Giới thiệu khái quát thị xã Hương Thủy

thị xã Hương Thủy - Tỉnh Thừa Thiên Huế

Giới thiệu khái quát thị xã Hương Thủy

Thị xã Hương Thủy có vị trí địa lý khá thuận lợi cho việc phát triển đô thị và giao thương kinh tế. Phía Đông giáp huyện Phú Lộc, Phú Vang, phía Tây giáp thành phố Huế và thị xã Hương Trà, phía Bắc giáp huyện Phú Vang, thành phố Huế, phía Nam giáp huyện Nam Đông và Phú Lộc.

Nằm ở cửa ngõ phía Nam của thành phố Huế, Thị xã Hương Thủy có diện tích là 456 km2, dân số 100.313 người, mật độ dân số 220 người/km2. Theo Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 09 tháng 2 năm 2010 của Chính phủ, huyện Hương Thủy trở thành thị xã Hương Thủy – đánh dấu bước trưởng thành và chặng đường phát triển mới nhanh hơn. Toàn thị xã có 12 đơn vị hành chính, trong đó có 5 phường (phường Phú Bài, Thủy Dương, Thủy Phương, Thủy Châu, Thủy Lương) và 7 xã (Thủy Vân, Thủy Thanh, Thủy Bằng, Thủy Tân, Thủy Phù, Dương Hòa, Phú Sơn).

Giáp ranh thành phố Huế về phía Bắc, cách Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô chừng 30 km về phía Đông-Nam, nằm trên tuyến hành lang kinh tế Đông -Tây, thị xã Hương Thủy có điều kiện giao thông khá thuận lợi: có quốc lộ 1A và đường sắt Bắc – Nam chạy qua nối Hương Thủy với các đô thị lớn trong vùng và cả nước; có quốc lộ 49A nối Hương Thủy với vùng ven biển, đầm phá của tỉnh về phía Đông và nối với đường Hồ Chí Minh đến các cửa khẩu sang Lào và nối với các tỉnh Tây Nguyên. Trên địa bàn Thị xã có sân bay quốc tế Phú Bài, ga hàng hoá đường sắt Hương Thủy, có khu công nghiệp tập trung đầu tiên của tỉnh Thừa Thiên Huế; Hương Thủy nằm cách không xa Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô và đô thị Đà Nẵng. Đây là điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng giao thương kinh tế với cả nước và hội nhập khu vực Đông Nam Á và quốc tế.

Bên cạnh đó, Thị xã Hương Thủy là địa bàn có nhiều di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia, cấp tỉnh; có các làng nghề tiểu thủ công mỹ nghệ truyền thống nổi tiếng. Đây là tiềm năng, thế mạnh của thị xã có thể khai thác để phát triển các ngành du lịch, dịch vụ trở thành ngành kinh tế chủ đạo, mũi nhọn.

Đặc biệt, trên địa bàn Hương Thủy có Khu công nghiệp Phú Bài là trọng điểm công nghiệp của tỉnh, đang phát huy hiệu quả và trong tương lai gần tiếp tục được mở rộng quy mô và hiện đại hóa. Đây là một động lực quan trọng, tác động mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của thị xã. 

Hương Thủy có đất đai màu mỡ, tài nguyên nước dồi dào; có hệ thống sông ngòi phân bố đều trên địa bàn, hàng năm đem đến phù sa bồi đắp đất đai màu mỡ, rất thuận lợi cho phát triển một nền nông nghiệp ven đô hiện đại, thâm canh theo chiều sâu. Vùng gò đồi còn diện tích khá lớn đất chưa sử dụng, đây là tiềm năng lớn có thể khai thác đưa vào phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp, phát triển du lịch. Thị xã Hương Thủy còn nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp, làng nghề, phát triển nông nghiệp ven đô…

Những thuận lợi về vị trí địa lý – kinh tế, điều kiện giao thông, tài nguyên thiên nhiên mà Hương Thủy đang có là điều kiện tốt để mở rộng giao lưu kinh tế với các địa phương trong tỉnh, với các tỉnh trong cả nước và hợp tác khu vực, quốc tế.

Trong thời gian qua, Hương Thủy được sự quan tâm đầu tư của Trung ương, của Tỉnh, sự giúp đỡ của các sở, ban ngành, Đảng bộ và nhân dân Thị xã Hương Thủy đã đoàn kết khắc phục vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tập trung huy động các nguồn lực, khai thác và sử dụng có hiệu quả tiềm năng thế mạnh của địa phương, từng bước xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa, đưa lại nhiều thành quả quan trọng, tạo chuyển biến cơ bản về chuyển dịch nền kinh tế địa phương từ một huyện nông nghiệp sang thị xã phát triển công nghiệp và dịch vụ.

Những năm gần đây, công nghiệp của thị xã đạt tốc độ tăng trưởng nhanh. Trên địa bàn thị xã có Khu công nghiệp Phú Bài là trọng điểm kinh tế của tỉnh và cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp Thủy Phương đã tập trung được nhiều dự án công nghiệp, nhà máy lớn. Diện mạo của thị xã, đặc biệt là hạ tầng giao thông và hệ thống điện, nước đã và đang thay đổi tích cực. Cùng với sự tăng trưởng kinh tế, các vấn đề đời sống xã hội cũng không ngừng được nâng cao, lĩnh vực giáo dục, y tế được tăng cường cả về cơ sở vật chất và chất lượng hoạt động.

Thị xã Hương Thủy đang được định hướng tập trung xây dựng và quy hoạch phát triển không gian đô thị, đặc biệt là Khu trung tâm, Khu hành chính tập trung. Đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội theo hướng cơ cấu kinh tế Dịch vụ – Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp – Nông nghiệp. Tập trung phát triển thương mại dịch vụ và du lịch, khai thác có hiệu quả tiềm năng lợi thế về điều kiện tự nhiên, sinh thái, truyền thống văn hóa, lịch sử của địa phương. Thực hiện mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới theo hướng phát triển đô thị (đã có 4/7 xã được công nhận đạt tiêu chuẩn nông thôn mới)…

Với phần lớn diện tích các xã, phường giáp ranh với thành phố Huế như Thủy Vân, Thủy Dương, Thủy Thanh nằm trong quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu đô thị mới của tỉnh như Khu đô thị An Vân Dương, Khu đô thị Đông Nam Thủy An, Khu đô thị và nhà ở An Đông… do đó thị xã đã tranh thủ tốt những thuận lợi để đẩy nhanh quá trình đô thị hóa. Trong 3 năm qua, thị xã Hương Thủy đã chủ động, tích cực triển khai thực hiện nhiều quy hoạch có tính chiến lược và lâu dài, bền vững, định hướng cho phát triển không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị. Hiện nay một phần của khu đô thị An Vân Dương trên địa bàn thị xã Hương Thủy đang được đô thị hóa mạnh mẽ với nhiều dự án phát triển đô thị đang được thực hiện đã tạo cho diện mạo Hương Thủy mang dáng dấp của một đô thị hiện đại, văn minh.

Ngoài ra, Hương Thủy còn được Tỉnh quan tâm đầu tư hình thành một số cụm công nghiệp, làng nghề, khu du lịch, dịch vụ; tiếp tục hoàn thiện hạ tầng đô thị Phú Bài cùng cơ sở hạ tầng nông thôn… Đó là những nền tảng cơ bản, tạo điều kiện thuận lợi để thị xã Hương Thủy tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội trong giai đoạn tới hướng đến mục tiêu xây dựng Hương Thủy trở thành một trong những đô thị hiện đại, giàu đẹp, văn minh; một trong những trung tâm kinh tế động lực, có tăng trưởng kinh tế cao, chuyển biến mạnh về chất lượng tăng trưởng gắn với phát triển bền vững; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng hiện đại, lấy công nghiệp và dịch vụ làm trọng tâm; xây dựng hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại; đời sống nhân dân được nâng cao.

Sự hình thành và phát triển của Thị xã Hương Thủy

Huyện Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên Huế được thành lập năm 1835 dưới thời Vua Minh Mạng trên cơ sở tách đất từ 3 huyện Phú Vang, Hương Trà, Quảng Điền lập thêm 3 huyện mới. Trải qua các thế kỷ, mảnh đất Hương Thuỷ đã mang nhiều dấu ấn lịch sử gắn với quá trình phát triển, đặc biệt là trong kháng chiến chống Mỹ, được Đảng và Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho Huyện và 7 Xã trong huyện. Sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất Tổ quốc, Hương Thuỷ được xác định là một đơn vị hành chính quan trọng của tỉnh Thừa Thiên Huế. Năm 1977, huyện Hương Thuỷ và huyện Phú Vang sáp nhập thành huyện Hương Phú và năm 1983 thị trấn Phú Bài được thành lập, là trung tâm chính trị, kinh tế – văn hoá xã hội của huyện Hương Phú. Cuối năm 1990, HĐBT ra Quyết định số 345/HĐBT tách huyện Hương Phú thành lập lại 2 huyện như cũ.

        Từ  đó đến năm 2009, huyện Hương Thuỷ có 11 xã  và 1 thị trấn huyện lỵ, với tổng diện tích tự nhiên: 45.817,49 ha, và dân số toàn huyện là 96.525 người (tính đến ngày 31/12/2008). Tình hình kinh tế- xã hội của Huyện được xây dựng và phát triển khá mạnh và toàn diện trên các lĩnh vực theo hướng CNH- HĐH và Đô thị hoá. Thị trấn Phú Bài- trung tâm huyện lỵ của huyện Hương Thuỷ và phần mở rộng ở 3 xã Thuỷ Lương, Thuỷ Phương và Thuỷ Châu đã được công nhận là đô thị loại IV (theo Quyết định số 659/QĐ-BXD ngày 10/6/2009 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng) và Huyện được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng nhất (Quyết định số 1320/QĐ-CTN ngày 09/9/2009).

          Đặc biệt là ngày 09/2/2010 Chính phủ ra Nghị quyết số 08/NQ-CP về việc thành lập thị xã Hương Thuỷ và thành lập các phường thuộc thị xã Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên Huế. Theo đó Thị xã Hương Thuỷ có 45.817,49 ha diện tích tự nhiên và 96.525 nhân khẩu, có 12 đơn vị hành chính, bao gồm các phường: Phú Bài, Thuỷ Châu, Thủy Lương, Thủy Phương, Thủy Dương và các xã: Thủy Bằng, Thủy Phù, Thủy Tân, Thủy Thanh, Thủy Vân, Dương Hoà, Phú Sơn.

     


     

Mã QR Code ủng hộ vansudia.net


BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây