Giới thiệu khái quát huyện Gia Bình
Khái quát điều kiện tự nhiên
1. Vị trí địa lý
Gia Bình là một huyện thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ, cách trung tâm thành phố Bắc Ninh 25km về phía Tây Bắc, cách thủ đô Hà Nội 35 km về phía Tây Nam. Địa giới hành chính bao gồm:
Phía Bắc giáp huyện Quế Võ; phía Nam giáp huyện Lương Tài; phía Đông giáp tỉnh Hải Dương; phía Tây giáp huyện Thuận Thành. Toạ độ địa lý: 21001’14” đến 21006’51” vĩ độ Bắc; 106007’43” đến 106018’22” kinh độ Đông.
Huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh có 14 đơn vị hành chính bao gồm 1 thị trấn (thị trấn Gia Bình) và 13 xã, diện tích tự nhiên toàn huyện là 10.752,8 ha, chiếm 13,10 % diện tích tự nhiên toàn tỉnh.
Hệ thống các tuyến đường Tỉnh lộ 280, 282, 284, 285 cùng với hệ thống các tuyến đường huyện lộ hình thành lên mạng lưới giao thông thuận lợi trong việc giao lưu kinh tế, văn hoá và tiêu thụ sản phẩm.
2. Địa hình, địa mạo
– Địa hình của huyện tương đối bằng phẳng, có độ dốc từ Tây sang Đông và từ Tây Bắc xuống Đông Nam. Mức độ chênh lệch địa hình không lớn, diện tích đồi núi chiếm tỷ lệ nhỏ (0,39%) so với diện tích tự nhiên, phân bố tại vùng núi Thiên Thai thuộc các xã Đông Cứu, Giang Sơn, Lãng Ngâm.
– Địa mạo huyện Gia Bình mang những nét đặc trưng của cấu trúc địa chất thuộc vùng trũng Sông Hồng, bề mặt trầm tích đệ tứ chịu ảnh hưởng rõ rệt của cấu trúc mỏng. Bề dày các thành tạo đệ tứ biến đổi theo quy luật trầm tích từ Bắc xuống Nam, càng xuống phía Nam cấu trúc địa chất càng dày hơn phía Bắc, địa chất có tính ổn định cao.
3. Khí hậu, thủy văn
Gia Bình nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa: nóng ẩm, mưa nhiều, chịu ảnh hưởng trực tiếp của gió mùa. Lượng mưa bình quân hàng năm 1100 – 1400 ml. Thời tiết trong năm chia thành 4 mùa rõ rệt. Có mùa đông lạnh, mùa hè nóng nực.
– Mùa mưa: thời tiết nóng ẩm, lượng mưa lớn, chiếm 80% lượng mưa cả năm. Đặc biệt có những trận mưa rào có cường độ lớn kèm theo bão, gây ngập úng cục bộ.
– Mùa khô: lượng mưa ít, có những thời kỳ khô hanh kéo dài, nhiều diện tích canh tác, ao, hồ, đầm bị khô cạn.
– Hàng năm có hai mùa gió chính: gió mùa Đông Bắc thịnh hành từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau và gió mùa Đông Nam thịnh hành từ tháng 4 đến tháng 9 mang theo hơi ẩm, gây mưa rào.
Tài nguyên thiên nhiên của huyện
1. Tài nguyên đất
Theo kết quả điều tra xây dựng bản đồ thổ nhưỡng tỷ lệ 1/25.000 toàn tỉnh Bắc Ninh năm 1992 do viện Nông Hoá Thổ Nhưỡng tiến hành, có điều tra bổ sung năm 2000 trên bản đồ 1/10.000 cho thấy, đất đai huyện Gia Bình chủ yếu được hình thành bởi quá trình bồi tụ các sản phẩm phù sa của hệ thống Sông Hồng, bao gồm 8 loại đất chính sau:
* Bãi cát ven sông (Cb): Diện tích 96,0 ha, chiếm 0,89% diện tích tự nhiên. Phân bố ở ngoài đê sông Đuống thuộc các xã: Cao Đức, Vạn Ninh, Thái Bảo, Đại Lai, Song Giang. Loại đất này có thành phần cơ giới nhẹ, hàng năm thường bị ngập nước vào mùa mưa lũ nên hầu như chỉ bố trí được 1 vụ canh tác trong năm.
* Đất phù sa được bồi của hệ thống sông Hồng (Phb): Diện tích 665,0 ha chiếm 6,17% diện tích tự nhiên. Loại đất này cũng được phân bố ngoài đê sông Đuống thuộc các xã: Cao Đức, Đại Lai, Vạn Ninh, Thái Bảo, Song Giang, Lãng Ngâm, Giang Sơn. Hàng năm vào mùa mưa lũ thường được bồi đắp phù sa, đất có độ phì khá, phù hợp với trồng cây hoa màu và cây công nghiệp ngắn ngày.
* Đất phù sa không được bồi của hệ thống sông Hồng (Ph): Diện tích 1.516,0 ha, chiếm 14,06% diện tích tự nhiên, phân bố ở các xã: Song Giang, Lãng Ngâm, Đại Lai, Thái Bảo. Đất được hình thành do sự bồi đắp của phù sa sông Đuống, loại đất này có độ phì khá, thích hợp với nhiều loại cây trồng. Hướng sử dụng trồng 2 vụ lúa, 2 lúa – 1 màu hoặc trồng cây ăn quả ở những nơi gần dân cư có điều kiện canh tác thuận lợi.
* Đất phù sa glây của hệ thống sông Hồng (Phg): Diện tích 2.184,0 ha, chiếm 20,26 % diện tích tự nhiên, phân bố ở các xã: Nhân thắng, Bình Dương, Xuân Lai, Đại Bái, Quỳnh Phú, Đông Cứu,… Đất được hình thành trên sản phẩm phù sa ở địa hình vàn, vàn thấp là chủ yếu. Đây là loại đất có độ phì khá, thích hợp với trồng 2 vụ lúa, các chân ruộng địa hình vàn có thể trồng 2 vụ lúa – 1 màu.
* Đất phù sa có tầng loang lổ của hệ thống sông Hồng (Phf): Diện tích 962,0 ha, chiếm 8,92 % diện tích tự nhiên, phân bố ở các xã: Đại Bái, Lãng Ngâm, Đông Cứu, Vạn Ninh. Đất được hình thành trên sản phẩm phù sa sông Đuống, loại đất này có độ phì trung bình phù hợp với việc sử dụng trồng 2 lúa – 1 màu, 1 lúa – 1 màu và chuyên màu ở những nơi có địa hình cao, cũng có thể trồng cây ăn quả hoặc rau hoa cao cấp.
* Đất phù sa úng nước mùa hè (Pj): Diện tích 191,0 ha chiếm 1,77 % diện tích tự nhiên, phân bố chủ yếu ở các xã: Quỳnh Phú, Cao Đức, Xuân Lai, Đại Bái, Đông Cứu. Đất được hình thành ở dạng địa hình thấp trũng, tình trạng ngập úng lâu ngày đã làm đất glây mạnh. Hướng sử dụng có thể trồng 2 vụ lúa/năm, các khu vực ngập sâu có thể cải tạo để trồng 1 vụ lúa xuân và 1 vụ cá kết hợp trồng cây ăn quả trên bờ ao.
* Đất xám bạc màu trên phù sa cổ (B): Diện tích 161,0 ha, chiếm 1,49% diện tích tự nhiên, phân bố ở các xã : Đại Bái, Đông Cứu, Lãng Ngâm. Đất hình thành chủ yếu trên sản phẩm phong hoá của đất phù sa cổ. Hướng sử dụng các khu vực có địa hình vàn đến vàn thấp, chủ động nước tưới sử dụng trồng 2 vụ lúa – 1 màu, những nơi có địa hình cao có thể trồng hoa màu lương thực, cây công nghiệp ngắn ngày.
* Đất xám vàng nhạt trên đá cát và dăm cuội kết (Fq): Diện tích 29,0 ha chiếm 0,27% diện tích tự nhiên, phân bố ở các khu vực đồi núi của các xã Đông Cứu và Lãng Ngâm. Đất được hình thành từ sản phẩm phong hóa của đá cát và dăm cuội kết, nên đất có thành phần cơ giới nhẹ. Hướng sử dụng nên dành cho mục đích lâm nghiệp, đầu tư phát triển rừng để tăng độ che phủ và tránh sự rửa trôi tầng đất mặt.
2. Tài nguyên nước
* Nguồn nước mặt: Sông Đuống là nguồn nước mặt chủ yếu của huyện Gia Bình, chảy qua phía Bắc và phía Đông của huyện, tổng lượng nước bình quân 31,6 tỷ m3, là nơi cung cấp nguồn nước tưới cho hệ thống thuỷ nông Gia Thuận. Hệ thống sông ngòi, kênh mương và số lượng ao hồ dày đặc tạo điều kiện thuận lợi cung cấp nước quanh năm cho sản xuất và sinh hoạt.
* Nguồn nước ngầm: Nguồn nước ngầm tuy chưa được khảo sát tính toán cụ thể, nhưng qua thực tế sử dụng của người dân cho thấy mực nước ngầm có độ sâu trung bình từ 3m- 6m, chất lượng nước tốt. Thời gian qua 2 xã Quỳnh Phú, Đông Cứu đã thực hiện khai thác nước ngầm đưa vào phục vụ sinh hoạt cho nhân dân. Nhìn chung chất lượng nước sau khi xử lý đảm bảo vệ sinh an toàn.
3. Tài nguyên rừng
Toàn huyện có 42,44 ha rừng trồng chiếm 0,4 % tổng diện tích tự nhiên, phân bố ở xã: Đông Cứu (26,24 ha), Giang Sơn (8,45 ha), Lãng Ngâm (7,75ha), với tỷ lệ che phủ 70,0%. Ngoài ra còn có 5,82 ha đất đồi núi chưa sử dụng có khả năng cải tạo đưa vào trồng rừng.
4. Tài nguyên khoáng sản
Trên địa bàn huyện có nguồn đất sét làm vật liệu xây dựng được phân bố chủ yếu tại xã Cao Đức, Vạn Ninh và Thái Bảo. Ngoài ra tại một số xã ven đê sông Đuống có nguồn cát đen có thể khai thác phục vụ xây dựng.
Lịch sử hình thành địa danh huyện Gia Bình
Gia Bình là vùng đất cổ phù sa màu mỡ bên sông Đuống, nên từ ngàn xưa đã có cư dân Việt cổ về đây sinh cơ lập nghiệp và để lại dấu ấn là những khu cư trú mộ táng, địa danh, di tích và tín ngưỡng. Các nhà khảo cổ học đã phát hiện ở xã Lãng Ngâm có di chỉ cư trú và mộ táng với những di vật bằng đồng như: rìu, búa, giáo, mác thuộc văn hóa Đông Sơn (cách ngày nay khoảng 4000 năm). Đó còn là hiện tượng tín ngưỡng, hàng loạt các làng xã nằm ven sông Đuống và sông Bái Giang thờ “Lạc Thị đại vương” (tức dòng dõi Lạc Long Quân) là các bậc thuỷ tổ dân tộc, tiêu biểu là đình Văn Lãng của thôn Đại Bái thờ “Lạc Thị đại vương” còn giữ được sắc phong niên đại Cảnh Hưng 44 (1783) cho biết khá rõ về người được thờ như sau: “Sắc phong cho ba vị đại vương thuộc dòng dõi Lạc Long Quân linh thiêng ở Đại Việt. Là tinh khí tạo thành, do núi sông hun đúc. Gốc từ trăm trứng mà ra, lập ra cơ đồ ở cõi trời Nam. Mở nền thịnh trị một phương, từ phía Bắc trở lại trừ diệt tai ách, khiến cho mạch nước được yên, từng che chở cho dân ta, tiếng tăm lừng lẫy, thật là đáng được ca ngợi. Vì nhà vua mới lên ngôi báu, trông coi việc chính sự, xét về lễ là được nâng bậc, nhà vua phong cho mỹ tự, lại gia phong cho là Đại Việt Lạc Thị linh ứng phong công trí đức cương nghị ba vị đại vương”.
Thời Hùng Vương – An Dương Vương, vùng đất Gia Bình thuộc bộ Vũ Ninh và để lại dấu ấn đậm nét ở ngôi đền thờ Cao Lỗ Vương (xã Cao Đức). Theo thần tích cho biết ông là tướng tài giúp An Dương Vương xây dựng quốc gia Âu Lạc, xây thành Cổ Loa, có công chế tạo “nỏ thần” đánh giặc giữ nước.
Thời chống Bắc thuộc, vùng đất này thuộc hai huyện An Bình và Nam Định. Đời Lý Trần thuộc huyện An Định lộ Bắc Giang. Thời Lê sơ, huyện An Định được đổi là Gia Định, thuộc phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc. Thời Nguyễn, vua Minh Mệnh năm thứ nhất (1820) huyện đổi tên là Gia Bình. Xưa kia, lỵ sở của huyện Gia Bình ở xã Bảo Khám. Năm 1820 được chuyển về xã Đông Bình. Năm 1888 chuyển đến xã Nhân Hữu. Năm 1841 chuyển về xã Khoái Khê. Năm 1920 chuyển về núi Nghĩa Thắng thuộc dãy Thiên Thai, xã Đông Cứu ngày nay.
Theo sách Dư Địa Chí của Nguyễn Trãi viết thời Lê (năm 1435): huyện Gia Bình khi ấy có 86 xã và 1 sở. Đến thời Hồng Đức còn 67 xã. Đến đầu thời Nguyễn có 8 tổng, 68 xã. Vào triều vua Đồng Khánh còn 7 tổng, 60 xã. Sau đấy, tổng Đại Lai chia thành 2 tổng (Đại Lai và Nhân Hữu) thì lại có 8 tổng, 60 xã. Đến năm 1877, tổng Tam Á và 2 xã (Đông Côi, Trương Xá) lại nhập vào tổng Đông Hồ của huyện Thuận Thành.
Trước Cách mạng tháng Tám (1945), huyện Gia Bình có 8 tổng với 66 xã là:
1.Tổng Bình Ngô: xã Bình Ngô có 3 thôn (Đường, Nội, Ngô); xã Nghi Khúc (làng Bưởi Cuốc); xã Yên Ngô; xã Thường Vũ (làng Kếp); xã Đoan Bái, xã Đại Bái (làng Bưởi Nồi), xã Ngọc Xuyên.
2. Tổng Đông Cứu: xã Đông Cứu có 3 thôn Bảo Tháp (Gủ Tháp), Thị, Yên Việt (Gủ Vọt); xã Cứu Sơn (Gủ Hương); xã Lãng Ngâm có 4 thôn (Môn Ải, Phú Đa, Tỉnh Cách, Yên Sơn); xã Ngăm Điền; xã Quảng Ái. Sau có thêm 3 xã nữa là: Ngăm Mặc năm 1903 tách khỏi tổng Đại Toán; Hương Vinh (Nội trong) vốn là một thôn của xã Đông Cứu; Ngăm Điền Giáo được tác khỏi xã Ngăm Điền.
3. Tổng Tiêu Xá: xã Tiêu Xá, xã Do Tràng, xã Cổ Thiết, xã Hữu Ái, xã Từ Ái, xã Lập Ái, xã Thiên Đức Giang – Thuỷ Cơ phường.
4. Tổng Xuân Lai: xã Xuân Lai, xã Yên Thành, xã An Khoái có 2 thôn Mỹ (làng Mốt) và Ngô (làng Ngò), xã Khoái Khê (làng Khoai), xã Yên Mô (làng Mỗ), xã Phúc Lai (làng Đông Cao), xã Định Lãng (Định Cương).
5. Tổng Quỳnh Bội gồm các xã: Quỳnh Bội (làng Bùi), Phú Dư (Đọ Nam, Đổng Lâm (làng Lìm), Đỗ Xá (làng Đọ Bắc), Lương Pháp (làng Bíp con- Bíp Tây), Đông Bình (Bùi Trại), Thủ Pháp (làng Bíp lớn- Bíp Đông).
6. Tổng Vạn Ty gồm các xã: Vạn Ty có 4 thôn Châu Lỗ (làng Dù), Đạo Viện (làng Viền), Hương Trạch (làng Chằm), Phúc Lộc (làng Dộc), Vạn Tải, Bà Dương, Tiểu Than (làng Dựng); Đại Than có 3 thôn Bình Than, Đại Trung (làng Gốm), Đông Trung (làng Lớ), Văn Than (làng Nái), Kênh Phố, Phù Than, Mỹ Lộc, Cao Trụ, Vạn Thọ; Bà Dương Sở.
7. Tổng Đại Lai gồm các xã: Đại Lai, Phùng Xá (làng Bùng), Huề Đông, Bảo Triện (Phương Triện) có 2 thôn Triện Quang và Triện Trung, Ngô Cương (làng Ngò), Hương Triện, Địch Trung, Ngọc Triện, phường Bùi Giang.
8. Tổng Nhân Hữu gồm các xã: Nhân Hữu có 3 thôn làng Ngụ (Cầu Đào), Đoàn, Lời (Lê), Gia Phú (làng Đìa), Bồng Trì, Phương Độ, Cẩm Xá (làng Vối).
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Nhà nước ta tổ chức lại đơn vị hành chính cơ sở xoá bỏ cấp tổng, phủ, các làng xã nhỏ được sát nhập lại, huyện Gia Bình còn 14 xã là: Đại Bái, Đại Lai, Đông Cứu, Lãng Ngâm, Bình Dương, Nhân Thắng, Quỳnh Phú, Giang Sơn, Song Giang, Thái Bảo, Cao Đức, Vạn Ninh, Xuân Lai, An Bình. Đến năm 1980 xã An Bình gồm các thôn (Bình Ngô, Nghi Khúc, Thường Vũ, Yên Ngô) được tách về huyện Thuận Thành.
Trong kháng chiến chống Pháp, để phù hợp với tình hình kháng chiến, tháng 8/1950, huyện Gia Bình và Lương Tài sát nhập làm một lấy tên là huyện Gia Lương, thuộc tỉnh Bắc Ninh.
Trong kháng chiến chống Mỹ, năm 1962 tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Bắc Giang hợp nhất thành một tỉnh lấy tên là tỉnh Hà Bắc, khi ấy Gia Bình thuộc tỉnh Hà Bắc .
Năm 1997 tỉnh Bắc Ninh được tái lập, đến năm 1999 Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 68/1999/NĐ-CP ngày 9/8/1999 huyện Gia Lương tái lập thành 2 huyện Gia Bình và Lương Tài. Huyện Gia Bình chính thức hoạt động theo đơn vị hành chính mới từ ngày 1 tháng 9 năm 1999. Đến tháng 8/2002 tại Nghị định số 37/2002/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ thị trấn Gia Bình được thành lập là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của huyện Gia Bình.
Gia Bình vùng đất địa linh nhân kiệt
Trong sự nghiệp “dựng nước và giữ nước” hàng nghìn năm qua của dân tộc Việt Nam, vùng đất Gia Bình địa linh đã sinh thành nhiều nhân kiệt, cống hiến trọn đời trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước trên mọi lĩnh vực như: kinh tế, chính trị, văn hoá, giáo dục, ngoại giao, quân sự …góp phần tạo dựng non sông gấm vóc và cuộc sống yên bình cho quê hương, đất nước.
Ngay từ thuở bình minh lịch sử, thời Hùng Vương – An Dương Vương, Gia Bình vùng đất địa linh đã sinh ra nhân kiệt là vị tướng tài Cao Lỗ quê xã Đại Than (nay thuộc xã Cao Đức), đã có công giúp An Dương Vương xây dựng triều chính, đánh giặc và chế tạo “nỏ thần” đánh giặc giữ nước. Để ghi nhớ người có công với dân với nước, nhân dân xã Đại Than đã lập đền thờ Cao Lỗ, đền nằm trên bãi bồi mặt hướng tới ngã ba sông Lục Đầu, truyền rằng hiển ứng linh thiêng và đền còn bảo lưu được tượng thờ, thần phả, sắc phong kể về ông.
Thời Bắc thuộc, nhà Hán xâm lược nước ta thiết lập chế độ thống trị, áp bức, bóc lột tàn bạo, thậm chí còn muốn “đồng hoá” dân tộc ta. Không chịu nổi ách thống trị của chúng, từ vùng núi Mê Linh, Hai Bà Trưng đã phất cờ khởi nghĩa tiến đánh Thái thú Tô Định ở trị sở thành Luy Lâu. Hưởng ứng cuộc khởi nghĩa, hàng loạt các danh tướng người Gia Bình đã chiêu mộ quân sĩ, tập kết lương thảo, chuẩn bị vũ khí và đã hội quân với Hai Bà Trưng đánh tan quân xâm lược tại thủ phủ Luy Lâu, thu về 65 thành trì, giải phóng non sông khỏi ách áp bức bóc lột. Đó là các danh tướng Doãn Công, Đào Nương, Côn Nương, Chiêu Nương, Ả Lã, Rồng Nhị đã xả thân vì nước, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc khởi nghĩa giành độc lập cho Tổ quốc của Hai Bà Trưng. Bản anh hùng ca về những tấm gương anh dũng vô song của các danh tướng Gia Bình ngàn năm còn ngời sáng.
Trong thời Bắc thuộc nhân dân ta sống cơ cực dưới ách áp bức bóc lột của các thế lực phong kiến phương Bắc như: Hán, Tuỳ, Lương, Đường… Năm 542, Lý Bí phất cờ khởi nghĩa chống quân xâm lược nhà Lương. Nhân dân huyện Gia Bình đã hưởng ứng cuộc khởi nghĩa, tiêu biểu nhất là Tuy Ông quê làng Lập Ái (xã Song Giang) và tên tuổi ông còn được dân gian truyền tụng.
Đến thời Lý, vùng đất Gia Bình nổi tiếng bởi tên tuổi Trạng nguyên, Thái sư Lê Văn Thịnh. Ông sinh năm Canh Dần ( 1050) tại thôn Bảo Tháp, xã Đông Cứu, huyện Gia Bình. Năm 1075, nhà Lý mở khoa thi đầu tiên gọi là Minh kinh bác học để chọn nhân tài xây dựng đất nước, Lê Văn Thịnh đỗ đầu và được tôn vinh là “Trạng nguyên khai khoa”. Ông có nhiều công lớn, ông được triều Lý thăng đến chức Thái sư, không những đã giúp triều Lý thiết lập triều chính, phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục…mà còn là thầy dạy của vua Lý Nhân Tông khi ấy còn nhỏ tuổi.
Thời Trần, vùng đất Gia Bình nổi tiếng bởi tên tuổi của Trạng Nguyên, Thiền sư Huyền Quang, sinh năm Giáp Dần (1254), người làng Vạn Ty, xã Thái Bảo, là bậc tài cao đức trọng và đã đi vào huyền thoại của Thiền phái Trúc Lâm. Ông vừa là một Đại Thiền sư vừa là một nhà thơ lớn của dân tộc. Ông còn 24 bài thơ chữ Hán chép trong “ Việt Âm thi tập” và “Toàn Việt thi lục”…Sau Trúc Lâm Đầu Đà Trần Nhân Tông và Pháp Loa, ông được phong tổ thứ ba của Thiền phái Trúc Lâm. Người ta đã xem 3 vị tổ Thiền trên ngang với 28 vị tổ của phái Thiền Ấn Độ. Nhân dân lập đền và chùa thờ ông ở quê hương.
Thời Trần, giặc Nguyên – Mông hung hãn, vó ngựa cung tên của chúng đã giày xéo khắp thế giới, nhưng sang đến nước Đại Việt ta chúng đã đại bại, tiến quân 3 lần thì cả 3 lần đều bị đánh lui. Âm vang chiến thắng của quân dân nhà Trần còn để lại dấu ấn bằng hội nghị Bình Than với lời thề “sát thát” trên cửa Đại Than thuộc xã Cao Đức. Và hội nghị Bình Than đã trở thành “biểu tượng” của sức mạnh Đại Việt, về hào khí “sát thát” và mãi mãi là trang sử vàng sáng ngời của non sông đất nước Việt Nam.
Danh nhân đất Gia Bình thời khoa bảng Hán học còn phải kể đến hàng chục tiến sĩ của các làng xã, tiêu biểu như thôn Đại Bái (xã Đại Bái) như: Phạm Hoảng đỗ tiến sĩ khoa Ất Mùi nhà Mạc (1535) làm quan giữ “Hộ tào” dân cư yên ổn; Nguyễn Trầm đỗ tiến sĩ năm Đinh Mùi làm quan trong nam Điển Lễ, nghi lễ đầy đủ tôn nghiêm; Nguyễn Ngạn Hằng đỗ tiến sĩ khoa Canh Tuất niên hiệu Cảnh Lịch (1550) làm quan đến chức Thượng thư bộ Hình, được phong Thiên Bảo; Nguyễn Kỳ Phùng đỗ tiến sĩ khoa Canh Thìn niên hiệu Diên Thành (1580) tài văn rực rỡ, làm quan đến chức Các hiệu thư kiêm việc Hàn lâm; Đỗ Viết Thành đỗ tiến sĩ khoa Tân Sửu niên hiệu Vĩnh Thọ (1661) tính người cương trực, đàn hặc uy nghiêm, phán xét công minh; Nguyễn Công Tạo đỗ tiến sĩ khoa Canh Thìn niên hiệu Dương Hoà (1640) làm quan Hiệu Thảo, tài văn tựa như gấm thêu; Hiến sát họ Nguyễn được tuyên triệu vào kinh, giúp cơ đồ triều chính vững mạnh; Nguyễn Công Hiệp văn võ kiêm toàn, làm Đô đốc nắm việc quân lại, soạn tu quốc sử, được chúa cậy trông coi là nanh vuốt Thái tử xem làm mẫu mực phải theo; Nguyễn Văn Thực đỗ Thám hoa năm Kỷ Hợi, tài văn chương cái thế, chức Thượng thư bộ binh, phong tặng Thượng thư bộ lại, quốc gia trông cậy, làm cốt cán triều đình, làm mẫu mực biểu dương.
Thôn Phương Triện thuộc xã Đại Lai có nhiều người đỗ tiến sỹ như: Phạm Công Thiện đỗ Hoàng giáp khoa Canh Thân niên hiệu Vĩnh Trị 5 (1680) triều vua Lê Hy Tông năm 1680, làm quan đến chức Tham chính. Trần Phụ Dực đỗ tiến sĩ khoa Quý Hợi niên hiệu Chính Hoà 4 (1683) triều vua Lê Hy Tông, làm quan trải các chức Giám sát đạo Hải Dương, Giám sát ngự sử đạo Sơn Tây, Hiến sát sứ Hưng Hoá, Tham chính Lạng Sơn… làm việc công minh chính trực ghét bè phái. Trần Danh Ninh là con của Trần Phụ Dực, đỗ Hoàng Giáp khoa Tân Hợi niên hiệu Vĩnh Khánh 3 (1731), làm quan trải các chức Hàn lâm thị độc Bồi tụng, Quốc tử giám tế tửu, Đông các đại học sĩ, Tả thị lang bộ Hình kiêm Sử quán tổng tài, tước Bá, Hầu. Trần Danh Lâm là em Trần Danh Ninh, đỗ Tiến sĩ khoa Tân Hợi niên hiệu Vĩnh Khánh 3 (1731) triều vua Lê Duy Phường, làm quan trải các chức Đốc đồng Cao Bằng, được phong tước Du Lĩnh Hầu, Hữu thị lang bộ Công, Thị lang bộ Binh, Tả thị lang bộ Hộ, kiêm Ngự sử đài đô, năm 1769 về trí sĩ được thăng Thượng thư bộ Công. Trần Danh Án là con trai của Trần Danh Lâm, cháu nội của Trần Phụ Dực, đỗ Hoàng Giáp khoa Đinh Mùi niên hiệu Chiêu Thống 1 (1787) đời Lê Mẫn Đế…
Như vậy, Gia Bình một vùng đất “địa linh nhân kiệt”đã sinh ra những danh nhân nổi tiếng, tiêu biểu là 5 vị Trạng nguyên, trong đó có trạng nguyên khai khoa, có trạng nguyên là Đệ tam tổ thiền phái Trúc Lâm, là thi sĩ danh tiếng, có thần đồng …Các bậc hiền tài trên từng là “rường cột” của các triều đại, của quốc gia và đã làm rạng danh những trang sử vàng của quê hương, đất nước.
Trong lịch sử, người Gia Bình bên cạnh những bậc danh nhân khoa bảng, công thần tài cao đức trọng, còn là những người nông dân ở các làng xã mà vốn hiền lành, chất phát, chịu thương, chịu khó và tài hoa. Từ lâu đời, ngoài nghề nông trồng lúa nước, người dân còn làm thêm nhiều nghề phụ và đã có những làng nghề thủ công truyền thống nổi tiếng như: gò đúc đồng Đại Bái, Tre trúc Xuân Lai, khâu nón lá thôn Môn Quảng ( Lãng Ngâm), nuôi tằm dệt lụa của thôn Ngăm Lương ( Lãng Ngâm), làm quanh gánh của thôn Triện Quang ( Đại Lai)….Nổi tiếng hơn cả là làng gò đồng Đại Bái và Tre Trúc Xuân Lai. Những sản phẩm của các làng nghề Đại Bái và Xuân Lai, không những mang giá trị thực dụng cao, mà còn mang tính nghệ thuật độc đáo, mang đậm hồn dân tộc, được mọi miền ưa chuộng và có thương hiệu vàng trên thị trường quốc tế.
Gia Bình vùng đất ngàn năm văn hiến
Bề dầy lịch sử và văn hiến của huyện Gia Bình tất cả đã được kết tinh và phản ánh ở những danh lam cổ tự, những ngôi đình, đền, chùa của các làng xã, bởi đây là những thiết chế văn hoá cộng đồng được nhiều thế hệ dày công xây đắp, gìn giữ và phát huy. Những di tích đó là những kho báu di sản văn hoá vật thể và phi vật thể quý giá, có giá trị lớn về nhiều mặt như: lịch sử, văn hoá, khoa học, nghệ thuật, tín ngưỡng, tôn giáo…đặc biệt có giá trị về việc giáo dục truyền thống.
Dãy núi Thiên Thai tựa như một con rồng khổng lồ đang vươn dậy và từ lâu đời đã được các vua chúa, vương hầu, quý tộc cho xây dựng các ngôi chùa là đại danh lam nổi tiếng. Thư tịch cổ cho biết, vào thời Lý đã cho xây dựng hai ngôi chùa lớn trên núi Thiên thai là Chùa Tĩnh Lự có tên chữ là “Tĩnh Lự thiền tự” và chùa Đông Lâm trên đỉnh núi Thiên Thai. Đến thời vua Lê – chúa Trịnh, chùa Tĩnh Lự lại tiếp tục được xây dựng là một đại danh lam nổi tiếng xứ Kinh Bắc. Hiện chùa xưa tháp cũ không còn nữa, nhưng chùa Tĩnh Lự còn bảo lưu được tấm bia đá có kích thước rất lớn (cao 1,72m; rộng 1,2m; dày 0,17m), tên bia “Tĩnh Lự thiền tự bi”, niên đại là “Phúc Thái vạn vạn niên chi lục trọng thu tiết cốc nhật” (1648), nội dung ca ngợi cảnh đẹp của núi Thiên Thai ( Đông Cứu) và phong thuỷ của nơi đây, đồng thời ghi lại việc phục dựng chùa Tĩnh Lự vào thời Lê – Trịnh (thế kỷ 17) với quy mô rất lớn theo lệnh của chúa Trịnh và giao Đô đốc Quận công Nguyễn Công Hiệp (người làng Đại Bái) tiến hành xây dựng.
Nổi tiếng về danh lam cổ tự còn phải kể đến Đền Cao Lỗ thuộc xã Cao Đức. Đền thờ Cao Lỗ mang tên “Cao Công” thuộc thôn Đại Trung (tên nôm Lớ) xã Cao Đức, là nơi tôn thờ tưởng niệm một danh nhân quân sự có công chế tạo “nỏ thần” đánh giặc thuở dựng nước của dân tộc ta. Ngôi đền toạ lạc trên khu đất rộng cao trên bãi bồi cửa sông Đuống, mặt hướng về Lục Đầu giang, xung quanh vườn cây, bờ bãi xanh tốt, thanh tịch. Đền được khởi dựng từ lâu đời, trải lịch sử đã được trùng tu mở rộng nhiều lần. Dấu ấn kiến trúc điêu khắc cổ của ngôi đền là của thời Lê Trung Hưng. Đền gồm nhiều hạng mục công trình như: tiền tế, đại bái, ống muống, hậu cung, hai bên là tả vu và hữu vu, sân, giếng, tam môn. Toàn bộ ngôi đền được làm bằng gỗ lim to khoẻ, trên các cột đều được kê bằng những chân tảng đá xanh vững chắc; trên kiến trúc được trang trí chạm khắc những con giống thiêng như rồng, nghê, phượng, sấu tinh xảo nghệ thuật. Hiện tại đền thờ còn bảo lưu được cuốn thần phả chữ Hán niên đại Tự Đức thứ 32 (1879) đã cho biết rõ hơn về lai lịch công trạng của Cao Lỗ.