Giới thiệu khái quát huyện Phú Tân
Phú Tân nằm trên cù lao Kết giống hình con Quy giữa hai con sông lớn, đó là sông Tiền và sông Hậu, là một trong 04 huyện cù lao của tỉnh An Giang thuộc vùng đồng bằng phù sa màu mỡ, với hệ thống sông ngòi chằng chịt, có thế mạnh kinh tế là sản xuất nông nghiệp, thuận lợi cho việc phát triển trồng trọt, nhất là cây nếp và nuôi trồng thủy sản (đất trồng trọt hơn 24.000 ha). Ngoài ra, trên địa bàn huyện đường bộ có tuyến tỉnh lộ 954 chạy qua; đường thủy tiếp giáp với 03 sông lớn (sông Tiền, sông Hậu và sông Vàm Nao) tạo điều kiện thuận lợi trong giao thương hàng hóa, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Với tổng diện tích tự nhiên là 313,5 km2, địa giới hành chính của huyện được xác định:
+ Phía Bắc giáp thị xã Tân Châu;
+ Phía Nam giáp huyện Chợ Mới (ngăn cách bởi sông Vàm Nao);
+ Phía Tây giáp huyện Châu Phú, thị xã Châu Đốc (ngăn cách bởi sông Hậu);
+ Phía Đông giáp huyện Hồng Ngự, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp (ngăn cách bởi sông Tiền và sông Cái Vừng);
Về phân chia đơn vị hành chính, huyện có 02 thị trấn: Thị trấn Phú Mỹ, thị trấn Chợ Vàm và 16 xã, gồm: Long Hòa, Phú Lâm, Phú Thạnh, Phú An, Phú Thọ, Tân Trung, Tân Hòa, Phú Hưng, Bình Thạnh Đông, Phú Bình, Hòa Lạc, Phú Hiệp, Phú Long, Phú Thành, Phú Xuân và Hiệp Xương.
Nhân dân Phú Tân có truyền thống kiên cường trong xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước; cần cù lao động và khả năng tiếp thu, vận dụng một cách sáng tạo các thành tựu khoa học, kỷ thuật và công nghệ; về làng nghề truyền thống, cho đến nay địa phương vẫn còn gìn giữ và phát triển như: nghề rèn Phú Mỹ, nghề làm bánh phồng Phú Mỹ và nghề bó chổi bông sậy Cồn Nhỏ Phú Bình. Toàn huyện có 54.550 hộ với 209.950 dân, thành phần dân cư với 99,6% dân tộc Kinh, còn lại là dân tộc Khơ-me, Hoa và dân tộc Chăm. Người dân huyện Phú Tân phần đông theo tín ngưỡng đạo Phật giáo Hòa Hảo (chiếm 85% dân số) và các tôn giáo khác như: Phật giáo, Tin Lành, Thiên Chúa, Cao Đài, Hồi giáo, … Trên địa bàn huyện có 01 di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh là Đình Bình Thạnh Đông và 01 di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh là Thánh thất Cao Đài Phú Lâm. Bên cạnh đó, huyện còn có rất nhiều Chùa, Đình, Miếu, hàng năm đến những ngày lễ hội thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan.
Ngày nay dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy, nhân dân huyện Phú Tân luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, cần cù sáng tạo trong lao động, sản xuất. Đã đạt được nhiều thành quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế – văn hóa – xã hội – an ninh – quốc phòng, cùng với tỉnh nhà vượt qua khó khăn thách thức, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần xây dựng đất nước, quê hương ngày càng giàu đẹp./.
LỊCH SỬ HÌNH THÀNH HUYỆN PHÚ TÂN
Phú Tân là huyện mới hình thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở An Giang, trên một vùng đất đầy biến động lịch sử; là nơi phát sinh đạo Phật giáo Hòa Hảo, một tôn giáo lớn ở đồng bằng sông Cửu Long, vào cuối những năm 30 của thế kỷ XX.
Xưa kia, dưới thời Chúa Nguyễn, các thôn ấp ở địa bàn Phú Tân thuộc quyền cai quản của Tân Châu đạo thuộc dinh Long Hồ theo chế độ quân quản. Từ khi Gia Long lên ngôi (1802) cho đến năm 1831, Phú Tân thuộc địa phận huyện Vĩnh An, trấn Vĩnh Thanh. Năm 1832, Minh Mạng chia trấn thành các tỉnh, Phú Tân thuộc địa phận Tổng An Thành và An Lương, huyện Đông Xuyên, phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang. Lỵ sở huyện Đông Xuyên đặt tại Long Sơn trên nền thành cũ của Bảo Tân Châu (nay còn địa danh Giồng Thành).
Năm 1867, Thực dân Pháp chiếm An Giang, năm 1889 lập 2 tỉnh Long Xuyên và Châu Đốc. Năm 1889, địa bàn Phú Tân thuộc tỉnh Châu Đốc, nằm trong bốn xã của quận Tân Châu là Long Sơn, Phú Lâm, Phú An, Hoà Hảo và bốn xã của quận Châu Phú là Hoà Lạc, Hưng Nhơn, Hiệp Xương, Bình Thạnh Đông.
Tháng 12 năm 1968 huyện Phú Tân chính thức được thành lập với địa bàn như trên. Tên Phú Tân xuất phát từ việc ghép tên của hai huyện Châu Phú và Tân Châu.
Tháng 9 năm 1974, huyện Phú Tân nhập thêm một số xã của huyện Hồng Ngự, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp để chia thành hai huyện Phú Tân A và Phú Tân B. Phú Tân A gồm các xã: Long Sơn, Phú Lâm, Hoà Lạc, Châu Giang, Long Thuận, Phú Thuận. Phú Tân B có các các xã: Phú An, Hưng Nhơn, Hiệp Xương, Hoà Hảo, Bình Thạnh Đông, Tân Huề, Tân Quới và Tân Long.
Năm 1976, lập lại tỉnh An Giang, giải thể 2 huyện Phú Tân A và Phú Tân B, lập huyện mới Phú Tân gồm 10 đơn vị hành chính là các xã: Long Sơn, Phú Lâm, Phú An, Hoà Hảo, Hưng Nhơn, Hiệp Xương, Hoà Lạc, Châu Giang, Bình Thạnh Đông và thị trấn Mỹ Lương.
Năm 1979, huyện Phú Tân thành lập thêm 5 xã mới: Phú Thạnh, Phú Thành, Phú Thọ, Phú Bình và thị trấn Chợ Vàm.
Năm 1980, xã Hoà Hảo đổi tên thành xã Tân Hoà, xã Hưng Nhơn đổi tên thành xã Phú Hưng, xã Châu Giang đổi tên thành xã Phú Hiệp, thị trấn Mỹ Lương chuyển thành xã Phú Mỹ, năm 1997 nâng xã Phú Mỹ lên thành thị trấn Phú Mỹ.
Năm 1984, thành lập thêm 2 xã mới là Phú Xuân và Phú Long.
Tháng 5 năm 2003 thành lập xã mới Long Hoà (tách ra từ xã Long Sơn), cuối năm 2003 thành lập thêm xã mới Tân Trung (tách ra từ xã Tân Hòa). Đến năm 2009, xã Long Sơn và một phần xã Phú Hiệp được nhập về thị xã Tân Châu, hiện nay huyện Phú Tân có 16 xã và 2 thị trấn với tổng số 88 ấp.
Từ quá trình đấu tranh chinh phục thiên nhiên, chống xâm lược áp bức, cư dân đã sớm hình thành và phát triển tinh thần đoàn kết, tinh thần độc lập tự chủ, tự cường; đức tính cần cù, sáng tạo, dũng cảm, kiên trì và ngay thẳng; tình làng nghĩa xóm thấm đượm, giàu nghĩa cử tương thân, tương ái… Đó là những truyền thống tốt đẹp và quý báu của nhân dân địa phương.
Ngày nay, Phú Tân là một trong những huyện trọng điểm sản xuất lương thực với năng suất và chất lượng vào loại cao của tỉnh. Bằng tiềm năng kinh tế và lực lượng lao động đồi dào, Đảng bộ và nhân dân Phú Tân đang phấn đấu xây dựng quê hương giàu đẹp, biến Phú Tân trở thành một trong những trung tâm kinh tế – văn hóa tiêu biểu của vùng nông thôn An Giang./.