Giới thiệu khái quát huyện Trà Lĩnh
Địa hình huyện Trà Lĩnh chủ yếu là đồi núi, chiếm 88% diện tích tự nhiên toàn huyện, độ cao thấp dần từ phía tây bắc xuống đông nam. Độ cao trung bình từ 12 650 m-700 m so với mặt nước biển, nhiều ngọn núi cao trên 1.000 m như ngọn núi ở Bản Tám (xã Cô Mười) cao 1.200 m.
Địa hình tự nhiên hình thành hai vùng chính. Vùng núi đá vôi gồm các xã phía tây của huyện: Cô Mười, Lưu Ngọc, Quang Vinh. Vùng núi đá xen núi đất gồm các xã: Quốc Toản, Cao Chương, Quang Hán, Xuân Nội, Quang Trung, Tri Phương và thị trấn Hùng Quốc. Xen giữa các vùng núi đá, núi đất là những cánh đồng ven sông, suối, thung lũng bằng phẳng như Phiêng Ra (xã Tri Phương), Lũng Tung (xã Xuân Nội), Lũng Pán (xã Lưu Ngọc),…
Về khí hậu: Huyện Trà Lĩnh chịu ảnh hưởng của khí hậu á nhiệt đới gió mùa, hình thành hai mùa nóng – lạnh rõ rệt.
Mùa nóng bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 10, do ảnh hưởng của khí hậu gió mùa Đông Nam nên thường nóng gắt về ban ngày, mát mẻ về ban đêm, nhiệt độ trung bình là 19,70C, nhiệt độ cao nhất là 36,30C. Mưa nhiều, lượng mưa trung bình đo được từ 1.700 mm-1.800 mm, nhất là vào các tháng 6, 7, 8 thường xảy ra lũ lụt, làm xói mòn đất ven sông. Độ ẩm cao chiếm tới 87%.
Mùa lạnh bắt đầu từ tháng 11 năm trước đến tháng 3 năm sau, do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc nên khí hậu khô hanh, độ ẩm thấp. Mưa ít, lượng mưa trung bình khoảng 900 mm, thấp nhất là 605 mm. Thường xảy ra sương muối từ 3 đến 5 ngày, có năm kéo dài 15-20 ngày. Những tháng giao mùa từ mùa lạnh sang mùa nóng (khoảng cuối tháng 2 đến đầu tháng 3 âm lịch) thường xảy ra mưa đá ở một số vùng, gây thiệt hại về hoa màu, nhà cửa.
Hệ thống sông ngòi gồm ba con sông chính: sông Bắc Vọng, sông Cô Mười và sông Trà Lĩnh.
Sông Bắc Vọng bắt nguồn từ Trung Quốc chảy qua địa phận các xã Tri Phương, Quang Trung trong huyện (dài khoảng 9 km), và chảy về xã Trung Phúc (huyện Trùng Khánh). Mùa nóng mưa nhiều, nước đục chảy xiết, lưu lượng dòng chảy 500 m3 /giây. Mùa lạnh ít mưa, dòng chảy nhỏ khoảng 0,86 m3 /giây.
Sông Cô Mười dài khoảng 12 km bắt nguồn từ bản Bó Ý – Kéo Láo (xã Cô Mười) chảy qua các bản: Co Tố, Cô Mười, Bản Tám (xã Cô Mười), Bản Mặc, Bản Niếng Nưa (xã Quang Hán), đến Pò Khao (thị trấn Hùng Quốc) hợp lưu với sông Trà Lĩnh.
Sông Trà Lĩnh bắt nguồn từ Trung Quốc chảy qua địa phận thị trấn Hùng Quốc, qua ngườm Rù Sặp xã Cao Chương (dài khoảng 18 km), xuyên núi đá vôi đổ xuống phía sau tạo thành thác Nặm Chá có độ cao khoảng 20 m, sau đó chảy về vùng hồ Thăng Hen.
Ngoài ba con sông kể trên, huyện Trà Lĩnh có khoảng 12 con suối nhỏ cung cấp nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt hàng ngày của người dân địa phương. Thiên nhiên đã ưu ái dành cho huyện Trà Lĩnh vùng hồ Thăng Hen – một phong cảnh đẹp hùng vĩ và thơ mộng. Vùng hồ Thăng Hen thuộc xã Quốc Toản, tiếp giáp với các xã Cao Chương, Lưu Ngọc của huyện và các xã Nguyễn Huệ, Ngũ Lão (huyện Hòa An). Vùng hồ Thăng Hen gồm những hồ to, nhỏ nối tiếp nhau thành một chuỗi 36 hồ, trong đó có 7 hồ lớn như: Thăng Hen, Thăng Ghị Rằng, Thăng Loỏng, Thăng Luông, Nặm Chá, Thăng Ghiều, Thăng Hoi, v.v.. Hồ Thăng Hen là hồ chính và lớn nhất trong các hồ, ở độ cao khoảng 500-600 m so với mặt nước biển, sâu khoảng 90 m, quanh năm nước xanh biếc. Mùa khô ít nước, mùa mưa nước dâng cao nối liền các hồ thành một chuỗi dài, thuyền, bè có thể đi lại dễ dàng khắp mặt hồ để khám phá các hang động với nhiều kiểu dáng kỳ thú. Vùng hồ Thăng Hen không chỉ là một thắng cảnh đẹp, địa điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài tỉnh mà còn là nguồn cung cấp thực phẩm phong phú như: cá, tôm, cua, ốc,… đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân trong huyện và cung ứng cho các khu vực lân cận như huyện Hòa An, Quảng Uyên và thành phố Cao Bằng.
Rừng và đất rừng có khoảng 20.000 ha, chiếm tới 83,1% diện tích toàn huyện. Rừng trước kia có nhiều loại gỗ quý như: nghiến, lát, thông. Hiện nay, huyện có khoảng 987 ha rừng, trữ lượng gỗ ước tính còn 4.500 m3 các loại. Từ năm 1995 đến nay, thực hiện chương trình phát triển kinh tế nông – lâm kết hợp, trên địa bàn huyện đã trồng được 1.000 ha rừng hồi, 23 ha rừng vầu thuộc sở hữu của người dân.
Diện tích đất canh tác của huyện khoảng 4.064 ha, trong đó đất ruộng chiếm hơn 2.000 ha, gồm các cánh đồng chạy dài dọc sông Bắc Vọng, sông Trà Lĩnh, sông Cô Mười.
Về động vật: Trước kia huyện Trà Lĩnh có nhiều loài động vật quý hiếm như hổ, báo, hươu, nai, gấu, khỉ, lợn rừng, sơn dương, nhím, cày hương, hoạ mi, trĩ, gà lôi,…; các loại lâm thổ sản như: sa nhân, mộc nhĩ, nấm hương, măng trúc, măng mai,…
Ngày nay, trên địa bàn huyện chỉ còn một số loài động vật quý hiếm như: cày hương, nhím, khỉ, nai, chim trĩ, gà lôi; các loại lâm thổ sản như: mộc nhĩ, nấm hương, măng các loại,… Huyện Trà Lĩnh có nguồn khoáng sản trữ lượng lớn là măng gan, ước tính khoảng 3 triệu tấn, là tài nguyên quý giá cho sự phát triển ngành công nghiệp khai khoáng của huyện.
Hệ thống giao thông của huyện từng bước được củng cố và mở rộng. Hiện nay, 10/10 xã, thị trấn trong huyện đã có đường ôtô đến trụ sở xã, thị trấn; tuyến đường 211 từ huyện Trà Lĩnh đi huyện Trùng Khánh dài 26 km; tuyến đường 210 từ huyện Trà Lĩnh đi huyện Hà Quảng dài 40 km; quốc lộ 34 bắt đầu từ đỉnh đèo Mã Phục (xã Quốc Toản) đến cửa khẩu Trà Lĩnh dài khoảng 20 km. Mạng lưới giao thông phát triển đã tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế – văn hoá – xã hội, quốc phòng, an ninh.
Huyện Trà Lĩnh có nhiều dân tộc cùng cư trú như Tày, Nùng, Mông, Kinh, Hoa,…; mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa riêng. Các dân tộc có truyền thống đoàn kết, gắn bó với nhau tạo thành một khối cộng đồng vững chắc. Truyền thống tốt đẹp đó luôn được gìn giữ và phát huy. Dân tộc Tày, Nùng cư trú xen kẽ với một số dân tộc khác, đa số cư trú ở vùng đồng, tập trung theo từng làng, bản. Nhà ở của người Tày, Nùng chủ yếu là nhà sàn, ngày nay cơ bản đã xây dựng theo kiến trúc mới (nhà cấp bốn, nhà kiên cố,…). Dân tộc Mông sống chủ yếu ở sườn đồi, thung lũng núi đá, lương thực chủ yếu là cây ngô, đỗ tương,… Dân tộc Hoa, Kinh tập trung ở phố chợ, làm nghề buôn bán, kinh doanh, dịch vụ,…
Nghề trồng trọt: Ở vùng thấp, hoạt động kinh tế chính của đồng bào là cấy lúa, trồng ngô và các loại cây hoa màu khác như mạch ba góc, các loại đỗ, lạc, cây lấy củ, các loại rau,… Do điều kiện đất đai, khí hậu thuận lợi, huyện Trà Lĩnh có nhiều cây ăn quả như: cam, quýt, mận, lê, đào,…, đặc biệt quýt là đặc sản thơm ngon, mọng nước, ngọt có tiếng trong tỉnh. Ở vùng cao, diện tích đất ruộng ít, người dân khai phá đất đồi để làm nương rẫy, trồng lúa nương, ngô, khoai, sắn, lạc, đỗ các loại.
Nghề chăn nuôi: trâu, bò, ngựa được người dân Trà Lĩnh coi là tài sản quý vì đây là nguồn sức kéo chủ yếu phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ngoài trâu, bò, ngựa còn có lợn, dê, nhím và các loại gia cầm như gà, vịt, ngỗng,…
Huyện Trà Lĩnh có hai chợ phiên: chợ Trà Lĩnh và Bản Ngắn (nay là chợ Mỏ Quang Trung). Từ trước Cách 18 mạng Tháng Tám năm 1945 đến nay, chợ Trà Lĩnh luôn là trung tâm của huyện. Chợ được phân chia thành các khu vực buôn bán riêng như: trâu, bò, lợn, gà, vịt, lương thực, thực phẩm và rau quả các loại,… thuận tiện cho việc mua bán. Đặc biệt, cửa khẩu Trà Lĩnh (Việt Nam) sang Long Bang (Trung Quốc) tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương hàng hóa, góp phần tăng ngân sách và phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Nền văn hoá của các dân tộc trong huyện phong phú, đa dạng, thể hiện đậm nét bản sắc văn hóa truyền thống của từng dân tộc, phản ánh sinh động các hoạt động lao động sản xuất, học tập, tình cảm gia đình, làng bản. Người Tày có làn điệu lượn then, đàn tính, phong Slư; người Nùng có làn điệu Hà lều; nhóm Nùng Giang có làn điệu Sli giang; người Mông có múa khèn, kèn môi và gầu tào1 ,… Lễ hội: Hằng năm ở huyện Trà Lĩnh diễn ra các lễ hội như: lễ hội Lồng Tồng (xã Tri Phương) ngày Rằm tháng Giêng; hội Thanh Minh (xã Quang Trung), hội chọi bò (xã Quang Hán) ngày 12 tháng 2 âm lịch; hội Háng Tán (thị trấn Hùng Quốc) ngày 14 tháng 2 âm lịch. Lễ hội chia thành hai phần: phần lễ được tổ chức trang trọng theo truyền thống; phần hội diễn ra nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao sôi nổi như múa kỳ lân, trình diễn võ thuật cổ truyền, biểu diễn các làn điệu dân ca, dân vũ của các dân tộc trong huyện.