Giới thiệu khái quát huyện Ngân Sơn

Giới thiệu khái quát huyện Ngân Sơn

Giới thiệu khái quát huyện Ngân Sơn

1. Điều kiện tự nhiên

1.1. Vị trí địa lý

Ngân Sơn là huyện miền núi nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Bắc Kạn có toạ độ địa lý trong khoảng từ  22010’00” đến 22029’00” độ vĩ Bắc và từ 105050’10” đến 106001’10” độ kinh Đông.

Phía Bắc giáp tỉnh Cao Bằng.

Phía Đông giáp tỉnh Cao Bằng và tỉnh Lạng Sơn.

Phía Nam giáp huyện Bạch Thông và huyện Na Rì.

Phía Tây giáp huyện Ba Bể.

Diện tích đất tự nhiên của huyện có 64.587,00 ha và được chia thành 11 đơn vị hành chính cấp xã (10 xã và 01 thị trấn).

Xã Vân Tùng là trung tâm văn hoá, chính trị của cả huyện, cách trung tâm thị xã Bắc Kạn khoảng 65km về phía Bắc theo Quốc lộ 3.

Quốc lộ 3 là tuyến giao thông chính chạy xuyên suốt qua địa bàn huyện theo chiều Tây Nam – Đông Bắc.

1.2. Địa hình, địa mạo.

Địa hình Ngân Sơn là nơi hội tụ của hệ thống nếp lồi dạng cánh cung, bị chia cắt mạnh bởi hệ thống sông suối, núi đồi trùng điệp và thung lũng sâu tạo thành các kiểu địa hình khác nhau: Địa hình núi cao trung bình, địa hình núi thấp và đồi thoải lượn sóng xen kẽ với các thung lũng, địa hình đồi bát úp và các cánh đồng nhỏ hẹp. độ dốc bình quân 26- 300, diện tích đồi núi chiếm khoảng 90% tổng diện tích tự nhiên, diện tích tương đối bằng phẳng chiếm khoảng 10%, đất nông nghiệp chủ yếu là ruộng bậc thang và các bãi bồi dọc theo hệ thống sông suối.

Địa hình phức tạp gây khó khăn cho hoạt động sản xuất nông nghiệp nhất là nguồn nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, mùa khô gây ra hạn hán, mùa mưa gây ra ngập úng cục bộ.

1.3. Khí hậu

Ngân Sơn nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, một năm có hai mùa rõ rệt, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10 và mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau.

Nhiệt độ trung bình hàng năm thấp 20,70C. Sự chênh lệch nhiệt độ trung bình các tháng trong năm tương đối cao. Tháng nóng nhất trong năm là tháng 7 nhiệt độ trung bình là 26,100C, thấp nhất là tháng 1 nhiệt độ trung bình là 11,900C, nhiệt độ tối thấp tuyệt đối là 20C gây giá buốt ảnh hưởng rất lớn đến cây trồng vật nuôi.

Lượng mưa trung bình năm là 1.248,2 mm, phân bố không đều giữa các tháng trong năm, mưa tập trung vào các tháng 5,6,7,8; vào tháng 11 lượng mưa không đáng kể, hàng năm trên địa bàn huyện xuất hiện mưa đá từ 1 đến 3 lần.

Độ ẩm không khí khá cao 83,0%, cao nhất vào các tháng 7,8,9,10 từ 84- 86% thấp nhất là tháng 12 và tháng 1 năm sau. Nhìn chung độ ẩm không khí trên địa bàn huyện không có sự chênh lệch nhiều giữa các tháng trong năm.

Chế độ gió trên địa bàn huyện xuất hiện hai hướng gió thịnh hành là gió mùa Đông Bắc và gió mùa Đông Nam, tốc độ gió bình quân 1- 3 m/s, tháng 4 vào giai đoạn chuyển mùa gió thổi cả ngày với vận tốc trung bình từ 2- 3 m/s, thời kỳ chuyển từ mùa Hạ sang mùa Đông tốc độ gió yếu nhất trong năm.

Bão ít ảnh hưởng đến Ngân Sơn vì nằm sâu trong đất liền và được che chắn bởi các dãy núi cao, lượng mưa trong năm không lớn nhưng lại tập trung nên xảy ra tình trạng lũ lụt ở một số vùng.

1.4. Thuỷ văn

Hệ thống thuỷ văn trên địa bàn huyện được phân bố khá dày đặc, song hầu hết đều ngắn, lưu vực nhỏ, độ dốc dòng chảy lớn và có nhiều thác ghềnh.

Do cấu tạo địa hình cánh cung, dãy núi cao nên Ngân Sơn được coi là ngôi nhà phân chia nước về các huyện trên địa bàn tỉnh nói riêng và các tỉnh lân cận nói chung.

Sông Bằng Giang bắt nguồn từ dãy núi Khao Phan (Ngân Sơn) chảy qua huyện Na Rì sang Lạng Sơn. Đoạn chảy qua huyện Ngân Sơn có chiều dài 35km, rộng 50m – 70m.

Nhìn chung hệ thống sông ngòi trên địa bàn được chi phối trực tiếp bởi cấu tạo địa hình trên địa bàn huyện, về mùa mưa địa hình dốc lớn gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và sinh hoạt, gây xói mòn rửa trôi.

Chế độ thuỷ văn của huyện phụ thuộc chủ yếu vào hệ thống sông ngòi, hồ đập trong khu vực của huyện và khu vực phụ cận, một số hệ thống khe suối thuộc khu vực thuợng nguồn (sông Bằng Giang). Sông có độ dốc dọc thuỷ văn trung bình 4-5%, suối trung bình 8-10%. Khe nhỏ có độ dốc dọc thuỷ văn càng lớn vì thế sau những trận mưa rào thường hay có lũ quét.

2. Các nguồn tài nguyên.

2.1. Tài nguyên đất.

Theo kết quả nghiên cứu của Tổng Cục địa chất thì Ngân Sơn nằm trong vùng địa chất có địa hình phức tạp của tỉnh Bắc Kạn. Trên địa hình của tỉnh có bao nhiêu kiểu địa mạo thì có bấy nhiêu kiểu kiến trúc địa chất, trong đó có Cánh cung Ngân Sơn có các loại Granít, Rhyonít, phiến sét, thạch anh, đá vôi…

Phân bố các loại đất chính trên đại bàn huyện như sau:

Đất Feralít màu vàng nhạt trên núi trung bình(FH): Được phân bố trên các đỉnh núi cao >700m, trên nền đá măcma axit kết tinh chua, đá trầm tích và biến chất, hạt mịn, hạt thô….Tầng đất mỏng, đá nổi nhiều, đất ẩm và có tầng thảm mục khá dày, ẩm, đá nổi dày.

Đất Feralít hình thành trên vùng đồi núi thấp (phát triển trên đá sa thạch):  Đặc điểm là tầng mỏng đến trung bình. Thành phần cơ giới nhẹ, màu vàng đỏ. Thích hợp với cây trồng nông – lâm nghiệp.

2.2. Các loại tài nguyên khác

a. Tài nguyên nước

Nguồn nước mặt: Lưu vực một số suối có nước quanh năm, vào mùa khô lưu lượng nước ít hơn do độ dốc địa hình lớn (lưu vực suối Lủng Sao- xã Bằng Vân). Một số suối chỉ có nước vào mùa mưa, mùa khô hầu như không có. Vì vậy, khai thác nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt cần phải có sự đầu tư lớn.

Nguồn nước ngầm: Do địa hình miền núi nên nước ngầm chỉ có ở chân các hợp thuỷ và gần suối, mạch nước ngầm cách mặt đất khoảng từ 3- 3,5 m, hình thức khai thác là dùng giếng khoan.

b. Tài nguyên rừng: Diện tích đất Lâm nghiệp có 51.712,78 ha theo kết quả kiểm kê đất đai năm 2010, chiếm 80,06% diện tích tự nhiên của huyện, trong đó:

Rừng sản xuất có 26.468,41 ha, chiếm 47,34% diện tích đất nông nghiệp nghiệp.

Rừng phòng hộ có 25.244,37 ha, chiếm 45,15% diện tích đất nông nghiệp.

Về trữ lượng gỗ: Tính bình quân chung diện tích rừng gỗ (tự nhiên núi đất, núi đá, hỗn giao và rừng trồng) thì trữ lượng gỗ lớn đạt trên 45m3/ha với nhiều loại gỗ quý nhóm I, II, III… đối với rừng tre nứa hỗn giao đã cung cấp vật liệu cho xây dựng và nguyên liệu giấy.

* Khó khăn, hạn chế: Địa hình chia cắt mạnh và những yếu tố bất lợi của thiên nhiên như lũ lụt gây khó khăn, tốn kém trong xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng, bố trí sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân.

Truyền thống cách mạng hào hùng

Từ trước cách mạng tháng tám năm 1945 và trải qua những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp nhân dân các dân tộc huyện Ngân Sơn nói riêng và cả vùng núi Việt Bắc đã phát huy mạnh mẽ tinh thần dân tộc, truyền thống cách mạng, viết lên những trang sử vẻ vang và oanh liệt.

Dưới thời thực dân Pháp đô hộ, cuộc sống của đồng bào các dân tộc huyện Ngân Sơn phải chịu nhiều khó khăn, gian khổ. Vì lẽ đó, nhân dân nơi đây đã sớm giác ngộ cách mạng. Năm 1943, tại thôn Bản Duồm, xã Thượng Ân đã thành lập được chi bộ Chí Kiên – chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên của tỉnh Bắc Kạn. Tiếp đó các phong trào cách mạng phát triển mạnh, công tác xây dựng các đội tự vệ chiến đấu được đặc biệt được coi trọng.

Năm 1944, đứng trước phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ trên cả nước đòi hỏi phải có một đội quân chủ lực đi đầu trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân.

Đầu năm 1945, một bộ phận của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được điều về hoạt động và gây cơ sở ở Ngân Sơn. Đoàn quân đã được nhân dân các dân tộc nồng nhiệt chào đón. Phong trào cách mạng ở Ngân Sơn như được tiếp thêm một luồng sinh khí mới, hàng trăm thanh niên địa phương hăng hái, tình nguyện gia nhập Đội và các đơn vị tự vệ chiến đấu. Lực lượng cách mạng Ngân Sơn có bước phát triển mới cả về số lượng và chất lượng.

Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp, thực hiện Chỉ thị của cấp trên, các đội tự vệ chiến đấu của các địa phương trong toàn huyện đã phối hợp chặt chẽ với đơn vị Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, đẩy mạnh các hoạt động đấu tranh vũ trang, diệt ác, trừ gian, binh vận và các hình thức đấu tranh chính trị khác trên toàn địa bàn. Đến tháng 3/1945, chính quyền cách mạng được thành lập ở hầu hết các xã trong huyện.

Với tinh thần chủ động tiến công địch trên các mặt, quân và dân Ngân Sơn không những đã bảo vệ thành công chính quyền cách mạng non trẻ ở từng cơ sở mà còn thúc đẩy phong trào cách mạng trên toàn huyện chuyển sang một giai đoạn phát triển cao hơn về chất lượng, góp phần xứng đáng cùng nhân dân các dân tộc trong tỉnh và đồng bào cả nước làm nên thắng lợi vĩ đại của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945.

Phát huy truyền thống của quê hương cách mạng, huyện Ngân Sơn đã và đang có những khởi sắc về mọi mặt, từng bước khai thác  tiềm năng thế mạnh của địa phương. Có được những kết quả trên, đó là nhờ sức mạnh đoàn kết của đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong toàn huyện, không ngừng phấn đấu, vượt qua khó khăn, thi đua thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ đề ra.

Đời sống văn hóa tinh thần phong phú

Huyện Ngân Sơn hiện có 28.421 người với nhiều thành phần dân tộc cùng sinh sống nhưng chủ yếu là bà con các dân tộc Tày, Nùng, Dao. Bà con dân tộc Dao đa số thuộc nhóm Dao Tiền, sống rải rác các vùng núi cao, cuộc sống chủ yếu tự cung tự cấp, khép kín, ít giao du với bên ngoài, họ giao tiếp bằng tiếng dân tộc của mình hoặc tiếng Tày. Trang phục của người Dao Tiền rất nhã nhặn, tinh tế. Nếu người Dao đỏ mặc trang phục với những họa tiết chủ yếu là màu đỏ thì trang phục của người Dao Tiền lại thường có màu chàm và màu trắng. Một bộ trang phục hoàn chỉnh của người Dao gồm: Áo, yếm, xà cạp, dây lưng, khăn vấn đầu, váy dài cùng đồ trang sức màu bạc… Trong cộng động người Dao, chỉ có người Dao Tiền là mặc trang phục váy. Cộng đồng các dân tộc trong huyện với những truyền thống và bản sắc riêng đã hình thành nên nền văn hoá đa dạng, nhiều nét độc đáo. Sự đa dạng của kho tàng văn hoá nghệ thuật dân gian về cơ bản vẫn được bảo tồn và lưu truyền cho đến ngày nay. Đời sống văn hoá đều được người dân quan tâm phát triển, gìn giữ bản sắc văn hoá của từng làng quê.

Cùng với đó, Ngân Sơn đặc biệt chú trọng đến việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng xã hội, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư; đồng thời tạo cơ chế để thu hút các công trình, dự án; nâng cao hiệu quả các nguồn vốn được đầu tư để thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững tại các xã vùng cao, vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Lĩnh vực văn hoá – xã hội của huyện có nhiều tiến bộ, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên đáng kể, bình quân lương thực đầu người hiện nay đạt xấp xỉ 600kg/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo đầu nhiệm kỳ trước là trên 50%, đến cuối năm 2011, số hộ nghèo trên toàn huyện chỉ còn hơn 32% theo tiêu chí mới. Phấn đấu đến hết năm 2012, huyện chỉ còn khoảng 26% và phấn đấu giảm nghèo nhanh ở các năm tiếp theo. Các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao diễn ra sôi nổi, các ngày lễ lớn được tổ chức chu đáo, trọng thể. Vào ngày 15 tháng giêng âm lịch hàng năm, Ngân Sơn có lễ hội Lồng Tồng. Trong lễ hội có nhiều trò chơi dân gian như: Múa kèn, thổi sáo, tung còn, trai gái hát giao duyên./.

Tiềm năng thế mạnh

Là huyện miền núi với địa hình đa dạng, phức tạp nên hệ thực vật ở đây mang đặc tính của khu bản địa Bắc Việt Nam – Nam Trung Hoa với các họ Giẻ, Nguyệt quế, Xoan, Bò hòn, Dâu tằm và khu hệ thực vật Ấn Độ – Myanma di cư đến như họ Bòng, Thung, Gạo, Me rừng… Giá trị thực vật rừng không chỉ lấy gỗ mà còn là dược liệu quý, làm cảnh…

Động vật rừng: Do điều kiện địa hình, địa chất và dạng sinh cảnh nên rừng của Ngân Sơn có nhiều động vật phong phú, quý hiếm.

Tài nguyên khoáng sản: Ngân Sơn có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú như:

Vật liệu xây dựng:

Đất sét ở Bằng Khẩu xã Bằng Vân

Đá vôi ở Lũng Phải xã Bằng Vân, Khuổi Khâu xã Thượng Quan

Quặng sắt ở:

Lũng Viền xã Cốc Đán trữ lượng 1.000.000 tấn

Bản Phắng xã Trung Hoà trữ lượng 6.946.835 tấn

Nà Nọi thị trấn Nà Phặc trữ lượng 700.000 tấn

Lùm Lếch xã Lãng Ngâm trữ lượng 100.000 tấn

Bản Kít xã Thượng Ân trữ lượng 500.000 tấn

Quặng Chì Kẽm ở:

Tôm Tiên xã Trung Hoà

Phía Đén, Nà Đeng, Bản Phiêu, Đèo Gió (trữ lượng 150.000 tấn), Cốc Sấu, Phương Sơn xã Vân Tùng

Phúc Sơn xã Thượng Quan

Cốc Phay (trữ lượng 2.000 tấn) thị trấn Nà Phặc

Nà Diếu (trữ lượng 2.000 tấn) xã Thượng Quan

Lãng Ngâm xã Lãng Ngâm

Quặng Vàng ở:

Bó Va (trữ lượng 1.280kg), Đông Tiot, Bản Đăm, Pắc Lạng (20.000kg), Bằng Khẩu (trữ lượng 110kg) xã Bằng Vân

Bản Giang xã Thuần Mang

Hoàng Phài xã Cốc Đán

Đây là những nguồn tài nguyên quan trọng để phát triển kinh tế – xã hội vì vậy cần phải có nhưng biện pháp phù hợp trong quá trình khai thác và quản lý.

Cơ sở hạ tầng nông thôn như hệ thống đường giao thông được xây dựng, nâng cấp tạo điều kiện cho nhân dân đi lại, mua bán sản phẩm, hàng hoá; các công trình thuỷ lợi được đầu tư xây dựng, sửa chữa đã chủ động tưới trên 52% diện tích đất ruộng. Cơ bản diện tích đất nông nghiệp các thôn vùng thấp được cơ khí hoá.

Cây thuốc lá là cây truyền thống, nhân dân đã có kinh nghiệm gieo trồng từ  hơn 30 năm nay. Với nguồn nhân lực dồi dào, có đất phù hợp cho việc trồng cây thuốc lá kể cả vườn tạp và soi bãi. Chủ trương phát triển cây thuốc lá được Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân và một số ban ngành trong tỉnh ủng hộ và định hướng chỉ đạo.

Nghị quyết Đại hội Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX, nhiệm kỳ 2010 – 2015 đề ra mục tiêu diện tích trồng cây thuốc lá mỗi năm bình quân đạt 1.000ha, đồng thời năm 2011 huyện đã xây dựng Nghị quyết phát triển cây trồng có trị kinh tế cao và tập trung chủ yếu là cây thuốc lá.

Đến nay, từ huyện đến cơ sở có Ban chỉ đạo phát triển sản xuất thuốc lá, Ban phát triển kinh tế xã hội quan tâm chỉ đạo phát triển cây thuốc lá. Ngoài ra, Chi nhánh công ty cổ phẩn Ngân Sơn đã có những chính sách linh hoạt hỗ trợ nhân dân trồng thuốc lá, hàng năm đều có các đề tài nghiên cứu, ứng dụng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng thuóc lá từ đó giá trị thu nhập tăng cao được nông dân ủng hộ.

Ngân Sơn là huyện có cảnh quan sinh thái phong phú, đa dạng với các hệ sinh thái nông nghiệp vùng đồi núi, hệ sinh thái rừng, sinh thái sông, suối, hồ… Hơn nữa, Ngân Sơn cũng là địa bàn có truyền thống cách mạng với nhiều địa điểm đã được ghi nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh, cấp Quốc gia. Đây là cơ sở quan trọng và thuận lợi để huyện phát triển ngành du lịch, nhất là du lịch sinh thái./.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây