Giới thiệu khái quát thị xã Hoàng Mai

thị xã Hoàng Mai

Giới thiệu khái quát thị xã Hoàng Mai

Hoàng Mai là Thị xã mới được thành lập của tỉnh Nghệ An, theo Nghị quyết 47/NQ-CP ngày 03 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ, trên cơ sở chia tách một phần diện tích tự nhiên và nhân khẩu của huyện Quỳnh Lưu; phía Đông giáp biển Đông, phía Tây và Nam giáp huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), Bắc giáp huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa); cách Thủ đô Hà Nội 210 km, thành phố Thanh Hóa 77 km; thành phố Vinh 80 km. Thị xã Hoàng Mai có diện tích 169,75 km2, dân số năm 2013 là 105,8 nghìn người, chiếm 1,03% diện tích và 3,53% dân số toàn tỉnh Nghệ An với 10 đơn vị hành chính (gồm 5 phường: Quỳnh Thiện, Quỳnh Dị, Quỳnh Phương, Quỳnh Xuân, Mai Hùng và 5 xã: Quỳnh Vinh, Quỳnh Lộc, Quỳnh Lập, Quỳnh Liên, Quỳnh Trang).

Với lợi thế về các mỏ đá, mỏ đất sét, cảng biển, đường Quốc lộ 1A, đường sắt Bắc – Nam chạy qua… Hoàng Mai có thế mạnh lớn về ngành công nghiệp vật liệu xây dựng, hiện trên địa bàn có nhà máy xi măng Hoàng Mai 1 công suất 1.2 triệu tấn/ năm, đang xúc tiến đầu tư nhà máy Hoàng Mai 2 công suất 4.5 triệu tấn/năm. Mỏ đá ở đây còn cung cấp cho nhà máy xi măng Nghi Sơn. Ngoài xi măng, còn có các nhà máy sản xuất bột đá trắng, gạch tuynel, Dự án nhà máy gạch không nung công suất 400 triệu viên/năm của Vicem cũng đang được triển khai tại KCN Đông Hồi. Bên cạnh đó Hoàng Mai cũng đang triển khai các dự án lớn khác như, Dự án tổ hợp nhiệt điện Quỳnh Lập có tổng vốn đầu tư trên 2 tỉ USD, dự án của Tập đoàn Tôn Hoa Sen tại KCN Đông Hồi với tổng số vốn trên 7.000 tỷ đồng, dự án của Tập đoàn May mặc Việt Nam tại xã Quỳnh Vinh…

Ngoài những lợi thế để phát triển công nghiệp, Hoàng Mai còn là một vùng địa linh nhân kiệt, nơi đây không chỉ có thiên nhiên hùng vĩ và nên thơ mà con người cũng rất đỗi hào hòa và anh hùng. Đến với thị xã Hoàng Mai mọi người không chỉ được ngắm nước trông non, được khám phá hồ Vực Mấu, được tắm biển Quỳnh (Quỳnh Lập, Quỳnh Phương, Quỳnh Liên) và được chiêm ngưỡng nhiều di tích Lịch sử – Văn hoá – Tâm linh mà điển hình là di tích đền Cờn được nhân dân khắp mọi miền đất nước coi là linh thiêng bậc nhất xứ Nghệ – nơi có công trình kiến trúc cổ, tọa lạc ở địa thế sơn thủy hữu tình. Mọi người sẽ còn được khám phá nhiều bí ẩn về thiên nhiên, về lịch sử, văn hoá và con người nơi đây; được hoà mình vào trong cuộc sống của cộng đồng dân cư bản địa để lắng nghe và trông thấy bao nhiêu điều mới lạ, hấp dẫn và quyến rũ. Nhiều cảnh quan kỳ thú như nơi có bãi cát trắng nước trong – bãi đá Quyết Tiến, Quỳnh Phương, nơi được người dân nơi đây xem là “kỳ quan” thiên nhiên ở địa phương; Hang Hỏa Tiễn – Nơi ghi dấu chiến công và sự hy sinh anh dũng của 33 liệt sỹ TNXP trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Được thăm thú các làng nghề nổi tiếng như Làng nghề chế biến nước mắm ở Quỳnh Dị, Làng nghề chế biến thủy hải sản ở Quỳnh Phương…

Nắm bắt xu thế phát triển và những lợi thế sẵn có của mình, mục tiêu của cấp ủy Đảng, chính quyền thị xã Hoàng Mai là xây dựng Hoàng Mai sớm trở thành cực tăng trưởng phía Bắc của tỉnh Nghệ An đặt trong tổng thể vùng Nam Thanh – Bắc Nghệ; trên cơ sở khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của Thị xã, đảm bảo tầm nhìn dài hạn trong phát triển theo hướng đột phá, tăng tốc trong các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị…Sớm xây dựng Hoàng Mai trở thành một đô thị lớn phía Bắc tỉnh Nghệ An gắn với những tác động của các dự án lớn vào vùng kinh tế Nam Thanh – Bắc Nghệ.

Làng nghề vào Tết 

Được chế biến theo phương pháp gia truyền, lại áp dụng các tiêu chuẩn về đảm bảo an toàn thực phẩm, các sản phẩm từ làng nghề chế biến hải sản của thị xã được khách hàng và thị trường ưa chuộng, tin dùng. Vào dịp Tết Nguyên đán, bà con làng nghề càng bận rộn chuẩn bị nguồn hàng, các phương tiện vận tải của địa phương và từ khắp nơi đến, kịp thời cung ứng sản phẩm phục vụ nhu cầu thị trường Tết.

Dịp tết Nguyên đán này, cơ sở chế biến nước mắm, mắm tôm gia truyền Xân Thơ của bà Trần Thị Thơ ở làng nghề chế biến hải sản Phú Lợi, phường Quỳnh Dị đóng chai hơn 1.200 lít nước mắm, 200 kg mắm tôm, trị giá gần 200 triệu đồng cung cấp cho khách đặt hàng trong và ngoài tỉnh lấy tiêu dùng và bán trong dịp Tết. Đây là thời điểm bận rộn nhất trong năm không chỉ đối với cơ sở sản xuất của bà mà còn của làng nghề, bởi nhu cầu của thị trường khá lớn. Bà Thơ cho biết “Được thừa hưởng nghề từ ông cha truyền lại, gia đình luôn tâm niệm, người ta ăn cũng như mình ăn, nên nguyên liệu làm nước mắm, mắm tôm do ngư dân địa phương đánh bắt về được lựa chọn kỹ lưỡng từ năm trước, đang tươi nguyên và không ướp đá. Áp dụng phương pháp chế biến theo bí quyết gia truyền, đảm bảo quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm nên nước mắm, mắm tôm thành phẩm có mùi thơm ngào ngạt, độ đạm cao, đạm đà, vị ngọt bùi dễ chịu, được khách hàng ưu chuộng”.

Hiện nay, làng nghề chế biến hải sản Phú Lợi có tổng số hơn 140 hộ làm nghề với trên 400 cơ sở sản xuất, chuyên chế biến nước mắm, mắm tôm, phơi khô, hấp sấy cá, chế biến hải sản đông lạnh. Sản lượng nước mắm đạt trên 2 triệu lít/năm, mắm tôm đạt trên 400 tấn/năm, cá hấp sấy, phơi khô đạt trên 1.100 tấn/năm, hải sản đông lạnh đạt trên 300 tấn/năm. Riêng dịp tết Nguyên đán này, dự kiến bà con làng nghề Phú Lợi sẽ cung cấp cho thị trường khoảng hơn 70.000 lít nước mắm, 100 tấn mắm tôm, ngoài ra còn có các sản phẩm phơi khô, hấp sấy và đông lạnh khác.

Cùng với làng nghề chế biến hải sản Phú Lợi, phường Quỳnh Dị, phường Quỳnh Phương hiện có 625 tàu thuyền đánh bắt xa bờ, sản lượng đánh bắt khoảng 15.000 tấn hải sản mỗi năm, là nguồn nguyên liệu phong phú để phát triển nghề chế biến hải sản ở làng nghề Phương Cần. Hiện nay, làng nghề có hơn 480 hộ, trong đó có gần 270 hộ tham gia làm nghề  (75 hộ chuyên chế biến nước mắm với sản lượng trên 300.000 lít/năm, 50 hộ chuyên sản xuất mắm tôm sản lượng 350 tấn/năm, 50 hộ chuyên phơi sấy cá với 300 tấn/năm và 25 hộ đầu tư kho đông lạnh với lượng cá lưu chuyển qua kho khoảng 3.000 tấn/năm). Sản phẩm được tiêu thụ ở khắp các tỉnh trong Nam, ngoài Bắc và xuất sang cả thị trường nước ngoài như Thái Lan, Trung Quốc, Campuchia, Lào… cho giá trị hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Để phục vụ thị trường tết, bà con làng nghề chế biến hải sản Phương Cần, phường Quỳnh Phương cũng tích cực chuẩn bị nguồn hàng, nhiều cơ sở chế biến đã phải thuê thêm 3 – 4 nhân công mỗi ngày để làm công đoạn đóng nước mắm, mắm tôm vào chai, hoàn thiện các bao bì sản phẩm, cung cấp kịp thời cho khách hàng và thị trường.             

Để nâng cao chất lượng sản phẩm, giữ vững thương hiệu, uy tín với khách hàng. Hàng năm, Ban quản lý các làng nghề đã tích cực phối hợp với địa phương, các ngành tổ chức tập huấn kỹ thuật chế biến, các quy định, quy trình đảm bảo vệ sinh ATTP; khám sức khoẻ cho nghệ nhân và bà con làm nghề; hướng dẫn xây dựng mặt bằng chế biến sạch; đăng ký nhãn hiệu và chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Ông Nguyễn Đức Xân – Trưởng Ban quản lý làng nghề chế biến hải sản Phú Lợi cho biết: “Các sản phẩm chế biến hải sản của làng nghề luôn được khách hàng ưa chuộng, đặt mua thường xuyên trong năm. Và đặc biệt, Tết năm nay, bà con làng nghề lại càng phấn khởi hơn khi lượng hàng đặt mua càng nhiều; đời sống vật chất tinh thần của bà con làm nghề và số hộ khá, giàu ngày càng tăng lên. Trên cơ sở các chủ trương, chính sách, chúng tôi đang khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp, xây dựng các hình thức kinh tế tập thể, nhằm tạo điều kiện đảm bảo ổn định đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho người sản xuất”. Tin rằng với việc đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, thương hiệu nước mắm các làng nghề trên địa bàn thị xã sẽ ngày càng vươn xa hơn và cạnh tranh tốt với nước mắm công nghiệp trên thị trường.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây