Giới thiệu khái quát huyện A Lưới

huyện A Lưới - Tỉnh Thừa Thiên Huế

Giới thiệu khái quát huyện A Lưới

I. Lịch sử hình thành và phát triển

A Lưới là một huyện miền núi biên giới phía Tây của tỉnh Thừa Thiên Huế, là căn cứ địa cách mạng của cả tỉnh, cả nước trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Qua hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, đồng bào các dân tộc A Lưới đã có nhiều tấm gương tiêu biểu như: Anh hùng liệt sỹ A Vầu, xã Hồng Kim; Anh hùng liệt sỹ Cu Lối, xã Hồng Nam; Anh hùng Cu Trip, Anh hùng Hồ Vai, Kăn Lịch, Kăn Đơm, Bùi Hồ Dục, Hồ A Nun và nhiều tấm gương tiêu biểu khác; đồng thời, đã đóng góp 33.837 tấn lương thực, thực phẩm, 4.560 lượt dân công hỏa tuyến, 7.850 lượt công dân liên đường nhập ngũ, 1,5 triệu ngày công phục vụ chiến đấu; 577 liệt sỹ, 1.086 thương binh, hàng ngàn gia đình có công, gần 10 nghìn người và 5.000 hộ gia đình tham gia cách mạng. Nhờ những đóng góp to lớn cho cách mạng mà đã được Đảng, Nhà nước tuyên dương, phong tặng huyện A Lưới danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; 16 xã, thị trấn được phong tặng anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; 08 cá nhân được phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 12 bà mẹ Việt Nam anh hùng, 19 tập thể anh hùng lực lượng vũ trang.

Đồng thời, huyện A Lưới là địa bàn sinh sống, tụ cư lâu đời của đồng bào các dân tộc thiểu số anh em: Pa Kô, Tà Ôi, Ka Tu, Pa Hy trong các thung lũng dọc Trường Sơn, sát với nước bạn Lào anh em, đến năm 1976 huyện A Lưới được thành lập và có thêm 03 xã kinh tế mới Sơn Thủy, Phú Vinh, Hương Phong là đồng bào kinh lên xây dựng quê hương mới tại A Lưới.

Đến nay, sau 38 năm (1976- 2014) trưởng thành và phát triển, huyện A Lưới hôm nay đã thay da đổi thịt, bộ mặt nông thôn miền núi đã có nhiều khởi sắc, kinh tế – xã hội đã có những bước phát triển và đã đạt được những kết quả quan trọng: Thu nhập bình quân đầu người 14 triệu đồng/người/năm; tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất đạt 15%; tỷ lệ hộ nghèo còn 13,64%; cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư, xây dựng, như: Điện, đường, trường, trạm, thủy lợi, nước sinh hoạt,… nhờ vậy, đã có 100% thôn, bản có đường giao thông, 90% hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh, 100% xã, thị trấn có điểm bưu điện văn hóa xã (số liệu năm 2013).

II. Vị trí địa lý, đặc điểm tự nhiên

1. Đặc điểm tự nhiên

1.1. Ví trị địa lý

Địa giới huyện A Lưới được giới hạn trong tọa độ địa lý từ 1600’57” đến 16027’ 30” vĩ độ Bắc và từ 1070′ 3’ đến 10730′ 30” kinh độ Đông.

Ranh giới hành chính của huyện được xác định:

– Phía Bắc giáp huyện Phong Điền và huyện Đa Krông (tỉnh Quảng Trị);

– Phía Nam giáp huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam;

– Phía Đông giáp huyện Hương Trà, Nam Đông và thị xã Hương Thủy;

– Phía Tây giáp nước CHDCND Lào.

Huyện A Lưới nằm trên trục đường Hồ Chí Minh chạy qua địa phận 14 xã, thị trấn trong huyện đã phá thế ngõ cụt, nối liền A Lưới thông suốt với hai miền Bắc-Nam đất nước; cách không xa quốc lộ 9- trục đường xuyên Á, có thể thông thương thuận lợi với các nước trong khu vực qua cửa khẩu Lao Bảo-Quảng Trị; đồng thời, Quốc lộ 49 nối đường Hồ Chí Minh với quốc lộ 1A, đây là trục giao thông Đông-Tây quan trọng kết nối A Lưới với quốc lộ 1A, thành phố Huế và các huyện đồng bằng. Có 85 km đường biên giới giáp với nước CHDCND Lào và là huyện duy nhất trong tỉnh có 2 khẩu quốc tế A Đớt-Tà Vàng (tỉnh Sê Kông) và cửa khẩu Hồng Vân-Kutai (tỉnh SaLavan) liên thông với CHDCND Lào, đây là các cửa ngõ phía Tây quan trọng, là lợi thế để huyện mở rộng hợp tác kinh tế, văn hóa với nước bạn Lào và các nước trong Khu vực.

1.2. Địa hình

A Lưới là huyện miền núi, nằm trong khu vực địa hình phía Tây của dãy Trường Sơn Bắc, có độ cao trung bình 600-800 m so với mặt nước biển, độ dốc trung bình 20-250. Địa hình A Lưới gồm hai phần Đông Trường Sơn và Tây Trường Sơn.

– Phần phía Đông Trường Sơn, địa hình hiểm trở, độ dốc lớn, có các đỉnh cao là Động Ngai 1.774 m ở giáp giới huyện Phong Điền, đỉnh Cô Pung 1.615 m, Re Lao 1.487 m, Tam Voi 1.224 m v.v. Đây là vùng thượng nguồn của ba con sông lớn là sông Đa Krông, sông Bồ và sông Tả Trạch đổ về vùng đồng bằng của hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.

– Phần phía Tây Trường Sơn, địa hình có độ cao trung bình 600 m so mặt nước biển, bao gồm các đỉnh núi thấp hơn và một vùng thung lũng với diện tích khoảng 78.300 ha. Thung lũng A Lưới có địa hình tương đối bằng phẳng với chiều dài trên 30 km, đây là địa bàn tập trung đông dân cư của huyện.

1.3. Khí hậu

A Lưới nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, chịu ảnh hưởng của khí hậu chuyển tiếp giữa miền Bắc và miền Nam.

– Nhiệt độ trung bình trong năm khoảng 220C- 25oC. Nhiệt độ cao nhất khoảng 34oC- 36oC, nhiệt độ thấp nhất trong khoảng 7oC- 12oC.

– Lượng mưa các tháng trong năm từ 2900- 5800 mm.

– Độ ẩm tương đối trung bình các tháng trong năm 86-88%.

 – Khí hậu chia làm 2 mùa rõ rệt: Mùa mưa từ tháng 9 đến tháng 12, trong đó lượng mưa lớn tập trung vào 10 đến tháng 12, thường gây lũ lụt, ngập úng;  mùa khô kéo dài từ tháng 5 đến tháng 8, mưa ít, chịu ảnh hưởng gió Tây khô nóng, lượng bốc hơi lớn gây ra khô hạn kéo dài.

 1.4. Thủy văn

A Lưới là khu vực thượng nguồn của 5 con sông lớn, trong đó có 2 sông chảy sang Lào là sông A Sáp và sông A Lin; 3 sông chảy sang phía Việt Nam là sông Đa Krông, sông Bồ và sông Tả Trạch (nhánh tả của sông Hương).  Ngoài ra A Lưới còn có mạng lưới các suối phân bố hầu khắp trên địa bàn huyện. Phần lớn sông suối có độ dốc lớn, nhiều thác ghềnh, lòng sông hẹp, thường bị sạt lở vào mùa mưa, gây khó khăn cho xây dựng cầu, đường và đi lại.

2. Các nguồn tài nguyên

2.1. Tài nguyên đất

2.1.1. Hiện trạng đất đang sử dụng

Tổng diện tích tự nhiên toàn huyện A Lưới là 1.224,63 km2, trong đó:

a) Đất nông nghiệp: Diện tích 114.052,58 ha, chiếm 93,1% tổng diện tích tự nhiên, được sử dụng vào sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản.

b) Đất phi nông nghiệp: Diện tích 4.997,99 ha, bao gồm đất ở, đất chuyên dùng, đất tôn giáo-tín ngưỡng, đất nghĩa trang-nghĩa địa và sông suối, mặt nước chuyên dùng.

c) Đất chưa sử dụng: Toàn huyện còn 3.413,03 ha đất chưa sử dụng, chiếm 2,78% diện tích tự nhiên, chủ yếu là đất đồi núi chưa sử dụng phân bố ở những vùng ít có điều kiện thuận lợi về tưới và giao thông đi lại khó khăn.

2.1.2. Đặc điểm thổ nhưỡng.

Đất đai, thổ nhưỡng trên địa bàn A Lưới khá đa dạng, một số nhóm đất chiếm diện tích lớn bao gồm: 1) Nhóm đất feralit đỏ vàng trên đá sét và biến chất (Fs), chiếm 63% diện tích của huyện; 2) Nhóm đất feralit vàng trên đá cát (Fc), chiếm 28%; 3) Các nhóm đất khác, chiếm diện tích 9%.

2.2. Tài nguyên nước

Nguồn nước mặt: Nguồn cung cấp nước chủ yếu cho sản xuất và sinh hoạt dân cư trên địa bàn huyện A Lưới là hệ thống các sông và mạng lưới các khe suối. Trong phạm vi huyện A Lưới có các sông chính là sông A Sáp, A Lin, Tà Rình, Đakrông, sông Bồ.

Nguồn nước ngầm. Mực nước ngầm của các khu vực trong huyện khá cao. Qua khảo sát thực tế cho thấy các giếng đào của dân cho thấy mực nước ngầm có ở độ sâu từ 4 m trở lên.

2.3. Tài nguyên rừng

A Lưới có diện tích đất lâm nghiệp lớn 107.849,63 ha, trong đó diện tích đất rừng sản xuất có 45.903,28 ha, đất rừng phòng hộ 46.322,34 ha, rừng đặc dụng 15.489,10 ha; đất rừng tự nhiên là 86.647,16 ha, đất rừng trồng là 15.858,79 ha. Tỷ lệ che phủ rừng năm 2010 đạt 75%. Trữ lượng gỗ khoảng 6-7 triệu m3, với nhiều loại gỗ quí như lim, gõ, sến, mun, vàng tâm, dổi, kiền, tùng v.v. và nhiều loại lâm sản khác như tre, nứa, luồng, lồ ô, mây… Động vật rừng đa dạng và có một số loài như sao la, chồn hương, mang, nai…thuộc nhóm động vật quý hiếm cần được bảo vệ.

2.4. Tài nguyên khoáng sản

Trên địa bàn huyện A Lưới tài nguyên khoáng sản khá phong phú, trữ lượng lớn có thể khai thác theo quy mô công nghiệp, trong đó đáng kể nhất là các mỏ cao lanh, đá xây dựng, vàng, nước khoáng nóng v.v.

2.5. Tài nguyên du lịch

A Lưới là vùng núi cao mang trong mình nhiều cảnh đẹp thiên nhiên hoang sơ nhưng kỳ vỹ. Thác A Nô là một thắng cảnh nổi tiếng nằm trên địa phận xã Hồng Kim. Cách trung tâm huyện 30 km là những cánh rừng nguyên sinh và suối nước nóng rất cuốn hút và độc đáo thuộc địa phận xã A Roàng. Đây là khu rừng nguyên sinh còn khá nguyên vẹn, với diện tích khoảng 3.000 ha kéo dài từ A Lưới đến tận Quảng Nam với nhiều thác cao, vực sâu, rất hấp dẫn đối với loại hình du lịch sinh thái và dành cho những người yêu thích phiêu lưu, mạo hiểm. A Lưới còn có nhiều tiềm năng phát triển du lịch khác như động Tiến Công, núi Ta Lơng Ai, sông Tà Rình v.v.   

Bên cạnh những tiềm năng du lịch thiên nhiên sinh thái hấp dẫn, A Lưới còn có nhiều di tích lịch sử cách mạng ghi dấu các chiến công anh dũng của dân và quân A Lưới cùng cả nước. Toàn huyện có 72 di tích lịch sử, trong đó có 7 điểm di tích cấp quốc gia với những cái tên quen thuộc như sân bay A So, địa đạo A Đon, địa đạo Động So, đồi A Biah, đường Hồ Chí Minh huyền thoại v.v.

A Lưới được nhắc đến như là một vùng đất còn lưu trữ nhiều giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc. Đặc biệt là các lễ hội truyền thống văn hóa dân tộc, trong đó đậm nét nhất là lễ hội A Riêu Ping của người Pa Cô và lễ Aza. Các điệu múa, hát cha Chấp, dân ca cổ, cồng chiêng, khèn và cùng các món ăn đặc sản truyền thống như cơm nếp nương, bánh nếp A Coác, rượu đoác, rượu cần, cá suối v.v. tạo nên sự đa dạng, phong phú của văn hóa dân tộc đặc sắc nơi đây; làm cho A Lưới càng trở nên hấp dẫn để có thể khai thác phát triển du lịch văn hóa, lịch sử và du lịch cộng đồng v.v.                    

III. Đơn vị hành chính, đặc điểm dân số và truyền thống văn hóa:

1. Đơn vị hành chính:

Huyện A Lưới có 21 đơn vị hành chính, bao gồm thị trấn A Lưới và 20 xã là: Hồng Thuỷ, Hồng Vân, Hồng Trung, Hồng Kim, Hồng Hạ, Bắc Sơn, Hồng Bắc, Hồng Quảng, A Ngo, Sơn Thủy, Nhâm, Phú Vinh, Hồng Thái, Hồng Thượng, Hương Phong, Hương Lâm, Hương Nguyên, Đông Sơn, A Đớt, A Roàng. Thị trấn A Lưới là trung tâm huyện lỵ, cách thành phố Huế khoảng 70 km về phía Tây.

2. Đặc điểm dân số và truyền thống văn hóa:

A Lưới là huyện miền núi vùng cao, nằm ở phía Tây tỉnh Thừa Thiên Huế, tiếp giáp với nước bạn Lào. Theo số liệu thống kê năm 2013, dân số toàn huyện có 46,417 nghìn người, mật độ dân số 38 người/km2, trong đó trên 80% là dân tộc thiểu số, bao gồm chủ yếu là các dân tộc Pa Kô, Tà Ôi, Ka Tu, Pa Hy và dân tộc Kinh. Chính vì thế, nơi đây hội tụ đa dạng những truyền thống văn hoá dân tộc rất đặc sắc, giá trị./

Di tích – Danh thắng

A Lưới với những di tích lịch sử trên đường Hồ Chí Minh

Nói đến A Lưới, ngoài những du lịch văn hóa dân tộc thì tham quan hệ thống các di tích lịch sử cách mạng sẽ vô cùng bổ ích, thiết thực cho những đợt về nguồn.

* Hệ thống các địa đạo

 Dọc tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua địa bàn huyện A Lưới những địa đạo và hệ thống hang động đã vang danh trong các trận đánh như: A Đon, A Nôr, A Púc, A Ting, Còng A Pó, Động So A Túc, Cà Vá, Động Tiên Công, Kòng…

1. Địa đạo A Đon, nằm sát chân đồi A Đòn thuộc xã Hồng Quảng. Là nơi cất dấu và xây dựng Đài phát thanh giải phóng tỉnh Thừa Thiên Huế và chuẩn bị cho chiến thắng Mùa xuân 1975. Được công nhận tháng 10/2006.

2. Địa đạo A Nôr ở xã Hồng Kim có 3 hầm do quân và dân xã Hồng Kim đào. Đây là địa điểm hoạt động bí mật của trụ sở kháng chiến xã Hồng Kim giai đoạn từ 1965 đến 1973.

3. Địa đạo A Púc. Nằm gần suối A Púc, xã Hồng Kim. Đây là nơi trú ẩn từ năm 1967 đến 1970 của đơn vị K 200 thuộc Sư đoàn 324 Quân khu 4 do thiếu tướng Nguyễn Trunnghen làm chỉ huy trường phụ trách mặt trận đường 12 tuyến Huế – A Lưới.

4. Địa đạo A Ting ở xã A Roàng. Là hầm của Sở chỉ huy Sư đoàn 324 thuộc Quân khu 4. Đây là chỗ tập kết nhân lực và quân nhu, chuẩn bị tiêu diệt đồn và Sân bay A So vào các tháng 1,2,3 năm 1966.

5. Địa đạo Ca Vá thuộc địa phận xã Nhâm. Đây là nơi trú ẩn của đồng bào xã Hồng Quảng, che chở nuôi quân, cán bộ du kích trong vùng và các xã lân cận.

6. Địa đạo Còng A Bó nằm phía Đông của xã Hương Lâm. Đây là nơi đơn vị bộ đội mang số hiệu 643 thuộc Quân khu 4 khống chế toàn bộ khu vực 4 xã hiện nay là Đông Sơn, Hương Lâm, A Roàng, A Đớt. Địa đạo được đào năm 1963 nhằm để tham mưu cho bộ tư lệnh Quân khu chuẩn bị tấn công và tiêu diệt sân bay và đồng A SO vào tháng 3 năm 1966.

7. Địa đạo Cốp, nằm giữa địa phận 2 xã A Ngo và Sơn Thủy. Đây là đồn trú của Trung đoàn 8 Quân khu 4. Được hình thành từ năm 1967 và có di chuyển vào 1970. Và là nơi tập trung huấn luyện cho các Chỉ huy trường bộ đội địa phương. Trong địa đạo có Hội trường, trạm chỉ huy trưởng bộ đội địa phương, trạm xá. Với địa đạo này quân ta đặt sở chỉ huy trực tiếp mặt trận đường 12 tuyến A Lưới – Huế vừa khống chế thung lũng sân bay A Lưới

8. Địa đạo 49, nằm giữa địa phận xã Hồng Quảng và Nhâm. Là nơi quân đoàn thuộc Quân khu 4  làm sở chỉ huy, tập trung chủ đạo lực lượng cơ động sẵn sàng chiến đấu. Địa đạo được hình thành từ năm 1968 và di dời năm 1972, nằm về phía Đông Nam đồi A Biah gần sông A Sáp.

9. Địa đạo Hồng Kim, được đào vào cuối năm 1967, nằm gần ụ tên lửa chân đồi A túc thuộc địa phận thôn Đụt xã Hồng Kim. Địa đạo có chiều sâu 12 m, chiều rộng 1,5, chiều cao 1,8m

10. Địa đạo Nam Sơn – Hồng Bắc. Nằm dưới chân đồi A Biah. Đây là nơi tập trung huấn luyện cán bộ chỉ huy cho các trung đoàn, tiểu đoàn của mặt trận các hướng, phối hợp với các lực lượng binh chủng bảo vệ kho 61 và khống chế thung lũng A Lưới.

11. Địa đạo Động So – A Túc, Hồng Bắc. Đây là cụm địa đạo để chuẩn bị cơ sở vật chất, khí tài cho chiến trường Miền Nam mà trước tiên là chiến dịch Xuân 1968. Ngay giữa năm 1965, được sự đồng ý của Bộ chính trị, Quân ủy Trung ương quân khu Trị Thiên Huế sau nhiều lần khảo sát đã quyết định chọn dãy núi Động So – A Túc thuộc địa bàn xã Hồng Bắc, nơi rất gần với đường Hồ Chí Minh đi qua và cách trung tâm Thị trấn A Lưới không xa để đào nhiều địa đạo thành từng cụm mỗi cụm từ 2 đến 3 địa đạo, nơi đào địa đạo gần khe nước, mỗi địa đạo thường có 2 cửa cao từ 1,55m – 1,65m, rộng từ 1,35m – 1,45m làm điểm tập kết lực lượng cất giấu vũ khí, làm nơi trung nhiều đơn vị mỗi khi hành quân qua khu vực này. Sự xuất hiện của cụm địa đạo Động So – A Túc đã đáp ứng kịp thời các yêu cầu cao ở chiến trường miền Nam nói chung, Thừa Thiên Huế nói riêng, góp phần xáng đáng trong thắng lợi chiến dịch Xuân 1968.

Cụm địa đạo Đông So –  A Túc đã được Nhà nước công nhận DTLS cấp Quốc gia năm 2005 và hiện đang hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích Quốc gia cấp đặc biệt.

* Hệ thống các hang động

1. Động Kòong. Động này năm ở phía Bắc của Động Tiên Công thuộc địa phận xã Hồng Kim. Là nơi đồn trú của đại đội thông tin thuộc sư đoàn 324 Bộ Quốc Phòng từ năm 1967 đến năm 1975. Động gồm có 3 bậc. Bậc 1 sâu 16m, rộng 10m, cao 0,5m; bậc 2 sâu 1m, rộng 3m, cao 1m; bậc 3 sâu 9m, rộng 2,5m, cao 2,5m.

2. Động Kòonh Óc. Nằm ở khe Trệt, xã Đông Sơn. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, nơi đây được chọn làm trụ sở cho cán bộ hoạt động bí mật từ năm 1956 đến 1962. Tại đây đã hình thành nhiều tổ chức, cơ sở, đội, nhóm tham gia kháng chiến.

3. Động Pâr Lếêch. Nằm trên địa bàn xã A Đớt. Từ năm 1962 – 1966, tại đây đồng bào thôn Pâr Lếêch đã sử dụng động này để che chở và nuôi dấu cán bộ, bộ đội, quân du kích hoạt động kháng chiến chống Mỹ.

4. Động Tiên Công. Nằm ở độ cao 1091m, Động nằm ở lưng chừng núi A Túc, dưới chân là con sông Tà Rình, phía trước mặt có đường Hồ Chí Minh đi qua. Đứng trên động có thể quan sát toàn cảnh thung lũng A Lưới. Chính những điều kiện tự nhiên thuận lợi đó mà trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bộ đội ta đã khai thác nơi này như một trạm tiền tiêu lợi hại. Ở đây luôn có một đại đội công binh túc trực tại một quãng đất trống và bằng phẳng có bề dài hơn 300m, bề rộng hơn 150m và đây còn là nơi tập kết chuyên chỏ hàng hóa như lương thực, thực phẩm, pháo 175 ly, xe tăng thiết giáp vào kho 61. Là nơi trú ẩn kiên cố, an toàn cho hàng vạn lượt cán bộ chiến sĩ khi công tác qua đây những năm 1965 – 1976. Động Tiên Công đã được Nhà nước công nhận DTLS cấp Quốc gia năm 2005 và hiện đang hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích Quốc gia cấp đặc biệt.

* Hệ thống các di tích sân bay                                 

Để thực hiện âm mưu bình đinh các cuộc đồng khởi nổ ra ở miền núi Thừa Thiên Huế mà nhất là ở A Lưới, trong khoảng thờ gian từ năm 1957 đến năm 1965, Mỹ – Ngụy đã tốn khá nhiều công sức cho việc xây dựng ccas sân bay quân sự và sân bay dã chiến nhằm thực hiện mưu đồ đó. Nhưng với tấm lòng yêu nước, yêu quê hương bảo vệ từng bản làng. Nhân dân và các chiến sĩ ở A Lưới đã đánh phá toàn bộ hệ thống các sân bay của Mỹ – Ngụy làm cho quân thù phải khiếp sợ. Các sân bay A Co, A Lưới, A So đã gắn liền với những tên tuổi của các anh hùng Hồ Vai, Kan Lịch, Hồ Thị Đơm.

1. Sân bay A Lưới. Sân bay được xây dựng ngay giữa trung tâm Thị trấn hiện nay, bởi đây là dải đồng bằng rộng nhất huyện A Lưới có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quan sự, kinh tế của huyện A Lưới. Làm chủ được khu vực này thì hoàn toàn có thể kiểm soát được tình hình ở đây. Chính từ tầm quan trọng đó, đế quốc Mỹ đặc biệt quan tâm và do vậy kế hoạch xây dựng sân bay A Lưới được quan tâm hàng đầu và khởi công xây dựng vào tháng 8/1957. Sân bay A Lưới là trung tam huấn luyện biệt kích Mỹ – Ngụy từ Đông sang Tây, chặn ngang mạch máy nối kiền từ Bắc vào Nam của quân ta. Sự tồn tại của sân bay đã gây không ít khó khăn trờ ngại cho can bộ, bộ đội ta mà ảnh hương trực tiếp là đường Hồ Chí Minh. Vì vậy việc giải phóng sân bay A Lưới là nhiệm vụ cấp bách nhằm đập tan hệ thống phòng thủ của quân địch, tạo điều kiện cho các hoạt động quân sự lớn tiếp theo. Với quyết tâm đó ngày từ năm 1964, bên cạnh hoạt động phá ấp chiến lược, diệt phá kìm, lực lượng vũ trang quân khu Trị Thiên Huế đã chuẩn bị mọi điều kiện cơ sở vật chất, khí tài chờ thời cơ tiêu diệt sinh lực địch. Đến ngày 09/01/1965 bộ đội ta đã bất ngờ đồng loạt nổ súng và chỉ trong 1 thời gian ngắn bộ đội ta đã làm chủ được sân bay A Lưới, một dải đồng bằng rộng lớn từ Hồng Vân phía Bắc đến Hương Lâm phía Nam của huyện được giải phóng. Chiến thắng giải phóng sân bay A Lưới đã làm nức lòng nhân dân cả nước. Sân bay A So đã được Nhà nước công nhận DTLS cấp Quốc gia năm 2005.

2. Sân bay A Cuồn, thuộc địa phận xã Hồng Thái. Sân bay nằm sát bờ sông A Sáp, giáp với ngã ba sông Tà Rình. Được xây dựng vào năm 1960, âm mưu của Mỹ – Ngụy là thực hiện chiến lược chặn ngay tuyến hành lang Trường Sơn Đông – Trường Sơn Tây, kiểm soát và ngăn chặn con đường liên lạc giữa A Lưới với đồng bằng

3. Sân bay A Co, thuộc địa phận thôn Tà Bạt, xã Hồng Thượng, cách ngã ba Bốt Đỏ (ngã ba đường 72 – 14B) 2km về hướng Tây Nam, cách trung tâm Thành phố Huế 70km về hướng Đông theo quốc lộ 49 (đường 12). Sân bay được Mỹ – Ngụy  xây dựng vào năm 1960 có quy mô nhỏ hơn so với các sân bay khác ở A Lưới và đồng bằng nhằm chống phá tuyến đường vận tải vào Nam ra Bắc của quân ta. Đây là âm mưu mà Mỹ – Ngụy  thực hiện chiến lược “chặn ngay cả 4 phía” và cũng là một trong ba tụ điểm tập trung cải trang của tiểu đoàn biệt kích Mỹ. Song mọi nỗ lực của đế quốc Mỹ và tay sai đều không thực hiện được.Phong trào đồng khởi năm 1963 – 1964, quân và các dân tộc ở A Lưới dưới sự lãnh đạo của Đảng, Mặt trận giải phóng dân tộc miền Nam đã đồng loạt nổi dậy phá ấp chiến lược, đánh chiếm đồn Bốt Đỏ, sân bay A Co buộc địch phải tháo chạy, góp phần rất lớn trong việc phá bỏ hành lang chiến lược đường Hồ Chí Minh. Sân bay A Co đã được Nhà nước công nhận là DTLS cách mạng cấp Quốc gia năm 2005

4. Sân bay A So thuộc địa phận thôn Sam, xã Đông Sơn, cách đương Hồ Chí Minh 2km về phía Đông, cách trung tâm Thành phố Huế 90km về hướng Đông Nam theo quốc lộ 49 và đường Hồ Chí Minh. Những năm 1955 – 1959, chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm được sự hà hơi tiếp sức của đế quốc Mỹ đã xây dựng nhiều đòn bốt ở các vị trí xung yếu tại A Lưới như A So, Bốt Đỏ, A Co… xây dựng các trại tập trung, dồn  đồng bào ta vào ấp chiến lược hòng cô lập đồng bào với cách mạng. Song với tinh thần kiên cường và bất khuất, nhân dân các dân tộc A Lưới đã đoàn kết một lòng, thủy chung với cách mạng, tin tưởng tuyệt đối vào Đảng, Bác Hồ. Nhờ đó mà phong trào cách mạng nơi đây được mở rộng và lan tỏa khắp nơi.

Để đối phó với tình hình đó, Mỹ đã xây dựng Sân bay A So vào năm 1960, với mục đích tăng cường tiềm lực chống phá cách mạng, nhất là ngăn chặn sự lớn mạnh của tuyến đường Hồ Chí Minh. Năm 1966, Sư đoàn 324 của quân khu 4 đã phối hợp với bộ đội chủ lực địa phương phá hủy hoàn toàn sân bay này. Cả một vùng rộng lớn phái Nam A Lưới được giải phóng, tạo điều kiện cho đường Hồ Chí Minh phát triển. Từ 1960 đến 1966 nơi đây đã diễn ra 2123 trận đánh lớn nhỏ, tiêu hao 2200 tên địch, hàng binh 705 tên. Sân bay A So được công nhận là DTLS cấp Quốc gia vào tháng 2 năm 2013.

* Hệ thống các Di tích quan trọng khác

1. Di tích Ra Pát – Hồng Thượng. Tại chòi Kôr Minh, làng Ra Pát (củ), xã Hồng Thượng, từ ngày 21 đến 24 tháng 4 năm 1961 đã diễn ra Đại hội đại biểu tỉnh Đảng bộ lần thứ IV, gồm 52 đại biểu chính thức. Đại hội kiểm điểm tình hình trong tỉnh từ năm 1954 – 1960 và đề ra nhiệm vụ: Đẩy mạnh hoạt động vũ trang tuyên truyền, diệt ác, trừ gian, xây dựng cơ sở chính trị trong quần chúng, quyết định thành lập lực lượng vũ trang địa phương.

2. Di tích A Nôr – Hồng Kim. Năm 1947, khi mặt trận Huế vỡ, nhiều cán bộ chiến sĩ từ đồng bằng lên miền Tây Trị Thiên Huế tham gia hoạt động cách mạng và ông Ku Nô Hồ Ngọc Mỹ đã chọn nơi đây làm trường học dạy chữ Pa cô – Tà ôi và Trường học cách mạng đầu tiên cho bà con cùng các chiến sĩ cách mạng là người dân tộc thiểu số. Tại đây hàng trăm cán bộ chủ chốt là người đồng bào dân tộc ít người đã được tôi luyện thêm về chủ nghĩa Mác – Lê Nin và về đường lối chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và đây cũng là điểm giao công văn, thư mật, thông tin giữa đồng bằng với miền núi. Cũng tại đây, năm 1967 du kích xã Hồng Kim đã lập nên chiến công oanh liệt bàng những bẫy đã với nhiều mưu trí, dũng cảm, sáng tạo đã giết chết 16 tên địch khi chúng càn dọc suối A Nôr.

3. Di tích Km0 đường B45A – Hồng Vân: Đường nối từ đường Hồ Chí Minh từ Đông Trường Sơn từ ngã ba Hồng Vân thuộc thôn Kêr dưới chân đèo Pe kêr với Tây Trường Sơn tại La Hạp thuộc tỉnh Sê Kông nước bạn Lào. Đường được xây dựng từ 1966 – 1975, đây là trọng điểm đánh phá ngăn chặn ác liệt của không quân, bộ binh Mỹ – Ngụy từ năm 1966 đến năm 1973.

4. Di tích Dốc Mèo – Hồng Vân. Nằm trên sườn núi Kô A Nông, thuộc địa phận xã Hồng Vân, cách đường Hồ Chí Minh 1km, đây là một trong những trọng điểm chủ yếu trên tuyến vận tải chiến lược đường Hồ Chí Minh, ta quyết tâm giữ còn địch quyết tâm phá. Dốc con Mèo có địa hình phức tạp, núi đã hiểm trở, trước tình hình đó, năm 1969 Bộ Tư lệnh Quân khu Trị Thiên Huế quyết định mở đường tránh Dốc con Mèo để phá vỡ thế độc quyền và phân tán mục tiêu đánh phá của địch, đồng thời vẫn bảo đảm thông tuyến chi viện tốt cho các chiến trường, chuẩn bị đầy đủ mọi cơ sở vật chất cho chiến dịch Xuân 1975. Đã được công nhận DTLS cấp Quốc gia ngày 20/5/1991 và hiện đang hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích Quốc gia cấp đặc biệt.

5. Di tích Dốc Chè – Hồng Vân. Bắt đầu từ chiến khu Hòa Mỹ (Phong Điền) vượt ngang qua dãy Trường Sơn đến thung lũng A Lưới thuộc địa phận xã Hồng Vân ngày nay. Nơi đây có một rừng chè tự nhiên tươi tốt vừa làm trạm dừng chân, vừa là khu vực an toàn có thể nghỉ ngơi của những đoàn cán bộ ngược xuôi đồng bằng, miền núi trong những năm kháng chiến.

6. Di tích Đồi Con Cọp – Hồng Vân. Nằm ở sườn núi Kô A Nông, đây là một trọng điểm quan trọng trên tuyến đường Hồ Chí Minh, là hậu cứ tập kết vũ khí, quân trang, quân dụng của quân giải phóng trong kháng chiến của quân đội ta. Đã được công nhận DTLS cấp Quốc gia ngày 20/5/1991.

7. Di tích Đồi A Biah – Hồng Bắc. Ngày 10-5-1969, sư đoàn không vận 101 nổi tiếng của Mỹ tấn công các vị trí của miền Bắc VN dọc đường biên giới với Lào.           Đó là đồi 937. Quả đồi này đã được ghi vào lịch sử quân đội Mỹ như một nỗi khổ nhục với biệt danh đồi Thịt Băm. Các bác sĩ bệnh viện di động của quân đội Mỹ nói họ chưa bao giờ thấy nhiều người bị thương đến vậy trong một thời gian ngắn…Trong mười ngày chiến trận ở đồi Thịt Băm, nhà xác vùng 1 chiến thuật lúc nào cũng đầy xác lính Mỹ. “Cuộc hành quân ở đồi Thịt Băm là cuộc hành quân điên rồ và vô trách nhiệm”, thượng nghị sĩ Kennedy đã bày tỏ sự thất vọng hoàn toàn và ông cũng không thể tìm lời nào gay gắt hơn những lời này. Được  công nhận là DTLS cấp tỉnh ngày 13/10/2006 .

8. Di tích Ngã ba Đường 71 -14B, Hồng Vân. Được mở vào cuối năm 1967, đầu năm 1968, đường 71 bắt đầu từ La Num (huyện A Lưới) nối với đường 14B ở km 74 – 75, qua Dốc Chè ở sườn Tây núi Cô Pung xuống Tam Dần đến Hòa Mỹ ( xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền), có chiều dài hơn 70 km, do lực lượng công binh của đoàn 559 thi công. Nhận thấy đây là tuyến đường trọng điểm của ta để phát triển lực lượng xuống đồng bằng, đầu năm 1971 Trung đoàn công binh Quân khu Trị Thiên 414 do đồng chí Nguyễn Hoa – Trung đoàn trưởng trực tiếp chỉ huy mở tiếp và hoàn thiện con đường nhằm đưa vật chất, khí tài chi viện cho các huyện Nam Quảng Trị, Bắc Thừa Thiên Huế và lực lượng chủ lực của trung đoàn 6 đang đóng quân trên địa bàn, đồng thời đưa pháo xuống Tam Dần chi viện cho các đơn vị bộ binh hoạt động. Trong chiến dịch Xuân 1975, đường 71 phát huy tác dụng mạnh mẽ, là đường tiến quân của các đơn vị phía bắc Huế như trung đoàn 4, tiểu đoàn pháo cao xạ Đại đội 12 tiến đánh giải phóng quận lỵ Phong Điền. Đã được Nhà nước công nhận là DTLS cấp Quốc gia ngày 20/5/1991 và hiện đang hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích Quốc gia cấp đặc biệt.

9. Di tích Ngã ba Đường 72 – 14B thuộc 3 xã Phú Vinh, Hồng Thượng, Sơn Thủy. Ngã ba đầu đường 72 – đường 14B và địa điểm Bốt Đỏ, nguyên trước đây là con đường mòn có từ thời Pháp, gọi là đường 49 (đường 12) đi từ Huế lên Bình Điền, Tà Lương, Bốt Đỏ, A Lưới. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ta chủ trương lợi dụng con đường sẵn có này để phát huy lực lượng, tấn công xuống Huế khi có điều kiện. Trước năm 1968 ta đã sửa chữa đường 49 từ A Lưới xuống đến gần Tà Lương (khoảng 40 km) nhằm đưa vật chất, phương tiện, lực lượng vũ trang xuống áp sát mục tiêu chính là thành phố Huế và sân bay Phú Bài, khi đó địch đã rãi nhựa đường 49 từ Huế đến Bình Điền và lập hệ thống phòng thủ ngăn chặn hoạt động của ta, khi phát hiện ta làm đường, địch đã tập trung hỏa lực nhằm ngăn chặn nhưng với quyết tâm của ta, tuyến đường vẫn được mở. Cơ sở vật chất, kể cả pháo và xe tăng ta đã dần dần “lót ổ” Bản trên tuyến. Đường 49 là trục đường tiến quân và triển khai lực lượng xuống hướng Nam Bắc Huế. Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt Xuân Mậu Thân (1968) của Trung đoàn 9; Trung đoàn 6 và Trung đoàn 12. Được Nhà nước công nhận DTLS cấp Quốc gia  năm 1993.

10. Di tích Ngã ba Đường 73 – 14B,  Hương Lâm. Đường 73 là một đường xuất quân của các lực lượng ta trong chiến dịch giải phóng Thừa Thiên Huế xuân 1975. Nguyên trước đây, đường 73 đã có đường mòn. Năm 1972, Quân khu Trị Thiên quyết định mở con đường này thành đường cơ giới hướng xuống đồng bằng Nam Thừa Thiên. Đường 73 (còn gọi là đường 74A) nối với đường 14B xuống động Tà Lài, gặp đường 74 ở km 24 rồi về Tà Ve xuống phía Tây khu vực Lương Miêu, Dương Hòa. Xuân 1975, Khu ủy và Quân khu Trị Thiên Huế đóng cơ quan ở Tam Dần (khu vực đường 71) một bộ phận quân cánh Bắc đóng ở Hòa Mỹ (cuối đường 71) cánh Nam đóng ở Khe Bút (khu vực đường 73). Đường 73 là một đường xuất quân của các đơn vị bộ đội trong chiến dịch Xuân 1975 xuống các huyện phía Nam Thừa Thiên Huế. Khi mở đường 74 – đường vận tải cơ giới, thì đường 74 được sử dụng chủ yếu hơn. Được Nhà nước công nhận là DTLS cấp Quốc gia năm 1993.

11. Di tích Ngã ba Đường 74 – 14B, Hương Lâm. Là ¼ nhánh tiểu mạch về giải phóng đồng bằng Thừa Thiên Huế. Đường 74 nối với đường 14B ở km 116 – 117 phía Nam đồn A Sầu, xuống A Roàng, về Động Do xuống Nam Đông (đoạn này dài 64 km). Đường 74 được bắt đầu thi công vào giữa năm 1974, sau sáu tháng thì hoàn thành, lực lượng làm đường gồm toàn bộ lữ đoàn công binh 219 của quân đoàn 2 và được tăng cường thêm hai tiểu đoàn công binh Quân khu Trị Thiên Huế do đồng chí Nguyễn Hoa, lữ đoàn trưởng công binh 219 trực tiếp phụ trách thi công. Mục tiêu của chúng ta khi mở đường 74 nhằm đưa vật chất, phương tiện, khí tài và lực lượng ta xuống Quốc lộ 1A, chuẩn bị cho hướng tiến công chủ yếu của ta trong chiến dịch Xuân Hè 1975. Do vị trí và tác dụng của tuyến đường này trong ý đồ  chiến dịch nên Bộ tư lệnh quân khu Trị Thiên Huế và Bộ tư lệnh Quân đoàn 2 trực tiếp và thường xuyên chỉ đạo, tăng cường thêm phương tiện như máy móc, thuốc nổ, lương thực, thực phẩm. Đặc biệt khi tuyến xuống sâu như mũi dao nhọn, hấp thúc vào sườn địch nên chúng xuống cao điểm 64 (km6) để ngăn chặn đường tiến quân của ta. Nhưng với phương châm “mở đường để đánh địch, đánh địch để mở đường” lực lượng công binh ta đã dùng hỏa lực để đánh địch, buộc địch phải rút ngay trong ngày khi chúng đổ quân xuống. Đường làm đến đâu, vật chất, binh khí kỹ thuật, xe tăng, pháo 130 ly cũng theo dân lót sẵn chuẩn bị cho cuộc tổng tấn công xuân 1975. Được Nhà nước công nhận là DTLS cấp Quốc gia  năm 1993.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây