Giới thiệu khái quát quận 12
Quận 12 được công bố thành lập ngày 01 tháng 4 năm 1997 theo Nghị định 03/CP, ngày 6 tháng 1 năm 1997của Chính phủ trên cơ sở toàn bộ diện tích các xã Thạnh Lộc, An Phú Đông, Tân Thới Hiệp, Đông Hưng Thuận, Tân Thới Nhất, một phần xã Tân Chánh Hiệp; một phần xã Trung Mỹ Tây thuộc huyện Hóc Môn trước đây. Tổng diện tích đất tự nhiên 5.274,89 ha, dân số hiện nay 395.790 người (theo điều tra dân số tính đến 6/2009).
Quận 12 nằm phía bắc Thành phố Hồ Chí Minh với vị trí địa lý như sau: Phía Bắc giáp huyện Hóc Môn; phía Đông giáp tỉnh Bình Dương, Quận Thủ Đức; phía Nam giáp quận Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh; phía Tây giáp huyện Bình Tân; xã Bà Điểm. Có 11 phường trực thuộc là:
– Thạnh Xuân: diện tích 968,58 ha, gồm 25.732 nhân khẩu.
– Hiệp Thành: diện tích 542,36 ha, gồm 63.857 nhân khẩu.
– Thới An: diện tích 518,45 ha, gồm 26.020 nhân khẩu.
– Thạnh Lộc: diện tích 583,29 ha, gồm 28.567 nhân khẩu.
– Tân Chánh Hiệp: diện tích 421,37 ha, gồm 43.415 nhân khẩu.
– Tân Thới Hiệp: diện tích 261,97 ha, gồm 37.474 nhân khẩu.
– An Phú Đông: diện tích 881,96 ha, gồm 25.526 nhân khẩu.
– Trung Mỹ Tây: diện tích 270,63 ha, gồm 36.171 nhân khẩu.
– Tân Thới Nhất: diện tích 389,97 ha, gồm 44.894 nhân khẩu.
– Đông Hưng Thuận: diện tích 255,20 ha, gồm 36.261 nhân khẩu.
– Tân Hưng Thuận: diện tích 181,08 ha, gồm 27.873 nhân khẩu; được tách ra từ phường Đông Hưng Thuận (bao gồm khu phố 6, khu phố 7 và một phần khu phố 4, khu phố 5) theo nghị định 143/2006/ NĐ-CP ngày 23/11/2006 của Chính phủ.
Trong lịch sử mở cõi của người Việt, Hóc Môn – Bà Điểm được khai phá từ rất sớm. Theo tư liệu lịch sử ít ỏi còn lưu lại thì ngay từ đầu thế kỷ XVII từ năm 1623 – khi chúa Nguyễn lập đồn thu thuế tại Sài Gòn thì cư dân sinh sống tại vùng này đã khá đông. Dưới thời chúa Nguyễn và triều Nguyễn, Hóc Môn thuộc huyện Tân Bình vào năm 1698. Huyện Tân Bình lúc ấy rộng hơn 11.000km2, tức hơn 1/5 diện tích toàn Nam bộ (63.058km2) trải từ hữu ngạn sông Sài Gòn đến tả ngạn sông Vàm cỏ. Khi huyện Tân Bình đổi tên thành Phủ (năm 1808) gồm 4 huyện thì Hóc Môn thuộc huyện Bình Dương. Năm 1841, nhà Nguyễn lập huyện Bình Long thì Hóc Môn thuộc huyện mới này. Sau khi chiếm Nam bộ làm thuộc địa, người Pháp đặt ra các đơn vị hành chính mới trên vùng đất chúng cai trị gọi là Hạt, rồi Hạt tham biện, Hóc Môn thuộc Hạt tham biện Sài Gòn.
Dù là vùng đất trong hạt Sài Gòn nhưng Hóc Môn không là vùng đô thị hóa, vẫn là vùng nông thôn. Chính quyền thuộc địa xây dựng quốc lộ 22 chạy qua Hóc Môn lên Tây Ninh, sang Phnom Pênh phục vụ chính sách bóc lột thuộc địa. Đến thời Mỹ can thiệp vào miền nam, xâm lược nước ta bằng chính sách thực dân mới, chúng xây dựng xa lộ Đại Hàn (ngày nay là xa lộ vành đai ngoài) chạy ngang qua huyện Hóc Môn từ đông sang tây. Nhiều liên tỉnh lộ nối Sài Gòn với các tỉnh miền đông được xây dựng … tất cả các công trình giao thông này nhằm phục vụ các mục tiêu chiến lược của Mỹ và Ngụy quyền chứ không phải để đô thi hóa và phát triển kinh tế vùng Tây Bắc Sài Gòn. Thực dân Pháp và đế quốc Mỹ mưu đồ biến Hóc Môn thành vành đai, lá chắn bảo vệ phía Tây Bắc Sài Gòn. Lịch sử của vùng đất này trong hơn 100 năm kể từ khi tên thực dân Pháp đầu tiên đặt chân lên Sài Gòn năm 1859 và tên đế quốc Mỹ cuối cùng chạy tháo chân trên chiếc trực thăng rạng sáng ngày 30.4.1975, khẳng định vai trò của Mười tám Thôn vườn trầu là vành đai đỏ của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc với những địa danh đã đi vào lịch sử như Bà Điểm – An Phú Đông – Vườn cau Đỏ.
Quận 12 có hệ thống đường bộ với quốc lộ 22 (nay là đường Trường Chinh), xa lộ vành đai ngoài (nay là quốc lộ 1A ), các tỉnh lộ 9, 12, 14, 15, 16, hệ thống các hương lộ này khá dày, Quận 12 có cơ sở hạ tầng thuận lợi cho phát triển kinh tế – xã hội. Quận 12 còn có sông Sài Gòn bao bọc phía đông, là đường giao thông thủy quan trọng. Trong tương lai, nơi đây sẽ có đường sắt chạy qua. Vị trí này, cảnh quan này tạo cho Quận 12 không gian thuận lợi để bố trí các khu dân cư, khu công nghiệp, thương mại – dịch vụ – du lịch để đẩy nhanh quá trình đô thị hóa, phát triển kinh tế – xã hội, hướng tới công nghiệp hóa, hiện đại hóa.