Giới thiệu khái quát thành phố Bắc Kạn
Sau khi hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn sáp nhập thành tỉnh Bắc Thái vào năm 1965, đến ngày 14 tháng 4 năm 1967, Hội đồng chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã hạ cấp thị xã Bắc Kạn thành thị trấn Bắc Kạn trực thuộc huyện Bạch Thông. Đến ngày 16 tháng 7 năm 1990, thị trấn Bắc Kạn được giải thể để thành lập thị xã Bắc Kạn trực thuộc tỉnh Bắc Thái. Năm 1997, sau khi tỉnh Bắc Kạn được tái lập, thị xã Bắc Kạn trở thành tỉnh lị của tỉnh này.[1] Khi tái lập thị xã Bắc Kạn, thị xã chỉ có 3 phường: Đức Xuân, Phùng Chí Kiên, Sông Cầu. Ngày 31 tháng 5 năm 1997, sáp nhập thị trấn Minh Khai và 4 xã: Dương Quang, Huyền Tụng, Nông Thượng, Xuất Hóa thuộc huyện Bạch Thông vào thị xã Bắc Kạn; đổi tên thị trấn Minh Khai thành phường Nguyễn Thị Minh Khai.
Ngày 2 tháng 8 năm 2012, thị xã Bắc Kạn được công nhận là đô thị loại 3 trực thuộc tỉnh Bắc Kạn.[2]
Ngày 11 tháng 3 năm 2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 892/NQ-UBTVQH13 chuyển 2 xã Xuất Hóa, Huyền Tụng thuộc thị xã Bắc Kạn thành 2 phường có tên tương ứng và chuyển thị xã Băc Kạn thành thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn.
Điều kiện tự nhiên thành phố Bắc Kạn
Vị trí địa lý:
Thành phố Bắc Kạn nằm trong giới hạn tọa độ địa lý 2208’5” đến 2209’23”vĩ độ Bắc từ 105049‘30”đến 105051‘15”kinh độ Đông.
+ Phía Bắc: giáp xã Cẩm Giàng, Hà Vị – huyện Bạch Thông.
+ Phía Nam giáp xã Thanh Vân, Hoà Mục – huyện Chợ Mới.
+ Phía Đông giáp xã Mỹ Thanh – huyện Bạch Thông.
+ Phía Tây giáp xã Quang Thuận, Đôn Phong – huyện Bạch Thông.
Thành phố Bắc Kạn cách Hà Nội hơn 160km, có tuyến Quốc lộ 3 chạy qua, nối liền với Cao Bằng và Thái Nguyên, nhánh quốc lộ 3B nối liền với Lạng Sơn và Quốc lộ 279 nối liền với tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Lạng Sơn.
Địa hình:
Thành phố Bắc Kạn là thung lũng lòng chảo nằm theo hai bờ sông Cầu xung quanh đều có các dãy núi bao bọc, hướng dốc từ Tây sang Đông. Độ cao trung bình từ 150 đến 200m. Đỉnh núi cao nhất là đỉnh núi Khau Nang (xã Dương Quang) cao 746m, Nặm Dất (xã Xuất Hóa) cao 728m. Nhìn chung địa hình tự nhiên thành phố Bắc Kạn bao gồm:
– Địa hình núi đá vôi tập trung ở phía Nam xã Xuất Hóa, có địa hình phức tạp.
– Địa hình vùng núi đất phân bố hầu hết ở các xã, phường, độ cao từ 150m đến 160m so với mực nước biển. Thành phần đá mẹ chủ yếu là sa kết, bột kết, sét kết, rải rác có khu vực thành phần đá mẹ có nguồn gốc Mác ma hoặc biến chất.
– Địa hình thung lũng: Hầu hết các phường nội thành, là khu vực có địa hình tương đối bằng phẳng.
Khí hậu:
Thành phố Bắc Kạn chịu ảnh hưởng chung của khí hậu miền núi phía Bắc Việt Nam. Được hình thành từ một nền nhiệt đới cao của đới chí tuyến và sự thay thế của các hoàn lưu lớn theo mùa, kết hợp với điều kiện địa hình nên mùa đông (từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau) giá lạnh, nhiệt độ không khí thấp, trời khô hanh, có sương muối; mùa hè (từ tháng 4 đến tháng 9), nóng ẩm mưa nhiều.
Thủy văn:
Thành phố Bắc Kạn chịu ảnh hưởng của chế độ thủy văn sông Cầu (Sông Cầu chảy qua địa bàn tỉnh Bắc Kạn dài 100 km và qua địa phận thành phố Bắc Kạn dài khoảng 20km, chiều rộng trung bình 40m) và các suối chảy qua địa bàn Thành phố như suối Nặm Cắt, suối Nông Thượng, suối Pá Danh, suối Xuất Hóa. Sông suối có độ dốc bị bồi lắng do đất đá ở thượng nguồn trôi về làm cho dòng chảy của sông, suối bị thu hẹp lại, mùa mưa gây úng ngập ở hai bên bờ sông, suối.
Thành phố Bắc Kạn: Thế và lực
Với vị trí là trung tâm tỉnh lỵ tỉnh Bắc Kạn, thành phố Bắc Kạn được Tỉnh, Trung ương quan tâm đầu tư. Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, phát huy truyền thống đoàn kết, lao động cần cù, sáng tạo của nhân dân các dân tộc, truyền thống đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, thành phố Bắc Kạn có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển.
Là trung tâm thương mại của tỉnh, thành phố Bắc Kạn là nơi phân phối, trung chuyển hàng hóa đến các huyện trong toàn tỉnh; đồng thời là trung tâm trao đổi hàng hóa từ các nơi trong tỉnh tập trung về, trong đó có nhiều sản phẩm nông lâm sản có thương hiệu nổi tiếng như: Gạo bao thai Chợ Đồn, Quýt, Hồng không hạt, Miến dong Bắc Kạn,…
Nằm trong tiểu vùng du lịch miền núi Đông Bắc, Bắc Kạn có một vị trí quan trọng trong phát triển du lịch chung của tiểu vùng. Tỉnh Bắc Kạn có một tiềm năng tài nguyên du lịch phong phú với một quần thể di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh đẹp với các lễ hội văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc như hội “Lồng tồng”, các làn điệu hát then, sli lượn… của đồng bào Tày; lễ hội cầu mùa, Lễ Cấp sắc của người Dao,… Những điểm du lịch và hoạt động văn hóa này đang ngày càng thu hút nhiều khách du lịch trong nước và Quốc tế. Hiện nay thành phố Bắc Kạn đang phát triển nhiều khách sạn, nhà hàng và các cơ sở dịch vụ phục vụ phát triển kinh tế và du lịch, tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ – thương mại – dịch vụ – du lịch. Với Dự án công trình Hồ chứa nước Nặm Cắt thuộc xã Dương Quang đang triển khai khi đưa vào sử dụng và khai thác, không những cung cấp đủ nước tưới tiêu cho các cánh đồng lúa, màu xã Dương Quang, phường Huyền Tụng, điều tiết nước các con sông chảy qua địa bàn Thành phố mà còn tạo ra một tiềm năng lớn cho du lịch sinh thái. Bên cạnh đó, cùng với nhiều di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh và di tích danh lam thắng cấp Quốc gia động Áng Toòng nằm trong quần thể khu du lịch sinh thái Nà Noọc – Áng Toòng; các công trình văn hóa tín ngưỡng tâm linh như Đền Cô, Đền Mẫu,…sẽ là những địa điểm du lịch rất hấp dẫn đối với du khách.
Từ thành phố Bắc Kạn có thể dễ dàng đến các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, du lịch sinh thái trong và ngoài tỉnh như: Hồ Ba Bể (huyện Ba Bể) – một trong 20 hồ nước ngọt đẹp nhất thế giới – di tích danh thắng đặc biệt cấp quốc gia. Các khu di tích lịch sử cách mạng và kháng chiến như: Di tích lịch sử Nà Tu (Bạch Thông) – nơi Bác Hồ đến thăm và tặng lực lượng Thanh niên xung phong 4 câu thơ đã trở thành khẩu hiệu hành động của thanh niên Việt Nam “Không có việc gì khó, Chỉ sợ lòng không bền, Đào núi và lấp biển, Quyết chí ắt làm nên”, di tích Đồn Phủ Thông (Bạch Thông); các di tích lịch sử ATK thuộc huyện Chợ Đồn; Khu di tích lịch sử Pác Bó (Cao Bằng), khu ATK (Định hóa – Thái Nguyên), khu di tích lịch sử cách mạng Tân Trào (Tuyên Quang),… Các công trình văn hóa tín ngưỡng như: Đền Thác Giềng, Đền Thắm, chùa Thạch Long (Chợ Mới), đền An mã, Chùa Phố cũ (Ba Bể),…
Với hệ thông giao thông thuận tiện: nằm trên trục đường Quốc lộ 3, có nhánh quốc lộ 3B đi qua và các đường tỉnh lộ, quốc lộ khác, thành phố Bắc Kạn có thể giao lưu thuận lợi với các đô thị phát triển của vùng Đông Bắc: Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang và thủ đô Hà Nội…
Thác Nà Noọc được công nhận là di tích danh thắng cấp tỉnh
Ngày 08/11/2010, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Đức Lân đã ký Quyết định công nhận Thác Nà Noọc thuộc xã Xuất Hóa, thị xã Bắc Kạn là di tích danh lam thắng cảnh của tỉnh.
Thác Nà Noọc (còn gọi là Thác Bạc) nằm ở chân Đèo Áng Toòng thuộc xã Xuất Hóa, thị xã Bắc Kạn, đây là thác nước tự nhiên, có chiều dài khoảng 5 km, bắt nguồn từ hai dòng suối là suối Nặm Dắt và suối Nà Khu thuộc xã Tân Sơn, huyện Chợ Mới. Toàn bộ hệ thống thác gồm 5 ngọn thác có độ cao 300 m so với mực nước biển. Vào mùa nước nhiều, thác nước trông xa như một chiếc khăn lụa trắng mềm mại mà nàng tiên nữ vì mải mê với vẻ đẹp nhân gian đã bỏ quên lại.
Khu vực thác Nà Noọc chủ yếu là rừng nguyên sinh với thảm thực vật, động vật phong phú, không chỉ có giá trị về nghiên cứu địa chất, địa mạo mà còn là một địa điểm du lịch sinh thái hấp dẫn bởi nơi đây có sơn thủy hữu tình với khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm. Cách Thác 7 km, gần Quốc lộ 3 có Đền Thác Giềng do nhân dân địa phương xây dựng, với các hoạt động văn hóa tín ngưỡng thu hút du khách đến thăm quan, nghỉ dưỡng. Bởi vậy, việc công nhận, quy hoạch, bảo tồn di tích danh lam thắng cảnh Thác Nà Noọc có ý nghĩa rất quan trọng trong việc khai thác tiềm năng du lịch, đồng thời góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường, nguồn nước./.
Thành phố Bắc Kạn – Lịch sử hình thành và phát triển
Trong quá trình hình thành và phát triển Thành phố Bắc Kạn có nhiều biến đổi về dân số địa giới hành chính. Theo các tư liệu lịch sử, kể từ khi có Nhà nước Văn Lang dưới thời các Vua Hùng, Bắc Kạn nằm trong bộ Vũng Định. Thời nhà Lý, vùng đất này thuộc phủ Phú Lương. Năm 1460, phủ Phú Lương đổi thành thừa tuyên Ninh Sóc. Năm 1490, nhà Lê tách một phần đất phía Bắc thừa tuyên Ninh Sóc đặt thêm phủ Thông Hóa. Bắc Kạn nằm trong phủ Thông Hóa thuộc xứ Thái Nguyên.
Địa danh Bắc Kạn xuất hiện trong các văn bản lần đầu vào khoảng thế kỷ XVII. Theo nhân dân địa phương từ “Bắc Kạn” được gọi chệch từ chữ “Pác cáp” (tiếng Tày), có nghĩa là nơi hợp lưu của các dòng chảy.
Vào buổi sơ khai, địa phận Bắc Kạn mới chỉ trong một phạm vi rất hẹp, lúc gọi là phố, lúc gọi là trại và chủ yếu nằm trong trung tâm của Thành phố bây giờ. Nhà cửa thưa thớt, dân cư rất ít. Đến thời nhà Nguyễn (triều vua Minh Mạng) bắt đầu đặt tên cho các tỉnh. Vào năm 1831, xứ Thái Nguyên đổi thành tỉnh Thái Nguyên, gồm 2 phủ: Phú Bình và Thông Hóa. Sau đó, chính quyền phong kiến nhà Nguyễn tách một số châu, huyện thuộc phủ Phú Bình, lập thêm phủ mới – phủ Tòng Hóa.
Ngày 11-4-1900, ngay sau khi chiếm vùng đất Bắc Kạn, toàn quyền Đông Dương P. Đu – me ra Nghị định thành lập tỉnh Bắc Kạn, tách khỏi tỉnh Thái Nguyên. Lúc mới thành lập, tỉnh Bắc Kạn có các châu: Bạch Thông, Chợ Rã, Thông Hóa (sau gọi Ngân Sơn), Cảm Hóa (tức Na Rì). Năm 1916 thực dân Pháp cắt một phần đất phía tây châu Bạch Thông và phần đất phía Nam châu Chợ Rã để lập ra châu Chợ Đồn. Vào thời gian đó, Bắc Kạn có 5 châu, 20 tổng và 103 xã, bản với số dân 36.000 người. Tháng 7-1901, thị xã Bắc Kạn được thành lập vừa là tỉnh lỵ của tỉnh Bắc Kạn vừa là châu lỵ của châu Bạch Thông. Thị xã trở thành trung tâm hành chính, kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa của tỉnh Bắc Kạn. Các cơ quan đầu não bộ máy cai trị của chính quyền thực dân phong kiến đều đóng ở đây.
Lúc mới thành lập, thị xã chỉ có một cụm dân cư thưa thớt sống trong một dãy phố nhỏ. Mấy năm sau, theo quy định của chính quyền thực dân, phong kiến, thị xã Bắc Kạn có 3 phố chính: Định Bình (khu vực phố Đức Xuận), Hoài Ân (khu vực phố Phùng Chí Kiên) và Tòng Hóa (khu vực phố Đội Kỳ).
Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, nhất là sau ngày giải phóng (1949), thị xã Bắc Kạn được mở rộng thêm gồm 6 phố và lấy tên các chiến sĩ cộng sản, các nhà yêu nước đã anh dũng hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc như: Đội Kỳ, Đội Thân, Minh Khai, Chí Kiên, Đức Xuân, đặt tên cho các phố.
Năm 1965, theo chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã quyết định nhập hai tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên thành tỉnh Bắc Thái.
Năm 1967, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định nhập thị xã Bắc kạn vào huyện Bạch Thông, thị xã Bắc Kạn trở thành thị trấn huyện lỵ của huyện Bạch Thông.
Ngày 16 tháng 7 năm 1990, Hội đồng Bộ trưởng ra quyết định số 262/HĐBT về việc thành lập thị xã Bắc Kạn. Theo quyết định này, thị xã Bắc Kạn được thành lập gồm 03 đơn vị hành chính với 1.307ha diện tích tự nhiên và 9.468 nhân khẩu trên cơ sở các phố Nà Mày, Đội Thân, Đức Xuân, Đội Kỳ, Phùng Chí Kiên của thị trấn Bắc Kạn và các bản Phiêng Luông, Tổng Tò, Khuổi Rờm, Nà Rào thuộc xã Dương Quang, Bản Áng thuộc xã Huyền Tụng huyện Bạch Thông.
Ngày 01 tháng 01 năm 1997, tỉnh Bắc Kạn được tái lập, theo Nghị quyết kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa IX của nước Công hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Thị xã Bắc Kạn trở thành thị xã tỉnh lị của tỉnh Bắc Kạn và tiếp tục được mở rộng về diện tích và dân số, với 08 đơn vị hành chính (04 xã: Dương Quang, Xuất Hóa, Huyền Tụng, Nông Thượng và 04 phường: Đức Xuân, Sông Cầu, Phùng Chí Kiên, Nguyễn Thị Minh Khai), trên cơ sở 3 phường cũ của thị xã là Đức Xuân, Sông Cầu, Phùng Chí Kiên và sáp nhập thêm xã Dương Quang, xã Nông Thượng, thị trấn Nguyễn Thị Minh Khai, xã Xuất Hóa, xã Huyền Tụng của huyện Bạch Thông.
Với vi trí là trung tâm hành chính, kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa của tỉnh, thị xã Bắc Kạn được Trung ương, tỉnh quan tâm đầu tư, cùng với sự cố gắng nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc, sau gần 20 năm tái lập tỉnh thị xã Bắc Kạn đã có bước phát triển khá toàn diện. Chính trị xã hội ổn định, kinh tế phát triển, cơ sở hạ tầng đô thị được qui hoạch xây dựng theo hướng hiện đại, văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đạt được nhiều chuyển biến tích cực.
Ngày 02 tháng 8 năm 2012, thị xã Bắc Kạn đã đượccông nhận là đô thị loại III trực thuộc tỉnh Bắc Kạn.
Ngày 11/3/2015, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ra Nghị quyết số 892/NQ-UBTVQH13 thành lập các phường Xuất Hoá, Huyền Tụng thuộc thị xã Bắc Kạn và thành lập thành phố Bắc Kạn thuộc tỉnh Bắc Kạn. Theo đó, thị xã Bắc Kạn có thêm 2 phường Xuất Hóa, Huyền Tụng trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của 2 xã Xuất Hóa, Huyền Tụng. Thành phố Bắc Kạn được thành lập trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số và các đơn vị hành chính của thị xã Bắc Kạn (6 phường: Đức Xuân, Sông Cầu, Nguyễn Thị Minh Khai, Phùng Chí Kiên, Xuất Hóa, Huyền Tụng; 2 xã: Dương Quang, Nông Thượng).
Do có nhiều thành tích đóng góp trong 2 cuộc kháng chiến, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Thành phố Bắc Kạn đã vinh dự được Đảng, Nhà nước ghi nhận và tặng nhiều phần thưởng cao quý:
+ Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vì đã có thành tích xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (năm 2000);
+ Huân chương lao động hạng Ba (năm 2006);
+ Huân chương lao động hạng Nhì (năm 2013);
+ Cờ thi đua của Chính phủ những năm 1997, 1998, 1999, 2007, 2008, 2010, 2011;