Giới thiệu khái quát huyện Na Rì
1. Vị trí địa lý
Huyện Na Rì là huyện miền núi, nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Bắc Kạn, có diện tích tự nhiên là 85.300,00 ha, chiếm 17,54% diện tích tự nhiên tỉnh Bắc Kạn, gồm 21 xã và 01 thị trấn với 233 thôn, bản; nằm trong toạ độ địa lý từ khoảng 210 55’ đến 220 30’ vĩ độ Bắc, 1050 58’ đến 106018’ kinh độ Đông.
– Phía Bắc giáp huyện Ngân Sơn.
– Phía Nam giáp huyện Chợ Mới và tỉnh Thái Nguyên.
– Phía Đông giáp huyện Bình Gia và Tràng Định (tỉnh Lạng Sơn).
– Phía Tây giáp huyện Bạch Thông.
Thị trấn Yến Lạc là trung tâm kinh tế – chính trị – văn hóa của huyện, cách thị xã Bắc Kạn 72 km và thành phố Thái Nguyên 130 km theo Quốc lộ 3B và Quốc lộ 3. Đời sống kinh tế của nhân dân còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, cơ sở hạ tầng như đường giao thông, trường học, điện lưới quốc gia, trạm y tế xã mặc dù đã được Nhà nước quan tâm đầu tư xong vẫn còn nhiều khó khăn.
2. Địa hình
Na Rì có địa hình phức tạp, chủ yếu là đồi núi với nhiều núi đá vôi, thung lũng hẹp, độ dốc lớn, thuộc cánh cung Ngân Sơn. Độ cao trung bình toàn huyện là 500m, cao nhất là núi Phyia Ngoằm (xã Cư Lễ) với độ cao 1.193m, thấp nhất ở xã Kim Lư với độ cao 250m so với mực nước biển. Nhìn tổng thể, địa hình của huyện có hướng thấp dần từ Tây Nam sang Đông Bắc, được chia thành 2 dạng địa hình sau:
* Địa hình vùng núi đá
Các dãy núi đá trải dài trên hầu hết các địa bàn trong huyện là các xã Kim Hỷ, Ân Tình, Lạng San, Lam Sơn, Hảo Nghĩa, Cư Lễ với độ dốc trên 200. Tại nhiều nơi núi đá còn có độ dốc tới 600 với độ cao thay đổi từ 300m – 500m. Khối núi đá vôi Kim Hỷ được đánh giá là loại địa hình caxtơ trẻ với những đỉnh đá tai mèo, vách đứng, vực sâu, nhiều sông suối chảy ngầm, vô cùng nguy hiểm.
* Địa hình vùng núi đất
Phân bố ở hầu hết các xã trong huyện, gồm các dãy núi kéo dài liên tiếp nhau có độ cao thay đổi từ 300m – 700m. Địa hình vùng này rất phức tạp, hầu hết các dãy núi được hình thành trên các khối đá mắc ma, biến chất, trầm tích, có đỉnh nhọn, độ dốc lớn. Xen kẽ giữa các dãy núi chạy dọc theo các sông suối lớn có các thung lũng nhỏ hẹp dạng lòng máng hầu hết đã được khai thác để trồng lúa màu. Ở vùng này thực vật phát triển rất đa dạng và phong phú, những nơi còn rừng đất đai còn tốt, tầng đất dày. Một số nơi do việc khai thác không hợp lý, độ che phủ thực vật giảm, đất đai bị xói mòn, rửa trôi, hàm lượng các chất dinh dưỡng suy giảm nhiều.
Địa hình của huyện Na Rì đã ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình hình thành đất, cụ thể là các quá trình rửa trôi và tích luỹ. Quá trình rửa trôi diễn ra mạnh vào mùa mưa ở vùng núi đá chia cắt, dốc nhiều, ở vùng đồi núi thấp có những thung lũng tương đối bằng phẳng, thích nghi với các loại cây lương thực và cây ngắn ngày vùng nhiệt đới.
3. Thủy văn
Trên địa bàn huyện Na Rì có 2 con sông lớn chảy qua, đó là sông Bắc Giang và sông Na Rì.
– Sông Bắc Giang: Bắt nguồn từ vùng núi có độ cao 1.200m thuộc xã Thượng Quan (huyện Ngân Sơn), chảy theo hướng Bắc – Nam rồi chuyển sang hướng Tây – Đông qua thị trấn Yến Lạc, đổ vào hệ thống sông Kỳ Cùng, tỉnh Lạng Sơn ở phía Bắc huyện Na Rì. Đoạn chảy qua huyện dài 28,6km trên địa bàn các xã Lương Thượng, Lạng San, Lương Thành, Lam Sơn, thị trấn Yến Lạc và xã Kim Lư. Chiều rộng lòng sông trung bình 40 – 60m, độ chênh cao giữa sông và mặt ruộng khoảng 4 – 5m. Lưu lượng dòng chảy bình quân năm đạt 24,2 m3/s, vào mùa lũ lưu lượng có thể lên tới 2.100 m3/s (năm 1979, 1986). Ngoài ra, thượng nguồn sông Bắc Giang còn có một số nhánh suối chính như suối Khuổi Súng, suối Tả Pìn, suối Khuổi Khe là nguồn sinh thuỷ dồi dào cung cấp lượng dòng chảy đáng kể cho sông chính.
– Sông Na Rì: Bắt nguồn từ vùng núi đá có độ cao 850m thuộc xã Yên Cư (huyện Chợ Mới) chảy theo hướng Tây Nam – Đông Bắc qua các xã Đổng Xá, Xuân Dương, Dương Sơn, Hảo Nghĩa, Văn Minh và gặp sông Bắc Giang tại Pác Cáp (xã Lương Thành). Sông có chiều dài 55,5km, diện tích lưu vực 540km2, độ dốc bình quân 22,70%, dòng chảy Q = 9,60m3/s. Sông Na Rì là hợp lưu của một số suối chính như suối Bản Buốc (xã Liêm Thủy), suối Bản Cháo (xã Đổng Xá), suối Khuổi Lu (xã Quang Phong, Côn Minh, Hảo Nghĩa) với diện tích lưu vực 88km2 và lưu lượng dòng chảy Q = 1,46 m3/s; suối Cư Lễ với diện tích lưu vực 15km2 và lưu lượng dòng chảy Q = 0,25 m3/s.
Do ảnh hưởng của địa hình và cấu tạo địa chất đã chi phối mạng lưới sông suối khá phức tạp trên địa bàn huyện. Phần lớn đồi núi sát thềm sông, thềm suối đã khống chế quá trình bồi tụ phù sa, chính vì vậy trong huyện không có những cánh đồng rộng lớn mà chỉ có những dải đất bồi tụ phù sa nhỏ, hẹp dọc theo các triền sông, triền suối.
Đặc điểm chung của các sông suối trong huyện là có độ dốc lớn, lắm thác nhiều ghềnh. Lưu lượng dòng chảy phân bố không đều trong năm, chủ yếu tập trung vào mùa lũ (chiếm khoảng 60 – 80% tổng lượng dòng chảy trong năm), nên việc khai thác sử dụng gặp khó khăn, đòi hỏi đầu tư lớn.
2. Các nguồn tài nguyên
2.1. Tài nguyên đất
Đất Na Rì chủ yếu được hình thành do sự phong hóa trực tiếp của đá mẹ và một phần hình thành do sự bồi tụ phù sa các hệ thống sông, suối. Toàn huyện gồm có 10 loại được phân thành 2 nhóm chính: Nhóm đất thủy thành và nhóm đất địa thành.
* Nhóm đất địa thành (đồi núi)
Có diện tích 81.999 ha, chiếm 96,13% diện tích tự nhiên; nhóm đất này gồm các loại đất sau:
+ Đất Feralít mùn vàng nhạt trên núi cao trên 700 m (FH): loại đất này có diện tích 3.297 ha, chiếm 3,87% diện tích tự nhiên, phân bố chủ yếu ở các xã Cư Lễ, Vũ Loan, Kim Hỷ, Côn Minh, Đổng Xá, Dương Sơn. Hình thành trên các loại đá: Granít, Liparit, phiến thạch biến chất,… tầng đất mỏng, màu vàng nhạt có nhiều đá lộ đầu, địa hình hiểm trở, độ dốc lớn, tỷ lệ mùn cao, mức độ tích luỹ sắt (Fe3+), nhôm (Al3+) không nhiều bằng vùng núi thấp và vùng trung du. Loại đất này chủ yếu dành cho phát triển lâm nghiệp, tuy nhiên có thể lựa chọn một số nơi để trồng cây ăn quả như: đào, lê, táo, mơ, mận,…
+ Đất Feralít đỏ nâu trên đá vôi (FQv): loại đất này có diện tích 23.518ha, chiếm 27,57% diện tích tự nhiên, phân bố ở các xã Đổng Xá, Xuân Dương, Dương Sơn, Hảo Nghĩa, Côn Minh, Hữu Thác, Cư Lễ, Lam Sơn, Lương Thành, Lạng San, Vũ Loan, Lương Hạ, Văn Minh, Cường Lợi, Văn Học, Kim Hỷ, Ân Tình, Liêm Thuỷ. Đất phát triển trên đá vôi, tầng đất mỏng, tỷ lệ sét cao nhưng thường thoát nước nhanh vì nền đá vôi có nhiều hang động và suối ngầm (hiện tượng Kastơ) nên đất thường bị hạn. Loại đất này ngoài khả năng trồng các cây lương thực, cây công nghiệp ngắn ngày còn có thể trồng được các cây ăn quả như: mận, đào, táo, lê,… nhưng diện tích không lớn.
+ Đất Feralít đỏ vàng trên đá biến chất (FQj): loại đất này có diện tích 1.052ha, bằng 1,23% diện tích tự nhiên, phân bố rải rác ở các xã trong huyện. Đất có thành phần cơ giới từ thịt trung bình đến thịt nặng, tỷ lệ sét cao, hàm lượng mùn và đạm tổng số khá giàu, hàm lượng kali, lân tổng số và lân dễ tiêu nghèo, loại đất này chủ yếu dành cho lâm nghiệp.
+ Đất Feralít vàng đỏ trên phiến thạch sét (FQs): Là loại đất có diện tích lớn nhất so với các loại đất khác với 50.416ha, bằng 59,10% diện tích tự nhiên, phân bố ở hầu khắp các xã trong huyện. Đất có thành phần cơ giới nặng, hàm lượng mùn từ trung bình đến khá. Phần lớn đất nằm trên địa hình hiểm trở, độ dốc lớn nên được sử dụng cho lâm nghiệp là chính. Một số ít diện tích đã được cải tạo để trồng hoa màu, cây lâu năm và bãi chăn thả gia súc.
+ Đất Feralít màu vàng nhạt trên đá cát (FQq): Loại đất này có diện tích 3.680ha, chiếm 4,31% diện tích tự nhiên, phân bố ở các xã Lương Thượng, Lạng San, Vũ Loan, Văn Học. Đất có thành phần cơ giới nhẹ, tỷ lệ cát cao, nhất là ở những vùng đồi trọc, khả năng giữ ẩm và giữ màu của đất kém, hàm lượng oxit sắt (Fe2O3), nhôm (Al2O3). Hàm lượng mùn và đạm tổng số thay đổi theo mật độ cây rừng. Lân tổng số và dễ tiêu nghèo, Kali vào loại trung bình. Đất thích hợp với nhiều loại cây trồng, khi sử dụng để trồng trọt cần phải thận trọng trong việc lựa chọn tầng đất, độ dốc, chống xói mòn rửa trôi để bảo đảm được thâm canh lâu dài.
* Nhóm đất thủy thành
Có diện tích 1.977ha, chiếm 2,32% diện tích tự nhiên của huyện và gồm các loại sau:
+ Đất phù sa sông: Phân bố chủ yếu ở các khu vực có địa hình thấp, trũng gần sông Bắc Giang tại các xã (ở địa hình thấp của sông Bắc Giang) Lương Hạ, Kim Lư, thị trấn Yến Lạc, loại đất này có thành phần cơ giới nhẹ, càng xa bờ sông thành phần cơ giới nặng thêm, loại đất này thuận lợi cho trồng lúa, màu và cây ăn quả.
+ Đất phù sa ngòi, suối: Có diện tích 1.281ha, chiếm 1,50% diện tích tự nhiên, phân bố dọc theo các triền suối thuộc các xã Kim Hỷ, Đổng Xá, Kim Lư,… là sản phẩm bồi tụ phù sa của ngòi, suối. Đất có thành phần cơ giới từ nhẹ đến trung bình, hơi chua, hàm lượng các chất hữu cơ từ trung bình đến khá, thích hợp để trồng lúa và hoa màu, khả năng thâm canh tốt.
+ Đất dốc tụ trồng lúa nước: Có diện tích 139ha, chiếm 0,16% diện tích tự nhiên, phân bố chủ yếu ở các xã Xuân Dương, Ân Tình, Hảo Nghĩa, Lương Thành. Là kết quả của quá trình xói mòn từ đồi núi đổ xuống theo dòng chảy được tích tụ lại ở chân sườn dốc và các lòng chảo đã được khai phá thành ruộng để trồng lúa nước. Đất có thành phần cơ giới nặng hay nhẹ phụ thuộc vào đá mẹ, mật độ che phủ thực vật, mức độ xói mòn, độ dốc ở nơi trực tiếp hình thành ra nó, hàm lượng các chất dinh dưỡng từ trung bình đến nghèo. Thích hợp cho trồng lúa nước và cây hoa màu, tuy nhiên về mặt giá trị sử dụng không bằng đất phù sa ngòi, suối. Trong quá trình canh tác cần chú ý tạo điều kiện thoát nước về vụ đông.
+ Đất dốc tụ trồng lúa nước ảnh hưởng Cacbonat (LdK): Có diện tích 211ha, chiếm 0,23% diện tích đất tự nhiên, phân bố rải rác ở các xã có núi đá vôi như Liêm Thuỷ, Xuân Dương, Côn Minh, Dương Sơn, Lương Hạ, Kim Lư,… Loại đất này chỉ khác đất dốc tụ (Ld) là bị ảnh hưởng Cacbonat, nên đất có phản ứng hơi kiềm (pHkcl = 6,5 – 7,5). Đất thường có màu xám đen, thường bị hạn vì ở vùng núi đá vôi có nhiều suối ngầm khe nứt dễ thoát nước, đất trở nên cứng rắn khi khô hạn và keo dính khi gặp nước.
+ Đất Feralít biến đổi do trồng lúa nước (Lf): Có diện tích 346ha, chiếm 0,41% diện tích tự nhiên, phân bố ở các xã Vũ Loan, Cường Lợi, Hảo Nghĩa, Quang Phong, Hữu Thác,… được hình thành từ đất đồi được san thành ruộng bậc thang để trồng lúa nước nên tính chất đất khác hẳn về màu sắc, thành phần cơ giới và các chất dinh dưỡng. Do thường xuyên ngập nước nên đã xuất hiện Glây ở các lớp dưới tầng canh tác, hàm lượng mùn sét bị rửa trôi nhiều, hầu hết diện tích mới chỉ trồng được một vụ mùa và bỏ hoá vụ đông xuân.
Nhìn chung đất đai Na Rì cho phép phát triển đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi. Tuy nhiên phần lớn đất của huyện là đất bị xói mòn trơ sỏi đá, thoái hoá nghiêm trọng, nên việc phục hồi, nâng cao chất lượng đất là một nhiệm vụ quan trọng trong sử dụng đất.
2.2. Tài nguyên nước
2.2.1. Nước mặt
Với lượng mưa hàng năm khá lớn, hệ thống ao hồ và sông suối nhiều nên nguồn nước mặt ở Na Rì khá phong phú. Do cấu tạo địa chất cộng với địa hình cao, dốc nên khả năng giữ nước vào mùa khô rất khó vì vậy cần có giải pháp hợp lý về công tác thủy lợi, kết hợp với nâng cao độ che phủ của rừng để đảm bảo nguồn nước cho phát triển kinh tế – xã hội của huyện trong tương lai.
2.2.2. Nước ngầm
Tài nguyên nước ngầm ở Na Rì chưa được khảo sát, đánh giá đầy đủ, song qua tình hình khai thác phục vụ sinh hoạt của nhân dân cho thấy, trữ lượng nước ngầm ở các vùng thấp, ven sông suối là khá dồi dào.
2.3. Tài nguyên rừng
Hiện nay, huyện có 66.949,96ha đất lâm nghiệp, chiếm 78,49% diện tích tự nhiên; trong đó rừng sản xuất chiếm 64,14% diện tích đất lâm nghiệp, rừng phòng hộ chiếm 19,04% đất lâm nghiệp, rừng đặc dụng 16,82% đất lâm nghiệp. Rừng được phân bố ở tất cả các xã và thị trấn trong huyện.
Rừng của Na Rì ngày nay liên quan mật thiết với những đặc trưng địa lý tự nhiên và quá trình diễn biến tài nguyên rừng, thảm thực vật rừng của huyện. Rừng phát huy tác dụng rất cao đối với đất – nước – môi trường của huyện, trong điều kiện hiện tại thuộc tính phòng hộ của rừng đối với nguồn nước, ngăn chặn xói mòn và thoái hóa đất, điều hòa khí hậu thể hiện rất rõ rệt. Nằm trong vùng có điều kiện khí hậu, địa hình, đất đai nhiều thuận lợi, nên thảm thực vật ở đây phát triển rất đa dạng và phong phú. Tuy nhiên, trong những năm qua, do rừng bị khai thác không theo quy hoạch nhằm đáp ứng các nhu cầu trước mắt của người dân nên diện tích rừng đang bị suy kiệt mạnh, diện tích rừng nhất là rừng gỗ quý hiếm giảm nhanh chóng và diện tích đất trống đồi núi trọc tăng lên. Kể từ khi có chủ trương của Nhà nước về việc tăng cường giao đất, giao rừng cho nông dân nên diện tích rừng của huyện đã được phục hồi theo hướng tích cực, độ che phủ rừng ngày càng được nâng cao. Đến nay độ che phủ rừng của huyện đã đạt 66%. Thảm thực vật rừng của huyện được chia thành 2 dạng sau:
* Thảm thực vật tự nhiên
Rừng tự nhiên ở Na Rì chủ yếu thuộc kiểu rừng kín thường xanh, mưa ẩm nhiệt đới, được phát triển chủ yếu trên địa hình núi cao, các khe suối và hợp thuỷ có nhiều tầng và nhiều loài có độ che phủ tốt, tầng thảm mục dày, đất tơi xốp. Loại rừng này có diện tích rất lớn, đây là nguồn tài nguyên quý không chỉ riêng của huyện, của tỉnh mà còn chung của cả nước. Các khu rừng này đã và đang được quy hoạch thành các vườn rừng quốc gia, rừng đầu nguồn để bảo vệ môi trường thiên nhiên sinh thái và các loài động thực vật quý hiếm nhằm phục vụ cho nghiên cứu khoa học, du lịch danh lam thắng cảnh.
Các kiểu rừng khác ở Na Rì có diện tích không lớn, được phát triển trên địa hình đồi lượn sóng và trên nhiều loại đất với cây tiêu biểu là khộp, có nơi xen kẽ khộp và le, trúc, tre, nứa,… Đây là kiểu rừng thưa, cây lá rộng thường có một tầng duy nhất, cây ít cành và ít lá, tầng mặt cỏ vẫn phát triển được.
Rừng non tái sinh và cây bụi là kết quả của việc khai thác qua nhiều năm, rừng cây lá rộng đã nhường lại cho cây non phát triển, cây cao từ 2 – 15m, phân bố ở hầu khắp các vùng trên địa bàn huyện, trên các dạng địa hình và các loại đất khác nhau với thảm thực vật chủ yếu là các cây họ dầu, đậu, xoan, dẻ, gai, sim, cỏ lau… Hiện nay loại rừng này là đối tượng bị khai thác mạnh nhất do việc chuyển mục đích sử dụng sang trồng cây nông nghiệp.
Thảm cỏ tự nhiên: Loại hình này là kết quả của nhiều lần khai phá, đốt nương làm rẫy, các loại cây gỗ bị phá bỏ nhường chỗ lại cho thảm cỏ tự nhiên phát triển.
* Thảm thực vật trồng
Bên cạnh sự phong phú về thảm thực vật tự nhiên, thảm thực vật trồng ở Na Rì cũng hết sức đa dạng về chủng loại với nhiều loại cây nhiệt đới điển hình như các loại cây ăn quả… và nhiều loại cây lương thực khác.
Nhìn chung, Na Rì là huyện có nguồn tài nguyên rừng rất phong phú và đa dạng với nhiều loài động, thực vật quý hiếm ở trong nước và quốc tế. Tuy nhiên do nạn phá rừng cùng với công tác quản lý chưa được chặt chẽ đã làm cho nguồn tài nguyên phong phú này có nguy cơ bị cạn kiệt.
2.4. Tài nguyên khoáng sản
Theo kết quả điều tra, thăm dò, Na Rì là một trong những khu vực trọng điểm, tập trung nhiều khoáng sản của tỉnh Bắc Kạn với các khoáng sản sau:
– Vàng (vàng sa khoáng): Phân bố chủ yếu ở các xã Lương Thượng, Kim Hỷ và Lạng San (xung quanh khối đá vôi dọc theo sông Bắc Giang), đây là loại khoáng sản có trữ lượng tương đối lớn của Na Rì.
– Nhôm: Phân bố chủ yếu tại xã Kim Hỷ.
– Atimon: Được phát hiện tại khu Khum Mằn (xã Kim Lư); Khuổi Luông (xã Lam Sơn) trong các đá lục nguyên xen Cacbonnat. Loại khoáng sản này chưa được nghiên cứu, thăm dò cụ thể nên chưa xác định được trữ lượng và chất lượng.
– Thủy ngân: Theo điều tra trên địa bàn huyện có 2 điểm quặng tại khu vực Nà Piệt và Tân An trong các đá lục nguyên xen Cacbonnat. Tuy nhiên các điểm quặng này có quy mô nhỏ, khả năng khai thác không cao.
– Đá vôi xây dựng: Tập trung tại khu vực núi đá vôi Kim Hỷ, loại khoáng sản này có trữ lượng lớn. Hiện tại đang được khai thác và đưa vào sử dụng phục vụ cho nhu cầu xây dựng của nhân dân.
Nhìn chung tài nguyên khoáng sản của huyện khá đa dạng và phong phú cả về chủng loại lẫn quy mô. Hiện tại trên địa bàn đã có một số mỏ đang được khai thác, trong thời gian tới cần phải có các biện pháp khai thác hợp lý, khoa học và bảo vệ môi trường sinh thái.
2.5. Tài nguyên du lịch
Huyện Na Rì có một số tài nguyên du lịch thiên nhiên rất kỳ vĩ, hứa hẹn đem lại nhiều sự hấp dẫn cho du khách như Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, động Nàng Tiên huyền bí và thác Nà Đăng cùng với thảm thực vật da dạng. Bên cạnh đó, khi kinh tế phát triển, nhu cầu cần phát triển văn hóa chưa tương xứng, vì vậy, việc phục hồi và xây dựng lễ hội Lồng Tồng được xem là bước khởi đầu cho chặng đường phát triển văn hóa mới ở huyện Na Rì.
2.6. Tài nguyên nhân văn
Là huyện có nhiều dân tộc sinh sống như Tày, Nùng, Dao, Kinh, Mông,… (trong đó đông nhất là dân tộc Tày và dân tộc Nùng). Trong suốt chiều dài lịch sử, Na Rì luôn là vùng đất có truyền thống văn hoá, truyền thống yêu nước và cách mạng. Các lễ hội văn hóa truyền thống phi vật thể vẫn được tổ chức thường xuyên như: Hội chợ tình truyền thống Xuân Dương (ngày 25/3 âm lịch), lễ hội Lồng Tồng xã Lam Sơn (ngày 07/01 âm lịch),… Nhân dân các dân tộc có tinh thần đoàn kết yêu quê hương, có đức tính cần cù, chăm chỉ, vượt qua khó khăn gian khổ, sự khắc nghiệt của thiên nhiên để từng bước đi lên. Đó là những nhân tố cơ bản và sức mạnh tinh thần để hướng tới sự phát triển kinh tế – xã hội, trong xu hướng hội nhập; là thuận lợi để Đảng bộ và chính quyền các cấp lãnh đạo nhân dân vững bước tiến lên trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá xây dựng huyện Na Rì giàu, đẹp, văn minh.
3. Thực trạng cảnh quan môi trường
Na Rì là huyện có địa hình cao, nhiều dãy núi, nhiều thác ghềnh, hang động. Đan xen là những sông, suối, những dải đồi, những khu rừng tự nhiên, những vùng cây công nghiệp đan xen với những đồng lúa tạo nên cảnh quan thiên nhiên đa dạng, phong phú. Bên cạnh đó là các di tích lịch sử, các thắng cảnh thiên nhiên, những bản, làng đặc trưng của người dân tộc vùng cao như Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, động Nàng Tiên huyền bí, thác Nà Đăng,…
Tuy nhiên, môi trường tự nhiên của Na Rì cũng đã và đang bị xâm hại, diện tích rừng bị suy giảm trong một thời gian dài. Cùng với sự mất rừng là sự suy giảm tới mức báo động các lâm sản và động vật quý hiếm, dẫn đến sự suy giảm sinh thái, xói mòn đất. Nguồn nước của các con sông lớn trong mùa khô thường bị cạn kiệt, hiện tượng lũ, lụt gây sạt lở đất và lũ quét đôi khi xảy ra.
Na Rì có tốc độ đô thị hóa chậm, các hoạt động công nghiệp chưa phát triển. Tại các điểm dân cư tập trung có mật độ xây dựng lớn, các khu chợ, các khu dịch vụ, khu vực khai thác mỏ… đặc biệt một số khu vực ở sông Bắc Giang, nước sông bị ô nhiễm nặng do việc khai thác mỏ vàng sa khoáng, cát, sỏi bừa bãi và chưa được xử lý nghiêm. Bên cạnh đó, việc sử dụng phân hóa học trong nông nghiệp, những tập quán sinh hoạt của đồng bào dân tộc,… cũng gây ra ô nhiễm môi trường cục bộ.
Từ các đặc điểm trên, trong giai đoạn tới, cùng với quá trình khai thác các nguồn lợi để phát triển kinh tế – xã hội cần có các biện pháp bảo vệ và trồng rừng, quản lý khai thác các nguồn tài nguyên, tổ chức xử lý chất thải, nước thải trên từng địa bàn đặc biệt ở các khu khai thác khoáng sản, cụm, điểm công nghiệp và đô thị .
Lịch sử hình thành và phát triển
Huyện Na Rì dưới thời trần là vùng đất nằm ở châu Cảm Hóa, đến thời thuộc Minh là huyện Cảm Hóa, phủ Thái Nguyên. Tên gọi và địa giới huyện Cảm Hóa dưới thời Lê và Nguyễn không có gì thay đổi, bao gồm các huyện: Na Rì, Ngân Sơn và một phần nhỏ phía Bắc huyện Bạch Thông – tỉnh Bắc Kạn ngày nay.
Thời Pháp thuộc, đồng thời với việc thành lập tỉnh Bắc Kạn (năm 1890), thực dân Pháp lập đơn vị hành chính các châu, trong đó có châu Na Rì bao gồm vùng đất phía Nam của huyện Cảm Hóa.
Năm 1884, sau khi căn bản hoàn thành cuộc chinh phục Việt Nam, bắt nhà Nguyễn phải đầu hàng, thực dân Pháp bắt đầu mở các cuộc tấn công xâm lược các tỉnh miền núi Việt Bắc.
Sau khi đánh chiếm các địa bàn xung yếu thuộc các tỉnh Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn, quân Pháp chia làm ba mũi, tấn công từ cả ba hướng: Hướng Bắc từ cao Bằng kéo xuống, hướng Nam từ Thái Nguyên tiến lên, hướng Tây từ Lạng Sơn đánh sang, chiếm đóng các vị trí quan trọng của tỉnh Bắc Kạn.
Năm 1891, một đơn vị quân Pháp từ Lạng Sơn mở mũi tấn công sang thị trấn Yến Lạc, mở đầu cho cuộc xâm lược và chiếm đóng Na Rì. Cùng với phong trào chống Pháp của Phùng Bá Chỉ (Ba Kỳ), đồng bào các dân tộc Na Rì đã đoàn kết, chung sức, không ngại gian khó chiến đấu ngoan cường với kẻ địch, làm chậm quá trình thiết lập bộ máy thống trị của thực dân Pháp tại đây.
Tuy nhiên, sau khi chiếm được Na Rì, thực dân Pháp đã tổ chức bộ máy thống trị gồm 4 tổng: Lương Thượng, Lương Hạ, Côn Minh và Yên Hân với 17 xã. Đứng đầu bộ máy cai trị cấp huyện là một viên tri châu đặt dưới quyền tên đồn trưởng khố xanh người Pháp đóng tại Yến Lạc. Mỗi tổng (3 – 5 xã) do chánh, phó tổng cai quản, chịu trách nhiệm trước tri châu, bảo đảm việc bắt phu, thu thuế… Ở cấp xã có Hội đồng kỳ mục, chánh, phó lý trưởng. Bên cạnh bộ máy hành chính còn có hệ thống quân sự bao gồm châu đoàn (cấp huyện), tổng đoàn (cấp tổng), xã đoàn (cấp xã) cùng lực lượng lính dõng do xã đoàn phụ trách.
Trong suốt thời gian cai trị, thực dân Pháp đã áp dụng những chính sách thâm độc hòng chia rẽ cộng đồng dân cư, kìm hãm sự phát triển, đưa người dân vào vòng tối tăm, lạc hậu.
Nhưng kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, phong trào cách mạng hình thành và lan rộng trong các tỉnh Việt Bắc đã tác động mạnh mẽ đến nhận ý thức đấu tranh của nhân dân Na Rì. Cùng với rất nhiều sự kiện đấu tranh tiêu biểu của các địa phương lân cận, đặc biệt là tác động mạnh mẽ của khởi nghĩa Bắc Sơn, ở Na Rì, phong trào đấu tranh cũng ngày càng sôi sục. Trước tình hình đó, thực dân Pháp tăng cường mạng lưới mật thám, đặt thêm nhiều điếm canh, huy động lực lượng lính dõng tuần tra, canh gác ở những nơi xung yếu. Đồng thời với việc kìm kẹp, kiểm soát đi lại, thực dân Pháp còn tuyên truyền xuyên tạc, bôi xấu những người cộng sản, những chiến sỹ cách mạng, hòng làm giảm lòng tin, ngăn chặn sự che chở, bảo vệ của đồng bào Na Rì với lực lượng du kích Bắc Sơn. Không chỉ vậy, thực dân Pháp còn lấy muối và bạc trắng để làm phần thưởng, kích động đồng bào dân tộc. Tuy nhiên, âm mưu và hành động của thực dân Pháp cùng bè lũ tay sai không hề lay động được tình cảm mà nhân dân các dân tộc Na Rì dành cho cách mạng, ngược lại chỉ càng thôi thúc, kêu gọi tinh thần cách mạng của nhân dân.
Khủng bố của thực dân Pháp đối với phong trào Bắc Sơn ngày càng quyết liệt. Để bảo toàn lực lượng, tháng 8/1941, một bộ phận Cứu quốc quân do đồng chí Phùng Chí Kiên – Ủy viên Trung ương Đảng làm chỉ huy trưởng và đồng chí Lương Văn Chi – Xứ ủy viên Bắc Kỳ dẫn đầu đã phá vòng vây theo đường Bắc Sơn – Na Rì, qua Ngân Sơn để lên biên giới Việt – Trung. Tuy nhiên, do bị phát hiện và rơi vào vòng vây của địch, hai đồng chí dẫn đầu đều đã anh dũng hy sinh. Số còn lại đã dũng cảm phá vòng vây, hòa vào đám người buôn muối và trốn thoát an toàn.
Khởi nghĩa Bắc Sơn cùng với những sự kiện liên quan đã tác động mạnh mẽ đến suy nghĩ, tình cảm, đánh thức trong cộng đồng các dân tộc Na Rì niềm tự hào dân tộc, ý chí chiến đấu vì độc lập tự do, vì tổ quốc.
Bước sang năm 1942, phong trào cách mạng từ căn cứ địa Cao Bằng đã lan đến khu vực các huyện Ba Bể, Ngân Sơn. Trong những năm 1943 – 1944, phong trào cách mạng ở Bắc Kạn phát triển mạnh mẽ, rộng khắp các địa phương. Tuy nhiên, do thực dân Pháp cố tình bưng bít, ngăn cản nên ở Na Rì vẫn chưa thể hình thành cơ sở cách mạng.
Tháng 2/1945, một số cán bộ như Đại Long, Ngọc Xuân đã đến các xã phía Bắc của huyện Na Rì để tuyên truyền, giác ngộ cách mạng cho quần chúng nhân dân. Ngay khi vừa bắt đầu manh nha hình thành cơ sở cách mạng thì xảy ra sự kiện Nhật đảo chính Pháp, cách mạng Việt Nam đi vào cao trào chống Nhật cứu nước, với Na Rì đó là sự mở đầu cho lịch sử đấu tranh cách mạng của huyện…
Trong suốt quá trình xây dựng chính quyền dân chủ và cơ sở Đảng những năm 1945 – 1946, hay trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kéo dài 9 năm (1946 – 1954), cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1965 – 1975), nhân dân các dân tộc Na Rì luôn đoàn kết, phát huy tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, đoàn kết một lòng, cùng với nhân dân cả nước đánh thắng quân xâm lược.
Đất nước hòa bình, tổ quốc độc lập, dưới sự soi đường chỉ lối của Đảng tiên phong, Đảng bộ và nhân dân huyện Na Rì đã cùng chung sức, đồng lòng, khắc phục mọi khó khăn, thiếu thốn, đưa sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương từng bước đạt đến những thành công quan trọng, cùng với nhân dân cả nước thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ trong phát triển kinh tế và giữ vững độc lập, chủ quyền của tổ quốc.
Nơi hòa quyện của thiên nhiên và con người
Huyện Na Rì ngày nay có diện tích 85.300,00ha, phía Bắc giáp huyện Ngân Sơn, phía Đông giáp huyện Bình Gia (tỉnh Lạng Sơn), phía Tây giáp huyện Bạch Thông, phía Nam giáp huyện Chợ Mới và huyện Võ Nhai (tỉnh Thái Nguyên). Huyện Na Rì có 21 xã và 01 thị trấn, thị trấn Yến Lạc là trung tâm huyện lỵ.
Na Rì ở độ cao trung bình 550m so với mực nước biển; địa hình dốc, thấp dần theo hướng Tây Nam – Đông Bắc. Na Rì có địa hình núi non hiểm trở, trong đó đồi núi chiếm 90% diện tích tự nhiên. Một số xã như Kim Hỷ, Ân Tình, Lạng San, Lam Sơn, Cư Lễ, Hảo Nghĩa, Dương Sơn có nhiều dãy núi đá vôi, nổi lên là khối núi Kim Hỷ có diện tích khoảng 150km2, với những ngọn núi cao từ 700 đến 800m.
Na Rì được thiên nhiên ưu đãi cho nguồn tài nguyên rừng và khoáng sản quý hiếm, có giá trị kinh tế cao. Rừng ở đây là nơi lưu giữ nhiều loại động – thực vật quý hiếm như, có giá trị kinh tế cao. Dưới lòng đất, lòng sông suối và các hang núi đá vôi chứa đựng lượng không nhỏ vàng sa khoáng, đem lại cho mảnh đất nơi đây những tiềm năng dồi dào để phát triển kinh tế
Nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, Na Rì có kiểu khí hậu mát mẻ, nhiều mưa, nhiều nắng theo mùa, thích hợp với việc phát triển các loại động – thực vật nhiệt đới. Trên địa bàn có sông Nà Rì và sông Bắc Giang, với lưu vực khoảng 1.228km2, tổng chiều dài khoảng 74km, ngoài ra còn có nhiều khe suối nhỏ.
Do địa hình hiểm trở, núi non bao bọc xung quanh nên việc giao thông đi lại của người dân trước đây gặp nhiều khó khăn. Được sự quan tâm của Đảng, từ năm 1961, đường ô tô Na Rì – Bắc Kạn qua đèo Áng Toòng được khởi công xây dựng, đến năm 1965 thì hoàn thành, thông với Quốc lộ 3. Cho tới nay, hệ thống giao thông nông thôn cũng đã được đầu tư, xây dựng đến cấp xã, cấp thôn bản, góp phần thúc đẩy giao lưu kinh tế – văn hóa với các địa phương lân cận.
Na Rì đất rộng người thưa. Dưới thời Pháp thuộc, dân số toàn huyện (năm 1932) chỉ có 8.740 người. Ngày nay, dân số toàn huyện gần 41.000 người. Nơi đây là nơi quy tụ nhiều dân tộc cùng sinh sống như: Tày, Nùng, Kinh, Dao, Mông. Cộng đồng dân cư thường sinh sống tập trung theo dòng họ, đời sống gắn với ruộng vườn. Các dân tộc Tày, Nùng thường quần cư trong các thung lũng, ven sông suối, canh tác trên các thửa ruộng bậc thang. Đồng bào người Dao trước đây thường có tập quán du canh du cư, phát nương làm rẫy. Người Kinh, người Hoa chủ yếu sống tập trung ở vùng trung tâm, làm các nghề may mặc hoặc cửa hiệu phục vụ ăn uống, buôn bán tạp hóa…
Tuy nhiên, do tập quán canh tác lâu đời còn ảnh hưởng sâu đậm trong suy nghĩ của người dân nên đến nay, nền kinh tế vẫn mang nặng tính chất tự túc tự cấp. Người dân tham gia sản xuất nông nghiệp với quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu là trồng lúa, hoa màu kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm. Ngoài ra, ở một số nơi, người dân cũng làm thêm các nghề thủ công phục vụ sản xuất và đời sống (như rèn dao, đúc lưỡi cày, làm gạch ngói, trồng bông, dệt vải, đan lát…).
Sự quy tụ của nhiều dân tộc cũng mang lại sự đa dạng, riêng biệt trong đời sống văn hóa của cộng đồng dân cư. Người Dao có thói quen hát màng. Trai gái H’Mông cùng nhau thổi kèn lá, múa khèn trong các dịp lễ hội. Những nơi có đông dân tộc Tày, Nùng, mỗi mùa xuân đến xóm làng lại tưng bừng, nô nức trong ngày hội “lồng tồng” – xuống đồng. Hội Lồng tồng là dịp để già làng, trưởng bản cùng người dân cúng tế các vị thần nông, thần sông, thần núi, cầu cho 1 năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Theo thời gian, Hội Lồng tồng trở thành dịp sinh hoạt của cả cộng đồng dân cư với nhiều trò chơi dân gian như: Múa võ, múa lân, đua ngựa, kéo co, đánh cầu, tung còn, đấu vật…, được lưu giữ, phát triển cho đến tận ngày nay.
Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam từ những ngày kháng chiến chống quân xâm lược cho đến thời kỳ xây dựng và phát triển, đời sống của nhân dân các dân tộc Na Rì đã không ngừng đổi thay,phát triển từng ngày. Trong thời đại của hội nhập, giao lưu và phát triển, người dân Na Rì vẫn luôn trân trọng, gìn giữ và bảo tồn những giá trị lịch sử to lớn, những bản sắc văn hóa đậm đà, riêng có của một mảnh đất vùng núi cao…/.
Tiềm năng – Thế mạnh
Huyện Na Rì nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Bắc Kạn, cách trung tâm tỉnh lỵ hơn 72 km; tiếp giáp với các huyện Ngân Sơn, Bạch Thông, Chợ Mới và tỉnh Lạng Sơn. Na Rì có 22 xã, thị trấn với tổng diện tích tự nhiên là 85.300ha, dân số gần 41 nghìn người với 5 dân tộc anh em Tày, Nùng, Kinh, Dao, Mông cùng sinh sống.
Na Rì được thiên nhiên ưu đãi với hệ sinh thái đa dạng phong phú, khí hậu quanh năm mát mẻ, đất đai phì nhiêu… thích hợp phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như cây dong giềng, cây thuốc lá, cây khoai môn, ngô, cây cam, quýt, cây hồi…; diện tích rừng nguyên sinh rộng lớn, mạng lưới sông, suối, hang động đa dạng, hệ sinh thái phong phú, độc đáo với nhiều loại gỗ quý hiếm và các loại cây dược liệu có giá trị cao.
Hiện nay, huyện Na Rì đang tích cực xây dựng cơ sở hạ tầng, chính sách ưu đãi để thu hút nguồn đầu tư vào một số thế mạnh của huyện.
Na Rì có hệ thống đường giao thông thuận lợi với đường trục 256 qua xã Hảo Nghĩa sang huyện Chợ Mới; Quốc lộ 279 nối 3 huyện Na Rì, Ngân Sơn, Ba Bể với huyện Bình Gia – tỉnh Lạng Sơn và tỉnh Tuyên Quang; Quốc lộ 3B thông thương trực tiếp đến cửa khẩu Pò Mã – tỉnh Lạng Sơn. Hiện nay, hệ thống đường giao thông đã và đang được cải tạo nâng cấp, đầu tư hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển, thông thương hàng hoá.
Hệ thống điện lưới quốc gia, hệ thống thông tin liên lạc được đầu tư đến tất cả các xã và thị trấn. Trên địa bàn huyện có một số công trình xây dựng trọng điểm được đầu tư vốn xây dựng lên đến hàng nghìn tỷ đồng, trong đó có: Bệnh viện huyện (công suất 100 giường), Chợ đầu mối nông lâm sản – trung tâm kinh tế của huyện, Quốc lộ 3B, Hồ Cốc Thông (xã Liêm Thuỷ), Hồ Khuổi Khe (xã Kim Lư), hệ thống đập và kênh mương thuỷ lợi xã Lương Thượng…
Thế mạnh về nông – lâm nghiệp
Với diện tích rừng tự nhiên và đất lâm nghiệp trên 74.700ha, chiếm 88% diện tích tự nhiên, trong đó có hơn 14.000ha rừng núi đá, gần 5.000ha rừng trồng, diện tích đất rừng chưa trồng khoảng 41.000ha, huyện Na Rì là địa phương có tiềm năng và lợi thế rõ rệt về phát triển về rừng. Những năm qua, sản lượng khai thác gỗ trung bình đạt 3.138,8m3/năm; cùng với các loại sản phẩm từ tre, vầu, nứa… đã trở thành nguồn nguyên liệu phong phú cho công nghiệp chế biến gỗ, giấy, ván dăm, đũa… của địa phương. Ngoài ra, nhằm đa dạng hóa các sản phẩm, đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao về chất lượng, mẫu mã sản phẩm, huyện đã và đang khuyến khích đầu tư công nghệ, thiết bị chế biến gỗ hiện đại tại các xã có diện tích rừng lớn như: Hảo Nghĩa, Côn Minh, Cư Lễ, Hữu Thác… để sản xuất một số loại sản phẩm như: Ván ép thanh, đồ gỗ gia dụng, đũa công nghiệp, gỗ các loại…
Trong lĩnh vực nông nghiệp, những năm qua, nhờ thực hiện tốt chủ trương chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, giống cây trồng, vật nuôi và các đề án sản xuất nông – lâm – nghiệp, đời sống của nhân dân địa phương đang từng bước được nâng cao. Đặc biệt, với cây dong riềng cho sản lượng hơn 18.000 tấn/năm, nghề sản xuất dong riềng và chế biến miến dong đã giúp nhiều hộ gia đình tại địa phương thu nhập hàng tỷ đồng. Hiện nay, các cơ sở chế biến miến dong ở địa phương đã từng bước đi vào hoạt động ổn định, hiệu quả, đảm bảo cung cấp sản lượng miến chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường trong cả nước.
ừa qua, UBND tỉnh đã phê duyệt nội dung thuyết minh thực hiện Dự án “Xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm miến dong Na Rì” nhằm xây dựng quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể, thông qua đó bảo vệ quyền lợi người sản xuất, người tiêu dùng, góp phần cải thiện đời sống của người dân. Trong những năm tới, huyện Na Rì cũng đã xây dựng kế hoạch đẩy mạnh trồng và chế biến dong riềng ở tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, để sản phẩm miến dong Na Rì thực sự có chất lượng và có đầu ra ổn định, huyện Na Rì đã và đang kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư vào việc lắp đặt máy móc, dây chuyền sản xuất hiện đại, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường hàng hóa.
Hướng đi mới trong sản xuất vật liệu xây dựng
Với trữ lượng dồi dào các loại khoáng sản, đá quý (vàng sa khoáng, đồng, antimon, đất sét…), Na Rì có nhiều tiềm năng để phát triển khai thác và chế biến khoáng sản, vật liệu xây dựng.
Thời gian qua, một số tổ chức, cá nhân đã đầu tư xây dựng khai thác các mỏ vàng sa khoáng, mỏ đồng, mỏ đá, sản xuất gạch… ở một số địa phương như: Lương Thượng, Lạng San, Lương Thành, Liêm Thuỷ, Lam Sơn, Kim Lư, Thị trấn Yến lạc, Hảo Nghĩa…. Tuy nhiên, do đầu tư về máy móc thiết bị và côg nghệ còn hạn chế, quy mô khai thác còn nhỏ lẻ nên mặc dù trữ lượng khoáng sản lớn song vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường; bên cạnh đó, quá trình khai thác còn gây ảnh hưởng tới môi trường tự nhiên.
Hiện nay, huyện đã có chủ trương quy hoạch các khu công nghiệp, mở ra cơ hội và triển vọng cho hợp tác đầu tư lâu dài, đặc biệt là đầu tư vào lĩnh vực vật liệu xây dựng. Một trong những ngành sản xuất có tiềm năng lớn chính là sản xuất gạch không nung (Thị trấn Yến Lạc, xã Kim Lư, khu Vằng Mười, xã Hảo Nghĩa). Để có thể tạo dựng nguồn cung cấp vật liệu ổn định, chất lượng cho các công trình xây dựng trên địa bàn huyện, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, huyện Na Rì đã và đang đẩy mạnh áp dụng những công nghệ hiện đại vào sản xuất gạch không nung. Huyện cũng khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân quan tâm đầu tư thiết bị dây chuyền hiện đại để sản xuất gạch và các loại vật liệu xây dựng chất lượng cao.
Tiềm năng mở cho du lịch
Có thể nói Na Rì có một vị trí khá thuận lợi và được thiên nhiên dành cho nhiều ưu đãi, thuận lợi để đầu tư khai thác và phát triển các loại hình du lịch, với những thắng cảnh đẹp như Động Nàng Tiên, Hồ Khuổi Khe, thác Nà Đăng…
Động Nàng Tiên thuộc xã Lương Hạ. Động ăn sâu xuống lòng núi khoảng 60m, cửa động cao 6m, rộng 6m, trần động cao khoảng 30 – 50m. Vào trong động, du khách sẽ được chiêm ngưỡng nhiều cảnh đẹp do các nhũ đá, cột đá và măng đá tạo nên. Cảnh tiên nữ, cảnh rồng bay, phượng múa bằng nhũ đá huyền ảo lung linh. Trong động còn có nhiều ngách nhỏ có chiều dài từ chục mét đến hàng nghìn mét thông ra sườn núi. Xung quanh là những thửa ruộng bậc thang với dòng nước uốn lượn chảy quanh được người dân ở đây gọi là ruộng tiên, suối tiên. Động Nàng Tiên thực sự là một địa điểm hấp dẫn cho du khách khi đến với Na Rì.
Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ (thuộc địa phận các xã Kim Hỷ, Lương Thượng, Lạng San, Ân Tình, Côn Minh) với diện tích lớn núi đá vôi cùng hàng trăm loài động, thực vật quý hiếm. Nơi đây đã và đang lưu giữ được hiện trạng nguyên sơ của thiên nhiên kỳ thú. Các nhà khoa học trong và ngoài nước đánh giá cao về sự phong phú của nhiều loại động, thực vật quý hiếm, trong đó phải kể đến là loài voọc má trắng, sóc, khỉ là những loài hiện có nguy cơ bị tuyệt chủng trên toàn cầu. Đặc biệt, đến với khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ bạn sẽ được chứng kiến sự đa dạng của loài dơi ở đây – được coi là nhiều chủng loại nhất ở Việt Nam. Không những thế, đây còn được coi là kho gỗ quý lớn của tỉnh Bắc Kạn, với hàng vạn cây nghiến, thông núi…. Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ thực sự thích hợp với những người đi du lịch dạng khám phá, ưa mạo hiểm.
Bên cạnh những địa danh nổi tiếng, Na Rì còn có thu hút du khách với nhiều hoạt động, lễ hội văn hóa mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống độc đáo của cộng đồng các dân tộc sinh sống trên địa bàn, trong đó có Hội Lồng Tồng của dân tộc Tày, Nùng; Hội Xuân của người Mông Khuổi Nộc; Chợ tình Xuân Dương (ngày 25/3 âm lịch hàng năm); các lễ hội mừng lúa mới, lễ cưới hỏi…. Đến Na Rì những ngày còn phảng phất hơi sương để cùng ngắm những đôi trai gái dập dìu dưới bóng núi nguyên sơ trong mỗi phiên chợ tình, đề được ngất ngây trong hương rượu thơm nồng, đắm say khi nghe những câu hát sli, hát lượn, nghe tiếng đàn tính, tiếng khèn môi hòa trong thanh âm đất trời…
Ngay tại thị trấn Yến Lạc, giữa những công trình mới xây kiên cố, hiện đại, vẫn còn đó khu phố cổ với những ngôi nhà có tuổi đời hàng trăm năm. Nơi đây, 3 – 4 thế hệ mỗi gia đình vẫn cùng chung sống dưới một mái nhà và cùng nhau lưu giữ những kiến trúc tinh xảo, độc đáo của cha ông. Cũng bởi bàn tay chịu khó, cần cù, những người phụ nữ trong khu phố cổ đã nối tiếp nghề làm bánh nổi tiếng, lâu đời của các bà, các mẹ với những đặc sản mang đậm hương vị núi rừng như bánh ngô, bánh khảo, quẩy… đã trở thành món quà không thể thiếu mỗi khi ghé thăm.