Giới thiệu khái quát huyện Phong Điền
- VỊ TRÍ ĐỊA LÝ
Phong Điền là huyện nằm ở cửa ngõ phía Bắc tỉnh Thừa Thiên Huế, rộng 953,751 km2, gần bằng 1/5 diện tích tự nhiên của tỉnh, có tọa độ địa lý (chỉ tính đất liền) từ 16020’55” đến 16044’30” vĩ Bắc và 10703’00” đến 107030’22” kinh Đông.
Huyện Phong Điền phía Bắc giáp huyện Hải Lăng tỉnh Quảng Trị. Địa giới hai huyện ở đồi núi phía Tây chạy dọc theo đường phân thủy của các nhánh sông Thác Mã và sông Câu Nhi. Về đồng bằng phía Đông, địa giới ấy gần trùng với dòng sông Ô Lâu từ phường Tây Lái về Vân Trình, rồi từ Vân Trình cắt qua dải cát ven biển và tận cùng ở làng biển Trung Đồng.
Về phía Tây, Tây Nam và phía Nam, huyện Phong Điền giáp hai huyện Đakrông và A Lưới. Ở đây địa giới giữa Đakrông, A Lưới và Phong Điền gần như chạy dọc đường phân thủy dải Trường Sơn với độ cao ngày càng tăng từ Tây Bắc vào Đông Nam, nơi bắt nguồn các sông suối Bắc Thừa Thiên Huế – Nam Quảng Trị. Vào đến vùng thượng nguồn các nhánh sông Bồ tại đỉnh núi cao 1.666 mét, địa giới này tách khỏi đường phân thủy dải Trường Sơn rẽ sang Đông theo đường phân thủy hai sông nhánh Rào Tràng và Rào La của sông Bồ.
Về phía Đông và Đông Nam, huyện Phong Điền giáp hai huyện Quảng Điền và Hương Trà. Đường phân chia địa giới với Hương Trà gần trùng với đoạn trung lưu sông Bồ từ Rào La về An Lỗ, với Quảng Điền là đường từ An Lỗ vòng sang phía Đông và Đông Bắc xã Phong Hiền rồi từ đó rẽ ngoặt lên Tây Bắc, cắt qua vùng cát nội đồng Phong – Quảng. Đi quá về phía Tây cửa sông Ô Lâu một ít lại đổi sang hướng Đông Nam cắt dọc mặt nước phá Tam Giang. Đến hết địa phận xã Điền Hải lại chạy theo hướng Đông Bắc, cắt qua dải cát ven biển và chấm dứt ở bờ biển xã này.
Huyện Phong Điền phía Đông Bắc giáp biển Đông với đường bờ thẳng tắp theo hướng Tây Bắc – Đông Nam trên chiều dài gần 16 km.
Lãnh thổ huyện Phong Điền trải rộng theo hướng Tây Nam – Đông Bắc từ Trường Sơn ra tận biển với chiều dài gần 46 km. Đi theo hướng Tây Bắc – Đông Nam lãnh thổ thu hẹp. Nơi hẹp nhất chỉ chừng 10 km (cửa sông Ô Lâu đến Hải Lăng). Sự phân bố lãnh thổ huyện như trên khiến sự phân hóa thiên nhiên theo chiều Tây – Đông đa dạng hơn chiều Nam – Bắc.
- Vị trí địa lý chính trị, quân sự, kinh tế – văn hóa huyện Phong Điền
Vị trí địa lý chính trị, quân sự của huyện Phong Điền luôn thay đổi theo sự thay đổi hoàn cảnh chính trị, quốc phòng của đất nước. Khi còn là bộ phận lãnh thổ của châu Hóa dưới thời Trần – Hồ và các triều đại đầu nhà Lê thì Phong Điền nằm trong vùng phên dậu của Đại Việt, là “đầu sóng ngọn gió” của đất nước ta thời ấy. Chỉ đến khi vua Lê Thánh Tông đẩy biên giới xa hẳn về phía Nam, vùng đất này mới bắt đầu yên ổn. Tuy nhiên để đề phòng người Chiêm có thể nổi dậy chiếm lại những đất đai đã mất thì nhiệm vụ quốc phòng được đặt ra khẩn trương bằng cách tăng cường lực lượng dân cư tại chỗ và binh lực của triều đình.
Sau khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ xứ Thuận Hóa thì đây vừa là nơi làm cầu nối để tiến hành tiếp tục các cuộc di dân mở rộng lãnh thổ về phía Nam, vừa là nơi để thực hiện đường lối độc lập tự chủ, tách khỏi sự lệ thuộc vào Đàng Ngoài do vua Lê – chúa Trịnh cai quản. Do đó, tiềm lực mọi mặt của Thuận Hóa được nhanh chóng tăng cường bắt đầu từ chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Sau khi Phú Xuân trở thành Kinh đô của cả nước và tiếp đến là sự thành lập huyện Phong Điền năm 1835 dưới thời Minh Mạng, Phong Điền trở thành huyện nằm ở cửa ngõ phía Bắc tỉnh Thừa Thiên, bảo vệ vùng ngoại vi của một trung tâm chính trị quân sự lớn nhất nước cho đến Cách mạng tháng Tám 1945. Sau Cách mạng tháng Tám đến 30-4-1975, cùng với cả nước huyện Phong Điền bước vào cuộc chiến đấu liên tục suốt 30 năm để giành độc lập, thống nhất cho Tổ quốc. Cuộc chiến đấu giữa quân dân ta và đế quốc Pháp, Mỹ cùng bè lũ tay sai đã diễn ra ác liệt trên chiến trường Bắc Thừa Thiên Huế. Chúng đã dựng lên ở đây một hệ thống kìm kẹp dày đặc ven sông Bồ, sông Ô Lâu, ven phá Tam Giang – nơi tập trung các làng mạc đông đúc trù phú để giữ đất, giành dân hòng tiêu diệt lực lượng cách mạng. Chúng dùng mọi thủ đoạn chính trị, phương tiện chiến tranh và sức mạnh vũ khí để đè bẹp lực lượng kháng chiến như lập ra các đoàn thể, các đảng phái phản động để tuyên truyền, xuyên tạc các chủ trương, đường lối chính sách đúng đắn của cách mạng, xây dựng hàng loạt đồn bốt kiên cố, chiếm cứ các địa điểm hiểm yếu để chốt chặn các tuyến giao thông huyết mạch của cán bộ, bộ đội ta, lập hàng loạt ấp chiến lược để dồn dân, cô lập cán bộ, bộ đội, liên tục càn quét, đốt phá và san bằng hàng loạt làng mạc ven bờ Nam sông Ô Lâu, bờ Bắc sông Bồ, dọc vùng giáp ranh đồi núi phía Tây như Phong Sơn, Phong Xuân, Hòa Mỹ. Hàng ngàn tấn bom đạn đã trút xuống, gây bao nhiêu đau thương tang tóc và tàn phá môi trường đất đai cây cỏ, thú vật chim muông. Nhưng nhân dân Phong Điền đã cùng cả tỉnh, cả nước, sẵn sàng chịu đựng mọi hy sinh, vượt qua mọi thử thách, từng bước làm thất bại các âm mưu thủ đoạn của địch, chiến đấu anh dũng giải phóng quê hương, giành lại độc lập hòa bình thống nhất cho Tổ quốc.
Về vị trí địa lý kinh tế, huyện Phong Điền có lãnh thổ trải rộng trên cả ba vùng: núi đồi, đồng bằng và ven biển, có tiềm năng đất đai, rừng rú, động vật hoang dã và tài nguyên khoáng sản khá dồi dào, có Quốc lộ IA và đường sắt nối liền Bắc – Nam, có hệ thống đường thủy thuận tiện nối liền các làng xã trong và ngoài huyện, ngoài tỉnh. Dân cư Phong Điền có truyền thống lao động siêng năng, cần cù vượt khó trong điều kiện thiên nhiên không kém phần khắc nghiệt như nhiều vùng quê khác, lại có nhiều thợ lành nghề khéo tay. Vì vậy, cùng với khả năng sản xuất nông nghiệp tạo nguồn lương thực lúa, ngô, khoai sắn và các loại rau màu vốn có xưa nay, còn có nhiều làng nghề thủ công truyền thống ra đời từ sớm như làng rèn Hiền Lương, làng gốm Phước Tích, làng đan đệm Phò Trạch, làng chạm trổ Mỹ Xuyên, làng kim hoàn Kế Môn. Tất cả các nghề này cùng một số nghề khác đã có thời phát triển mạnh mẽ, góp phần làm phong phú thêm các ngành nghề và tạo nên sự đa dạng về sản phẩm lưu thông trên thị trường trong huyện, trong tỉnh và ra các tỉnh bạn phía Bắc, phía Nam trong các thế kỷ trước đây. Trong tập Đồng Khánh địa dư chí mục nói về sản vật huyện Phong Điền có đoạn viết: “Nhiều lúa hè, ít lúa thu. Mía để nấu đường đen, dâu bông, dưa khoai, đậu thì cũng có nhưng không nhiều. Sản vật làm bán thì có đồ gốm (như các loại nồi đất, ấm đất) ở Phước Tích, chiếu cói ở Phù Trạch, vải trắng thô ở Vĩnh Xương, Kế Môn, Thế Chí Đông, Thế Chí Tây. Hiền Sĩ dệt lụa sinh quyến (thưa và mỏng), Hiền Lương có nghề thợ rèn (như rèn dao, cưa). Đường Long, Lương Mai có nghề thợ mộc. Thanh Cần, Ô Sa có nghề làm miến gạo. Bao La, Thủy Lập có nghề đan lát (như đan sọt thưa, sọt dày). Thanh Hương, Phổ Lại, Ưu Đàm, An Thành, Tây Thành làm nghề nấu rượu. Ngoài ra thì phần nhiều chỉ làm nghề nông” ([1]). Hiện nay kinh tế huyện Phong Điền đang phát triển với nhiều thành tựu và triển vọng to lớn.
Về văn hóa, huyện Phong Điền là huyện có truyền thống văn hóa lâu đời nằm trong vùng giao thoa văn hóa Việt – Chăm, các thế hệ cư dân ở đây từ đời này sang đời khác lao động cần cù, dũng cảm đương đầu với biết bao khó khăn, vất vả, đã sáng tạo nên nhiều thành tựu văn hóa vật thể như những công trình kiến trúc từ đình chùa đền miếu, lăng mộ đến nhà thờ các họ phái. Các di tích văn hóa lịch sử với mức độ cổ kính khác nhau có thể tìm thấy khắp các làng xã trong huyện. Những thành tựu văn hóa phi vật thể như các truyện kể dân gian, ca dao, hò vè, các lễ hội và trò chơi dân gian được lưu truyền từ đời này qua đời khác, phản ánh cuộc sống tinh thần phong phú, đa dạng của dân cư quanh năm gắn bó với ruộng đồng làng mạc, với những di sản thiêng liêng từ ngày xưa tổ tiên để lại tưởng như không bao giờ rời xa được. Đó còn là những làng quê giàu truyền thống khoa bảng, nhiều con em trong làng được học hành đến nơi đến chốn, đỗ đạt ra làm quan, suốt đời yêu nước thương dân, sẵn sàng hy sinh vì nghĩa lớn. Những thiết chế làng xã trong đó nhiều nội dung văn bản đã kết hợp một cách hài hòa các mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, giữa các thành viên trong cộng đồng làng xã, gia tộc, tạo nên những thuần phong mỹ tục, những tài sản tinh thần quý báu mà ngày nay cần phải tiếp tục gìn giữ, phát huy trong phong trào xây dựng làng văn hóa. Tất cả đã góp phần xứng đáng vào việc làm phong phú thêm truyền thống và bản sắc vùng văn hóa xưa nay.
- ĐỊA HÌNH
Địa hình Phong Điền trên nét chung là hình ảnh thu gọn của địa hình tỉnh Thừa Thiên Huế, có đầy đủ cả núi đồi, đồng bằng, đầm phá và bờ biển. Đó là kết quả của một quá trình biến đổi không ngừng của bộ phận lãnh thổ thuộc sườn Đông Trường Sơn từ hàng trăm triệu năm về trước đến nay. Có tầm quan trọng lớn lao và để lại những dấu vết rõ ràng hơn cả là những biến đổi gần đây trong các kỷ địa chất Đệ Tam, Đệ Tứ. Trong thời gian này, lãnh thổ phía Tây được nâng cao và sông suối chia cắt mặt đất ngày càng sâu thành đồi núi, lãnh thổ phía Đông bị hạ thấp kết hợp với biển tiến, vật liệu từ núi đồi theo sông suối và biển đưa đến bồi đắp thành các đồng bằng phù sa và cồn cát nội đồng, ven biển. Di tích biển cũ còn sót lại thành phá ngày nay. Đi từ Tây sang Đông gồm:
- Núi đồi
Là quang cảnh nổi bật chiếm gần 70% diện tích tự nhiên của huyện, tạo thành một bề mặt dốc nghiêng và thoải dần sang Đông, rồi đột ngột hạ thấp xuống vùng đồi phía Tây Quốc lộ 1A. Khác với nhiều huyện phía Nam của tỉnh, ranh giới giữa núi và đồi ở huyện Phong Điền thể hiện một cách rõ ràng hơn. Núi chiếm bộ phận lãnh thổ tận cùng về phía Tây, lần lượt là núi trung bình rồi núi thấp. Núi trung bình cao từ 750 đến 1.666m trên mực nước biển và núi thấp từ 100 đến 750m. Núi trung bình chỉ chiếm một diện tích nhỏ nhưng là bộ phận lãnh thổ có độ cao lớn nhất, nổi lên như một nóc nhà phía Tây tiếp cận với các vùng núi cao nhất của các huyện Đakrông, A Lưới và Hương Trà. Đây chính là khu vực phân thủy dải Trường Sơn cao dần từ Bắc vào Nam, lần lượt là các đỉnh động Ba Lê 1.102m, đỉnh Cóc Tôn Phai 1.133m, đỉnh động Ca Cui 1.377m, đỉnh Co Pung 1.584m và cuối cùng là đỉnh cao nhất các núi trong huyện 1.666m ở tận cùng về phía Nam ngay trên địa giới hai huyện Phong Điền, A Lưới. Tất cả tạo thành dãy núi hùng vĩ nhất vùng Tây Bắc Thừa Thiên Huế với đỉnh Động Ngài có độ cao 1.774m vượt cả các đỉnh núi khác trong tỉnh. Đây là kết quả của quá trình tân kiến tạo nâng lên mạnh trong thời kỳ Đệ Tam, tạo thành bức bình phong ngăn gió mang mưa từ biển vào, đem lại lượng mưa lớn trong tỉnh, trong huyện, đồng thời tạo thành mạng lưới khe suối dày đặc ở các độ cao trên nghìn mét dọc đường phân thủy của các sông ở sườn Đông và sườn Tây như sông Đakrông, ngọn Ô Lâu, sông Mỹ Chánh, sông Bồ. Mặt khác do độ cao địa hình lớn, ở đây cũng xuất hiện đai cao khí hậu á nhiệt đới làm phong phú thêm các giống loài sinh vật trong huyện. Tóm lại, đây là vùng núi có nhiều ý nghĩa, chi phối các điều kiện tự nhiên của Phong Điền từ xưa tới nay, trước hết là khí hậu và nguồn nước. Điều đó đã được đề cập trong cuốn Đại Nam nhất thống chí: “Dải núi liên tục ở cực giới phía Tây huyện ngoài giáp Quảng Trị, trong liên tiếp các núi huyện Hương Trà, trên có ao chảy xuống nguồn Ô Lâu, tục truyền khi nào trong núi có nổ ba tiếng sấm thì liền có gió mưa rồi có nước lụt” ([2]).
Tiếp cận về phía Đông vùng núi trung bình nói trên là núi thấp, chiếm đại bộ phận diện tích vùng núi phía Đông ra đến rìa đồi Phong Sơn, Phong Xuân, Phong Mỹ, được tạo thành do kiến tạo nâng lên tương đối mạnh, kết hợp với sự chia cắt lâu dài của mạng lưới sông, khe suối dày đặc. Có hàng loạt đỉnh núi nhấp nhô cao thấp chen chúc nhau giữa các thung lũng, khe hẻm và bồn địa giữa núi, tạo thành bức khảm địa hình chìm nổi dưới thảm rừng, cây bụi xen lẫn các đồi cỏ tranh rậm rạp. Tuy núi không cao nhưng địa hình bị chia cắt dữ dội, mật độ sông suối dày và độ dốc địa hình lớn, nên hiện tượng xói mòn, rửa trôi đất xảy ra mạnh. Địa hình bị chia cắt bởi khe suối dày đặc cũng gây trở ngại cho việc giao thông đi lại trong vùng. Vì thế so với nhiều vùng núi thấp khác trong tỉnh, đây là vùng còn hẻo lánh. Nhiều loại tài nguyên nhất là động thực vật quý hiếm còn được bảo tồn. Do nhiều lý do khác nhau, hoặc vì có phong cảnh đẹp, hoặc vì có giá trị về mục đích sử dụng, nhiều tên núi, tên sông từ lâu đã được nhắc đến trong sử sách như núi Ô Lâu, núi Cổ Bi, núi A Dung, núi Sơn Quả, núi Hoa Trục, núi Thị Toại, nguồn Ô Lâu, nguồn Thu Lơi và một loạt tên khác trong Đại Nam nhất thống chí, động Tam Dần, Khe Me, Khe Quao trong các báo chí trung ương, địa phương. Lịch sử hai cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ vừa qua gắn liền với nhiều địa danh huyền thoại. Bồn trũng giữa sông Ô Lâu – Rào Quao và sườn núi Ca Kê gắn liền với CK 1 của chiến khu Hòa Mỹ, nơi trú quân của các đơn vị bộ đội, tập trung lúa gạo, hàng hóa từ đồng bằng chuyển lên, nơi đón tiếp cán bộ các nơi đến chiến khu, đồng thời cũng là nơi ra đời nhà văn hóa kháng chiến, chợ kháng chiến Hòa Mỹ, phản ánh không khí sinh hoạt sôi nổi về đêm ở vùng rừng núi chiến khu đầy gian khổ của những năm đầu kháng chiến chống Pháp. Đó là Khe Mài, nơi đặt vị trí CK 2, CK 3 gắn liền với hình ảnh các đơn vị bộ đội bảo vệ chiến khu, cơ quan công an tỉnh, văn phòng ủy ban kháng chiến tỉnh cùng nhiều cơ quan khác… Trong kháng chiến chống Mỹ, dốc Ba Trục, dốc Chè nối liền căn cứ địa A Lưới với vùng núi đồi và đồng bằng phía Đông qua đỉnh Trường Sơn cao chót vót, là những con đường bí mật len lỏi dọc khe suối, dọc thung lũng ngọn Ô Lâu, sông Bồ trong những thời điểm gay go ác liệt nhất của cuộc kháng chiến.
Tiếp cận về phía Đông vùng núi thấp là địa hình đồi, có độ cao trên mực nước biển từ 10 đến trên dưới 100m, phân bố từ rìa núi thấp phía Tây đến Quốc lộ IA theo chiều Tây Đông và từ sông Câu Nhi (trên địa giới hai huyện Phong Điền – Hải Lăng) đến sông Bồ theo chiều Bắc – Nam. Đi từ Bắc vào Nam diện tích gò đồi giảm dần, nhất là khi qua khỏi đường rẽ từ ngã tư Bòng Bóng lên Hòa Mỹ. Ở đây diện tích đồi thu hẹp lại thành hai dải dọc rìa vùng núi thấp phía Tây và dọc Quốc lộ 1A vào đến dốc Hiền Lương, thay vào đó là đồng bằng phù sa sông và phù sa ngòi suối trước núi thuộc các xã Phong An, Phong Sơn, Phong Xuân.
Địa hình đồi có nguồn gốc xuất hiện gắn liền với tân kiến tạo nâng lên yếu, vì vậy độ cao của đồi không đáng kể so với vùng núi, cũng do đó ít dốc. Đồi ở Phong Điền có thể chia làm hai loại là đồi thấp và đồi trung bình. Đồi thấp có dạng địa hình bề mặt lượn sóng. Đồi xen những vùng đất thấp mở rộng, nhiều nơi khá bằng phẳng như dải đồi ven Quốc lộ 1A từ thị trấn Phò Trạch vào đến dốc Hiền Lương. Đi gần vào vùng núi tuy độ cao và độ dốc địa hình đồi có tăng lên nhưng cũng chưa gây những khó khăn trở ngại gì lớn trong khai thác kinh tế, sử dụng đất đai, xây dựng đường sá… Từ lâu đây là vùng được khai thác sử dụng để trồng trọt và chăn nuôi cũng như xây dựng các xóm ấp, các phường, dân cư tập trung đông đúc. Đồi trung bình ở vùng phía Tây ngọn Ô Lâu có độ cao, độ dốc, mức độ chia cắt địa hình bởi các khe suối lớn, diện tích đất bằng không rộng như ở vùng đồi thấp nhưng đất đai phần lớn chưa bị thoái hóa, tầng đất còn dày và độ phì cao, có triển vọng trong khai thác kinh tế nông lâm nghiệp và chăn nuôi gia súc.
- Đồng bằng
Theo nghĩa thông thường, đồng bằng là những khoảng đất rộng, bằng phẳng hoặc hơi nhấp nhô gợn sóng, không cao hơn mặt biển 200m. Tuy nhiên đồng bằng Thừa Thiên Huế nói chung, đồng bằng Phong Điền nói riêng là đồng bằng rất thấp, chỉ cao tối đa 20m trên mực nước biển. Đại bộ phận lãnh thổ đồng bằng phân bố phía Đông Quốc lộ 1A, phía Tây Quốc lộ chỉ chiếm một bộ phận nhỏ. Địa hình đồng bằng có sự khác nhau rõ rệt về hình dạng, phân bố, vật liệu cấu tạo và nguồn gốc hình thành, được phân chia thành hai loại: loại thứ nhất là đồng bằng thềm biển, hiện nay thường gọi là vùng cát nội đồng, quá trình hình thành gắn liền với quá trình bồi tụ cát biển trong thời kỳ biển tiến cách đây trên dưới một vạn năm; loại thứ hai là đồng bằng phù sa do phù sa các sông bồi tụ mà thành trong thời gian lâu dài sau khi biển rút. Ngoài ra ven bờ phá Tam Giang còn có dải đồng bằng gắn liền với sóng và thủy triều đầm phá.
Đồng bằng thềm biển hay vùng cát nội đồng chiếm đại bộ phận diện tích lãnh thổ phía Đông chạy dài thẳng tắp từ Bắc vào Nam, từ ven rìa dải đồng bằng phù sa sông Ô Lâu đến giáp đồng bằng sông Bồ với khoảng cách 18-19km chiều dài và trải rộng từ Tây sang Đông 5-6km, chiếm diện tích 10.470 ha, cao trên mực biển 8-10m, được cấu tạo toàn cát hạt mịn, hạt trung bình phần lớn là cát thạch anh. Địa hình nói chung như một mặt phẳng trải rộng ra bốn phía, chỉ thỉnh thoảng mới gặp những gò cát nhấp nhô, những trũng thấp kéo dài đầu nguồn các trằm.
Dấu tích hoạt động của biển còn lại cho tới ngày nay là các trằm, bàu. Trằm phân bố dày ở phía Bắc vùng cát trên địa phận các xã Phong Hòa, Phong Bình, Phong Chương như trằm Mỹ Xuyên, trằm Ông Môi, trằm Niêm, trằm Thiềm, trằm Hóa Chăm, trằm Bàu Bàng. Phía Nam vùng cát, trong địa phận xã Phong Hiền có các bàu như bàu Ruông, bàu Thú v.v.. Các trằm phía Bắc có hướng Đông Nam – Tây Bắc, kích thước khác nhau. Có trằm chỉ dài 1.500-2.000m, rộng 200-300m. Nhưng cũng có trằm dài tới 6.000-7.000m và rộng 500-700m. Khi chưa có những đập ngăn ngoài cửa để lấy nước, các trằm này cũng giống như những khúc sông mở rộng, có dòng chảy bắt nguồn từ trung tâm vùng cát và từ đó chảy theo các khe mương vào trằm. Nước các trằm lại theo sông nhập vào dòng Ô Lâu ở phía Bắc. Dòng chảy các trằm bàu phía Nam hướng về Đông Nam đổ vào sông Bồ ở Quảng Điền theo hói Hiền Lương và các hói khác. Quá trình hình thành các mỏ than bùn trong vùng cát gắn liền với quá trình tiến hóa của các trằm bàu theo hướng cạn dần đồng thời với sự phát triển mạnh mẽ, liên tục các lớp phủ cây cỏ bị chết dần rồi tích lũy lại trong đó.
Phần còn lại của lãnh thổ đồng bằng là các đồng bằng phù sa sông Ô Lâu và đồng bằng các nhánh sông Bồ. Đồng bằng sông Ô Lâu ở phía Bắc huyện, phân bố dọc bờ Nam sông trên một dải hẹp ngang.
Về đến Điền Hương, đồng bằng sông Ô Lâu mở rộng ra hai phía bờ sông trên một đoạn dài 10km, cho đến tận phá Tam Giang, tạo thành một dải đồng bằng rộng lớn. Nếu tính cả đồng bằng nhỏ hẹp trên đoạn từ làng Khúc Lý, Ưu Thượng về ngã ba Phước Tích thì đồng bằng sông này bao quanh vùng cát nội đồng Phong Điền ở ba phía: phía Tây từ thị trấn Phò Trạch đến ngã ba Phước Tích dài 7km, phía Bắc từ ngã ba Phước Tích về Vân Trình dài 9km và phía Đông từ Vân Trình về Cửa Lác dài 10km. Đồng bằng sông Ô Lâu được hình thành qua một quá trình lâu dài và tiến dần về phía hạ lưu sông đến tận cùng ở cửa sông đổ vào phá Tam Giang. Quá trình đó gắn liền với sự hạ thấp mực nước biển và mực nước dải đầm phá phía Đông sau thời kỳ biển tiến cuối cùng cách đây khoảng 5.000 năm về trước.
Địa hình bề mặt đồng bằng có nhiều vùng trũng đọng nước trong đó thực vật thủy sinh phát triển, thường gọi là bàu như các bàu ở Phong Hòa, Phong Bình. Có thể đó là các đoạn sông chết của chính sông Ô Lâu hoặc các sông nhánh của sông này từ vùng cát nội đồng chảy vào. Đồng thời độ cao địa hình cũng thấp dần về phía cửa sông. Tại Ưu Thượng cao từ 5 đến 7m, về đến Phong Hòa từ 3 đến 4m, ở vùng gần phá Tam Giang 1,5 – 1,0m. Đôi nơi gặp các vùng trũng với độ cao mặt đất dưới mực nước biển 0,5 đến 1m như kiểu vùng trũng Vân Trình thuộc xã Phong Chương hiện nay.
Kết quả khảo sát cho thấy diện mạo đồng bằng sông Ô Lâu đang tiếp tục biến đổi. Hàng năm sông Ô Lâu đưa về một lượng phù sa đến 147.600 tấn bồi đắp vùng hạ lưu, nhất là khu vực Nam cửa sông thuộc phá Tam Giang, do đó đồng bằng cửa sông được mở rộng dần. Tại đây, bãi bồi đất ngập nước rất thích hợp cho sự phát triển của thực vật thủy sinh, rừng ngập mặn và là nơi di trú của động vật từ nơi khác đến, nhất là các đàn chim ([3]). Việc bảo vệ đất đai ven bờ Nam sông Ô Lâu khỏi bị xói lở bờ do dòng chảy sông vào mùa mưa lũ là vấn đề quan trọng cần được chú ý đúng mức.
Đồng bằng phù sa ở phía Nam huyện phân bố ven sông, mở rộng về phía Nam và Tây Nam từ Phong Hiền đến Phong An sang Phong Sơn, Phong Xuân bao trùm lên toàn bộ lưu vực nhánh sông Ô Hô ở hữu ngạn sông Bồ. Địa hình đồng bằng này có dạng hình cánh quạt, nằm giữa vùng núi thấp phía Tây và vùng đồi thấp ven Quốc lộ IA thuộc xã Phong An. Bề mặt bị chia cắt bởi những chi nhánh sông Ô Hô chảy quanh co uốn khúc từ các vùng núi đồi phía Tây, Tây Bắc, Đông Bắc đem lại lượng nước khá lớn trong mùa mưa nhưng lượng phù sa không nhiều và không màu mỡ như đồng bằng phù sa sông Ô Lâu ở phía Bắc, đồng thời ở độ cao trên mực biển lớn nên đất đai kém phì nhiêu, nhất là ở những nơi tiếp cận đồi núi. Ngoài ra đồng bằng phù sa đầm phá còn gặp ở bờ Đông phá Tam Giang với một diện tích không đáng kể.
- Vùng ven biển
Là một bộ phận của doi cát chắn bờ tiếp nối từ Quảng Trị kéo dài vào phía Nam đến tận cửa Thuận An. Đây là bộ phận tận cùng về phía Bắc chỉ dài gần 16km từ làng Trung Đồng giáp Quảng Trị đến làng Thế Chí Tây trước đây. Địa hình bờ biển cát của Phong Điền cao và rộng, với độ cao tối đa 28-30m và rộng từ 3.000-5.000m thu hẹp dần về phía Nam, được tạo thành cách đây tối đa khoảng 5.000 năm. Nhìn theo mặt cắt ngang có 2 sườn không cân đối. Sườn hướng ra biển thoải, sườn hướng vào nội địa dốc do hàng năm gió từ biển thổi vào tạo nên những cồn cát di động hướng về phía đầm phá làm cho vườn tược, ruộng đồng các làng mạc bên trong bị vùi lấp. Việc trồng cây chắn cát vì vậy đã và đang thực hiện một cách tích cực. Ven biển là dải bờ thoải, rộng, nước trong, sóng nhỏ vào mùa hè, có nhiều bãi biển sạch rất thuận lợi cho nghỉ ngơi, tắm biển vào mùa nóng.
III. ĐẤT ĐAI
Đất hình thành do tác động lâu dài và tổng hợp của nước, không khí và sinh vật lên đá mẹ. Quá trình hình thành đất ở Phong Điền cũng bị chi phối bởi các yếu tố trên. Chỉ có điều là các yếu tố đó thể hiện trên một lãnh thổ cụ thể có nhiều đặc điểm khác với các lãnh thổ khác mà thôi. Về đá hình thành đất có thể thấy một cách rõ rệt là có nhiều loại khác nhau về thành phần, về tuổi. Ở đồi núi là các đá hoa cương, hạt lấm tấm màu trắng xám, xám đen, vàng xám, chứa nhiều cát thạch anh, đá phiến sét, đá cát kết màu vàng, vàng đậm hoặc màu đỏ, đá vôi trắng xám cùng những sản phẩm đã bị phá hủy tại chỗ hoặc bị di chuyển đi của chúng. Đó là loại đá có tuổi cổ được hình thành cách đây hàng trăm triệu năm. Ở đồng bằng và bờ biển là các loại đá trầm tích trẻ có nguồn gốc sông biển. Đó là cát biển chiếm diện tích rộng lớn ở các xã Phong Hiền, Phong Hòa, Phong Bình, Phong Chương và vùng ngũ Điền, Phong Hải. Còn lại là phù sa sông còn gọi là bồi tích lũ tích. Các vật liệu cát, phù sa chỉ mới hình thành gần đây, tuổi chỉ tính được hàng vạn đến hàng triệu năm là tối đa. Sự phân bố các đá hình thành đất như vậy, kết hợp với độ cao địa hình trên mực biển, hình dạng lồi lõm cao thấp của địa hình dẫn đến sự tác động kết hợp khác nhau của các yếu tố thời tiết khí hậu như nhiệt, ẩm, gió, mưa, nước trên mặt đất, nước ngầm trong đất liền, ven đầm phá, ven biển với đất đá, xác cây cỏ… dẫn đến sự hình thành các đất khác nhau. Bên cạnh đó, trong quá trình sinh sống, sản xuất, con người cũng góp phần làm biến đổi các loại đất một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Tương tự như vậy, các lớp phủ thực vật và động vật cũng tham gia một cách tích cực vào các quá trình nói trên.
Trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá các khía cạnh về thành phần cơ giới hay các cấp hạt đất, về thành phần hàm lượng chất hữu cơ, lượng mùn và các chất dinh dưỡng cũng như một số các yếu tố khác, các nhà nghiên cứu đã chia đất Phong Điền ra làm 7 nhóm với 21 loại như sau ([4]):
Hệ thống phân loại đất huyện Phong Điền
STT | Ký hiệu | Tên đất |
I. Nhóm đất cát | ||
1 | CC | Đất cồn cát trắng vàng |
2 | C | Đất cát bãi bằng |
II. Nhóm đất mặn phèn | ||
3 | MSc | Đất mặn phèn trên cát |
4 | MPc | Đất mặn phèn trên phù sa phủ trên cát |
III. Nhóm đất phù sa | ||
5 | pb | Đất phù sa được bồi đắp hàng năm |
6 | P | Đất phù sa chua |
7 | p/c | Đất phù sa phủ trên cát |
8 | p/cg | Đất phù sa glây phủ trên cát |
9 | py | Đất phù sa ngòi suối |
10 | pf | Đất phù sa có tầng loang lổ đỏ vàng |
IV. Nhóm đất mới biến đổi | ||
11 | xp | Đất đỏ vàng trên phù sa cổ |
V. Nhóm đất xám vàng | ||
12 | xa | Đất xám vàng trên đồi đá mác ma xâm nhập |
13 | xs | Đất xám vàng trên đồi đá phiến sét |
14 | xq | Đất xám vàng trên đồi đá cát kết |
15 | xha | Đất vàng xám trên núi đá granit (hoa cương) |
16 | xhs | Đất vàng xám trên núi đá phiến sét |
17 | xhq | Đất vàng xám trên núi đá cát kết |
18 | xhS | Đất mùn vàng xám trên núi đá phiến sét |
19 | B | Đất xám bạc màu |
VI. Đất xói mòn trơ sỏi đá | ||
20 | E | Đất xói mòn trơ sỏi đá |
VII. Nhóm đất nhân tác | ||
21 | N | Đất thổ cư không phân chia |
Dưới đây là các loại đất chính:
- Đất cồn cát ven biển
Chiếm diện tích khoảng 4.955ha, phân bố ở các xã vùng ngũ Điền và Phong Hải. Về thành phần cấp hạt chủ yếu là cát chiếm đến 99%, cỡ hạt khác nhau. Hạt mịn và sét rất ít. Đất chưa phân hóa thành tầng rõ ràng, ít chua nhưng rất nghèo mùn và các chất dinh dưỡng, do đó ít có khả năng trồng cây nông nghiệp, chủ yếu trồng rừng chống gió, chống cát bay, cát chảy xâm lấn vào nội địa.
- Đất cát bãi bằng
Chiếm một diện tích rộng lớn khoảng trên 10.470 ha, phân bố ở các xã Phong Hiền, Phong Thu, Phong Hòa, Phong Bình, Phong Chương. Cát ở đây được hình thành do quá trình biển tiến để lại, về sau có sự tác động lâu dài của gió và dòng chảy khe suối làm biến đổi địa hình bề mặt nơi cao nơi thấp nhưng nói chung là bằng phẳng, không có những đụn cát cao như vùng ven biển. Cát nội đồng có màu trắng xám, khoáng vật chủ yếu là thạch anh kích thước hạt trung bình tương đương với cát mịn Quảng Bình ([5]). Thành phần cơ giới nhẹ, cấu tượng rời rạc, thấm nước, hấp thu nhiệt nhanh, nhưng thoát nước và tỏa nhiệt cũng nhanh. Đất chua, nghèo mùn và các chất dinh dưỡng N, P, K. Bên cạnh những thuận lợi, vùng cát nội đồng có nhiều trở ngại cho khai thác và sử dụng vào các mục đích nông, lâm nghiệp mà nổi bật là vùng có chế độ thời tiết, khí hậu thủy văn khắc nghiệt. Mùa Hè tầng đất mặt có nhiệt độ rất cao, tối đa lên đến 60 – 700C vào tháng bảy tháng tám ([6]). Nguồn nước tưới lại rất khó khăn chưa nói đến đất có độ phì thấp.
Gần đây, kết quả nghiên cứu đề tài “Điều tra đánh giá tiềm năng đất đai vùng cát nội đồng tỉnh Thừa Thiên Huế phục vụ phát triển nông-lâm-ngư nghiệp” của Phân viện Địa lý tại Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy có sự hiện diện của một lớp đất kè hầu như khắp nơi dưới mặt đất vùng cát nội đồng Phong Điền và Quảng Điền. Lớp đất kè này phân bố ở độ sâu khác nhau tuỳ từng khu vực, nhưng nói chung dao động trong khoảng gần 1 m đến 5-7 m cách mặt đất. Thành phần cấu tạo lớp kè cũng là cát nhưng có màu nâu đen và độ gắn kết lớn nên cứng và chắc. Vì thế nhân dân thường gọi là lớp kè cứng hay lớp đất chai. Bề dày không lớn, chỉ một vài phân đến 1,5 m. Địa hình bề mặt lớp kè có nơi nổi cao gần sát mặt đất, có nơi lõm sâu và dốc theo các hướng khác nhau. Khu vực có bề mặt kè nằm gần mặt đất nhất là những dải hẹp từ thị trấn Phong Điền theo quốc lộ 1 xuống ngả ba Hoà Mỹ và dọc hai bên của dòng sông Cổ (khu vực Bàu Co). Khu vực có bề mặt kè nằm xa mặt đất nhất là khu vực Tây Bắc, nơi có nhiều trằm thuộc địa phận xã Phong Hoà, Phong Bình, Phong Chương. Theo nhận định của các tác giả đề tài nói trên, lớp kè có khả năng trở thành lớp cách nước trong tầng cát trắng hay có thể tạo thành 2 tầng nước ngầm: tầng nước ngầm nông bên trên nó và tầng nước ngầm bên dưới nó. Hai tầng nước ngầm này có thể có những đặc điểm khác nhau về sự vận động trong không gian, về trữ lượng, về sự dao động theo mùa. Do ảnh hưởng cách nước của lớp kè, có thể xảy ra hiện tượng ngập úng cả ở những nơi có địa hình cao. Cũng do lớp kè có độ gắn kết chặt cứng, có thể gây ảnh hưởng xấu đến các loại cây có bộ rễ cọc ăn sâu, nhất là ở những khu vực có lớp kè phân bố nông. Nói chung đặc điểm phân bố của lớp kè có ảnh hưởng quan trọng đến các quá trình tự nhiên như quá trình hình thành tiến hoá đất đai, dòng chảy mặt, chảy ngầm, biên độ dao động của nước dưới đất trong năm, tình trạng ngập úng, khô hạn của đất đai vùng cát cũng như sự phát triển của thực vật tự nhiên, cây trồng. Nói rộng hơn, sự tồn tại của lớp kè còn ảnh hưởng đến việc xây dựng các công trình thủy lợi, giao thông qua vùng cát. Vì vậy, việc tiếp tục nghiên cứu ảnh hưởng cụ thể của lớp kè trong khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên ở đây vào mục đích kinh tế, đời sống và bảo vệ môi trường cần được tiếp tục xúc tiến.
- Đất mặn phèn trên cát
Phân bố ở một số diện tích hạn chế ở các xã Điền Hải, Điền Hòa, Phong Hải, nơi địa hình thấp ven biển. Thành phần cấp hạt 97 – 98% là cát kích thước hạt khác nhau, cấu tượng rời rạc, nghèo mùn và các chất dinh dưỡng khác. Càng xuống sâu phèn càng nặng. Có thể sử dụng trồng các cây ăn quả, các loại rau với điều kiện làm đất, bón phân thích hợp.
- Đất mặn phèn trên phù sa phủ trên cát
Được hình thành dọc bờ phá Tam Giang thuộc địa phận Điền Lộc, Điền Hòa, Điền Hải. Đất được phân tầng rõ rệt theo chiều sâu. Tầng trên dày khoảng 20cm mùn xám nâu, cát chiếm 86%. Tầng giữa dày khoảng 25cm, xám trắng, lượng cát giảm, bột, sét tăng lên. Xuống sâu hơn phèn càng nặng. Đất hơi chua, hàm lượng chất dinh dưỡng không cao, đã và đang sử dụng để trồng lúa, các loại cây lấy củ, các loại rau với biện pháp làm đất, bón phân thích hợp, có công trình xổ phèn thích hợp cùng việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho năng suất, sản lượng cao.
Đất phù sa là đất chiếm diện tích không lớn lắm và có nhiều loại khác nhau, phân bố ở các xã đồng bằng ven phá, ven sông như Phong Hiền, Phong An, Phong Thu, Phong Hòa, Phong Bình, Phong Chương và các xã vùng ngũ Điền, trong đó có nhiều loại.
- Đất phù sa được bồi hàng năm
Phân bố dọc bờ sông Ô Lâu và sông Bồ. Đây là loại đất có tầm quan trọng rất lớn trong sản xuất lúa nước, có cấu trúc 2 tầng khá rõ, tầng mặt dày khoảng 30cm có màu nâu tươi. Đất thịt nhẹ hoặc trung bình, trong đất cấp hạt mịn lớn. Tầng mặt thường có các vết loang lỗ đỏ nâu, xám, xanh do hoạt động canh tác nông nghiệp. Tầng dưới có màu nâu tươi đồng nhất. Đất ít chua, chứa nhiều chất dinh dưỡng, độ phì cao.
- Đất phù sa chua
Phân bố trên các đồng bằng ít hoặc không được bồi hàng năm ở các đồng bằng hoặc các khu vực đồng bằng ít hoặc không bị ngập lụt như những vùng cao đồng bằng sông Bồ. Cấu trúc thường phân 2 tầng: tầng mặt màu xám nâu, xám hơi xanh do canh tác lúa nước, tầng dưới màu xám hơi vàng. Đất có phản ứng chua. Hàm lượng mùn và các chất dinh dưỡng trong đất ở mức trung bình. Trong đất cấp hạt mịn chiếm chủ yếu. Có giá trị trồng lúa, hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày, các cây cho củ.
- Đất phù sa glây phủ trên cát
Phân bố ở nơi là đất cát nhưng được tích tụ phù sa trên đó. Đây là những cánh đồng trũng ở các xã Phong Thu (thôn Khúc Lý, Ưu Thượng…) Đất thường gồm 3 tầng: tầng mặt có màu nâu xám, thành phần cơ giới nhẹ, thường bị ướt nhão do ngập lâu trong năm, có phản ứng chua, dưới tầng mặt có màu xám đen. Đất chua, đây là các ruộng trũng lầy. Hàm lượng mùn và các chất dinh dưỡng cao.
- Đất phù sa có tầng loang lỗ đỏ vàng
Phân bố chủ yếu ở xã Phong An (thôn Thượng An). Đất có cấu trúc 3 tầng thường rất điển hình. Tầng mặt màu xám thẫm, có các vết xám xanh. Đất có phản ứng chua. Thành phần cơ giới thịt trung bình. Hàm lượng mùn và các chất dinh dưỡng trung bình. Tầng thứ hai có màu nâu vàng, hơi chặt từ thịt nặng đến sét. Có biểu hiện tích tụ sét bị nén chặt ở tầng để cày, do bị cày xới liên tục lâu năm. Hàm lượng mùn và các chất dinh dưỡng trung bình đến khá. Tầng thứ ba đã bị đá ong hóa nên rất chặt.
- Đất mới biến đổi
Bao gồm các đất phát triển trên phù sa cổ, phân bố rải rác trên địa bàn các xã Phong Mỹ, Phong Xuân, Phong Sơn. Cấu trúc gồm 3 tầng. Tầng mặt màu nâu vàng, có viên cục nhỏ tơi xốp. Đất có phản ứng chua. Thành phần cơ giới nặng, cấp hạt sét lớn hơn đất phù sa nhiều. Tầng dưới có màu nâu vàng. Đất khá chặt, hàm lượng mùn và các chất dinh dưỡng trong tầng này tương đối khá. Đất có phản ứng chua. Hàm lượng mùn và các chất dinh dưỡng khá phong phú.
Chiếm diện tích lớn nhất ở huyện Phong Điền là đất xám, đất vàng. Đất này phân bố ở vùng đồi núi. Trước đây thường gọi là đất đỏ vàng, vàng đỏ, đỏ thẫm hình thành trên đá trầm tích, biến chất và cả đá mác ma như đá hoa cương (granit). Trong tổng số 66.7000ha đất đồi núi, đất xám, đất vàng phát triển trên đá cát kết chiếm đến 43.000ha, bằng 70,1% tổng diện tích và bằng 45% diện tích tự nhiên toàn huyện.
- Đất xám vàng phát triển trên đồi đá hoa cương (đá granit)
Đất này chỉ chiếm một diện tích nhỏ ở các xã Phong Sơn. Thành phần cấp hạt thuộc đất thịt nhẹ và trung bình. Đất có phản ứng chua, chứa ít chất kiềm và kiềm thổ. Hàm lượng mùn và các chất dinh dưỡng trung bình hoặc nghèo. Tầng đất dày lẫn nhiều sạn, cát thạch anh, rất thích hợp với việc trồng các loại cây ăn quả, cây công nghiệp ngắn ngày, dài ngày và trồng rừng, nhất là rừng thông.
- Đất xám vàng phát triển trên đồi đá phiến sét
Phân bố rộng rãi trên các xã Phong Mỹ, Phong Xuân, Phong Sơn. Đất thường có cấu trúc 3 tầng. Tầng mặt màu nâu, nâu thẫm, cấu tượng viên tơi xốp lẫn nhiều rễ cây. Trong đó có các mảnh đá phiến sét màu vàng đã bị phá hủy, màu tím gan gà mềm bở. Thành phần cơ giới thịt trung bình, lượng hạt mịn nhiều. Đất có phản ứng chua. Các chất kiềm và kiềm thổ trong đất không lớn. Hàm lượng mùn và các chất dinh dưỡng thường thấp. Tuy nhiên do có độ dốc thoải, tầng đất dày, độ phì khá cao, đất phát triển trên các đồi đá, phiến sét rất thích hợp với các cây ăn quả, cây công nghiệp ngắn và dài ngày, nơi có điều kiện tốt xây dựng các mô hình RVAC.
- Đất xám vàng phát triển trên đồi đá cát kết (sa thạch)
Phân bố ở Phong Mỹ, Phong Thu, Phong Xuân, Phong An, Phong Sơn. Đất xám vàng phát triển ở đây khác với đất hình thành trên đá phiến sét ở chỗ thành phần cơ giới nhẹ hơn, thường là cát pha, thịt nhẹ. Độ dày tầng đất 30-50cm, có nơi đến 50-70cm. Đất chua, lượng mùn và các chất dinh dưỡng không lớn, thích hợp với sự phát triển cây ăn quả, cây công nghiệp ngắn ngày và trồng rừng như rừng thông.
- Đất vàng xám phát triển trên núi đá mác ma xâm nhập
Chiếm một diện tích khá rộng ở vùng núi Phong Mỹ, Phong Xuân và Phong Sơn. Thành phần cơ giới thịt nhẹ, thịt trung bình. Trong đất còn có các sản phẩm phong hóa dở dang và cát sạn thạch anh. Tầng đất mỏng màu trắng vàng, vàng sáng, màu nâu nhạt nơi có sét. Đất có phản ứng chua, lượng các chất kiềm và kiềm thổ rất thấp. Do độ dốc địa hình lớn, xói mòn xảy ra mạnh chỉ thích hợp cho việc trồng và tái sinh rừng hoặc dành cho bảo tồn thiên nhiên.
- Đất xám vàng phát triển trên núi đá phiến sét
Phân bố rộng rãi ở các xã Phong Mỹ, Phong Xuân, Phong Sơn. Đất thường có cấu trúc 3 tầng. Trong các tầng nhất là tầng mặt có cấu tượng viên, tơi xốp lẫn nhiều rễ cây, lẫn nhiều mảnh vỏ phong hoá đá phiến sét màu vàng, màu tím gan gàn, mềm bở. Đất thịt trung bình. Đất có phản ứng chua. Tuy đất này có độ phì khá nhưng ở địa hình dốc thường là nơi xuất phát các sông chính và sông nhánh đầu nguồn, nên cần dành cho việc trồng và tu bổ rừng đầu nguồn, khoanh nuôi tái sinh rừng hoặc cho khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền.
- Đất xám bạc màu
Chiếm diện tích khá rộng ở các xã Phong Mỹ, Phong Xuân và Phong Sơn với diện tích khoảng 2.000ha, bằng 2% diện tích tự nhiên. Hầu hết đất xám bạc màu có thành phần cơ giới nhẹ. Đất nghèo sét, nghèo mùn và các chất dinh dưỡng, có phản ứng chua chứa các chất kiềm và kiềm thổ khá. Tuy nhiên trong quá trình canh tác đá ong bị phơi ra tầng mặt không thuận lợi cho cây cối đâm rễ. Cần được giữ ẩm và bón phân thích hợp trong sử dụng trồng các loại rau quả, cây công nghiệp ngắn và dài ngày.
- Đất xói mòn trơ sỏi đá
Phân bố rải rác ở các xã vùng đồi. Sự phát sinh đất này là kết quả của một quá trình canh tác không hợp lý trên đất dốc trong điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng ẩm mưa nhiều. Đặc điểm chung là tầng đất mặt hầu như đã bị xói mòn hoàn toàn nhiều nơi trơ đá gốc như một số nơi ở thôn Đồng Lâm xã Phong An. Trong đất chủ yếu là các mảnh đá gốc của vỏ phong hoá cứng và chắc. Đất có độ phì rất thấp vì lớp đất mặt chứa nhiều mùn đã bị xói mòn. Cần phục hồi bằng trồng rừng, trồng các loại cây họ đậu có tác dụng tích luỹ chất hữu cơ tạo độ ẩm cho đất, đồng thời cần kết hợp các biện pháp thuỷ lợi, phân bón đúng mức, nhất là trong sử dụng vào mục đích nông nghiệp.
- Đất thổ cư
Phần lớn đất thổ cư gồm nhiều loại phát sinh như đất cát, đất xám vàng, đất phù sa các loại ở đồng bằng. Gọi là đất thổ cư nhưng không chỉ sử dụng vào đất ở, đất vườn mà còn vào nhiều mục đích khác nhau ở các làng xã, ngoài ra cũng là đất xây dựng các công trình công cộng khác nhau. Qui mô đất ở, đất xây dựng ngày càng mở rộng và tính đa dạng trong loại hình sử dụng ngày càng tăng, nhất là trong khoảng mười năm trở lại đây.
- ĐỒNG RUỘNG, NƯƠNG RẪY, TRANG TRẠI
- Đồng ruộng
Đồng ruộng huyện Phong Điền chỉ chiếm một diện tích nhỏ, bằng khoảng 10% diện tích tự nhiên toàn huyện và phân bố thành hai vùng chủ yếu. Vùng phía Bắc trên đồng bằng phù sa sông Ô Lâu và vùng phía Nam trên đồng bằng phù sa các khe, hói là các nhánh nhỏ tả ngạn sông Bồ. Ngoài hai vùng có đồng ruộng tập trung nói trên còn có những đồng ruộng nhỏ hẹp dọc thung lũng sông Ô Lâu từ Phong Mỹ về thị trấn Phong Điền và từ Phong Điền ra ngã ba Phước Tích. Hai vùng có đồng ruộng tập trung nói trên chiếm đến 92,9% diện tích đồng ruộng trong huyện, trong đó chiếm diện tích lớn nhất là vùng phía Bắc 64,1% và vùng phía Nam 35,9%. Đi vào từng xã diện tích đồng ruộng cũng không giống nhau. Có xã rất nhiều ruộng đất, ngược lại có xã rất ít. Thậm chí có xã không có ruộng như xã Phong Hải. Xã nhiều ruộng đất có diện tích gấp 4 lần, 5 lần xã ít ruộng. Tương tự như vậy là đất trồng hoa màu cũng có sự chênh lệch nhau rất lớn. Sau đây là đồng ruộng của từng xã:
- Điền Hương
Chiếm một diện tích nhỏ so với diện tích tự nhiên của xã và nằm tận cùng về phía Tây xã này dọc Quốc lộ 49. Phía Bắc giáp Hải Lăng, Quảng Trị, phía Nam giáp đồng ruộng Điền Môn, được tạo thành do bồi tụ phù sa sông Ô Lâu, nơi sông đổi hướng sang Đông Nam để vào phá Tam Giang. Địa hình thấp, bằng phẳng, đất đai phì nhiêu, hàng năm bị ngập lụt vào mùa mưa lũ. Từ xưa đã đắp đê để ngăn lũ gọi là đê Thanh Hương.
- Điền Môn
Đồng ruộng Điền Môn cũng như Điền Hương, chỉ chiếm một diện tích nhỏ so với diện tích của xã và nằm ở phía Nam đồng ruộng Điền Hương chạy dọc theo Quốc lộ 49, kéo dài thành một dải 4 cây số đến tận Điền Lộc. Diện tích đồng ruộng Điền Môn khá rộng so với Điền Hương, được tạo thành do bồi tụ phù sa sông Ô Lâu, địa hình thấp, bằng phẳng, đất đai màu mỡ, hàng năm cũng thường bị ngập lụt vào mùa mưa lũ.
- Điền Lộc
Cũng tương tự như đồng ruộng các xã nói trên, đồng ruộng Điền Lộc cũng là một bộ phận lãnh thổ tận cùng phía Tây của xã này, chạy dọc theo Quốc lộ 49 vào đến Điền Hòa trên khoảng chiều dài 2,5 cây số. Vị trí nằm gần cửa sông. Dấu tích cửa sông cũ còn thấy rõ. Đồng ruộng Điền Lộc mở rộng ra cả hai phía bờ sông Ô Lâu. Đặc điểm tự nhiên của đồng ruộng Điền Lộc cũng giống như đồng ruộng các xã phía Bắc, nhưng do nằm gần phá Tam Giang hơn nên đã chịu ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp chế độ thủy văn đầm phá như tác động của triều và mặn rõ rệt hơn.
- Điền Hòa
Đồng ruộng Điền Hòa tiếp nối đồng ruộng Điền Lộc về phía Nam dọc Quốc lộ 49. Đây là bộ phận lãnh thổ tận cùng của đồng bằng cửa sông ven phá, nhưng nằm về phía Đông. Vùng đất cửa sông mới được mở rộng ở phía Nam đồng ruộng Điền Hòa thuộc lãnh thổ xã Quảng Thái có tác dụng hạn chế ảnh hưởng của chế độ thủy văn đầm phá.
Như vậy, đồng ruộng bốn xã nói trên đều có nguồn gốc hình thành chung, do phù sa sông Ô Lâu tạo thành, đất đai phì nhiêu và thấp trũng. Trở ngại chung thường gặp là bị ngập lụt và nhiễm mặn ở mức độ khác nhau.
- Điền Hải
Đồng ruộng Điền Hải hẹp, chỉ rộng khoảng trên 400m chạy dài ven bờ Đông phá Tam Giang từ Điền Hòa vào giáp giới Quảng Ngạn. Đồng ruộng này được hình thành từ sự bồi tụ phù sa phá Tam Giang dưới tác động của sóng, thủy triều trong đầm phá. Đất có thành phần cơ giới là cát pha bị mặn phèn, hàm lượng mùn và các chất dinh dưỡng thấp, không được phì nhiêu như đất phù sa sông Ô Lâu các xã phía Bắc.
Để đảm bảo sản xuất lúa, hoa màu thường phải có công trình ngăn mặn và bằng biện pháp thủy lợi, làm đất thích hợp để xổ phèn, rửa mặn.
- Phong Hòa
Đồng ruộng Phong Hòa chiếm diện tích vào loại lớn và phân bố ở đồng bằng hạ lưu, ven bờ Nam sông Ô Lâu từ ngã ba Phước Tích về cầu Mụ Tú, bên dưới chợ Ưu Điềm, rìa Đông Nam giáp với vùng cát nội đồng. Các đập Mỹ Xuyên, đập Niêm, đập Thiềm trữ nước tưới cho đồng ruộng này. Địa hình đồng bằng cao khoảng 4-5m trên mực biển và thấp dần về phía sông Ô Lâu, đồng thời bị chia cắt bởi một số khe mương hoặc những con hói nhỏ chảy từ các đập trữ nước nói trên vào sông Ô Lâu. Hàng năm được bồi đắp phù sa, đất đai tương đối phì nhiêu. Một bộ phận đồng ruộng được tưới nước tự chảy rất thuận lợi cho công việc đồng áng. Phong Hòa còn có diện tích đất trồng màu khá rộng.
- Phong Bình
Tiếp cận với đồng ruộng xã Phong Hòa, đồng ruộng Phong Bình chạy dọc bờ Nam sông Ô Lâu từ hai làng Vĩnh An, Phò Trạch về đến Điền Hương kéo dài chừng năm cây số theo đường chim bay. Đồng ruộng này có diện tích rộng lớn. Phía Đông Nam được giới hạn bởi vùng cát nội đồng và các trằm như trằm Hoá Chăm, trằm Bàu Bàng. Mặt ruộng thấp dần theo dòng chảy sông từ 3 – 4 mét đến 1,5 – 2 mét trên mực biển, đồng thời cũng thấp dần về phía sông và bị chia cắt bởi nhiều sông hói, bàu, hồ, vũng nước đọng. Đất phù sa được bồi hàng năm, màu mỡ thích hợp với lúa, hoa màu và cây cối trong các nương vườn tạo nên những làng mạc xanh tươi, trù phú. Hiện là địa bàn cung cấp lương thực quan trọng. Tuy nhiên tình trạng lũ lụt đe dọa hàng năm là điều đang được quan tâm, nhất là sau khi ở bờ Bắc sông Ô Lâu trên đồng ruộng Quảng Trị có con đập ngăn lụt tiểu mãn, nước dâng cao ở bờ Nam gây ngập úng nặng lúa và hoa màu.
- Phong Chương
Đồng ruộng Phong Chương chiếm diện tích rộng nhất, phân bố về phía Tây Bắc xã từ rìa vùng cát nội đồng đến sông Ô Lâu và đồng ruộng Điền Lộc. Phía Tây Bắc giáp các cánh đồng Phong Bình, Điền Hương, Điền Môn. Phía Đông Nam giáp Quảng Thái, trải rộng từ Tây sang Đông và kéo dài từ Tây Bắc về Đông Nam gần 10 cây số. Đồng ruộng chiếm vùng địa hình thấp, phù sa chưa kịp lấp đầy, đang tiếp tục hoàn thiện, nhất là vùng tiếp cận cửa sông, đất đai phì nhiêu.
Vùng ven rìa cát nội đồng ở các thôn Đại Phú, Trung Thạnh, đất cát pha, năng suất lúa không cao nhưng thích hợp với các loại hoa màu: lạc, khoai sắn. Đồng bằng này là một trong những địa bàn sản xuất lúa rất quan trọng trong huyện. Tuy nhiên hàng năm thường bị ngập lụt nặng và nhiễm mặn. Hiện nay đã và đang củng cố các công trình thủy lợi để hạn chế thiệt hại do những hiện tượng trên gây ra.
- Phong Thu
Phong Thu là xã ít ruộng. Đồng ruộng chỉ chiếm diện tích nhỏ, tập trung dọc thung lũng sông Ô Lâu ở đoạn trên và dưới thị trấn Phong Điền. Đây là đoạn thung lũng qua vùng địa hình trung gian giữa đồi núi và đồng bằng, hẹp ngang chỉ có những dải đất bồi phù sa ven sông, không mở rộng như ở vùng hạ lưu. Chỉ khi về Khúc Lý, Ưu Thượng mới có những trũng rộng đáng kể tạo nên các đồng ruộng hiện nay. Đất đai của đồng bằng Phong Thu cũng đa dạng, phần lớn để trồng hoa màu và các cây công nghiệp. Tuy nhiên nhiều nơi ẩm thấp, đọng nước, đất chua. Tuy địa hình cao nhưng hàng năm cũng bị ngập lụt, có năm nghiêm trọng do tình trạng ứ đọng nước từ thượng nguồn dồn về không kịp thoát xuống hạ lưu.
- Phong Hiền
Đồng ruộng xã Phong Hiền cũng thuộc loại rộng, nằm tận cùng về phía Đông Nam, vùng cát nội đồng. Phía Tây giáp Phong An, phía Đông và Đông Nam giáp địa phận hai xã Quảng Vinh và Quảng Phú huyện Quảng Điền. Đồng ruộng Phong Hiền được tạo thành do phù sa sông Bồ. Địa hình không hoàn toàn bằng phẳng như đồng bằng hạ lưu, có nhiều cồn đất nổi cao, nhiều khu nghĩa địa. Có nơi là bàu, kênh mương, hói. Đất đai tương đối phì nhiêu thích hợp với lúa và nhất là hoa màu như lạc, đậu xanh, khoai sắn, ngô. Đây là địa bàn đã được khai phá từ lâu, cách đây trên dưới 600 năm về trước.
- Phong An
Phong An là một xã có diện tích tương đối lớn, trải rộng về phía Tây dọc Quốc lộ 1A từ ngã tư Bòng Bòng đến cầu An Lỗ. Địa hình đồi thấp chiếm diện tích lớn. Đồng ruộng không tập trung mà phân bố rải rác, xen giữa các dãy đồi thấp. Đó là các dải đất trũng có dòng chảy hoặc không có dòng chảy khe suối. Ở đây đất được tạo thành từ những sản phẩm dốc tụ hoặc phù sa ngòi suối. Thành phần cơ giới tùy thuộc vào đá tạo thành đất từ cát pha, thịt nhẹ đến thịt nặng, chứa lượng sét tương đối lớn do được hình thành trên sản phẩm phong hóa đá phiến sét. Riêng khu vực tận cùng về phía Nam từ cầu An Lỗ ra đến dốc Hiền Lương và ngược sông Bồ lên Bồ Điền, Thượng An, Phò Ninh, Hiền Sĩ, đất đai được hình thành từ phù sa sông Bồ có độ phì cao hơn ở vùng đồi thấp. Ngoài đất lúa, Phong An là xã có đất hoa màu chiếm diện tích rộng.
- Phong Sơn
Đồng ruộng xã Phong Sơn tập trung ở vùng trung lưu và hạ lưu sông Ô Hô, có địa hình lòng chảo cạn. Phía Bắc là đồi, phía Nam là núi thấp. Ở đây, sông Ô Hô và các chi nhánh uốn khúc quanh co trước khi đổ vào sông Bồ ở cầu Hiền Sĩ. Đồng ruộng Phong Sơn được hình thành từ phù sa sông suối nhỏ vùng đồi núi. Địa hình có dạng lòng chảo cạn, ở trung tâm đồng ruộng nơi địa hình trũng, tồn tại nhiều ao hồ như ở xóm Phe Tư, ở ấp Tứ Chánh v.v.. Trong quá trình tồn tại lâu dài, sông Ô Hô và các chi nhánh đào sâu, hạ thấp mực nước gây khó khăn cho việc cung cấp nước cho mùa màng ở vùng ngoại vi. Vì vậy vấn đề tưới tiêu để đảm bảo sản xuất, mở rộng diện tích gieo trồng là vấn đề được quan tâm giải quyết trong thời gian qua. Ngoài đất lúa Phong Sơn cũng có diện tích đất màu rộng.
- Phong Xuân
Đồng ruộng xã Phong Xuân tiếp nối đồng ruộng Phong Sơn và mở rộng về phía Tây Bắc. Các nhánh sông Ô Hô bắt nguồn từ vùng đồi phía Tây, phía Nam chảy về đồng ruộng này và hội lưu ở Cổ Xuân. Địa hình đồng ruộng nói chung là bằng phẳng trừ vùng ngoại vi tiếp cận với đồi thấp. Do được tạo thành từ phù sa ngòi suối, phù sa các nhánh nhỏ khe Ô Hô nên đất đai kém phì nhiêu. Mấy năm qua nhờ có đập Quao, diện tích đồng ruộng của Phong Xuân được mở rộng, đất đai cũng dần dần sử dụng có hiệu quả hơn.
- Phong Mỹ
Cũng như Phong Xuân, nhờ có nước, diện tích đồng ruộng Phong Mỹ hiện nay được mở rộng, phân bố ở nhiều nơi nhưng tập trung chủ yếu ở phía Bắc đập Quao, vùng trũng thấp thôn Phong Mỹ. Ngoài đất trồng lúa Phong Mỹ có diện tích đất trồng các loại cây công nghiệp và hoa màu rộng nhất.
- Nương rẫy, trang trại
Cũng như ở mọi nơi, nông thôn Phong Điền nhà nào cũng có nương vườn. Kích thước nương vườn rộng hẹp không giống nhau, được giới hạn với nương vườn nhà khác bằng những lũy tre hoặc hàng rào chè tàu, dâm bụt. Ở vùng đồi núi và một số nơi ở đồng bằng, ngoài nương vườn quanh nhà nhiều gia đình còn có nương rẫy ở xa để trồng khoai sắn, rau màu và nhiều loài cây khác. Cơ cấu cây trồng trong vườn ngày xưa thường chú trọng những cây truyền thống được tiêu dùng nhiều trong từng gia đình và xã hội, như cau, trầu, chè, chuối, mít. Ngoài ra trong nương vườn nhiều làng còn chuyên trồng một vài loài cây, có thu hoạch thường xuyên trong năm nhất là các loài cây ăn quả. Nói chung, nương vườn của làng quê Phong Điền trước ngày toàn quốc kháng chiến năm 1946 cho thu hoạch nguồn lợi lớn hàng năm.
Do chiến tranh tàn phá, hoàn cảnh xã hội thay đổi, các cây trồng truyền thống đến nay vẫn chưa bị mất hẳn nhưng cơ cấu cây trồng cũng đã thay đổi nhiều theo hướng tăng giá trị kinh tế trong nền kinh tế thị trường đang phát triển. Bên cạnh đó nương rẫy cũng được mở rộng và thay đổi về diện tích, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, về phân bố và hình thức tổ chức sản xuất. Trang trại đang phát triển mạnh mẽ ở các xã vùng đồi núi, vùng cát nội đồng. Trang trại tập trung ở một số khu vực, tương lai là những vùng kinh tế mới trong kế hoạch phân bố lại dân cư để khai thác tài nguyên đất đai còn dồi dào trong huyện. Dưới đây là số liệu thống kê bước đầu diện tích nương rẫy và đất trang trại các xã trong huyện:
STT | Đơn vị hành chính | Nương vườn (ha) (vườn tạp) | Trang trại (ha) |
1 | Thị trấn Phong Điền | 83,13 | 26,00 |
2 | Xã Điền Hương | 27,48 | 3,00 |
3 | Xã Điền Môn | 38,05 | 0 |
4 | Xã Điền Lộc | 19,67 | 0 |
5 | Xã Điền Hòa | 20,20 | 0 |
6 | Xã Điền Hải | 10,02 | 0 |
7 | Xã Phong Hải | 0 | 8,50 |
8 | Xã Phong Hòa | 155,72 | 95,00 |
9 | Xã Phong Bình | 20,90 | 0 |
10 | Xã Phong Chương | 77,09 | 62,79 |
11 | Xã Phong Thu | 95,50 | 20,00 |
12 | Xã Phong Hiền | 87,97 | 3,16 |
13 | Xã Phong An | 135,28 | 51,29 |
14 | Xã Phong Sơn | 171,13 | 7,50 |
15 | Xã Phong Xuân | 151,86 | 22,23 |
16 | Xã Phong Mỹ | 155,90 | 302,24 |
Tổng cộng | 1.249,90 | 601,71 |
([1]) Ngô Đức Thọ. Phủ Thừa Thiên (trích bộ “Đồng Khánh địa dư chí”) trong tạp chí Nghiên cứu và phát triển, Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế, tr 105.
(1) Quốc Sử quán triều Nguyễn. Đại Nam nhất thống chí, tập 10. Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản, SG, 1961.
([3]) Nguyễn Chu Hồi. Sử dụng hợp lý các hệ sinh thái ven bờ Việt Nam. Nxb Khoa học Kỹ thuật, HN, 1995. Nguyễn Chu Hồi, Đỗ Nam và những người khác. Nghiên cứu, khai thác, sử dụng hợp lý tiềm năng phá Tam Giang, 1996.
[4]) Nguyễn Văn Cư. Điều tra cơ bản tổng hợp có định hướng điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên các huyện tỉnh Thừa Thiên Huế – Huyện Phong Điền. HN, 2003, tr 106.
([5]) (2) Nguyễn Việt. Điều kiện khí hậu thuỷ văn vùng các nội đồng tỉnh Thừa Thiên Huế. Tạp chí Nghiên cứu và phát triển, số 2-2004, tr 58, 61.
DI TÍCH LỊCH SỬ – VĂN HOÁ TIÊU BIỂU
- PHẾ TÍCH ĐỀN THÁP CHĂM PA VÂN TRẠCH HOÀ
Phong Điền là vùng đất có nhiều dấu ấn của nền văn hóa Chăm Pa. Phong Điền có sông Ô Lâu, dòng sông mang cái tên lịch sử của châu Ô xưa. Nơi đây có đường thiên lý, con đường mà có thể kiệu cưới của Huyền Trân công chúa đã từng đi qua. Trước đây, các dấu tích của nền văn hóa Chăm Pa đã được các nhà khảo cứu người Pháp thống kê nhưng chưa thật đầy đủ. Từ năm 1975 đến nay, nhiều di tích, hiện vật của văn hóa Chăm Pa liên tục được phát hiện đã cho thấy trên mảnh đất Phong Điền ngày xưa từng là một trung tâm văn hóa lớn của người Chăm, thậm chí có thể nêu giả thiết nơi đây từng là một Kinh đô xưa của Lâm Ấp. Tiêu biểu cho các dấu tích của nền văn hóa Chăm Pa tại Phong Điền là đền tháp Vân Trạch Hoà.
Đây là một trong những di tích đã được người Pháp nghiên cứu và công bố khá sớm, nhưng lúc đó chỉ ghi nhận những hiện vật xuất lộ trên mặt đất bao gồm bộ tượng ở bức màn cửa tháp với ba tấm phù điêu: Brahma, Visnu, Siva và một số vật liệu kiến trúc như các bậc cửa tháp, gạch, đá… Cho đến năm 1989, bộ tượng này vẫn còn, riêng đối với đài thờ chính của tháp vẫn còn nằm trong lòng đất, ngay dưới gốc cây đu đủ của nhà bà Hoàng Thị Kiếm (thôn Vân Trạch Hòa, xã Phong Thu), nhưng sau khi nhà bà Kiếm chuyển đi nơi khác thì nhiều người đã đào bới khu phế tích này và lấy đi một số tượng nhỏ. Đến tháng 10-1990, lợi dụng một trận lũ lớn, nước ngập đến gần khu tháp, một kẻ gian đã dùng thuyền đến lấy cắp hai phù điêu thần Brahma và Siva, đồng thời quật phần trên của đài thờ và di chuyển đến cách đó vài mét nhưng chưa kịp chuyển đi thì nước rút. Sau đó, phù điêu thần Visnu và phần trên đài thờ được chuyển về Phòng Văn hóa thông tin huyện, còn phần dưới đài thờ do quá nặng nên vẫn để lại, nhưng rồi phần dưới đài thờ lại bị kẻ gian tiếp tục xâm hại nên sau đó địa phương phải khai quật và được đưa về bảo quản tại Phòng Văn hóa thông tin huyện. Hiện đài thờ này đang được trưng bày tại Bảo tàng tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế.
Đài thờ hình vuông, gồm hai phần chồng khít lên nhau. Qua nghiên cứu, nhà Chăm Pa học Trần Kỳ Phương cho rằng: “Trong quá trình chuyển hóa của nền điêu khắc Chăm Pa, phù điêu Vân Trạch Hòa chiếm vị trí quan trọng vì nó đánh dấu giai đoạn Hindu-Buddhist xuất hiện vào khoảng đầu thế kỷ thứ X với những ảnh hưởng từ nghệ thuật Java mà trước đây nhiều người nghiên cứu đã quan tâm. Trong điêu khắc Chăm Pa, đây là phù điêu duy nhất thể hiện đầy đủ hình tượng Hộ thế bát phương thiên trên một bộ phận thuộc thượng tầng kiến trúc của một ngôi đền; các ngẫu tượng dikplakas khác đều là những tượng tròn riêng rẽ đặt trong các miếu nhỏ xung quanh ngôi đền chính tại các khu thờ tự quan trọng”.
Về niên đại của đài thờ Vân Trạch Hòa, TS. Phạm Hữu Mý (Thành phố Hồ Chí Minh) trong Luận án PTS Khoa học lịch sử năm 1995 đã cho rằng đài thờ có niên đại từ cuối thế kỷ VIII đến đầu thế kỷ IX. Theo TS. Lê Đình Phụng (Viện Khảo cổ học) thì niên đại của đài thờ Vân Trạch Hòa là vào khoảng cuối thế kỷ IX đến thế kỷ X, riêng Trần Kỳ Phương xác định tác phẩm này có niên đại khoảng đầu thế kỷ X, thuộc giai đoạn muộn của phong cách Đồng Dương.
Phù điêu thần Visnu, một bộ phận của phù điêu màn cửa tháp (thường gọi là Tympan) tìm thấy ở di tích Vân Trạch Hòa được Trần Kỳ Phương khảo tả một cách rất chi tiết: “Thần Visnu đội mũ kirita-mukuta, trên mũ có cái miện điểm ba đóa hoa, hàng lông mày giao nhau, hai mắt lớn có con ngươi tròn, ngài có bộ râu mép dày; tai to đeo hoa tai nặng thả trên vai, cổ ba ngấn, đeo vòng kiền là những cánh hoa kết lại, bả vai trái có đeo trang sức; các cổ tay có đeo vòng hạt cườm; thần mặc một cái sampốt dài đến đầu gối, có nhiều nếp gấp, dải buộc sampốt dài, thả trên lưng heo rừng”.
So sánh chi tiết thể hiện trên khuôn mặt cũng như trang sức, Trần Kỳ Phương cho rằng tác phẩm này có thể được xếp vào giai đoạn kéo dài của phong cách Mỹ Sơn E1, vào khoảng cuối thế kỷ VIII-IX, đồng thời cho biết:“Phù điêu kiểu Tympan thể hiện sự xuất hiện của Linga/ Lingodbhavamurti, đây là tác phẩm duy nhất có chủ đề này xuất hiện trong nền điêu khắc Chăm Pa”.
- DI TÍCH CHĂM PA TẠI CHÙA ƯU ĐIỀM
Chùa Ưu Điềm ở xã Phong Hòa, không biết xây dựng từ thời nào, nhưng trong sách Đại Nam nhất thống chícủa triều Nguyễn có chép: “phía hữu chùa có tượng Phật đá nổi, tục gọi “tượng Bà Lồi”, trước tượng khoảng đất rộng chừng một trượng có bức bình phong bằng đá, cao rộng đều ba thước, trông phảng phất như hình ngựa, hình người, năm Minh Mạng thứ hai (1821) sửa chữa lại”. Di tích, hiện vật được triều Nguyễn ghi nhận chính là những di tích hiện vật của nền văn hóa Chăm Pa, nay vẫn còn. Trong chuyến đi khảo sát di tích Chăm Pa ở chùa Ưu Điềm thuộc xã Phong Hòa, khi tiếp cận với bức phù điêu Siva-Parvati đặt trước miếu thờ Bà (phía trái chùa), Trần Kỳ Phương cho rằng tác phẩm này là một bức Tympan đặt trên cửa chính của ngôi đền. Đây là một kiệt tác nghệ thuật và là tác phẩm duy nhất được biết trong nền điêu khắc Chăm Pa thể hiện đề tài lễ cưới Siva-Parvati về ngọn núi thiêng Kailasa. Ở miếu thờ Bà còn tượng Bà cao 80cm có đôi vú tròn căng, chắp tay ngồi kiết già trên tòa sen bằng đá có phù điêu vị thần với tư thế nâng đỡ. Tượng này đã một lần bị mất đầu, nhưng sau tìm lại được. Hiện nay tượng đã thếp màu vàng, đầu sơn đen, bên ngoài có khoác áo mũ bằng vải vàng. Nơi đây còn có một bộ Linga (dương vật) lớn, nhưng ngẫu tượng Yoni (âm vật) đã bị vỡ, chỉ còn một nửa, ngẫu tượng Linga còn nguyên, có đường kính dài 30cm và nhiều mẫu cột đá hình vuông, tròn, có rãnh gờ múi khế.
Trần Kỳ Phương cho rằng các tác phẩm ở đây có thể được xếp vào giai đoạn muộn hay giai đoạn kéo dài của phong cách Mỹ Sơn E1, vào khoảng từ cuối thế kỷ VIII đến đầu thế kỷ IX.
III. ĐỀN LINH QUANG (ĐỀN THỜ BÀ TÁM TAY)
Đây là đền thờ thuộc làng Mỹ Xuyên (Phong Hòa), có thờ một tượng Chăm Pa bằng đá sa thạch, cao 1,2m. Tượng có 8 tay đối xứng, mỗi tay cầm một vật như: chuổi hạt, vòng, búp sen, bầu rượu… Di tích này đã được Đặng Huy Trứ mô tả khá kỹ trong bài ký Cung tiến Mỹ Xuyên xã Linh Quang từ Tân Dậu ở sách Đặng Hoàng Trung văn saoquyển IV tờ 7-8 ([1]), nguyên văn bằng chữ Hán như sau:
“Hương nhân tiền ư địa trung đắc nhất trạch tượng tự Quan Thế Âm Bồ tát, sổ bách nhân bất năng cử nhân vu kỳ địa kiến từ tự chi, nẫm trứ linh ứng, mông tặng Dương Phu nhân. Thị niên dư xuất thú Nam Định chi Xuân Trường.
Tổ hương Hiền Sĩ, tịch hương Bác Vọng Đông giáp, ngụ hương Thanh Lương, nội hương Lựu Bảo Phật tự thần từ, phàm nhập Hải Vân Sơn Cao các từ, Hoành Sơn cước nam Cao các từ, Quảng Nam Minh Hương Định ấp, Ngũ Hành Tiên Hương từ, Đặng quý từ đường dữ thử từ giai hữu cung tiến mộc đối liên chu tất kim tương. Kim nhật cứu bất năng tường ký, độc thử liên Bùi Quang Thuần ký tụng cố lục chi, dư sĩ hậu lục:
Ngọc cốt bất trường mai, chí tuý chí tinh kim tự cổ
Kim thân thường phát hiện, đại hùng đại lực Phật nhi Tiên”.
Dịch: Cung tiến vào đền Linh Quang xã Mỹ Xuyên
Năm Tân Dậu (1861)
Trước đây, người trong xã tìm thấy ở dưới đất một pho tượng giống như tượng Phật Quan Thế Âm Bồ tát, mấy trăm người không đưa lên nổi, nên lập đền ngay nơi đó để thờ, bao lâu nay nổi tiếng linh thiêng, được phong tặng Dương Phu nhân. Năm đó tôi ra làm Tri phủ Thiên Trường, tỉnh Nam Định.
Ở các nơi: tổ hương là Hiền Sĩ, tịch hương là Giáp Đông xã Bác Vọng, ngụ hương là Thanh Lương, nội hương (quê vợ) là Lựu Bảo và mỗi khi đến các đền chùa thờ thần, Phật như đền Cao các núi Hải Vân, đền Cao các phía Nam chân núi Hoành Sơn, ấp Hương Định xã Minh Hương (Quảng Nam), đền thờ Tiên Nương núi Ngũ Hành, cũng như từ đường chi Quý họ Đặng đều có cung tiến câu đối bằng gỗ sơn son thếp vàng, đến nay đã lâu ngày không nhớ rõ. Chỉ có câu này do Bùi Quang Thuần còn nhớ được, đọc lại nên chép vào đây. Các câu khác đợi sẽ chép sau:
Cốt ngọc chẳng vùi lâu, chí tuý chí tinh kim tự cổ
Mình vàng nay phát hiện, đại hùng đại lực Phật mà Tiên ([2]).
Nguyên ngày trước, người ta tìm thấy pho tượng này tại khu vực miếu Cồn Két ở làng Mỹ Xuyên. Vì tượng trông giống như Phật Bà Quan Âm, nên dân làng tổ chức đưa tượng đến thờ tại chùa. Trên đường gánh pho tượng đến chùa thì giữa chừng bị đứt dây. Dân làng tin rằng “Bà” muốn tọa ở đó nên lập đền thờ. Trước đây đền thờ này khá lớn, nhưng sau do thiên tai và chiến tranh nên bị hư hỏng. Do không đủ sức để xây dựng đền như ngày xưa nên dân làng chỉ xây dựng miếu thờ bằng bê tông. Nhân dân ở đây cho biết đền thờ Bà Tám tay rất linh thiêng. Hiện nay, làng vẫn cử người hương khói thường xuyên trong các ngày sóc vọng (ngày rằm và mồng một âm lịch) và tổ chức lễ tế vào ngày rằm tháng bảy hàng năm.
Câu đối bằng gỗ do Đặng Huy Trứ cung tiến ở đền trước đây còn một vế: “Ngọc cốt bất trường mai, chí tuý chí tinh kim tự cổ” với dòng lạc khoản đề: “Đinh Mùi khoa Giải nguyên lĩnh Hàn Lâm viện thừa chỉ sung nội các Thượng bảo sở hành tẩu Đặng Huy Trứ bái”, nhưng cơn lũ lịch sử năm 1999 đã cuốn trôi vế đối này. Hiện nay nhân dân ở đây đã phục chế nguyên vẹn hai vế của câu đối để thờ.
Trong di cảo của Đặng Huy Trứ (tập Văn sao Q IV, tờ 4) vẫn còn chép một câu đối khác ở đền này với nội dung như sau:
“Sắc phong trung đẳng thần linh ứng trực siêu trung dĩ thượng,
Nhân truyền cổ tích Phật từ bi quảng độ cổ nhi kim”.
Như vậy, qua câu đối của danh nhân Đặng Huy Trứ, chúng ta biết được đền này đã được sắc phong từ triều vua Tự Đức hoặc trước đó.
- DI TÍCH CHĂM PA TẠI THẾ CHÍ TÂY
Đầu năm 2005, chúng tôi đã phát hiện thêm dấu vết của một khu phế tích đền tháp Chăm Pa cùng với một bệ thờ bằng đá nằm ngay ở khu vực đình làng Thế Chí Tây, xã Điền Hòa. Đây là một bệ thờ thường thấy ở trong các đền tháp người Chăm. Bệ thờ được làm từ chất liệu đá sa thạch (đá cát kết), hình vuông, cắt khắc thành hai tầng. Tầng dưới có kích thước 1,05m x 1,05m, cao 0,15cm, bốn mặt đều được chạm trổ hoa văn hoa lá cách điệu. Tầng trên có kích thước 0,91m x 0,91m, cao 0,05m, không có hoa văn nhưng phía trên mặt có tạo lòng gờ lõm hình vuông có cạnh dài 0,68m để làm nền cho tượng thờ được đặt phía trên, nhưng nay tượng thờ chưa tìm thấy.
Tại khu nền đất phía sau đình làng Thế Chí Tây, nơi xuất xứ của bệ thờ còn có dấu vết đất nung và gạch hình khối chữ nhật phân bố trên một diện tích khá rộng (khoảng gần 500m2). Người dân cho biết đã có lần đào gặp tầng nền móng bằng gạch, phía dưới có lớp gia cố chân móng bằng cuội lớn. Như vậy, chúng ta có thể khẳng định đây là một khu phế tích đền tháp của người Chăm từ xa xưa.
Qua nghiên cứu hoa văn ở bệ thờ, có thể xác định tác phẩm này thuộc phong cách nghệ thuật Đồng Dương, niên đại từ thế kỷ IX đến thế kỷ X, cách đây khoảng 1.000 năm.
- CHÙA GIÁC LƯƠNG
Chùa Giác Lương thuộc làng Hiền Lương (Phong Hiền), cách thành phố Huế khoảng 22km về phía Nam. Đây là một di tích kiến trúc nghệ thuật được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng theo quyết định số 776/QĐ – VH ngày 23-6-1992.
Xưa kia, chùa được xây dựng tại khu vực Cồn Bệ, một cồn đất nằm ở phía Tây của làng, nhưng sau do một thầy địa lý xét thấy phong thủy nơi đó không được tốt nên khuyên dân làng di chuyển đến vị trí hiện nay, tức ở xóm Phước Tự, giáp với địa giới làng Phú Lễ.
Giác Lương tự xưa kia có tên gọi là Giác Lương đường, là một trong những ngôi chùa xuất hiện khá sớm ở vùng Thuận Hóa. Kiến trúc chùa chủ yếu bằng gỗ lợp ngói, theo lối nhà rường xưa. Bờ nóc và bờ quyết của chùa được trang trí tứ linh: long, ly, qui, phụng. Phần nội thất chùa được trang trí các đồ án hoa văn như bát bửu, tứ linh, tứ thời: mai, lan, cúc, trúc kết hợp với các họa tiết hoa lá… Hiện chùa còn giữ được 3 pho tượng Phật cổ, một quả chuông đồng nặng 481 cân ta (gần 300 kg), đều chế tác vào năm Gia Long thứ 18 (1911) và một trống gỗ được khoét từ một thân cây lớn. Giác Lương là một ngôi chùa làng tiêu biểu của Thừa Thiên Huế, thờ cúng theo truyền thống của chùa làng, nên thờ cả Phật, Thánh, Linh… Đặc biệt chùa còn là nơi lưu giữ sắc phong của các đấng thiên thần và liệt vị Thủy tổ, bản thổ tôn trí quy y tại chùa. Vì vậy, mỗi khi làng tổ chức lễ tế đều phải đến chùa làm lễ cáo, xin cung nghinh sắc phong về làm lễ túc yết tại đình Hát rồi cung nghinh lên đình Trung làm lễ chánh tế. Sau khi tế lễ xong thì rước sắc phong về lại chùa.
- NHÀ THỜ HỌ LÊ VĂN LÀNG MỸ XUYÊN
Lê Văn là một trong những dòng họ đến khai phá đầu tiên ở làng Mỹ Xuyên (lúc đó có tên là Đa Cảm), thuộc huyện Trà Kệ. Các vị tổ họ Lê đã từng lãnh đạo công việc mở mang đất đai, được nhân dân tín nhiệm và liên tục được cử làm xã trưởng thay mặt dân làng giải quyết mọi công việc với cấp trên, vì thế dòng họ Lê được mệnh danh là “thủ tộc” – tức là họ đứng đầu của làng Mỹ Xuyên.
Nhà thờ họ Lê Văn là một trong những di tích kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu có giá trị về mặt kiến trúc gỗ truyền thống theo phong cách nhà rường dân gian xứ Huế với kết cấu theo kiểu ba gian hai chái, có hệ thống cột hàng tư, kết nối với các vì kèo, xuyên, trến, bao lam, kẻ, bẫy… với các đồ án hoa văn tứ linh: long, lân, quy, phụng, Hà đồ, Lạc thư, Bát quái, hoa lá cách điệu… Có thể nói rằng công trình này là kết tinh những gì tinh tế và khéo léo nhất từ bàn tay và khối óc của những nghệ nhân điêu khắc làng Mỹ Xuyên thế kỷ XIX.
Ngôi nhà thờ này hiện vẫn còn bảo lưu được hiện vật thờ cúng (tự khí) có giá trị. Ngoài những hiện vật bằng đồng như bộ tam sự, ngũ sự, còn có các hiện vật bằng gỗ được chế tác rất tinh xảo như án thờ, bài vị, lỗ bộ và các vật dụng khác dùng trong lễ tế ngày xưa như quả bồng, mâm gỗ vuông…, đặc biệt là các bộ tượng qui hạc (hạc đứng trên lưng rùa) đặt trên hương án rất đẹp.
Hai bảng gỗ gắn ở thượng lương của hai gian tả hữu nhà thờ đã cho biết chính xác niên đại xây dựng và các thời điểm trùng tu di tích.
Bảng gỗ thứ nhất ghi:
Từ đường cát cuộc: Nguyên cựu toạ Càn, hướng Tốn, kiêm Tuất Thìn. Phân châm Bính Tuất – Bính Thìn. Tư tái cải kiêm Hợi Tỵ, phân châm Canh Tuất – Canh Thìn.
Nghĩa là: Công cuộc tốt đẹp về việc xây dựng từ đường: Nguyên cũ trước đây, hướng của từ đường ngồi ở Tây Bắc trông hướng Đông Nam kiêm Đông Đông Nam. Phân kim Bính Tuất – Bính Thìn. Bây giờ làm lại thay đổi hướng (Đông Nam) kiêm Nam Đông Nam. Phân kim Canh Tuất – Canh Thìn.
Bảng gỗ thứ hai ghi:
Tự Đức tam thập tứ niên tuế thứ Tân Tỵ, cẩn quyên lục nguyệt, thập cửu nhật, Ngọ khắc khởi công. Bát nguyệt sơ thập nhật, Sửu khắc thụ trụ thượng lương.
Bảo Đại thập tam niên, chính nguyệt, tuế thứ Mậu Dần nhưng cựu hướng đại sùng tu.
Nghĩa là: Năm Tự Đức thứ 34 (1881), cẩn thận lựa chọn ngày tháng tốt đẹp, vào giờ Ngọ, ngày 19 tháng 6 khởi công. Đến giờ Sửu, ngày mồng mười tháng 8 dựng trụ thượng lương (khắc tiếp ngày tháng trùng tu). Năm Bảo đại thứ 13 (1938) theo đúng hướng cũ, (để tiến hành) đại trùng tu.
Như vậy, ngôi nhà thờ họ này được xây dựng từ năm Tự Đức thứ 34 (1881) trên nền ngôi nhà thờ cũ theo hướng Đông Nam, nhưng có xê dịch hướng một chút. Đến năm Bảo Đại thứ 13 (1938), ngôi nhà thờ được đại trùng tu theo đúng hướng cũ (tức là hướng trước năm 1881). Vì vậy hiện nay hướng nhà thờ này nhìn bị lệch so với la thành (xây vào năm 1881). Bên ngoài tường (phía trước) nhà thờ còn có dòng chữ ghi: Tân Sửu niên tái tu, tức ngôi nhà thờ này được tu sửa lại một lần nữa vào năm Tân Sửu (1961).
Di sản Hán Nôm gắn liền với kiến trúc nhà thờ phần lớn là các hoành phi, câu đối làm bằng gỗ với nội dung ca ngợi công đức tổ tiên, thể hiện tấm lòng thành kính của các thế hệ con cháu đối với các bậc tiền nhân đã có công vun đắp, gầy dựng nên dòng họ.
Đăc biệt có câu đối:
“Bạch quyến minh công thùy đới lệ,
Hoàng triều niệm đức kỷ kiêm tương”.
Dịch nghĩa:
Lụa trắng ghi công cùng sông núi,
Hoàng triều nhớ đức chép sử xanh.
Đây là câu đối ghi công đức vị tổ đầu tiên của dòng họ là ông Lê Cá, một trong những người đầu tiên vào khai phá lập nên làng Mỹ Xuyên. Sau đó ông trở lại quê nhà đưa hài cốt của thân phụ vào an táng nơi quê mới. Sau một thời gian, ông nhận thấy ruộng đất trong làng ít mà dân số ngày càng đông, nên đã khởi xướng việc tái khẩn hoang vùng ruộng Ma Nê (trước đó người Chăm đã từng canh tác). Trong quá trình khai hoang, ông đã cắt lấy thân chiếc áo trắng của mình đang mặc để vẽ bản đồ và ghi chép diện tích số ruộng đã khai phá được.
VII. CHIẾN KHU HÒA MỸ
Đáp ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 19-12-1946, từ 2 giờ 30 phút sáng ngày 20-12, quân dân Thừa Thiên Huế đã nhất tề nổi dậy đánh thực dân Pháp. Sau 50 ngày đêm chiến đấu anh dũng, đến đầu tháng 2-1947, các đơn vị bộ đội rút dần ra phía Bắc. Ngày 12-3-1947, Thường vụ Tỉnh ủy họp, quyết định chọn vùng Hoà Mỹ thuộc huyện Phong Điền để xây dựng thành căn cứ địa kháng chiến của tỉnh. Chỉ hơn nửa tháng sau, vào đêm 29 rạng ngày 30-3-1947, các chiến sĩ thuộc Trung đoàn Trần Cao Vân đã tiến công và tiêu diệt đồn Đất Đỏ, mở thông đường liên lạc giữa chiến khu với đồng bằng.
Hoà Mỹ ở phía Tây huyện Phong Điền, là một vùng đất bằng nằm giữa sông Ô Lâu – Rào Quao và dải núi rừng sát chân động Chuối. Do đã chuẩn bị trước, từ đầu tháng 3-1947, chiến khu Hoà Mỹ đã là nơi đứng chân của Trung đoàn chủ lực tỉnh mang tên Trung đoàn Trần Cao Vân và các cán bộ lãnh đạo kháng chiến của tỉnh. Một thời gian ngắn sau, chiến khu được phân thành từng khu vực riêng biệt, từ CK1 đến CK7, dành cho các cơ quan chuyên môn, các bộ phận có chức năng khác nhau của tỉnh: kho quân lương (CK1), cơ sở bào chế dược phẩm (CK2), công an tỉnh và Trung đoàn bộ Trung đoàn Trần Cao Vân (CK3), Phân Khu ủy Trị-Thiên và Tỉnh ủy (CK4), Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh và cơ quan báo Giết giặc (CK5), khu sửa chữa cơ khí (CK6) và bệnh viện quân y (CK7).
Tại Hoà Mỹ, từ ngày 7 đến ngày 23-3-1948, các đơn vị vũ trang đã lập được công lớn, đập tan cuộc hành quân càn quét quy mô lớn của giặc Pháp với 5 tiểu đoàn có sự phối hợp của máy bay và xe bọc thép, giữ vững được chiến khu.
Đến tháng 5-1948, Tỉnh ủy quyết định lập chiến khu mới ở Dương Hoà để có điều kiện đẩy mạnh cuộc kháng chiến trong toàn tỉnh, nhưng chiến khu Hoà Mỹ vẫn tiếp tục có những đóng góp cho sự nghiệp chung.
Đường lên chiến khu Hoà Mỹ hiện nay rất thuận tiện. Từ thị trấn Phong Điền lên tận chiến khu đường sá đều được rải nhựa. Hai bên đường nhà ở đã khang trang, vườn tược xanh tốt. Biểu tượng của chiến khu Hoà Mỹ nằm ở ngã ba, một nhánh chính đi thẳng đến khu vực của chiến khu thời chống Pháp, một nhánh rẽ đến đồn Đất Đỏ cũ, nơi đã dựng biển ghi chiến công của bộ đội đánh Pháp đêm 29 rạng 30-3-1947.
VIII. ĐỀN LIỆT SĨ
Đền Liệt sĩ huyện Phong Điền là một công trình đền ơn đáp nghĩa được đầu tư xây dựng thông qua các nguồn tài chính của Trung ương, tỉnh, huyện, nguồn huy động từ nhân dân và các doanh nghiệp trên địa bàn huyện. Đây là nơi ghi danh và thờ phụng các Anh hùng Liệt sĩ, các Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng đã từ trần, thờ cúng các Anh hùng Liệt sĩ chưa biết tên là con em ở mọi miền đất nước đã hy sinh trên địa bàn huyện trong 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc sau năm 1975.
Công trình Đền Liệt sĩ có tổng diện tích 9.600m2 với qui mô xây dựng các phần như sau: Khu đền thờ 409m2được xây dựng theo phong cách kiến trúc dân gian truyền thống của Thừa Thiên Huế (tạo dáng theo kiểu nhà rường kết hợp với kiến trúc mái cong, lợp ngói thanh lưu ly như ở các đình làng hay các nhà thờ họ tộc). Kết cấu các hàng cột, vì kèo, con tiện đều được làm bằng bê tông cốt thép với các phần đắp trang trí theo các họa tiết giả cổ với lớp sơn phủ màu gỗ chuyên dụng được dùng ở các công trình tu bổ di tích Huế, tạo cảm giác không gian của nội thất công trình như được làm bằng gỗ. Khu đền thờ được phân chia thành 3 phần chính: Phía ngoài là tiền sảnh, được kết cấu nối liền với chính điện, hai bên tiền sảnh có dựng bia với nội dung giới thiệu lịch sử và truyền thống của huyện. Bước vào phía trong là phần chính điện gồm án thờ với tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Quốc kỳ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và 20 bia ghi danh hơn 3.000 Anh hùng Liệt sĩ, 1 bia ghi danh các Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 1 bia ghi danh các Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng của huyện đã từ trần.
Trước đền là sân hành lễ rộng 1.466m2, lát gạch, hai bên phía trước và phía sau đền là công viên cây xanh với diện tích 1.974m2, trồng cỏ, hoa và cây cảnh. Đặc biệt các địa phương và các cơ quan trong huyện đã đóng góp những cây cảnh, hoa cảnh cổ thụ cùng với hệ thống các ghế đá đặt trên các lối đi dạo đã tạo nên một hoa viên đẹp và kỳ thú giữa trung tâm thị trấn huyện lỵ.
Từ ngoài vào là cổng đền gồm bốn trụ biểu uy nghi cùng với 2.300m2 sân. Đường nội bộ và hệ thống đèn trang trí chiếu sáng đã tạo nên cảnh quan hùng vĩ của một công trình văn hóa tiêu biểu, là biểu tượng tinh thần anh dũng tiến lên của toàn thể Đảng bộ và nhân dân Phong Điền trong công cuộc đổi mới của đất nước hiện nay.
([1]) Hiện đang lưu trữ tại Thư viện Quốc gia, ký hiệu VHv 834/4.
NHÂN VẬT LỊCH SỬ – VĂN HOÁ
Khai hoang lập ấp, chọn mảnh đất Phong Điền để định cư, các thế hệ tổ tiên buổi đầu đã tạo lập cho con cháu trên 20 đời về sau nối tiếp công cuộc mưu sinh. Bao nhiêu lớp người nông dân, ngư dân, thợ thủ công, trí thức đã đem hết tâm huyết sức lực để nuôi sống gia đình, xây dựng và bảo vệ quê hương để cho Phong Điền phát triển liên tục. Trong đó nổi bật lên những nhân vật lịch sử-văn hóa không chỉ đóng góp cho quê hương mà còn góp phần vào sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc. Hoàn cảnh sự nghiệp dù có khác nhưng họ đều tiêu biểu cho nhân tài của một vùng đất. Đa số sinh ra và trưởng thành trên vùng đất này, cũng có những người sống xa quê chỉ gắn bó với quê hương trong một tình cảm về cội nguồn, như Nguyễn Đình Chiểu, Hàn Mặc Tử. Và cũng có một ít người tuy chẳng có quê quán nơi đây, nhưng lúc cuối đời đã trở về sống nơi đây và đã gửi nắm xương tại đây như Lê Văn Miến, hoặc ít nhiều có quan hệ với Phong Điền và đã yên nghỉ vĩnh hằng nơi đây như Đặng Văn Hòa, Đặng Huy Trứ.
Dưới đây lần lượt giới thiệu các nhân vật lịch sử-văn hóa của Phong Điền theo trình tự thời gian.
- Hoàng Minh Hùng (thế kỷ XV)
Người làng Cảm Quyết, Nghệ An, là quan võ tham gia chiến dịch bình Chiêm năm 1470 do vua Lê Thánh Tông làm tổng chỉ huy. Thắng lợi, hưởng ứng chủ trương di dân lập ấp, tăng cường tiềm lực cho Thuận Hóa, ông đã tìm đất, trên từ khe Trăn, khe Trái, dưới là xứ Cồn Dàng (thường quen đọc theo mặt chữ Hán là Cồn Dương), chiêu tập nhân dân, lập nên làng mới tên là Cảm Quyết, huyện Kim Trà (tức làng Phước Tích). Ông còn có tục danh là Nồi, chức tước là Đô chỉ huy sứ, Vệ Cẩm Y, quản trị phó tướng Hùng Minh hầu. Ông là người khai canh của làng, cũng là một vị thuỷ tổ trong 3 họ chính đặt cơ sở cho sự hình thành nghề gốm của làng Phước Tích.
- Nguyễn Duy Năng (1534- ?)
Là một trong các vị tổ mở mang dòng họ Nguyễn Khoa làng Ưu Điềm. Năm 1574 ông đăng ký quê gốc là làng Dĩnh Uyên, huyện Phượng Nhỡn, phủ Lạng Giang, trấn Kinh Bắc (nay là tỉnh Bắc Giang) thi đỗ tiến sĩ dưới triều Mạc. Làm quan thừa chính sứ, thăng lên Trấn quốc đại tướng quân. Đây là vị tiến sĩ khai khoa của quê hương Phong Điền.
- Nguyễn Đăng Đàn (thế kỷ XVIII)
Còn có tên là Nguyễn Đăng Tường, tự là Thuần Nhất, hiệu là Bất Nhị, người làng Ưu Điềm. Từ bé vốn thông minh, học giỏi, nhưng không thích khoa cử, có tiếng giỏi về lý số và binh pháp. Tính tình điềm tĩnh, ưa làm điều thiện, vui với đạo lý, không thích vinh hoa danh lợi. Đời chúa Nguyễn Phúc Hoạt (1738-1764), ông lấy tư cách là thường dân, đến triều đình dâng bản kế sách bằng chữ Nôm, đại ý nói: người làm vua chúa nên lấy việc cầu hiền tài, nghe lời can gián là trên hết. Chúa khen lời nói đúng đắn, thiết thực, muốn mời vào bổ quan, ông từ chối, vẫn tiếp tục nghề dạy học, làm nhà ở núi Thanh Thuỷ, học trò có đến vài trăm người, phần nhiều thành đạt. Đến lúc 70 tuổi, ông vẫn bền chí, đức hạnh tốt đẹp, người đời kính trọng, tôn xưng là Siêu Quần tiên sinh (bậc thầy hơn người).
Cháu nội là Nguyễn Đăng Trường làm quan tham tán đời chúa Nguyễn Phúc Thuần 1765-1777), ngăn quân Trịnh ở sông Bồ thất bại, năm 1776 vượt biển vào Nam, bị Nguyễn Huệ bắt, đối xử tốt đẹp, muốn trọng dụng, nhưng từ chối được cho đi. Vào Sài Gòn, năm 1777, quân Nguyễn Huệ đánh vào bắt được, mới bị hành hình. Nổi tiếng là người trung nghĩa với chúa Nguyễn.
- Nguyễn Quang Tiền (thế kỷ XVIII)
Người làng Phò Ninh. Học giỏi thi đỗ khoa thi Văn chức, được bổ làm quan Hàn Lâm. Thường chấp bút soạn thảo văn thư ngoại giao với các nước lân bang. Khi Nguyễn Phúc Hoạt xưng vương hiệu, muốn ghi vào văn thư giao thiệp, Quang Tiền phản đối, bị bãi quan. Năm 1765, Nguyễn Phúc Thuần kế vị lại mới vào làm quan như cũ. Nổi tiếng là học rộng biết nhiều, hay thơ và giỏi thiên văn.
- Cao Đình Độ (?-1810)
Quê hương Cẩm Thuỷ, Thanh Hóa vào Nam làm con nuôi của một người thuộc họ Trần Duy làng Kế Môn. Học được nghề luyện vàng bạc, chế tác nữ trang của người Hoa, vào làm việc tại cuộc thợ vàng (Kim Tượng cuộc) của triều Tây Sơn. Đời Gia Long tiếp tục làm việc tại đây. Đã truyền nghề cho con và dân làng Kế Môn, làm cho cư dân Kế Môn nối tiếp được nghề truyền thống này. Mất ngày 7-2-1810. Mộ tại xứ Trường An, nay là phường Trường An, thành phố Huế. Trở thành đệ nhất tổ sư của nghề kim hoàn Đàng Trong.
- Cao Đình Hương (? -1870)
Con trai của Cao Đình Độ, nối nghiệp cha làm thợ cả trong Nội kim tượng cuộc của triều Nguyễn. Mất ngày 27-2-1870, mộ cũng táng cạnh cha. Được tôn vinh là Đệ nhị Tổ sư của nghề kim hoàn Đàng Trong. Hai ngôi mộ được giới thợ vàng gọi là mộ Tổ. Nhà thờ tổ nghề kim hoàn được dựng ở Huế cuối thế kỷ XIX để phụng thờ hai ông. Cả mộ và nhà thờ đã được cấp bằng di tích văn hóa lịch sử quốc gia theo quyết định ngày 22-3-1990 của Bộ Văn Hoá Thông Tin. Đầu thế kỷ XXI, cư dân nghề kim hoàn gốc Kế Môn đã xây dựng thêm một nhà thờ Tổ tại làng, có kiến trúc đồ sộ.
- Trần Văn Kỷ (? -1801)
Người làng Vân Trình. Cha là Trần Văn Hồng, đi lính làm suất đội trưởng dưới đời chúa Nguyễn Phúc Thụ. Thông minh, học giỏi, đỗ đầu khoa thi hương ở Phú Xuân năm 1777 thời Lê Trịnh. Năm 1786, Nguyễn Huệ chiếm Phú Xuân, ông được tin dùng, làm đến Trung thư phụng chính. Cảnh Thịnh nối ngôi, ông vẫn được trọng dụng. Nhưng Thái sư Bùi Đắc Tuyên chuyên quyền, đày ông làm lính ở trạm Hoàng Giang (Phước Tích). Năm 1794, khi Võ Văn Dũng ổn định được tình hình, ông trở về làm Trung thư phụng chính, tước Kỷ Thiện Hầu. Ông đã gợi ý nhân dân vùng quê ven sông Ô Lâu trồng mưng, cừ chắn gió bấc. Khi Nguyễn Ánh chiếm Phú Xuân, ông bị giam lỏng. Ngày 24-12-1801, ông tự trầm ở Ngã Ba Sình để giữ khí tiết. Lăng mộ ông ở Vân Trình đã được cấp bằng Di tích văn hoá- lịch sử quốc gia.
- Nguyễn Văn Khiêm (1759-1814)
Quê làng nào không rõ, lúc đầu theo cha là Nguyễn Văn Nguyên vào Gia Định, năm 18 tuổi vào lính làm thủ hạ của Cai cơ Hoàng Văn Lịch. Tham gia chiến dịch thu phục Phú Xuân, được thăng làm Đô thống chế, thuộc vệ Túc trực, quân Thần sách. Mùa Đông lại trông coi việc đúc chín khẩu súng thần oai vô địch đại tướng quân. Năm Gia Long thứ 5 (1806), đổi làm Đô thống chế vệ Thị trung. Năm 1814, đau bệnh mất, thọ 56 tuổi, được tặng Thiếu bảo quận công. Con là Nguyễn Thường Tuân được cưới công chúa, làm phò mã đô uý.
- Hoàng Văn Cẩn (cuối thế kỷ XVIII-đầu thế kỷ XIX)
Người làng Hiền Lương. Xuất thân thợ rèn, tham gia trong quân đội của Nguyễn Ánh. Sau khi trở về Phú Xuân được thăng làm Chưởng cơ thuộc Nội khâm sai, chánh quản Sở Nhà Đồ, là một cơ sở xây dựng và chế tác của triều đình, tước là Cẩn Thận hầu, trực tiếp chỉ huy việc đúc 9 khẩu súng thần oai vô địch đại tướng quân (hiện nay đang đặt ở hai bên cửa Thể Nhân và Quảng Đức – Kinh thành Huế).
- Hoàng Văn Lịch (cuối thế kỷ XVIII-đầu thế kỷ XIX)
Người làng Hiền Lương. Xuất thân thợ rèn, theo phò Nguyễn Ánh làm đến cai cơ. Năm 1839, ông được bổ làm chánh giám đốc công coi việc sửa chữa chiếc tàu hơi nước mới đóng của Võ khố bị vỡ nồi hơi không chạy được. Thành công được ban thưởng. Tiếp đó tháng 11-1839, đóng thêm một chiếc tàu lớn và tháng 5-1840 hoàn tất một tàu hạng trung. Hoàng Văn Lịch có thể xem như là ông tổ của nghề đóng tàu máy hơi nước của Việt Nam. Vua Minh Mạng đã phong cho ông tước Lương Sơn hầu.
- Nguyễn Lương Nhàn (?-1849)
Người làng Hiền Lương. Năm 1801 vào lính, dần dần lập được nhiều chiến công. Năm 1834 làm cai đội, tham gia bình định phía Nam. Năm 1841, làm Chưởng vệ bổ lãnh binh An Giang dẹp phỉ, chiến thắng được làm Đề đốc An Giang. Năm 1847, làm Hữu quân Đô thống, lãnh Tổng đốc Nam Nghĩa. Mất năm 1849.
- Thân Văn Quyền (1771-1837)
Quê làng An Lỗ, cư trú Nguyệt Biều. Theo học văn nho rồi dạy học suốt 30 năm, được tiến cử, bổ chức Giáo thụ phủ Thăng Hoa. Năm sau về làm Tư nghiệp trường Quốc Tử Giám, rồi làm thầy dạy các hoàng tử. Trải qua nhiều chức quan do thăng giáng, năm 1833 làm Án sát Tuyên Quang, rồi thị lang Bộ Hộ, Bộ Lễ. Phạm lỗi bị cách chức. Năm 1830 được khôi phục chức Tư vụ. Năm 1837 thăng Án sát Định Tường, rồi Án sát Gia Định. Mất tại chức ở Gia Định năm 1837, được đưa về an táng ở quê nhà.
- Thân Văn Nhiếp (1804-1872)
Con thứ của Thân Văn Quyền. Đỗ đầu khoa thi Hương năm 1841 tại Thừa Thiên. Trải qua nhiều chức quan tại kinh và các tỉnh. Năm 1858, ông làm Thự Bố Chánh Quảng Nam. Pháp đánh Quảng Nam, ông bị cách chức. Khi Pháp chiếm 3 tỉnh Nam Kỳ, ông được giao chức Tả thị lang Bộ Binh sung hiệp tán quân thứ tỉnh Biên Hòa. Ông đã cùng đồng sự hoạt động đánh Pháp nhưng không có kết quả. Năm 1862, đổi làm Bố chánh Bình Định, năm sau thì làm Hữu thị lang Bộ Lại. Năm 1864, làm Thự tham tri Bộ Binh, hộ lý Tổng đốc Bình Phú. Ông đã dâng sớ xin cấm nha phiến, rồi lại dâng sớ khuyên vua giảm du hí mà chăm lo tự cường và chống ngoại xâm. Năm 1869, thăng Tổng đốc Bình Phú. Lâm bệnh và mất tại chức năm 1872, vua cho di quan về táng tại quê nhà.
- Cao Hữu Dực (1799-1858)
Còn có tên Cao Hữu Bằng, người làng Thế Chí Tây. Thi đỗ cử nhân khoa 1825. Năm sau làm Hành tẩu phòng văn thư. Năm 1833, làm Án sát Hà Tĩnh, rồi Thự bố chính, có công. Năm 1837, được chọn làm Thị Lang bộ Binh, sung hiệp tán ở Trấn Tây. Từng dâng sớ điều trần các việc trị an nơi đây. Năm 1840, tình hình biến động, ông bị giáng làm Viên ngoại lang bộ Binh, vẫn giữ công việc hiệp tán. Năm 1841, quân triều đình rút khỏi Trấn Tây, ông về Bố chánh An Giang, rồi bị truy lỗi, giáng xuống Tư vụ nhưng lãnh Án sát An Giang. Năm 1843, đổi về Gia Định rồi thăng thự tuyên phủ sứ Tây Ninh. Ông đã chiêu dụ dân Khmer an cư, lập ấp, cấp cho họ trâu bò, nông cụ để giữ vững biên cương. Năm 1845, được về kinh thăng hàm Thị lang bộ Binh, làm Thự Tuần phủ An Giang, rồi Tuần phủ Hà Tiên. Năm 1852, thăng Thự Tổng đốc An Hà, đóng góp nhiều công sức trong việc chiêu dụ nhân dân yên ổn làm ăn, trồng trọt. Năm 1859, ông lâm bệnh mất tại chức. Vua truy tặng Hiệp biện đại học sĩ, sai đưa quan tài về quê và cử quan đến tế.
Con là Cao Hữu Sung làm quan đến Tuần phủ hưu trí. Cháu nội là Cao Hữu Lương đỗ khoa thi hương. Đây cũng là một vọng tộc ở làng Thế Chí Tây.
- Đặng Văn Hòa (1791-1856)
Quê nội Hiền Sĩ, nhập tịch Bác Vọng, cư trú Thanh Lương. Đỗ cử nhân 1813, làm quan từ tri huyện Hà Đông thăng dần lên đến quyền Tổng trấn Bắc Thành, tuần phủ Hà Nội, tổng đốc Định Yên (1832-1835), tổng đốc Hà Ninh (1835-1839), thượng thư Bộ Công (1839), tổng đốc Bình Phú (1840-1842), rồi Bình Biên (1842), Định Yên (1843)… rồi thượng thư bộ Lễ, bộ Hình và Tổng tài Quốc sử quán, mất tại chức năm 1856, truy tặng Văn Minh điện đại học sĩ. Làm quan lớn, ông đã quan tâm đốc thúc nhiều việc đóng góp công sức trên nhiều địa phương: Hà Nội, Hưng Yên, Bình Định, Quảng Nam. Tại Phong Điền, ông đã đúc chuông cúng cho chùa làng Hiền Sĩ, chùa Hòa Viện…
- Nguyễn Tri Phương (1800-1873)
Xuất thân gia đình thợ mộc ở làng Đường Long (tức Chí Long, xã Phong Chương), nguyên tên Nguyễn Văn Chương tự Hàm Trinh, hiệu Đường Xuyên. Ban đầu làm thư lại tại huyện rồi chuyển vào Thừa ty ở phủ Nội vụ năm 1823, thăng lên tham tri bộ Lễ (1837). Năm 1840 làm thự tuần phủ Nam Ngãi, năm 1841 lại làm tuần phủ An Giang, đẩy lui quân Xiêm xâm lược, rồi Tổng đốc Long Tường (1842), giữ yên bờ cõi phía Nam và giúp dân khai thác ruộng đất.
Năm 1850, cử làm Kinh lược Nam Kỳ, lãnh tổng đốc Định Biên, kiêm coi 2 đạo Long Tường, An Hà, dâng sớ xin mở đồn điền, lập ấp nơi đây. Năm 1853 về Huế, thăng Đông Các đại học sĩ. Khi Pháp đánh Đà Nẵng (1858), ông làm Tổng thống quân thứ Quảng Nam cùng các tướng lo chống cự. Năm 1860, Pháp tiếp tục đánh Nam Kỳ, ông được cử vào đối phó, lập đại đồn Kỳ Hòa. Năm 1862, Pháp dốc lực tấn công, đại đồn thất thủ, ông bị thương, em là Nguyễn Văn Duy tử trận. Tiếp đó triều đình ký hàng ước, ông lại ra Bắc chỉ huy việc đánh dẹp các cuộc nổi dậy. Khi Pháp đánh Hà Nội, ông đã ra sức chống giữ, thành vỡ, ông bị thương nặng, không chịu để giặc băng bó, ông nhịn đói tử tiết một tháng sau vào ngày 20-12-1873. Triều đình cho binh phu hộ tống linh cữu về quê an táng.
Ít năm sau, vua Tự Đức cho dựng Trung Hiếu từ ở Chí Long để thờ tự cả 3 vị anh, em và con, gọi là đền Tam Trung. Nay đã được cấp bằng Di tích lịch sử – văn hóa Quốc gia.
- Nguyễn Văn Duy (1810-1861)
Hiệu Nhữ Hiên, em ruột Nguyễn Tri Phương. Khởi nghiệp đi làm thầy đồ. Năm 1841 đỗ cử nhân, năm sau đỗ Tiến sĩ, được bổ Hàn lâm viện biên tu, năm 1845 làm tri phủ Tân An, 1847 tri phủ Quảng Hoá, rồi tri phủ Quảng Ninh (1849).
Năm 1851 làm Hàn lâm viện thị độc, sung kinh diên khởi cư chú, giúp vua Tự Đức học tập, rồi làm thị giảng, sung phó sứ đi Trung Quốc. Năm 1855, trở về thăng Hồng Lô tự khanh, sung biện lý bộ Lại. Năm 1856, giặc Pháp gây hấn ở Đà Nẵng, ông được cử vào cùng Đào Tri Phú lo việc bố phòng và đàm phán. Khi Pháp tấn công, Nguyễn Tri Phương từ Nam ra chỉ huy chống giữ, ông lại xin vào góp sức. Khi Pháp lại tấn công Gia Định, ông được cử vào làm tán lý quân vụ Định Biên, cùng các quan lo việc chống cự, xây đồn Phú Thọ. Ngày 25-2, đồn Kỳ Hòa vỡ, Nguyễn Văn Duy bị tử thương. Về sau đã cải táng ở quê nhà tại thôn Chánh An.
- Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888)
Tuy sinh tại Gia Định, nhưng quê cha tại Bồ Điền, Phong Điền và chính tại quê hương này, văn tài của ông đã được un đúc. Năm 11 tuổi ông được cha đưa về quê ăn học suốt 10 năm mới trở lại Gia Định thi đỗ tú tài. Năm 25 tuổi lại về quê chuẩn bị thi tiếp thì được tin mẹ mất, phải trở về thọ tang, dọc đường ông ốm nặng và khóc thương mẹ nên mắt mù. Ông bắt đầu học Đông y, trở về Gia Định dạy học và bốc thuốc. Năm 1859, giặc Pháp đánh chiếm thành Gia Định, ông trở về quê vợ ở Cần Giuộc. Khi Pháp tiến đến Cần Giuộc, ông lại về Ba Tri (Bến Tre), tiếp tục dạy học, làm thuốc và làm thơ văn cổ động tinh thần giết giặc cứu nước và cảnh tỉnh người đời. Tác phẩm gồm có: Truyện Lục Vân Tiên, Dương Từ – Hà Mậu, Ngư tiều y thuật vấn đáp, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Văn tế Trương Định, Văn tế sĩ dân lục tỉnh…
- Nguyễn Hữu Hào (thế kỷ XIX)
Trước tên Nguyễn Hữu Văn, người làng Ưu Điềm. Thi đỗ cử nhân năm 1841. Đã từng làm tri huyện Nam Chân. Về sau làm biện lý bộ lại, bị lỗi phải bãi chức. Trong thời gian làm tri huyện Nam Chân có sưu tầm những chuyện dân gian truyền kỳ ở vùng này, viết thành Nam Chân tạp ký (ghi chuyện vặt ở Nam Chân) (nay thuộc huyện Nam Ninh, tỉnh Nam Định), gồm 16 huyện rất ngắn có tính chất hoang đường. Ngoài ra, ông còn có tập thơ Nam Chân lục vịnh.
- Hoàng Ngọc Chung (thế kỷ XIX)
Người Phong Điền. Lúc trẻ am hiểu võ nghệ. Ban đầu làm thơ lại trong phủ hoàng tử Hồng Nhậm, rồi chuyển sang thị vệ, làm vệ uý sung hiệp lĩnh thị vệ. Năm 1859, Pháp đánh Gia Định, vua Tự Đức chọn đi làm tán tương quân vụ nơi đây. Tháng 4-1859, Pháp tấn công Phú Thọ hữu đồn, ông đã tử trận. Được truy tặng Thống chế, thờ vào Trung Nghĩa từ.
- Nguyễn Trung (?-1883)
Người Phong Điền. Dũng cảm, mưu lược, năm 1853 vào lính được bổ đội trưởng, thăng dần lên cai đội, rồi vệ úy. Năm 1883 được thự chưởng cơ, cùng với Hữu quân Lê Sỹ, thống chế Lê Chuẩn cầm quân đóng giữ cửa Thuận An. Khi Pháp đánh vào Thuận An, thành Trấn Hải bị thất thủ, cả ba đều bị hy sinh. Ông được truy tặng chưởng vệ, thờ ở Trung Nghĩa từ.
- Nguyễn Văn Cao (thế kỷ XIX)
Quê Thanh Hoá, là một thợ cả giỏi về nghề chạm, nghề mộc, bịt trống, khảm cẩn, được tuyển vào làm ở Mộc tượng ty ở Kinh thành Huế dưới đời Minh Mạng. Con trai của ông là Nguyễn Văn Thọ tiếp tục nghề nghiệp gia truyền, lấy vợ thuộc dòng họ Lê Độ ở làng Mỹ Xuyên. Khi mãn hạn dưới triều Tự Đức (1848-1883) hai ông trở về định cư tại làng Mỹ Xuyên và truyền nghề cho trai tráng trong làng, trở thành hai vị Tổ của nghề mộc chạm Mỹ Xuyên.
- Đặng Huy Trứ (1828-1874)
Quê tổ là Hiền Sĩ, nhập tịch Bác Vọng, cư trú Thanh Lương. Ông là con của thầy đồ Đặng Văn Trọng. Học giỏi, thông minh, tự là Hoàng Trung, hiệu Vọng Tân và Tĩnh Trai. Ông đỗ thi hương năm 1843, vào Quốc Tử Giám ôn tập rồi dự khoa thi hội 1844 được trúng cách, nhưng vào thi đình bị quy là phạm lỗi “khiếm trang” khi có dùng 4 chữ “gia miêu chi hại” (cái hại của giống lúa tốt), trùng với tên làng của vua chúa nhà Nguyễn, nên bị cách tuột cả cử nhân. Sau mấy năm dạy học, ông lại thi và đỗ đầu khoa thi hương năm 1847. Trong lúc chờ bổ, ông đã tiếp tục dạy học và đã từng ra dạy học ở Mỹ Xuyên và Ưu Điềm. Từ 1855 bổ quan, trải qua nhiều chức vụ, đã từng sang Hương Cảng thám thính tình hình các nước phương Tây. Ông là người có đường lối đổi mới, cách tân đất nước, chú trọng thương nghiệp. Cũng là người mở hiệu ảnh đầu tiên ở Hà Nội, được xem là tổ nghề nhiếp ảnh. Năm 1871, ông làm Bang biện quân vụ Lạng Bằng Ninh Thái, theo Hoàng Kế Viêm đánh giặc ở biên giới. Năm 1873, Pháp đánh vào Hà Nội, quân ta thất bại, ông cùng Hoàng Kế Viêm rút về căn cứ Đồn Vàng tổ chức chống giữ. Nơi đây, ông bị bệnh và mất ngày 7-8-1874, được đưa về an táng tại Hòn Thông, làng Hiền Sĩ. Viết rất nhiều tác phẩm văn thơ và đã khắc in vào năm 1868, nổi bật là Đặng Hoàng Trung văn sao và thi sao. Mộ và nhà thờ ông đã được cấp bằng Di tích Lịch sử Quốc gia.
- Trương Như Cương (1844-1919)
Người làng Hiền Lương, đỗ cử nhân năm 1867, được bổ làm thừa biện ở viện Tàng Thơ, trải qua nhiều chức thuộc quan, đã thăng lên Án sát Hưng Yên, Bố chánh Quảng Bình rồi Thị lang bộ Binh. Sau 1885, làm phủ doãn Thừa Thiên, rồi Tuần vũ Thanh Hoá và tổng đốc Thanh Hóa. Đời Thành Thái lại về triều làm thượng thư bộ Công, sung đại thần Viện Cơ Mật, rồi thượng thư bộ Lại, thăng Võ Hiển đại học sĩ, tước Hiền Lương bá, sung phụ chính đại thần. Đời Duy Tân, được phong tước là Hiền Lương hầu. Năm 1917 dâng sớ xin hồi hưu. Cách năm sau tạ thế, thọ 76 tuổi, được tặng Văn Minh điện đại học sĩ.
- Nguyễn Lộ Trạch (1853-1898)
Người làng Kế Môn, con của tiến sĩ Nguyễn Thanh Oai (1816-1876) tổng đốc Ninh Thái. Ông thông minh học giỏi, nhưng không theo đường khoa cử. Ông đọc được nhiều sách mới, từ đó chủ trương canh tân đất nước. Ngay từ năm 25 tuổi, ông đã gửi lên Triều đình bản điều trần Thời vụ sách thượng. Năm 1882 lại dâng lên bản Thời vụ sách hạ. Năm 1884, lại cùng với Phạm Phú Đường dâng thơ lên các quan phụ chính đại thần. Cuối thu năm này ông đã tập hợp các điều Trần và thơ trên đặt tên là Quỳ Ưu lục. Năm 1892 nhân kỳ thi hội có đề thi hỏi về thế giới, dù chẳng thi, nhưng nhân việc này ông đã viết bài Thiên hạ đại thế luận để cảnh tỉnh sĩ phu. Năm 1895 ông đi vào Phan Thiết, dự định cùng Trương Gia Mô xuất dương nhưng không thành. Trở về, ông đã bị bệnh và mất ở Bình Định vào ngày 17-2-1898.
- Hồ Tá Bang (1875-1942)
Quê làng Kế Môn, Phong Điền, cư trú ở Phan Thiết, là một nhân sĩ yêu nước nửa đầu thế kỷ XX. Thời niên thiếu ông theo học văn nho nhưng không dự thi. Năm 1888, ông làm ký lục tại Toà sứ Phan Thiết. Năm 1905, hưởng ứng phong trào Duy Tân, cùng các đồng chí lập trường Dục Thanh và công ty Liên Thành ở Phan Thiết. Những hoạt động kinh tế và giáo dục này nhằm thúc đẩy việc duy tân, cứu nước. Tháng 8-1910, ông cùng Trương Gia Mô đưa Nguyễn Tất Thành vào Sài Gòn tìm đường sang Pháp. Khi trở về, ông tiếp tục điều hành trường Dục Thanh. Mất năm 1942, phần mộ tại đồn điền của ông nằm cách thành phố Phan Thiết 10km.
- Lê Văn Miến (1874- 1943)
Người làng Ông La, xã Kim Khê, huyện Nghi lộc, Nghệ An. Là một họa sĩ hiện đại đầu tiên và cũng là một nhà giáo cao cấp cuối thời phong kiến, người đã gắn bó với mảnh đất Phong Điền trong những năm cuối đời. Năm 1888, ông là một trong 3 thiếu niên được chọn đi du học Pháp, tại trường Thuộc địa ở Paris. Sau đó, ông lại tiếp tục học hội họa ở trường Mỹ thuật Paris. Năm 1895 về nước, trải qua 3 năm làm công cho một cơ sở in tại Hà Nội, rồi 1 năm làm thư ký cho Đào Tấn, tổng đốc An Tĩnh, ông được cử làm Đốc giáo trường Pháp Việt ở Vinh. Năm 1902 lại vào Huế làm Hành tẩu bộ Công. Hai năm sau trở lại trường Pháp Việt ở Vinh cho đến 1907. Từ năm 1907 đến năm 1913 dạy vẽ và Pháp văn ở trường Quốc Học Huế. Năm 1913 lại bị điều làm trợ giáo, rồi phó đốc giáo trường Hậu Bổ ở Huế cho đến năm 1921, được thăng làm tế tửu trường Quốc Tử Giám. Năm 1929, do mắt mờ, ông đã xin nghỉ hưu, được tặng hàm Lễ bộ thượng thư trí sự, tước Tư Thiện đại phu. Lúc này ông đã chọn mua đất khai hoang ở xứ Trường An (nay là làng An Thôn). Từ đó thỉnh thoảng ông ở tại đây, hay về Thế Chí Đông và về Huế tuỳ theo sức khoẻ. Năm 1939, các học trò cũ ở 3 trường Quốc Học, Hậu Bổ và Quốc Tử Giám đã mua tặng ông một ngôi nhà ngói vách ván ở cạnh chợ Trạch Tả và ông đã ở nơi đây đến khi mất, ngày 6-6-1943. An táng tại sinh phần đã chọn ở xứ Trường An.
Ông là hoạ sĩ hiện đại đầu tiên của hội hoạ Việt Nam, còn để lại nhiều tác phẩm xuất sắc tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam như bức Bình văn, Chân dung cụ Tú Mền.
- Trần Đình Bá (1870 – 1934)
Quê làng Hiền Lương, xuất thân nhà nghèo nhưng có chí học tập, đỗ cử nhân năm 1897 và đỗ phó bảng năm sau dưới triều vua Thành Thái. Trải qua nhiều chức thuộc quan, đã thăng lên Án sát Thanh Hóa, Bố chánh Hà Tĩnh, Thị lang Bộ Hình, Bố chánh Quảng Bình, Tuần vũ Quảng Ngãi, tổng đốc Nghệ An và thăng Hiệp tá Đại học sĩ lãnh thượng thư Bộ Hình, sung Cơ mật viện đại thần. Dù làm quan vào thời thực dân thống trị, nhưng ông đã giữ vững tiết tháo, làm được nhiều việc bênh vực cho dân và sĩ phu. Năm 1925, ông đã xin cáo quan trở về.
- Lê Nhữ Lâm (1881 – 1963)
Quê làng Vân Trình, xuất thân ấm sinh, thi đỗ cử nhân năm 1906 triều Thành Thái. Trải qua các chức thuộc quan, thăng lên đến Hàn lâm viện thị giảng và sung chức Giảng tập cho Hoàng tử Vĩnh Thụy. Đã theo Vĩnh Thụy sang Pháp trong suốt thời kỳ du học. Năm 1933, trở về nước, được bổ làm Tổng tài Quốc Sử quán, chỉ đạo việc biên soạn các phần tiếp theo của bộ Đại Nam thực lục. Sau Cách mạng tháng Tám, ông trở về quê cư trú, sống bình dị mộc mạc giữa xóm làng. Đến năm 1963 mới qua đời.
- Thanh Hải (1930-1980)
Quê làng Phò Trạch. Tên thật là Phạm Bá Ngoãn, xuất thân trong một gia đình nghèo, cha làm thầy dạy học trường tổng. Ông học trường Trung học Bình dân ở Liên Khu V, tham gia kháng chiến chống Pháp, làm Chính trị viên đoàn Văn công Thừa Thiên. Rồi ở lại tham gia kháng chiến chống Mỹ, trên mặt trận văn hóa văn nghệ. Là một nhà thơ tiêu biểu trong văn học chống Mỹ ở Miền Nam. Tác phẩm gồm có Những đồng chí trung kiên (1962) gồm những bài thơ viết trong giai đoạn cách mạng miền Nam gặp khó khăn (1954-1959). Năm 1965, ông được tặng giải thưởng Văn học Nguyễn Đình Chiểu. Các tập thơ tiếp theo là Dấu võng Trường Sơn (1997), Mùa xuân đất này (1982). Cho đến cuối đời, thơ ông vẫn tràn đầy sức sống. Ông lâm bệnh mất ngày 15-12-1980.