Giới thiệu khái quát tỉnh Quảng Ngãi

Quảng Ngãi

Giới thiệu khái quát tỉnh Quảng Ngãi

I. Thông tin khái quát

Quảng Ngãi là một tỉnh ven biển nằm ở vùng Duyên Hải Nam Trung Bộ, Việt Nam. Đường bờ biển Quảng Ngãi có chiều dài khoảng 129 km với vùng lãnh hải rộng lớn 11.000 km2 và 6 cửa biển vốn giàu nguồn lực hải sản với nhiều bãi biển đẹp. Quảng Ngãi nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung được Chính phủ chọn khu vực Dung Quất để xây dựng nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam. Tỉnh Quảng Ngãi tái lập vào ngày 1 tháng 7 năm 1989 trên cơ sở tách tỉnh Nghĩa Bình thành 2 tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định.
I.1. Điều kiện tự nhiên
+ Vị trí địa lý
Quảng Quảng Ngãi trải dài từ 14°32′ đến 15°25′ Bắc, từ 108°06′ đến 109°04′ Đông, tựa vào dãy núi Trường Sơn hướng ra biển Đông với chiều dài bờ biển 144 km, phía Bắc giáp tỉnh Quảng Nam với chiều dài đường địa giới 98 km, phía Nam giáp tỉnh Bình Định với chiều dài đường địa giới 83 km, phía Tây giáp tỉnh Kon Tum với chiều dài đường địa giới 79 km, phía Đông giáp biển Đông. Nằm ở vị trí trung độ của cả nước, Quảng Ngãi cách thủ đô Hà Nội 890 km về phía Bắc và cách Thành phố Hồ Chí Minh 824 km về phía Nam theo đường Quốc lộ 1A.
+ Địa hình
Quảng Quảng Ngãi có địa hình tương đối phức tạp, có xu hướng thấp dần từ tây sang đông với các dạng địa hình đồi núi, đồng bằng ven biển, phía tây của tỉnh là sườn Đông của dãy Trường Sơn, tiếp đến là địa hình núi thấp và đồi xen kẽ đồng bằng, có nơi núi chạy sát biển. Khí hậu ở Quảng Ngãi là khí hậu nhiệt đới và gió mùa, nên nhiệt độ cao và ít biến động. Chế độ ánh sáng, mưa ẩm phong phú, nhiệt độ trung bình 25-26,9 °C[6]. Khí hậu nơi đây phân hóa thành 2 mùa rõ rệt, gồm có mùa mưa và mùa nắng. Đất đai trong địa bàn tỉnh được chia làm 9 nhóm đất chính với 25 đơn vị đất và 68 đơn vị đất phụ. Các nhóm đất chính là cồn cát, đất cát ven biển, đất mặn, đất phù sa, đất giây, đất xám, đất đỏ vàng, đất đen, đất nứt nẻ, đất xói mòn trơ trọi đá. Trong đó, nhóm đất xám có vị trí quan trọng với hơn 74,65% diện tích đất tự nhiên, thích hợp với cây công nghiệp dài ngày, cây đặc sản, dược liệu, chăn nuôi gia súc và nhóm đất phù sa thuộc hạ lưu các sông chiếm 19,3% diện tích đất tự nhiên, thích hợp với trồng lúa, cây công nghiệp ngắn ngày, rau đậu… Đất Quảng Ngãi có thành phần cơ giới nhẹ, hơi chặt, thích hợp với trồng mía và các cây công nghiệp ngắn ngày.
+ Khí hậu
Quảng Ngãi có khí hậu nhiệt đới và gió mùa. Nhiệt độ trung bình 25 độ C đến 28 độ C, thượng tuần tháng 7 và tháng 8 nóng không quá 34 độ C, thượng tuần tháng giêng lạnh nhất không dưới 18 độ C.
Thời tiết Quảng Ngãi được chia làm 2 mùa: mưa, nắng rõ rệt.
– Mùa mưa : Từ hạ tuần tháng giêng âm lịch đến thượng tuần tháng giêng âm lịch.
– Mùa nắng : từ hạ tuần tháng giêng âm lịch đến thượng tuần tháng 8 âm lịch.
Ngoài ra thời tiết Quảng Ngãi còn được chia thành bốn tiết:
– Tiết xuân : vào khoảng tháng giêng đến tháng 3 âm lịch. khí hậu mát mẻ, hoa lá xanh tươi, thỉnh thoảng có mưa phùn nhưng không mang hơi lạnh như sương mù cao nguyên.
– Tiết hạ : từ tháng 4 âm lịch đến cuối tháng 9 âm lịch, mát mẻ, nắng gắt có những trận mưa dông lớn. Thường thường sau những cơn dông khí hậu dễ chịu hơn.
– Tiết thu : Từ tháng 7 âm lịch đến cuối tháng 9 âm lịch, mát mẻ. Những buổi chiều tối thường có mưa, mực nước sông thường dâng cao, gây nên lụt lớn (1964) nhưng đôi khi mưa nắng kéo dài đến tháng 8 và nhiệt độ không kém nhiệt độ tháng 4 tháng 5. Cho nên ở địa phương có câu “nắng tháng 8 nám trái bưởi”
– Tiết đông : Từ tháng 10 âm lịch đến tháng 12 âm lịch với những cơn mưa dầm kéo dài suốt tháng, gió bấc lạnh se da, tuy nhiên thường sau 23 tháng 10 âm lịch không còn những trận lụt lớn.
– Gió mùa : Từ hạ tuần tháng giêng âm lịch đến tháng 8 âm lịch, gió thổi từ Đông Nam qua Tây Bắc, hết sức mát mẻ dễ chịu gọi là gió Nồm.
Vào những tháng nóng bức, thỉnh thoảng có gió từ Tây Nam thổi đến gọi là gió Nam nóng bức, gây thiệt hại cho hoa màu.
Từ tháng 9 âm lịch gió thổi từ Đông Bắc vào Tây Nam đem hơi lạnh gọi là gió Bấc.
Quảng Ngãi có mưa, đặc biệt lượng trung bình hằng năm 2.063mm nhưng chỉ tập trung vào 8 đến tháng 12, còn các tháng khác thì khô hạn. Trung bình hàng năm có 129 ngày mưa. Sự phân phối lượng mưa không đều cũng như sự kéo dài mùa khô hạn rất có hại cho cây hoa màu, đất đai và gây khó khăn cho việc tưới tiêu. Đặc biệt ở Quảng Ngãi các trận bão chỉ thể xảy ra trong khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 12 dương lịch nhất là hai tháng 10 và 11.
(Nguồn: http://ubnd.quangngai.gov.vn)
+ Sông ngòi và chế độ thuỷ văn
Trên bình diện địa hình, vùng Quảng Ngãi có 04 con sông lớn là Trà Bồng, Trà Khúc, sông Vệ và sông Trà Câu. Các con sông này có đặc trưng chung là đều có hướng chảy vĩ tuyến hoặc á vĩ tuyến, phân bố khá đều trên vùng đồng bằng Quảng Ngãi.
Ngoài 04 con sông chính trên, Quảng Ngãi còn có các sông nhỏ như Trà Ích (Trà bồng), sông Cái (Tư Nghĩa), sông Phước Giang (Nghĩa Hành), sông La Vân (Đức Phổ),…
Sông ngòi Quảng Ngãi đều xuất phát từ Đông Trường Sơn và chảy ra biển Đông. Dòng sông ngắn, độ dốc cao (từ 10,5 độ đến 33 độ), lòng sông cạn và hẹp nên vào mùa mưa (có lượng mưa rất nhiều) dòng chảy cường độ mạnh, thường gây ra lũ lụt lớn, gây tác hại cho sản xuất và đời sống, mặt khác cũng mang về cho đồng bằng một lượng phù sa đáng kể. Với mạng lưới sông suối dày đặc, các phụ lưu của hệ thống sông Trà Bồng, Trà Khúc, sông Vệ và Trà Câu đều bắt nguồn từ những vùng núi cao có độ dốc lớn với lượng nước nhiều là những nguồn thuỷ năng có giá trị. Ở các huyện miền núi nhân dân đã đắp đập để làm thuỷ điện.
 Đặc trưng thủy văn các sông chính tỉnh Quảng Ngãi
Sông
Chiều dài
sông (km)
Chiều dài
lưu vực (km)
Chiều rộng

lưu vực (km)

Diện tích
lưu vực (km2)
    Trà Bồng
45
56
12,4
697
    Trà Khúc
135
123
26,3
3.240
   Sông Vệ
90
70
18,0
1.260
  Trà Câu
32
19
14,0
442
I.2. Điều kiện xã hội
+ Dân số
Tính đến năm 2014 dân số tỉnh Quảng Ngãi khoảng 1.241.400 người, mật độ dân số đạt 241 người/km² trong đó dân sống tại thành thị là 178.900 người, dân số sống tại nông thôn là 1.042.700 người. Dân số nam là 602.500 người, trong khi đó nữ là 619.100 người. Tỷ lệ tăng tự nhiên dân số phân theo địa phương tăng 10,2 ‰.
Theo thống kê của tổng cục thống kê Việt Nam, tính đến ngày 1 tháng 4 năm 2009, toàn tỉnh Quảng Ngãi có 29 dân tộc cùng người nước ngoài sinh sống, trong đó dân tộc kinh chiếm đông nhất với 1.055.154 người, thứ hai là người Hrê với 115.268 người, thứ ba là người Co với 28.110 người, người Xơ Đăng có 17.713 người, cùng với các dân tộc ít người khác như Hoa, Mường, Tày, Thái…
Tính đến ngày 1 tháng 4 năm 2009, toàn tỉnh Quảng Ngãi có 10 tôn giáo khác nhau chiếm 42.604 người, trong đó nhiều nhất là Phật giáo với 22.284 người, Đạo Tinh Lành có 11.032 người, Công giáo có 6.376 người, Đạo Cao Đài có 6.000 người, còn lại các tôn giáo khác như Hồi giáo, Phật Giáo Hòa Hảo mỡi đạo có 3 người, Bà la môn và Tịnh độ cư sĩ Phật hội Việt Nam mỗi đạo có 2 người, ít nhất là Bửu sơn kỳ hương và Bahá’í mỗi đạo có 1 người.
Tỉnh Quảng Ngãi nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung được Chính phủ chọn khu vực Dung Quất để xây dựng nhà máy lọc dầu đầu tiên của cả nước, góp phần đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế tỉnh theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Năm 2010 là năm đầu tiên tỉnh Quảng Ngãi thu ngân sách nhà nước đạt 14.500 tỷ đồng, GDP bình quân đầu người tăng từ 773 USD lên 1.228 USD. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) năm 2011 ước đạt 9.307,23 tỷ đồng, GDP bình quân đầu người tăng từ 1.298 USD năm 2010 lên 1.434 USD năm 2011, thấp hơn kế hoạch đề ra là 1.495 USD. Trong đó, khu vực công nghiệp – xây dựng ước đạt 4. 904,52 tỷ đồng, dịch vụ ước đạt 2. 674,72 tỷ đồng, nông lâm nghiệp, thủy sản ước đạt 1. 727,99 tỷ đồng.
Về ngành đánh cá, tỉnh có gần 5.500 tàu cá với 7 nghiệp đoàn nghề cá gồm 2.350 đoàn viên (2014). Trong đó 405 tàu đánh bắt tại Hoàng Sa, Trường Sa.
Giai đoạn 6 tháng đầu năm 2012, tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) đạt 4.880 tỷ đồng, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2011 và bằng 47,3% so với kế hoạch năm 2012. Trong đó, sản xuất nông lâm thủy sản đạt 806,4 tỷ đồng, công nghiệp – xây dựng đạt 2.721,0 tỷ đồng, khu vực dịch vụ đạt 1.352,6 tỷ đồng.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng ước đạt 12.780,25 tỷ đồng, Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 196,07 triệu USD, Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 6 tháng ước đạt 9.070 tỷ đồng. Tổng chi ngân sách địa phương ước đạt 3.342,34 tỷ đồng. Ước đến ngày 30 tháng 6 năm 2012, trên địa bàn tỉnh có 3.638 doanh nghiệp, trong đó có 3.529 doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Về lĩnh vực chăn nuôi, tại thời điểm ngày 01 tháng 4 tháng 2012, đàn lợn của Quảng Ngãi ước đạt 481 ngàn con, đàn trâu có 60.889 con, đàn bò có 270.395 con, đàn gia cầm có 3,37 triệu con. So với thời điểm 01 tháng 4 năm 2011, đàn lợn giảm 3,9%, đàn trâu tăng 6,8%, đàn bò giảm 3,2%. Bò lai chiếm 48,3% tổng đàn.
+ Giao thông
Quảng Ngãi là đầu mối giao thông quan trọng xuyên suốt trên địa bàn tỉnh, có Quốc lộ 1A và đường sắt Bắc – Nam chạy qua tỉnh. Trong đó chiều dài Quốc lộ 1A qua tỉnh dài 98 km. Quốc lộ 24 nối liền Quốc lộ 1A đoạn qua Thạch Trụ, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi với Kon Tum dài 69 km và Quốc lộ 24B dài 18 km, đây là tuyến giao thông quan trọng đối với Kon Tum và Quảng Ngãi trong quan hệ kinh tế, văn hoá giữa duyên hải và Tây Nguyên, giao lưu trao đổi hàng hoá, phát triển kinh tế miền núi gắn với an ninh quốc phòng[20]. Phía Bắc tỉnh, tại huyện Bình Sơn có sân bay Chu Lai đã đưa vào hoạt động, tại đây có cảng nước sâu Dung Quất. Ngoài ra, với bờ biển dài 144 km, Quảng Ngãi có nhiều cửa biển, cảng biển nhỏ như Sa Kỳ, Sa Cần, Bình Châu, Mỹ Á,… có tiềm năng về giao thông đường thủy, thương mại và du lịch​[21][22
+ Văn hoá, Du lịch
Quảng Ngãi là mảnh đất có bề dày lịch sử về Văn hóa Sa HuỳnhVăn hóa Chăm Pa, đặc biệt là hệ thống thành lũy Chàm. Bên cạnh đó là hai danh thắng nổi tiếng là “núi Ấn sông Trà”. Quảng Ngãi là quê hương của Lê Văn Duyệt, Trương Định, Trương Đăng Quế, Bạch Văn Vĩnh, Lê Trung Đình, nhiều nhà trí thức, nhà văn, nhà thơ, nhạc sỹ, nghệ sỹ tên tuổi: Nguyễn Vỹ, Bích Khê,Thanh Thảo, Tế Hanh, Trà Giang, Trương Quang Lục, Thế Bảo, Nhất Sinh…
Các Lễ hội gồm Lễ hội nghinh cá Ông, Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa (Lý Sơn), Lễ hội đâm trâu, Lễ hội cầu ngư, Lễ hội đua thuyền truyền thống…
Quảng Ngãi là vùng đất có bề dày lịch sử với nền văn hoá lâu đời như khu du lịch văn hoá Sa Huỳnh, dấu vết văn hoá cổ xưa như thành cổ Châu Sa, Gò Vàng…, có di tích lịch sử Ba Tơ, Sơn Mỹ, Ba Gia, Trà Bồng, Vạn Tường, nhiều cảnh đẹp như Thiên Ấn, Niêm Hà, Thiên Bút, Phê Vân, Thạch Bích, Tà Dương, Cổ Luỹ, Cô Thôn, Nước Trong – Ca Đam…, nhiều bãi biển như Mỹ Khê, Sa Huỳnh…, những tiềm năng trên là điều kiện để phát triển du lịch nghỉ dưỡng với nhiều loại hình, sản phẩm du lịch đa dạng.
Năm 2015, nhà đầu tư Vingroup dự kiến sẽ xây Khu nghỉ dưởng Vinpearl Land Resort tại Bình Châu, Huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi và Trung tâm Thưong Mại Vincom tại Thành phố Quảng Ngãi.
(Nguồn: vi.wikipedia.org)
II. Khu vực miền núi
Theo quyết định 964/QĐ-TTg ban hành ngày 30/6/2015 của Thủ tướng Chính Phủ, tỉnh Quảng Ngãi có 4 huyện nằm trong Danh mục địa bàn ưu tiên thực hiện chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015 – 2020, bao gồm: huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Đức Phổ, Sơn Hà, Ba Tơ, Mộ Đức và huyện đảo Lý Sơn..
Trong đó, khu vực miền núi của tỉnh Quảng Ngãi gồm có các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Đức Phổ, Sơn Hà, Ba Tơ và huyện Mộ Đức.
Quảng Ngãi có 6 huyện miền núi được Nhà nước hỗ trợ đầu tư thông qua Nghị quyết 30a của Chính phủ. Qua 6 năm thực hiện, bộ mặt nông thôn các huyện miền núi của tỉnh đã có những sự đổi thay tích cực. Đặc biệt là hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư nâng cấp cơ bản, góp phần rất lớn trong công cuộc giảm nghèo bền vững của địa phương.
Trong 6 năm (2009 – 2014), tỉnh Quảng Ngãi được TW hỗ trợ 1.444 tỷ đồng thực hiện Nghị quyết 30a cho 6 huyện nghèo trên địa bàn, trong đó, vốn đầu tư phát triển hơn 1.121 tỷ đồng, Vốn sự nghiệp hơn 323 tỷ đồng. Ngoài ra, TW cũng đã phân bổ trên 595 tỷ đồng để thực hiện các chính sách, dự án giảm nghèo khác.
Để có thể giảm nghèo nhanh và bền vững, Quảng Ngãi chủ trương thực hiện lồng ghép nhiều chương trình, dự án đầu tư cùng lúc, như Chương trình 30a, 135, 134…Nhờ vậy mà người dân được hưởng lợi, rút ngắn về mặt thời gian, quá trình đầu tư, tạo ra sự thay đổi căn bản trong đời sống vật chất cũng như tinh thần của người dân ở các vùng khó khăn. Cụ thể, từ nguồn vốn hỗ trợ của TW và nguồn vốn huy động khác, các địa phương đã đầu tư xây dựng 254 công trình hạ tầng như trường học, trạm y tế, giao thông, thuỷ lợi, nước sinh hoạt, điện thắp sáng, nhà văn hoá,… thuộc Chương trình 30a; đầu tư xây dựng mới và nâng cấp, sửa chữa 262 công trình cơ sở hạ tầng ở các xã đặc biệt khó khăn và các thôn đặc biệt khó khăn thuộc các xã khu vực II của tỉnh thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo; đầu tư 351 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn 43 xã và 31 thôn đặc biệt khó khăn của tỉnh. Đặc biệt, từ nguồn vốn hỗ trợ của Nghị quyết 30a, các địa phương đã tổ chức đào tạo nghề gắn với việc làm tại chỗ cho 3.271 lao động. Nhiều lao động sau khi được đào tạo nghề đã tìm được việc làm, tham gia xuất khẩu lao động, có 1.325 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài có thu nhập ổn định và gửi về cho gia đình, góp phần phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương.
Tận dụng tối đa, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận với nguồn vốn NHCSXH là cách làm thiết thực của Quảng Ngãi.Nhiều năm qua các huyện ở miền núi đã từng bước quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh, với sản lượng hàng hóa khá lớn, như cây mía, cây mì, rừng quế và rừng keo nguyên liệu. Các cây này không chỉ khai thác, cải tạo được diện tích đất trồng, thích hợp với thổ nhưỡng mà còn phù hợp với trình độ người dân, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Gia đình anh Phạm Văn Mật ở thôn Nước Lá, xã Ba Vinh là một trong những hộ nghèo có “thâm niên” của huyện Ba Tơ. Với quyết tâm vượt qua cái nghèo, năm 2006 anh vay NHCSXH 10 triệu đồng. Sau nhiều năm khai hoang và phát triển diện tích trồng keo, hiện nay anh đã có 5ha keo, 4ha mía thu nhập gần 60 triệu đồng/năm.
Tại huyện Sơn Hà, sau khi triển khai thực hiện chính sách giảm nghèo được Nhà nước đầu tư, NHCSXH cho vay vốn phát triển sản xuất, chăn nuôi diện mạo của huyện đã và đang có những chuyển biến tích cực. Ngay ở những buôn làng xa xôi nhất, những trang trại nhỏ, những mô hình kinh tế trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả của hộ gia đình xuất hiện ngày càng nhiều. Chị Đinh Thị Sen ở thôn Làng Đèo, xã Sơn Trung là ví dụ điển hình. Năm 2013, được NHCSXH cho vay 30 triệu đồng để cải tạo đất hoang tăng diện tích trồng trọt, nuôi thêm heo, trâu, vịt gà… Đến nay, gia đình chị đã thoát nghèo và có cuộc sống ổn định.
Có thể khẳng định, với sự “trợ lực” từ Chương trình 30a đã góp phần quan trọng giảm nghèo nhanh, bền vững trên địa bàn 6 huyện miền núi của tỉnh. Hầu hết các hộ nghèo đều được tiếp cận và thụ hưởng chính sách giảm nghèo của Nhà nước. Các chính sách giảm nghèo đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, tạo được chuyển biến đáng kể đối với cuộc sống người dân. Bình quân hàng năm, tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo của tỉnh giảm 6,3%, đạt kế hoạch đề ra. Cụ thể, tỷ lệ hộ nghèo tại 6 huyện nghèo giảm từ 60,87% trong năm 2010 xuống còn 34,82% vào năm 2014. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tập huấn, huấn luyện đạt trên 22 – 27%; lao động có việc làm đạt 19 – 24%. Hạ tầng cơ sở tại các huyện nghèo được đầu tư đồng bộ để đạt tiêu chí nông thôn mới. Tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã và thông suốt 4 mùa đạt 100%.
Tuy nhiên, đời sống của người dân vùng miền núi của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn. Vì vậy, 6 huyện nghèo của tỉnh rất cần sự chung tay, góp sức nhiều hơn nữa của cả xã hội để người dân nơi đây có cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.
IV. Khu vực hải đảo
Khu vực hải đảo của tỉnh Quảng Ngãi có huyện Lý Sơn
Lý Sơn là huyện đảo duy nhất của tỉnh Quảng Ngãi, nằm chếch về phía đông bắc tỉnh, cách đất liền 15 hải lý. Diện tích 9,97km2. Dân số 20.033 người (năm 2005). Mật độ dân số 2.009 người/km2(1). Đơn vị hành chính trực thuộc gồm 3 xã (An Vĩnh, An Hải, An Bình; huyện lị đóng ở xã An Vĩnh), với 6 thôn; trong đó:
Xã An Vĩnh nằm trên đảo lớn có 2 thôn: thôn Đông, thôn Tây;
Xã An Hải nằm trên đảo lớn có 3 thôn: Đồng Hộ, thôn Đông, thôn Tây;
Xã An Bình nằm trên đảo bé có 1 thôn: thôn Bắc.
Huyện Lý Sơn nối với tỉnh lỵ chủ yếu bằng đường biển qua cửa biển Sa Kỳ. Tuy là một đảo nhỏ nhưng Lý Sơn có vị trí quan trọng về kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh Quảng Ngãi. Cư dân ở huyện đảo này là người Việt đã định cư và tạo lập được nhiều di sản văn hóa quý báu. Đánh cá, trồng hành tỏi là sinh hoạt kinh tế đặc thù của huyện đảo.
– Về hành chính
đảo Lý Sơn có dân cư từ lâu đời, nhưng trở thành đơn vị hành chính cấp huyện lại chưa lâu. Thuở xưa, cư dân ở Lý Sơn còn ít ỏi nên cơ chế hành chính chủ yếu phụ thuộc vào đất liền. Vị trí quân sự được chú ý từ xưa. Giữa thế kỷ XV, Bắc quân Đô đốc Bùi Tá Hán đem quân nhà Lê Trung hưng vào diệt Mạc, lấy lại thừa tuyên Quảng Nam, đã đi theo đường biển và đổ quân lên đảo để diễn tập. Trước kia, Lý Sơn có một ít người Chăm sinh sống nhưng chưa thấy tư liệu nào nói đến việc hoạch định đơn vị hành chính ở Lý Sơn. Từ cuối thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XVII dưới thời Lê Trung hưng và các chúa Nguyễn, cư dân Việt từ đất liền ra đây lập nghiệp, lập An Hải phường và An Vĩnh phường. Đời vua Gia Long, năm 1808, Lý Sơn đặt thành một tổng thuộc huyện Bình Sơn, gọi là tổng Lý Sơn, vẫn có hai phường. Đời vua Đồng Khánh, hai phường Lý Sơn An Vĩnh và Lý Sơn An Hải nằm trong tổng Bình Hà, huyện Bình Sơn, về sau lại đặt tổng Lý Sơn. Thời Pháp thuộc, đảo Lý Sơn có tên Pháp là Paulo Canton. Năm 1931, tổng Lý Sơn đặt là đồn Lý Sơn trực thuộc tỉnh, có một viên Bang tá cai trị, nặng về quân sự. An Hải phường đổi thành xã Hải Yến, An Vĩnh phường đổi thành xã Vĩnh Long.
Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, đảo Lý Sơn được gọi là tổng Trần Thành với hai xã Dương Sạ (Hải Yến cũ) và Vĩnh Long. Năm 1946, tổng Trần Thành đổi thành xã Lý Sơn, một trong các xã thuộc huyện Bình Sơn, có Uỷ ban kháng chiến hành chính xã. Năm 1951, quân Pháp đánh chiếm đảo Lý Sơn và thiết lập ở đảo một khu vực hành chính, nhập vào thành phố Đà Nẵng. Từ năm 1954 đến năm 1975, Lý Sơn có hai xã Bình Vĩnh, Bình Yến thuộc quận Bình Sơn dưới thời chính quyền Sài Gòn. Sau giải phóng 1975, hai xã vẫn giữ nguyên tên cũ và thuộc huyện Bình Sơn. Ngày 1.1.1993, huyện Lý Sơn được thành lập, hai xã của huyện là Bình Vĩnh và Bình Yến đổi tên là xã Lý Vĩnh và xã Lý Hải. Đến năm 2003, các tên xã đổi lại theo tên gọi truyền thống là xã An Vĩnh và xã An Hải. Do đặc thù nằm ở một hòn đảo cách biệt, thôn Bắc xã Lý Vĩnh (đảo Bé) đồng thời tách lập thành một xã gọi là xã An Bình. Huyện Lý Sơn có 3 xã: An Vĩnh, An Hải, An Bình (như đã kể trên).
– Về tự nhiên
Lý Sơn là một đảo nhỏ nằm trong vùng nội thủy của Việt Nam, bốn phía là biển. Lý Sơn là một cụm 3 đảo như những ngọn núi nhô cao giữa biển.
Đảo lớn nhất là đảo Lý Sơn (hay còn gọi là đảo Lớn, cù lao Ré), vì ở đây có nhiều cây ré (một loài thực vật mọc hoang) với năm hòn núi được gọi là Ngũ Linh: núi Thới Lới, Hòn Tai, Hòn Sỏi, núi Giếng Tiền, Hòn Vung, trong đó núi Thới Lới lớn nhất. Xưa ở Lý Sơn có nhiều rừng, có suối, như rừng suối Truông, rừng Nhợ, rừng Cây Gạo, rừng Bà Bút, suối Chình, suối Ốc… Trong đó có loài cây dầu (du thuỷ) được nhà nước phong kiến chú ý và bắt nộp thuế sản vật. Rừng đã bị tàn phá từ nhiều đời trước và suối nước không còn. Đảo có các trảng bằng (chủ yếu nằm dọc ở phía nam đảo), là khu dân cư và đất canh tác.
 Đảo Bé nhỏ, nằm ở phía tây bắc đảo Lớn, còn gọi là cù lao Bờ Bãi, có cư dân ở (nay là xã An Bình).
Phía đông nam đảo lớn có hòn Mù Cu, một bãi đất đá nhô lên giữa biển, không có người ở. Vùng biển ở đảo Lý Sơn có nhiều cá, nhiều loại hải sản, nhiều san hô.
Lý Sơn có nhiều hang động tự nhiên như hang Câu, hang Cò, hang Kẻ Cướp, và nhiều vết tích miệng núi lửa đã tắt.
Trong tổng số 997 ha diện tích đất tự nhiên, tình hình sử dụng đất tính ở thời điểm năm 2005 như sau: 1) Đất nông nghiệp 392ha; 2) Đất lâm nghiệp 171ha; 3) Đất chuyên dùng 159ha; 4) Đất khu dân cư 55ha; 5) Đất chưa sử dụng 220ha.
Lý Sơn là đảo ven bờ, nên xưa kia, các thuyền buôn với điều kiện kỹ thuật thô sơ thường ghé dừng lại nơi đây và để lại nhiều dấu ấn đậm nét trong giao lưu buôn bán và văn hóa. Thời Pháp thuộc, ở cánh gà phía đông bắc thuộc xã An Hải trên đảo Lớn đã xây dựng trụ đèn biển còn tồn tại đến ngày nay. Bọn cướp biển Tàu Ô xưa kia cũng thường ẩn nấp ở đây, nay còn lưu truyền địa danh hang Kẻ Cướp. Huyện đảo Lý Sơn có một vị trí xung yếu về quốc phòng.
Là một hải đảo, Lý Sơn ngoài những đặc điểm chung là khí hậu nhiệt đới gió mùa ở vùng đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Ngãi, còn có đặc điểm riêng: dễ khô hạn về mùa nắng, thiếu nước ngọt để sinh hoạt, chịu nhiều giông bão về mùa mưa. Năm 2005, nhiệt độ trung bình là 26,40oC, lượng mưa 1.970,7mm, giờ nắng trong năm 2.430,1 giờ, độ ẩm trung bình 86,6%.
– Về dân cư
Do đặc thù cách biệt với đất liền, lại không chịu sự tàn phá của chiến tranh, mà văn hóa do người Việt tạo lập tại Lý Sơn mang rất đậm dấu ấn văn hóa cổ truyền và các di sản được lưu giữ khá tốt, ít bị mất mát, hư hại, tuy việc học ở đảo phát triển chậm hơn nhiều so với đất liền.
Dân số trên đảo Lý Sơn có sự phát triển khá nhanh. Năm 1930 – 1931, số dân có khoảng 4.000 người. Năm 1962, số dân có khoảng 6.400 người. Năm 1990, số dân có khoảng 16.260 người. Năm 2000, số dân có khoảng 18.500 người. Năm 2004, số dân có khoảng 19.802 người. Năm 2005, số dân là 20.033 người.
Mật độ dân số ở Lý Sơn năm 2005 là 2.009 người/km2, cao gấp 8 lần so với mật độ dân số trung bình trong tỉnh Quảng Ngãi (250 người/km2, vốn đã rất cao), chỉ thấp hơn thành phố Quảng Ngãi và cao tuyệt đối so với các huyện khác. Mật độ dân số cao, mà số đông vẫn là làm nông đã đặt áp lực dân số rất lớn ở đảo.
Tình hình diện tích, phân bố dân cư tương đối cân phân giữa 2 xã trên đảo Lớn, riêng xã An Bình biệt lập ở đảo Bé do điều kiện khó khăn, cư dân thưa hơn, như bảng kê sau đây của năm 2005
TT
Diện tích
(km2)
Dân số
 (người)
Mật độ
dân số
(người/km2)
1
An Vĩnh
4,25
11.380
2.678
2
An Hải
5,09
8.214
1.614
3
An Bình
0,63
439
697
– Về kinh tế
Lý Sơn chủ yếu là kinh tế nông – ngư nghiệp. Tuy ở đảo nhỏ hẹp, khó khăn về nguồn nước, nhưng dân cư sống bằng nghề nông vẫn chiếm nhiều nhất. Cụ thể năm 2005, trong tổng số 9.475 lao động thì đã có 4.164 lao động nghề nông, 3.420 lao động ngư nghiệp, 635 lao động công nghiệp và xây dựng, 615 lao động thương mại – dịch vụ.
Trong nông nghiệp, Lý Sơn không trồng được lúa, chỉ trồng trọt các loại cây lương thực, thực phẩm khác. Lúa gạo chủ yếu mua từ đất liền chở ra đảo. Có nhiều cây trồng rất phổ biến ở đất liền Quảng Ngãi nhưng có rất ít ở Lý Sơn như cây dâu, cây mía, vì đất đai trồng trọt ở đảo rất hạn hẹp (đất nông nghiệp 392ha), lại thiếu nguồn nước tưới. Người dân Lý Sơn từ xưa chủ yếu trồng cây ngô, đậu, gai (đay), rau và khoai lang, khoai mì. Từ khoảng năm 1960, cây hành, cây tỏi được trồng phổ biến và trở thành cây trồng đặc chủng của Lý Sơn vì nó tỏ ra rất thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết ở đảo. Diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt ở huyện Lý Sơn chỉ vỏn vẹn 243ha (năm 2004), với sản lượng cây lương thực có hạt chỉ có 1.486 tấn (trong đó xã An Vĩnh 817 tấn, xã An Hải 669 tấn), bình quân 74,60kg/người/năm; năm 2005 sản lượng lương thực là 1.524 tấn (xã An Vĩnh 838 tấn, xã An Hải 686 tấn), bình quân lương thực đầu người 76kg, thấp tuyệt đối so với tất cả các huyện, thành phố trong tỉnh Quảng Ngãi. Lương thực được tính chỉ là ngô. Tuy nhiên, lương thực không phải là nguồn sống chính của cư dân Lý Sơn.
Cho đến nay, việc trồng hành, tỏi vẫn rất thịnh đạt, hành tỏi Lý Sơn ngon nổi tiếng không chỉ trong phạm vi tỉnh Quảng Ngãi. Nhờ hành tỏi, nông dân ở Lý Sơn có đời sống tương đối ổn định. Thời điểm 2005, diện tích trồng tỏi là 297ha, sản lượng 1.557 tấn (trong đó xã An Vĩnh 146ha, 796 tấn; xã An Hải 151ha, 761 tấn); diện tích trồng hành 282,4ha, sản lượng 1.790 tấn (trong đó xã An Vĩnh 139ha, 898 tấn; xã An Hải 117,4ha, 671 tấn; xã An Bình 26ha, 221 tấn). Dưa hấu phát triển. Năm 2005, có 49ha dưa hấu với sản lượng 400 tấn. Tuy nhiên, việc trồng hành tỏi ở Lý Sơn không phải dễ dàng. Hằng năm, người nông dân phải tải đất đỏ từ trên cao về trải đều trên mặt đất, lại tải cát từ bãi biển lên trải ở lớp trên, để có đất tốt cho cây phát triển. Không chỉ tốn quá nhiều công sức, việc lấy đất cát như vậy còn có tác hại đến môi trường, gây tình trạng sạt lở, sóng biển xâm thực, biển lấn sâu vào đảo.
Ngoài ngô, hành, tỏi, ở Lý Sơn còn trồng một số loại cây khác, cụ thể như sau(3): 1) Rau: năm 2004 diện tích 580ha, sản lượng 4.356 tấn; năm 2005 diện tích 595ha, sản lượng 3.420 tấn; 2) Đậu các loại: năm 2004 diện tích 30ha, sản lượng 36 tấn; năm 2005 diện tích 28ha, sản lượng 28 tấn; 3) Vừng: năm 2004 diện tích 125ha, sản lượng 59 tấn (không có số liệu năm 2005).
Bên cạnh trồng trọt, người dân Lý Sơn còn chăn nuôi, chủ yếu là bò 803 con, heo 2.435 con, dê 294 con, gà vịt trên 5.649 con (tính ở thời điểm 31.12.2005). Trong 803 con bò năm 2005, xã An Vĩnh có 307 con, xã An Hải có 479 con, xã An Bình có 17 con. Trong tổng đàn lợn 2.435 con, xã An Vĩnh có 1.070 con, xã An Hải có 1.349 con, xã An Bình có 16 con. Như vậy, chăn nuôi chỉ đáng kể nhất ở hai xã An Vĩnh, An Hải trên đảo Lớn và số lượng của hai xã không chênh lệch nhau nhiều.
Lao động ngư nghiệp ít hơn lao động nông nghiệp, nhưng về giá trị sản xuất, thủy sản ở Lý Sơn lại cao gấp gần 5 lần so với nông nghiệp của huyện đảo, cụ thể năm 2005 giá trị sản xuất thủy sản ở Lý Sơn là 217.573 triệu đồng. Cho nên xét về giá trị sản xuất thì thủy sản lại đứng hàng đầu trong kinh tế của huyện đảo, chứ không phải nông nghiệp.
Nghề cá xưa chủ yếu chỉ đánh bắt ở ven bờ, với nghề lưới chuồn và đánh cá trích. Nhờ có kinh nghiệm đi biển và khai thác hải vật, nên từ xưa người dân ở An Hải phường và An Vĩnh phường đã được các triều đại phong kiến tuyển mộ đi tuần thú và khai thác hải vật ở hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Ngày nay, nhà nước đã đầu tư xây dựng cảng cá Lý Sơn và hỗ trợ ngư dân mua sắm ngư lưới cụ phát triển nghề và ngành đánh bắt hải sản ngày càng tỏ ra quan trọng, nhất là đánh bắt xa bờ. Tuy nhiên, năng lực đánh bắt và sản lượng đánh bắt hải sản của Lý Sơn vẫn còn thấp so với các huyện ven biển của tỉnh Quảng Ngãi.
Ngoài đánh cá, người dân Lý Sơn còn sống nhờ vào nghề buôn bán và dịch vụ, chủ yếu là dịch vụ nghề cá. Xưa do nhu cầu của đời sống phải có những nhu yếu phẩm như gạo, nước, đá, gỗ, gạch ngói, vải vóc và nhu cầu bán đi các loại hàng sản xuất được nên đã mặc nhiên hình thành những ghe chuyên đi buôn bán với đất liền trong tỉnh, dần hình thành một vạn ghe 50 chiếc đi xa, chuyên vào Nam ra Bắc mua lúa gạo về bán. Từ đất liền Quảng Ngãi cũng có nhiều người chuyên đi buôn bán ở Lý Sơn. Nhiều thuyền buôn của các nước cũng ghé lại đảo. Việc buôn bán trong bối cảnh kinh tế mở cửa ngày nay càng thịnh đạt. Dịch vụ nghề cá, như sản xuất ngư lưới cụ, sửa chữa tàu thuyền, buôn bán xăng dầu, các dịch vụ vui chơi giải trí… cũng theo đó mà phát triển
Đường từ đất liền ra Lý Sơn có thể đi từ nhiều cửa biển, nhưng thuận tiện nhất vẫn là từ cửa biển Sa Kỳ. Cần biết rằng đây là thuỷ đạo truyền thống có từ nhiều trăm năm trước. Sách Đồng Khánh địa dư chí chép: “Tấn Lý Sơn: nằm ở vùng biển thuộc huyện Bình Sơn, đối xứng với tấn Sa Kỳ theo chiều ngang. Có xây đồn trấn giữ. Bốn mặt đều có ghềnh đá, bãi đá, tàu bè đi lại phải né tránh.
Sự thuận tiện của tuyến hải trình Sa Kỳ – Lý Sơn còn ở chỗ nó là tuyến ngắn nhất nối với tỉnh lỵ Quảng Ngãi. Từ tỉnh lỵ Quảng Ngãi thuở xưa có con đường chạy theo tả ngạn sông Trà Khúc đi trực chỉ đến cửa Sa Kỳ. Đường này nay đã xây dựng thành Quốc lộ 24B, trải nhựa; cảng cá Sa Kỳ, cảng Lý Sơn đều đã được xây dựng.
Đường nội bộ ở đảo Lý Sơn thì từ điểm nút là cảng nằm ở phía tây nam đảo (gần huyện lỵ) có trục đường men theo bờ biển phía nam nối hai xã của đảo Lớn. Đây là trục đường chính. Có trục đường ngang nối phía nam và phía bắc nằm ở giữa đảo, và có nhiều tuyến nhỏ ngang dọc. Cho đến cách nay khoảng một vài chục năm, phương tiện giao thông của cư dân trên đảo vẫn là đi bộ, đi xe đạp. Xe máy, xe ô tô mới xuất hiện gần đây.
Nhờ nhà nước quan tâm nên cơ sở hạ tầng ở Lý Sơn ngày càng tốt, trong đó hệ thống điện, đường, trường, trạm, trụ sở cơ quan được xây dựng khang trang. Tuy nhiên, vấn đề nước dùng cho sinh hoạt ở đảo Bé rất khan hiếm. Đảo hầu như không có nguồn nước ngầm, nên dân ở đảo phải sắm bể, lu, vại lớn để chứa nước mưa dùng hằng năm. Ở đảo Lớn, trong những năm khô hạn, nước ngầm cạn kiệt, vấn đề nước dành cho sinh hoạt cũng rất nan giải.
(Nguồn: http://www.quangngai.gov.vn/userfiles/file/dudiachiquangngai/PHANV/HuyenLySon.htm)
     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây