Giới thiệu khái quát huyện Hạ Lang

Giới thiệu khái quát huyện Hạ Lang

Giới thiệu khái quát huyện Hạ Lang

Hạ Lang là huyện vùng cao biên giới, vùng sâu, vùng xa nằm ở phía đông tỉnh Cao Bằng, có vị trí chiến lược trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Huyện cách trung tâm thành phố Cao Bằng hơn 73 km theo tỉnh lộ 207. Ba mặt phía đông, đông – bắc, nam giáp hai huyện Đại Tân và Long Châu, Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung quốc. Phía tây bắc giáp huyện Trùng Khánh, phía tây giáp huyện quảng Uyên và Phục Hòa.

          Tổng diện tích tự nhiên của huyện là 45.651,54 ha xấp xỉ 456,515 km2, trong đó:

          – Đất nông lâm nghiệp là 42.992,16 ha, chiếm 94,17% diện tích tự nhiên, trong đó đất nông nghiệp chiếm khoảng 13%.

          – Đất phi nông nghiệp là 1.967,04 ha, chiếm 4,31% diện tích tự nhiên.

          – Đất chưa sử dụng là 692,34 ha, chiếm 1,52% diện tích tự nhiên.

          Dân số của huyện là 25.641 người, mật độ dân số là 56 người/km2, trong đó người Nùng chiếm 53,44%, người Tày chiếm 45,28%, dân tộc Kinh và dân tộc khác chiếm 1,28%.

          Hạ Lang hiện nay được chia thành 14 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm: thị trấn Thanh Nhật và các xã Quang Long, Việt Chu, Thái Đức, Thị Hoa, Cô Ngân, Vinh Quý, An Lạc, Kim Loan, Đức Quang, Thắng Lợi, Đồng Loan, Lý Quốc, Minh Long). Do kiến tạo địa chất, địa hình huyện Hạ Lang phức tạp, thấp dần từ Tây sang Đông, núi cao, hiểm trở, chia cắt mạnh, có nhiều nếp gãy khổng lồ tạo nên những khe sâu, hang động đèo dốc, điển hình là đèo Khau Mòn tiếp giáp với huyện Quảng Uyên, đèo Khau Ren tiếp giáp với huyện Trùng Khánh, Khau Noóc từ Đức Quang vắt qua Thắng Lợi, Khau Ruông (Việt Chu), dốc Keng Ca (An Lạc), … Địa hình của huyện không phân chia thành từng vùng rõ rệt. Hầu hết các xã vừa có núi đá, vừa có núi đất và vừa có thung lũng tương đối bằng phẳng.

          Dân số của huyện hơn 25.000 người, thành phần gồm 3 dân tộc: Tày, Nùng, Kinh, trong đó người Tày, Nùng là chủ yếu, chiếm khoảng 95%; cư trú xen kẽ bên nhau thành làng, bản, khu dân cư, tạo nên một bức tranh đa dạng, thống nhất về văn hóa đặc sắc giữa các dân tộc cũng như từng dân tộc riêng biệt.

          Về các lễ hội, lễ Tết truyền thống: Hàng năm, nhân dân các dân tộc huyện Hạ Lang tổ chức những ngày hội vào dịp mừng xuân mới, thường là những tháng đầu năm mới Âm lịch, sau Tết nguyên đán.

          – Hội Lồng tồng (hội xuống đồng) của người Tày, Nùng diễn ra đầu năm với cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bội thu: Bản Thừng (Minh Long) ngày 4 tháng Giêng, Bằng Ca ngày 6 tháng Giêng, Bản Bang (Lý Quốc), Bản Thuộc (Đồng Loan) vào ngày Dậu tháng Giêng, Bản Răng (An Lạc) ngày 7 tháng Giêng, Bản Tao (Kim Loan) ngày 8 tháng Giêng, Nà Ran (Đức Quang) ngày 9 tháng Giêng, Bản Rạc, Bản Nhôn, Bản Khúa, Bản Nha (Cô Ngân) ngày 10,11,12,13 tháng Giêng, Pò Nà (Việt Chu, Thị Hoa) ngày 14 tháng Giêng

          – Lễ hội Chùa Sùng phúc – lễ hội truyền thống lớn nhất của người dân Hạ Lang trong năm, được tổ chức vào ngày 15,16 tháng Giêng hàng năm trong sự đan xen, hòa quyện giữa những nghi lễ trang trọng và các hoạt động văn hóa dân gian sôi nổi, đặc sắc như lượn giao duyên đối đáp, điệu sli …

          – Các ngày lễ Tết gắn với truyền thống cư dân nông nghiệp trồng lúa nước và đạo lý uống nước nhớ nguồn của cư dân Việt cổ được tổ chức trong các tháng Âm lịch trong năm: Tết thanh minh (3/3), Tết đoan ngọ (5/5), Tết khoăn nà (trả công ơn trâu bò sau vụ cày bừa) (6/6), sờ nèn (tục đi tái, trả ơn công lao bố mẹ bên nhà vợ) (14,15/7), Tết trung thu (15/8), kin kháu mơ (mừng lúa mới, mừng vụ mùa bội thu) (9/9, 2/10, 11/11).

          – Ngoài ra, trên địa bàn huyện có hội giao duyên Thang Nà, Bản Kiểng xã Quang Long diễn ra vào ngày 16/4 Âm lịch (hội mới được khôi phục từ năm 2014), chợ Phai Làng (Thắng Lợi) ngày 30 và 01 tháng Giêng, chợ hội vùng Bằng Ca vào tháng Giêng, tháng 3, tháng 7 Âm lịch.

          Về văn hóa ẩm thực, sản vật địa phương: ngoài các sản vật, món ăn phong phú mang đậm chất núi rừng Cao Bằng, Hạ Lang có đặc sản nổi tiếng được du khách thập phương biết đến đó là: sản phẩm bún khô Hạ Lang, bánh khảo tàu dùng tại trung tâm phố huyện, sản phẩm đường phên tại xóm Lũng Đốn, Thị trấn Thanh Nhật.

          Về văn hóa dân tộc: dân tộc Tày có làn điệu lượn then, phong slư. Dân tộc Nùng có làn điều hà lều ở An Lạc, Vinh Quý, Quang Long, Kim Loan; Thị Hoa, Thái Đức có làn điều Nài Sli … Các làn điệu nói trên đa dạng và phong phú, thể hiện được bản sắc của từng dân tộc, có tính giáo lý và tính giáo dục cao; là hình thức để mọi người giao lưu ở các ngày cưới xin, hội chợ, chợ phiên, mừng vào nhà mới, mừng thọ …          

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây