Giới thiệu khái quát huyện Cao Phong

Giới thiệu khái quát huyện Cao Phong

Giới thiệu khái quát huyện Cao Phong

Huyện Cao Phong ở vào toạ độ địa lý 105o10’ – 105o25’12” vĩ bắc và 20o35’20” – 20o46’34” kinh đông. Cao Phong là một trong số các huyện vùng cao của tỉnh Hoà Bình, có đường ranh giới phía đông giáp huyện Kim Bôi, phía tây giáp huyện Tân Lạc, phía bắc giáp huyện Đà Bắc và thị xã Hoà Bình, phía nam giáp huyện Lạc Sơn, đều thuộc tỉnh Hoà Bình.

Tổng diện tích tự nhiên của toàn huyện là 254 km2 (chiếm 5,4% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh Hoà Bình), dân số trung bình là 40.170 người (chiếm 5,1% dân số toàn tỉnh), mật độ dân số là 158 người/km2 (chỉ bằng 0,9 lần mật độ dân số cả tỉnh).

Độ cao trung bình của toàn huyện là 399 m. Tuy là một huyện vùng cao nhưng trên địa bàn huyện Cao Phong lại có ít núi cao. Nhìn chung, địa hình của huyện có cấu trúc thoai thoải, độ dốc trung bình của đồi núi khoảng 10-15o, chủ yếu là đồi dạng bát úp, thấp dần theo chiều từ đông nam đến tây bắc.

Căn cứ vào địa hình, có thể phân chia huyện Cao Phong thành ba vùng: vùng núi cao (gồm 2 xã: Yên Thượng, Yên Lập), vùng giữa (gồm 8 xã: Dũng Phong, Nam Phong, Tây Phong, Tân Phong, Đông Phong, Xuân Phong, Thu Phong, Bắc Phong và thị trấn Cao Phong) và vùng ven sông Đà (gồm 2 xã: Bình Thanh và Thung Nai).

Do điều kiện tự nhiên đa dạng, phức tạp nên Cao Phong có điều kiện rất thuận lợi để hình thành nền nông nghiệp đa dạng về cây trồng và vật nuôi. Tuy nhiên, địa hình đa dạng và phức tạp như vậy cũng sẽ gây khó khăn trong việc thiết kế, xây dựng và nâng cao hiệu quả sử dụng của các công trình thủy lợi và các cơ sở hạ tầng khác.

Khí hậu Cao Phong thuộc kiểu khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng và ẩm, mùa hè nóng, mưa nhiều; mùa đông lạnh và khô. Nhiệt độ trung bình hàng năm từ 22 đến 24oC. Lượng mưa trung bình hàng năm khá cao, dao động từ 1.800 đến 2.200 mm. Tuy vậy, lượng mưa phân bố không đều trong năm, tập trung chủ yếu trong các tháng 7, 8 và 9 nên dễ gây úng lụt, ảnh hưởng xấu đến sản xuất và đời sống của nhân dân.

Nhìn một cách tổng thể, khí hậu Cao Phong thuộc loại mát mẻ, lượng mưa khá và tương đối điều hòa. Điều kiện khí hậu như vậy đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển nhiều loại cây trồng, vật nuôi với nhiều hình thức canh tác hoặc mô hình chăn nuôi khác nhau.

Hạn chế lớn nhất của khí hậu đối với sản xuất nông nghiệp là nạn thiếu nước vào mùa khô, đặc biệt là ở những vùng chưa có các công trình thủy lợi. Về mùa đông, bên cạnh sự khô hạn, các yếu tố khí hậu khác như: nhiệt độ xuống thấp, sương muối, không đủ ánh sáng cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của cây trồng, vật nuôi, tạo điều kiện cho dịch bệnh phát triển.

Trên địa bàn huyện Cao Phong có nhiều loại đất khác nhau. Ở vùng địa hình đồi núi có các loại đất: nâu vàng, đỏ vàng, nâu đỏ và mùn đỏ vàng. Vùng địa hình thấp có các loại đất: phù sa, dốc tụ… Nhìn chung, đa số các loại đất ở Cao Phong có độ phì cao, thích hợp cho việc trồng nhiều loại cây khác nhau, nhất là cây công nghiệp, cây ăn quả cũng như phát triển chăn nuôi.

Trong cơ cấu sử dụng đất của huyện Cao Phong, tính đến cuối năm 2002, đất nông nghiệp chiếm tỷ lệ không lớn (16,4%), trong khi đó, đất chưa sử dụng chiếm tỷ lệ khá cao (51,31%), chủ yếu là đất đồi núi. Đây chính là tiềm năng cho việc phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả… và cũng đặt ra nhiệm vụ trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc cho địa phương.

Trên địa bàn huyện Cao Phong có sông Đà và hàng chục con suối lớn nhỏ chảy qua. Tuy nhiên, do nền địa chất nơi đây nằm trong miền hoạt động cacxtơ hoá mạnh, cộng với tình trạng tàn phá rừng đầu nguồn, nên vào mùa khô, nhiều suối có lưu lượng nước rất ít hoặc bị cạn kiệt.

Theo những số liệu đánh giá chung về nguồn nước ở vùng Tây Bắc, tiềm năng nước ngầm ở Cao Phong tương đối dồi dào, có khả năng đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất và phục vụ đời sống nhân dân. Hiện nay, các giếng nước trong các hộ dân ở bản, làng đang khai thác thường có độ sâu trên dưới 20 m và cho nước có chất lượng khá tốt.

Cao Phong có thảm thực vật tương đối đa dạng, bao gồm nhiều loại: gỗ, tre, nứa và gần đây trồng thêm các loại cây ăn quả, keo lá tràm… Tính đến cuối năm 2002, trên địa bàn huyện có 6.200,25 ha đất lâm nghiệp có rừng, chiếm tỷ trọng 24,38% tổng diện tích đất tự nhiên. Trong số đó, đất có rừng tự nhiên là 3.448,73 ha, tập trung nhiều ở các xã ven hồ sông Đà và các xã vùng cao. Đất có rừng trồng là 2.751,52 ha và đất ươm cây giống có 1,5 ha.

Theo kết quả điều tra thăm dò gần đây, Cao Phong có một số loại khoáng sản chính như: đất sét, cát, sỏi, quặng perit, quặng đồng, than…

Ngoài các mỏ đất sét và vật liệu xây dựng dễ khai thác và thuận tiện trong việc vận chuyển, còn các mỏ khoáng sản khác thì cần tiếp tục khảo sát, đánh giá cụ thể về trữ lượng và khả năng khai thác.

Ngoài ra, Cao Phong còn có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch vì có hai xã nằm trong khu vực lòng hồ sông Đà, lại có nhiều xóm, bản với các lễ hội đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số, như bản Giang Mỗ (người Dao) ở xã Bình Thanh, có các di tích lịch sử, văn hóa như di tích Anh hùng Cù Chính Lan, căn cứ Cao Phong – Thạch Yên,… Nếu được đầu tư, các địa chỉ văn hoá này đều là các danh lam thắng cảnh có khả năng thu hút khách du lịch.

   Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, vùng đất Cao Phong thuộc châu Kỳ Sơn. Lúc đó, châu Kỳ Sơn gồm có 4 tổng: Cao Phong (gồm 2 xã: Cao Phong và Thạch Yên), Quỳnh Lâm (gồm 2 xã: Quỳnh Lâm và Phương Lâm), Mông Hóa (gồm 5 xã: Mông Hóa, Trung Minh, Túy Cổ Thượng, Túy Cổ Hạ và Mại Thôn) và Hòa Bình (gồm 3 xã: Hòa Bình, Thịnh Lang và Yên Mông).

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã bãi bỏ cấp hành chính tổng, theo đó, châu Kỳ Sơn lúc này gồm 11 xã: Cao Phong, Thạch Yên, Quỳnh Lâm, Trung Minh, Phú Cường, Mông Hóa, Tiến Xuân, Yên Quang, Hoà Bình, Yên Mông và Thịnh Lang.

Đến tháng 1-1948, Ủy ban kháng chiến hành chính Liên khu III quyết định chuyển 3 xã Hòa Bình, Thịnh Lang và Yên Mông về châu Mai Đà. Tháng 10-1948, Ủy ban kháng chiến tỉnh Hòa Bình quyết định nhập 3 xã Túy Cổ Thượng, Túy Cổ Hạ và Mại Thôn thành xã Phú Cường; chuyển 2 xã Tiến Xuân và Yên Quang về huyện Kỳ Sơn.

Tại thời điểm này, huyện Kỳ Sơn có 8 xã là: Cao Phong, Thạch Yên, Quỳnh Lâm, Trung Minh, Phú Cường, Mông Hóa, Tiến Xuân và Yên Quang.

Tháng 1-1951, Ủy ban kháng chiến hành chính Liên khu III quyết định chuyển 3 xã Hòa Bình, Thịnh Lang và Yên Mông về huyện Kỳ Sơn.

Tháng 8-1954, Ủy ban kháng chiến hành chính Liên khu III quyết định chia xã Thạch Yên thành 2 xã Yên Thượng và Yên Lập; chia xã Cao Phong thành 8 xã: Dũng Phong, Nam Phong, Tân Phong, Tây Phong, Thu Phong, Xuân Phong, Đông Phong và Bắc Phong.

Tháng 6-1955, xã Yên Quang được chia thành 3 xã: Yên Quang, Yên Bình và Yên Trung.

Ngày 22-1-1957, Ủy ban kháng chiến hành chính Liên khu III chia xã Mông Hóa thành 4 xã: Mông Hóa, Dân Hòa, Dân Hạ và Phúc Tiến; chia xã Tiến Xuân thành 2 xã: Tiến Xuân và Đông Xuân; hợp nhất 2 xã Sủ Ngòi, Sủ Bến thành xã Sủ Ngòi.

Qua thời kỳ dài tương đối ổn định, cho đến năm 1968, địa giới hành chính của huyện lại bắt đầu có nhiều thay đổi:

Ngày 8-2-1968: Thành lập thị trấn Nông trường Cao Phong.

Ngày 3-8-1978: Chuyển xã Hòa Bình và xã Thịnh Lang về thị xã Hòa Bình.

Ngày 28-2-1985: Chuyển xã Thung Nai của huyện Đà Bắc về huyện Kỳ Sơn.

Ngày 24-8-1988: Chuyển 4 xã Dân Chủ, Sủ Ngòi, Thống Nhất và Yên Mông về thị xã Hòa Bình.

– Ngày 1-8-1994: Giải thể thị trấn Nông trường Cao Phong, thành lập thị trấn Cao Phong, đồng thời thành lập huyện lỵ Kỳ Sơn trên địa bàn xã Dân Hạ ở phía đông bắc thị xã Hoà Bình.

Qua nhiều biến đổi trong các giai đoạn lịch sử, cho đến năm 2000, huyện Kỳ Sơn đã tương đối ổn định với 21 xã: Yên Thượng, Yên Lập, Dũng Phong, Nam Phong, Tây Phong, Đông Phong, Bắc Phong, Tân Phong, Thu Phong, Xuân Phong, Bình Thanh, Độc Lập, Trung Minh, Phú Minh, Hợp Thành, Hợp Thịnh, Mông Hoá, Phúc Tiến, Dân Hoà, Dân Hạ, Thung Nai và 2 thị trấn: Cao Phong và Kỳ Sơn.

Đến năm 2001, để phù hợp với sự phát triển kinh tế – xã hội của vùng Tây Bắc nói chung và tỉnh Hoà Bình nói riêng, Chính phủ đã có Nghị định số 95/2001/NĐ-CP chia huyện Kỳ Sơn thành hai huyện: Kỳ Sơn và Cao Phong.

Kể từ đây, huyện Cao Phong chính thức ra đời với 13 đơn vị hành chính trực thuộc gồm 12 xã: Yên Thượng, Yên Lập, Dũng Phong, Nam Phong, Tây Phong, Tân Phong, Đông Phong, Xuân Phong, Thu Phong, Bắc Phong, Bình Thanh, Thung Nai và thị trấn Cao Phong.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây