Giới thiệu khái quát phường Thạc Gián

Là một phường trung tâm trong 10 phường của quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng. Diện tích 0,775 km2. Phía Đông giáp phường Vĩnh Trung, phía Tây giáp phường Chính Gián và Sân bay Đà Nẵng, phía Nam giáp phường Hòa Thuận Đông, Quận Hải Châu, phía Bắc giáp phường Tân Chính. Có 09 khu dân cư với 111 Tổ dân phố. Trước năm 1945 phường Thạc Gián bao gồm các phường Vĩnh Trung, Tân chính, Chính Gián, Tam Thuận ngày nay.

Gioi thieu khai quat phuong Thac Gian min - Giới thiệu khái quát phường Thạc Gián

Mãnh đất này có tên trong bản đồ nước Đại Việt từ năm 1306. Tên gọi Thạc Gián có từ năm 1558, lúc các Tộc Huỳnh, Phạm Công, Nguyễn Văn, Nguyễn Ngọc đến lập nghiệp, trong đó tộc Huỳnh là Tiền hiền, tộc Nguyễn Ngọc là Hậu hiền. Đây là những cư dân đầu tiên sống ở lâu đời trên mảnh đất này, có công khai phá, biến mảnh đất hoang vu thành những thửa ruộng màu mỡ phục vụ cho cuộc sống. Những địa danh Ngã ba Cai Lang, Ngã ba Cây Quăn, Đình làng Thạc Gián, Hầm Bứa, Kiệt Tiến Thành, Xóm Giếng đôi, Bàu Lác, Bàu Hạt, Bàu Sen đã đi sâu vào ký ức của mỗi con người Thạc Gián xưa và nay.

Năm 1858 thực dân Pháp xâm chiếm nước ta, chúng lấy tên Thạc Gián đặt xã hiệu. Cách mạng tháng 8/1945 thành công, Đà Nẵng là đơn vị hành chính thuộc Ủy ban hành chính Trung Bộ, Thạc Gián trở thành Khu Phan Thanh.

Tháng 7/1954 Hiệp định Giơ ne vơ được ký kết, đất nước tạm thời chia làm 2 miền, Đà Nẵng thuộc quyền quản lý của chế độ ngụy quyền Sài gòn, xã Thạc Gián  chia thành 02 khu phố là Thạc Gián và Tân chính. Khu phố Thạc Gián có các khóm: Tam Giác, Trung bình, Trung lập, Tân Lập, Vĩnh An, Trung Hòa, Tân An, Tân Ninh.

Sau ngày 29/3/1975 Thành phố Đà Nẵng được giải phóng, Khu phố Thạc gián chia thành 02 phường: Thạc Gián và Vĩnh Trung thuộc Quận II, tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng. Tháng 4/1978 Thạc Gián là một trong 28 phường của Thành phố Đà Nẵng thuộc tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng.

Ngày 23/01/1997 Đà Nẵng là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, Thạc Gián là một trong 08 phường của Quận Thanh Khê (nay 10 phường).

Trên địa bàn Thạc Gián hiện có 04 tôn giáo: Phật giáo, Thiên chúa giáo, Tin Lành, Cao Đài; có 02 Chùa Viên Quang và Tâm Giác, 01 Hội Thánh Trung Lập. Đồng bào các tôn giáo sống “Tốt đời, đẹp đạo”, “Sống phức âm trong lòng đân tộc”.

Với truyền thống giàu lòng lòng yêu nước, anh dũng đấu tranh, thời kỳ chống thực dân Pháp, Thạc Gián là nơi có nhiều cơ sở nuôi giấu cán bộ, chiến sỷ cách mạng hoạt động ngay trong lòng địch; nhiều con em tham gia chống giặc cứu nước. Tháng 3.1940 Chi bộ Đảng được thành lập tại đề-pô xe lửa trên địa bàn Thạc Gián. Đây là 01 trong 04 chi bộ của Quận Thanh Khê được thành lập thời kỳ đó; là nơi Thị ủy đầu tiên đóng cơ quan; nơi có lực lượng tự vệ được xây dựng sớm và hoạt động mạnh. Thạc Gián đã trở thành “căn cứ lỏm” tạo điều kiện cho các hoạt động chính trị, quân sự trong Thành phố Đà Nẵng, góp phần kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp.

Trong cuộc cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ và bọn tay sai bán nước, Thạc Gián cũng là mảnh đất che chở, nuôi giấu cán bộ, làm chổ dựa vững chắc cho các phong trào đấu tranh đòi thi hành Hiệp định đình chiến; chống chiến dịch “Tố cộng”, “sám hối”, “Luật 10/59” của chế độ Ngô Đình Diệm. Từ các phong trào, nhân dân Thạc Gián đã thêm một lần nữa chứng minh tinh thần đấu tranh anh dũng trong thời kỳ chống Mỹ. Cuối năm 1964 đầu năm 1965, chi bộ “độc đảm” được thành lập tại Thạc Gián để lãnh đạo nhân dân đấu tranh. Năm 1965 chi bộ “độc đảm” phát triển mạnh và đổi tên thành chi bộ Hoàng Văn Thụ.

Với tổ chức Đảng của chi bộ Hoàng Văn Thụ và với gần chục Chi bộ từ nông thôn vào (Điện Thọ, Điện Tiến, Điện Sơn), Thạc Gián là địa bàn hoạt động của cán bộ cách mạng và lực lượng Biệt động của Thành, của Quận tiến hành đấu tranh và tiến công địch nhiều nơi trong Thành phố. Có những trận đánh ngay trên địa bàn Thạc Gián làm lung lay ý chí của quân thù như trận đánh sập trụ sở Thanh niên Quốc Dân Đảng tại Ngã ba Cai Lang. Suốt 76 ngày đêm dưới sự lãnh đạo của chi bộ Hoàng Văn Thụ khu phố Thạc Gián luôn là nơi sôi động của phong trào đấu tranh chống Mỹ ngụy. Năm 1969 và 1972 nhân dân Thạc Gián đã 02 lần cứu thoát đồng chí Nguyễn Thanh Năm (Năm Dừa) – Ủy viên Ban Thường vụ Đặc Khu ủy Quảng Đà.

Giữa một Thành phố lớn thứ 2 ở miền Nam, Mỹ – ngụy luôn luôn siết chặt kìm kẹp, cố tiêu diệt phong trào đấu tranh giành độc lập của nhân dân ta, nhưng Đảng bộ và nhân dân Thạc Gián nêu cao tinh thần bất khuất, anh dũng chiến đấu, thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Thà hy sinh tất cã chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ” và “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.

Qua hai thời kỳ kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược và bè lũ tay sai bán nước, cán bộ và nhân dân Thạc Gián được tặng danh hiệu “Căn cứ lỏm” kháng chiến và danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. 08 Huân chương giải phóng nhất, nhì, ba và 01 Huy chương giải phóng hạng nhất.

Mảnh đất, con người, truyền thống đấu tranh của nhân dân Thạc Gián sẽ mãi mãi là tài sản vô giá để lại cho hôm nay và mai sau.

Phát huy truyền thống anh hùng lực lượng vũ tranh nhân dân, từ sau ngày 29/3/1975 Thành phố Đà Nẵng được giải phóng, Đảng bộ và nhân dân Thạc Gián cùng chung tay, góp sức xây dựng cuộc sống mới. Với sự giúp đở của Quận và Thành phố, Thạc Gián đã chuyển đổi từ một vùng đất lầy lội sang một khu phố quy hoạch khang trang, nhiều nhà mới, nhà cao tầng được xây dựng. Từ chổ không có Trường học, Trạm Y tế nay có trường Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở, có cả Trường Đại học Duy Tân và Trường Cao đẵng Việt Tin đóng trên địa bàn phường. Trạm Y tế gần 10 năm đạt chuẩn Quốc gia, trong phường còn có Bệnh viện Hoàn Mỹ tạo điều kiện chăn sóc sức khỏe nhân dân. Công viên 29/3, Hồ Thạc là nơi vui chơi, tập thể dục, thể thao, giải trí của nhân dân Thạc Gián và các phường lân cận.

Từ một phường nghèo của Thành phố trước đây nay luôn dẫn đầu về thu ngân sách của Quân Thanh Khê.

Thạc Gián xưa chỉ có 04 con đường chính có tên Ông Ích Khiêm, Hùng Vương, Thống Nhất (Lê Duẩn) và Lý Thái Tổ còn lại là đường đất, kiệt hẻm nay với nhiều con đường mới mở và nâng cấp, có những con đường lớn như Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Tri Phương, Hàm Nghi, Lê Đình Lý. 100% kiệt hẻm được bê tông hóa và có điện chiều sáng

Cùng với quỷ “Vì người nghèo” và nguồn vốn của Nhà nước, của các tổ chức xã hội, từ thiện, Đảng bộ và Chính quyền phường luôn tìm cách hổ trợ, tạo điều kiện cho nhân dân làm ăn thoát nghèo. Là một phường của Quận thoát nghèo về trước 02 năm giai đoạn 2009 – 2013 theo chuẩn 500.000 đồng của Thành phố.

Công tác “đền ơn đáp nghĩa”, “uống nước nhớ nguồn” là lương tâm và trách nhiệm của Đảng bộ và nhân dân trong phường. Luôn chăm lo cho người có công cách mạng, các gia đình Thương binh, Liệt sỹ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, người về hưu, chế độ Bão trợ xã hội.

Công tác Quốc phòng, An ninh được Đảng bộ, chính quyền quan tâm lãnh đạo, xây dựng lực lượng công an, dân quân trong sạch vững mạnh, sẵn sàng chiến đấu và bảo vệ an ninh trật tự. Các phong trào“Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc” phát triển mạnh và đều khắp ở các khu dân cư. Vệ sinh môi trường được đảm bảo.

Công tác xây dựng Đảng, Chính quyền, Đoàn thể được chú trọng; Đảng bộ nhiều năm liền là “Đảng bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu”; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy sức mạnh tổng hợp của nhân dân để xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng của phường.

Những thành tựu trong quá trình xây dựng và phát triển của phường Thạc gián đã phát huy giá trị to lớn của một phường anh hùng, góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng và phát triển của quận Nhì trước đây và quận Thanh Khê cũng như của thành phố ngày nay; vì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh./.

LÊ VĂN

————————-

* (Bài viết có sử dụng những tư liệu trong cuốn “Lịch sử đấu tranh cách mạng phường Thạc Gián” – Nhà xuất bản Đà Nẵng năm 2005).

     


     

Mã QR Code ủng hộ vansudia.net


BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây