Giới thiệu khái quát huyện Thuận Nam
ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN
Thuận Nam là huyện ven biển của tỉnh Ninh Thuận, nằm ở phía Nam tỉnh. Phía Bắc giáp huyện Ninh Phước; phía Đông giáp biển; phía Tây giám huyện Ninh Sơn; phía Nam giáp tỉnh Bình Thuận. Trung tâm huyện cách Thành phố Phan Rang – Tháp Chàm về phía Nam và thành phố Phan Thiết về phía Bắc theo QL.1A khoảng 20 km. Tổng diện tích tự nhiên của huyện 56.453,11 ha, chiếm 16,81% DTTN toàn tỉnh. Dân số năm 2010 có có 55.187 người, chiếm khoảng 9,75% dân số toàn tỉnh, mật độ dân số 97,76 người/km2.
Trung tâm huyện có đường quốc lộ 1A và đường sắt xuyên Việt, đường ven biển, tỉnh lộ 709 đi Ninh Sơn (nối với quốc lộ 27 đi Đà Lạt), tỉnh lộ 710 chạy qua, ngoài ra còn có cảng Cà Ná giao thương với trong nước và quốc tế bằng đường biển.
Với vị trí này Thuận Nam là cửa ngõ phía Nam của tỉnh, có điều kiện thuận lợi trong kết nối phát triển kinh tế xã hội với các huyện, thành phố trong tỉnh, khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Đặc biệt Thuận Nam có quan hệ trực tiếp với các trọng điểm trên hành lang ven biển của vùng Duyên Hải Nam Trung Bộ và tỉnh Ninh Thuận là: TP.Phan Rang Tháp Chàm trung chính trị – văn hóa – kinh tế của Ninh Thuận ở phía Bắc và thành phố Phan Thiết là trung tâm kinh tế chính trị, văn hoá của tỉnh Bình Thuận ở phía Nam.
Bên cạnh đó, chủ trương phát triển năng lượng của cả nước và của tỉnh về năng lượng hạt nhân, năng lượng sạch (điện gió, điện mặt trời) đặc biệt là việc xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 của cả nước sẽ tạo cho Thuận Nam một vị thế, vị trí chiến lược về kinh tế – chính trị – văn hoá – an ninh quốc phòng hết sức quan trọng của tỉnh, vùng, cả nước và quốc tế.
Thuận Nam nằm trong khu vực Duyên Hải Nam Trung bộ, có địa hình khá phức tạp. Bề mặt địa hình có dáng như một lòng chảo hở với gần 3 mặt Tây, Nam và Đông là những khối núi cao bao bọc, giữa là gò đồi và đồng bằng có địa hình thoải dần vào giữa dọc theo hướng quốc lộ 1A. Với đặc điểm trên đã tạo nên kiểu khí hậu vùng thung lũng và vùng bán sơn địa trở nên khắc nghiệt. Dựa trên cấu trúc và hình thể bề mặt cũng như tác động của quá trình ngoại sinh chiếm ưu thế, có thể chia địa hình trong huyện ra 3 dạng chính sau:
a) Địa hình núi cao: Dạng địa hình này bao phủ gần hết phần phía Tây, phía Nam và một phần phía Đông của huyện, diện tích 24.849,1 ha, chiếm 44,02% tổng diện tích. Phân bố ở độ cao 70 – 1036m. Địa hình núi, có độ dốc lớn, chia cắt phức tạp. Hiện trạng rừng thưa chiếm 80% diện tích, còn lại là đất trống đồi núi trọc. Đây là địa bàn chủ yếu sản xuất lâm nghiệp, khai thác đá.
b) Địa hình bậc thềm và đồi gò bán sơn địa: Địa hình gò đồi phân bố ở khu vực chân núi, độ cao 20 – 70m, độ dốc <200, diện tích 15.087,5 ha, chiếm 26,73% tổng diện tích. Hiện trạng chủ yếu là đất cây hàng năm khác, cây lâu năm (điều) và nương rẫy (màu, lúa cạn). Hướng sử dụng là phát triển nông-lâm kết hợp kiểu trang trại như: Đồng cỏ chăn nuôi gia súc có sừng, trồng điều, cây ăn quả, cây màu (sắn…) kết hợp rừng trồng chống xói mòn.
c) Địa hình đồng bằng và trũng: Diện tích 16.516,5 ha, chiếm 29,26% tổng diện tích. Phân bố ở độ cao < 20m, dọc theo quốc lộ 1A kéo dài tư xã Phước Nam đến Cà Ná. Hiện trạng là ruộng lúa, ruộng màu, cụm công nghiệp, khu dân cư, ruộng muối, nuôi trồng thuỷ sản.
Đặc điểm địa hình, độ cao và hướng địa hình cùng với vị trí địa lý đã tạo nên một kiểu khí hậu đặc thù của tỉnh Ninh Thuận nói chung và huyện Thuận Nam nói riêng là: nhiều nắng, gió, ít mưa.
Thuận Nam nằm trong vùng khí hậu khô hạn, mưa ít, nắng gió nhiều, lượng bốc hơi hàng năm cao (khoảng 1.662mm). Khí hậu chia làm 2 mùa rõ rệt, mùa mưa bắt đầu từ tháng 9 và kết thúc vào tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 8 năm sau vơi các đặc trưng cơ bản sau:
+ Mưa tập trung chủ yếu vào 3 tháng từ tháng 9 đến tháng 11 trong năm với lượng mưa trung bình năm750mm.
+ Nhiệt độ trung bình 27,70C, cao nhất là 39,90C (tháng 6), thấp nhất 14,40C (tháng 12), chênh lệch nhiệt độ ngày đêm từ 8,5 – 90C.
+ Nằm trong vùng dồi dào nắng, số giờ nắng bình quân năm là 2.720 giờ, tổng tích ôn hàng năm từ 9.500 – 10.0000C; đây là điều kiện thuận lợi để phát triển điện mặt trời.
+ Độ ẩm trung bình năm là 75%, cao nhất 83% (tháng 10), thấp nhất 71% (tháng 1-2)
+ Chế độ gió: Hướng gió thịnh hành theo 2 hướng chính là Tây Nam và Đông Bắc, vận tốc trung bình đạt 6,8m/s, tốc độ gió mạnh nhất 25m/s Do đặc điểm vị trí địa lý, địa hình, hướng địa hình, nên tốc độ gió khá lớn và thổi đều trong năm, đây là điều kiện thuận lợi cho xây dựng các cụm điện gió có công suất lớn, giá thành thấp.
+ Bão: Trung bình cứ 4 ¸5 năm lại có 1 trận bão đổ bộ vào khu vực, bão không gây tác hại lớn như ở một số khu vực khác của miền Trung, nhưng gây mưa lớn và làm úng ngập một số khu vực hai bên bờ sông.
Nhận xét: Với đặc trưng khi hậu như trên đối với những vùng đất không có giải pháp thuỷ lợi cung cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt như vùng đồi núi phía Tây, thì điều kiện khí hậu của Thuận Nam là rất khắc nghiệt, mặt khác lượng bốc hơi lớn nên yêu cầu về nước của cây trồng cũng cao hơn những khu vực khác.
Ngược lại đối với vùng đất được cung cấp nước nhờ các công trình thuỷ lợi như Tân Giang, Sông Biêu (đang xây dựng) …, thì với nền nhiệt độ cao, ánh sáng dồi dào, không có mùa lạnh, là điều kiện thuận lợi cho phát triển cây trồng, vật nuôi nguồn gốc nhiệt đới, cho phép thâm canh, tăng vụ để đạt năng suất và hiệu quả cao.
Trên địa bàn huyện có sông Lu la con sông chính chi phối phần lớn nguồn nước mặt với các hợp lưu là sông Biêu, sông Trăng, bắt nguồn từ các dãy núi cao chảy theo hướng Đông đổ về sông Cái – Phan Rang. Sông Lu có chiều dài 45 km, diện tích lưu vực 380 km2, lưu lượng trung bình hàng năm 2,19 m3/s. Ngoài ra ở phía Nam huyện Suối Quán Thẻ bắt nguồn từ Núi Gió huyện Tuy Phong tỉnh Bình Thuận chảy qua huyện Thuận Nam, băng qua đường quốc lộ 1A rồi đổ ra biển Cà Ná với diện tích lưu vực 116 Km2, chiều dài 15 km.
Vùng vịnh Cà Ná, Phước Diêm, Phước Dinh chịu ảnh hưởng của chế độ thuỷ triều. Thuỷ triều biển Thuận Nam có tính chất phức tạp, vừa có nhật triều, vừa có bán nhật triều. Biển Thuận Nam có thuỷ triều thấp, biên độ giao động từ 1,88- 2,2m nên không gây ảnh hưởng cho sản xuất nông nghiệp mà có điều kiện thuận lợi cho nuôi trồng thuỷ sản và làm muối Đầm Sơn Hải – Phước Dinh (thuỷ sản), Cà Ná, Phước Diêm, Phước Minh.
TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN
1. Tài nguyên đất
Theo kết quả dự án điều tra bổ sung, chỉnh lý xây dựng bản đồ đất tỉnh Ninh Thuận, tỷ lệ 1/50.000 do Phân viện QH & TKNN miền Nam – Viện quy hoạch và thiết kế nông nghiệp thực hiện năm 2004. Toàn huyện có 7 nhóm đất/12 đơn vị phân loại đất như sau:
Biểu 1: Tổng hợp các loại đất trên địa bàn huyện Thuận Nam
TT | Tên đất | Ký hiệu | Diện tích (ha) | Cơ cấu (%) |
I | NHÓM BÃI CÁT, CỒN CÁT VÀ ĐẤT CÁT BIỂN | C | 3.891,01 | 6,89 |
1 | Đất cát biển | Cc | 3.728,03 | 6,60 |
2 | Cồn cát đỏ | Cđ | 117,18 | 0,21 |
3 | Cồn cát vàng | Cv | 45,79 | 0,08 |
II | NHÓM ĐẤT MẶN | M | 746,19 | 1,32 |
4 | Đất mặn nhiều | Mn | 566,61 | 1,00 |
5 | Đất mặn ít | Mi | 179,57 | 0,32 |
III | NHÓM ĐẤT PHÙ SA | P | 1.184,00 | 2,10 |
6 | Đất phù sa ngòi suối | Py | 550,25 | 0,97 |
7 | Đất phù sa gley | Pg | 534,75 | 0,95 |
8 | Đất phù sa có tầng loang lổ đỏ vàng | Pf | 99,00 | 0,18 |
IV | NHÓM ĐẤT XÁM LẤYY | Xg | 1.199,59 | 2,12 |
9 | Đất xám gley | Xg | 1.199,59 | 2,12 |
V | NHÓM ĐẤT XÁM NÂU VÙNG BÁN KHÔ HẠN | Xk | 18.627,06 | 33,00 |
10 | Đất xám nâu vàng bán khô hạn | Xk | 18.627,06 | 33,00 |
VI | NHÓM ĐẤT ĐỎ VÀNG | F | 20.667,69 | 36,61 |
11 | Đất vàng đỏ trên đá macma axit | Fa | 20.667,69 | 36,61 |
VII | NHÓM ĐẤT XÓI MÒN TRƠ SỎI ĐÁ | E | 7.829,53 | 13,87 |
12 | Đất xói mòn trơ sỏi đá | E | 7.829,53 | 13,87 |
Sông suối, mặt nước | 2.308,04 | 4,09 | ||
TỔNG DIỆN TÍCH TỰ NHIÊN | 56.453,11 | 100,00 |
1. Nhóm bãi cát, cồn cát và đất cát biển: Có quy mô diện tích là 3.891,01 ha, chiếm 3,19% diện tích tự nhiên, gồm các đất được hình thành từ trầm tích biển và có thành phần cơ giới thô hơn hoặc bằng cát pha thịt trong suốt độ sâu 0-100 cm. Phân bố tập trung ở xã Phước Dinh. Nhóm đất cát được phân chia ra 3 đơn vị phân loại, bao gồm: đất cát biển 3.728,03 ha; đất cát đỏ 117,18 ha; đất cát vàng 45,79 ha.
2. Nhóm đất mặn: Diện tích là 746,19 ha, chiếm 1,32 % diện tích tự nhiên; gồm các đất được hình thành từ trầm tích trẻ, tuổi Holocene, có nguồn gốc biển, sông-biển hoặc biển-đầm lầy và ít nhất ở một phụ tầng trong vòng 100cm có thành phần cơ giới mịn hơn cát mịn pha thịt. Nhóm đất này phân bố ở các địa hình thấp trũng, vàn ven biển và các cửa sông gần biển tập trung củ yếu ở các xã: Phước Dinh, Phước Diêm, Cà Ná. Đất mặn được chia ra 2 đơn vị phân loại đất, bao gồm: đất mặn nhiều 566,61 ha; đất mặn ít 179,57 ha.
3. Nhóm đất phù sa (P): Diện tích 1.184 ha, chiếm 2,1 % diện tích tự nhiên, gồm các đất hình thành trên các trầm tích trẻ, tuổi Holocene, có nguồn gốc sông hoặc sông – biển và không bị mặn trong vòng 100 cm. Phân bố ven sông Lu, thuộc địa bàn các xã Phước Hà, Nhị Hà, Phước Ninh, Phước Nam. Nhóm đất phù sa ở Thuận Nam được chia ra 3 đơn vị phân loại, bao gồm: đất phù sa ngòi suối 550,25 ha, đất phù sa lấy 534,75 ha; đất phù sa có tầng loang lổ đỏ-vàng 99 ha.
4. Nhóm đất xám glây (Xg): Đất xám glây có diện tích là 1.199,59 ha; chiếm 2,12 % diện tích tự nhiên phân bố tập trung ở các xã Phước Nam, Phước Ninh, Nhị Hà, Phước Hà. Hiện nay, hầu như toàn bộ diện tích đất này ở Thuận Nam là đất ruộng lúa. Đây là một loại đất có mức thích hợp cao đối với chuyên canh lúa nước, hoặc luân canh lúa nước với các cây trồng cạn hàng năm.
5. Nhóm đất đỏ và xám nâu vùng bán khô hạn (Xk): Nhóm đất đỏ và xám nâu vùng bán khô hạn bao phủ hầu như toàn bộ phần bậc thềm cao và phẳng trước núi trong vùng nội địa của huyện Thuận Nam và một phần nhỏ vùng đồi núi thấp. Diện tích 18.627,06 ha; chiếm đến 33 % tổng diện tích tự nhiên toàn huyện. Gồm một đơn vị phân loại là đất xám nâu vùng bán khô hạn. Hiện tại loại đất này đang được sử dụng là đồng cỏ chăn thả, ruộng muối, cây hàng năm và một số diện tích đang được khai thác sử dụng đất xây dựng khu công nghiệp .
6. Nhóm đất đỏ vàng (Fa): Nhóm đất đỏ vàng trên địa bàn huyện là đất đỏ vàng trên đá mắc ma a xít, chiếm giữ phần lớn vùng núi cao của huyện Thuận Nam. Diện tích 20.667,69 ha; chiếm 36,61 % tổng diện tích tự nhiên toàn huyện. Hiện nay, hầu hết diện tích đất vàng đỏ trên đá mác ma axít là đất rừng tái sinh, rừng trồng, hoặc đất cây lùm bụi xen cỏ dại, rất ít diện tích là đất nương rẫy quảng canh. Nhìn chung, trong điều kiện có rừng cây che phủ, đất Fa có hàm lượng dinh dưỡng khá cao; tuy nhiên hầu hết là đất tầng mỏng, lại phân bố trên những khối núi cao, dốc mạnh; nên ít thích hợp cho khai thác sử dụng nông nghiệp; do đó, đề nghị hạn chế khai thác nương rẫy quảng canh trên loại đất này, đồng thời có kế hoạch khoanh vùng trồng và bảo vệ rừng để bảo vệ đất.
7. Nhóm đất xói mòn trơ sỏi đá: Đất xói mòn trơ sỏi đá có diện tích 7.829,53 ha, chiếm 13,87 % diện tích tự nhiên. Phân bố tập trung ở các xã: Phước Dinh, Phước Diêm, Phước Minh, Cà Ná. Toàn bộ đất xói mòn trơ sỏi đá có tầng mỏng và hầu hết ở địa hình núi cao dốc, vì vậy, ít có ý nghĩa cho sử dụng nông nghiệp.
2. Tài nguyên nước
a) Nước mặt: Nước mặt trên địa bàn huyện gồm có hệ thống sông suối, công trình thuỷ lợi.
Sống suối: Hệ thống sông suối của huyện bắt nguồn từ các dãy núi phía Tây huyện chảy về hướng Đông đổ vào sông Cái – Phan Rang. Bao gồm sông Lu, sông Biêu, sông Trăng, suối Là Ha, suối La La, suối Nha Min, suối Lớn…. Trong đó sông Lu có chiều dài là 45 km, diện tích lưu vực là 380 km2, lưu lượng dòng chảy trung bình hàng năm là 2,19 m3/s, là sông chính chi phối phần lớn nguồn nước mặt ở Thuận Nam.
Công trình thuỷ lợi: Hệ thống thuỷ lợi Tân Giang gồm hồ Tân Giang và các đập Cà Tiêu, Ma Rên, Chà Vin, đập Đá với diện tích lưu vực là 149 km2, năng lực thiết kế tưới cho 3.000 ha. Bên cạnh hệ thống thuỷ lợi Tân Giang còn có hồ suối Lớn (Phước Ninh), hồ Quán Thẻ (Phước Minh) hồ CK7 (Phước Hà), đập suối Ngang (Phước Dinh). Hiện nay trên địa bàn huyện đang đầu tư xây dựng hồ sông Biêu với diện tích lưu vực 67 km2, thiết kế tưới 940 ha cùng với việc sẽ đầu tư thêm một số công trình thuỷ lợi như hồ Tân Giang 2, hồ núi Một, hồ Trà Van… sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu nước tưới cho sản xuất và sinh hoạt của người dân trong huyện.
Mặc dù hệ thống sông suối trên địa bàn tương đối dày nhưng, nhìn chung tài nguyên nước mặt ở Thuận Nam rất hạn chế do lượng mưa ít nhưng lượng bốc hơi lớn, nhiều sông suối trên địa bàn kiệt nước vào mùa khô. Vì vậy, công tác thuỷ lợi đóng vai trò quan trọng đối với phát triển nông nghiệp và các ngành kinh tế – xã hội khác trên địa bàn.
b) Nước ngầm: Theo kết quả điều tra, đánh giá của ngành địa chất thuỷ văn: Nước ngầm ở huyện Thuận Nam có một tầng chứa nước ngầm ở độ sâu khoảng 14 -20m, đó là tầng chứa nước lỗ hổng trầm tích (Pleistocen – Holocen) có thể khai thác phục vụ cho sinh hoạt với trữ lượng hạn chế. Kết quả thăm dò tìm kiếm nguồn nước ngầm tại một số khu vực trong huyện cho thấy:
– Độ sâu từ mặt đất đến tầng chứa nước từ 14 đến 20 m.
– Độ dày của tầng chứa nước mỏng chỉ từ 3 – 5 m.
– Mực nước tĩnh ổn định ở mức 0,5 m đến 3 m đối với vùng đồng bằng và lớn hơn 3,5 m đối với vùng trung du và miền núi.
Chất lượng nước ngầm biến đổi khá phức tạp theo mùa, nước mặn và nước ngọt phân bố xen kẽ nhau trên một địa bàn, đặc biệt khu vực các xã Phước Minh, Phước Dinh, Phước Diêm, Cà Ná nước ngầm thường có độ mặn do sự xâm nhập của nước biển.
3. Tài nguyên rừng
Theo số liệu rà soát quy hoạch 3 loại rừng của Chi cục Lâm nghiệp Ninh Thuận 2007 và số liệu thống kê hiện trạng sử dụng đất năm 2010 của Phòng Tài nguyên – Môi trường Thuận Nam, hiện trạng diện tích rừng trên địa bàn huyện Thuận Nam đến năm 2010 như sau:
Tổng diện tích đất lâm nghiệp 27.635,48 ha, chiếm 48,95% tổng diện tích tự nhiên, theo phân cấp 3 loại rừng thị diện tích rừng sản xuất là 4.549,85 ha, chiếm 8,06% diện tích tự nhiên và 16,45% diện tích đất lâm nghiệp; diện tích rừng phòng hộ là 23.085,63 ha, chiếm 40,89% diện tích tự nhiên và 83,54 % diện tích đất lâm nghiệp. Trong đó đất có rừng là 16.152,48 ha với tổng trữ lượng ước tính khoảng 1.038.051 m3 và 690.731 cây, trong đó chủ yếu là rừng non, rừng nghèo, rừng lùn thuộc rừng phòng hộ đầu nguồn và ven biển. Cấu thành chủ yếu là rừng thường xanh xen rừng nửa rụng lá và rừng lùn vùng bán khô hạn, rừng hỗn giao, tỷ lệ che phủ thấp, dễ bị phá vỡ kết cấu nếu không có biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt.
Biểu 2: Hiện trạng rừng huyện Thuận Nam
TT | Loại đất loại rừng | Diện tích (ha) | Cơ cấu (%) |
Tổng diện tích ĐLN | 27.635,48 | 100 | |
1 | Rừng tự nhiên | 14.832,40 | 53,67 |
– | Rừng gỗ LRTX | 4.401,40 | 15,93 |
– | Rừng gỗ LRRL | 5.759,00 | 20,84 |
– | Rừng hỗn giao | 618,00 | 2,24 |
– | Rừng lá kim | 61,00 | 0,22 |
– | Rừng lùn trên núi đá | 3.993,00 | 14,45 |
2. | Rừng trồng | 1.320,08 | 4,78 |
3. | Đất chưa có rừng | 11.483,00 | 41,55 |
* Nguồn: Chi cục lâm nghiệp Ninh Thuận 2008, Phòng TNMT Thuận Nam 2010.
4. Tài nguyên Biển
Thuận Nam có bờ biển dài trên 43 km, với vùng lãnh hải rộng trên 7.200 km2. Do nằm ở vùng nước trồi và là nơi hội tụ của hai dòng hải lưu nóng và lạnh từ phía Bắc xuống và từ phía Nam lên kéo theo nhiều loài cá và hải đặc sản di chuyển theo hai dòng hải lưu này cộng lại với nguồn thức ăn phóng phú tại đây nên đã tạo cho Thuận Nam – Ninh Thuận nguồn lợi hải sản phong phú, có nhiều bãi cá đáy, cá nổi ổn định. Theo kết quả thống kê về sản lượng đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản đến nay cho thấy ở từ độ sâu 200m nước trở vào bờ có khoảng 100 loài hải sản kinh tế thuộc 4 nhóm động vật chủ yếu là giáp xác, nhuyễn thể, da gai, cá; ngoài ra trong số thực vật biển có 10 loài thuộc nhóm rau câu, rong mơ, rong đỏ. Với thềm biển tương đối sâu, đáy biển có nhiều cát và san hô, nước biển có độ mặn cao và ổn định, thuận lợi cho sản xuất muối đạt năng suất cao.
Có thể thấy rằng, khai thác hải sản, nuôi trồng thuỷ sản và sản xuất muối công nghiệp là một trong những thế mạnh của tỉnh Ninh Thuận nói chung và Thuận Nam nói riêng, hàng năm ngành thuỷ sản của huyện đã đóng góp trên 55% giá trị sản xuất thuỷ sản của tỉnh. Trong tương lai công nghiệp chế biến hải sản, chế biến các sản phẩm sau muối là một trong những ngành mũi nhọn. Vì vậy những năm qua tỉnh đã đầu tư xây dựng cảng cá, bến cá; các cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu thuyền, xây dựng các nhà máy chế biến thuỷ hải sản, các cơ sở hậu cần cho phát triển nghề cá. Hiện tại trên địa bàn huyện Thuận Nam đang đầu tư mở rộng cảng Cà Ná với công suất bốc dỡ 15 triệu tấn/năm và mở rộng đồng muối công nghiệp Quán Thẻ. Với những lợi thế về tài nguyên biển nói trên là cơ sở để Thuận Nam phát triển trở thành khu kinh tế biển của tỉnh và cả nước.
5. Tài nguyên khoáng sản
Theo báo cáo thuyết minh bản đồ địa chất khoáng sản tỉnh Ninh Thuận, tổng hợp lại cho thấy tài nguyên khoáng sản ở Thuận Nam chủ yếu là khoáng sản vật liệu xây dựng, như:
– Đá xây dựng: Trữ lượng 368,8 triệu m3, diện tích 10.420 ha, phân bố ở Lạc Tiến, núi Tà Lan – xã Phước Minh, Đá Găng – xã Cà Ná, Đồi Ja Ty; Mong Liêm; núi Một – Phước Nam, núi Vung – Phước Hà. Đá có nguồn gốc phún trào granitpofia thành phần trung tính và a xít. Nhìn chung đá cứng chắc, thích hợp làm cốt liệu xây dựng đường, bê tông và nhu cầu khác.
– Đá ốp lát: Nguồn đá granit có khả năng khai thác chế biến đá ốp lát trên địa bàn huyện là khá lớn với trữ lượng 9,5 triệu m3, diện tích 38,34 ha, phân bố ở Bàu Ngứ; núi Chàng Bang – xã Phước Nam và Từ Thiện – xã Phước Dinh. Kết quả thăm dò của Sở Khoa học Công nghệ Môi trường tỉnh kết hợp với trường Đại học mỏ địa chất cho thấy đá có chất lượng tốt, độ nguyên khối lớn, ít nứt nẻ, màu sắc đẹp, độ trang trí cao.
– Đất sét: Theo dự báo tổng trữ lượng sét trên địa bàn huyện có khoảng gần 7 triệu m3, diện tích 4.080 ha. Hiện nay, trên địa bàn huyện đã thực hiện khai thác tại 2 mỏ ở khu vực thôn Hiếu Thiện – xã Phước Ninh và xã Phước Nam với trữ lượng dự báo 5 triệu m2, diện tích 305 ha, sét khai thác chủ yếu phục vụ cho nhà máy gạch tuy nen ở xã Phước Ninh công suất 15 triệu viên/năm.
– Đá chẻ: Nguồn tài nguyên khoáng sản để sản xuất đá chẻ xây dựng trên địa bàn huyện khá lớn dự báo có khoảng 7,2 triệu m3, diện tích 730 ha phân bố ở các xã Phước Minh (Núi Gió), Phước Nam (núi Chà Bang, Giếng Bụng, Đá Bạc; Bàu Ngứ), Phước Minh (Quán Thẻ). Đá chẻ trên địa bàn chủ yếu là macma granitoit thích hợp cho việc làm nền móng công trình thuỷ lợi, giao thông, nhà ở… hoạt động khai thác, chế biến chủ yếu là thủ công.
– Cát xây dựng: Cát xây dựng trên địa bàn huyện có trữ lượng không lớn khoảng 0,19 triệu m3, diện tích 180 ha, phân bố chủ yếu dọc sông Lu trên địa bàn xã xã Phước Nam và Nhị Hà.
– Vật liệu san lập: Nguồn nguyên liệu khai thác làm vật liệu san lấp phân bố khá phổ biến dưới dạng các lớp phủ bở rời xung quanh các chân núi, các đồi cát ven biển. Theo dự báo tổng trữ lượng ước đạt 16,84 triệu m3, điện tích 4.200 ha, địa bàn phân bố chủ yếu là khu vực núi Chà Bang thuộc xã Phước Nam.
Ngoài ra có khoáng sản phi kim loại có thạch anh tinh thể ở núi Chà Bang, do chưa có thăm dò cụ thể nên chưa dự báo được trữ lượng.
6. Tài nguyên nhân văn – du lịch
Trên địa bàn huyện có nhiều dân tộc sinh sống với nền văn hoá có những nét khác nhau, đặc biệt là văn hoá chăm đã tạo nên tính đa dạng và đặc sắc. Việc khai thác, tôn tạo, giữ gìn những giá trị văn hoá và cảnh quan hiện có là cơ sở để phát triển ngành du lịch, thu hút khách tới tham quan, nghỉ dưỡng, tìm hiểu về sinh hoạt, tập quán, lễ nghi, nghệ thuật của các dân tộc.
Bở biển và một số cảnh quan của huyện có những thuận lợi để phát triển du lịch đặc biệt là khu vực Cà Ná, Mũi Dinh. Bên cạnh đó với chủ trương đầu tư tuyến đường ven biển kéo dài đến cảng Cà Ná sẽ là điều kiện thuận lợi để gắn kết các điểm du lịch, từ biển Cà Ná là điểm trung tâm có thể hình thành quần thể du lịch và các tour du lịch gắn với khu du lịch Ba Bể, cồn cát đỏ Nam Cương, hồ Tân Giang, suối nước nóng Nhị Hà.
DÂN SỐ – LAO ĐỘNG
1. Đặc điểm dân số và phân bố dân cư
– Dân số: Dân số trung bình năm 2010 là 55.187 người, trong đó nam có 26.749 người, nữ có 27.538 người. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên là 1,38%. Mật độ dân số bình quân 97,76 người/km2.
– Phân bố dân cư: Hiện nay ở hầu hết các xã dân cư đã sống tập trung thành các khu, điểm dân cư lớn, các trục đường giao thông, gần khu sản xuất, nguồn nước nên việc phục vụ các nhu cầu về điện, nước, y tế, giáo dục và chỉ đạo sản xuất tương đối thuận lợi. Tuy nhiên, dân cư phân bố không đều giữa các xã như Cà Ná 711 người/km2, Phước Nam 328,8 người/km2, Phước Diêm 211,5 người/km2, trong khi Phước Hà 17 người/km2, Phước Minh 46,1 người/km2.
2.1. Nguồn lao động
Theo số liệu thống kê năm 2010 số người trong độ tuổi có khả năng lao động là 32.467 người, chiếm 58,83% dân số toàn huyện. Lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế là 31.759 người chiếm 57,55% dân số và 97,82% lao động trong độ tuổi.
2.2. Cơ cấu lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế
– Tổng lao động đang làm việc trong các ngành: 31.759 người, trong đó:
+ Lao động nông lâm nghiệp: 25.556 người, chiếm 80,47%.
+ Lao động công nghiệp – TTCN, xây dựng: 1.809 người, chiếm 5,7%.
+ Lao động thương mại, dịch vụ, quản lý nhà nước-xã hội: 4.394 người, chiếm 13,84%.
– Cơ cấu lao động chuyển dịch phụ hợp với xu thế chung, tăng dần tỷ trọng lao động trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng lao động nông nghiệp, tuy nhiên chuyển dịch còn chậm do công nghiệp – xây dựng đã có sự quan tâm đầu tư nhưng bước đầu đang đầu tư kết cấu hạ tầng chưa đi vào sản xuất, dịch vụ còn quá nhỏ bé nên khả năng thu hút chưa cao, ngành nghề nông thôn phát triển còn chậm (chủ yếu chế biến thuỷ hải sản, ngư lưới cụ, sửa chữa tàu thuyền với quy mô nhỏ).
2.3. Chất lượng lao động
Tỷ lệ lao động được qua đào tạo (đào tạo, tập huấn) chiếm 22% tổng lao động. Lao động qua đào tạo chủ yếu thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước, giáo dục, y tế và doanh nghiệp công nghiệp. Chất lượng nguồn lao động với tỷ trọng 78% số lao động là lao động phổ thông chưa qua đào tạo và chủ yếu lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp, thuỷ sản; thiếu nhiều cán bộ khoa học kỹ thuật ở các ngành kinh tế quốc dân và các cơ sở sản xuất quan trọng và phân bố không đồng đều trên địa bàn huyện.
Nhìn chung, nguồn lao động của huyện dồi dào, tính về số lượng có thể đáp ứng lao động cho các ngành kinh tế của huyện. Tuy nhiên khi cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch nhanh sang phát triển công nghiệp theo hướng hội nhập quốc tế và đòi hỏi lao động có kỹ thuật cả về số lượng và chất lượng ngày càng cao, vấn đề đặt ra phải nâng cao chất lượng và tăng cường đào tạo lao động có tay nghề với nhiều ngành, lĩnh vực và ở trên các địa bàn.
ĐIỀU KIỆN XÃ HỘI
1. Y tế và chăm sóc sức khoẻ nhân dân
a) Về cơ sở vật chất
– Đối với y tế tuyến huyện: Hiện trên địa bàn huyện có 1 phòng khám đa khoa khu vực tại xã Cà Ná gồm có 20 giường bệnh (đã xuồng cấp đang chuẩn bị đầu tư xây dựng lại). Riêng trung tâm y tế huyện đã được quy hoạch, đang thực hiện các thủ tục để chuẩn bị đầu tư, hiện nay trung tâm y tế huyện đang sử dụng hạ tầng của trung tâm y tế huyện Ninh Phước để hoạt động.
– Đối với y tế tuyến xã: Hiện tại toàn huyện có 6/8 xã có trạm y tế xã, 2 xã mới chia tách là Phước Ninh, Cà Ná chưa có trạm y tế, tổng số giường bệnh là 30 giường. Hiện nay có 1 trạm y tế đã đạt chuẩn (trạm y tế xã Nhị Hà), các trạm y tế còn lại cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng cần đầu tư sửa chữa nâng cấp để đạt chuẩn nhằm đáp ứng cho nhu cầu khám, chữa bệnh ban đầu cho nhân dân.
b) Về nhân lực
– Đối với tuyến huyện: Bộ phận khám chữa bệnh có tổng số cán bộ 36 người kể cả Phòng khám đa khoa khu vực Cà Ná, trong đó gồm 6 bác sĩ (01 người là bác sĩ chuyên khoa I), 7 y sĩ, 3 dược sĩ trung học, 7 điều dưỡng, 1 xét nghiệm trung học các chuyên ngành khác có 9 người (2 đại học). Bộ phận quản lý nhà nước (phòng y tế huyện) có 3 người trong đó có 1 bác sĩ, 1 đại học công nghệ thực phẩm và 1 điều dưỡng trung học.
– Đối với tuyến xã: Gồm có bác sĩ: 3 người/03 trạm y tế (Phước Hà, Nhị Hà, Phước Nam), 14 y sĩ, 8 dược sĩ (2 sơ cấp), 12 điều dưỡng 8 nữ hộ sinh, 1 lương y.
Nhìn chung đội ngũ cán bộ y tế dần được chuẩn hoá để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao; hiện tại có 1 bác sĩ đang theo học bác sĩ chuyên khoa cấp 1 và 2 y sĩ đang theo học chuyên tu bác sĩ. Tuy nhiên, tỷ lệ bác sĩ trên 1.000 dân đạt thấp (0,18 bác sĩ/1.000 dân).
c) Hoạt động y tế trên địa bàn
Thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân, các chương trình y tế quốc gia, y tế dự phòng; công tác phòng chống các loại dịch bệnh hiệu quả. Quan tâm và tổ chức khám, cấp thuốc miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi theo đúng quy định hiện hành. Tổ chức tốt chiến dịch chăm sóc sức khoẻ sinh sản các vùng khó khăn, thực hiện tốt đề án kiểm soát dân số vùng biển, ven biển giai đoạn 2009- 2020. Kết quả hoạt đông y tế đạt được như sau:
– Khám chữa bệnh cho 12.987 lượt người, trong đó điều trị nội trú 789 lượt người.
– Tiêm chủng 7 bệnh cho trẻ em đạt 96%,
– Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm xuống còn 20,04%.
– Tổ chức thực hiện các biện pháp kế hoạch hoá gia đình cho 5.425 lượt người.
– Chú trọng công tác quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, đã kiểm tra 123 cơ sở sản xuất kinh doanh hoạt động, phát hiện và xử lý 63 cơ sở không đạt yêu cầu.
– Duy trì tốt công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực y tế, nhất là đối với hoạt động hành nghề y dược tư nhân, kiểm tra và xử lý 9/10 cơ sở vi phạm về các điều kiện hoạt động ngành nghề y dược tư nhân.
– Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm 1,38%.
2. Giáo dục và đào tạo
– Về lĩnh vực giáo dục: Trong những năm qua, ngành giáo dục được quan tâm đầu tư phát triển cả về cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng giáo dục. Từng bước đẩy mạnh thực hiện xã hội hoá giáo dục, đặc biệt là lĩnh vực giáo dục mầm non. Kết quả xoá mù chữ được duy trì vững chắc; 100% xã duy trì chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học, 100% xã đạt chuẩn về phổ cập giáo trung học cơ sở. Tỷ lệ huy động học sinh ra lớp năm học 2010-2011: huy động trẻ trong độ tuổi ra mẫu giáo là 1.106/1.564 , đạt tỷ lệ 71%, số học sinh huy động vào lớp 1 có 1.151 em/1.176 em trong độ tuổi đạt tỷ lệ 97,9%; lớp 6 có 1.024/1.031 đạt tỷ lệ 99,3%.
Năm học 2010 – 2011, toàn huyện có 26 trường học các cấp, trong đó mầm non có 6 trường, tiểu học có 14 trường, trung học cơ sở có 6 trường và trung học phổ thông có 2 trường. Tổng số có 312 phòng học với 403 lớp học và tổng số học sinh các cấp là 11.498 học sinh. Tổng số giáo viên có các cấp 543 người.
Công tác xã hội hoá giáo dục không ngừng được quan tâm, đặc biệt đối với giáo dục mầm non, hiện tại trên địa bàn huyện có 11 nhóm, lớp trẻ tư thục với 245 trẻ. Thực hiện chủ trương xây dựng xã hội học tập, phát triển các trung tâm học tập cộng đồng, xây dựng gia đình, dòng họ khuyến học; đã có 6/8 xã đã xây dựng trung tâm học tập cộng đồng, mạng lưới khuyến học phát triển rộng khắp trên địa bàn dân cư, cơ quan, trường học.
Cơ sở vật chất của ngành giáo dục được tăng cường, hệ thống trường lớp được xây dựng mới, kiên cố hoá, trong năm đã đầu tư, xây mới và đưa vào sử dụng 36 phòng học tại 4 trường học trên địa bàn. Tuy nhiên, cơ sở vật chất trường lớp chưa đáp ứng yêu cầu, hiện tại toàn bộ các trường học ở các cấp học trên địa bàn huyện chưa đạt chuẩn quốc gia theo quy định, nhiều trường, điểm trường thiếu quy mô diện tích; trang thiết bị dạy và học; các phòng chức năng theo quy định. Đặc biệt hiện tại có 2 xã mới tách là Cà Ná, Phước Ninh còn thiếu trường học đòi hỏi phải gấp rút đầu tư để đảm bảo phục vụ tốt cho nhu cầu học tập của con em.
Biểu 13: Hiện trạng trường học, học sinh, giáo viên
TT | Chỉ tiêu | ĐVT | Năm 2006 | Năm 2007 | Năm 2008 | Năm 2009 | Năm 2010 |
I | Số trường học | Trường | 26 | 26 | 26 | 26 | 27 |
1 | Trường mầm non | “ | 6 | 6 | 6 | 6 | 6 |
2 | Trường tiểu học | “ | 14 | 14 | 14 | 14 | 14 |
3 | Trường trung học cơ sở | “ | 6 | 6 | 6 | 6 | 6 |
4 | Trường trung học phổ thông | “ | 1 | ||||
Số học sinh đầu năm học | HS | 10.888 | 10.896 | 10.571 | 10.627 | 11.498 | |
1 | Học sinh mầm non | “ | 1.068 | 1.111 | 1.053 | 1.085 | 1.124 |
2 | Học sinh tiểu học | “ | 6.353 | 6.349 | 6.287 | 6.297 | 6.317 |
3 | Học sinh trung học cơ sở | “ | 3.467 | 3.436 | 3.231 | 3.245 | 3.349 |
4 | Học sinh TH phổ thông | “ | 708 | ||||
III | Số giáo viên | GV | 466 | 464 | 461 | 478 | 543 |
1 | Giáo viên mầm non | “ | 45 | 46 | 44 | 46 | 49 |
2 | Giáo viên trung học cơ sở | “ | 152 | 151 | 163 | 167 | 172 |
3 | Giáo viên tiểu học | “ | 269 | 267 | 254 | 265 | 288 |
4 | Giáo viên TH Phổ Thông | “ | 34 |
* Nguồn: – Tổng hợp tách niên giám thống kê huyện Ninh Phước 2006 – 2009, phòng TCKH ; phòng Thống kê.
– Phòng Giáo dục huyện Thuận Nam, năm 2011
– Lĩnh vực đào tạo nghề: Công tác đào tạo nghề trên địa bàn huyện đã được quan tâm của các cấp ngành và có những chuyển biến tích cực, trong năm 2010 đã tổ chức được 27 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn với 810 học viên tham gia, tập trung các nghề trồng nấm, may và xây dựng. Bên cạnh đó, thông qua các chương trình khuyến nông, khuyến công đã thực hiện chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi dê cừu; nuôi tôm; trồng rừng thâm canh cây Trôm; bảo quản thuỷ sản trên biển…. qua đó góp phần nâng cao chất lượng lao động, bổ sung nguồn nhân lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của huyện. Năm 2010, tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện đạt khoảng 22% (ước tính trên cơ sở số liệu thống kê huyện Ninh Phước
3. Văn hoá, truyền thanh và thể dục, thể thao
Hoạt động văn hoá thông tin, phát thanh truyền hình đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần các tầng lớp nhân dân và tuyên truyền phổ biến các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá tiếp tục được thực hiện, đến nay toàn huyện có 27/38 thôn đã phát động xây dựng thôn văn hoá trong đó có 9 thôn đạt thôn văn hoá cấp huyện, đã thành lập được 26 đội văn nghệ cơ sở.
Hệ thống các thiết chế văn hoá ngày càng được quan tâm xây dựng, hiện có 1 nhà văn hoá xã (xã Phước Diêm), 2 thiết chế văn hoá, thể thao (xã Phước Ninh, xã Phước Hà), 6/8 bưu điện văn hoá xã, 6 sân bóng đá cơ sở, 32 sân bóng chuyền cơ sở, 6/8 có trung tâm học tập cộng đồng, 5 trạm truyền thanh…. Nhìn chung, các thiết chế văn hoá còn thiếu đặc biệt là trung tâm văn hoá huyện đã được quy hoạch nhưng chưa đầu tư xây dựng và tuyến cơ sở cần được quan tâm đầu tư.
Hoạt động thể dục thể thao quần chúng, công tác xã hội hoá thể dục thể thao được huyện quan tâm. Phong trào rèn luyện thân thể thông qua các môn bóng đá, bóng chuyền cầu lông, … được duy trì và phát triển trong các cơ quan và các xã trong toàn huyện, 100% số trường học trong huyện có phong trào giáo dục thể chất; đã thành lập được 32 đội bóng chuyền và 10 đội bóng đá cơ sở tham gia thi đấu phục vụ địa phương nhân các ngày lễ lớn trong năm.
Toàn huyện đã được phủ sóng truyền hình; 5 xã được trang bị hệ thống truyền thanh. Công tác thông tin tuyên truyền được thực hiện tốt, trong năm phòng văn hoá – thể thao – du lịch huyện đã thực hiện hơn 210 tin, bài cộng tác với Đài Phát thanh- Truyền hình tỉnh, Báo Ninh Thuận đưa tin phản ánh các hoạt động kinh tế- chính trị, văn hoá- xã hội tại địa phương. Tuy nhiên, hệ thống truyền thanh đến nay đã xuống cấp cần thiết phải đầu tư chuyển sang vô tuyến nhằm đảm bảo cung cấp thông tin, phục vụ tốt hơn cho nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội.
Thực hiện các chủ trương của Trung ương và Tỉnh uỷ, Đảng bộ, chính quyền các cấp đã tập trung lãnh đạo thực hiện có kết quả nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh. Công tác bồi dưỡng, giáo dục kiến thức quốc phòng – an ninh được đẩy mạnh. Hàng năm cán bộ từ cấp huyện đến cấp xã, thị trấn đều được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về nhiệm vụ quốc phòng – an ninh.
Công tác xây dựng lực lượng quân sự, công an, dân quân tự vệ, dự bị động viên, lực lượng dân phòng được coi trọng về chính trị và tổ chức, trong đó đặc biệt chú trọng nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, chăm lo công tác chính trị trong lực lượng vũ trang; chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, vai trò của cấp uỷ, chi bộ trong Đảng bộ quân sự, công an.
Công tác tuyển quân, huấn luyện, diễn tập, hội thao hội thi, đều hoàn thành chỉ tiêu trên giao; xây dựng dân quân tự vệ đạt 1,4% so với dân số; tuyển quân hàng năm đều đạt 100% chỉ tiêu. Công tác thanh tra, kiểm tra giải quyết các khiếu nại, tố cáo của nhân dân và các tổ chức được duy trì thường xuyên và giải quyết kịp thời không để xảy ra các điểm nóng. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được củng cố và giữ vững.