Giới thiệu khái quát huyện Tây Hòa

huyện Tây Hòa - Tỉnh Phú Yên

Giới thiệu khái quát huyện Tây Hòa

Tây Hòa là một huyện thuộc tỉnh Phú Yên, được thành lập theo Nghị định số 62/2005/NĐ-CP, ngày 16/5/2005 của Chính Phủ và chính thức đi vào hoạt động ngày 01/7/2005; nằm phía Tây Nam của Tỉnh; có tọa độ: 12045’07” đến 12045’15” Vĩ độ Bắc, 109015’13” đến 109015’29” Kinh độ Đông.

+ Phía Bắc giáp huyện Phú Hòa và Sơn Hòa;

+ Đông giáp huyện Đông Hòa;

+ Tây giáp huyện Sông Hinh;

+ Nam giáp huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hoà.

– Theo Niên giám thống kê năm 2015, diện tích tự nhiên 623,7516 km2.

– Nằm ở sườn Đông của dãy Trường Sơn, nơi tiếp giáp giữa đồng bằng và miền núi, với nhiều dãy núi cao và đồi núi thấp. Tây Hòa có hai dạng địa hình:

           + Vùng đồi núi: nằm về phía Nam, trải dài từ Tây sang Đông, chiếm trên 50% diện tích tự nhiên. Độ cao trung bình từ 500 – 600 m so với mặt nước biển, các núi có độ cao lớn tập trung ở xã Hòa Mỹ Tây: Hòn Giù (1.470 m), Hòn Chúa (1.310 m), Hòn Kỳ Đà (1.193 m), Hòn Ông (1.110 m), Hòn Chảo (742 m); địa hình phức tạp, độ đốc lớn và chia cắt mạnh; có một số hang động tự nhiên có giá trị về lĩnh vực quân sự quốc phòng và phát triển du lịch.

          + Vùng đồng bằng: nằm về phía Bắc, trải dài từ Tây sang Đông, chiếm gần 50% diện tích tự nhiên. Phía Tây là vùng đất đỏ Bazan có độ cao trung bình từ 30 – 40 m, phù hợp cho phát triển cây công nghiệp ngắn và dài ngày. Phía Đông là vùng đất phù sa, đây là vùng đồng bằng trồng lúa lớn của Tỉnh, sản lượng lúa bình quân hàng năm chiếm gần 1/3 tổng sản lượng lúa toàn Tỉnh (trên 99.000/320.000 tấn), ngoài bảo đảm an ninh lương thực tại chỗ còn cung cấp cho các vùng khác; đồng thời dọc theo các bờ sông, tương lai sẽ là vành đai rau xanh của Tỉnh, với sự bồi lắng phù sa của sông Ba (Đà Rằng) và sông Bánh Lái (Bàn Thạch). 

Điều kiện TN-KT-XH

1. Về địa kinh tế – quốc phòng: Nằm ở vị trí thuận lợi, có tuyến đường Quốc lộ 29 và ĐT 645 chạy qua địa bàn nối liền các huyện đồng bằng và miền núi, nối vùng Duyên hải Nam Trung Bộ với các tỉnh Tây Nguyên. Ngoài ra, Tây Hòa nằm gần các đầu mối giao thông quan trọng của Tỉnh: quốc lộ 1A, sân bay Tuy Hòa, Cảng biển Vũng Rô… Khi tuyến đường sắt lên Tây nguyên; Tuyến đường tránh lũ, cứu hộ, cứu nạn nối các huyện Tây Hòa, Phú Hòa, Tuy An và Thành phố Tuy Hòa (hiện nay Tỉnh đang khởi công xây dựng Cầu Dinh Ông và 02 đoạn đường dẫn nối Tây Hòa và Phú Hòa); Tuyến đường cơ động quốc phòng gắn với phát triển kinh tế – xã hội, tránh lũ cứu nạn Đông Hòa – Tây Hòa; tuyến đường từ chợ Phú Thứ đi Suối lạnh xã Hòa Thịnh…được đầu tư sẽ hình thành một hệ thống giao thông mở, ngoài việc cơ động cho quốc phòng còn tạo điều kiện mở rộng quan hệ giao lưu trao đổi mua bán hàng hóa và hợp tác phát triển với các vùng lân cận, kích thích phát triển các loại hình thương mại, dịch vụ, du lịch và sản xuất nông – lâm nghiệp.

2. Về thời tiết: Có 2 mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 9 đến tháng 12 và mùa nắng từ tháng 01 đến tháng 8. Nhiệt độ trung bình hằng năm 26,5 °C, lượng mưa trung bình hằng năm khoảng 1.600 – 1.700mm. Chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm, mưa nhiều, tạo thuận lợi cho phát triển nông – lâm nghiệp, hình thành các vùng sản xuất tập trung, chất lượng cao hướng tới xuất khẩu và cung cấp nguyên liệu cho phát triển công nghiệp chế biến.

3. Về nguồn nước: Vấn đề cung cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt là bài toán nan giải ở nhiều địa phương trong Tỉnh cũng như các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên. Tây Hòa có 02 sông lớn là Sông Ba và sông Bánh Lái chảy qua địa bàn, nguồn nước phong phú, ngoài phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân địa phương còn có thể cung cấp nước cho Khu kinh tế Nam Phú Yên và các vùng lân cận.

4. Về đất đai: theo niên giám thống kê năm 2015: diện tích đất nông nghiệp 53.713,49 ha, chiếm 86,11% (trong đó đất sản xuất nông nghiệp 16.241,54 ha, đất lâm nghiệp có rừng 37.409,02 ha, đất nuôi trồng thủy sản 61,71 ha, đất nông nghiệp khác 1,04 ha); đất phi nông nghiệp 6.349,5 ha, chiếm 10,18%; đất chưa sử dụng 2.312,17 ha, chiếm 3,71% diện tích tự nhiên.

Nằm ở hạ lưu sông Ba và sông Bánh Lái, lượng phù sa bồi đắp lớn, màu mỡ, thích hợp cho nhiều loại cây trồng; mặt khác, diện tích đất chưa sử dụng có khả năng đưa vào sản xuất còn lớn (2.312,17 ha), tạo lợi thế cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển toàn diện.

5. Về dân số, nguồn nhân lực:

 Theo Niên giám thống kê năm 2015, dân số 119.247 người; mật độ dân số trung bình 191 người/km2. Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số 149 hộ với 562 khẩu; gồm 11 dân tộc sinh sống gồm: Ê Đê, Tày, Nùng, Ba Na, Chăm, Chăm H’roi, Thái, Hoa, Prai, Mường, Tà Ôi, tập trung tại các xã miền núi: Sơn Thành Tây, Sơn Thành Đông, Hòa Mỹ Tây, Hòa Thịnh.

Nguồn nhân lực tương đối dồi dào, năm 2016: có 73.650 người trong độ tuổi lao động, chiếm tỷ lệ 61,76% so tổng dân số toàn huyện (trong đó có 73.466 người có việc làm thường xuyên, thất nghiệp 184 người); tỷ lệ lao động qua đào tạo 46,2%.

Nhân dân có tinh thần tự lực tự cường, ham học hỏi, có kinh nghiệm trong sản xuất nông – lâm nghiệp. Ngoài số lao động làm việc tại địa phương, hiện có rất nhiều lao động của huyện đang làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương… và một số con em đã tốt nghiệp các trường trung cấp, cao đẳng, đại học không tìm được việc làm tại địa phương nên đi tìm việc ở các tỉnh, thành phố khác. Khi công nghiệp, dịch vụ của huyện phát triển thì số lao động này sẽ trở về làm việc tại địa phương; đây là nguồn cung cấp lao động đã qua đào tạo, có trình độ kỹ thuật, quản lý phục vụ phát triển kinh tế của huyện trong tương lai.

6. Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM; xây dựng đô thị văn minh:

– Đến tháng 8/2017, bình quân đạt 18,7 tiêu chí/xã, tăng 0,4 tiêu chí so với cuối năm 2016, tăng 11,9 tiêu chí so năm 2011.

Có 08/10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 03 xã: Hòa Tân Tây, Hòa Phong, Hòa Bình 1 được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới năm 2015; 05 xã: Sơn Thành Đông, Hòa Mỹ Đông, Hòa Phú, Hòa Đồng, Hòa Thịnh được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới năm 2016; đã trình tỉnh xét công nhận xã Hòa Mỹ Tây đạt chuẩn nông thôn mới đợt I/2017; tập trung chỉ đạo Sơn Thành Tây đẩy nhanh tiến độ thực hiện 03 tiêu chí còn lại (Tiêu chí số 5, 7, 18) để đề nghị Tỉnh xét, công nhận đạt chuẩn xã NTM đợt II/2017.

– Huyện đã được UBND tỉnh phê duyệt Đề án xây dựng huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên đạt chuẩn nông thôn mới, giai đoạn 2017-2020 tại Quyết định số 1565/QĐ-UBND ngày 11/8/2017.

– Chỉ đạo UBND thị trấn phú Thứ xây dựng, ban hành Kế hoạch xây dựng thị trấn Phú Thứ đạt chuẩn đô thị văn minh năm 2017.

7. Thế mạnh phát triển các ngành kinh tế:

– Hiện nay huyện đang thực hiện đề án sản xuất đồng lúa chất lượng cao tại 04 xã; xây dựng các mô hình sản xuất lúa giống nông hộ để chủ động về giống lúa; đang dự kiến xây dựng cánh đồng mẫu lớn ở xã Hòa Phong. Ngoài ra, còn đẩy mạnh phát triển, mở rộng diện tích trồng một số cây công nghiệp ngắn và dài ngày như: Cây mía, cây hồ tiêu,…và một số cây ăn quả ở các xã miền núi.

– Tây Hòa có diện tích đất lâm nghiệp tương đối lớn 37.409,20 ha, chiếm 59,97% diện tích tự nhiên của huyện, là điều kiện và tiềm năng cho phát triển kinh tế rừng kết hợp với phát triển du lịch sinh thái. Hiện nay trên địa bàn có một số trang trại đang thực hiện mô hình nông, lâm kết hợp, trồng rừng kết hợp với chăn nuôi đàn đại gia súc, góp phần tăng thu nhập và giải quyết việc làm cho người lao động.

– Là một huyện nông nghiệp, vùng sản xuất lương thực, thực phẩm hàng đầu của tỉnh Phú Yên, với diện tích gieo trồng hàng năm: trên 13.400 ha lúa nước (KH 2017: 13.435 ha), trên 1.000 ha mía (KH 2017 ổn định và phát triển lên: 1.150ha)  trên 2.700 ha sắn (KH 2017 giảm và ổn định ở mức: 2.500 ha) và một số cây trồng khác; hiện nay có 409 ha, trong đó có 230 ha trong thời kỳ kinh doanh. Sản lượng thu hoạch bình quân hàng năm: trên 99.000 tấn thóc; trên 50.000 tấn sắn củ tươi; trên 53.000 tấn mía cây … Bên cạnh đó, sản phẩm của ngành chăn nuôi như: Bò, heo, gia cầm với sản lượng tương đối lớn; diện tích rừng sản xuất 21.073,45 ha, chiếm 33,79% diện tích tự nhiên của huyện…đây là vùng nguyên liệu lý tưởng cho công nghiệp chế biến.

Tập trung từng bước hình thành, phát triển các vùng chuyên canh nguyên liệu tập trung; hiện nay huyện đang xúc tiến quy hoạch phát triển công nghiệp chế biến, xây dựng các cụm CN-TTCN, phấn đấu xây dựng hoàn thành Cụm công nghiệp Hòa Phú (giai đoạn 1) để đưa vào hoạt động và kêu gọi đầu tư. Mặt khác, trên địa bàn huyện và vùng phụ cận, một số cơ sở công nghiệp đã được hình thành như: Nhà máy đường Tuy Hòa, Nhà máy sắn Sông Hinh, Nhà máy vữa xi măng khô, Nhà máy gạch tuy nen, các cơ sở chế biến hạt điều,…hiện nay Tổng Công ty mía đường II đang xúc tiến đầu tư xây dựng Nhà máy đường ăn kiêng tại xã Sơn Thành Tây. Bên cạnh đó, các làng nghề truyền thống như: Trồng dâu nuôi tằm ở xã Hòa Phong, đan đát ở xã Hòa Đồng và HTX Tân Hòa Bình…đang phát triển, tạo nên bức tranh sinh động cho kinh tế Tây Hoà.

– Về dịch vụ: Trên địa bàn huyện có 18 chợ, đến hết tháng 8/2017 có 11 chợ đã được chuyển đổi mô hình kinh doanh khai thác và quản lý, đang phấn đấu chuyển đổi chợ Sơn Thành Tây trong năm 2017. Tổng số hộ kinh doanh trên địa bàn 2.177 hộ, tăng 197 hộ; hiện có 112 doanh nghiệp đang hoạt động, tăng 10 doanh nghiệp đang hoạt động so năm 2016.

– Kết cấu hạ tầng của huyện từng năm được quan tâm đầu tư xây dựng; trong đó, tập trung đầu tư xây dựng các công trình phục vụ phát triển kinh tế – xã hội. Trong giai đoạn 10 năm 2005-2015, đã huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội được 5.849 tỷ đồng; năm 2016 là 1.390 tỷ đồng:

+ Về giao thông: Ngoài lợi thế có các trục đường Quốc lộ 29 và ĐT 645 chạy qua địa bàn nối với các huyện đồng bằng và miền núi, nối vùng Duyên hải Nam Trung Bộ với các tỉnh Tây Nguyên; hằng năm huyện đã tập trung đầu tư xây dựng và nâng cấp các tuyến đường huyện quản lý, đến nay đã hình thành các tuyến đường nối liền các xã, thị trấn trong huyện như: đường Phú Thứ – Hòa Thịnh, đường Phú Thuận – Mỹ Thành, đường Xếp Thông – Núi Lá, đường vào bãi rác và nghĩa trang huyện, đường Hòa Phong – Phú Nhiêu, đường Sơn Thành Đông – Cầu Bến Mít… hiện nay các xã, thị trấn đều có đường bê tông đến trung tâm xã.

Trong 05 năm (2011-2015), đã xây dựng được 382,794 km đường GTNT, trong đó nhân dân đóng góp 134.895,75 triệu đồng thông qua việc hiến đất, tiền và công lao động. Bình quân mỗi xã, thị trấn đạt hơn 34,8km, tăng gấp 11,6 lần so với kế hoạch đề ra. Trong đó, đặc biệt 3 năm (2013-2015) thực hiện chủ trương hỗ trợ 100% xi măng của Tỉnh đã thi công hoàn thành 361,532 km (Năm 2013: 116,363 km; năm 2014: 145,079 km; năm 2015: 100,09 km). Huyện được UBND tỉnh và lãnh đạo các cấp đánh giá cao là đơn vị dẫn đầu Tỉnh về thực hiện Chương trình này; nhiều tập thể, cá nhân điển hình, tiêu biểu được các cấp ghi nhận và biểu dương khen thưởng: Thủ tướng Chính phủ tặng cờ thi đua xuất sắc cho UBND huyện trong 02 năm 2013 và 2015, tặng Bằng khen cho 01 cá nhân là ông Ngô Văn Nhặt, hội viên Hội cựu chiến binh ở xã Hòa Mỹ Tây. Bộ Giao thông vận tải tặng cờ thi đua xuất sắc cho UBND huyện, tặng Bằng khen cho UBND xã Hòa Đồng, UBND xã Hòa Mỹ Tây. Ban Thường vụ Tỉnh ủy tặng bằng khen cho 03 tập thể: Đảng bộ xã Hòa Phong, Đảng bộ xã Hòa Tân Tây, Chi bộ thôn Phú Phong (xã Hòa Đồng) và 02 cá nhân ở xã Hòa Đồng và xã Hòa Thịnh. Chủ tịch UBND tỉnh tặng cờ thi đua xuất sắc cho UBND huyện, tặng Bằng khen cho UBND xã Hòa Mỹ Tây, UBND xã Hòa Bình 1 và một số cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Đề án bê tông hóa giao thông nông thôn…

Đang triển khai Dự án bê tông hóa giao thông nông thôn 4 xã thuộc khu vực miền núi của huyện giai đoạn 2017-2020 với tổng chiều dài 44,37 km; đăng ký danh mục công trình bê tông hóa hẻm phố với tổng chiều dài 15,294 km.

+ Về Thuỷ lợi: ngoài lợi thế có hệ thống kênh mương thuỷ nông Đồng Cam chảy qua địa bàn phục vụ cho việc tưới tiêu; hằng năm huyện tập trung đầu tư nâng cấp các hệ thống trạm bơm do huyện quản lý, đảm bảo năng lực tưới tiêu cho các diện tích lúa nằm ngoài hệ thống thuỷ nông Đồng Cam; trong giai đoạn 5 năm (2011-2015) và năm 2016 đã đầu tư xây dựng mới và nâng cấp 80 công trình thủy lợi (trong 5 năm: 75 công trình;năm 2016: 5 công trình) với tổng kinh phí gần 44 tỷ đồng; trong đó: xây dựng mới và nâng cấp 67,36 km kênh mương nội đồng đảm bảo tưới tiêu chủ động cho trên 6.500 ha lúa 2 vụ; xây dựng hoàn thành 8,055 km kênh tưới dưới 150 ha của Dự án sử dụng nước sau nhà máy Thủy điện Sông Hinh; nạo vét hồ Đồng Tròn, xã Sơn Thành Đông đảm bảo tích nước tưới ổn định cho 30 ha lúa 2 vụ. Tỉnh đầu tư xây dựng hoàn thành 1,945km kè chống xói lở Lạc Mỹ, Hòa Phú với kinh phí 93,485 tỷ đồng; đang xây dựng kè chống xói lở thôn Thạch Bàn, Hòa Phú với tổng mức đầu tư khoảng 84 tỷ đồng; Công ty Thủy nông Đồng Cam đầu tư xây dựng các hạng mục công trình và kiên cố hóa kênh mương trên địa bàn với kinh phí 25,5 tỷ đồng. Hiện nay Tỉnh đang xúc tiến đầu tư kiên cố hóa kênh chính và kênh nhánh hệ thống thủy nông Đồng Cam – khoản vay pha 2 với tổng chiều dài 9,83 km.

+ Về kết cấu hạ tầng đô thị: Ngày 06/8/2013, thị trấn Phú Thứ được thành lập, trên cơ sở toàn bộ xã Hòa Bình 2, diện tích tự nhiên: 1.407,03 ha, dân số: 13.980 người (tại Nghị quyết số 94/NQ-CP của Chính Phủ về việc thành lập thị trấn Hòa Vinh, thị trấn Hòa Hiệp Trung thuộc huyện Đông Hòa và thị trấn Phú Thứ thuộc huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên).Đến nay đã tập trung đầu tư xây dựng cơ bản được một số công trình hạ tầng kỹ thuật như: khu tái định cư, một số tuyến đường động lực, trụ sở làm việc của các cơ quan, đơn vị: Huyện ủy, UBND huyện, UBMTTQVN huyện, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Công an, Quân sự, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT – chi nhánh Tây Hòa, Trụ sở làm việc của Đảng ủy – HĐND – UBND thị trấn Phú Thứ; Nhà thi đấu đa năng của huyện; công viên cây xanh… tập trung mọi nguồn lực đầu tư xây dựng trung tâm huyện lỵ để từng bước thực sự trở thành trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, dịch vụ công cộng, khoa học kỹ thuật… làm hạt nhân thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của huyện, hòa nhập cùng tiếng nói chung của Tỉnh.

Huyện đã trình đề nghị Tỉnh cho chủ trương lập Quy hoạch chung xây dựng thị trấn Sơn Thành Đông.

– Bên cạnh những thế mạnh về phát triển nông nghiệp, công nghiệp, Tây Hòa còn có tiềm năng rất lớn về du lịch, một số danh lam thắng cảnh, với nhiều hang động, rừng tự nhiên, hồ, thác và suối rất đẹp, hữu tình đây là những lợi thế để huyện kêu gọi đầu tư phát triển các loại hình du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, vui chơi giải trí, tắm bùn chữa bệnh… Ngoài ra còn có một số công trình di tích lịch sử cấp Quốc gia, cấp Tỉnh như: Khu di tích lịch sử Đồng Khởi Hòa Thịnh, huyện đã đầu tư xây dựng hoàn thành; Tỉnh đang xúc tiến lập thủ tục đầu tư xây dựng Cụm di tích lịch sử chiến thắng đường 5…Các công trình trên sẽ phát huy hiệu quả với tính chất lịch sử, tính giáo dục, gắn kết với các sinh hoạt chính trị, các hoạt động văn hóa ở địa phương và các hoạt động về du lịch. Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn huyện có 103 di tích văn hóa vật thể và nhiều di sản văn hóa phi vật thể, trong đó:

– Có 02 Di tích lịch sử cấp Quốc gia:

+ Di tích lịch sử chiến thắng đường 5, nơi diễn ra cuộc chiến đấu ác liệt từ ngày 19/3 đến ngày 25/3/1975 của quân và dân huyện Tuy Hòa khi địch tháo chạy từ Buôn Mê Thuột về đồng bằng theo kế hoạch “Rút lui chiến lược” của Mỹ – Thiệu, góp phần làm nên Đại thắng Lịch sử mùa Xuân năm 1975 của Đất nước. Di tích được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia tại Quyết định số 1543/QĐ-VH, ngày 18/6/1997.

+ Di tích lịch sử Đồng khởi Hòa Thịnh, Nhân dân Hòa Thịnh đồng loạt nổi dậy cướp chính quyền, tạo thành Phong trào đồng khởi vào ngày 22/12/1960. Đây là cuộc Đồng Khởi đầu tiên ở vùng đồng bằng Liên khu V, có ý nghĩa hết sức quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đánh dấu bước nhảy vọt đầu tiên, chuyển cách mạng miền Nam Việt Nam nói chung, Liên Khu V nói riêng từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công, mở đầu thời kỳ oanh liệt tiến lên đánh bại các chiến lược chiến tranh của địch. Di tích được Bộ Văn hoá – Thông tin công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia tại Quyết định số 69/2005/QĐ-BVHTT, ngày 16/11/2005.

– Có 04 Di tích lịch sử – danh thắng cấp Tỉnh:

+ Di tích lịch sử địa điểm quản thúc và giải thoát Luật sư Nguyễn Hữu Thọ (xã Hòa Thịnh, huyện Tây Hòa; thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa; xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa)). Di tích lịch sử địa điểm quản thúc và giải thoát luật sư Nguyễn Hữu Thọ (xã Hòa Thịnh) nói riêng và những địa điểm gắn với quá trình hoạt động của luật sư Nguyễn Hữu Thọ trong thời gian bị địch quản thúc tại Phú Yên (giai đoạn 1955-1961) nói chung đã trở thành những di tích ghi đậm dấu ấn lịch sử, minh chứng cho quãng thời gian hoạt động cách mạng đầy gian nguy, thử thách của Luật sư dưới sự theo dõi, kiểm soát nghiêm ngặt của chính quyền Sài Gòn. Di tích được UBND tỉnh Phú Yên công nhận tại Quyết định 799/QĐ-UBND, ngày 18/5/2011.

+ Di tích danh thắng Núi Hương, Chùa Hương, Bàu Hương (xã Hòa Mỹ Đông, Hòa Mỹ Tây và Hòa Phong). Núi Hương – Chùa Hương – Bàu Hương được xem là bộ ba danh thắng tạo nên một quần thể hùng vĩ với non xanh nước biếc, sơn thủy hữu tình, có sự kết hợp hài hòa giữa phong cảnh thiên nhiên với công trình nhân tạo mang lại nhiều giá trị về văn hóa tinh thần cho người dân địa phương. Núi Hương gắn liền với chiến thắng Đường 5 lịch sử; Chùa Hương là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh lâu đời của nhân dân địa phương; Bàu Hương có cảnh trí thơ mộng, quanh năm đầy ắp tôm cá phục vụ đời sống con người. Di tích được UBND tỉnh Phú Yên công nhận tại Quyết định số 781/QĐ-UBND ngày 18/5/2011.

+ Di tích lịch sử – văn hóa và thắng cảnh Đập Đồng Cam. Đập Đồng Cam là công trình thủy lợi lớn nhất tại tỉnh Phú Yên. Công trình này do một Kỹ sư người Pháp thiết kế năm 1917, khởi công năm 1924 và hoàn thành năm 1932, với công sức của hàng vạn lao phu, công nhân địa phương và cả xương máu của hơn 50 người dân Phú Yên. Đập nối núi Trù Cát, xã Hòa Hội, huyện Phú Hòa ở bờ Bắc với núi Qui Hậu, xã Sơn Thành Đông, huyện Tây Hòa ở bờ Nam; đập nước dài 688 mét với hơn 2.500 hạng mục lớn nhỏ, có hai kênh dẫn nước là kênh Chính Bắc và Nam tưới tiêu cho cả vùng lúa  rộng 220 km². Đồng Cam là công trình có giá trị thẩm mỹ lẫn kỹ thuật rất cao. Đập có ý nghĩa về mặt kinh tế, lịch sử cộng với cảnh quan tươi đẹp, kiến trúc độc đáo. Hàng năm vào Mùng 8 Tết Nguyên Đán có lễ hội nhằm tri ân những người đã xây dựng nên đập, thu hút rất đông du khách gần xa đến tham quan, du ngoạn xuân. Di tích được UBND tỉnh Phú Yên công nhận tại Quyết định số 2232/QĐ-UBND ngày 31/12/2015.

Di tích lịch sử – văn hóa mộ bà Lê Thị Loan, thôn Lạc Mỹ, xã Hoà Phú, huyện Tây Hoà. 

Bà Lê Thị Loan là một nhân vật lịch sử, đã có công lao hết sức to lớn cùng chồng là danh nhân Lương Văn Chánh chiêu tập lưu dân, khai khẩn đất đai tạo lập vùng đất Phú Yên vào cuối thế kỷ XVI và đầu thế kỷ XVII.

Mộ Bà nằm trên địa bàn thôn Lạc Mỹ, xã Hoà Phú. Ngôi mộ tọa lạc trên một triền đất ba zan gần bờ Nam kênh chính Nam của hệ thống thuỷ nông Đồng Cam. Mộ xây bằng vật liệu kiên cố trên diện tích 120m2. Bia mộ ghi: “Tần thục Phu nhân Lê Thị Loan, Tiền trấn biên quan, Tham tướng Lương Văn Chánh”. Là một trong những ngôi mộ có kiến trúc tương đối đặc biệt so với những ngôi mộ cổ trên địa bàn tỉnh Phú Yên. Nấm mộ có dạng hình bầu dục, xung quanh nấm mộ có 3 đường gờ nổi chạy theo hình chữ U cách đều nhau từ nấm mộ ra đến tường bao quanh tạo cho ngôi mộ có kiến trúc giống như một đóa hoa sen. Khu vực tọa lạc mộ của Bà còn có mộ của bà Lương Thị An, là con gái đầu của danh nhân Lương Văn Chánh và mộ của ông Lương Văn Cảnh, là cháu của danh nhân Lương Văn Chánh.

Nơi an táng bà Lê Thị Loan và một số người thân trong gia đình danh nhân Lương Văn Chánh là một vùng đất có vị trí quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển của vùng đất Phú Yên. Là một trong những nguồn tư liệu lịch sử để tìm hiểu về vùng đất tiếp giáp giữa đồng bằng Tuy Hòa và vùng núi phía Tây Phú Yên. Bên cạnh giá trị lịch sử, văn hóa, Mộ Bà còn là địa điểm tham quan học tập nhằm giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” cho các tầng lớp nhân dân, nhất là tầng lớp thanh thiếu niên. Hàng năm, vào ngày giỗ (23/11 âm lịch), con cháu tộc họ Lương và nhân dân quanh vùng về đây thắp nén hương, tỏ lòng thành kính, tri ân tưởng nhớ, thể hiện tình cảm, sự ngưỡng vọng, biết ơn sâu sắc công lao của Bà trong công cuộc khai khẩn đất đai tạo lập vùng đất Phú Yên. Di tích được UBND tỉnh Phú Yên công nhận tại Quyết định số 3223/QĐ-UBND ngày 30/12/2016.

– Danh lam, thắng cảnh – Tài nguyên du lịch tự nhiên:

Trên địa bàn huyện có nhiều danh lam, thắng cảnh đẹp, hữu tình mà các địa phương khác không có được như: Vực Phun (Hòa Mỹ Tây); Suối Phướn (Hòa Mỹ Đông); Suối Lạnh, Đá Bàn (Hòa Thịnh); Gành Bà (Hòa Phong), Hóc Răm (Hòa Tân Tây); Suối nước nóng Lạc Sanh (Sơn Thành Đông),…Tuy nhiên, với tiềm năng phong phú để khai thác phát triển kinh tế du lịch, nhưng đến nay hầu như chưa được đầu tư và khai thác; trong đó có một số danh lam, thắng cảnh đẹp tiêu biểu, hiện nay huyện đang chú trọng ưu tiên kêu gọi đầu tư (theo Kế hoạch số 133/KH-UBND ngày 15/11/2016 của UBND huyện triển khai thực hiện Kế hoạch số 119/KH-UBND ngày 12/8/2016 của UBND tỉnh và Chương trình hành động số 07-CTr/HU ngày 18/7/2016 của Huyện ủy khóa XI về đầu tư phát triển đưa du lịch trở thành ngành kinh tế của huyện giai đoạn 2016 – 2020):

+ Suối nước nóng Lạc Sanh, thuộc thôn Lạc Sanh, xã Sơn Thành Đông. Nguồn nước khoáng phun lên từ lòng đất có nhiệt độ trên 50oc, có hàm lượng khoáng chất thích hợp cho giải khát, tắm, chữa bệnh để giúp sức khỏe được tốt hơn, có thể chữa được một số bệnh về thấp khớp, bệnh ngoài da… Đến đây, du khách có thể trải nghiệm luộc trứng gà trong nước suối tự nhiên mà không cần đun lửa, tắm nước nóng, bùn khoáng hoặc đắm mình trong dòng nước mát lạnh của dòng sông Chống Gậy cách khoảng 500 m về hướng Nam. Với lợi thế địa hình bằng phẳng, kết hợp với núi, rừng, sông… suối nước khoáng nóng Lạc Sanh có tiềm năng rất lớn để phát triển loại hình du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng, tắm bùn, chữa bệnh…

+ Suối Lạnh, thuộc xã Hòa Thịnh, là một địa danh có phong cảnh hữu tình, khí hậu mát, trong lành. Từ lâu suối Lạnh đã thu hút khá đông nhân dân trong và ngoài huyện đến tham quan, tổ chức các buổi giao lưu, gặp mặt bạn bè… Đến với suối Lạnh, ngoài việc tránh được sự ồn ào, náo nhiệt để tận hưởng không khí trong lành, không gian yên tĩnh của rừng núi, nhiều du khách đã ví: có cảm giác như đang bước chân vào cửa ngõ của Thành phố Đà Lạt và còn được trải nghiệm ngâm các lon nước giải khát, bia vào lòng suối tự nhiên sau đó uống mà không cần đá lạnh.

 + Vực Phun, thuộc xã Hòa Mỹ Tây. Ngược lên thượng nguồn sông Bánh Lái, thuộc địa phận xã Hòa Mỹ Tây, sẽ thấy một thác nước của dòng suối Cái cao 15 m tuôn xuống giữa hai bên vách núi rất kỳ vĩ. Dòng nước của con suối đổ xuống vực sâu tạo thành một dòng thác lớn trắng xóa. Dưới vực có nhiều tảng đá lớn khiến nước dội ngược lên rất mạnh. Do vậy, nhìn từ xa ta có cảm giác như nước được phun lên từ lòng vực; có lẽ vì vậy mà dân địa phương đặt tên là Vực Phun. Xung quanh vực là khu rừng nguyên sinh. Ngoài cảm giác thư giãn khi hòa mình vào dòng nước mát lạnh của dòng suối dưới chân thác, cái thú vị là du khách được khám phá những bí ẩn của vùng núi Đá Đen hay men theo đường mòn khám phá thượng nguồn sông Bánh Lái. Vực Phun nằm lọt thỏm trong dãy núi Đá Đen, giữa bạt ngàn rừng cây và đồi núi chập chùng, tạo thành cảnh quan hết sức thơ mộng. Đến đây, du khách không chỉ được thưởng ngoạn cảnh non nước hữu tình mà còn có thể kết hợp nghiên cứu những di tích văn hóa như chùa Hương Tích – một trong những ngôi chùa cổ của tỉnh Phú Yên. Ngoài ra, vùng phong cảnh non nước hữu tình này còn có thể tổ chức nhiều hoạt động du lịch hấp dẫn như: Tìm hiểu sinh thái núi rừng, leo núi, tắm suối, câu cá, cắm trại…

– Hồ Hóc Răm: Nằm trên nhánh suối Thoại, thuộc làng Tân Định, xã Hòa Tân Tây, huyện Tây Hòa.  Đường đi vào khá thuận lợi: từ Phường Phú Lâm, thành phố Tuy Hòa đi hướng Sông Hinh dọc theo tuyến đường ĐT 645 đến khoảng km 9, gặp cây xăng, rẽ trái đến Cầu ga Gò Mầm dọc xuống theo tuyến Quốc lộ 29 theo hướng Tây Hòa – Đông Hòa khoảng 01 km đến ngã tư cầu ông Tạ Bích rẽ phải, đi thẳng theo tuyến đường đã được bê tông hóa khoảng 7,2 km (hoặc từ Đông Hòa đi hướng Tây Hòa dọc tuyến Quốc lộ 29 đến km 36+350 đến cầu ông Tạ Bích rẽ trái).

Đây là 1 Hồ thủy lợi đẹp, được xây dựng năm 1995, hoàn thành năm 1997 để phục vụ nước tưới cho trên 200 ha lúa 02 vụ thuộc xứ đồng Minh Lâm; có diện tích lưu vực 6,81 km2, dung tích toàn phần 2,91x106m3, trong đó dung tích hữu ích 2,64x106m3. Nhìn từ trên cao hình dáng Hồ giống một mũi lao, một bờ đập dài hơn 50m được xây dựng ở phía Tây Bắc để giữ nước, các mặt còn lại được bao bọc bởi các sườn núi tự nhiên tạo nên một  cảnh quan hết sức thơ mộng và mát mẻ. Phía Nam của Hồ có một hệ thống đập tràn để nước tự chảy qua khi lượng nước trong hồ đạt mức tối đa, hệ thống đập tràn xây dựng bằng đá chẻ tự nhiên lấy trực tiếp tại khu vực và có kết cấu bảy tầng, tạo ra một thác nước nhân tạo tuyệt đẹp khi có nước tràn qua mặt đập. Khu vực phía Nam của Hồ từng là căn cứ hoạt động cách mạng thời kỳ trước năm 1975 với một số hang động và nhiều dấu tích còn sót lại. Xung quanh khu vực Hóc Răm có rất nhiều rẫy của người dân trồng mít, thơm cùng một số sản vật của rừng theo mùa như: xay, đác, ươi, tràm….

Đến với hồ Hóc Răm, du khách có thể tổ chức các buổi giao lưu, gặp mặt bạn bè, tận hưởng không khí trong lành để quên đi vất vả, nỗi lo thường nhật cơm, áo, gạo, tiền… khu vực này có thể khai thác phục vụ du lịch khám phá, câu cá, bơi thuyền, chụp ảnh lưu niệm…

– Trong giai đoạn hiện nay: lĩnh vực nông nghiệp được Huyện xác định vẫn là ngành mũi nhọn để tập trung đầu tư thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo tiền đề để phát triển nhanh và bền vững các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững gắn với công nghiệp chế biến các sản phẩm nông nghiệp theo vùng nguyên liệu tại chỗ. Trong đó, tập trung đầu tư phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa đối với các cây trồng chủ lực của huyện như: Lúa, mía, hồ tiêu, sắn…

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây