Giới thiệu khái quát thành phố Từ Sơn

Giới thiệu khái quát thành phố Từ Sơn - Tỉnh Bắc Ninh - vansudia.net
Điều kiện tự nhiên xã hội thành phố Từ Sơn

1. Vị trí địa lý

Thành phố Từ Sơn nằm ở phía Tây của tỉnh Bắc Ninhcách trung tâm tỉnh 8 km về phía Tây Nam, cách trung tâm Thủ đô Hà Nội 15 km về phía Đông Bắc.
Địa giới hành chính của thành phố như sau:

– Đông giáp huyện Tiên Du;

– Tây giáp huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội;

– Nam giáp huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội;

– Bắc giáp huyện Yên Phong.

2. Điều kiện tự nhiên

a) Địa hình, khí hậu

– Địa hình:

+ Với vị trí nằm trong vùng đồng bằng Bắc Bộ nên thành phố Từ Sơn có địa hình tương đối bằng phẳng, có cao độ dao động từ 4,5 – 6,5 m, đôi chỗ có gò cao 7,0 m. Cấu tạo địa tầng chủ yếu là đất sét pha có cường độ chịu lực khá ổn định, đáp ứng nhu cầu xây dựng công trình.

+ Từ Sơn nằm trong vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng nên mang nét đặc trưng của cấu trúc địa chất sụt trũng sông Hồng, trong khối kết tinh ackei – palêzôi, bề dày trầm tích đệ tứ chịu ảnh hưởng rõ rệt của cấu trúc mỏng, càng xuống phía Nam cấu trúc địa chất càng dày hơn phía Bắc.

– Khí hậu:

+ Thành phố Từ Sơn nằm trong vùng đồng bằng Bắc Bộ thuộc vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, có 04 mùa rõ rệt: Xuân – Hạ – Thu – Đông.

+ Mùa mưa từ tháng Tư đến tháng Mười, lượng mưa tập trung vào tháng Bảy, tháng Tám, tháng Chín chiếm 70% lượng mưa cả năm.

+ Mùa khô từ tháng Mười Một đến tháng Ba năm sau; tháng Một và tháng Hai thường có mưa phùn kèm theo giá rét kéo dài do ảnh hưởng của các đợt gió mùa Đông Bắc.

+ Lượng mưa trung bình năm cao nhất là 1.386,8 mm, lượng mưa trung bình tháng cao nhất là 254,6 mm, lượng mưa ngày lớn nhất là 204 mm.

+ Hướng gió chủ yếu là hướng Đông và Đông Bắc, mùa Hạ có gió Đông và Đông Nam. Tốc độ gió mạnh nhất là 34 m/s.

+ Bão thường xuyên xuất hiện vào tháng Bảy đến tháng Chín gây mưa to gió lớn.

+ Độ ẩm trung bình tháng cao nhất là 88%, thấp nhất là 79%.

+ Nhiệt độ không khí trung bình năm 23,3oC, nhiệt độ cao nhất là 39,5oC; nhiệt độ thấp nhất là 4,8oC.

b) Khoáng sản, tài nguyên thiên nhiên

– Khoáng sản:

Thành phố Từ Sơn không có nhiều về khoáng sản, chủ yếu thiên về vật liệu xây dựng với các loại khoáng sản như: đất sét, cát xây dựng và than bùn.

– Tài nguyên thiên nhiên:

+ Tài nguyên đất: nằm trong miền kiến tạo Đông Bắc – Bắc Bộ nên cấu trúc địa chất lãnh thổ thành phố có những nét còn mang tính chất của vòng cung
vùng Đông Bắc. Trên lãnh thổ thành phố có loại đất đá có tuổi từ Pecmi, Trias đến Đệ tứ, song chủ yếu là thành tạo Đệ tứ bao phủ gần như toàn tỉnh Bắc Ninh. Lớp thành tạo Đệ tứ chiếm phần lớn về địa tầng lãnh thổ, nằm trên các thành tạo cổ, có thành phần thạch học chủ yếu là bồi tích, bột, cát bột và sét bột. Theo khảo sát thì thành phố Từ Sơn có 05 loại đất chính:

Đất phù sa được bồi của hệ thống sông khác: diện tích đất phù sa được bồi phân bố ngoài đê dọc theo sông Ngũ Huyện Khê, tập trung tại các phường Hương Mạc, Tam Sơn và thường xuyên được bồi thêm vào những mùa mưa lũ tháng Bảy, tháng Tám. Đất có cơ giới nhẹ, tầng đất khá dày, khả năng giữ nước, giữ chất dinh dưỡng thấp. Tuy nhiên, do được bồi đắp phù sa hàng năm nên đất vẫn có độ phì nhiêu.

Đất phù sa không được bồi của hệ thống sông Hồng: loại đất này chiếm diện tích lớn nhất, phân bố hầu hết ở các phường trong thành phố, tập trung thành những cánh đồng lớn. Đất có thành phần cơ giới từ thịt trung bình đến thịt nặng, đất chua, hàm lượng mùn và đạm khá, lân dễ tiêu. Là loại đất đang trồng 02 vụ lúa cho năng suất cao, ổn định.

Đất phù sa có tầng loang lổ của hệ thống sông Thái Bình là loại đất phân bố ở phường Hương Mạc, Phù Khê, Tương Giang và Tam Sơn.

Đất phù sa úng nước phân bố ở phường Phù Chẩn, loại đất này ở địa hình thấp, trũng thường bị úng nước sau mưa.

Đất xám bạc màu trên nền phù sa cổ phân bố ở phường Tân Hồng và phường Phù Chẩn là đất có thành phần cơ giới thô, nghèo sét, màu xám – trắng.

+ Tài nguyên nước:

Nguồn nước mặt: Từ Sơn có nguồn nước mặt tương đối dồi dào, bao gồm sông Ngũ Huyện Khê, ngòi Tào Khê. Trong đó, tầng chứa nước áp lực yếu có trữ lượng khá phong phú, chất lượng tốt, có ý nghĩa cung cấp nước lớn để phục vụ cho nhu cầu ăn uống, sinh hoạt và sản xuất.

Ngoài ra, trên địa bàn thành phố còn có hệ thống ao, hồ phân bố rải rác trong các khu vực cùng với hệ thống kênh mương thủy lợi đảm nhận chức năng điều tiết, lưu chuyển lượng nước mặt cho thành phố và tạo cảnh quan, không gian môi trường sinh thái.

Nguồn nước ngầm: mực nước ngầm có độ sâu trung bình từ 2 – 5 m, chất lượng tốt, có thể khai thác phục vụ sinh hoạt và tưới cho các cây trồng tại các vườn gia đình trong mùa khô, góp phần tăng sản phẩm và thu nhập cho nông dân.

c) Thủy văn

Thành phố Từ Sơn có sông Ngũ Huyện Khê là nhánh của sông Cầu cách trung tâm thành phố Từ Sơn 1,5 km về phía Tây Bắc và chảy qua khu vực các phường Đồng Kỵ, Châu Khê, Phù Khê, Hương Mạc.

Khu vực phường Tân Hồng có hồ nước lớn khoảng 25 ha. Ngoài ra, còn nhiều ao hồ nhỏ nằm rải rác trong các phường của thành phố.

Khu vực phía Bắc quốc lộ 1A có kênh Bắc hợp với kênh Nam khu vực các phường Đình Bảng, Tân Hồng hợp lại tại ngã ba của phường Châu Khê. Hai kênh này thuộc kênh tưới cấp I quốc gia dẫn nước cho vùng nông nghiệp của tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Bắc Giang.

3. Vai trò của thành phố

Thành phố Từ Sơn là cửa ngõ của tỉnh Bắc Ninh và là trung tâm thứ hai về hành chính, kinh tế, văn hóa, giáo dục, dịch vụ của tỉnh; đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của vùng. Từ Sơn là địa bàn quan trọng kết nối tỉnh Bắc Ninh với vùng Thủ đô Hà Nội, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, có môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi. Bên cạnh đó,
thành phố Từ Sơn còn là đô thị nằm trên hành lang kinh tế lớn là: Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh và Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh thông qua những tuyến giao thông huyết mạch quan trọng, kết nối các tỉnh, các đô thị, các trung tâm phát triển kinh tế lớn của cả nước; là cầu nối giữa Hà Nội đi các
 tỉnh thông qua tuyến đường: quốc lộ 1A, tuyến đường sắt Hà Nội – Đồng Đăng chạy qua cùng các tuyến đường kết nối trong khu vực như: ĐT 277; ĐT 295; ĐT 295B,… Trên địa bàn thành phố hiện nay, mạng lưới khu công nghiệp, cụm công nghiệp cùng nhiều làng nghề nổi tiếng ngày một phát triển như: Khu công nghiệp (KCN) VSIP, KCN Tiên Sơn, KCN Hanaka, các KCN vừa và nhỏ, cụm công nghiệp, dịch vụ làng nghề: Tương Giang, Dốc Sặt, Đình Bảng, Đồng Kỵ, Tam Sơn,… đã tạo ra nhiều việc làm, thu hút được nhiều thành phần kinh tế trong và ngoài nước đến đầu tư. Không những vậy, Từ Sơn còn được biết đến là vùng đất có lịch sử văn hóa lâu đời và vị trí chiến lược quan trọng trong các cuộc đấu tranh chống kẻ thù xâm lược với các di tích lịch sử văn hóa được cấp bằng công nhận Quốc gia và cấp tỉnh.

Trong Quy hoạch vùng tỉnh Bắc Ninh, vùng Thủ đô, Quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, Từ Sơn được định hướng là đô thị vệ tinh của Thủ đô Hà Nội, nằm trong lõi đô thị thành phố trực thuộc Trung ương trong tương lai; Từ Sơn giữ vai trò là trung tâm kinh tế, công nghiệp, dịch vụ và là một trong số các “đầu tầu và hạt nhân” thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Bắc Ninh. Với lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, nguồn lực, văn hóa, tốc độ đô thị hóa cùng với sự phát triển cơ sở hạ tầng trong thời gian qua sẽ là tiền đề, động lực và điều kiện thúc đẩy kinh tế – xã hội, cũng như để thành phố sớm hoàn thành các mục tiêu trở thành đô thị lõi trong định hướng phát triển tỉnh Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2030 theo hướng “hiện đại, văn minh, hài hòa và bền vững”.

4.  Diện tích tự nhiên, dân số và cơ cấu lao động

Theo Báo cáo kiểm kê đất đai, thành phố Từ Sơn có 61,08 km2 diện tích đất
tự nhiên.
 Trong đó, cơ cấu các loại đất như sau:

– Diện tích đất nông nghiệp là: 27,39 km2, chiếm tỷ lệ 44,84%;

– Diện tích đất phi nông nghiệp là: 33,69 km2, chiếm tỷ lệ 55,15%;

– Diện tích đất chưa sử dụng là: 0,007 km2, chiếm tỷ lệ 0,01%.

5 . Đơn vị hành chính trực thuộc, dân số và cơ cấu lao động

Theo số liệu của Chi cục Thống kê thành phố Từ Sơn, tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2020, thành phố Từ Sơn có 202.874 người, trong đó: dân số thường trú là: 183.090 người, dân số tạm trú quy đổi là: 19.784 người. Thành phố có 12 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, gồm: Đồng Nguyên, Đồng Kỵ, Tân Hồng, Trang Hạ, Đình Bảng, Đông Ngàn, Châu Khê, Hương Mạc, Phù Khê, Phù Chẩn, Tương Giang, Tam Sơn.

Bảng thống kê dân số và diện tích thành phố Từ Sơn

Stt

Đơn vị hành chính

Dân số

 (người)

Diện tích

(ha)

1

Phường Đông Ngàn

12.953

147,43

2

Phường Châu Khê

17.694

495,86

5,86

3

Phường Đình Bảng

21.000

827,17

4

Phường Đồng Nguyên

19.564

673,05

5

Phường Đồng Kỵ

21.606

353,59

6

Phường Trang Hạ

10.317

236,52

7

Phường Tân Hồng

14.814

458,99

8

Phường Phù Chẩn

19.708

598,57

9

Phường Phù Khê

12.787

347,84

10

Phường Hương Mạc

20.516

558,81

11

Phường Tam Sơn

17.222

845,00

12

Phường Tương Giang

14.693

566,05

Toàn thành phố

202.874

6.108,87

(Nguồn: Chi cục Thống kê thành phố Từ Sơn)

Tổng số lao động trong các ngành kinh tế là 107.430 người, trong đó:

  • Lao động nông nghiệp: 7.532 người, chiếm 7,01%;
  • Lao động phi nông nghiệp: 99.898 người, chiếm 92,99%.

 

Di tích lịch sử văn hóa

Lễ hội Đền Đô

Đền Đô ở làng Đình Bảng, hương Cổ Pháp xưa, nay thuộc thị xã Từ Sơn (tỉnh Bắc Ninh) đã đi vào lịch sử dân tộc như một trong những địa phương tiêu biểu của quê hương Kinh Bắc. Đây là quê hương nhà Lý-triều đại khai mở nền văn minh Đại Việt. Đặc biệt, Đình Bảng còn là một làng cách mạng tiêu biểu. Là nơi hoạt động của các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, như Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Hoàng Văn Thụ… Trong thời kỳ Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nơi ra đời bản chỉ thị lịch sử: “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”…

Doan ruoc tai le hoi Den Do - Giới thiệu khái quát thành phố Từ Sơn

Xưa kia, Lễ hội đền Đô được tổ chức hàng năm theo cổ lệ vào ngày 15-3 (âm lịch), kéo liền trong 4 ngày: 14,15,16,17-3 (nay tổ chức gọn lại trong 3 ngày 14,15,16-3 và chính hội là ngày 15-3. Tương truyền, đó là lễ hội kỷ niệm ngày Lý Thái Tổ đăng quang (15-3 năm Canh Tuất – 1010). Ngày ấy tốt lành, chính Ngọ đắc tâm linh, Lý Thái Tổ làm lễ tế trời, đặt niên hiệu Thuận Thiên mong Thiên hạ thái bình, Người ban Chiếu dời đô. Lễ hội đền Đô là một lễ hội truyền thống có từ xa xưa, một tục lệ hết sức quan trọng của người dân Đình Bảng. Sôi động cả vùng Kinh Bắc, đến cả Thăng Long – Hà Nội và các tỉnh bạn.

Phần lễ khai hội là phần rất quan trọng, lễ bắt đầu của sự may mắn cho cả cộng đồng, cho nên mọi hành vi, lời ăn, tiếng nói đều được tuân thủ một cách nghiêm ngặt. Trong nghi thức tế lễ có lễ “Túc Yết” – đây là nghi thức rước Lý Thánh Mẫu Minh Đức Hoàng Thái hậu Phạm Thị, người đã có công sinh thành ra Lý Thái Tổ. Nghi thức này còn được hiểu là lễ báo hiếu, lễ rước Thánh Mẫu về dự đại lễ của con. Lễ rước được tổ chức từ 13h30 ngày 13-3 (âm lịch), từ Đền Đô đến đình nơi thờ Thành Hoàng và Lục tổ, những vị đứng đầu sáu dòng họ có công lập làng vào thế kỷ XV, qua chùa Kim Đài, chùa thờ Pháp sư Định Không, ông tổ thứ sáu của Phật giáo, rồi đến chùa Cổ Pháp làm lễ tưởng niệm Lý Thánh Mẫu ở đây. Lễ rước Lý Bát Đế của lễ hội được rước sang chùa Cổ Pháp sau một ngày, chiều 14-3 để đêm 14 tụng kinh nhà Phật và chuẩn bị mọi nghi thức để sáng 15 rước linh bài về đền Đô. Lễ rước trong lễ hội đền Đô được miêu tả “Tám cỗ kiệu trang hoàng lộng lẫy được rước từ đền Đô lên chùa Cổ Pháp để nghe tăng ni tụng kinh, rồi lại rước về chỗ. Kiệu của Lý Chiêu Hoàng không được rước, phải khiêng ra đặt ở trước điện thờ để bà nghênh đón kiệu của tám vua”. Trong lễ hội đền Đô có hoạt động múa rồng, đây là hoạt động mang tính đặc trưng tiêu biểu của lễ hội, thể hiện hùng khí Thăng Long-biểu trưng của sự thăng tiến, niềm mơ ước của cư dân trồng lúa nước. Tiếp theo là nghi thức Đại tế. Tế lễ là một loạt các động tác và hành vi nhằm biểu hiện sự tôn kính tưởng nhớ đến công lao to lớn của các vị Vua Lý. Trong không khí linh thiêng, đám tế thay mặt cho dân làng cầu mong sự che chở và ban niềm tin cho họ để họ có một sức mạnh phi thường, vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống. Lễ hội đền Đô xưa kia thường được rước đủ tám kiệu, nhưng vì tốn nhiều công sức, tiền bạc, nên ngày nay chỉ tổ chức rước hai kiệu có ý nghĩa tượng trưng.

Lễ và hội là một thể thống nhất không thể tách rời. Nếu phần lễ là phần tín ngưỡng, là phần của thế giới tâm linh; thì phần hội là phần tập hợp vui chơi giải trí, đó là đời sống văn hóa thường nhật mà chỉ có trong những dịp này nhân dân mới có điều kiện thể hiện khả năng sẵn có, hoặc luyện tập của mình. Đặc biệt, ở đó thể hiện sự đúc kết kinh nghiệm trong cuộc sống, với các trò chơi truyền thống văn hóa hấp dẫn mang bản sắc dân tộc. Ở lễ hội đền Đô có các hoạt động, như đấu vật, chơi cờ người, hát quan họ, hội thơ, chơi đu, thả chim bồ câu, chơi chọi gà, thi nấu cơm niêu đất…Đấu vật là một trò chơi thượng võ trong lễ hội. Tương truyền các triều đại nhà Lý rất khuyến khích trò này, vì thế trong các cuộc thi võ và tuyển chọn võ tướng cho triều đình đều có môn vật. Đấu vật có thể coi là một hoạt động bằng sức lực là chủ yếu, tuy nhiên trong đó còn hàm chứa cả sự khéo léo tinh khôn. Đây cũng là một hình thức thi tài dành cho nam giới. Hội đấu vật ở hội đền Đô hội tụ được nhiều đô vật ở các tỉnh phía Bắc. Các đô vật gặp nhau với những trận đấu hăng say, quyết liệt, nhưng không thô bạo, mà rất uyển chuyển, kể cả khi “vào miếng”, “đấu miếng” và “phá miếng”. Hội thi vật thường làm không khí của hội thêm tưng bừng. Bởi, không những các keo vật hay, mà còn có tiếng chiêng, trống, sự cổ vũ nhiệt tình của người xem.

Trong các lễ hội ở xứ Bắc, cờ tướng luôn là một trò chơi phổ biến. Ở đền Đô cũng không ngoại lệ và là trò chơi được lưu tâm gọi là cờ người. Cờ người có gốc từ cờ tướng, vẫn những bước đi, thể thức chơi giống nhau, nhưng khác nhau ở chỗ quân cờ do con người đóng, thay thế quân cờ gỗ, những người đóng làm quân cờ mặc quần áo, đội mũ, đi hia được may bằng vải đẹp. Trong ngày hội, cuộc đấu cờ thường thu hút được những người lớn tuổi. Cờ tướng trong lễ hội đền Đô có nhiều nét độc đáo, nó không chỉ là trò chơi giải trí đơn thuần, mà còn có thể nói là sự tổng hợp của lý trí, mưu lược,…. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, lễ hội đền ẩn chứa trong đó hai yếu tố chính: Một là, bày tỏ tấm lòng thành kính và tưởng nhớ đến những người có công với dân tộc nêu cao truyền thống “uống nước nhớ nguồn”. Hai là, cầu phúc, bày tỏ ước vọng về một sự tốt đẹp, thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Thông qua ngày hội, những hoạt động vốn là nghệ thuật hoặc nghi thức nay được nâng cao để lễ vua. Lễ hội đền Đô là nơi tập trung tư tưởng, tâm lý của nhân dân với lòng thành kính những bậc có công với nước, đáp ứng nhu cầu của con người trở về với cội nguồn, hòa mình với thiên nhiên, tìm lại bản sắc văn hóa dân tộc. Việc suy tôn, tôn thờ một biểu tượng có sức mạnh bảo vệ cộng đồng, đó là bát vị Tiên vương nhà Lý, được thể hiện tập trung trong các nghi thức lễ của ngày hội. Các nghi lễ được thể chế hóa, thành trật tự thể hiện mối quan hệ giữa con người với thần linh, giữa con người với con người, thể hiện lòng ngưỡng mộ, tôn vinh các vị Đế Vương.

Lễ hội đền Đô nói riêng và các lễ hội nói chung là biểu trưng của  một bảo tàng về đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, tập trung nhiều phong tục, tín ngưỡng, văn hóa, nghệ thuật, lịch sử quan trọng của dân tộc. Lễ hội đã, đang và sẽ tác động sâu sắc vào tâm linh, tính cách và đời sống của nhân dân.

Nguồn: Ban Tôn giáo Chính phủ

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây