Giới thiệu khái quát huyện Đak Pơ
Huyện Đak Pơ nằm ở phía đông tỉnh Gia Lai, là huyện được thành lập theo Nghị định số 155/2003/NĐ-CP ngày 09/12/2003 của Chính phủ, trên cơ sở tách 07 xã của huyện An Khê, bao gồm: Hà Tam, An Thành, Yang Bắc, Cư An, Tân An, Phú An, Ya Hội và thành lập mới thêm xã Đak Pơ.
Tổng diện tích tự nhiên là 50.253,23 ha, trong đó đất nông nghiệp là 42.284,49 ha, chiếm 84,14% diện tích tự nhiên; đất phi nông nghiệp 5.385,70 ha, chiếm tỉ lệ 10,72%; đất chưa sử dụng là 2.583,04 ha, chiếm tỷ lệ 5,14%.
Tính đến ngày 31/12/2016, toàn huyện có 15 dân tộc anh em sinh sống với tổng dân số là 42.105 người (10.097 hộ); trong đó dân tộc thiểu số là 10.121 người (2.235 hộ), chủ yếu là dân tộc Bahnar. Hộ nghèo là 1.369 hộ, chiếm tỷ lệ 13,56% tổng số hộ toàn huyện, trong đó dân tộc thiểu số là 910 hộ.
Hiện trạng kinh tế của huyện (tính đến cuối năm 2016)
Tổng giá trị sản xuất các ngành (giá hiện hành) đạt 2.518 tỷ đồng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng, lĩnh vực nông lâm nghiệp chiếm tỷ trọng 49,43%, công nghiệp – xây dựng chiếm 33,59%, thương mại – dịch vụ chiếm 16,98%; thu nhập bình quân đầu người đạt 25,92 triệu đồng/năm.
Huyện có nhiều lợi thế về đất đai, con người, vì vậy phát triển trồng trọt và chăn nuôi được xem là thế mạnh kinh tế của huyện. Trong những năm qua, huyện đã tập trung chỉ đạo và thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp phù hợp với tiềm năng và lợi thế của từng vùng trên cơ sở xác định các sản phẩm chủ lực. Trong lĩnh vực trồng trọt, cây trồng chủ lực của huyện là mía, mì, bắp lai và rau xanh, huyện đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đầu tư thử nghiệm các mô hình trồng trọt; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; khuyến khích hình thành các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh như vùng rau Tân Sơn (Tân An), An Sơn (Cư An); từng bước tăng tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, điển hình là cánh đồng lớn mía ngày càng được mở rộng, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2016, tổng diện tích gieo trồng thực hiện được 22.727 ha, đạt 102,28 %KH, tăng 2,76% so với cùng kỳ; tổng sản lượng lương thực có hạt 22.561,5 tấn, đạt 93,19%KH.
Trong chăn nuôi, chủ yếu là nuôi bò lai, đã tập trung hỗ trợ phát triển trang trại, từ đó nâng cao chất lượng, giá trị sản xuất; nhân rộng các mô hình chăn nuôi theo hướng công nghiệp nhằm đưa nhanh việc ứng dụng các tiến bộ khoa học vào chăn nuôi. Tập trung chuyển đổi giống vật nuôi theo hướng lai tạo; trong đó tập trung phát triển đàn bò theo hướng nuôi bò thịt chất lượng cao thông qua chương trình lai cải tạo bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Năm 2016, huyện có 15.929 con bò, tỷ lệ bò lai đạt 85,5%/tổng đàn; bên cạnh đó, công tác vệ sinh thú y, môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm luôn được quan tâm, thực hiện tốt để nâng cao tầm vóc, sản lượng và chất lượng, hiệu quả, nâng cao sức cạnh tranh. Năm 2016, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của huyện đạt khoảng 812 tỷ đồng, chiếm 49,43% tỷ trọng cơ cấu kinh tế của huyện.
Huyện đã tranh thủ, huy động tối đa nguồn lực, các nguồn vốn cho việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đến nay huyện có 04 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới.
Công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, mặc dù gặp nhiều khó khăn về tài chính nhưng huyện cũng đã quan tâm đầu tư đúng mực, tạo thuận lợi cho giao thông từ huyện đến các xã thông suốt cả 2 mùa; 100% thôn, làng trên địa bàn huyện đã có điện sinh hoạt; mạng lưới bưu chính, viễn thông hiện đại, đồng bộ và thông suốt, đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo tốt cho nhiệm vụ quốc phòng – an ninh của huyện.
Tổng số doanh nghiệp hiện có trên địa bàn huyện là 50 doanh nghiệp hoạt động trên các lĩnh vực xây dựng, kinh doanh xăng dầu, vận tải,… Huyện có một cụm công nghiệp Phú An, đang kêu gọi đầu tư.
Công tác thu ngân sách trên địa bàn tăng qua từng năm; năm 2016, tổng thu ngân sách trên địa bàn là 26.315 triệu đồng. Công tác tín dụng ngân hàng phát triển khá; các chương trình cho vay, hỗ trợ các đối tượng chính sách, hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số … được giải ngân kịp thời.
* Khó khăn của huyện:
Là một huyện vùng cao, không có nhiều tài nguyên thiên nhiên. Sản xuất nông nghiệp còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên và giá cả thị trường; việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả chưa cao, ít mô hình được nhân rộng. Ngành công nghiệp có quy mô còn nhỏ lẻ, chưa có sản phẩm chủ lực có sức cạnh tranh trên thị trường. Hoạt động dịch vụ chậm phát triển. Hệ thống kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển. Chất lượng giáo dục đối với học sinh dân tộc thiểu số còn thấp, công tác xã hội hóa giáo dục hiệu quả chưa cao. Cơ sở vật chất ngành văn hóa chưa đáp ứng được nhu cầu của nhân dân. Đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Định hướng kinh tế – xã hội của huyện:
Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững, duy trì tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt mức trung bình toàn tỉnh; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp – dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông lâm ngư nghiệp.
Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn; xây dựng và phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội; quan tâm phát triển kinh tế tập thể; khai thác có hiệu quả và phát huy thế mạnh của các ngành, các lĩnh vực, huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế.
Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, chú trọng công tác đào tạo nghề; tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất; xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắn dân tộc; nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, thực hiện tốt chính sách đảm bảo an sinh xã hội.
Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp. Tăng cường quốc phòng an ninh, giữ vững ổn định chính trị – xã hội.