Giới thiệu khái quát thị xã An Nhơn

Giới thiệu khái quát thị xã An Nhơn

Giới thiệu khái quát thị xã An Nhơn

. Vị trí địa lý:

Thị xã An Nhơn ở phía nam của tỉnh Bình Định, có toạ độ địa lý 13042 đến 13049 vĩ độ bắc và 109000 đến 109011 kinh độ đông; phía bắc giáp huyện Phù Cát; phía nam giáp huyện Vân Canh và Tuy Phước; phía tây giáp các huyện Tây Sơn và Vân Canh; phía đông giáp huyện Tuy Phước.

2. Đặc điểm khí hậu:

An nhơn thuộc vùng khí hậu nhiệt đới, được chia làm hai mùa rõ rệt. Mùa khô từ tháng 01 đến tháng 8, chịu ảnh hưởng của gió tây và gió tây nam. Từ tháng 5 đến tháng 8 có gió nam khô, nóng. Mùa mưa từ tháng 9 đến tháng 12 chịu ảnh hưởng của gió mùa đông bắc. Hằng năm, thường có mưa nhiều vào tháng 10, tháng 11. Tổng số ngày mưa trong năm là 130 ngày, độ ẩm tương đối trung bình 81%. Số giờ nắng trung bình trong năm là 2500 giờ. Số giờ nắng trung bình ngày từ 6-8 giờ. Nhiệt độ trung bình trong năm là 26,80C.

3. Đặc điểm địa hình – thuỷ văn:

Thị xã thuộc vùng đồng bằng của tỉnh Bình Định có xu hướng nghiêng từ tây sang đông với độ dốc không đáng kể, độ cao trung bình là 20m so với mực nước biển. Mạng lưới thuỷ văn tự nhiên phân bố khá đều với mật độ cao. Hệ thống hạ lưu sông Kôn chia thành hai nhánh Nam phái và Bắc phái, tiếp với sông An Tượng chia thành năm nhánh phân bố đều trên địa bàn thị xã, cùng với Hồ Núi Một và mạng lưới kênh mương nhân tạo đã tạo nên cảnh quan đa dạng, thuận lợi cho quy hoạch đầu tư xây dựng và phát triển toàn diện đô thị.

Picture1 - Giới thiệu khái quát thị xã An Nhơn

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH, PHÁT TRIỂN THỊ XÃ AN NHƠN

1. Giai đoạn cổ đại:

3 - Giới thiệu khái quát thị xã An Nhơn

Từ kết quả nghiên cứu khảo cổ học của Viện khảo cổ học và theo Đại Nam nhất thống chí, Bình Định nói chung và An Nhơn nói riêng thuộc đất Việt Thường Thị được hình thành sớm, tương đương với thời Tam Hoàng, Ngũ Đế của Trung Hoa. Vào đời Tần, đất An Nhơn thuộc Tượng quận, đời Hán đặt huyện Tượng Lâm thuộc quận Nhật Nam, đời Tuỳ đổi thành quận Lâm Ấp. Năm 803, An Nhơn là đất của hai thành Chà Bàn và Thị Nại thuộc nước Chiêm Thành.

Năm 938 đến năm 1470, nơi đây là vùng Kinh đô của Vương quốc ChămPa, có thành Đồ Bàn tồn tại 5 thế kỷ, từ thế kỷ XI đến XV. Năm 1471, vua Lê Thánh Tông tháng 4 chiếm thành Đồ Bàn, tháng 7 lập phủ Hoài Nhơn lệ vào Thừa tuyên Quảng Nam. Phủ Hoài Nhơn khi đó có ba huyện: Bồng Sơn, Phù Ly và Tuy Viễn. An Nhơn thuộc huyện Tuy Viễn.

2. Giai đoạn phong kiến:

Năm 1602, Chúa Nguyễn Hoàng đổi phủ Hoài Nhơn thành phủ Quy Nhơn. Phủ thành Quy Nhơn đóng tại thôn Châu Thành, phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn ngày nay.

Năm 1778, sau khi giải phóng các vùng đất từ Quản Nam đến Ninh Thuận, nhà Tây Sơn định đô ở An Nhơn, cải tạo và mở rộng thành Đồ Bàn, xây dựng thành Hoàng Đế. An Nhơn trở thành trung tâm chính trị của nhà Tây Sơn khi vua Thái Đức- Nguyễn Nhạc xây dựng thành Hoàng Đế.

Năm 1799, Nguyễn Ánh chiếm thành Hoàng Đế, đổi tên thành là Bình Định. Vua Gia Long lấy thành Bình Định làm trị sở của dinh Bình Định. Năm 1832, vua Minh Mạng lập phủ An Nhơn gồm các huyện Tuy Phước và Tuy Viễn, phủ lỵ An Nhơn đặt tại Hoà Cư, Nhơn Hưng, An Nhơn, đến năm 1852 phủ lỵ dời về An Thái – Nhơn Phúc.

Qua nhiều lần điều chỉnh địa giới và đơn vị hành chính, vào năm 1865, phủ An Nhơn có 4 tổng: Mỹ Đức(19 làng), An Ngãi(26 làng), Nhơn Nghĩa(28 làng), Háo Đức(35 làng). Năm 1939, phủ An Nhơn lập thêm 2 tổng mới, tách tổng Nhơn Nghĩa thành Nhơn Nghĩa Thượng và Nhơn Nghĩa Hạ, tách tổng Háo Đức thành Háo Đức Thượng và Háo Đức Hạ, phủ lỵ An Nhơn di chuyển về phường Bình Định ngày nay.

Trong suốt giai đoạn phong kiến, đất An Nhơn là nơi chứng kiến, ghi dấu ấn sâu sắc của nhiều sự kiện lịch sử, văn hoá lớn của đất nước nói chung và tỉnh Bình Định nói riêng.

3. Giai đoạn dưới chế độ thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược:

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, phủ An Nhơn đổi tên là phủ Nguyễn Trọng Trì, đến tháng 02 năm 1946, đổi phủ thành huyện, bỏ cấp tổng, sáp nhập 108 làng thành 31 xã. Đến tháng 4 năm 1947, huyện An Nhơn được sắp xếp lại thành 12 xã. Năm 1950, tách một phần phía Đông Bắc xã Nhơn Hậu thành lập thêm một đơn vị hành chính là xã Đập Đá.

Sau năm 1954, chính quyền Ngô Đình Diệm đổi huyện An Nhơn thành quận An Nhơn có 13 đơn vị hành chính gồm các xã: Đập Đá, Nhơn An, Nhơn Hạnh, Nhơn Phong, Nhơn Hậu, Nhơn Hoà, Nhơn Hưng, Nhơn Khánh, Nhơn Phúc, Nhơn Lộc, Nhơn Mỹ, Nhơn Thành, Nhơn Thọ.

4. Giai đoạn từ 1975 đến nay:

Sau năm 1975, tỉnh Nghĩa Bình được thành lập, quận An Nhơn được đổi thành huyện An Nhơn có 13 xã. Ngày 24/3/1979, Chính phủ có Quyết định số 127-CP thành lập thị trấn Bình Định trên cơ sở tách một phần diện tích xã Nhơn Hưng. Ngày 19/02/1986, Hội đồng Bộ trưởng( này là Chính phủ) có quyết định số 15-HĐBT thành lập xã Nhơn Tân trên cơ sở sáp nhập một phần diện tích của xã Nhơn Thọ và một phần diện tích của xã Nhơn Lộc. Ngày 26/12/1997, Chính phủ có Nghị định số 118/1997/NĐ-CP thành lập thị trấn Đập Đá trên cơ sở xã Đập Đá. Ngày 28/11/2011, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 101/NQ-CP thành lập thị xã An Nhơn và thành lập 5 phường thuộc thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định với tổng diện tích tự nhiên 24.264,36ha, 5 phường thuộc thị xã An Nhơn gồm: Bình Định, Nhơn Hưng, Đập Đá, Nhơn Thành, Nhơn Hoà. Hiện nay, thị xã An Nhơn có 15 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm 5 phường nêu trên và 10 xã: Nhơn An, Nhơn Phong, Nhơn Hạnh, Nhơn Hậu, Nhơn Mỹ, Nhơn Khánh, Nhơn Phúc, Nhơn Lộc, Nhơn Tân, Nhơn Thọ.

Qua các thời kỳ lịch sử, cùng với sự phát triển kinh tế – xã hội, dân số thị xã An Nhơn ngày càng đông, mật độ dân cư ngày càng cao. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, An Nhơn chỉ có hơn 70.000 dân; năm 1970, có 117.628 dân; năm 1975, có 133.300 dân, mật độ dân số 611 người/km2. Sau hơn 35 năm xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội, thị xã An Nhơn có tốc độ đô thị hóa nhanh, dân số hiện nay 178.724 người.

Sau hơn 25 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, nền kinh tế của thị xã liên tục tăng trưởng và phát triển, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. cơ sở hạ tầng kỹ thuật – xã hội của thị xã được quan tâm đầu tư. Quá trình đô thị hoá diễn ra mạnh mẽ, tạo sự thay đổi tích cực cho bộ mặt đô thị và nông thôn của thị xã. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên. Quốc phòng được củng cố, an ninh – chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Cùng với sự phát triển của cả nước, nhiều năm qua được sự quan tâm của Chính phủ, các Bộ, ngành trung ương, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh và sự phối hợp giúp đỡ của các Sở, ban, ngành tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã An Nhơn đã phát huy truyền thống tốt đẹp của đất kinh xưa, tinh thần yêu nước và cách mạng, tập trung khai thác tiềm năng và lợi thế, huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, tập trung chỉnh trang đô thị, phát triển kinh tế – xã hội, tạo bộ mặt thị xã An Nhơn mang dáng dấp của một đô thị đang phát triển.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây