Giới thiệu khái quát huyện Võ Nhai

huyện Võ Nhai - Tỉnh Thái Nguyên

Giới thiệu khái quát huyện Võ Nhai

Võ Nhai là một huyện miền núi phía đông bắc tỉnh Thái Nguyên.

1/ Điều kiện tự nhiên

Võ Nhai có diện tích tự nhiên 83.950,24ha; Gồm 14 xã và 1 thị trấn, trong đó có 11 xã thuộc khu vực III còn lại 4 đơn vị thuộc khu vực II; dân số hiện có 66.340 người. Là huyện có địa hình phức tạp, đồi núi là chủ yếu, đất ruộng ít, phần lớn diện tích là đồi núi thấp và núi đá vôi, những vùng đất bằng phẳng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp nhỏ, chủ yếu theo các khe suối, triền sông và thung lũng.

2/ Tài nguyên thiên nhiên

·    Tài nguyên đất

Theo kết quả phúc tra theo phương pháp định lượng FAO/UNESCO do Viện Thiết kế xây dựng thực hiện thì toàn huyện có các nhóm đất sau:
– Đất phù sa: 1.816 ha chiếm 2,16% diện tích
– Đất đen:  935,5 ha chiếm 1,11% diện tích
– Đất xám bạc màu: 63.917,7 ha chiếm 76,08% diện tích đất tự nhiên, phân bố ở các thung lũng trên địa bàn tất cả các xã trong huyện.

– Đất đỏ: 3.770,80ha, chiếm 4,49% diện tích tự nhiên

– Các loại đất khác: có 13.570,44 ha chiếm 16,16% diện tích.
Nhìn chung Võ Nhai có nhiều loại đất canh tác phù hợp với nhiệu loại cây trồng, nhất là cây công nghiệp, cây ăn quả và trồng rừng, song chủ yếu là đất đồi núi; những diện tích đất bằng phẳng phục vụ cho canh tác nông nghiệp rất thấp, đất ruộng lúa chỉ còn 2.916,81 ha.

·    Tài nguyên rừng

Do diện tích đất lâm nghiệp lớn, lại là huyện vùng cao khí hậu nhiệt đới nên hệ thực vật có nhiều gỗ quý từ nhóm II đến nhóm VIII, song đến nay trữ lượng không còn nhiều. Rừng già và rừng trung bình chiếm tỷ lệ thấp, chủ yếu là ở các vùng sâu, vùng xa. Ngoài rừng gỗ còn có rừng tre, nứa, vầu…
Trong 50.595 ha rừng có:
– Rừng gỗ: 20.115 ha
– Rừng tre, nứa, vầu: 603 ha
– Rừng hỗn giao: 3.440,87 ha
– Rừng núi đá: 26.437 ha
Hệ động vật tương đối phong phú, đa dạng, gồm các loại thú rừng, bò sát, chim. Hiện nay số lượng động vật đang bị suy giảm nhiều do nạn săn, băn bừa bãi và chặt phá rừng làm mất nơi cư trú.

·    Tài nguyên khoáng sản

Qua kết qủa điều tra tìm kiếm thăm dò, Võ Nhai có các loại khoáng sản sau:
– Kim loại màu: Gồm chì, Kẽm ở Thần Sa với quy mô trữ lượng nhỏ không tập trung, Vàng ở Thần Sa, Sảng Mộc, Liên Minh nhưng chỉ là vàng sa khoáng, hàm lượng thấp, quản lý khai thác khó khăn.
– Mỏ phốt pho ở La Hiên trữ lượng khá (khoảng 60.000 tấn)
– Khoảng sản vật liệu xây dựng như: Đá xây dựng, cát, sỏi, sét xi – măng ở La Hiên, Cúc Đường có trữ lượng lớn, chất lượng tốt.

·    Tài nguyên nước

Trong huyện có hai hệ thống nhánh sông trực thuộc hệ thống sông Cầu và sông Thương, đó là hệ thống sông Nghinh Tường và hệ thống sông Dong và nhiều khe, suối nhỏ do đó nguồn nước mặt tương đối phong phú nhưng phân bố không đều. Qua điều tra thăm dò khảo sát thì nguồn nước ngầm tương đối phong phú, chất lượng tốt đảm bảo phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất.

·    Tiềm năng du lịch

Với địa hình có dãy núi đá vôi xen lẫn núi đất trung điệp tạo nên những thắng cảnh đẹp tự nhiên của núi rừng. Quần thể hang động Phượng Hoàng, Suối Mỏ Gà và hang động khác như: Nà Kháo, Hang Huyền,… có nhiều nhũ đá tạo nên cảnh quan đẹp. Mái Đá Ngườm ở xã Thần Sa là cái nôi ra đời sớm nhất của người Âu Lạc. Rừng Khuôn Mánh xã Tràng Xá là nơi thành lập đội cứu quốc quân II và nhiều hang động, di tích khác đã đi vào lịch sử của dân tộc.
Do hệ thống giao thông đang từng bước hoàn chỉnh nên tiềm năng du lịch của huyện đang được phát huy cùng với hệ thống du lịch trong toàn tỉnh.

·    Nguồn nhân lực

– Dân số cuối năm 2002 toàn huyện có 14.110 hộ với 62.744 người, nữ chiếm 50,08% dân số. Trong đó:
Nhân khẩu nông nghiệp: 59.830 người.
Nhân khẩu phi nông nghiệp: 2.914 người.
Mật độ dân số trung bình: 73 người/km2, phân bố không đều giữa các vùng, đông nhất ở trung tâm huyện lỵ và dọc Quốc lộ 1B, ở các xã vùng sâu, vùng xa mật độ thấp 22 – 25 người/km2.
– Dân tộc: toàn huyện có 8 dân tộc anh em là: Kinh 38% chiếm dân số; Tày, Nùng chiếm 21%; các dân tộc  Dao, H’Mông, Cao Lan, Sán Chí, Hoa chiếm 41%.
– Lao động: Toàn huyện có 29.703 lao động nông nghiệp chiếm 47,34% dân số, trong đó lao động nữ chiếm 57,5%. Hầu hết dân số sống ở nông thôn (khoảng 90%), chủ yếu là sản xuất nông – lâm nghiệp.
Về trình độ lạo động nhìn chung thấp. Số người được bồi dưỡng về kỹ thuật trồng, trăm sóc cây trồng ở tiểu vùng I là 6,11%, Tiểu vùng II là 42,5% và Tiểu vùng III là 32% tổng số hộ. Số lao động có văn hoá bậc tiểu học chiếm 74,32%, trình độ bậc Trung học cơ sở và Trung học phổ thông chiếm 25%. Số còn lại có trình độ Trung cấp, Cao đẳng, Đại học rất ít. Số hộ gia đình được giao lưu với bên ngoài không nhiều.

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây