCaPhu kéo dài từ huyện Ba Bể đến thị trấn Bằng Lũng. Địa hình chia cắt phức tạp bởi những dãy núi đá vôi với độ cao trên 1000m (núi Phia Khao xã Bản Thi) xen giữa các thung lũng hẹp, độ dốc bình quân từ 250 đến 300. Đây là nơi đầu nguồn của các sông chảy về hồ Ba Bể.

Địa hình núi đất: Các xã phía Nam thị trấn Bằng Lũng phần lớn là núi đất có độ cao phổ biến 400m đến trên 600m, độ dốc bình quân từ 200 đến 250. Địa hình chia cắt mạnh bởi hệ thống sông suối khá dày đặc.

Địa hình thung lũng: phân bố dọc theo các sông, suối xen giữa các dãy núi cao. Các điều kiện tự nhiên nhìn chung khá thuận lợi cho phát triển canh tác nông lâm nghiệp kết hợp, cây ăn quả, cây đặc sản.

3. Khí hậu

Khí hậu huyện Chợ Đồn chịu ảnh hưởng chung của khí hậu Miền Bắc Việt Nam. Được hình thành từ một nền nhiệt cao của đới chí tuyến và sự thay thế của các hoàn lưu lớn theo mùa, kết hợp với điều kiện địa hình nên mùa đông (từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau) giá lạnh, nhiệt độ không khí thấp, khô hanh, có sương muối; mùa hè (từ tháng 5 đến tháng 9) nóng ẩm, mưa nhiều. Nhiệt độ không khí trung bình năm 23,2oC (Nhiệt độ không khí trung bình cao nhất 26,5oC và thấp nhất là 20,8oC). Các tháng có nhiệt độ trung bình cao nhất là tháng 6, 7 và tháng 8 (28oC -29oC), nhiệt độ trung bình thấp nhất vào các tháng 1 và 2 (13,5oC), có năm xuống tới -2oC. Nhiệt độ cao tuyệt đối là 39,5oC. Tổng tích nhiệt cả năm bình quân đạt 6800oC-7000oC. Mặc dù nhiệt độ còn bị phân hoá theo độ cao và hướng núi, nhưng không đáng kể.

Ngoài chênh lệch về nhiệt độ theo các mùa trong năm, khí hậu Chợ Đồn còn có những đặc trưng khác như sương mù. Một năm bình quân có khoảng 87 -88 ngày sương mù. Vào các tháng 10, 11 số ngày sương mù thường cao hơn. Về mùa đông các xã vùng núi đá vôi thường xuất hiện sương muối; từ tháng 12 đến tháng 2 năm sau bình quân xuất hiện 1 – 2 đợt, mỗi đợt kéo dài 1-3 ngày. Mưa đá là hiện tượng xảy ra không thường xuyên, trung bình 2-3 năm một lần vào các tháng 5 và 6.

Lượng mưa thuộc loại thấp, bình quân 1.115mm/năm. Các tháng có lượng mưa lớn là tháng 6 và 7 có ngày mưa tới 340mm/ngày; thấp nhất là vào tháng 12 và tháng 1 năm sau 1,5mm/ngày. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10 và chiếm tới 75-80% lượng mưa cả năm. Độ ẩm không khí trung bình 82%, thấp nhất vào tháng 2 với 79% và cao nhất vào tháng 7 tới 88%.

Lượng bốc hơi trung bình năm là 830mm, thấp nhất vào tháng 1 với 61mm và cao nhất là 88mm vào tháng 4. Tổng số giờ nắng trung bình đạt 1586 giờ, thấp nhất là tháng 1 có 54 giờ, cao nhất la 223 giờ vào tháng 8.

Chế độ gió thịnh hành là gió mùa Đông Bắc kèm theo không khí lạnh và gió mùa Đông Nam mang theo hơi nước từ biển Đông, tạo ra các trận mưa lớn về mùa hè.

Những đặc điểm trên rất thích hợp cho trồng các loại cây nhiệt đới và á nhiệt đới, là điều kiện để đa dạng hoá cây trồng, tăng vụ; tuy nhiên cũng cần đề phòng mưa lũ và hạn hán.

4. Thuỷ văn

Huyện Chợ Đồn có hệ thống sông suối khá dày đặc nhưng đa số là các nhánh thượng nguồn sông Cầu, sông Năng, sông Phó Đáy, sông Bình Trung với đặc điểm chung là đầu nguồn, lòng sông ngắn, dốc, thuỷ chế thất thường. Giao thông đường sông ít phát triển do sông suối dốc, lắm thác ghềnh. Một số suối cạn nước vào mùa khô nhưng mùa mưa nước dồn nhanh có thể xảy ra lũ quét ảnh hưởng xấu đến đời sống nhân dân.

5. Các nguồn tài nguyên

5.1. Tài nguyên đất

Theo số liệu thống kê, tổng diện tích tự nhiên của huyện Chợ Đồn là 91.115,00 ha, trong đó: sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp có 5005,85 ha, chiếm 5,49% tổng diện tích tự nhiên; đất lâm nghiệp có 64.731,22 ha, chiếm 71,04% tổng diện tích tự nhiên; đất chuyên dùng có 4890,79 ha, chiếm 5,37% tổng diện tích tự nhiên; đất ở có 483,53 ha, chiếm 0,53% tổng diện tích tự nhiên; đất chưa sử dụng có 14.268,61 ha, chiếm 15,66% tổng diện tích tự nhiên.

Diện tích đất nông nghiệp không đáng kể, bình quân là 1.038m2/người, đất lâm nghiệp là 1,34 ha/người. Diện tích đất chưa sử dụng còn khá lớn, khoảng 15,66% diện tích tự nhiên của huyện, trong đó đất đồi núi chưa sử dụng 12.925,78 ha. Đây thực sự là tiềm năng lớn để phát triển sản xuất lâm nghiệp, trồng cây công nghiệp.

Về thổ nhưỡng, theo tài liệu và bản đồ thổ nhưỡng tỷ lệ 1/100.000 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Kạn, trên địa bàn huyện Chợ Đồn có các loại đất như sau:

+ Đất Feralit nâu vàng phát triển trên đá vôi, phân bố ở vùng phía Bắc huyện từ Bằng Lũng đến Nam Cường. Đất tơi xốp, độ ẩm cao, tầng đất dày, hàm lượng dinh dưỡng cao, tỷ lệ mùn 1,9-3,5%; tỷ lệ đạm trung bình nhưng nghèo lân tổng số. Đất này thích hợp cho các loài cây lương thực, cây công nghiệp nhưng thiếu nước, dễ bị hạn vào mùa khô.

+ Đất Feralit đỏ vàng phát triển trên phiến thạch sét và đá biến chất; phân bố ở vùng đồi, núi thấp thuộc các xã phía Nam. Đất có tầng dày trung bình, có thành phần cơ giới thịt nhẹ hoặc pha sét. Ở những nơi còn thảm thực bì rừng che phủ có tỷ lệ mùn khá cao (3%-3,5%). Tỷ lệ đạm trung bình, đất này thích hợp cho sản xuất lâm nghiệp, trồng cây công nghiệp. Ở những nơi có độ dốc thấp, gần nguồn nước có thể trồng cây ăn quả.

+ Đất dốc tụ và phù sa: sản phẩm của quá trình bồi tụ và sa lắng của các sông suối phân bố ở các thung lũng và dọc theo các con sông, suối. Tầng đất dày, có thành phần cơ giới từ thịt nặng đến sét, đất hơi chua, hàm lượng dinh dưỡng khá, thích hợp cho trồng các loại cây lương thực và cây công nghiệp ngắn ngày như ngô, lạc, đậu tương..

Nhìn chung đất đai của huyện phong phú, diện tích đất chưa sử dụng có một lượng lớn với nhiều chủng loại, kiểu địa hình khác nhau, thuận lợi cho phát triển đa dạng các loại cây trồng và vật nuôi.

5.2. Tài nguyên nước

– Nước mặt

Do địa hình phân cắt mạnh nên huyện Chợ Đồn có nhiều khe suối. Các khe suối có nguồn nước mặt khá dồi dào. Tuy nhiên, do địa hình núi đá vôi, độ dốc lớn nên vùng núi phía Bắc thường thiếu nước, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân. Mặc dù nguồn nước khá phong phú nhưng do khả năng điều tiết của rừng kém, địa hình dốc, thảm thực vật bị suy giảm, thực bì nhỏ, diện tích đất đồi núi chưa sử dụng nhiều nên mùa mưa thường xảy ra lũ lụt, mùa khô thiếu nước, đất bị xói mòn, rửa trôi ảnh hưởng lớn đến năng suất cây trồng, vật nuôi.

 Nước ngầm:

Độ dày tầng chứa nước biến động từ 60-160m, trung bình 100m và giảm dần từ Bắc xuống Nam.

Mực nước ngầm phong phú, có thể khai thác phục vụ sản xuất nông, công nghiệp và dân sinh, bổ sung cho nguồn nước mặt ở những vùng khó khăn.

Thời gian gần đây do canh tác nông nghiệp, khai thác lâm sản nên mực nước ngầm và chất lượng nước đã thay đổi. Ở huyện Chợ Đồn mực nước ngầm thấp hơn giai đoạn 1980 khoảng 2 – 3m, trong nước có Nitric và Nitrat hàm lượng thấp do bón phân vô cơ cho cây thấm xuống đất, hiện nay chưa ảnh hưởng đến việc sử dụng nước ngầm. Nếu không bảo vệ môi trường, xử lý chất thải thì nước ngầm sẽ bị ô nhiễm.

5.3. Tài nguyên rừng:

Theo số liệu kiểm kê đất đai năm 2010 của huyện có 64.731,22 ha đất lâm nghiệp, chiếm 71,04% so với tổng diện tích tự nhiên toàn huyện. Trong đó rừng sản xuất có 47.444,31 ha, chiếm 52,07 % tổng diện tích tự nhiên toàn huyện, rừng phòng hộ có 15.498.91 ha, chiếm 17,01% tổng diện tích tự nhiên toàn huyện, rừng đặc dụng có 1.788,00 ha chiếm 1,96% tổng diện tích tự nhiên toàn huyện. Diện tích rừng của huyện Chợ Đồn khá nhiều, độ che phủ đạt trên 57%, phân bố trên tất cả các xã, thị trấn. Tập đoàn cây rừng hiện có chủ yếu là cây gỗ tạp, tre, nứa, Keo, Mỡ và một số loại gỗ quý hiếm.

Về chất lượng, một phần diện tích rừng ở Chợ Đồn hiện nay thuộc loại rừng non tái sinh, chất lượng và trữ lượng thấp, chỉ có tác dụng phòng hộ và cung cấp chất đốt. Tài nguyên rừng đang bị xuống cấp về chất lượng, phẩm chất cây cũng như tỷ lệ các cây gỗ có giá trị cao ít (rừng nguyên sinh còn rất ít, hiện tại chủ yếu là còn rừng non, rừng tái sinh và rừng nghèo). Rừng giàu với các loại gỗ quý có giá trị kinh tế cao như lát, nghiến, táu, đinh… tập trung ở một số địa bàn khu vực hiểm trở. Động vật rừng trước đây rất phong phú gồm nhiều loại chim, thú quý như Voọc đen má trắng, lợn rừng, hươu xạ, cầy vằn bắc, hoẵng, vạc hoa, ô rô vảy, rùa sa nhân và báo lửa… nhưng do diện tích rừng bị giảm mạnh trong những thập niên qua và nạn săn bắn trái phép nên hầu hết các loài thú cũng suy giảm theo.

Để phát triển được quỹ rừng, được sự hỗ trợ của Trung ương, tỉnh và các tổ chức quốc tế, huyện Chợ Đồn đã tiến hành nhiều chương trình, dự án, trong đó có các chương trình 135, 134, dự án 327, dự án PAM 5322, dự án hợp tác Lâm nghiệp Việt Nam – Hà Lan, dự án 661, dự án 147, định canh định cư, đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn…. kết quả, độ che phủ đã được tăng lên hơn 57% năm 2010.

Rừng là tài nguyên, là lợi thế tuyệt đối của huyện Chợ Đồn, khai thác hợp lý rừng sẽ không chỉ là nguồn nguyên liệu nhằm phát triển công nghiệp chế biến cho thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu mà còn là nền tảng vững chắc cho giai đoạn phát triển bền vững sau này. Những năm qua, huyện đã đầu tư nhiều cho công tác quản lý, phát triển và khai thác tài nguyên rừng, tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập. Để khắc phục, ngoài các biện pháp hành chính, cần quan tâm nhiều hơn nữa tới công tác quy hoạch, lồng ghép các chương trình nhằm vừa phát triển, khai thác tốt các nguồn lợi rừng vừa nâng cao mức sống dân cư, đảm bảo các điều kiện phát triển bền vững cả về tăng trưởng, xã hội và môi trường trong tương lai.

5.4. Tài nguyên khoáng sản

Chợ Đồn là một trong hai khu vực tập trung tài nguyên khoáng sản của tỉnh Bắc Kạn (Chợ Đồn và Ngân Sơn – Na Rì). Những khoáng sản có tiềm năng hơn cả là sắt, chì, kẽm và vật liệu xây dựng có trữ lượng lớn. Những mỏ đã được thăm dò và có trữ lượng lớn là mỏ Bằng Lũng khoảng 5.032 nghìn tấn có hàm lượng Pb 3,71 – 4,61% và Zn 1,31 – 1,60% với quặng ôxít và Pb 5,51 – 9,5% Zn 3,33 – 4,25% với quặng sunphua, mỏ Chợ Điền thuộc xã Bản Thi khoảng 10 triệu tấn với hàm lượng 3-24% (Pb+Zn). Nhóm phi kim loại theo đánh giá sơ bộ huyện có nhiều núi đá vôi, đất sét, đá hoa cương… Tại vùng Bản Khắt ( xã Quảng Bạch) có khoảng 200 triệu m3 chiếm gần 70% trữ lượng đá vôi của tỉnh, thôn Phiêng Liềng ( xã Ngọc Phái) triệu 32 m3, Bản Nà Lược 21 triệu m3, đây là nguồn nguyên liệu lớn để sản xuất vật liệu xây dựng. Ngoài ra, Chợ Đồn còn có các loại khoáng sản khác, nhưng trữ lượng không nhiều.

Đây là những lợi thế lớn để Chợ Đồn có thể phát triển các ngành công nghiệp khai khoáng, công nghiệp vật liệu xây dựng, từng bước tích luỹ và xây dựng các ngành công nghiệp khác sau này.

5.5. Tài nguyên du lịch, nhân văn

Chợ Đồn hiện có 7 dân tộc anh em cùng sinh sống với các nhóm ngôn ngữ khác nhau, mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa đặc trưng riêng, gồm cả văn hóa vật thể và phi vật thể; những thiết chế văn hóa xã hội truyền thống của từng dân tộc. Các phong tục tập quán như đám ma, đám cưới…và các nhạc cụ như đàn tính, hát then… đã góp phần tạo cho Chợ Đồn một kho tàng văn hóa phong phú và hấp dẫn.

Huyện Chợ Đồn có nhiều dân tộc như Mông, Dao, Nùng, Tày, Hoa, Kinh, Sán Chí cùng chung sống đoàn kết trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước. Điều đó chứng tỏ Chợ Đồn luôn là vùng đất có truyền thống văn hóa, truyền thống yêu nước và cách mạng. Chợ Đồn là một phần của chiến khu Định Hoá, hiện còn nhiều di tích lịch sử về cuộc kháng chiến chống Pháp cần được lưu giữ và tôn tạo. Với 10 xã thuộc ATK, nhiều danh lam thắng cảnh, hệ thống sông suối với hệ sinh thái phong phú và mạng lưới giao thông thuận lợi là những điều kiện thuận lợi để phát triển các hoạt động du lịch trên địa bàn, từ du lịch văn hoá lịch sử đến du lịch sinh thái .v.v… Nhân dân các dân tộc có tinh thần đoàn kết yêu quê hương, có đức tính cần cù, chăm chỉ, vượt qua khó khăn, gian khổ về kinh tế, sự khắc nghiệt của thiên nhiên để từng bước đi lên. Đó là những nhân tố cơ bản và sức mạnh tinh thần để hướng tới sự phát triển kinh tế xã hội trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa xây dựng huyện Chợ Đồn giàu, đẹp, văn minh.

Những năm gần đây huyện đã có chủ trương tập trung khai thác các điểm du lịch, văn hóa, lịch sử, các làng văn hóa cộng đồng…, tiến hành khảo sát xây dựng các chương trình, tuyến liên thông các điểm du lịch của huyện với tuyến du lịch của các huyện bạn trong khu vực và tỉnh. Các giá trị văn hóa truyền thống được giữ gìn và phát huy, các hoạt động bảo tồn di tích lịch sử, di tích văn hóa luôn được quan tâm.

6. Thực trạng môi trường

Với đặc thù là huyện miền núi, địa hình chia cắt mạnh nên hiện tượng suy thoái đất do xói mòn, bạc màu diễn ra trên địa bàn toàn huyện. Chợ Đồn có hệ thống sông suối khá dày đặc với sông chính là Nam Cường ở phía Bắc và sông Cầu, sông Phó Đáy, sông Bình Trung ở phía Nam. Chi lưu của các sông thường ngắn và dốc, chảy xen kẽ với các vùng đá vôi, nên khó giữ nước, thêm vào đó, rừng là điều kiện giữ nước nhưng lại đang được khai thác như một lợi thế lớn hiện nay của huyện, nên duy trì hiện trạng của hệ môi trường sinh thái là việc khó khăn. Đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phát triển của nền kinh tế, các ngành công nghiệp khai thác tài nguyên thiên nhiên như giấy, chế biến gỗ, lâm sản, khai thác các loại khoáng sản, đá vôi, đất sét .v.v… đang mang lại những hiệu quả trước mắt song cũng đang đẩy nhanh quá trình xuống cấp của môi trường, tác động xấu tới các hệ sinh thái của huyện.

Dân số huyện chủ yếu tập trung trên tuyến tỉnh lộ 257, 254, 254B, 255, 255B và các tuyến đường huyện, đường nội thị là các trục giao thông chính, còn lại rải rác trong đất nông nghiệp. Mật độ xây dựng thấp, chủ yếu là đất nông nghiệp nên môi trường hiện nay còn khá trong lành. Tuy nhiên hệ thống thoát nước thải sinh hoạt, sản xuất chưa được hoàn chỉnh, rác thải y tế chưa được xử lý, tỷ lệ nhà vệ sinh tự hoại thấp là những vấn đề tiềm ẩn đe dọa tới môi trường sinh thái.

Việc canh tác và phân bố các loại cây trồng ở một số nơi chưa hợp lý, đất dễ bị thoái hóa. Diện tích rừng chiếm tỷ lệ lớn diện tích tự nhiên nhưng tỷ lệ che phủ rừng chưa cao cùng với chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu làm cho tình trạng khô hạn ngày càng tăng, gây thiệt hại cho nền kinh tế của huyện.

Lượng rác thải hàng ngày trong huyện đa phần chưa được xử lý mà xả thẳng ra môi trường tự phân huỷ. Khu vực trung tâm của huyện được Ban quản lý Chợ Bằng Lũng thu gom, vận chuyển đến bãi rác. Tỷ lệ thu gom rác thải đạt khoảng 70% tuy nhiên rác thải chưa được xử lý đảm bảo gây ô nhiễm môi trường.

Chất thải y tế tại trung tâm y tế huyện, y tế xã chưa được xử lý triệt để sẽ là nguồn phát sinh ô nhiễm và dịch bệnh.

Vì vậy song song với quy hoạch phát triển kinh tế, quy hoạch đô thị, cần có ngay các biện pháp kiểm soát và quản lý đi kèm như gìn giữ cảnh quan môi trường, xử lý các chất thải công nghiệp, xử lý rác thải, cấp thoát nước cho các khu dân cư, xây dựng các khu, cụm công nghiệp tập trung, lựa chọn công nghệ, đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học và áp dụng thành tựu khoa học vào sản xuất theo hướng phát triển bền vững…

Vì vậy song song với quy hoạch phát triển kinh tế, quy hoạch đô thị, cần có ngay các biện pháp kiểm soát và quản lý đi kèm như gìn giữ cảnh quan môi trường, xử lý các chất thải công nghiệp, xử lý rác thải, cấp thoát nước cho các khu dân cư, xây dựng các khu, cụm công nghiệp tập trung, lựa chọn công nghệ, đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học và áp dụng thành tựu khoa học vào sản xuất theo hướng phát triển bền vững…/.

Lịch sử hình thành

Theo lịch sử cũ, từ đời nhà Trần trở về trước, địa phận huyện Chợ Đồn ngày nayy là một phần đất của huyện Vĩnh Thông, thuộc phủ Thái Nguyên; thời thuộc Minh (1407 – 1427) vẫn theo như thế. Đến thời nhà Lê, huyện Vĩnh Thông được đổi tên thành châu Bạch Thông, thuộc phủ Thông Hóa, do phiên thần họ Hoàng nối đời cai trị. Từ đó trở đi, Chợ Đồn vẫn thuộc châu Bạch Thông.

Năm 1884, sau khi chiếm được thành Thái Nguyên, thực dân Pháp bắt đầu mở rộng cuộc xâm lược lên các huyện phía Bắc nước ta. Vấp phải sự phản kháng quyết liệt của nhân dân các dân tộc cho nên sau 10 năm, thực dân Pháp mới đến được phủ lỵ Thông Hóa. Đến năm 1895, một đạo quân Pháp tiến lên vùng thượng lưu sông Cầu, đánh chiếm các vùng rẻo cao của phủ Thông Hóa, trong đó có phần đất của huyện Chợ Đồn ngày nay.

Năm 1911, châu Chợ Đồn được thành lập, gồm hai tổng: Đông Viên (gồm các xã hiện nay là Đông Viên, Phương Viên, Rã Bản, Đại Sảo, Ngọc Phái, Bằng Lãng, Yên Thịnh, Yên Thượng, Bản Thi) và Nhu Viễn (gồm các xã hiện nay là Quảng Bạch, Tân Lập, Đồng Lạc, Nam Cường và Xuân Lạc).

Đến năm 1914, chính quyền thực dân cắt tổng Nghĩa Tá (gồm các xã hiện nay là Lương Bằng, Nghĩa Tá, Bình Trung, Phong Huân, Yên Nhuận, Yên Mỹ) thuộc Thái Nguyên nhập vào châu Chợ Đồn thuộc tỉnh Bắc Kạn. Kể từ đó, châu Chợ Đồn có 3 tổng với 16 xã. Ngày nay, huyện Chợ Đồn có 21 xã và 1 thị trấn.

Chợ Đồn là một huyện miền núi cao nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Bắc Kạn; phía Bắc giáp huyện Ba Bể; phía Nam giáp huyện Chợ Mới và tỉnh Tuyên Quang; phía Đông giáp huyện Bạch Thông; phía Tây giáp tỉnh Tuyên Quang. Diện tích tự nhiên toàn huyện là 90.337ha, trong đó đất ruộng và soi bãi có trên 2.400ha, còn lại là đất đồi và rừng.

Chợ Đồn là nơi đất đai màu mỡ, dồi dào tài nguyên khoáng sản, lâm sản. Các khu rừng nguyên sinh của Chợ Đồn là nơi lưu giữ nhiều loại cây quý hiếm như Đinh, Lim, Sến, Táu, Lát, Nghiến…; ngoài ra còn có nhiều loài động vật và các loại thảo dược quý hiếm. Dưới lòng đất là nơi lưu giữ nhiều khoáng sản quý như vàng, chì, đồng, kẽm. Riêng mỏ kẽm Bản Thi với chu vi khoảng 40km, thuộc Công ty khai khoáng và luyện kim Đông Dương”, có số vốn là 16 triệu Fơrăng, do thực dân Pháp đầu tư khai thác từ năm 1909. Đến năm 1925, khu mỏ có tới 1.000 công nhân, 80 thư ký. Khu vực này là nơi mang lại lợi nhuận, làm giàu cho thực dân thống trị, đồng thời cũng là nơi tập trung nhiều thành phần phức tạp, hay xảy ra cướp bóc, chém giết. Chỉ trong vòng 27 năm (1914 – 1941), thực dân Pháp đã mang về nước tới trên 350.000 tấn quặng kẽm.

Chợ Đồn trong lịch sử cổ đại là mảnh đất sinh sống của người thượng cổ. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy những chiếc rìu đá, những chiếc búa, gáo múc bằng đồng tại khu vực các xã Xuân Lạc, Tân Lập, Bản Thi… Bên cạnh đó, dấu vết các công trình thủy lợi như mương, phai, ao, đập còn để lại ở nhiều nơi cũng là bằng chứng cho việc từng có người tiền cổ sinh sống và sản xuất nông nghiệp (trồng lúa nước) nơi đây.

Mảnh đất của các dân tộc anh em

Trải qua thời gian dài hình thành và phát triển, ngày nay, dân số của Chợ Đồn đã lên tới khoảng 50.000 người, với 5 dân tộc cùng sinh sống: Tày, Nùng, Dao, Kinh và Hoa.

Chiếm số đông nhất trong huyện là dân tộc Tày (khoảng 70%). Người Tày có mặt sớm hơn cả và là chủ thể của vùng đất này.  Dân tộc Nùng chỉ chiếm một bộ phận nhỏ trong dân số (khoảng 1,7%) và có mặt tại đây gần như cùng với thời của người Tày. Dân tộc Dao (chiếm 8,6%) đến sau một thời gian và thường sống ở vùng núi cao. Dân tộc Kinh (khoảng 19,4%) có mặt ở vùng này vào khoảng thế kỷ XVII (theo Chiều Mạc) và tăng lên vào đầu thế kỷ XX, khi thực dân Pháp mở cuộc khai thác nguồn tài nguyên khoáng sản nơi đây. Từ năm 1960 trở đi, thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ, đồng bào miền xuôi tình nguyện lên khai hoang, phát triển kinh tế. Cũng từ đó, số lượng người Kinh tiếp tục tăng lên.

Nền văn hóa lúa nước đặc trưng

Các dân tộc ở Chợ Đồn có một nền sản xuất khá phát triển. Ngoài việc trồng lúa (chủ yếu là lúa nước), đồng bào còn trồng ngô, khoai, sắn và các cây thực phẩm khác như rau, đậu… Cũng như người Kinh ở miền xuôi, kỹ thuật canh tác và công cụ của đồng bào các dân tộc ở đây tương đối cao và khá hoàn chỉnh. Từ lâu, người nông dân các dân tộc Chợ Đồn đã biết dùng phân bón, biết chế tạo các loại nông cụ, như cầy, bừa, quốc, dao… Đặc biệt, đồng bào còn biết làm guồng đưa nước từ thấp lên cao, biết làm máy ép mía, ép dầu…

Bên cạnh nghề trồng trọt và chăn nuôi, đồng bào các dân tộc ở đây còn rất khéo tay trong nghề thủ công đan lát. Cả nam lẫn nữ đều biết đan và thường xuyên đan đồ dùng các loại như: Cót, dậu, bồ, rổ rá, vung chảo, nơm, đó… Phụ nữ rất giỏi nghề trồng bông, kéo sợi, dệt vải; giỏi thêu thùa, may vá, làm thêm những bộ quần áo độc đáo, đậm đà mầu sắc dân tộc. Hầu hết đàn ông đều sử dụng thành thạo các loại vũ khí cầm tay và các dụng cụ chài lưới dùng để săn bắt và đánh cá.

Với đức tính cần cù, chịu khó, thông minh, sáng tạo, từ thời xa xưa, đồng bào nơi đây đã xây dựng nên những công trình thủy điện để dẫn nước vào ruộng. Đó là một hệ thống phai đập, mương máng, những trước guồng đặt trên các khe lạnh… Đồng bào còn biết chế tạo những công cụ thích hợp như cầy, cuốc, liềm… cho đến các loại súng, nỏ để săn bắn thú rừng và cả những chiếc xa kéo sợi, khung cửu dệt vải…

Cùng với sự phát triển sản xuất, hoạt động thương mại cũng ngày càng mở rộng. Từ lâu, chợ Phương Viên (tên là Chợ Đồn) đã nổi tiếng là sầm uất khắp vùng. Đối với một huyện miền núi cao, họp chợ không những có vai trò quan trọng trong việc trao đổi vật phẩm tiêu dùng, mà còn là sự giao lưu văn hóa tình cảm giữa các dân tộc. Người dân ở đây đều coi phiên chợ như một ngày hội; bởi vậy, họ đi chợ với những bộ quần áo đẹp nhất.

Đời sống tinh thần phong phú

Ngoài văn hóa vật chất, đồng bào dân tộc còn có một đời sống tinh thần rất phong phú, đa dạng. Những bài văn vần, thơ, cùng với các điệu si-lượn, bài then… đều được sáng tác trong quá trình lao động sản xuất, rất giàu tính trữ tình và tính giáo dục cao với nội dung ca ngợi cảnh đẹp quê hương, đất nước; ngợi ca mối tình chung thủy lứa đôi, sự hồn nhiên giản dị, cũng như đức tính cần cù, dũng cảm của người dân lao động; đồng thời đả kích những sự bất công, thối nát trong xã hội và những đồi phong bại tục của giai cấp thống trị. Một số truyền thuyết, truyện cổ tích như truyện “Trăm trứng”, “Thánh Gióng”… của người Kinh, truyện “Quả Bầu”, “Phú Luông – Già Cải”, “Vua Giống”… của người Tày, đều ghi lại các sự kiện lịch sử, biết ơn những người có công xây dựng quê hương và giáo dục tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc.

So với các địa phương khác, điều kiện thiên nhiên ở Chợ Đồn có phần khắc nhiệt hơn. Nơi đây thường xảy ra những cơn lũ lớn, những trận sương muối, mưa đá… làm thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản, mùa màng và cả tính mạng con người. Vì thế, dù mỗi dân tộc đều có những phong tục tập quán riêng song luôn gìn giữ được tình đoàn kết, gắn bó trong sản xuất cũng như cuộc sống hàng ngày, giúp nhau vượt qua khó khăn, hoạn nạn.

***

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đời sống nhân dân các dân tộc Chợ Đồn ngày nay không ngừng được nâng cao về cả hai mặt vật chất và tinh thần. Cùng với những bản sắc văn hóa được gìn giữ qua mỗi thế hệ, với truyền thống cách mạng lâu đời của thủ đô kháng chiến, Chợ Đồn ngày nay đang từng bước đi lên, hòa cùng sự phát triển của cả nước./.

   Thành tựu nổi bật trong nông – lâm nghiệp

Những năm qua, kinh tế nông nghiệp, nông thôn của huyện Chợ Đồn đã có những chuyển biến rõ rệt. Tiềm năng, lợi thế của địa phương bước đầu được khai thác có hiệu quả.

Những năm qua, huyện Chợ Đồn đã đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp với phương châm đẩy nhanh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng cường đầu tư thâm canh, nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác.        Bên cạnh đó là các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất. Nhờ đó, kết quả sản xuất nông lâm nghiệp có những bước tiến vượt bậc.

Trong 5 năm từ 2005 đến 2009, hệ số sử dụng đất tăng từ 1,67 lần lên 1,73 lần; các mô hình cánh đồng 30 triệu đồng, 50 triệu đồng/ha được nhân rộng từ 88ha lên 314ha; sản lượng lương thực có hạt tăng từ 22.000 tấn lên trên 24.300 tấn; bình quân lương thực đầu người vượt so với chỉ tiêu kế hoạch…

Ngoài các diện tích trồng cây nông nghiệp, Chợ Đồn cũng có diện tích rừng rộng lớn, với nhiều loại gỗ quý hiếm. Chợ Đồn hiện có trên 64.000ha đất lâm nghiệp, chiếm 71,04% tổng diện tích tự nhiên toàn huyện. Trong đó rừng sản xuất có trên 47.000ha; rừng phòng hộ có gần 15.500ha, rừng đặc dụng có 1.700ha. Độ che phủ rừng đạt trên 57%, phân bố trên tất cả các xã, thị trấn. Thành phần của rừng hiện có chủ yếu là cây gỗ tạp, tre, nứa, Keo, Mỡ và một số loại gỗ quý hiếm.

Rừng là tài nguyên, là lợi thế tuyệt đối của huyện Chợ Đồn, khai thác hợp lý rừng sẽ không chỉ là nguồn nguyên liệu nhằm phát triển công nghiệp chế biến cho thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu mà còn là nền tảng vững chắc cho giai đoạn phát triển bền vững sau này. Những năm qua, huyện đã đầu tư nhiều cho công tác quản lý, phát triển và khai thác tài nguyên rừng.

Để phát triển được quỹ rừng, được sự hỗ trợ của Trung ương, tỉnh và các tổ chức quốc tế, huyện Chợ Đồn đã thực hiện nhiều chương trình, dự án, trong đó có các Chương trình 135, 134, Dự án 327, Dự án PAM 5322, Dự án Hợp tác lâm nghiệp Việt Nam – Hà Lan, Dự án 661, Dự án 147…, nhờ đó không chỉ khai thác nguồn tài nguyên rừng hợp lý, phát triển bền vững mà còn giúp người dân nâng cao thu nhập từ việc trồng rừng.

Cùng với việc phát triển cây lương thực và các loại cây màu khác, huyện Chợ Đồn đã và đang tập trung phát triển, mở rộng diện tích, nâng cao năng suất, chất lượng các loại cây đặc sản có giá trị kinh tế cao. Đến nay, nhiều loại nông sản địa phương đã trở thành sản phẩm uy tín trên thị trường, được người dân ưa chuộng, trong đó tiêu biểu là Chè Shan (Tuyết), Hồng không hạt, Gạo Bao thai, Rượu men lá…

     Tiềm năng phát triển đặc sản nông nghiệp

Trong lịch sử, Chợ Đồn được biết đến như một địa danh gắn liền với nhiều sự kiện quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Pháp, nhiều di tích lịch sử quốc gia có giá trị quan trọng. Ngày nay, Chợ Đồn nổi tiếng bởi chất lượng, thương hiệu của những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, trong đó nổi bật là Chè Shan (Tuyết), Gạo Bao thai, Hồng không hạt.

     Chè Shan (Tuyết)

Những năm trước đây chè Shan (Tuyết) ở địa phương chủ yếu được sản xuất theo hướng tự túc tự cấp, ít được biết đến. Những năm trở lại đây, được sự đầu tư của nhà nước, chính quyền từ tỉnh đến huyện, một tuyến đường nhựa dài hơn 10km từ xã Phương Viên đến xã Bằng Phúc đã được xây dựng. Giao thông thuận lợi đã tạo điều kiện để địa phương tiếp tục phát triển, quảng bá chè Shan tuyết Bằng Phúc đến nhiều nơi, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện kinh tế hộ gia đình, phát triển kinh tế – xã hội địa phương.

Nhằm phát huy tiềm năng đất đai, thế mạnh của các vùng có khí hậu đặc thù ở địa phương và tạo ra vùng sản xuất hàng hoá tập trung, Bắc Kạn đã triển khai thực hiện nhiều chương trình nghiên cứu, phát triển, trong đó có Dự án Xây dựng mô hình trồng và thâm canh chè Shan (Tuyết) theo hướng tập trung tại huyện Chợ Đồn. Bằng những giống chè Shan (Tuyết) được chọn lọc nhằm hình thành vùng chè có năng suất cao, chất lượng cao, tạo ra sản phẩm hàng hoá đặc sản, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế cho vùng dự án. Hiện nay, diện tích chè Shan (Tuyết) tại huyện Chợ Đồn có khoảng gần 1.000ha.

     Gạo Bao thai

Cùng với chè Shan (Tuyết), gạo Bao thai Chợ Đồn hiện nay đã nổi tiếng xa gần. Đây là giống lúa đặc biệt, không ưa thâm canh, phụ thuộc vào ánh sáng, ít sâu bệnh, thích nghi với chất đất và khí hậu các xã của huyện Chợ Đồn. Giống lúa này cho năng suất cao hơn các giống lúa bao thai thông thường, có độ dẻo, thơm quyến rũ ngay cả khi đã được chế biến thành, bún, bánh phở, bánh cuốn.

    Với sự quan tâm, đầu tư nghiên cứu, mở rộng của chính quyền và ngành chức năng, đến nay, sản phẩm Gạo Bao thai Chợ Đồn đã được Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho gạo Bao Thai Chợ Đồn. Theo đó, toàn huyện có 238 hộ được phép sử dụng nhãn hiệu tập thể thuộc thị trấn Bằng Lũng và các xã: Phương Viên, Ngọc Phái, Quảng Bạch, Đồng Lạc, Đông Viên, Rã Bản, Yên Nhuận và Bình Trung.

Hiện tại, UBND huyện đã giao cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì thực hiện dự án “Quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể Gạo Bao thai Chợ Đồn”. Mục tiêu mà huyện Chợ Đồn đặt ra là quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể từ đó tăng chất lượng sản phẩm và tính cạnh tranh trên thị trường, tạo nguồn thu lợi nhuận cao cho người sản xuất. Huyện chủ trương xây dựng quy trình sản xuất Gạo Bao thai theo hướng đồng bộ từ sản xuất tới bảo quản, chế biến, thu mua, lưu thông.

     Hồng không hạt

Bên cạnh chè Shan (Tuyết), gạo Bao Thai, huyện Chợ Đồn cũng có điều kiện khí hậu, đất đai rất phù hợp để phát triển cây Hồng không hạt – sản phẩm đã được cấp Chỉ dẫn địa lý. Hồng không hạt là loại quả có mùi vị thơm ngon đặc trưng, quả giòn, nhiều cát, có giá trị dinh dưỡng cao. Những năm qua, cây Hồng không hạt đã giúp người dân một số địa phương trong tỉnh Bắc Kạn nâng cao thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình. Hiện nay, huyện Chợ Đồn đang có những cơ chế khuyến khích người dân cũng như các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, mở rộng diện tích gieo trồng loại cây đặc sản này.

Hiện nay, toàn huyện có gần 100ha tập trung nhiều tại các xã Quảng Bạch, Đồng Lạc, Ngọc Phái… Vụ trồng hồng không hạt năm 2012, Chợ Đồn có kế hoạch trồng 60ha. Để khuyến khích người dân mở rộng diện tích, UBND huyện Chợ Đồn đã có phương án hỗ trợ cho 25% giá cây giống và 0,3kg phân bón/cây các hộ gia đình trồng năm đầu và đúng quy trình kỹ thuật. Ngoài ra xã Quảng Bạch còn được triển khai mô hình quy hoạch cải tạo vườn tạp để trồng Hồng không hạt… Từ nay đến 2015, huyện Chợ Đồn phấn đấu mỗi năm trồng thêm 60ha Hồng không hạt, đưa cây Hồng không hạt trở thành cây trồng mũi nhọn của, góp phần xoá đói giảm nghèo ở địa phương.

***

     Cũng như nhiều địa phương khác, huyện Chợ Đồn có nhiều lợi thế trong sản xuất nông lâm nghiệp. Tuy nhiên, điểm khác biệt ở đây chính là tiềm năng đối với các loại cây trồng đặc sản của địa phương. Hiện nay, tỉnh Bắc Kạn và huyện Chợ Đồn tiếp tục dành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư cho các doanh nghiệp, tổ chức quan tâm, mong muốn đầu tư vào lĩnh vực nông – lâm nghiệp của địa phương…/.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây