Giới thiệu khái quát huyện Tuy An

huyện Tuy An - Tỉnh Phú Yên

Giới thiệu khái quát huyện Tuy An

Điều kiện tự nhiên

1. Vị trí địa lý

Tuy An là một huyện đồng bằng ven biển Nam Trung Bộ, nằm về phía Bắc tỉnh Phú Yên, với bờ biển có chiều dài 45 km, cách thành phố Tuy Hòa 30 km, với tổng diện tích tự nhiên: gần 415 km2; huyện có 15 xã là An Chấn, An Mỹ, An Hòa, An Hải, An Hiệp, An Cư, An Dân, An Thạch, An Ninh Tây, An Ninh Đông, An Định, An Nghiệp, An Lĩnh, An Xuân, An Thọ và Thị trấn Chí Thạnh. Trong đó có 05 xã bãi ngang và 03 xã miền núi; có 85 thôn và 5 khu phố. Ranh giới hành chính huyện Tuy An cụ thể như sau:

Phía Tây               :  giáp huyện Sơn Hòa.

Phía Nam             :  giáp thành phố Tuy Hòa.

Phía Bắc               :  giáp Thị xã Sông Cầu.

Phía Tây Bắc        :  giáp huyện Đồng Xuân.

Phía Đông              :  giáp Biển Đông.

Huyện Tuy An nằm ở phía Đông dãy Trường Sơn. Dịch về phía Bắc là cửa Tiên Châu chảy ra vịnh Xuân Đài, ngược về thượng nguồn với những đập nước thủy lợi, về phía Tây là 03 xã núi non hiểm trở, có độ cao trung bình từ 250 – 500m so với mặt nước biển, với khí hậu mát mẻ ôn hòa.

Với địa hình đa dạng: đồng bằng, ven biển và đồi núi, được thiên nhiên ưu đãi tạo nên nhiều cảnh quan, danh lam thắng cảnh nổi tiếng như: Gành Đá Đĩa  nằm ngay bờ biển có cấu tạo kỳ lạ với vô số trụ đá hình ngũ giác đều đặn xếp chồng lên nhau, được hình thành trong quá trình hoạt động của núi lửa ở vùng cao nguyên Vân Hòa (Phú Yên) cách đây gần 200 triệu năm là một trong những danh lam thắng cảnh cấp quốc gia độc đáo có một không hai ở Việt Nam, đặc biệt nơi đây có Đầm Ô Loan là một đầm nước lợ với diện tích mặt nước 1.570ha với nhiều đặc sản hải sản nổi tiếng.

2. Dân số

Dân số toàn huyện có 125.656 nghìn  người (số liệu 12/2017) với 39.333 hộ gia đình. Mật độ trung bình: 303 người/km2. Có 04 tôn giáo chính là: Phật giáo, Thiên chúa giáo, Cao đài và Tin lành.

3. Lượng mưa

Thời tiết chia làm 2 mùa rõ rệt, mùa mưa từ tháng 9 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 8 năm sau. Do tác động của địa hình rừng núi nên từ tháng 11 đến tháng 3 thường có sương mù vào buổi sáng; lượng mưa trung bình hàng năm 151 mm.

4. Độ ẩm

 Nhiệt độ trung bình 25 – 27oC cao nhất là 38 – 40oC; độ ẩm trung bình 85%, cao nhất 95%.

5. Địa hình

Địa hình ở Tuy An có đồi núi, đồng bằng và biển. Tuy An nằm ở phía Đông dãy Trường Sơn và là nơi các nhánh của dãy Trường Sơn đâm ra biển. Địa hình Tuy An thấp dần từ Tây sang Đông. Điểm cao nhất là núi Hòn Chuông, cao 500m. Xã có núi non hiểm trở, đường giao thông đi lại khó khăn như An Lĩnh, An Thọ.

6. Thủy Văn

Có sông Cái chảy từ thượng nguồn qua huyện Đồng Xuân, qua An Định, An Dân, An Thạch, An Ninh Tây và ra biển. Sông Cái dài 75km,  đoạn chảy qua huyện Tuy An dài 20km, đây là con sông chính cung cấp lượng nước cho vùng đồng bằng phía Bắc.

7. Tài nguyên thiên nhiên

 7.1 Tài nguyên rừng

Trên địa bàn huyện tổng diện tích quy hoạch lâm nghiệp đến năm 2025 là14.821,22 ha và  không có rừng đặc dụng. Trong đó có 467,32 ha rừng phòng hộ, 14 353,90 ha rừng sản xuất. (Theo Nghị quyết số:100/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Phú Yên ngày 08/12/2017 về việc thông qua kết quả rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Phú Yên)

 7.2 Khoáng sản

Nguồn tài nguyên khoáng sản của huyện khá phong phú gồm có: Quặng diatomite xã An Xuân, với trữ lượng trên 61 triệu m3, chiếm 88% trữ lượng toàn tỉnh, với diện tích 66ha. Diatomite là khoáng sản có giá trị cao, có thể sử dụng trong 300 lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Ngoài ra còn có sắt, đá xay công nghiệp, cát xây dựng, Bôxit và các loại khoáng sản khác.

7.3 Tài nguyên du lịch

Tuy An sở hữu nhiều bãi biển rộng, nước trong xanh, bờ cát mịn trải dài gắn với cảnh quan thiên nhiên đẹp, do thiên nhiên kiến tạo nổi bật như Gành Đá Đĩa, Hòn Yến…và các di tích lịch sử khác, đặc biệt là di sản văn hóa Đá tiêu biểu là bộ Đàn đá và Kèn đá có niên đại cách ngày nay khoảng trên 2.500 năm. Nhiều lễ hội truyền thống, các làn điệu dân ca, các điệu dân vũ đặc sắc; những làng nghề truyền thống và nhiều đặc sản nổi tiếng sẵn sàng phục vụ nhu cầu ẩm thực của du khách, tạo cơ hội cho du khách được trải nghiệm những khía cạnh văn hóa truyền thống.

Những tài nguyên du lịch trên, đặc biệt là sự đa dạng, phong phú của di sản văn hóa là cơ sở để kêu gọi đầu tư hình thành các sản phẩm du lịch – dịch vụ, thu hút khách du lịch đến Tuy An.

8.Thuận lợi và Khó khăn:

Thuận lợi:

Khu vực hạ lưu sông Cái là đồng bằng màu mỡ, thuận lợi, trồng trọt, đa dạng hóa cây trồng.Tuy An còn có bờ biển dài, với nhiều vũng, vịnh, đầm; danh lam thắng cảnh và nguồn tài nguyên biển phong phú, đa dạng. Nhìn tổng thể Tuy An là vùng đất có rất nhiều tiềm năng để phát triển về du lịch – dịch vụ.

Khó khăn:

Trên địa bàn huyện hay xảy ra nắng hạn, lũ lụt ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân.

Tiềm năng du lịch

Tuy An là vùng đất của di sản văn hóa phong phú, được thiên nhiên ưu đãi với nhiều di tích và danh lam thắng cảnh đẹp như Thành An Thổ, chùa Từ Quang, hòn lao Mái nhà, đảo hòn Yến, đảo hòn Chùa và một số bãi tắm đẹp hoang sơ kết hợp giữa núi non, biển và cát trắng mịn, nước biển luôn trong xanh như: Bãi Phú Thường, Bãi Xép. Đặc biệt phải kể đến Gành Đá Đĩa danh thắng có một không hai ở Việt Nam; gành Ông, gành Bà là những cái tên có phần xa lạ với phần đông du khách, nhưng khi nhắc đến vẻ đẹp hùng vĩ thơ mộng trong phân cảnh bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” thì chắc chắn sẽ không thể nào quên

1 - Giới thiệu khái quát huyện Tuy An

2 - Giới thiệu khái quát huyện Tuy An

 Sự hình thành của vùng đất Tuy An góp phần vào quá trình hình thành và phát triển tỉnh Phú Yên hơn 400 năm lịch sử, người dân nơi đây đã tận dụng những điều kiện tự nhiên thuận lợi, để sáng tạo và hình thành nhiều làng nghề với những sản phẩm đặc trưng, nhiều sản phẩm hấp dẫn, độc đáo, chứa đựng nét văn hóa đặc trưng. Tính đến thời điểm hiện nay trên địa bàn huyện Tuy An có 03 làng nghề  truyền thống được UBND tỉnh công nhận đó là: làng nghề dệt Chiếu cói xã An Cư, làng nghề thúng chai Phú Mỹ, xã An Dân, làng nghề bánh tráng xã An Mỹ ngoài ra còn có một số nghề truyền thống khác như: nghề chế biến nước mắm, làm bún bắp, sản phẩm mỹ nghệ ốc đá, làm gốm.

3 - Giới thiệu khái quát huyện Tuy An

       

4 - Giới thiệu khái quát huyện Tuy An

Nếu du khách đến Tuy An mà chưa ăn các món hải sản ở đây thì đó không phải là “ thiếu sót lớn” mà là “chưa tới Tuy An”. Hải sản Tuy An nổi tiếng ở đầm Ô Loan là đầm lớn nhất tỉnh, hải sản nuôi và hải sản đánh bắt tự nhiên.

5 - Giới thiệu khái quát huyện Tuy An

6 - Giới thiệu khái quát huyện Tuy An
 

7 - Giới thiệu khái quát huyện Tuy An

8 - Giới thiệu khái quát huyện Tuy An

Lịch sử của huyện Tuy An

Năm Tân Hợi (1611) phủ Phú Yên được lập ra gồm hai huyện: Đồng Xuân và Tuy Hòa do Văn Phong trấn giữ. Thủ phủ đóng tại làng Hội Phú (xã An Ninh Tây ngày nay), nhưng từ thuở đó tên gọi Tuy An chưa xuất hiện. Đến năm Minh Mạng thứ 12 (1831) – Phủ Tuy An – Một tên mới bắt đầu xuất hiện trong lịch sử Việt Nam, do vua Minh Mạng đổi tên phủ Phú Yên thành phủ Tuy An thuộc vào Bình Định. Năm Minh Mạng lần thứ 13 (1832) phủ Tuy An được thăng thành tỉnh Phú Yên.

Năm 1899, phủ Tuy An thống hạt huyện Đồng Xuân và lãnh 5 tổng là An Sơn, An Hải, An Đức, An Vinh, An Phú gồm 69 xã, thôn, phường. Ngày 7/9/1945, chính quyền cách mạng lâm thời được thành lập, phủ Tuy An được đổi tên thành phủ Công Ái đến năm 1946 đổi thành huyện Tuy An, cấp tổng bỏ, 69 xã, thôn sát nhập lại thành 14 xã. Năm 1954, chính quyền Sài Gòn đổi huyện thành quận. 

Năm 1975, chính quyền cách mạng đổi tên quận Tuy An thành huyện Tuy An, các xã An Chấn, An Thọ nhập về Tuy An. 

Năm 1977, hợp với Huyện Đồng Xuân thành Huyện Xuân An. Năm 1979 trở lại huyện Tuy An như cũ, thôn Tân Long xã An Ninh nhập vào xã An Cư; thôn Ngân Sơn xã An Thạch và hai thôn Chí Thạnh, Chí Đức của xã An Cư hợp thành thị trấn Chí Thạnh; chia xã An Ninh thành hai xã: An Ninh Đông, An Ninh Tây; chia xã An Chấn thành hai xã: An Chấn và An Phú.

Trải qua nhiều biến động của lịch sử, đến năm 1996 huyện Tuy An có thị trấn Chí Thạnh và 16 xã: An Phú, An Chấn, An Mỹ, An Hòa, An Hiệp, An Cư, An Định, An Nghiệp, An Xuân, An Lĩnh, An Thọ, An Hải, An Ninh Đông, An Ninh Tây, An Dân, An Thạch.

Ngày 5/1/2005, Chính phủ ban hành Nghị định 03/2005/NĐ-CP thành lập TP Tuy Hòa; sáp nhập thị trấn Phú Lâm (thuộc huyện Tuy Hòa) và xã An Phú (thuộc huyện Tuy An) vào TP Tuy Hòa. Đến nay huyện Tuy An có 15 xã và 1 thị trấn. Thị trấn Chí Thạnh là trung tâm hành chính, kinh tế – xã hội của huyện Tuy An.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây