Giới thiệu khái quát tỉnh Long An

Long An

Giới thiệu khái quát tỉnh Long An

Long An nằm ở vị trí bản lề giữa Đông và Tây Nam Bộ, giữa vùng trọng điểm phát triển kinh tế phía Nam và cận kề với thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm sản xuất và tiêu thụ hàng hoá lớn nhất cả nước.

I. Thông tin khái quát tỉnh Long An

1. Điều kiện tự nhiên:

1.Vị trí địa lý:

Long An nằm ở tọa độ địa lý : 105030′ 30” đến 106047′ 02” kinh độ Đông và 10023’40” đến 11002′ 00” vĩ độ Bắc. Long An có diện tích tự nhiên là 4.493,8 km2, chiếm tỷ lệ 1,35 % so với diện tích cả nước và bằng 11,06 % diện tích của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.

Long An tiếp giáp với Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Tây Ninh về phía Đông, giáp với Vương Quốc Campuchia về phía Bắc, giáp với tỉnh Đồng Tháp về phía Tây và giáp tỉnh Tiền Giang về phía Nam.

Long An có đường ranh giới quốc gia với Campuchia dài: 137,7 km, với hai cửa khẩu Bình Hiệp (Mộc Hóa) và Tho Mo (Đức Huệ).

2. Khí hậu:

Long An nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, ẩm. Do tiếp giáp giữa 2 vùng Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ cho nên vừa mang các đặc tính đặc trưng cho vùng ĐBSCL lại vừa mang những đặc tính riêng biệt của vùng miền Đông.Nhiệt độ trung bình hàng tháng 27,2 – 27,70C. Lượng mưa hàng năm biến động từ 966 -1325 mm. Mùa mưa chiếm trên 70 – 82% tổng lượng mưa cả năm. Mưa phân bổ không đều, giảm dần từ khu vực giáp ranh thành phố Hồ Chí Minh xuống phía Tây và Tây Nam. Các huyện phía Đông Nam gần biển có lượng mưa ít nhất. Cường độ mưa lớn làm xói mòn ở vùng gò cao, đồng thời mưa kết hợp với cường triều, với lũ gây ra ngập úng, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của dân cư. Mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 có gió Đông Bắc, tần suất 60 – 70%. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10 có gió Tây Nam với tần suất 70%.

Tỉnh Long An nằm trong vùng đặc trưng của khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo có nền nhiệt ẩm phong phú, ánh nắng dồi dào, thời gian bức xạ dài, nhiệt độ và tổng tích ôn cao, biên độ nhiệt ngày đêm giữa các tháng trong năm thấp, ôn hòa.

Những khác biệt nổi bật về thời tiết khí hậu như trên có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống xã hội và sản xuất nông nghiệp.

3. Đặc điểm địa hình:

Long An có địa hình đơn giản, bằng phẳng nhưng có xu thế thấp dần từ phía Bắc – Đông Bắc xuống Nam – Tây Nam. Địa hình bị chia cắt bởi hai sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây với hệ thống kênh rạch chằng chịt. Phần lớn diện tích đất của tỉnh Long An được xếp vào vùng đất ngập nước.

Khu vực tương đối cao nằm ở phía Bắc và Đông Bắc (Đức Huệ, Đức Hòa). Khu vực Đồng Tháp Mười địa hình thấp, trũng có diện tích gần 66,4% diện tích tự nhiên toàn tỉnh, thường xuyên bị ngập lụt hàng năm. Khu vực tương đối cao nằm ở phía Bắc và Đông Bắc (Đức Huệ, Đức Hòa). Khu vực Đồng Tháp Mười địa hình thấp, trũng có diện tích gần 66,4% diện tích tự nhiên toàn tỉnh, thường xuyên bị ngập lụt hàng năm. Khu vực Đức Hòa, một phần Đức Huệ, Bắc Vĩnh Hưng, thị xã Tân An có một số khu vực nền đất tốt, sức chịu tải cao, việc xử lý nền móng ít phức tạp. Còn lại hầu hết các vùng đất khác đều có nền đất yếu, sức chịu tải kém.

4. Dân số:

Long An có dân số trung bình năm 2008 là 1.438.800 người với mật độ dân số 320 người/km2 với các dân tộc: Việt (Kinh) và Khmer.

5. Tài nguyên thiên nhiên:

a. Tài nguyên đất

Tỉnh Long An có diện tích tự nhiên khoảng 4.493,8 km2 với 6 nhóm đất chính, nhưng phần lớn là dạng phù sa bồi lắng lẫn nhiều tạp chất hữu cơ, cấu tạo bở rời, tính chất cơ lý kém, nhiều vùng bị chua phèn và tích tụ độc tố.

b. Tài nguyên rừng

Long An có 44.481 ha diện tích rừng, cây trồng chủ yếu là cây tràm, cây bạch đàn. Nguồn tài nguyên động thực vật của hệ sinh thái rừng tràm trên đất trũng phèn ở Long An đã bị khai thác và tàn phá nặng nề. Từ đó đã tạo ra những biến đổi về điều kiện sinh thái, gây ra ô nhiễm môi trường, những đổi thay môi trường sống tự nhiên của sinh vật, tác động đến quá trình phát triển bền vững. Nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc giảm sút rừng là do quá trình tổ chức và khai thác thiếu quy hoạch, phần lớn diện tích đất rừng chuyển sang đất trồng lúa.

c. Tài nguyên cát

Một phần của lưu vực ở Tây Ninh chảy qua Long An trên dòng Sông Vàm Cỏ Đông, qua nhiều năm bồi lắng ở cuối lưu vực một lượng cát xây dựng khá lớn. Theo điều tra trữ lượng cát khoảng 11 triệu m3 và phân bố trải dài 60 km từ xã Lộc Giang giáp tỉnh Tây Ninh đến bến đò Thuận Mỹ (Cần Đước). Trữ lượng cát này nhằm đáp ứng yêu cầu san lấp nền trong đầu tư xây dựng của Tỉnh.

d. Tài nguyên khoáng sản

Long An đã phát hiện thấy các mỏ than bùn ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười như Tân Lập – Mộc Hóa, Tân Lập – Thạnh Hóa (Tráp Rùng Rình), Tân Thạnh (Xã Tân Hòa), Đức Huệ (xã Mỹ Quý Tây, Trấp Mốp Xanh). Trữ lượng than thay đổi theo từng vùng và chiều dày lớp than từ 1,5 đến 6 mét. Cho đến nay chưa có tài liệu nghiên cứu nào xác định tương đối chính xác trữ lượng than bùn nhưng ước lượng có khoảng 2,5 triệu tấn.

Than bùn là nguồn nguyên liệu khá tốt để chế biến ra nhiều loại sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Theo kết quả phân tích đánh giá về chất lượng cho thấy than bùn ở Long An có độ tro thấp, mùn cao, lượng khoáng cao, có thể sử dụng làm chất đốt và phân bón.

Việc khai thác than sẽ thúc đẩy quá trình oxy hóa và thủy phân tạo ra acid sulfuric, đây là chất độc ảnh hưởng đến cây trồng và môi trường sống.

Ngoài than bùn, tỉnh còn có những mỏ đất sét (trữ lượng không lớn ở khu vực phía Bắc) có thể đáp ứng yêu cầu khai thác làm vật liệu xây dựng.

d. Tài nguyên nước

Trên lãnh thổ Long An có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt nối liền với sông Tiền và hệ thống sông Vàm Cỏ là các đường dẫn tải và tiêu nước quan trọng trong sản xuất cũng như cung cấp cho nhu cầu sinh hoạt của dân cư.

Sông Vàm Cỏ Đông bắt nguồn từ Campuchia, qua tỉnh Tây Ninh và vào địa phận Long An: diện tích lưu vực 6.000 km2, độ dài qua tỉnh 145 km, độ sâu từ 17 – 21 m. Nhờ có nguồn nước hồ Dầu Tiếng đưa xuống 18,5 m3/s nên đã bổ sung nước tưới cho các huyện Đức Huệ, Đức Hòa, Bến Lức và hạn chế quá trình xâm nhập mặn của tuyến Vàm Cỏ Đông qua cửa sông Soài Rạp. Sông Vàm Cỏ Đông nối với Vàm Cỏ Tây qua các kênh ngang và nối với sông Sài Gòn, Đồng Nai bởi các kênh Thầy Cai, An Hạ, Rạch Tra, sông Bến Lức.

Sông Vàm Cỏ Tây độ dài qua tỉnh là 186 km, nguồn nước chủ yếu do sông Tiền tiếp sang qua kênh Hồng Ngự, đáp ứng một phần nhu cầu nước tưới cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt cho dân cư.

Sông Vàm Cỏ Đông và sông Vàm Cỏ Tây hợp lưu thành sông Vàm Cỏ dài 35 km, rộng trung bình 400 m, đổ ra cửa sông Soài Rạp và thoát ra biển Đông.

Sông Rạch Cát (Sông Cần Giuộc) nằm trong địa phận tỉnh Long An dài 32 km, lưu lượng nước mùa kiệt nhỏ và chất lượng nước kém do tiếp nhận nguồn nước thải từ khu vực đô thị -TP Hồ Chí Minh, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và sinh hoạt của dân cư.

Nhìn chung nguồn nước mặt của Long An không được dồi dào, chất lượng nước còn hạn chế về nhiều mặt nên chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất và đời sống.

Trữ lượng nước ngầm của Long An được đánh giá là không mấy dồi dào và chất lượng không đồng đều và tương đối kém. Phần lớn nguồn nước ngầm được phân bổ ở độ sâu từ 50 – 400 mét thuộc 2 tầng Pliocene – Miocene.

Tuy nhiên tỉnh có nguồn nước ngầm có nhiều khoán chất hữu ích đang được khai thác và phục vụ sinh hoạt dân cư trên địa bàn cả nước./.

Đảng bộ và nhân dân tỉnh Long An đã có nhiều cố gắng, thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế xã hội theo Nghị quyết Đại hội VIII và kế hoạch 5 năm 2006-2010 đề ra, kết quả đạt được như sau:
I. Tình hình thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch 5 năm 2006-2010
1. Về kinh tế:
Trong 5 năm thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2006-2010, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2006-2010 là 11,8%/năm (chỉ tiêu đề ra là 13,5-14%). Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng ngành nông–lâm–ngư nghiệp giảm từ 42,6% năm 2005 xuống còn 36,3% năm 2010; công nghiệp–xây dựng tăng từ 27,9% lên 34,3%; khu vực thương mại dịch vụ giảm từ 29,5% còn 29,4% trong cùng giai đoạn. GDP bình quân đầu người năm 2010 ước đạt 20,8 triệu đồng, tăng 12,4 triệu đồng so với năm 2005, bình quân mỗi năm tăng trên 19,9%.
Khu vực nông–lâm–ngư nghiệp, tốc độ tăng bình quân 3,8%/năm giai đoạn 2006-2010 (kế hoạch 5,5%/năm), trong đó nông nghiệp tăng 4,7%/năm, lâm nghiệp giảm 0,6%/năm, thuỷ sản tăng 2,3%/năm.
Sản xuất nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng khá: Tài nguyên đất nông nghiệp đã được khai thác và huy động cao qua tăng vụ. Diện tích đất canh tác lúa tăng bình quân 0,37%/năm và nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật (cơ giới hoá sản xuất, công tác khuyến nông, công tác giống…), các mô hình sản xuất tiên tiến (sản xuất giống chất lượng cao, luân canh các loại cây trồng như lúa với rau màu,…) nên năng suất ngày càng tăng. So với năm 2005, năng suất lúa tăng 3,7 tấn/ha, sản lượng bình quân đạt trên 2,1 triệu tấn/năm, tăng 0,17 triệu tấn so với năm. Các vùng chuyên canh đã được hình thành và phát triển, từng bước gắn liền phát triển công nghiệp chế biến và xuất khẩu như vùng lúa cao sản ở Đồng Tháp Mười, vùng lúa đặc sản ở phía Nam, vùng sản xuất rau màu an toàn ở các huyện giáp TP.HCM, vùng sản xuất chanh, thanh long…
Thuỷ sản tăng trưởng chậm: Do giá thức ăn tăng cao và giá sản phẩm thuỷ sản không ổn định, tình hình dịch bệnh và ô nhiễm môi trường phát sinh cục bộ một số vùng nuôi nên diện tích nuôi thủy sản giảm, ngành thủy sản có bước tăng trưởng chậm. Chương trình thuỷ sản giai đoạn 2006-2010 đầu tư gần 32 tỷ đồng cho các dự án phát triển huyện Tân Trụ, huyện Châu Thành góp phần ổn định diện tích nuôi thủy sản nước lợ và dự án thuỷ sản Mộc Hoá phát triển thuỷ sản nước ngọt. Tuy nhiên một số dự án thuỷ sản đã được phê duyệt còn chậm triển khai và chỉ thực hiện trên lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản nên chưa phát huy hiệu quả. Còn tình trạng ô nhiễm môi trường, tác động tiêu cực tới nghề thuỷ sản của tỉnh.
Lâm nghiệp hiệu quả kém, diện tích rừng giảm mạnh: Chương trình 661 đã đầu tư trồng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, kinh phí đầu tư năm 2006-2010 trên 9,7 tỷ đồng để trồng rừng phòng hộ biên giới, trồng cây theo đai tuyến cản lũ nhằm tăng độ che phủ, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên do quỹ đất trồng rừng còn hạn chế, định mức hỗ trợ trồng rừng thấp nên việc thực hiện đầu tư còn khó khăn.
Thực hiện các chương trình trọng tâm: Chương trình dân sinh vùng lũ được quan tâm triển khai thực hiện với nhiều chủ trương, giải pháp cụ thể, tích cực nhằm khai thác các nguồn lực và lợi thế của vùng lũ để phát triển kinh tế- xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 165 cụm, tuyến dân cư vượt lũ với tổng vốn đầu tư 1.238 tỷ đồng, đến nay hầu hết các cụm, tuyến đã được đầu tư cơ sở hạ tầng để đưa dân vào ở, cụ thể như đã có 115 cụm, tuyến hoàn thành giao thông nội bộ, 104 cụm, tuyến hoàn thành hệ thống thoát nước; 128 cụm, tuyến hoàn thành cấp nước; 129 cụm, tuyến hoàn thành cấp điện.
Sản xuất công nghiệp và xây dựng tăng trưởng khá: Bình quân năm 2006-2010 giá trị gia tăng khu vực này tăng trưởng 21,2%/năm (kế hoạch 23%/năm), tăng cao so với giai đoạn trước 4,2 điểm phần trăm. Công nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao 17,8%/năm và ngày càng phát huy vai trò động lực, góp phần quyết định đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng GDP của tỉnh. Phần lớn các ngành công nghiệp phát triển khá, năng lực sản xuất cơ bản đáp ứng nhu cầu như: xay xát, hạt điều nhân xuất khẩu, mía đường, thức ăn gia súc, nước khoáng, sản xuất và cung ứng điện,… Ngành xây dựng tăng trưởng khá, công tác xây dựng cơ bản được tập trung quan tâm như vốn, cơ chế, chính sách, nhân lực… tạo sự gia tăng về số lượng và giá trị công trình thực hiện, bình quân năm tăng 15,9%.
Hoạt động thương mại- dịch vụ: Tổng mức lưu chuyển hàng hóa tăng liên tục qua các năm, tăng bình quân 23,6%/năm (chỉ tiêu kế hoạch là 18%/năm). Kim ngạch xuất khẩu bình quân hàng năm tăng 26,4%/năm, mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là gạo, hạt điều nhân, sản phẩm may mặc, vải, thủy sản chế biến,…
Môi trường đầu tư: Tỉnh đã vận dụng linh hoạt nhiều cơ chế, chính sách thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư vào các lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp, khu dân cư; đặc biệt không ít nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông, cấp nước sạch phục vụ phát triển công nghiệp.
Tổng vốn đầu tư huy động khoảng 56.875 tỷ đồng, vượt 21% so với kế hoạch, trong đó vốn trung ương đầu tư khoảng 8.000 tỷ đồng, vốn đầu tư từ ngân sách địa phương khoảng 11.900 tỷ đồng, vốn đầu tư nước ngoài khoảng 34.000 tỷ đồng, vốn đầu tư của dân và doanh nghiệp trong nước khoảng 12.000 tỷ đồng. Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được cải thiện từ thứ hạng 42 (năm 2006) lên hạng 12 (năm 2009).
Thu, chi ngân sách: Thu ngân sách nhà nước phát triển mạnh, tỉnh tiếp tục là một trong những địa phương đóng góp lớn vào thu ngân sách quốc gia, tạo điều kiện tăng nguồn chi ngân sách địa phương cho đầu tư xây dựng cơ bản, chi thường xuyên và phúc lợi xã hội. Thu ngân sách đạt 121,7% kế hoạch, tăng bình quân 18,9%/năm. Tổng chi ngân sách nhà nước đạt 122,1% so với kế hoạch, tăng bình quân 16,8%/năm.
Cơ sở hạ tầng kinh tế- xã hội được quan tâm đầu tư, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh: Qua 5 năm, điều kiện kết cấu hạ tầng của tỉnh đã được cải thiện rõ rệt, hệ thống giao thông được đầu tư thông suốt từ tỉnh về huyện, xã, tạo điều kiện đi lại và vận chuyển hàng hóa thuận lợi, hình thành nhiều tuyến đường phục vụ nhu cầu phát triển công nghiệp của tỉnh; hệ thống thủy lợi được đầu tư phục vụ nhu cầu phát triển nông nghiệp; hệ thống cơ sở vật chất y tế được cải thiện đáng kể, góp phần nâng cao chất lượng khám bệnh cho nhân dân.
2. Về Văn hoá– xã hội:
Sự nghiệp giáo dục và đào tạo phát triển theo hướng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, khoa học và công nghệ được nâng cao chất lượng: Giáo dục và đào tạo ngày càng phát triển về quy mô và chất lượng trong dạy và học, góp phần nâng cao dân trí và chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội. Toàn tỉnh có 616 trường học, cơ sở giáo dục và 16 cơ sở dạy nghề, đào tạo ngắn hạn cho 26.459 lao động.
Công tác y tế được thực hiện tốt, bảo đảm thực hiện tiến bộ công bằng xã hội: Công tác phòng bệnh, thực hiện chỉ tiêu kế hoạch phòng bệnh mang tính bền vững, tích cực phòng chống dịch bệnh, khống chế không để dịch lớn xảy ra. Mạng lưới cơ sở khám chữa bệnh từ tuyến tỉnh đến tuyến xã được đầu tư xây mới, nâng cấp, sửa chữa. Việc phát triển mạng lưới y tế ấp được các trung tâm y tế huyện, thành phố đặc biệt quan tâm, nhằm hỗ trợ trạm y tế xã quản lý và chăm sóc sức khỏe nhân dân trực tiếp ở cộng đồng.
Lao động, việc làm và chính sách xã hội: Trong 5 năm dự kiến giải quyết việc làm khoảng 159.790 lao động, vượt 4,78% so với mục tiêu, trong đó xuất khẩu lao động và chuyên gia được 1.771 người, tổ chức mở được 34 lần sàn giao dịch việc làm. Trong giai đoạn 2006-2010, chỉ tiêu giảm hộ nghèo đã vượt mục tiêu đề ra, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 8,83% xuống còn 2,95% vào đầu năm 2010; thực hiện chương trình xóa nhà tạm cho hộ nghèo đạt nhiều kết quả tích cực.
Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường: Quản lý quy hoạch, đất đai, đô thị, bảo vệ môi trường được tăng cường gắn liền với việc phát triển cân đối giữa các địa bàn trong tỉnh, sự phát triển các vùng, đảm bảo yêu cầu phát huy tiềm năng và lợi thế riêng có của từng địa bàn. Các quy hoạch đã đưa ra được định hướng phát triển phù hợp với điều kiện của tỉnh, từ đó triển khai thực hiện có hiệu quả công tác lập, thẩm định và phê duyệt các dự án quy hoạch theo đúng quy định hiện hành, làm cơ sở xây dựng và đánh giá phát triển kinh tế – xã hội hàng năm./.
Các đơn vị hành chính
Tính đến nay, tỉnh Long An có 14 đơn vị hành chính gồm: Thành phố Tân An (được thành lập theo Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 24/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số và các đơn vị hành chính trực thuộc của thị xã Tân An) và 13 huyện là: Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc, Châu Thành, Đức Hòa, Đức Huệ, Mộc Hóa, Tân Hưng, Tân Thạnh, Tân Trụ, Thạnh Hóa, Thủ Thừa, Vĩnh Hưng.
     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây