Giới thiệu khái quát huyện Gò Công Tây

huyện Gò Công Tây - Tỉnh Tiền Giang

Giới thiệu khái quát huyện Gò Công Tây

ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN VÀ ĐẶC ĐIỂM KINH TẾ – XÃ HỘI

1. Điều kiện tự nhiên:

–  Vị trí địa lý: Huyện Gò Công Tây nằm về phía Đông của tỉnh Tiền Giang, trung tâm của huyện cách thành phố Mỹ Tho 26 km về hướng Đông và thị xã Gò Công 12,2 km về hướng Tây. Huyện có diện tích tự nhiên là 18.017,34 ha; phía Đông giáp huyện Gò Công Đông và thị xã Gò Công; phía Tây giáp huyện Chợ Gạo; phía Nam giáp huyện Tân Phú Đông; phía Bắc giáp tỉnh Long An.

– Khí hậu: Huyện Gò công Tây nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo, với hai mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11 trùng với mùa gió Tây Nam, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau trùng với mùa gió Tây Bắc. Lượng mưa trung bình hàng năm từ 1.500 đến 1.800 mm, mức thấp nhất đồng bằng sông Cửu Long; nhiệt độ trung bình hàng năm từ 260C – 270C.

2. Tài nguyên thiên nhiên:

–  Tài nguyên đất: Huyện Gò Công Tây nguồn tài nguyên đất có độ phì khá, thích nghi cho sản xuất nông nghiệp, nhu cầu thâm canh, tăng vụ ngày càng được chú trọng; bằng những nổ lực của mình, nhân dân Gò Công Tây đã tiến hành nạo vết nhiều công trình thủy lợi, cải tạo đất đai nhằm khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên này có hiệu quả hơn.

–  Tài nguyên nước: Có mật độ dòng chảy khá dầy, hai sông chính chảy qua địa bàn huyện là sông Cửa Tiểu và Sông Ta, chịu ảnh hưởng của chế độ bán nhật triều không đồng đều của Biển Đông. Ngoài ra còn có Kênh 14, Rạch Gò Gừa, rạch vàm Giồng, Kênh Bình Phan … ăn sâu vào nội đồng cung cấp nước trãi dài qua các cánh đồng của huyện thông qua hệ thống kênh mương nội đồng.

3. Đặc điểm kinh tế – xã hội:

      Ngành kinh tế chính của huyện là sản xuất nông nghiệp, hàng năm sản lượng lương thực đạt trên 179.000 tấn. Ngoài 2 – 3 vụ lúa chuyên canh trong năm, nhiều loại cây màu như: dưa hấu, bắp, ớt, rau, đậu  các loại… đã được nhân dân sản xuất trên quy mô lớn, giá trị kinh tế cao. Vuờn dừa ổn định diện tích 1.977 ha, sản lượng thu hoạch hàng năm trên 13.500 tấn, ngoài ra trong vường dừa còn được nông dân trồng xen canh cây cao cao và nuôi thủy sản. Sự chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, môi trường sinh thái và nhu cầu của địa phương gắn kết chặt chẽ với việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên đã đưa mức tăng trưởng ngành trồng trọt tăng hàng năm.

      Chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển nhanh về số lượng và chất lựơng. Đàn heo đang phát triển mạnh theo qui mô trang trại với nhiều loại giống có chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi. Mức tăng trưởng ngành chăn nuôi đạt bình quân 7,12% năm; điều đó chứng tỏ tiềm năng và thế mạnh của ngành chăn nuôi trong kinh tế nông nghiệp – nông thôn huyện nhà. Tổng đàn heo có đến thời điểm tháng 12/2013 là 83.500 con, đàn gia cầm 784.704 con. Ngoài ra, nông dân còn nuôi thêm một số con nuôi khác như dê, thỏ… nhưng do thị trường tiêu thụ chưa ổn định, nên chỉ phát triển với quy mô hộ gia đình.

     Diện tích mặt nước nuôi thủy sản tăng khá nhanh; tính đến cuối năm 2013, toàn huyện đã phát triển được 842,84 ha, tổng sản lượng đạt 5.313,45 tấn, đạt giá trị kinh tế cao hơn nhiều lần so với cùng một đơn vị diện tích nuôi trồng các loại cây, con khác.

      Ngành Công nghiệp – Tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện tiếp tục chuyển dịch, từng bước mở rộng về quy mô góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế – xã hội của huyện. Toàn huyện có 257 cơ sở sản xuất, giá trị sản xuất công nghiệp – Tiểu thủ công nghiệp tăng bình quân hàng năm là 3%. Một số ngành nghề mới được mở ra như: đan xuất khẩu, các cơ sở sửa chữa máy móc phục vụ cơ giới hoá công nghiệp được trang bị công nghệ mới.

       Ngành thương mại dịch vụ: hiện có 108 doanh nghiệp tư nhân và 2.500 hộ kinh doanh; tỉnh và huyện đã đầu tư xây dựng, phát triển chợ nông thôn hợp lý, khang trang, hàng hoá đa dạng, phong phú. Hoạt động dịch vụ trên nhiều lĩnh vực được mở rộng và phát triển mạnh, đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

       Sự nghiệp Giáo dục – đào tạo và công tác xã hội hoá giáo dục được đặc biệt quan tâm; qua đó, hàng năm tỷ lệ học sinh ra lớp ở các cấp học và tốt nghiệp đạt cao. Huyện Gò Công Tây được tỉnh công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở.

      Công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu, phòng chống dịch và điều trị bệnh cho nhân dân, được thực hiện tốt. Toàn huyện có 13/13 trạm y tế xã có bác sĩ khám và điều trị bệnh; các chương trình y tế quốc gia, y tế cộng đồng được tổ chức thực hiện đạt kết quả tốt.

      Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” đã được các tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng, đã và đang trở thành hành động tự giác của mọi người. Hàng năm có trên 96% hộ được bình xét đạt 4 tiêu chuẩn “gia đình văn hoá”; toàn huyện có 66/66 ấp được công nhận là ấp văn hoá và 04/13 xã được công nhận danh hiệu xã văn hoá. Hoạt động thể thao và rèn luyện thân thể được cơ quan, trường học và nhân dân quan tâm nên có xu hướng ngày càng phát triển.

        Các chính sách xã hội được quan tâm thực hiện tốt nên đời sống gia đình các hộ chính sách, hộ nghèo được cải thiện rõ nét; số hộ nghèo còn 5,51% vào cuối năm 2013.

       Tình hình an ninh chính trị, trật tự an tòan xã hội luôn được giữ vững; phạm pháp hình sự, tai – tệ nạn xã hội hàng năm đều giảm, điều này cho thấy sự nhận thức đúng đắn về pháp luật của đại bộ phận nhân dân, nhất là đối với thanh thiếu niên. Hàng năm, huyện đều đạt chỉ tiêu tuyển quân do tỉnh giao.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây