Giới thiệu khái quát thành phố Châu Đốc

Giới thiệu khái quát thành phố Châu Đốc

ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN THÀNH PHỐ CHÂU ĐỐC

Châu Đốc là thành phố trực thuộc tỉnh An giang, sát biên giới Việt Nam với Vương quốc Campuchia, cách Thành phố Long xuyên 54 km theo Quốc lộ 91. Đông bắc tiếp giáp huyện An Phú; Tây bắc giáp Campuchia; phía Đông giáp huyện Phú Tân; phía Nam giáp huyện Châu Phú; phía Tây giáp huyện Tịnh Biên.

Châu Đốc có vị trí địa lý khá đặc biệt nằm ở ngã ba sông, nơi sông Hậu và sông Châu Đốc gặp nhau; giữa 4 cửa khẩu kinh tế là: cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên – huyện Tịnh Biên, cửa khẩu quốc gia Khánh Bình – huyện An Phú và cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương – thị xã Tân Châu. Từ vị trí này, thành phố Châu Đốc được xem là cửa ngõ giao thương quan trọng của tỉnh An giang và vùng Đồng bằng sông Cửu Long, là nơi tập trung hàng hoá buôn bán với Vương quốc Campuchia qua cả hai đường thuỷ và đường bộ.

Thành phố Châu Đốc thuộc vùng đồng bằng của tỉnh An Giang do phù sa sông Hậu bồi đắp. Địa hình thấp dần theo hướng Đông Bắc – Tây Nam. Ở trung tâm có Núi Sam đột khởi lên giữa đồng bằng tạo nên cảnh quan độc đáo. Phía đông có sông Châu Đốc và sông Hậu chảy theo chiều Bắc – Nam. Phía Tây có kênh Vĩnh Tế chạy song song với biên giới Campuchia, nối liền với thị xã Hà Tiên. Địa hình chia cắt bởi các kênh rạch ngang dọc. Với địa hình đa dạng, Châu Đốc có điều kiện phát triển về thương mại, dịch vụ, du lịch và nông nghiệp.

Thành phố Châu Đốc nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, mang những đặc tính chung của khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nóng ẩm quanh năm, nhiệt độ bình quân hàng năm 25oC – 29oC, nhiệt độ cao nhất từ 36oC – 38oC, nhiệt độ thấp nhất hàng năm thường xuất hiện vào tháng 10, dưới 18oC. Khí hậu hàng năm chia làm 2 mùa rõ rệt. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11 trùng với gió mùa Tây Nam; mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau trùng với gió mùa Đông Bắc; lượng mưa trung bình hàng năm khoảng 1500mm. Khí hậu, thời tiết thành phố Châu Đốc có nhiều điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, thích nghi với các loại cây trồng; đặc biệt là cây lúa và cây màu. Thành phố ít chịu ảnh hưởng của gió bão nhưng chịu sự tác động mạnh của chế độ thuỷ văn gây nên hiện tượng ngập lụt, sạt lỡ đất bờ sông…

Theo đặc điểm thổ nhưỡng, Châu Đốc có 6 nhóm đất chính; trong đó nhóm phù sa ngọt và phù sa có phèn chiếm 72% diện tích tự nhiên. Phần lớn đất đai của Châu Đốc rất màu mỡ, có độ thích nghi để canh tác, phù hợp với nhiều loại cây lương thực, cây ăn trái, một số cây công nghiệp nhiệt đới và một phần diện tích có khả năng dành cho chăn nuôi. Trữ lượng nguồn nước của thành phố khá dồi dào, có thể khai thác và phục vụ sản xuất công nghiệp, sinh hoạt. Rừng ở Châu Đốc đa phần là rừng đồi núi với diện tích 210ha, tập trung chủ yếu ở Núi Sam. Trong đó, rừng trồng khoảng 99ha, còn lại là rừng tự nhiên thuộc rừng ẩm nhiệt đới, đa số là cây lá rộng với 154 loài cây quý hiếm, thuộc 54 họ.

Hiện nay, Châu Đốc tiếp tục hoàn thiện hạ tầng giao thông, đô thị, văn hoá, du lịch gắn với các dự án đầu tư xây dựng, chỉnh trang nâng cấp các xã nông thôn mới.

Thành phố Châu Đốc ngày nay còn là trung tâm du lịch của tỉnh An Giang và Đồng bằng sông Cửu Long, là thành phố đồng bằng đặc biệt có sông, có núi với phong cảnh tự nhiên hấp dẫn và nhiều di tích lịch sử – văn hoá được xếp hạng cấp Quốc gia và cấp địa phương (cấp Tỉnh); địa điểm du lịch phong phú đa dạng được trải đều và liên hoàn trên toàn thành phố. Hạ tầng kỹ thuật được đầu tư mới, kinh tế – xã hội ngày càng phát triển; thu nhập bình quân đầu người tăng, đời sống nâng cao, nhu cầu vui chơi giải trí từng bước được phát triển đã tạo điều kiện cho ngành du lịch thu hút khách đến tham quan ngày càng đông. Du khách phần lớn là viếng Miếu bà Chúa Xứ Núi Sam, hàng năm có trên 4 triệu lượt khách đến tham quan, hành hương. Ngoài ra, du khách còn có thể ngồi thuyền tham quan dòng sông Hậu, dạo quanh làng bè, khu chợ nổi trên sông và sang Cồn Tiên tham quan thánh đường Hồi Giáo, xem nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Chăm An giang và mua sắm hàng hoá, đặc sản tại chợ Châu Đốc như: mắm thái, đường thốt nốt, khô bò, khô cá tra phồng…

GIỚI THIỆU CHÂU ĐỐC

Châu Đốc là thành phố biên cương, diện tích tự nhiên 104,7 km2 nằm ở phía Tây Nam Tổ quốc. Bắc giáp huyện An Phú, Tây Bắc giáp Campuchia, phía Nam giáp huyện Châu Phú, Tây giáp huyện Tịnh biên và Đông giáp huyện Phú Tân.

Với số dân hiện nay trên 119 ngàn người và đông đảo khách vãng lai, du lịch. Thành phố Châu Đốc là nơi sinh hoạt nhộn nhịp, mua bán sung túc, sông ngòi nhiều cá tôm, đồng ruộng phì nhiêu, đất đai màu mỡ. Châu Đốc xưa kia là tỉnh lỵ, ngày nay là thành phố trực thuộc tỉnh An Giang, là đô thị loại II, gồm có 05 phường: Châu phú A, Châu phú B, Núi sam, Vĩnh mỹ, Vĩnh Ngươn và 02 xã: Vĩnh Tế, Vĩnh Châu. Thành phố Châu Đốc nằm bên ngã ba sông thơ mộng, nhìn sang Cồn Tiên và xóm Châu Giang xanh rờn cây trái. Trước mặt thành phố là giao điểm của sông Châu Đốc và sông Hậu. Sau lưng là dãy Thất Sơn hùng vĩ. Đặc thù của Châu Đốc là trung tâm du lịch nổi tiếng của tỉnh An Giang cũng như vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Châu Đốc có khu danh thắng Núi Sam với nhiều di tích văn hoá được xếp hạng cấp Quốc gia, trong đó có Miếu Bà Chúa Xứ nổi tiếng cả nước. Châu Đốc có chiều dài lịch sử gắn liền với những sự kiện trong công cuộc gìn giữ đất nước nhất là sự kiện Thoại Ngọc Hầu huy động sức dân đào kênh Vĩnh Tế, vừa phục vụ công tác thuỷ lợi, vừa có ý nghĩa về mặt quân sự và phát triển du lịch…

Sau nhiều năm xây dựng, thành phố Châu Đốc ngày nay thật sự chuyển biến, xanh – sạch – đẹp hơn; người dân Châu Đốc hiền hoà, vui tính; đất và người Châu Đốc luôn chào đón mọi người, tạo mọi cơ hội tốt nhất để sống tốt, vui chơi, thân thiện, an toàn, phát triển.

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH THÀNH PHỐ CHÂU ĐỐC

Năm 1757, vua Chân Lạp là Nặc Ông Tôn hiến dâng vùng đất Tầm Phong Long (bao gồm An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Sóc Trăng ngày nay) cho Chúa Nguyễn Phúc Khoát. Nguyễn Cư Trinh thừa lệnh Chúa Nguyễn đặt làm 3 đạo: Đông Khẩu (tức Sa Đéc), Tân Châu và Châu Đốc, chính thức thiết lập nền hành chính toàn Nam Bộ.

Ngay từ đầu Chúa Nguyễn đặt Đạo biên phòng tại Châu Đốc. Đây chưa phải là tổ chức hành chính quy cũ mà chỉ đóng vai trò đồn trú phòng án ngữ sông Hậu theo chế độ quân quản. Đến năm 1788, sau khi chiếm lại Gia Định từ tay nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh sắp xếp hành chính Nam Bộ, Châu Đốc thuộc trấn Vĩnh Dinh. Năm 1802, đổi thành trấn Vĩnh Thanh (gồm An Giang, Vĩnh Long). Tài liệu Sử quán triều Nguyễn ghi lại: “Vì vùng đất ấy nhiều nơi bỏ hoang, đầu năm Gia Long mộ dân đến ở gọi là Châu Đốc Tân Cương, đặt Quản đạo lệ vào tỉnh Vĩnh Long”. Nhà Nguyễn chọn Châu Đốc làm trung tâm huyện Vĩnh Định. Đến năm 1832, Minh Mạng đổi trấn thành tỉnh, tỉnh lỵ An Giang gồm 02 phủ và 04 huyện, lỵ sở đặt tại Châu Đốc, dưới quyền cai quản của vị Tổng đốc đầu tiên là Trương Minh Giảng.

Sau khi quân Pháp thôn tính trọn Nam kỳ, chúng chia Nam kỳ thành 24 Sở tham biện (Inspection). Sở tham biện Châu Đốc trông coi huyện Đông Xuyên và Hà Dương. Theo Nghị định ngày 20 tháng 12 năm 1899, Thống đốc Nam kỳ bãi bỏ Sở tham biện, thành lập Tỉnh (Province). Châu Đốc là một trong 21 tỉnh Nam kỳ bấy giờ, tỉnh lỵ đặt tại chợ Châu Đốc thuộc địa phận làng Châu Phú.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, năm 1948, Uỷ ban kháng chiến hành chính Nam bộ sát nhập và phân định ranh giới tỉnh Long Xuyên, Châu Đốc lập thành 2 tỉnh Long Châu Tiền và Long Châu Hậu. Tỉnh lỵ Châu Đốc thuộc tỉnh Long Châu Hậu. Cuối năm 1950, Long Châu Hậu nhập thêm Hà Tiên thành tỉnh Long Châu Hà. Cuối năm 1954, Xứ ủy Nam bộ lập lại 2 tỉnh Long Xuyên và Châu Đốc.

Ngày 22-10-1956, chính quyền Ngô Đình Diệm hợp nhất Long Xuyên – Châu Đốc thành tỉnh An Giang. Năm 1964, chính quyền Sài Gòn tách An Giang thành 2 tỉnh: Châu Đốc và An Giang, Châu Đốc là quận lỵ quận Châu Phú. Năm 1965, Châu Đốc được nâng lên cấp thị xã của An Giang. Đến tháng 9/1974, là một trong 2 thị xã của tỉnh Long Châu Hà. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, theo Nghị quyết số 19 của Bộ Chính trị ngày 20/12/1975, thành lập tỉnh An Giang, Châu Đốc là thị xã thứ hai của tỉnh An Giang sau tỉnh lỵ Long Xuyên. Ngày 19/7/2013, Thủ tướng Chính phủ ký Nghị quyết số 86/NQ-CP thành lập phường Vĩnh Ngươn thuộc thị xã Châu Đốc và thành lập thành phố Châu Đốc thuộc tỉnh An Giang.

Tuy đơn vị hành chính có nhiều thay đổi qua tiến trình lịch sử trên 250 năm, nhưng thành phố Châu Đốc luôn giữ một vị trí quan trọng đối với An Giang cũng  như vớí các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cả về kinh tế lẫn quốc phòng. Thành phố Châu Đốc ngày nay, có nhiều đổi mới, phát triển toàn diện, Đảng bộ – Chính quyền – Nhân dân thành phố quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Ban Biên Tập
     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây