Giới thiệu khái quát huyện Nam Đông

huyện Nam Đông - Tỉnh Thừa Thiên Huế

Giới thiệu khái quát huyện Nam Đông

Nam Đông là một huyện miền núi của tỉnh Thừa Thiên Huế cách thành phố Huế khoảng 50 km về phía Tây Nam, được tái lập vào tháng 10 năm 1990; tổng diện tích tự nhiên là 64.777,88 ha, chủ yếu là diện tích đất lâm nghiệp 54.567,79ha chiếm 84,24% diện tích, trong đó diện tích rừng trồng sản xuất  16.754,73ha chiếm 30,7% diện tích đất lâm nghiệp. Địa hình rừng núi có nhiều hang động, bị chia cắt bởi hệ thống núi non và khe suối, do vậy vùng miền núi Nam Đông có một vị trí chiến lược rất quan trọng, nơi đây là căn cứ địa cách mạng trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

– Tổng diện tích: 647,78 km2 (theo niên giám thống kê năm 2013).

– Dân số: 25.046 người (theo niên giám thống kê năm 2013).

– Mật độ dân số: 38,7 người/km2

– Vị trí địa lý:

+ Phía Đông giáp huyện Phú Lộc

+ Phía Tây giáp huyện A Lưới

+ Phía Nam giáp tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng

+ Phía Bắc giáp thị xã Hương Thủy.

– Tài nguyên:

+ Nam Đông là huyện có những tài nguyên thiên nhiên và giá trị văn hóa độc đáo, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch như: các thác nước đẹp thác Phướn, thác Mơ, thác Trượt (xã Hương Phú), lễ hội truyền thống và di sản văn hóa đặc sắc của các dân tộc (nhà Gươl của dân tộc Cà Tu), di tích lịch sử kháng chiến (căn cứ địa của Tỉnh uỷ Thừa Thiên).

+ Trên địa bàn huyện Nam Đông có một số loại khoáng sản phi kim loại gồm: đá vôi, đá granit, đá pirit… với trữ lượng tương đối lớn. Trữ lượng đá vôi vào khoảng 500 triệu m3 và nằm ở vị trí thuận lợi (gần đường giao thông) cho việc phát triển công nghiệp sản xuất xi măng và sản xuất đá xây dựng.

Toàn huyện có 10 xã và 01 thị trấn; với tổng số 5.738 hộ, dân số 24.815 khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số có 2.423 hộ, 11.044 khẩu, chiếm 44,5% dân số toàn huyện. Đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện chủ yếu là dân tộc Cơ tu và một số ít các dân tộc khác như Tà ôi, Pa cô, Pa hy, Vân kiều… sống tập trung tại các xã Thượng Long, Thượng Quảng, Hương Hữu, Thượng Nhật, Hương Sơn, Thượng Lộ và Hương Phú.

Trong những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, các Bộ ngành ở Trung ương, của tỉnh, đồng bào các dân tộc huyện Nam Đông đã ra sức nổ lực xây dựng huyện nhà, đưa nền kinh tế ngày càng tăng trưởng khá; sản xuất nông lâm nghiệp phát triển theo hướng bền vững; cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng theo hướng kiên cố và từng bước hiện đại; văn hóa xã hội có nhiều chuyển biến tiến bộ, bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số đã được giữ gìn và phát huy; đời sống nhân dân cơ bản ổn định và có bước cải thiện, định canh định cư đi vào thế ổn định, bộ mặt nông thôn mới được hình thành và ngày càng đổi thay; chính trị được ổn định, quốc phòng an ninh được giữ vững.

Truyền thống văn hóa

Bản sắc văn hóa cồng chiêng

Cồng chiêng là nét đẹp văn hóa truyền thống đã gắn bó với cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và người Cơ Tu huyện Nam Đông nói riêng từ bao đời nay. Cồng chiêng không chỉ là tiếng nói của tâm linh, thể hiện tâm hồn của con người, mà còn diễn tả niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, lao động và sinh hoạt hàng ngày.

Huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông qua các nghệ nhân mở lớp truyền đạt các loại nhạc cụ truyền thống của người Cơ Tu. Qua đó, người dân đặc biệt là thế hệ trẻ đã phần nào ý thức hơn công tác bảo tồn và phát huy giá trị của loại nhạc khí này.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây