Giới thiệu khái quát huyện Ba Tơ

Giới thiệu khái quát huyện Ba Tơ - Tỉnh Quảng Ngãi

Giới thiệu khái quát huyện Ba Tơ

Ba Tơ là huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi, cách trung tâm tỉnh lỵ 60 km về phía Tây Nam; có chung đường biên giới với 03 huyện thuộc 03 tỉnh (Gia Lai, Kon Tum, Bình Định) và 04 huyện thuộc tỉnh Quảng Ngãi; là cửa ngõ nối liền các tỉnh duyên hải miền Trung với Tây Nguyên bằng con đường huyết mạch từ Đông sang Tây (Quốc lộ 24); là 01 trong 62 huyện nghèo của cả nước được hưởng Chính sách hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ.

Ba Tơ – quê hương có nhiều dấu ấn được ghi vào lịch sử dân tộc Việt Nam: Nơi diễn ra cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ (ngày 11/3/1945); nơi ra đời Đội Du kích Ba Tơ (01 trong những đội quân tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng); nơi được Thủ tướng Chính phủ công nhận là vùng An toàn khu (ATK) của Trung ương trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp; là 01 trong 02 huyện ở miền Nam được giải phóng sớm nhất trong thời ký kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1972); được Chủ tịch nước phong tặng 02 lần danh hiệu anh hùng (Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới).

Toàn huyện có 20 xã, thị trấn (trong đó, có 08 xã, thị trấn thuộc khu vực II, với  20 thôn, tổ dân phố thuộc vùng đặt biệt khó khăn và 12 xã thuộc khu vực III); tổng diện tích tự nhiên 113.669,52 ha chiếm 22,06% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh.

Dân số toàn huyện có đến 31/12/2014 là 55.662 người (trong đó: Dân tộc Hre: 46.492 người, chiếm 83,53 %; dân tộc Kinh: 9.072 người, chiếm 16,29 %; dân tộc khác 98 người, chiếm 0,18%).

Về địa hình: Ba Tơ có đặc điểm chung của vùng miền núi ở phía Tây và Tây Nam của tỉnh Quảng Ngãi, có độ cao từ 300 m – 1.800 m so với mặt nước biển. Có nhiều núi hiểm trở, mật độ sông suối cao với hướng chảy từ Tây sang Đông và theo hướng Bắc Nam tạo nên độ chia cắt mạnh, phần lớn địa hình là rừng núi ít bằng phẳng, độ dốc cao thấp đột biến, quá trình xói mòn, rửa trôi tương đối lớn. Tuy nhiên do mật độ sông suối cao nên đã hình thành những triền đất ven sông có địa hình tương đối bằng phẳng.

Về khí hậu: Mang đặc thù khí hậu nhiệt đới gió mùa vùng duyên hải Nam Trung bộ và bị chi phối bởi điều kiện địa hình phía Đông dãy Trường Sơn với những đặc trưng chủ yếu: Nóng ẩm, nhiệt độ cao, ánh sáng nhiều, lượng mưa khá lớn. Nhiệt độ trung bình trong năm là 250C, tháng lạnh nhất trong năm trung bình nhiệt độ 180C.

Nhìn chung khí hậu Ba Tơ tương đối thuận lợi cho phát triển nông, lâm nghiệp. Tuy nhiên, do lượng mưa lớn, tập trung vào một vài tháng trong năm, cùng với địa hình phức tạp và có độ dốc lớn nên hàng năm diện tích bị xói mòn do dòng chảy của các con sông lớn, khó khắc phục được. Đây cũng là một trong những khó khăn trong việc phát triển và mở rộng sản xuất nông, lâm nghiệp của huyện nhà

1. Lĩnh vực kinh tế

Tổng giá trị sản xuất năm 2014 tính theo giá so sánh 2010: 943,48 tỷ đồng, đạt 106,9% kế hoạch, tăng 8,46% so với năm 2013; đạt 142,08% so với Nghị quyết đề ra.

Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 21,2 triệu đồng năm 2013 lên 22,91 triệu đồng năm 2014, đạt 106,1% kế hoạch; tăng 10,62 triệu đồng so với Nghị quyết đề ra.

Công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp – xây dựng (CN-TTCN-XD):  232,68 tỷ đồng, đạt 114,6 kế hoạch, tăng 20,97% so với năm 2013.

Thương mại – dịch vụ (TM-DV): 120,77 tỷ đồng, đạt 113,9% kế hoạch, tăng 22,5% so với năm 2013.

Giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp: 590,03 tỷ đồng, đạt 102,9% kế hoạch, tăng 1,9% so với năm 2013.

Cơ cấu kinh tế: Chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng N-L-TS, tăng dần tỷ trọng CN-TTCN-XD và TM-DV (theo giá so sánh 2010: N-L-TS từ 66,56% xuống 62,54%, CN-XD từ 22,11% lên 24,66%,TM-DV từ 11,33% lên 12,8%).

Công tác xây dựng nông thôn mới (NTM): Công tác lập đề án xây dựng NTM đã hoàn thành trong năm 2013; tuy nhiên, khối lượng thực hiện theo đề án còn thấp do không có kinh phí đầu tư, chủ yếu tập trung cho xã Ba Chùa.

Kết quả tổng hợp thực hiện theo Bộ tiêu chí quốc gia về NTM

– Số xã đạt chuẩn số tiêu chí theo 5 nhóm: Không có xã thuộc nhóm 1 và nhóm 2; nhóm 3 (đạt 10 -14 tiêu chí): có 01 xã (xã Ba Động đạt 11 tiêu chí); nhóm 4 (đạt 5-9 tiêu chí): có 02 xã (xã Ba Chùa đạt 8 tiêu chí, xã Ba Cung đạt 5 tiêu chí); nhóm 5 (đạt dưới 5 tiêu chí): 16 xã còn lại.

– So với cuối năm 2013, tăng  01 xã từ nhóm 4 lên nhóm 3 (Ba Động tăng từ 7 tiêu chí lên 11 tiêu chí), giữ nguyên 02 xã thuộc nhóm 4 (Ba Chùa tăng từ 7 tiêu chí lên 8 tiêu chí; Ba Cung giữ 5 tiêu chí); giảm 1 xã từ nhóm 4 xuống nhóm 5 (Ba Dinh); nhóm 5 (thuộc nhóm xã khó khăn đạt dưới 5 tiêu chí): có 16 xã.

Tổng thu ngân sách nhà nước: Ước đạt 410,5 tỷ đồng, đạt 160% dự toán tỉnh và HĐND huyện giao, trong đó: Thu trên địa bàn 20,9 tỷ đồng, đạt 102,4% dự toán tỉnh và HĐND huyện giao.

Tổng chi ngân sách: 270,4 tỷ đồng, đạt 107,8% dự toán tỉnh và HĐND huyện giao, trong đó chi thường xuyên 235,1 tỷ đồng, đạt 101,9% dự toán tỉnh và HĐND huyện giao.

Tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn huyện năm 2014 (tính đến ngày 06/12/2014) là 167.129 triệu đồng (trong đó 1.789 triệu đồng chuyển nguồn năm 2013), ước giải ngân đến 31/01/2015 là 146.493 triệu đồng, đạt 87,65% kế hoạch.

          2. Lĩnh vực văn hoá – xã hội

Về giáo dục: Đã hoàn thành tốt công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2014 trên địa bàn với tổng số học sinh dự thi là 377/381 học sinh, kết quả thi đạt 357/377 học sinh (đạt 94,7%); xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở: 622/630 (đạt 98,7%), thấp hơn 0,67% so với cùng kỳ (tính cả THCS DTNT huyện); xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học: 912/917 (đạt 99,5%).

Về y tế:  Số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế 02 xã, chiếm 10%, hiện đang trình thẩm định thêm 04 xã, dự kiến đầu năm 2015 nâng số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế là 06 xã, chiếm 30%. Tình hình dịch bệnh có 03 cas mắc Hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân (02 cas mắc mới và 01 cas tái phát), trong đó 01 cas đã tử vong.

Văn hóa và thông tin: Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ngày một phát triển và đi vào chiều sâu chất lượng, năm 2014 có 71,89% hộ gia đình (giảm 11,11% kế hoạch); 75,23% thôn, tổ dân phố (giảm 5,77% kế hoạch), có 140/147 (chiếm 95,2%, giảm 1,8% kế hoạch) cơ quan, đơn vị, trường học đạt danh hiệu văn hóa.

Truyền thanh – Phát lại truyền hình: 365 chương trình thời sự phát thanh (104 chương trình tiếng Hrê) phát trên hệ thống truyền thanh huyện và các xã, thị trấn; cộng tác trên 410 tin, bài, ảnh với Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh và Báo Quảng Ngãi, Trang thông tin điện tử huyện, Bản tin dân tộc miền núi của Tỉnh ủy.

Công tác dân tộc: Đã tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện lần thứ II năm 2014 trang trọng, đảm bảo nội dung theo quy định; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để đưa Đoàn đại biểu của huyện đi dự đại hội cấp tỉnh.

Công tác lao động, thương binh và xã hội: Công tác giảm nghèo được triển khai đồng bộ tại các địa phương, trong năm đã giảm 1.108 hộ nghèo nhưng tái nghèo 99 hộ và phát sinh mới 326 nên tổng số hộ nghèo trong năm chỉ giảm 683 hộ, đạt 73% kế hoạch, dự kiến tỷ lệ hộ nghèo còn 28,17%, giảm 4,7% so với năm 2013 (Nghị quyết đề ra giảm từ 5-6%); hộ cận nghèo còn 2.096 hộ, tỷ lệ 13,66%.

           3. Lĩnh vực nội chính và tổ chức nhà nước

Tổ chức thực hiện kế hoạch cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả công tác năm 2014. Đã tuyển dụng bố trí, sắp xếp cho 21 sinh viên cử tuyển làm việc tại huyện; báo cáo phương án sắp xếp, bố trí đối với 34 sinh viên cử tuyển. Bổ nhiệm, bổ nhiệm lại trưởng, phó các phòng ban, công chức, viên chức lãnh đạo quản lý các trường học; luân chuyển 04 lãnh đạo cấp phòng về xã; điều động, bổ nhiệm 02 công chức lãnh đạo quản lý, 08 công chức, 01 viên chức lãnh đạo, quản lý trường học, 22 giáo viên các trường; chuyển đổi vị trí công tác 06 công chức theo Quyết định 1000; xây dựng kế hoạch bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ xã, thôn và cộng đồng.

Lịch sử hình thành

Đất Ba Tơ ngày xưa có tên là An Ba
Năm Thành Thái thứ 11 (1988) vùng này còn thuộc Thổ Châu Đức Phổ;
Đến năm Thành Thái thứ 13 (1901) vùng này đổi tên thành Ba Tơ;
Năm 1915 Ba Tơ có 5 Tổng 61 Sách (Tên gọi mà chính quyền thực dân phong kiến gọi cho làng miền núi)
Năm Khải Định thứ 8 (1923) Ba Tơ có 6 tổng 63 Sách 
Sau Cách mạng tháng 8/45 được gọi là huyện Ba Tơ cho mãi đến ngày nay
Hiện nay Ba Tơ có 20 đơn vị hành chính :
Ba Vì, Ba Nam, Ba Dinh, Ba Tiêu,Ba Ngạc, Ba Xa, Ba Tô, Ba Lế, Ba Bích, Ba Chùa, Ba Cung , Ba Động, Ba Thành, Ba Vinh, Ba Điền, Ba Liên, Ba Khâm, Ba Trang, một xã mới được tách ra từ Ba Dinh là Ba Giang 
Ba Tơ có 01 thị trấn là Thị Trấn Ba Tơ.

Phong cảnh 

Phong cảnh Ba Tơ khá đẹp nổi tiếng với những thắng cảnh:
Hồ Tôn Dung, hồ Núi Ngang: Một khung cảnh đã đẹp được sự tu tạo của con người tạo nên hồ chứa nước, có khung cảnh khá đẹp cho du khác xã gần 
đèo Violet: Trên con đường quốc lộ 24 đi Kon Tum bạn dừng chân trên đèo để nhìn toàn cảnh thất thú vị, nơi đây là giao thoa giữa vùng cao nguyên của dãy Trường Sơn nên không khí tại đây rất dễ chịu vừa lạ vừa quen rất nên thơ .
Núi Cao Muôn: Một ngọn núi hùng vĩ, đứng từ xa trông thật hoành tráng bởi lẻ nó có lịch sử gắng liền với dân tộc, có độ cao 1085m so với mặt nước biển 
Ngoài ra còn những thắng cảnh đẹp khác như Suối mơ, Hang én, ….đặc biệt ruộng bậc thang ở Ba Tô thất tuyệt đẹp cho những nhiếp ảnh gia tên tuổi bổ sung thêm trong abum ảnh của mình …
Những thắng cảnh nổi tiếng này không những vẻ đẹp của nó từ xưa đến nay mà mỗi danh lam thắng cảnh còn là những trang sử hào hùng của cả dân tộc với những chiến thắng vang dội toàn cầu .
Đến với Ba Tơ bạn sẽ được tận hưởng những không khí trong lành nhất, những khung cảng đẹp nên thơ trữ tình, người dân Ba Tơ hiền hòa hiếu khách. Nếu bạn nghỉ chân tại bất cứ địa danh nào trên Ba Tơ bạn cũng sẽ được những khoảng thời gian không thể nào quên; đêm xuống bạn sẽ được thưởng thức những âm vang cồng chiêng cùng với điệu múa thước tha của những cô thiếu nữ vùng cao trong trang phục cẩm thổ Làng Teng hòa cùng điệu múa, cồng chiêng là hương vị rượu cần đậm đà bản sắc dân tộc Hre không ở đâu có được 
Người dân Hre Ba Tơ có những lễ hội: Lễ đâm trâu, Lễ mừng lúa mới… nhạc cụ phổ biến là chinh, cồng, đàn sáo, đệm Brosc đàn môi…
Đất đai ưu đãi, động thực vật phong phú người dân Ba Tơ từng ngày phát triển rõ rệt.

Định hướng phát triển trong tương lai

Điều kiện địa hình đồi núi điệp trùng, sông suối liên hoàn, cảnh đẹp trữ tình thiên nhiên động thực vật đa dạng, cơ sở vật chất đang ngày càng được đầu tư thích đáng phải chăng rất có nhiều lợi thế cho tiềm năng phát triển du lịch.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây